Bích Câu Kỳ Ngộ
Nguyễn Thị Mắt Nâu
Bích Câu là rạch nước trong xanh/
Kỳ ngộ là gặp gỡ mong manh lạ đời/
Văn thơ truyền kể xa vời/
“Bích Câu Kỳ Ngộ” một thời xôn xao/
Hoang đường câu chuyện hôm nao/
Thăng hoa tình tự đi vào hồn thơ.
- Vậy, Bích Câu Kỳ Ngộ nghĩa là gì ? - Và tác phẩm này nổi danh ra sao mà một thời trong văn học gọi là lãng mạn ? Và còn được đưa vào chương trình trung học ?
Trước hết, nghĩa chữ Hán của Bích Câu Kỳ Ngộ là “Cuộc gặp gỡ lạ lùng ở Bích Câu”.
Sau nữa, Bích Câu Kỳ Ngộ là tập tiểu thuyết bằng thơ, nguyên tác chữ Hán, xuất hiện trong Truyền Kỳ Tân Phả của nữ sĩ Đoàn thị Điểm. Nhưng cũng có người bảo tập này của Đặng Trần Côn.
Nhưng dựa trên nhiều tài liệu, thì vẫn khẳng định là của Đoàn thị Điểm. Và sở dĩ nó được đưa vào chuơng trình trung học vì bối cảnh của câu chuyện lãng mạn này hoàn toàn Việt Nam, không theo điển tích Trung Hoa như hầu hết các chuyện Tầu lãng mạn xưa Đoàn thị Điểm, Đặng Trần Côn/
Khen ai khéo vẽ thuyền buồm lênh đênh/
Truyền kỳ Tân Phả bồng bềnh
Trần Côn, Thị Điểm chênh vênh mạn đàm/
Trước đây, nhiều người, trong đó có Dương Quảng Hàm, Thanh Lãng, cho rằng thơ Bích Câu Kỳ Ngộ là của một tác giả khuyết danh.
Ngày xưa thơ chẳng đề tên/
Đời sau muốn nhớ muốn quên cũng phiền/
Làm thơ từ lúc sinh tiền/
Đến khi quá vãng bản quyền khuyết danh.
Theo các nhà nghiên cứu văn học, trong đó có : Trần Văn Giáp, Nguyễn Phương Chi, Hoàng Hữu Yên, Phạm Ngọc Lan, thì người sáng tác ra truyện thơ này là Vũ Quốc Trân, người làng Đan Loan, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, sinh sống ở phường Đại Lợi thuộc một phần của phố Hàng Đào Hà Nội, vào giữa thế kỷ 19.
Vũ Quốc Trân là người cùng thời với Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát. Vì thi đỗ mấy khoa tú tài nên người đời gọi là ông Mền Đại Lợi
Người ta tự hỏi tại sao người thi đỗ mấy lần tú tài lại gọi là ông mền Đại Lợi ? - Nhưng rồi cũng chỉ biết ông này sống ở phường Đại Lợi thuộc phố hàng Đào Hà Nội, rồi người đời gọi như vậy . . . thì . . . cứ là như vậy.
Tác phẩm Bích Câu Kỳ Ngộ là một tập truyện thơ dài 678 câu lục bát, kể sự tích về người học trò tên Trần Tú Uyên, gặp nàng Giáng Kiều đất Bich Câu.
Dương trần mà trời cũng se duyên/
Mênh mang duyên nghiệp như thuyền không dây/
Tình duyên trong cõi đời này/
Biết ai hay dở đắng cay thế nào/
Vui thì mộng mị trăng sao/
Buồn vương khóe mắt đi vào hồn thơ//.
Chữ Bích Câu nguyên nghĩa là ngòi biếc, (câu là cái ngòi, cái kênh, cái rạch, cái mương/ biếc là xanh biếc, là nước trong xanh) ngày nay Ngòi Biếc thuộc phạm vi Hà Nội.
Ngoài chữ Bích Câu mang nghĩa là ngòi biếc, còn ám chỉ ngày xưa ở vùng này có con rạch nước trong xanh chảy ra hồ Giám mà lương Sử Ngô Sĩ Liên xuyên qua phố Khâm Thiên. Và tương truyền chúa Trịnh Sâm đi từ phủ chúa gần ngã tư Quang Trung, Tràng Thi, bơi thuyền nương theo con rạch ngòi biếc để đến hồ Kim Âu, ghé đến thăm Nguyển Khảm (anh ruột Nguyễn Du) ở Văn Miếu.
Du thuyền thong thả ghé thăm nhau/
Người xưa lãng đãng ủ màu tình thân/
Đôi câu chuyện vãn ân cần/
Trần gian lơ lửng tình trần lãng du.
- Về sau tập thơ tiểu thuyết Bích Câu Kỳ Ngộ được dịch qua chữ nôm, và bản dịch chữ nôm quá xuất sắc, thành công về mặt nghệ thuật, cho nên bản nôm được phổ biến rộng rãi hơn cả nguyên tác chữ Hán.
