<February 2025>
SunMonTueWedThuFriSat
2627282930311
2345678
9101112131415
16171819202122
2324252627281
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Tửu Nhân . . . Hề Tửu Nhân
Tác giả: Phí Ngọc Hùng

Tửu Nhân . . . Hề Tửu Nhân

Phí Ngọc Hùng

          Dưới dẫy núi Con Thằn Lằn có quán cột tre cật, tường trát bùn trấu, mái lợp rơm. Đằng sau quán có cái ao nuôi vịt, một công đôi việc cũng để ngâm rượu cho mát. Chủ quán là con một ông đồ nát chữ. Số là bố ông mượn câu học kinh bất minh, bất như quy canh, là học sách không thông, không bằng về đi cầy để đặt tên cho ông.

          Bố ông người Đàng Trong, qua đây thấy thế đất gò bút nghiên. Cổng làng viết hai câu đối Bình bộ nghè địa đa thiểu kháchVãng lai đạo lý sĩ hiền môn, nôm na làng Nghè (1) hiếu khách là . . . kẻ sĩ. Ngỡ mình là kẻ sĩ thật, thế là bố ông ở lại bẻ chữ kiếm cơm. Vì đất Tức Mặc tú tài, cống sĩ đông như nêm cối nên không đủ vắt mũi đút miệng. Rồi thân già vác dùi nặng, quàng cái ách vào người với cái quán bát nháo trên. Quán ế ẩm, bố ông càng thất chí tợn, để mong dục phá sầu thành tu dụng tửu, là muốn phá thành sầu phải có rươu. Một ngày nốc rươu, ăn tiết canh vịt bị thổ tả, trống điểm canh tư, biết không qua nổi canh đọa. Định phận tại thiên thư, bố ông bò dậy, phều phào chỉ xuống gầm chạn cái túi bọc da trâu, bảo ấy là . . . “Tửu kinh. Đọan bố ông quy tiên.

          Tửu kinh chữ nghĩa rối rắm, đọc miết ông mới ngớ ra kinh sách truyền cách . . . nấu rượu Bàu Đá của đất Bình Định quê bố ông. Sau lễ thất tuần, vò võ một mình nhòm cái quán chết tiệt, ông bụng bảo dạ rằng phải cơ ngơi lại nghiệp nhà.

          Ông không đi cày mà làm nghề đóng cối, gọt chày. Với đầu gà má lợn thì ở làng quê chỉ có tiên chỉ, lý trưởng mới được gọi bằng ông. Còn cái nghề tay làm hàm nhai chỉ được gọi với cái tên phó mộc, phó nề, phó rèn, phó cối. Nhưng ông không đến nỗi dốt đặc cán mai vì có ít chữ nghĩa dằn túi của bố ông để lại. Làng lại nhiều chữ, có cả văn chỉ, văn miếu dềnh dàng, nên làng trên xóm dưới gọi ông là...ông phó Canh. Làm cho lắm tắm cởi truồng, danh phận với quán nhà, với bợm nhậu lúc này không ngòai bó gìò, gói nem và mấy cái móng trâu ninh nhừ. Qua bao năm tháng, mưa chan nắng dội, chợ làng Nghè vẫn thế. Thế nhưng nếu cả trấn Kinh Bắc có rượu làng Vân thì trấn Sơn Nam Thượng (Nam Định) có rượu gia truyền Bàu Đá thổ ngơi đất quê ông. Những vại rượu được gạn chắt từ mảnh đời bèo bọt của bố ông. Qua nghề nhà, thì ít nhất bố ông cũng để lại đời sau bốn vại Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu phân, Đông chí.

          Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật với phi tửu đồ bất thành trượng phu, bất tri tửu đạo bất hiền nhân. Nói cho ngay rõ ra ông cũng lậm cái giuộc của bố là thích quảng giao với những tao nhân mặc khách hay chữ để náo thị u lâm mạc luận. Cửa nhà đơn chiếc, vậy mà lắm khi ông giữ khách lại qua đêm để nửa vách đèn tàn luận cổ suy kim. Cái phiến tâm ông chỉ mong có ngày được kết nghĩa với một tửu đồ. Học bố ông câu chữ Nho mà ông quên tiệt, lơ mơ lỗ mỗ là . . . là sống cũng tốt, chết cũng tốt, nhưng sống uống rượu còn...tốt hơn. Tâm viên ý mã ông thế đó, vậy đấy.

          Vì vậy như ông đồ thâm, ông phó Canh bầy trò treo trên vách gần bếp bức tranh dân gian Đông Hồ để chiêu hiễn đãi sĩ. Tranh vẽ con gà sống thiến, lông đỏ, đuôi xanh, cổ ngóc lên như đang mổ . . .  chữ Dậu to đùng gần bằng . . . con gà nằm ngay góc bức tranh. Ông nghĩ nông chòen thời buổi này từ tổng lên huyện, chả ai nhiều chữ hơn bố ông nên biết quái gì chữ dậu. Đi vào văn chữ ông thấy họ chưa có chữ nào gọi là văn cả, chỉ độc một đám tò he, bét rượu. Có giỏi tới đây đọ chữ của bố ông, dẫu gì một thời cũng là ông đồ đất Bình Định nát chữ chứ đâu có bỡn.

