<April 2025>
SunMonTueWedThuFriSat
303112345
6789101112
13141516171819
20212223242526
27282930123
45678910
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Hãy Vây Bút Như Người Xưa Đã Vây Bút
Tác giả: Lão Móc

Hãy Vây Bút Như Người Xưa Đã Vây Bút

Lão Móc

          Kim Thánh Thán, một nhà phê bình văn học nổi tiếng của Trung Quốc khi phê bình quyển “Tam Quốc Chí” của tác giả La Quán Trung, đã hết lời khen ngợi.

          Theo Kim Thánh Thán tiên sinh thì văn Tam Quốc Chí tuyệt hay. Hay ở chỗ khéo mở đầu, chuyển ý. Chẳng hạn có một đoạn chính văn thì sẽ có một đoạn chuyển văn để dẫn dụ. Sắp có một đoạn đại văn thì sẽ có một đoạn tiểu văn mở đầu.

          Hơn thế nữa, Tam Quốc Chí tuy là một tiểu thuyết với lối văn tự sự, nhưng lại rất gần với chính sử. Tam Quốc Chí nói về một thời đại trong lịch sử Trung Quốc, có sử liệu khảo chứng rõ ràng. Người đọc bị lôi cuốn từ đâu đến cuối như đọc một quyển tiểu thuyết hấp dẫn, vừa đi vào một cách gần như hoàn toàn chính xác ở chi tiết.

          Bàn về các nhân vật trong Tam Quốc Chí, tiên sinh cho rằng bộ sách này có “Tam kỳ” hoặc “Tam kiệt” tức ba nhân vật độc đáo. Đó là :

          - Khổng Minh Gia Cát Lượng ;

          - Quan Vân Trường ;

          - và Tào Tháo.

          Trong “tam tuyệt” mỗi người một vẻ. Khổng Minh là một bậc Quốc sư, Quan Công là một trang dũng tướng, Tào Tháo là một kẻ thiên hạ đệ nhất gian hùng.

          Bài viết này xin đề cập đến tài múa lưỡi giết gian thần của Thừa Tướng Khổng Minh Gia Cát Lượng như sau :

          “. . . Khổng Minh chiếm được 3 quận Thượng Khuê, Thiên Thủy, Ký Thành tiếng tăm lừng lẫy. Còn Tào Tuấn đang cùng chư tướng luận bàn thì có tin Hầu Mậu đã bị quân Thục đánh rốc qua nước Tây Lương, binh Thục lại đã ra khỏi Kỳ Sơn, đạo binh tiền bộ đã đến sông Vị thủy. Vương Lãng đề nghị Tào Chơn đi dẹp giặc. Tào Tuấn bèn phong cho Tào Chơn làm Đại Đô Đốc, phong Vương Lãng làm Quân sư. Chuẩn bị binh mã xong, nhắm Trường An tấn phát. Khi tới nơi, Tào Chơn truyền đóng quân nơi mé sông Vị Thủy. Vương Lãng thưa: “Ngày mai hãy cho quân sĩ chỉnh tề, cờ xí rợp trời để thị uy quân Thục. Sau đó tôi sẽ kêu Khổng Minh đến dụ y đầu Ngụy, làm cho y phải chấp tay qui thuận cần gì phải dụng binh lực.”

          Rạng ngày Tào Chơn kéo binh đến binh mã phân chia đàng hoàng rồi, Vương Lãng mới đến trước trại kêu quân Thục bảo :  “Chủ Tướng binh Thục hãy ra đây cho ta nói chuyện”.

Khổng Minh dàn trận, phía tả có Trương Bào, phía hữu có Quan Hưng, còn chư tướng đâu đó đứng hai hàng lẫm liệt. Khổng Minh sai quân đấy xe ra trước trận, tay cầm quạt lông, kêu binh Ngụy mà rằng :  “Kẻ nào muốn thỉnh ta đến xin hãy ra ngay !”.  

          Vương Lãng vội vã bước ra. Thấy Vương Lãng, Khổng Minh xá một vái. Vương Lãng bèn đáp lễ, và nói :  

          “Tôi nghe danh ông đã lâu. Ông là người hiểu rõ cơ trời, sao lại đem binh đến làm chi vậy ?”.