Dịch từ chữ Hán mà ra/
Nhưng mà nguyên tác hóa ra không bằng/
Chữ Nôm dịch bản công thành/
Cho nên trần thế nức lòng mà theo/
Nguyên tác ì ạch trèo đèo/
Nhưng được người dịch tuyệt chiêu gieo vần.
Như thế để thấy rằng tài chuyển dịch từ thơ Hán qua thơ nôm của Đoàn thị Điểm hoặc Đặng Trần Côn thật tuyệt vời, cả về ý tứ, lẫn gieo vần.
Bàn về điều này là một điều dư thừa, lại không đủ tư cách bàn về diễn nôm của nền văn học Việt Nam trong thời quá khứ.
Nhưng theo Dương Quảng Hàm, phần nhiềucác truyện nôm cũ của Việt Nam thường mượn các điển tích trong sử sách hoặc tiểu thuyết Trung Hoa. Riêng Bích Câu thì không. Nội dung hoàn toàn mang bản sắc Việt Nam, không theo điển tích bên Tàu như những truyện truyền kỳ khác
Ngày xưa cái gì cũng Tàu/
Gió đưa mây nước quắc cần câu /
Ông cha mình cứ là như thế/
Ảnh hưởng thi ca ảnh hưởng Tầu/
Khuôn vàng thước ngọc toàn ước lệ/
Riêng Bích Câu Kỳ Ngộ chẳng thế đâu.
Bích Câu Kỳ Ngộ, câu chuyện truyền kỳ dưới triều Hồng Đức nhà Lê (thời vua Lê Thánh Tông, tại vị 1460 - 1497.
Thơ rằng : “Thành tây có cảnh Bích Câu/ Cỏ hoa góp lại một màu xinh tươi/
Đua chen thu cúc xuân đào/ Lựu phun lửa hạ, hoa chào gió đông/
Xanh xanh dẫy liễu ngàn thông/ Cỏ đan lối mực rêu phong đầu tiều/
Một vùng non nước đìu hiu/ Phất phơ gió trúc dập dìu mưa hoa/
Triều Lê đương hội Thái Hòa/ Có Trần công tử tên là Tú Uyên”/
Mười câu thơ dẫn nhập mở đầu cho tập truyện thơ Bích Câu Kỳ Ngộ - Theo giáo sư Dương Quảng Hàm, truyện chia làm 4 hồi, nội dung tóm lược như sau:
- Hồi 1 : Tú Uyên gặp Giáng Kiều về ốm tương tư :
Tú Uyên, một thư sinh nghèo, cha mẹ mất sớm. Có một lần, chàng đến Bích Câu, thấy phong cảnh đẹp bèn làm nhà ở đấy học. Một hôm nhân tiết xuân. Tú Uyên đi chơi hội chùa Ngọc Hồ, nhặt được một chiếc “lá hồng” có đề một câu thơ. Chàng định họa lại, thì thấy một thiếu nữ tuyệt đẹp trước cửa tam quan, chàng liền đi theo, nhưng đến đình Quảng Văn, thiếu nữ biến mất. Về nhà ngày đêm tưởng nhớ người đẹp sinh bệnh.
Chàng thơ được gặp người thơ/
Lại thêm chiếc lá ngẩn ngơ giữa dòng/
Lá hồng theo giải nước trong/
Người đẹp biến mất khiến lòng tương tư/
Tâm sinh bệnh tưởng phù du/
Chàng thơ sinh bệnh thiên thu não lòng.
- Hồi 2 : Tú Uyên kết duyên cùng Giáng Kiều :
Nghe tin Tú Uyên tương tư sinh bệnh, một người bạn đến thăm, khuyên rằng : Thôi bỏ đi, đừng tơ tưởng nữa . . . nhưng Tú Uyên không thể quên được người đẹp dù chỉ gặp một lần. Rồi chàng một mình thơ thẩn lần mò tìm đến ngôi đền Bạch Mã bói thẻ (không biết bói thẻ có phải là lắc thẻ xin xăm không). - Và đêm ấy ra về chàng nằm mộng, thấy hiện ra một vị thần dặn rằng, sáng mai ra cứ chợ Cầu Đông . . .
Nhân nhắc đến Cầu Đông, chúng ta liên tưởng ca dao dân gian có câu thơ vè lục bát vừa bỡn cợt, vừa nhạo báng châm biếm, bông đùa, vừa chơi chữ, vừa mang tính mai mỉa cười chê, chế riễu người phụ nữ đã đứng tuổi còn đi xem bói cầu duyên. Câu vè rằng :
- “Bà già đi chợ cầu Đông/ Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng/ Thầy bói gieo quẻ đoán rằng/ Lợi thì có lợi nhưng . . . răng không còn”. (Câu này nằm trong ca dao Việt Nam).
Rõ ràng mai mỉa đàn bà/
Chữ nghĩa nhạo báng thật là chua cay/
Cuộc đời phụ nữ không may/
Một chút vui thú là bị cay đắng liền.