          Và rồi chuyện xảy ra vào ngày vía bà Chúa Liễu với khách thập phương . . .

          Sáng sớm, vô tình ông dòm về hướng gò mả hoang già làng gọi là gò quần ngư. Ông đóan chừng từ giờ đến trưa, khách trẩy hội sẽ nườm nượp kéo về bến đò Tràng xế cửa quán ông. Chợt ông dòm thấy chiếc thuyền thúng đang chòng chành, chòng chành. Thuyền cập vào mé nước, thóang có ai đấy lần theo bậc đá dò dẫm đi về phía quán. Gần hơn nữa, ông thấy người nọ đầu quấn khăn tam giang bệch bạc, tay cầm nón cổ châu. Người ấy có vẻ ngang tàng khí phách lắm, trông chả ra dáng khách làng nho cho mấy. Ông nhẩm chừng, nếu là khách làng nho ắt hẳn là một...lão nho giả. Hôm nay lần mò tới thi thả thơ, thả chữ trong ngày hội phủ bà Chúa Liễu, hú họa vớ được giải lụa, kèm ba quan tiền kẽm để trả tiền đò ấy thôi. Nhưng lão lại phe phẩy cái nón cổ châu của các quan ở nội phủ mới lạ: Vì vậy ông nói chữ :  Bẩm, thỉnh rước quan . . . xơi nước.

          Lão nhấm nhẳng :  Hượm cái đã.

          Ve vé mắt đảo một vòng, lão bắt gặp chõ rượu đang âm ỉ ngồi thì lì trên ba ông đầu rau. Kháp với cái chõ là cái ống tre ngang để vắt rượu, từng gịot ti tỉ chẩy xuống cái vại nằm trên mặt đất phẳng lì. Ấy là rượu Hồng đào đất Quảng ông cất vội cho khách vãng lai. Lão đăm đăm ngó chừng bốn vại sành đậy nút chuối khô bày một hàng trên đất thô. Đồng thời lão gật gà, gà gưỡng ngó chừng bức tranh gà với chữ Dậu giây lát rồi cười đánh hậc một cái. Chả hiểu trời đâm thánh đục sao, lão lững thững đến vại Hồng đào, quẹt móng tay một nhát . . . Móng tay lão dài ngoằng như cụ đồ nhiều chữ, càng dài càng lắm chữ. Lão ngắm bức tranh, đắn đo cả một hồi lâu, như có gì suy nghĩ lung lắm. Rồi nheo mắt, đưa ngón tay dính bùn khô lên, không phải quẹt cái một nét ngang mà lão rất ư cẩn trọng . . . chấm vào chữ Dậu một chấm nhỏ bằng . . . hạt thóc.

          Ông ớ ra vì chữ Dậu, thêm cái chấm ra chữ Tửu.

          Nói cho ngay, qua bố ông, ông chỉ hay chữ tửu viết là dậu. Vì chữ dậu là chữ thuộc loại độc thể tự. Là tự hình, là hình vẽ một cái bình đựng đầy rượu, Ông chỉ hay biết có bấy nhiều và không hơn

          Trong khi ấy, lão đủng đỉnh :  Như nho gia ta đã dậy nễ bất khả sát kê vấn tửu bằng hữu, là đừng bao giờ hỏi bạn rượu có nên mổ gà chén chăng. Nhìn cái ao xa xa đằng sau nhà, lão kheo khảy :  Nhà bác có . . . vịt không. Ông chưa kịp nói dón chỉ có móng trâu thôi thì . . . Thì lão chỉ vào một vại rượu và nói trống không :

          - Ngon chăng, nhà bác cho một bát.

          Vừa nói lão vừa lôi trong túi vải ra . . . cái bát.

          Ông khựng lại, vì qua tửu đồ bạ vào quán nên ông học lóm được: Nho gia thời Lý thưởng trà gọi nho nhã là bát trà đời Lý, Cụ Nguyễn Trãi đi cống sứ mang bát . . . Bát Tràng sang Tàu nên Tàu gọi là bát An Nam hay nói chữ là Thố hào trản. Bởi khách rượu mót chữ thế...thế nên ông chả lấy gì làm lạ. Chỉ lạ một nhẽ, lão tới quán ông uống rượu lại mang theo ...bát ăn cơm. (xem tr 7)

          Vì vậy ông định ôm vại Hạ trưởng vừa đủ tuổi nhưng ông nghĩ ngữ này có hơi trái tính, ắt chả phải là tửu đồ. Thế nhưng lạ đời là lão cũng chiết tự được chữ tửu ở chữ dậu mà ra, hay lão là cố nhân một thời, một thưở nghĩa huynh, nghĩa đệ của bố ông. Vậy thì vạn sự bất như ý . . . ý ông là hãy để lão dùng tạm vại Xuân sinh còn non tháng, ông đóan già đóan non tửu lượng lão chẳng bao nhiêu.