          Khổng Minh đáp :  “Ta vâng chiếu đi dẹp g iặc mà”.

          Vương Lãng nói :  “Trời đã định, thiên hạ sẽ về tay người có đức. Trước vua Hườn Đế, Linh Đế trị vì, rồi trào Hớn suy vi, giặc Huỳnh Cân quấy nhiễu. Lý Thôi, Quách Dĩ tranh hùng. Viên Thiệu xưng đế, Viên Thiệu chiếm Nghiệp quận, Lưu Biểu chiếm Kinh Châu, Lữ Bố đoạt Từ Châu, sanh linh đồ thán, vua Thái Tổ Võ Hoàng Đế của ta ra công dẹp yên tám cõi, trăm họ một lòng, muôn dân tùng phục. Vua Thái Tổ Văn Hoàng Đế là đấng anh quân, thuận lòng người, hợp ý trời. Nay ông có tài như vậy, sao không biết theo cơ trời. Nếu xếp giáp qui hàng chẳng những không mất ngôi Hầu, mà lại rạng danh tôi trung, há chẳng tốt lắm sao ?”.

          Khổng Minh vùng cười mà rằng :  “Ta tưởng ngươi là đại lão thần nhà Hớn có ý kiến cao minh gì, ai ngờ lại nói toàn lời hèn mạt. Nay ta có một lời hãy nghe cho kỹ :  “Xưa vua Hườn Đế, Linh Đế sở dĩ triều chính không an, ấy là tại bọn gian thần. Chính như bọn Huỳnh Cân, Đổng Trác với Lý Thôi, Quách Dĩ nối nhau chuyên quyền cướp giựt Hớn Đế. Ấy bởi nơi miếu đường cây mục làm quan, trước điện bệ cầm thú ăn lộc.

          Còn như ngươi vốn quê quán Đông Hải, lúc ban sơ đổ cử Hiếu liêm làm quan, ắt phải phò vua giúp nước, an Hớn hưng Lưu, có đâu lại phò quân nghịch như thế. Ta lại vâng chỉ dẹp giặc để khôi phục nhà Hớn. Vậy lão tặc hãy lui cho mau để bọn phản thần ra đây cùng ta đọ sức”.

          Vương Lãng nghe nói tức giận tràn hông, liền hét một tiếng hộc máu, nhào xuống ngựa mà chết. Binh Ngụy xốc tới ôm thây trở về”.

          Cách đây 25 năm, năm 1997, trên báo Thông Luận của ông trí thức Nguyễn Gia Kiểng ở Paris, vốn là một cựu Thứ Trưởng thời Việt Nam Cộng Hòa, có một bài báo kêu gọi hoà giải, hoà hợp nhưng lại viết với những lập luận mạt sát thậm tệ chế độ Việt Nam Cộng Hòa và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là chế độ đã ban cho ông ta quyền cao, lộc trọng. Tôi rất ứa gan khi đọc số báo này, và đã viết bài “Nỗi Buồn Của Cô Tư” có nội dung như sau :

          “Cô Tư Hồng, tay cừ khôi trong những bà xung phong làm kỹ nghệ lấy Tây, vốn là người có tài tháo vát. Một năm kia nghe tỉnh Quảng Bình mất mùa, cô chở ba thuyền gạo vào định tâm sẽ bán lấy giá cao, bất đồ bị chính quyền biết ý ra lệnh tịch thu. Cô liền tuyên bố là đem gạo vào với hảo ý phát chẩn cho dân đói. Nhân đó được vua ban hàm tứ phẩm, ông cụ thân sinh cũng được tặng phong. Ông Trần Bình đã mừng đôi câu đối:

              Mừng Cô Tư Hồng

          Bốn chữ sắc phong hàm cụ lớn

          Ba thuyền tế độ của bà to !

          “Hàm cụ” đối với “của bà”, thật xứng với hai người được ân thưởng.