Người Á Châu nói chung, người Việt Nam nói riêng, nặng quan niệm buộc chặt đời người đàn bà vào cuộc sống đa mang trách nhiệm và cúi đầu lệ thuộc. Người đời xưa quan niệm phụ nữ có mặt ở cõi đời, hầu như chỉ để sinh con, và phục tùng. NÓi rõ hơn là phục vụ cho cánh đàn ông con trai, chứ không có quyền sống cho mình, không có quyền hưởng thụ hay chọn lựa, hoặc không thể chủ động quyết định đời mình.
Nghĩa là mặc nhiên chấp nhận bị áp chế, và chỉ có một quyền, là quyền thụ động, vâng lời người khác. NGười khác đây là chồng, gia đình chồng và con trai. Nó rõ nghĩa trong câu phán của Đức Khổng Tử : “Xuất giá tòng phu/ Phu tử tòng tử/ Tử tử tòng tôn” (Lấy chồng theo chồng, phục tùng chồng/ Chồng chết, theo con trai, phục tùng con trai/ Con trai chết thì theo cháu trai).
Cả đời lếch thếch theo chân người khác như một cái bóng :
Thật tội nghiệp trời sinh phái nữ/
Suốt cuộc đời chỉ để phục tùng thôi/
Nam tử quyền lực ngập trời/
Người phụ nữ chỉ vâng lời tuân phục/
Đấng nam nhi với đầy uy lực/
Oai như sóng thần sáng rực trần gian.
- Nữ nhi vốn là lệ thuộc, là núp bóng, là tuân thủ, là thụ động.
- Nam tử là thiên tử, là có quyền quyết định cuộc đời nữ nhi liên tiếp 3 đời :Đời cha. Đời chồng. Đời con.
Nếu làm khác đi, nữ nhi bị làng xóm phỉ báng, phê phán và nguyền rủa. Bị xã hội cô lập, khinh khi đàm tiếu
Trở lại chuyện Tú Uyên, khi được thần báo mộng hẹn ra chợ cầu Đông - Hôm sau Tú Uyên ra cầu, đứng đợi đến chiều tối, thì thấy một ông lão bán một bức tranh tố nữ, hình dáng cô gái trong tranh giống hệt người thiếu nữ chàng gặp hôm trước
Chàng liền mua bức tranh về treo ở thư phòng - Đến bữa ăn, bày ra 2 bát, 2 đôi đũa, mời người trong tranh cùng ăn với mình
Đa tình đến thế thì thôi/
Mang ra hai bát mời người trong tranh/
Người xưa lãng mạn yến oanh/
Tâm tư lãng đãng treo mành ngẩn ngơ/
Yêu chi cho dạ thẫn thờ/
Gặp nhau chi để ngẩn ngơ tơ vàng/
Chàng ơi say đắm vội vàng/
Đúng là duyên kiếp bẽ bàng thẩn thơ.
Rồi một hôm, Tú Uyên bận việc ở trường về muộn. Về nhà thấy mâm cơm thịnh soạn bày sẵn. (Cái này cũng na ná giống trong truyện Tấm Cám khi cô Tấm bước ra từ quả thị nấu cơm cho bà lão ăn mày).
Chàng lạ lùng nhưng ngồi vào ăn. Hôm sau giả vờ cũng đi đến trường, nhưng chỉ đi một quãng, thì quay trở về, nấp vào một chỗ. Lát sau thấy một thiếu nữ trong tranh bước ra lo việc nhà cửa, bếp núc. Tú Uyên mừng rỡ bước ra chào hỏi. Thiếu nữ cho biết tên là Giáng Kiều, vốn là người cõi tiên. Vì có duyên với chàng nên xuống hạ giới. Nói rồi vung tay hóa phép ra một lâu đài nguy nga có đầy đủ kẻ hầu người hạ :
Đúng là mơ chuyện viễn vông/
Người đâu có sẵn trong tranh tuyệt vời/
Thiên đường hạ giới ai ơi/
Tiên duyên định mệnh tơ trời mong manh/
Tú Uyên tốt số rành rành/
Thơ đề trên lá bức tranh dị kỳ.
- Hồi 3 : Giáng Kiều giận Tú Uyên bỏ đi, sau lại trở về :
Hai người sống với nhau, vợ chồng hạnh phúc 3 năm, thì Tú Uyên bắt đầu rượu chè say sưa, bê trễ học hành. Giáng Kiều khuyên can không được . . . Khi tỉnh rượu, Tú Uyên đau khổ và hối hận . . . Giáng Kiều rũ áo ra đi. Tú Uyên tìm kiếm không được
Một hôm tuyệt vọng, chàng định quyên sinh, thì Giáng Kiều hiện về. Nghe lời thống thiết của chồng, nàng tha lỗi. Rồi truyền cho chồng nghề thuốc, cứu nhân độ thế. Hai người lại sống những ngày mặn nồng như cũ :
Ôi chao say xỉn bét nhè/
Mấy ông nát rượu như bè cơm thiu/
Xỉn say be bét ì sèo/
Say lên xỉn xuống bèo nhèo tấm thân/
Tiên sa cũng lấm bụi trần/
Trần gian lỗi nhịp trời gần hay xa.