          Ông bê vại rượu còn dính bùn khô đặt lên chõng tre . . .

          Lão chậm rãi cầm cái bát úp lên ngọn đèn hột đỗ đảo qua đảo lại hơ lòng bát. Tiếp, lão hờ hững rót ngang miệng bát và đợi rượu sóng sánh lắng xuống. Lão lâm râm :  Vội năm, vội tháng, ai lại vội ngày. Nhà bác có gì nhắm chăng ?. Đi vào để . . . hâm lại cái móng trâu, ông lây dây lão này đây . . . hâm hâm thật vì bố ông uống rượu có . . . hun lửa bát rượu hồi nào đâu !  Ông cúi xuống . . . hun lửa, ông vơ vẩn đến hôm nay có chọi trâu, có móng trâu, quán sẽ đắt như rươi. Ông vẩn vơ sáng sớm mở hàng, gặp lão, ông đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, bất nghi bất ngộ rằng :  Quái, tửu đồ là đây phỏng. Bước ra, ông ngồi ngay trước mặt lão và nhắc khéo :  Xin thỉnh quan bát rượu . . . lạt.

          Lạt mềm buộc chặt, lúc này lão mới lười biếng bê cái bát lên, nhưng không chịu nhấp cho một ngụm nhỏ, mà chỉ khà một cái và xóng xả :

          - Với mỹ tửu của nhà bác phải học thói tri kỳ vị, tri kỳ hương, tri kỳ ảo, tri kỳ linh. Ý tại ngôn ngoại của các cụ là dùng mắt nếm đươc vị ngon của rượu. Dùng tai nghe được hương thơm của rượu. Dùng mũi ngửi được sắc thái của rượu. Còn như dùng lưỡi để nếm thì là thói thường của phường tục tửu ấy thôi, thưa bác quán.

          Nghe luận về rượu nhà, ông rủa thầm, cái lão rách mép này rõ rách chuyện, vì chả ai . . . nghe được mùi bao giờ. Ông định gân cổ lên thì . . . thì bu nó ơi: Lão ấy hất cả bát rượu gia truyền của nhà ông xuống đất. Ngay chỗ...đàn kiến đang bò lổm ngổm đi kiếm gạo. Giời ạ, lũ kiến hốt hỏang bơi nháo nhào bò lên mép đất khô, nằm chỏng gọng lấy chân vuốt mặt, vuốt mũi rồi lăn cu đơ ra, chả biết trời trăng mây nước gì sất.

          Bây giờ lão mới thốt lên một tiếng nhỏ :

          - Chà, hơi gắt . . . Khí hơi già lửa đấy.

          Rồi lão lậu bậu một mình như ông không có mặt trong cõi phù sinh này :

          Chỉ có rượu Bàu Đá mới có thể sánh được với rượu Làng Vân nổi tiếng. Lão lau lách thêm :  Rượu làng Vân mỏng, rượu Bàu Đá dày. Rượu làng Ngang cũng hơi mỏng, dễ uống, tạm được. Rượu Hồng đào gợn lành, êm nhưng uống dễ chết người. Còn men rượu Kim Long nồng, dễ gây chuyện vì đất Quảng Trị khô cằn.

          Nghe thủng rồi, ông phó Canh sợ vãi đái ra quần vì thấy cụ đây sành về rượu thật chứ chả phải tay mơ. Nên ông định . . . tảng lờ, vừa lúc cụ khoát tay :

          - Tôi hỏi khí không phải, nhà bác cất rượu với gạo ta.

          Ông vội nói dối quanh :

          - Chẳng dấu gì . . . cụ, năm nay vụ Chiêm bị úng thủy . . .

          Ông quên bu mất nhè lão quan quả, quan cách gọi bằng cụ, vì trong đầu ông cứ bị ám ảnh cụ đây là người sành rượu, lắm chữ như bố ông. Ông không dám khoe mẽ rượu nhà mọi khi ủ tòan nếp Chiêm tháng mười, bã rượu trữ trong vại gốm làng Thổ Hà trấn Kinh Bắc để men giữ lâu ngày, thả xuống ao cả năm cho mát rượu.

          Ông lụi đụi thăm chừng :

          - Bẩm cụ quý quán ở đâu ta.

          Cụ cười khẩy, khẽ khàng :

          - Tôi người làng Ngừ .

          Ngừ với nghè, ông đơm chuyện :

          - Nhà cháu nghe hơi nồi chõ quý quán có thờ hai con cú, con cáo bằng đá đã thành tinh, nên chúng có thể biến thành người. Đêm mưa gió, chúng hóa thành một lão già đội nón rách, mặc áo tơi như một người hành khất.

          Cụ cau mày :

          - Hừm . . . Rõ nhảm.