          Về hai câu này, nhiều sách đã chép câu dưới là :  “Nghìn năm danh tiếng của bà to”.  Chúng tôi được bạn Dương Tấn Tươi cho biết câu của ông Trần là đúng: “Ba thuyền tế độ . . .”.  vì có sự kiện phát chẩn nói ở trên. Còn câu “Nghìn năm danh tiếng của bà to” chúng tôi đọc thấy ở cuối bài Đường luật của Yên Đỗ như sau, cũng tặng cô Tư Hồng :

          Giàu sang bà lớn thực trời cho

          Trời lại cho bà chữ tự do !

          Áo mạng, con đà ngôi mệnh phụ,

          Sắc rồng, cụ cũng mặt làng nho.

          Tóc sương, bực lão đành không kém,

          Má phấn đàn em dễ dám so !

          Khắp cõi trời Nam đều biết tiếng,

          Nghìn năm danh tiếng của bà to !

          Và Yên Đỗ còn mừng thêm câu đối nữa :

          “Có tàn, có tán, có hương án thờ vua, danh tiếng lãy lừng băm sáu tỉnh,

          Cũng biển, cũng cờ, cũng sắc phong cho cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người !”.

          Từ ngữ “Làm đĩ có tàn, có tán” có lẽ do ở câu đối này ra”.

          (Lãng Nhân, Chơi chữ, trang 40).

          Của bà to !  Hai ông nhà Nho thâm thật !  Nói gì thì nói, trong con mắt của mọi người, cái danh tiếng của cô Tư Hồng nhất định không phải là một danh tiếng hão !

          Trên số báo Thông Luận số 100, xuất bản tại Paris, có bài tham luận của nhà trí thức Vương Sử mang một cái tựa nghe cũng rất ư trí thức :  “Sự sụp đổ của Chủ nghĩa Cộng sản, sự trổi dậy của Chủ nghĩa Quốc gia và Vấn đề Hoà hợp Hoà giải Dân tộc hôm nay”.

          Trong bài viết này, nhà trí thức Vương Sử đã nhận định về chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa như sau :

          “. . . Chính nghĩa gì mà không được lòng dân ?  Dân chủ gì mà cũng chơi trò độc diễn và cũng hay ho gì khi mà đánh đâu thua đó và kết cục là bại trận thảm hại. Và khi thất bại thì đổ tội tại Cộng sản cưỡng chiếm . . .”.

          (Bài đã dẫn, Thông Luận số 100, 1-97-Paris).

          Nhà trí thức Vương Sử này cũng to mồm, mạnh miệng đấy chứ !

          Cũng trên tờ Thông Luận số 100 này, còn có một bài viết khác của đại chính trị gia Phạm Ngọc Lân. Ông Phạm Ngọc Lân đã trích lời của tôn sư Nguyễn Gia Kiểng :

          “Cô Tư Hồng, một gái giang hồ lấy viên Thiếu Tá Quân trấn người Pháp tại Hà Nội và trở thành một mệnh phụ phu nhân kiểu mới . . . Trong guồng máy của Quốc gia Việt Nam thời Quốc trưởng Bảo Đại, đại bộ phận guồng máy nhà nước gồm những người mà ta có thể xem như những đứa cháu nội, cháu ngoại của cô Tư Hồng . . .”.

          Sau khi cẩn thận trích dẫn lời của tôn sư Nguyễn Gia Kiểng đã phát biểu mấy năm trước, ông Phạm Ngọc Lân long trọng nhận định :  “Đến chính quyền Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu, họ quá tầm thường và đã chọn con đường tiếp tục sự nghiệp của những đứa cháu nội, cháu ngoại của cô Tư Hồng thay vì tiếp tục dựng nước và giữ nước từ ngàn năm trước của ông cha . . .”.  (Phạm Ngọc Lân, Thông Luận số 100 – tháng 1-97).

          Cửa hàng công tư hợp doanh Thông Luận của trí thức Nguyễn Gia Kiểng trước đây có rao bán món hang Hòa hợp Hòa giải nhập cảng từ Hà Nội. Kế đó lại rao bán nhà phản đảng cò mồi Bùi Tín. Năm sau lại chưng món hàng Nguyễn Hộ.