- Hồi 4 : Tú Uyên và Giáng Kiều lên cõi tiên :
Sau khi vợ chồng có một con trai, đặt là Chân Nhi. Nghe Giáng Kiều, Tú Uyên học phép tu tiên . . . Rồi một hôm, hai vợ chồng dặn dò Chân Nhi ở lại cõi trần, họ cưỡi hạc bay lên cõi tiên :
Thật là câu chuyện hoang đường/
Hoang đường như chuyện tình trường vẩn vơ/
Nhưng sinh quan điểm bất ngờ/
Thoát ly thế tục ngẩn ngơ hồng trần/
Hồng trần thế sự quẩn quanh/
Loạn ly khốn khổ bức tranh tội tình.
Đó là chuyện Bích Câu Kỳ Ngộ phân làm 4 hồi, theo giáo sư Dương Quảng Hàm . . .
Rõ ràng Bích Câu Kỳ Ngộ là câu chuyện mang màu sắc hoang đường kỳ bí. Nhưng phía sau câu chuyện là một vấn đề xã hội.
Tác phẩm bộc lộ quan niệm về nhân sinh, về cái mong muốn được thoát ly thế giới thực tại đầy gian nan nheo nhóc
Trần thế gian nan lắm muộn phiền/
Đời người nheo nhóc lẫn tai ương
Nhân sinh đau khổ buồn khôn tả/
Muốn thoát ra ngoài cuộc bi thương.
Đồng thời cũng là một tư tưởng ít nhiều mang tính yếm thế, thể hiện tâm trạng chán chường của tác giả, trong hoàn cảnh đất nước có quá nhiều loạn lạc chiến tranh, đầy bất trắc. Cũng có thể coi là một xu hướng giải tỏa tâm thức con người, trong thời điểm bấy giờ, lòng người muốn rời bỏ, muốn cách ly đạo nho, để tìm đến đạo Phật, hay đạo giáo khác một cách mơ hồ, và tự nó dấy lên một điều gần như mãnh liệt :
Câu chuyện xảy ra thời bấy giờ/
Truyền thần qua sự thể truyện thơ/
Giả mơ giả thực đời hư ảo/
Quên chuyện trần gian sóng vượt bờ.
Ngày nay cũng đâu khác gì mấy . . . hóa ra đất nươc mình chẳng bao giờ yên ổn.
Người dân nước mình qua bao thế kỷ vẫn quay cuồng chẳng được bình yên.
Nước Việt xưa nay vẫn thế thôi/
Người dân nhấp nhổm đứng ngồi chẳng yên/
Tâm sinh biến loạn vô thường/
Sống vô kỷ luật tai ương trùng trùng.
- Về hình thức, Bích Câu Kỳ Ngộ là chuyện thuần túy Việt Nam, với tên người, tên đất, tên địa phương đều là tên Việt. Nhờ đó âm hưởng mang tính dân tộc đậm nét. Hơn nữa tác phẩm đạt tới một bút pháp nghệ thuật tinh vi, kết hợp tình người và cảnh vật, và táo bạo hơn, là diễn tả cả quan hệ nhục cảm và tâm trạng nhân vật. Tuy nhiên ngôn ngữ trong sáng, do dụng ca dao tục ngữ và tiếp thu cái thành tựu của ngôn ngữ truyện Kiều.
Văn chương tuyệt tác truyện Kiều/
Bao dòng thi tứ chạy theo đuôi/
Tinh hoa tiếp vận dòng thi hứng/
Một thoáng hành thơ mộng thoáng chiều.
Đây cũng là một chuyện thần bí xảy ra trên đất Thăng Long (tức Hà Nội bây giờ).
Hiện nay ở phố Cát Linh gần Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, còn có tòa nhà Bích Câu đạo quán, tương truyền được dựng trên nền nhà cũ của Tú Uyên thuở xưa.
Ngoài ra sự tích trong truyện đều nhắc đến những địa danh như :
Sông Tô Lịch. Chùa Bà Ngô. (phố Sinh Từ tức chùa Ngọc Hồ). Đền Bạch Mã (nay ở phố hàng Buồm). Gò Kim Qui (tháp rùa) . Cầu Đông (nay ở phố hàng Đường). Đình Quảng Văn (vườn hoa cửa Nam ngày nay). . .