          Thịt hầm vừa cữ, ông đơm ra đĩa, cụ lấy đũa thọc xuyên ngang cái móng và đưa lên miệng cắn từng miếng nhỏ. Cụ thảnh thơi kể lể :

          Là thế này . . . làng tôi thì ai chẳng biêt có lăng Ngừ thờ Thái sư Trần Thủ Độ. Trước lăng là hai bức tượng người nữ Chiêm Thành chầu hầu, giữa là mộ của thái sư. Trong lăng bầy dụng cụ sàng sẩy lúa gạo nào là dần, sàng, nong, nia bằng đá tròn, dẹt. Lại có bi ký tựa kiểu tam mục, rõ ra văn chỉ khoa mục . . .

          Gặm xong cái móng trâu, cụ ôn tồn tiếp :

          Từ ngôi mộ ngó ra phía gốc cây cổ thụ cả trăm năm có con cú to bằng con ngỗng lớn, con cáo to bằng con bê. Tất cả cú, cáo, dần, sàng, nong, nia đều được dân làng gọi bằng Ông. Ông Cáo nằm đối diện với ông Cú, có vẻ đăng đối tri kỷ lắm, còn để làm gì thì chỉ có giời biết. Chỉ biết rằng...

          Ông phó Canh lợn đầu cau cuối :

          - Chả ai lại đi thờ cáo với cú . . .

          Cụ thở ra, gắt nhẹ :

          - Úi dào . . . Như bác quán biết đấy, ngặt một nỗi tai trời ách đất ngập nước quanh năm, chỉ trồng được lúa của người Chiêm. Hai tượng Chiêm Thành và dần, sàng, nong, nia để trấn yểm cho mùa màng. Ấy là tôi học có bấy nhiêu.

          Cụ lẩn mẩn tiếp . . .

          Chuyện trấn yểm nghe già làng kể xưa kia có ông thầy Tàu qua đây tróc huyệt mắc nạn được ông Trần Lý, ông tổ họ nhà Trần đất Tức Mặc cứu. Ông thầy đền ơn bằng ngôi mộ thái đường, huyệt đế vương trường tồn vạn đại. Xong cáo biệt, hẹn khi nào nhà Trần tức vị, môn sinh thầy sẽ qua uống rượu mừng. Nhưng sau vì lụt lội, gặp lúc bãi lở nên quan tài trong huyệt bật lên, trong có bùa ở bốn góc. Bởi đa nghi, quan thái sư cho là có chuyện không hay chi đây. Trần Cảnh lên ngôi vua, môn sinh ông thầy Tàu y lời qua. Quan thái sư tiếp đãi nồng hậu, ban tặng vàng bạc, nhưng trên đường về ngài cho người chặn đường giết để cướp bộ phong thủy địa chí. Đọc xong, ngài lo ngại nhà Trần chẳng thể truyền tử lưu tôn đời đời kế thế vì ông thầy Tàu ghi chú trong bộ phong thủy địa chí nên cẩn trọng vì hiện có tên âm mưu phản tặc đang chờ thời cơ.

          Theo quan nha ra thưởng cho hay qua tập kỳ cổ dị chí thì chữ chỉ gốc gác tên phản tặc từ chữ khẩu mà ra. Vì thời gian đi đường với gió mưa nên chữ nét còn nét mất, nếu có hai nét sổ ẩmtửu đồ thì chả nói làm gì. Nay còn lại lờ mờ một nét ngang như cái đũa, chiết tự thựckhất thực nên tôi cứ phân vân mãi.

          Trở ngang đầu đũa, quẹt quanh mép, cụ đong đẩy :

          - Theo tôi chữ Trần, người Tàu đọc là chén. Nên tôi đồ là . . . một tửu đồ. Thế nên bấy lâu nay tôi có ý dò tìm . . .

          Ông len chân vào chuyện :

          - Hóa ra cụ . . .

          Cụ nhăn mặt :

          - Tôi chẳng dại lưu xú vạn niên vì mười mẫu thượng điền của quan nha ra thưởng vì lỡ không phải tên hành khất mà là gã tửu đồ thì sao đây. Tôi phân vân là vậy

          Vậy ra cụ cũng như ông, cũng đang đi tìm một tửu đồ. Nhưng ông có hơi búi bấn tí chút, người ta trà tam tửu tứ, cụ chỉ có bát rượu nhấp mãi cũng không ra cái hồn người, chỉ thấy nói chữ. Ông nghĩ vụng: Dám là tên hành khất lắm ạ! Ai biết ma ăn cỗ.

          Ông dón chuyện để có chuyện mà nói :

          - Mời cụ xơi bát nữa.

          Cụ phe phẩy cái nón, gật gù :

          - Rượu tri kỳ hương chứ bất tri kỳ vị. Thêm nữa tửu vô lượng, bất cập loạn, loạn ngôn thì rượu đây của nhà bác chẳng thua Lồ Phồn tửu đâu. Nhà bác khéo tay đấy.