          - Kính thưa trí thức Nguyễn Gia Kiểng, các món hàng ấy có bán chạy không ạ ?

          - Ế ẩm lắm ông Móc ơi !  Nói ông nghe, hồi thời ông Tổng Linh, nhà nước có gửi ra ngoài món hàng Hòa hợp Hòa giải mà trong nước mới bào chế. Tôi và nhóm Thông Luận của tôi phụ trách bán món hàng ấy ở Paris. Khách hàng tới xem lật qua lật lại thấy chữ Made in Hanoi, họ bỏ đi ráo . . .

          - Kính thưa trí thức, thế còn nhà phản đảng cò mồi Bùi Tín ?

          - Nói thật với ông Móc, món này được cái mã ngoài sơn phết coi cũng tạm được. Kẹt một nỗi nhân viên cửa hàng Thông Luận chúng tôi đánh bóng có hơi mạnh tay, món hàng tróc mất lớp sơn đi nên có mấy khách hàng mua rồi họ đem trả lại, đành để mốc trong kho . . .

          - Kính thưa trí thức, thế còn món hàng Nguyễn Hộ ?

          - Mẹ !  Cái lão già này chơi xỏ bọn tôi !  Bọn tôi bên Paris này họp tác với trí thức Nguyễn Bá Long bên Canada, xúm vào công kênh lão ấy, đội hẳn lên đầu, suy tôn làm minh chủ. Ai ngờ đâu bọn tôi mới vừa quảng cáo xong là lão cứ ngồi ngay phía trên ị xuống rồi tếch đi mất, bỏ chúng tôi giữa chợ đời !

          - Kính thưa nhà cách mạng Phạm Ngọc Lân, trước năm 1975 Ngài sinh sống ở đâu ạ ?

          - Tôi ở Sàigòn ông Móc ạ. Sau 75 tôi hồi hương về bên . . . Tây, quê cha đất tổ của tôi.

          - Thưa nhà cách mạng, chắc Ngài có quen cô Tư Hồng nên biết rõ cháu nội, cháu ngoại của cô Tư ?

          - Biết đếch đâu ! Thấy thầy Kiểng nói tới cô Tư Hồng, thấy hay hay tôi cóp lại đăng báo cho nó có vẻ . . . cách mạng ấy mà !

          - Trước năm 1975, nhà cách mạng có phải đi lính tráng gì không ?

          - Không, tôi là Tây lai, quốc tịch Pháp. Chuyện lính tráng chết choc đã có người khác. Nước Việt Nam Cộng Hòa là nước mẹ, không phải quê cha của tôi, ông Móc ạ !

          - Kính thưa nhà trí thức Vương Sử, ông lúc trước ở đâu mà biết Việt Nam Cộng Hòa không có chính nghĩa ?

          - Ở miền Nam chứ ở đâu ! Tôi mở radio nghe đài Giải Phóng bảo miền Nam không có chính nghĩa. Nghe thế thì biết thế !

          - Kính thưa trí thức Vương Sử, ông nói Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đánh đâu thua đó, chắc ông trận mạc cũng nhiều ?

          - Cần gì phải ra trận mạc ông Móc. Ngồi nhà tưởng tượng cũng được rồi. Còn mỗi tối nghe đài Hà Nội loan tin chiến thắng. Mà hễ bên này thắng thì bên kia thua. Dễ biết quá mà.

          Của bà to, mà to như thế nào thì cả cụ Nguyễn Khuyến lẫn ông Trần Bình đều không chịu nói thẳng ra. Nhưng chắc chắn là phải to nên mới có người làm thơ, làm câu đối. Cái chuyện mập mờ của hai ông nhà nho làm cho không ít người thắc mắc, trong số đó có anh Móc mang tật tò mò trời cho. To cỡ nào ?

          To cỡ nào thì không biết nhưng chắc chắn một điều là cái ấy không thể to bằng những cái mồm của các thầy Thông Luận.

          - Ông Móc nói phải đấy !

          - Thưa cô Tư Hồng, tại sao cô lại nói là tôi nói phải ?