Tên các di tích ấy, theo học giả Trần Văn Giáp, đã chứng thực tình dân tộc Việt Nam của tập truyện :
Tên những địa danh đẹp như trong truyện cổ/
Chiết tự mơ hồ như cổ tích đời xưa/
Hà Nội dư âm xao xuyến mấy cho vừa/
Nghe để thấy dây dưa niềm thương cảm/
Còn vị trí của phường Bích Câu theo phỏng đoán, là nguyên cả một khu vực, ôm lấy nội thành phía nam, tây nam và tây bắc, vòng theo thành Thăng Long. Nếu theo bản đồ ngày nay, phường Bích Câu gồm các phố Quan Thánh, qua Hùng Vương, sang Nguyễn Thái Học, rồi Quốc Tử Giám, xuôi xuống các làng Hào Nam, Giảng Võ, rẽ ngang về phía các trục đường: Cát Linh, Kim Mã, Thủ lệ, Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám và một phần thuộc đất Thụy Khuê.
Còn nói về lịch sử, Bích Câu vốn có từ rất lâu, trước khi Lý Công Uẩn dời đô về Đại La, lập thành Thăng Long.
Hình ảnh ngai vua với con rồng/
Rồng bay lơ lửng vây rồng uy nghi/
Rồng tiên nô nức còn ghi/
Long bào, long ỷ, long qui, long sàng/
Cái gì vua cũng ngổn ngang/
Cái gì vua cũng lan tràn nước mây.
Từ thời nhà Lý, phường Bích Câu phát triển thành một trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế bậc nhất Thăng Long.
Thời hoàng kim của Bích Câu kéo dài hàng thế kỷ, văn minh từ thời trung đại đến hết thế kỷ 19.
Cái tên Bích Câu ra đời rất sớm, xuất hiện trong các câu chuyện dân gian từ xa xưa.
Các sách về địa lý chính sử Tống bình, Đại La, đã nói đến Bích Câu với các sự tích văn hóa, cùng sự hình thành lịch sử của nó. - Bích Câu lúc đầu chỉ là trại, sau đổi là phường. Một khu vực tập trung đa số là vua chúa, quan lại và danh sĩ . . . ngay từ thời Văn Lang, An Dương Vương Thục Phán.
Cái đất ngàn năm của đế đô/
Tập trung vua chúa cơ đồ dân gian/
Dòng dõi vua quan xứ sở bạt ngàn/
Dòng chính sử thênh thang còn ghi chép lại.
Theo Văn Kỳ Trung Hưng, thì sinh hoạt của phường Bích Câu khá náo nhiệt, nhất là vào những năm 40 của thế kỷ 17, cho đến thế kỷ 19.
Các sinh hoạt ở đây sớm hội nhập văn minh phương tây, lẫn văn minh thời nhà Minh, nhà Thanh của Trung Hoa. Mạnh nhất là thời Khang Hy, Càn Long :
Văn minh có cả Tây Tầu/ Phố phường rộn rã đượm mầu trần gian/
Dài hai thế kỷ mênh mang/ Bích Câu sầm uất quan san mấy đời/
Nơi đây kết tụ những người/ Dòng dõi quí tộc thảnh thơi an nhàn//.
- Đây cũng là nơi tập trung các vua chúa quan lại, văn nghệ sĩ, bác học và các nhà mạnh thường quân. Ngay cả gia đình của văn hào Nguyễn Du cũng ở phừơng Bích Câu, lúc đó gia đình ông là một gia đình đại quí tộc.
Nguyễn Du quí tộc mấy đời/
Có lúc thất thời thì cũng nghèo toe/
Danh thơm nắng trải sau hè/
Hát câu Kiều lẩy chiều khoe nắng vàng//.
Cuối cùng cái người ta nhắc đến, nhớ đến phường Bích Câu, chính là tác phẩm Bích Câu Kỳ Ngộ. Một câu chuyện hoàn toàn Việt Nam, không mang điển tích Tàu, Nó vừa hoang đường vừa thần tiên cố tích, để làm dịu đau thương thực tại của đời thường vốn nhiều tranh chấp bi thương.
Khi nói đến truyện nôm Việt Nam, ai cũng thấy nó gần gũi với quần chúng, qua những điển tích dân gian, và được phổ biến rộng rãi trong văn học. Số lượng truyện nôm của chúng ta không nhỏ.
Người ta áng chừng hơn 40 truyện viết bằng chữ thuần nôm. Ngoại trừ một số tác phẩm do nho sĩ sáng tác có ghi tên tác giả, còn phần lớn là khuyết danh, tức không đề rõ tên người sáng tác :
Người xưa khiêm tốn vô cùng/
Dấu tên dấu họ lạ lùng làm sao/
Mây trời vơ vẩn trên cao/
Đời sau tìm hiểu trăng sao mỏi mòn/
Phần lớn những tác phẩm đều mang chất sống mạnh mẽ, văn hóa mang tính giáo dục đạo đức luân lý, nghĩa là trong đó gửi gấm những thông điệp răn dạy người đời.
Các giáo trình văn học dân gian đa số tập trung khai thác về đời sống các dân tộc Mường, Nùng, H' Mông .
Nói về xuất xứ và giá trị truyện nôm, phải khẳng định chữ nôm là chữ của người Việt, một số người dân tộc thiểu số, tuy có chữ viết, nhưng lẫn lộn chữ nôm là chữ viết của người phương nam. Và nhấn mạnh một điều, người Việt phát âm theo tiếng Việt, còn chữ viết của dân tộc thiểu số thì cho tới nay vẫn chưa ai rõ hình thể ra sao
Theo nhà cụ Nguyễn văn Tố (1880-1947), cho rằng chữ nôm có từ thế kỷ thứ 8.