          Ông phó Canh ớ ra nếu như cụ là tửu đồ thì sao đây nên lụng bụng: Cụ đây là . . .” . Cụ nhòm bức tranh gà có chữ Dậu, thêm cái chấm nay là chữ Tửu. Cụ lại lậu bậu một mình như ông không có mặt :  Tuý được viết là , với bộ dậu, nó sẽ . . . lúy túy đến say khướt. Lạn tuý là say khướt, túy quỷ hay túy  hán . . . bợm nhậu.

* * * * *

          Cả hai cứ . . . lụng bụng, . . . lậu bậu như vậy quên tiệt ngòai kia ở bãi đất trống nhóm đánh cờ người đang dàn quân. Ở trong này, ông khoe mẽ trận đồ năm nay cụ nghè làng Mộ Trạch làm tổng trịch thì cụ reo lên như ấm nước sôi :

          - Úi dào, rượu Hòang Mơ, cờ Mộ Trạch.

          Đẩy cái bát không sang một bên, cụ dòm dỏ :

          - Có đám Mộ Trạch, kéo theo đám Hòang Mơ về đây. Không chừng tôi với nhà bác có túc duyên gặp được kỳ tướng, kỳ tửu bất thế kỳ nhân cho mà xem. Thế nào họ chẳng nếm rượu của nhà bác. Mà nào họ đâu có hay đất nhà bác là đất tửu địa. Cứ nhìn cái ao nhà bác đằng kia thì biết ngay.

          Đang hiu hiu với gió thổi ngòai ao, ông không thấy con chó . . . què từ ngòai cửa nhẩy bước một vào quán. Bỗng cụ líu lưỡi :  Bác . . . bác . . . chó . . . thật. Ông chưng hửng quay lại vì ngỡ cụ mắng là . . . chó nên mặt đực như ngỗng đực. Chỉ con chó, cụ xuống giọng . . .

          Thật ra tôi biết bác không hay nó là giống Bối kiếm cẩu, lưng có giải lông từ đầu đến đuôi như cây kiếm. Theo Cẩu kinh, chó cực hiếm với tích tam nhật nhất tiểu điểm. Vì đúng ba ngày nó gác một chân lên gốc cây để đái đúng ở một điểm. Chỗ nó đái, sách gọi là huyệt cẩu thủy, nhưng phải đợi nó chết. Đúng giờ tuất mang xương cốt bố nhà bác táng vào đấy mai kia chúa biết mặt vua biết tên.

          Ông ngẫm nguội, quân tử ẩn hình, tiểu nhân lộ tướng nên chắc mẩm cụ là . . . thầy địa lý. Vì vậy mới mang bố ông tống táng vào . . . bãi nước đái chó, ắt hẳn mai kia rượu Bàu Đá nhà ông sẽ danh bất hư truyền, hơn hẳn rượu Hòang Mơ (Hà Đông), Kim Long (Quảng Trị) nhiều. Nhưng mấy thầy địa lý chỉ giỏi xoay ba cái đầu rau để ăn vạ nhà người ta. Nhỡ cụ nằm ì ở quán như mấy ông khách vãng lai ở lại qua đêm để nửa vách đèn tàn luận cổ suy kim thì bỏ bố. Nên ông..xoay qua chuyện đất đai để cụ vãi miệng về khai môn, trấn trạch để xem long mạch, xem huyệt đất để đặt lại mộ cho bố ông :

          - Cụ là thầy địa lý thì . . .

          Thì cụ chỉ hòm hõm về tửu địa . . .

          Theo Truyền nhân kỳ tửu địa, giống chó này đến tửu địa tất có kỳ tửu xuất hiện. Ăn ngay nói thật, thọat đầu thấy giải đất nhà bác thổ địa dài cong như lưỡi kiếm tôi đã nghi nghi. Nay nhìn cái ao nhà bác, nào khác gì cái hồ lô, sách gọi là tửu địa đấy.

          Cụ lễnh đễnh :

          - Tôi đi đã nhiều nơi, uống rượu mẻ bát thiên hạ chả thấy đâu. Nay cơ ngơi nhà bậc là tửu địa, thế nào cũng có kỳ tửu xuất hiện, bác cứ chống mắt lên mà xem.

          Nghe rồi, bất giác ngóng về phía gò quần ngư có bến đò, ông chỉ mong ngóng đám tửu đồ làng Vân, làng Mơ lũ lượt bước xuống thuyền.

          Ông đứng dậy tiếp khách và nhủ thầm, bản địa ông là đất vạn đại dung thân cho tửu đồ về đây quần hùng. Rượu sẽ đổ ngập sông, tràn ngang núi. Tửu khí ngất trời, mây không có chỗ ẩn thân. Âm khí thối đất, cỏ ba niên chẳng ngóc đầu lên nổi cùng kẻ còn người mất. Vì vậy ông nhìn ai cũng là tửu đồ. Như cụ đã dậy, đất nhà ông là tửu địa, với địa linh nhân kiệt, vì vậy ông đang lóng ngóng đợi một kỳ tửu bất thế kỳ nhân sẽ lừng lững đến quán ông đấu rượu.