          - Còn tại sao gì nữa. To như thế nào thì tôi phải biết rõ hơn ai hết. Thế nhưng khi tôi thấy những cái mồm của các thầy Thông Luận kia thì tôi biết ngay là những cái mồm ấy nó to hơn của tôi !

          - Thưa cô Tư Hồng, tại sao cô biết ?

          - Sao lại không !  Những cái mồm mà phát ra được các đại ngôn như mấy thầy Thông Luận thì những cái mồm ấy phải to hơn, hoặc phải bằng với cái . . . cái . . . cái mà ông Nguyễn Khuyến nói ấy.

          - Thưa cô Tư, thế chắc cô Tư biết ông trí thức Nguyễn Gia Kiểng chứ ?

          - Biết chứ !  Ông ấy làm Thứ trưởng dưới thời của những người mà ông ấy gọi là cháu nội, cháu ngoại của tôi đấy ông Móc.

          - Thưa cô Tư, sao trông cô có vẻ không được vui ?

          - Chà !  Cái ông Móc này còn trẻ mà tinh mắt gớm !  Phải, tôi buồn lắm ông Móc ạ !

          - Sao thế, cô Tư ?

          - Nói ông Móc nghe, trước đây tôi được ông Trần Bình làm câu đối ca tụng, lại có ông Tam nguyên Yên Đỗ làm thơ, làm câu đối tặng cho tôi, tôi cứ tưởng là của tôi to nhất !

          - Thưa cô Tư Hồng, cho đến bây giờ thì cô vẫn . . . to nhất !

          - Ông Móc nói sai rồi. So sao được với mấy cái mồm của các thầy Thông Luận. Tôi buồn vì chỗ ấy đấy, ông Móc ạ !

          Tội nghiệp cho cô Tư Hồng quá !  Cô Tư có mỗi cái to thì lại bị những cái mồm của các thầy Thông Luận ghé vào mà tranh mất cái giải nhất.

          Thế thì ông Nguyễn Khuyến ơi, ông học cho lắm, đỗ cho cao rồi ông cũng sai bét !

          Nghìn năm danh tiếng . . . của bà to !

          Làm gì đến nghìn năm !  Chưa được trăm năm thì miệng mồm Thông Luận đã ngang ngửa với . . . của cô Tư rồi !”.

          Có một vài thân hữu đọc xong bài viết có trách là tôi viết . . . quá nặng tay ! Tôi có trả lời các vị này rất tiếc là tôi đã không có tài “vẫy bút” như tài “múa lưỡi” của ông Khổng Minh đã “múa” với Vương Lãng trong Tam Quốc Chí mà tôi đã kể lại ở đoạn trên !

          Bằng chứng là ông trí thức Nguyễn Gia Kiểng và cái gọi là nhóm “Tập Họp Dân Chủ Đa Nguyên” của ông ta vẫn sống nhăn răng và vẫn tiếp tục làm ô nhiễm không khí tranh đấu chống bạo quyền Việt Cộng bằng những bài viết với những lập luận chọc cho thiên hạ chửi để được nổi danh !  Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó :  Cuối cùng, ông trí thức Nguyễn Gia Kiểng đã tự giết ông ta khi ông ta phát hành quyển sách có tên “Tổ Quốc Ăn Năn”. Có nhiều người đã lên tiếng phê bình về quyển sách này nhưng cũng không ai có tài vẫy bút như Khổng Minh múa lưỡi đối với Vương Lãng ;  nhưng, ông trí thức Nguyễn Gia Kiểng đã tự sát với quyển sách này. Đối với hải ngoại hiện nay, ông trí thức Nguyễn Gia Kiểng chỉ còn là một thây ma chính trị !

          Khi tên thợ cãi vô lại Dương Thành Lợi tiếm chức Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và công khai xóa bỏ lần ranh Quốc Cộng, với những bài viết, tôi đã làm cho tên thợ cãi vô lại “thổ huyết lương tri”, trốn chui trốn nhủi một cách nhục nhã. Lâu lâu, đến hẹn lại cố tru lên chẳng ra làm sao cả. Lại cũng có văn hữu trách tôi :  Sao quá nặng tay ?