Trong văn học nước nhà, cụ Nguyễn văn Tố, là người chuyển mình từ Hán sang Tây học, do hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước cũng như sự đổi thay của thời đại.
Cụ lựa chọn ngành biên khảo và áp dụng các phương pháp sách vở chi li, trong tiến trình kiếm tìm sự thật. Phương pháp cụ dùng xem ra quá mới so với đương thời, nên cũng gây ra nhiều hiểu lầm. Hơn nửa thế kỷ sau nhìn lại, mới thấy được cái nhìn xa và tính khoa học mà cụ đã áp dụng trong quá trinh xây dựng văn hóa
= Người xưa bảo thủ ngất trời/
Mấy khi chịu hiểu những lời khai thông/
Đến khi nước chảy qua dòng/
Thời gian đi mất lòng vòng đò đưa/
Sáng rồi lại tới ban trưa/
Chiều sang lại tối, đêm vừa thâu canh/
“Trăm năm ngó xuống đời hư ảo/ Phút chốc nhìn lên ngộ lẽ trời/ Yêu thương xin nở nụ cười/ Vị tha là để lòng người thanh cao”. (4 câu trích trong lời hay ý đẹp trên mạng).
Nhà biên khảo Nguyễn Văn Tố, và câu vè ca dao truyền khẩu “chi chi chành chành” một trò chơi của trẻ nhỏ = “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ba vương ngũ đế/ Ngấp nghé đi tìm/ Hú tim ù ập”.
Truyện Bích Câu Kỳ Ngộ gắn liền với lịch sử dân tộc.
Trò chơi dành cho con nít này, với hình ảnh người lớn xòe bàn tay, các em nhỏ mỗi em chĩa một ngón tay trỏ vào. - Hát xong mấy câu thơ kia, người lớn ập bàn tay lại. Tay em nào không rút ra kịp, bị bắt dính lại thì em đó bị bắt, bị loại khỏi vòng chơi. Hoặc phải xòe tay mình ra để mở đầu một vòng chơi khác. Trò chơi được gọi là “Chi Chi Chành Chành”
Hát riết thành quen, lời hát chẳng nghĩa lý gì. - Nhưng theo Trương Tửu, bài đồng ca trình bày cảnh nhiễu nhương của đất nước trong mấy thập niên, trước khi cụ Tố ra đời, nhưng là văn chương truyền khẩu nên lời hát cứ sai đi, tạm gọi là “tam sao thất bổn”.
Chứ chính Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc ghi lại thế này “Chu tri rành rành/ Cái đanh nổ lửa/ Con ngựa đứt cương/ Ba vương tập đế/ Cấp kế đi tìm/ Hú tim òa ập”.
Có nghĩa là báo cáo với mọi người biết quân Pháp có súng thần công dài bằng sắt (hình như cái đinh), nổ trước thành Đà Nẵng hay cửa Thuận An. Vua Tự Đức băng Hà, triều đình không người cầm đầu các mối dường cột (ngựa đứt dây cương).
Câu vè miêu tả ba vương/
Trình bày hình ảnh tai ương triều đình/
Nhân gian truyền miệng linh tinh/
Thành câu cho trẻ nhi đồng hát chơi.
Trong mấy tháng có tới 3 vương liên tiếp lập làm vua :
- 1/ Dục Đức lên làm vua 3 ngày, bị giam rồi 1 tuần sau thì chết.
- 2/ Hiệp Hòa lên ngôi tiếp nối được mấy tháng thì bị ép uống thuốc độc tự tử.
- 3/ Kiến Phúc ở ngôi 6 tháng, phải chịu hiệp ước bảo hộ, cũng bị thuốc độc chết. Sau đến xuất đế Hàm Nghi rút ra chiến khu, ban hịch Cần Vương, khiến quân Pháp lo cấp kế đi tỉm, rút cuộc vì người phản nghịch tên là Ngọc, nửa đêm lẻn vào ập bắt. Và dính trấu: Hàm Nghi bị bắt 1886. Đồng Khánh Băng Hà. Thành Thái lên ngôi 1888. Cuộc bảo hộ bắt đầu có khuôn phép.
Những câu đồng dao phản ảnh tình thế lịch sử truyền đi trong dân gian và để đời sau chỉ còn là trò chơi cho con trẻ vui cười.
Đồng dao xưa nặng chữ tình/
Cái tình lịch sử biến thành hát vui/
Ngón tay bị nắm chặt rồi/
Các em vui cười cũng hỉ hả thôi/
Chành chành nghĩ đến cũng vui// .
= Truyện nôm có hai thể hình/
Một loại hữu tình, một loại dân gian/
Nôm na nhưng cốt cách bạt ngàn/
Theo tích theo sử thành ngàn áng mây/
Tích Tầu gió thoảng mây bay/
Người nam ấn tượng lòng lay lắt buồn.