          Vừa bước ra đón khách, ông bắt gặp một lão ăn mày mù đang ngồi bệt ngòai hiên tự lúc nào. Ông thoáng lạnh người, vì hồi nãy ông nghĩ vội :  Dám là tên hành khất lắm ạ !  Ai biết ma ăn cỗ” . . . Nay lão ăn mày này có mặt như . . . ma.

          Bất giác ông thuỗn người nghĩ ngợi mông lung . . .

          Rằng từ đời Trần lên đến giờ, đất Hành Thiện là đất văn học, rặt chẳng có ăn mày. Họa chăng làng Ngọc Động, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân, Trấn Sơn Nam Thượng. Ở đây xưa kia có lão ăn xin ngòai chợ, nhưng nát rượu. Một bữa quan viên ngoài đình đang đầu gà má lợn, lão xin chút rượu để nhắm suông cho đỡ thèm. Chẳng may gặp thằng mõ cầm con dao phay dư dứ :  Xéo, để bố mày chặt thịt gà không thì bố băm cho một nhát bây giờ. Cái đau của lão đến thằng mõ mạt nhất làng, nó là dân ngụ cư phải sống ở lều ngòai bìa làng ba đời mới được nhập cư mà nó còn coi rẻ lão vậy. Vì vậy lão uất khí thổ huyết mà chết. Trước khi về chầu Nam tào Bắc đẩu, lão trối trăn đời đời kiếp kiếp, làng này chẳng ai ngóc đầu lên nổi để có . . . gà nhắm rượu. Mà chỉ có nước tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành . . . như lão. Nhưng cũng may...may lão chết vào giờ linh nên được dân làng thờ là thần hoàng.

          Ông lẩn mẩn lão ăn mày làng Ngọc Động đã mồ yên mả đẹp từ tám kiếp nào rồi, bây giờ hồn ma bóng quế lão hẻo lánh tới quán ông để nhát ai đây. Hốt nhiên ông khựng lại vì chợt nhớ chữ tác đánh chữ tộ với chữ khẩu trong bộ phong thủy địa chí của ông thầy đia ;  lý Tàu Vì thời gian đi đường với gió mưa nên chữ nét còn nét mất, nếu có hai nét sổ ẩm . . . “tửu đồ.

          Ông bỏ cái ý nghĩ ấy ngay đi vì chả lẽ lão thông manh lại là . . . tửu đồ ? !.

          Bất giác dòm bát rượu cụ không uống hồi nãy, ông nhướng mắt về phía cụ dò chừng, cụ gật gật đầu . . . Ông định quơ cái bát mang đến cho lão. Bỗng cụ xuống giọng vừa đủ ông nghe :  Cung nhi vô lễ tất lao và xì xầm :  Hảo bằng hữu phải thết bằng hảo tửu. Chữ nghĩa không đo đầy lọ mực nhưng ông cũng hiểu cung kính nhưng thiếu lễ cũng sổ toẹt và dòm cụ. Cụ đứng lên vỗ tay vào cái ruột tượng, rồi ngồi xuống chõng tre và gạt cái bát không sang một bên, hiểu ý cụ có hơi rủng rỉnh. Hai tay bê vại Đông chí mà ông thương cơ ngơi nhà ông đã đến hồi mạt vận, gia cang còn vại này lại để lão . . . xơi. Vì vại Đông chí phải hạ thổ đúng ngày giữa đông là ngày dài nhất, đêm ngăn nhất. Ba năm sau mới đào lên, cũng đúng ngày dài nhất, đêm ngăn nhất Thế nên ông lẳng lặng để vại danh tửu bên lão và không quên hích vào đùi lão môt cái... Ông vừa định quay lại lấy cái bát của cụ ở trên chõng tre thì . . .

          Thì ông láo ngáo trông thấy vì . . .

          Vì lão mở cái bị cói, lấy ra cái bát sành. Ông nhủ thầm :  Bỏ bố, lại giống cụ nữa rồi . . .. Chưa hết, lão đổi thế ngồi, an nhiên tự tại trong thế kiết già. Lúc này lão mới lặng lờ thổi vi vu vào lòng cái bát. Tiếp, lão tẩn mẩn lấy vạt áo lau từ trong ra ngòai. Lão để cái bát xuống măt đất, bê vại rượu ngang tầm, dùng răng cắn nhẹ nhàng lôi tuột cái nút lá chuối ra. Ông ớ ra, vì với cái nút ấy, ông phải hì hục nhét vào cho chặt, dễ gì mà lấy ra nhẹ hều vậy. Vẫn chưa xong, lão nghiêng cổ vại ngang vai và từ từ chuyên rượu xuống cái bát. Lạ thật vì ông chả thấy gịot nào vung vãi ra ngòai. Lạ nhẽ nữa, nhè tay nghề như ông đổ rượu tồ tồ như thế...Thế nào cũng có tiếng ọc ọc như cóc ngậm thuốc lào ho khan vậy . . . Vậy mà lão rót không một tiếng động, ngay cả bọt tăm bằng mắt con rạm cũng không nốt. Quái thật, ông nhũn não nghĩ không ra.