          Với một kẻ phá nát Văn Bùt Việt Nam Hải Ngoại – còn hơn cả tên nhà báo “phân bắc, phân xanh” Nguyễn Hữu Nghĩa – như tên thợ cãi vô lại Dương Thành Lợi, viết như thế là còn nhẹ.

          Ông bà ta có câu :  “Bụt nhà không thiêng” vô cùng chí lý !  Lão Móc đã làm chuyện vô bổ khi viện dẫn tới chuyện Thừa Tướng Khổng Minh Gia Cát Lượng của thời Tam Quốc ở tuốt luốt bên Tàu “múa lưỡi” giết chết Vương Lãng để đề nghị với các vị cầm bút chân chính ở hải ngoại Hãy Nên Vẫy Bút Như KHông Minh Múa Lưỡi !

          Cần quái gì phải đi đâu cho xa như thế. Chỉ cần giở lại sử sách Việt Nam thời cận đại chúng ta có ngay Kinh lược sứ Phan Thanh Giản chỉ cần vẫy bút viết ra 8 chữ là đã đoạt mạng Tiến sĩ Phan Hiển Đạo.

          Chuyện là như vầy :

          “Phan Hiển Đạo là người Mỹ Tho, đổ Tiến sĩ, làm Đốc học chánh tại tỉnh nhà. Sau Hòa ước ngày 5 tháng 6 năm 1862, ước hẹn cùng Tôn Thọ Tường ra giúp tân trào. Trước khi ra có đến yết kiến cụ Phan Thanh Giản, được cụ phê vào giấy yết kiến 8 chữ :  “Thất thân chi nữ, hà dĩ vi trinh” (tạm dịch :  Con gái đã lấy người thì còn gì trinh tiết?) ;  về nhà tự tử !”.

          Xem ra mấy ông trí thức ngày xưa đúng là . . . sĩ diện hảo !  Chỉ vì 8 chữ của cụ Phan Thanh Giản mà ông Tiến sĩ Phan Hiển Đạo về nhà tự tử.

          Ngày nay, có những ông Tiến sĩ “Bác Hồ”, những ông Thẩm phán “Việt gian” làm những việc còn bệ rạc hơn tác giả quyển sách “Tổ Quốc Ăn Năn”, có những ông đã từng là Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Thủ tướng, Đại Tướng, Thiếu Tướng, v.v...  của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa làm những chuyện mà dư luận nguyền rủa không biết để đâu cho hết mà vẫn tiếp tục sống tỉnh bơ như những kẻ mắt mù, tai điếc !

          Có cả một thằng Đại Tá mà nó và cả gia đình nó sống nhờ vào Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa của cả hai chế độ Cộng Hòa ;  nay lại ra sức miệt thị, sỉ nhục từ binh sĩ đến Tướng, Tá đã hy sinh trong Tháng Tư năm 1975 để được tiếp tục “sự nghiệp ăn fund cả đời” của nó.

          Xin lỗi các vị cầm bút chân chính với mục đích tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ, nhân quyền xin tha lỗi cho tôi vì tôi đã đề nghị với quý vị một việc mà chính tôi cũng không thể làm được.

          Cũng xin tiếp tục thỉnh cầu :  có vị nào làm được, xin làm dùm :  Hãy Vẫy Bút Như Cụ Phan Thanh Giản Đã Vẫy Bút !  Dù rằng, có thể những kẻ sĩ như Tiến sĩ Phan Hiển Đạo ngày nay đã tuyệt giống !

          Lão Móc

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Vài Nét Về Nhạc Sĩ Trúc Phương
Thiền Sư và Tiên Ông
Lý Lăng - (Riryô, di cảo, 1943)
Tình người nơi chiến địa
Anh lính nghĩa quân gác cầu ông Đụng
Công viên buồn
Ăn Của Rừng - Rưng Rưng Nước Mắt
Máu trong tôi máu của bao người
Cổ Xưa Bánh Bác, Bánh Bó Mứt, Mãng Cầu
Sắc màu của cái chết
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
5581344
Có 0 Khách Đang Online