Một số những tích truyện theo điển tích gọi là truyện nôm của văn viết, ít nhiều nằm trong thơ Kiều của Nguyễn Du như: Hoa Tiên Ký diễn âm, Tây Sương ký, Ngọc Kiều Lê Tân truyện - Tì Bà Quốc âm tập diễn âm - Bình Sơn Lãnh Yến diễn âm.
Còn truyện nôm dân gian, chiếm đa số trong đại chúng của thế kỷ trước, cả thời thuộc Pháp như: Phạm Công Cúc Hoa, Bạch Viên Tôn Các, Phan Trần, Bích Câu Kỳ Ngộ, Lâm Tuyền kỳ ngộ, Truyện Lý Công, Thạch Sanh Lý Thông, Truyện Trê Cóc, Lục Súc Tranh Công, Nữ Tú Tài (tức nàng Phi Nga) (thơ tả cô tú tài như vầy : “Họ Vân có nữ tú tài/ Con quan thừa tướng tuồi vừa xuân xanh/ Lại thêm quốc sắc khuynh thành/ Đã hay nghề ngựa lại lành nghề cung/ Chân thiếu nữ giá anh hùng/ Trượng phu mấy kẻ địch phùng kém xa/ Đặt tên là ả Phi Nga”// . . . Lời thơ bật ra như nói, tất cả được Bình Dân Thư quán, chuyển sang quốc ngữ, với số ấn phẩm rất lớn.
Điều đáng tiếc là bây giờ thất thoát/
Mất khá nhiều tinh túy đất Việt ơi/
Truyện cổ văn xuôi, thi ca của một thời/
Ca dao tục ngữ người người đã quên/
Văn học thi thư đâu thể vững bền/
Khi con trẻ mất dần tiếng Việt/
Nỗi niềm ấy chính là niềm bi thiết/
Người lớn tuổi mất rồi, văn hóa Việt mất theo/
Gió mây thoang thoảng qua đèo/
Tha phương chữ Việt lá treo đầu cành/
Dân gian khi nói về truyện Phan Trần, các cụ xưa thường răn con cháu là :
“Đàn ông chớ kể Phan Trần/ Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều”.
Còn Bích Câu Kỳ Ngộ, dù ngày nay không được đưa vào chương trình học. Nhưng vẫn là truyện nôm thuần túy Việt Nam và gắn liền với lịch sử Thăng Long
Đầu tiên là truyền thuyết vua nằm mơ thấy cành sen trắng. Khi tỉnh dậy mới hỏi quần thần là sen trắng mang ý nghĩa gì, thì được các cao tăng trong triều tâu lên rằng ở miền nam có loài sen trắng hương thơm nức mà hoa rất đẹp. Vua liền cho xây chùa Đắc Quang.
Trong giấc mơ thấy cành sen trắng/
Vua tỉnh dậy thấy nắng vàng sân/
Xây chùa thơm nức hương trầm/
Đấy là truyền thuyết người dân lưu truyền.
Nơi vua Thánh Tông gặp người tiên ở chùa Ngọc Hồ, cũng là nơi Tú Uyên gặp Giáng Kiều. Vua hỏi chuyện và cùng nàng xướng họa. Vua xướng lên bài thơ
“Ngẫm sự trần gian đến gặp người/ Chày kình một tiếng tan niềm tục/
Hồn bướm năm canh lẫn sự đời/ Bể ái thuyền tình chửa chơi vơi/
Nào nào cực lạc là đâu tá/ Cực lạc là đây chín rõ mười”//
- Nàng thơ thấy chưa thanh thoát nên sửa lại hai câu cuối ;
“Gió thông đưa kệ tan niềm tục/ Hồn bướm mơ tiên lẩn gió trời”.
. . . . . Rồi đến cửa Đại Hưng thì biến mất. Vua cho là tiên giáng trần, cho dựng lầu Vọng Tiên ở đó để nhớ nàng :
Ông vua cũng thật đa tình/
Làm thơ xướng họa một mình rong chơi/
Hoa thơm gió thoảng hương trời/
Xây lầu vọng tưởng ngàn khơi cuộc tình/
Thần tiên thanh thoát lung linh/
Người trong mộng ảo trữ tình thảo thơ/
Các nhà nghiên cứu văn học đánh giá Bích Câu Kỳ Ngộ, nên có một vị trí quan trọng trong văn học Việt Nam. Vì :
- Thứ nhất, đó là truyện nôm Việt Nam thuần túy không mang âm hưởng Trung Hoa.
- Thứ hai, thơ viết bằng thể lục bát diễn âm chữ Việt. Mà theo giáo sư Dương Quảng Hàm và giáo sư Thanh Lãng, tác phẩm nên đọc để biết về một nơi chốn văn hóa Việt Nam.