          Lão lặng lẽ cúi gập lưng xuống, đầu gần sát đất. Với mười ngón tay, lão từ tốn đưa cái bát lên . . . Ông bụng bảo dạ, cái ngữ này chỉ to bằng quả bứa thôi mà làm gì phải bằng cả hai tay đến rõ khổ. Mà khổ thật, chưa chịu nốc ngay, lão nghểnh tai nghe ngóng động tĩnh trên không, tứ bề im ắng. Mắt lão hấp háy lặng lờ nhìn xa xa, dưới chân núi lầm thầm hơi sương trườn mặt đất từ cửa rừng bò ra cánh đồng...Chẳng hiểu nghĩ ngợi gì, như có gì u mặc lắm, lão chậm chạp đặt cái bát xuống. Ông chột dạ, hay lão chê vại Đông chí danh trấn giang hồ...trấn Sơn Nam Thượng quê ông.

          Làm như không biết đám tửu khách đang nhòm chừng. Lão sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn, vuốt lại cái nếp quần thô mà lúc này ông mường tượng ra tấm nâu sòng . . . Lão nhổ nước bọt vào hai lòng bàn tay, xoa xoa vào nhau như bắt ấn. Lão bưng cái bát lên, cũng với hai tay cùng vẫn từng ấy động tác như dâng hương khấn sớ. Gần đến cằm, tay này chuyển cái bát lên lòng bàn tay kia. Tay còn lại đưa xuống mu bàn tay có cái bát. Tất cả những động tác ấy nom thật nhẹ nhàng gần như quen thuộc của một tay sành rượu...lão đời. Vậy mà lão vẫn chẳng chịu ực ngay cho, mắt cứ đăm đăm vào mặt rượu gần như không sóng sánh, ngay cả một gợn sóng cũng không. Ông phân vân, cái bát rượu có gì mà nhòm. Ấy chưa kể, ấy chỉ là cái bát thô lại bẻ một miếng ở miệng bát, uống không khéo rách miệng như chơi. Vì giời ạ, lão . . . thong manh mà.

          Lão chậm rãi đưa ngang mũi, cái yết hầu thụt lên, thụt xuống. Rất nhàn nhã, thong dong với mõ sớm chuông chiều, rất phong thái thóat tục như sư cụ chùa làng Trong lắng đọng, lão thở ra và hít vào một hơi thật ngắn, và cũng thật nhẹ. Thế rồi mắt lão cứ hấp háy lim dim. Mặt cứ đờ ra. Miệng mấp máy như lâm râm tụng kinh. Được mấy khắc, lão thảnh thơi đặt cái bát xuống . . . Như lễ nghi kinh kệ đã hòan tất, lão bỏ cái bát vào cái bị cói, khật khờ đi về phía đám mồ mả.

          Bỗng không, ông mặt mày như chiếu ướt vì chợt nhớ ra nãy giờ lão đâu có uống gịọt nào ?  Bây giờ lại bỏ cái bát vào bị, rượu đổ ra không sợ ướt à !  Ông góp nhóp ngẫu sự này với cụ. Cụ gãi gãi tay ông và dẽ dàng nho nhỏ vào tai ông :  Hấp tửu sương. Xong cụ ngậm tăm, nên ông càng không hiểu tợn. Vì mải búi bấn với cụ nên ông không thấy con chó đang lò cò như cò ăn đêm sau lưng lão.

          Ông dòm theo lão, hồn vía ông nhao nhác, vì thóang như âm vọng từ . . . lão thì phải với tiếng còn tiếng mất vẳng lại :  Tửu nhân . . . hề tửu nhân. Cùng lúc như bị tự kỷ ám thị sao ấy. Dường như miệng cụ đang mấp máy câu gì ấy mà ông nghe lng thng :  Hề. . . . Tức Mặc tửu nhân khứ vô hồi. Hề . . . Tức Mặc tửu nhân khứ vô hồi.

          Trong khi đó, lão đang khật khờ bước một, cụ chỉ sau lưng lão . . .

          - Này các bác nhìn cho kỹ kìa . . .

          Đám tửu khách nhòm theo tay cụ chỉ, cụ chậm rãi . . .

          - Ấy đấy, lão đi trước, con chó theo sau.

          Chỉ vại rượu nằm lăn lóc dưới đất, cụ thong thả . . .

          - Nhẵn như đít nồi, bác nào rỗi hơi cứ thử hẵng hay.

          Nhẵn như đít nồi  . . .”, ông phó Canh chả hiểu ất giáp gì sất. Ông dòm đám tửu khách, mặt mày ai nấy đụt ra trông . . . thấy vì có ai . . . thấy gì đâu ?