Giáo sư Ngọc Khánh cho rằng chữ Bích Câu có từ lâu, nhưng chính thức thì từ năm 1788. Và học giả Bùi Huy Bích thừa nhận phường Bích Câu ở Hà Nội là một địa chỉ văn hóa, một nơi chốn văn hóa ...hiện tượng Bích Câu được thể hiện qua quán Đạo thuộc thôn An Thạch, phường Bích Câu ít người biết đến. Thời Lê Trịnh, các chúa thường giong thuyền ra đâu dó câu cá, nên còn có tên là Ngự Câu.
Tên nào nghe cũng mộng mơ/
Thuyền câu lơ lửng hững hờ buông lơi/
Giong thuyền vua chúa thảnh thơi/
Thênh thang để mặc thuyền trôi theo dòng.
Sau thế kỷ 15 (XV), sau khi vua Lê Thánh Tông ra gặp tiên nữ, đã trở thành vùng đất sinh hoạt văn học sôi nổi: chung quanh Văn Miếu có nhiều văn nhân sĩ tử dập dìu và thành lập trường Nguyệt Áng của Nguyễn Quốc Trịnh.
Trường Hào Nam cũng góp mặt trong không gian đàm luận văn chương. Biến cái tên trở nên có ý nghĩa, mà các thức giả lấy tên tác phẩm thành chủ đề của đất Thăng Long.
Nơi đây đã gây dựng, đào tạo nhiều tài năng, trong đó có vợ Nguyễn Huy Tự (cháu của Nguyễn Du) và nhiều nhân tài . Rồi em của bà là Mai Đình Mộng Ký có tài làm thơ.
Và thế hệ đàn em như người họ Ngô (Ngô thì Nhậm), người họ Lê (Lê Hữu Trác), lui tới khu vực này và xưng là công tử Bích Câu trong một bài viết về phường Đồng Xuân :
Công tử nhàn du khách lãng du/
Mây xanh nước biếc lu bù hàn huyên/
Hoa trôi đến cạnh mạn thuyền/
Sóng xô lãng bạc lặng yên gió trời/
Điểm lại trong kho tàng văn chương Việt Nam, để thấy chất văn hóa Việt hiền hòa mơ mộng, đôi khi đến xa vời thực tế. Nguyên do là thực trạng đất nước chẳng bao giờ an bình, yên ổn, không ngoại xâm thì nội chiến hoang tàn đau khổ. Mà Bích Câu Kỳ Ngộ là một truyện điển hình, nói lên quan điểm và nhân sinh quan của người dân Việt :
Sóng gió vờn quanh nước Việt Nam/
Dài cong chữ S giang san đẹp ngời/
Rõ ràng mảnh đất tốt tươi/
Cho bao nhiêu kẻ thèm mồi giăng câu/
Chiến tranh do bởi vì đâu/
Dọc theo bờ biển hoa mầu thiên nhiên/
Bể dâu không có người hiền/
Lại thêm nhược tiểu truân chuyên nát lòng/
Yếu hèn mang kiếp lòng tong/
Việt cường ham muốn mơ mòng nuốt trôi/
Tị hiềm tan nát tả tơi/
Thiếu tình đoàn kết rã rời nước Nam.
Tóm lại Bích Câu Kỳ Ngộ là áng văn thơ trước kia đã đuợc đưa vào chương trình trung học. Những vị tuổi từ trung niên trở lên còn nhớ. - Nay nhắc lại, cũng ôn lại chút dư âm lãng mạn của một thời tuy một chút hoang đường nhưng nói lên tình yêu thuần khiết của một thời còn biết ốm tương tư, biết mượn tích xưa để thốt lên tiếng lòng nhung nhớ, chứ không sống sượng thẳng thừng hiện thực xô bồ chích choác a lát xô như bây giờ:
“Cầu hoàng tay lựa nên vần/ Tương Như lòng ấy, Văn Quân lòng nào/
Có khi mượn chén rượu đào/ Tiệc mồi chưa cạn, ngọc dao đã đầy/
Hơi men chưa nhắp đã say/ Như xông mùi nhớ, như gây giọng tình”.
Đó là lời trong Bích Câu Kỳ Ngộ, tả tâm trạng Tú Uyên tương tư người đẹp Giáng Kiều dù chỉ một lần gặp gỡ. Ngày nay còn có ai chịu mất thì giờ mộng mơ kiểu ấy, và ết đậm tình như thế hay không ? - Nhất là bên Mỹ với quan niệm “Thời giờ là tiền bạc”.
Xã hội hôm nay khác nhiều rồi/
Thế thái nhân tình cũng đầy vơi/
Non xanh nước biếc mờ cây cỏ/
Thấp thoáng nhân sinh được mấy người.
-- Đôi phút lãng đãng mộng mơ . . . để mà tương tư, để mà tưởng nhớ . . . về một ai đó còn mênh mang chập chùng trong trí nhớ. Chứ đâu còn có được gì ! ! !
(trích trong bộ biên khảo “Xã Hội Việt Nam xưa và nay” của tác giả Nguyễn thị Mắt Nâu)