          Lúc này cụ mới phe phẩy cái nón và nói :

          - Ấy là phép "Hấp tửu sương".

          Ông cúi xuống bê vại Đông chí lên thấy nhẹ hều, và giật mình thót người vì cạn đến trơ cả đáy. Chỉ đợi dịp này, cụ đi đến bên ông và nói một câu tròn vành rõ chữ . . .

          - Cái bát trong bị cũng nhẵn thín, thì đã bảo hảo tửu . . . tri kỳ hương, tri kỳ ảo mà. Nhà bác còn nhớ chăng ?

          Ngừng lại một lát, cụ lại nói chữ :

          - Thành giả, vật chi chung thủy, bất thành vô vật, nhà bác có lòng thành, lại có hảo tửu. Bây giờ nhà bác đã gặp ở đất tửu địa của nhà bác rồi . . .

          Chẳng nói chẳng rằng, tiện chân cụ gật gà gật gưỡng bước ra cửa. Cụ không quên nheo mắt ngắm bức tranh gà với chữ Dậu. Rồi cụ lững thững đi về phía gò quần ngư. Ông dòm cụ tay vừa cầm cái nón cổ châu có vẻ ngang tàng khí phách lắm, ông lại nghĩ hay cụ là quan viên trong phủ hội đồng văn bà Chúa Liễu ?

          Nhưng trong một thoáng . . .

          Thoáng cụ đây có nét thanh cảnh như . . . Ngài Thái sư.

          Theo bước chân cụ đang thong dong, trời đất trầm tiềm, đủng đỉnh muôn niên ngót hòanh cổ đại. Mặc dù ngài Thái sư Trần Thủ Độ về với thiên cổ đâu đó vào cái năm Ất Dậu ngày nào. Ông như đang đắm chìm trong nỗi quan hi, quan san của người về từ cõi u minh, u tịch . . . Ông thẫn thờ nhóng mắt về bến đò Tràng xế cửa quán ông, cái thuyền thúng đang . . . chòng chành trên sóng nước. Hốt nhiên người ngợm ông cũng muốn . . . chòng chành . . . chòng chành như cái thuyền thúng, vì . . .

          Cụ để lại. . .cái bát rượu.

          Ông sững người vì đập vào mắt ông trên chõng tre, cái bát rượu chơ vơ một mình. Ông lặng người đi đến mấy khắc và bồi hồi nhớ bố ông dậy năm nào: Cái bát này có tên thố hào trản vì trản là chén, hay chén Tống (Temmonlu) từ đời Tống để uống rượu. Đến đời Khang Hy vì . . . tửu lạc vong bần nên bị cấm chỉ, vì vậy chén để uống trà. Bố ông dậy sao ông chỉ biết vậy thôi.

          Nhưng thôi thế nào được, ông chụp vội cái chén và lật cái trôn lên, thì . . . Thì bố mẹ ơi, cái trôn có ấn dấu chữ triện đỏ Thiên Trường phủ chế. Quanh vành chén có hai câu thơ thủy mặc Vị thủy đầu can nhật, kỳ sơn nhập mộng thần. Ông ngẫn ngẫn, đồ nội phủ này như quen quen, như mới đâu đây. Nhớ lại hồi nhỏ ông theo bố ông hầu rượu quan thái sư, dường như ông đã thấy cái thố hào trản màu men Tống ấy rồi thì phải . . .

* * * * *

          Bất chợt ông lễnh đễnh dòm lên dẫy núi Con Thằn Lằn, đất trời u ám như chậu nước gạo đục, mây xám mỏng tang như bánh tráng trũng . . .

          Thạch trúc gia trang Quý Mùi 2003

          Ngộ Không Phí Ngọc Hùng (thêm bớt 2009, 2020)

          Nguồn :

          Nguyễn Bản, Chu Thiên, Văn Cao, Phạm Lưu Vũ, Vương Hồng Sển, Nguyễn Hữu Liêm, Nguyên Bá Độc Cô, Đặng Thân, Bàn Tài Cân, Đào Vũ Hoài.

          (1) Đúng ra làng này ở Hà Đông, thời Lê thuộc trấn Sơn Nam Hạ.

          (Trấn Sơn Nam Hạ gồm :  Thái Bình, Hưng Yên và Hà Đông.

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Nụ cười Việt
Tìm lại Oản xưa cho Tết Minh Lê (mlefood)
“Cờ Bạc Là Bác Thằng Bần”
Bích Câu Kỳ Ngộ
Kamala Harris Sẽ Là Một Thảm Họa Cho Hoa Kỳ
Đối Chiếu Kế Hoạch Kinh Tế giữa Donald Trump và Kamala Harris
Những Yếu Tố Nào Giúp Cựu Tổng Thống Trump . . . .
Cuộc Chiến Khó Khăn Của Trump
Sến ơi là sến !
Tại sao gọi là Ba Tàu ?
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
4961717
Có 0 Khách Đang Online