<February 2025>
SunMonTueWedThuFriSat
2627282930311
2345678
9101112131415
16171819202122
2324252627281
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Nụ cười Việt
Tác giả: Nguyễn Hoạt

Nụ cười Việt

Nguyễn Hoạt

          Cười là một hình thức diễn tả tâm sự của đương sự trước sự kiện xẩy ra bên ngoài. Cái cười được thể hiện trên vành môi đi kèm với âm thanh phát ra. Có nhiều hình thức của cái cười quen thuộc tùy theo hoàn cảnh của người Việt như cười duyên, cười tình, cười thầm, cười sằng sặc, cười mỉm chi, cười cợt, cười như mếu, cười gượng, cả cười, cười ầm, vui cười, dở khóc dở cười, cười dâm, cười dê, cười lạt, cười sát nhân, cười rùng rợn, cười gỉa lả, cười toe toét, cười dòn, cười khinh bỉ, . . .

          Người ta thường nói nụ cười là niềm vui, là hạnh phúc. Nụ cười chỉ xuất hiện khi chúng ta đang trong trạng thái tích cực, vui vẻ. Thế nhưng, cũng có câu “cười ra nước mắt” để nói những nụ cười được tạo ra trong đau khổ, khi một ai đó đau đớn hoặc tổn thương thì nụ cười lại mang một ý nghĩa khác.

          Người xưa đã nói rằng “Nụ cười là liều thuốc tốt nhất cho hạnh phúc của con người”. Những nghiên cứu y học ngày này đã chứng minh những tác dụng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng như tinh thần.

          Tiếng cười có thể có ích, cho dù đó là để đối phó với bệnh tật, những áp lực của cuộc sống hàng ngày, những căng thẳng tại nơi làm việc hay thậm chí tiếng cười có thể thay đổi sức khoẻ cho cuộc sống của chúng ta.

          Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Nụ cười là một đề tài phong phú trong ca dao tục ngữ Việt nam mượn nụ cười để ca ngợi vẻ đẹp ngoại hình, tâm hồn hay thể hiện những bài học đạo lý sâu sắc :

          Ai ơi chớ vội cười nhau,

          Cười người hôm trước, hôm sau người cười.

          Cười người ngó lại sau vai,

          Coi mình trong sạch hơn ai mà cười.

          Ai chê cũng mặc, ai cười mặc ai.

          Nực cười châu chấu đá xe,

          Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng.

          Người về người nhớ ta chăng,

          Ta về ta nhớ hàm răng người cười.

          Trăm quan mua lấy nụ cười,

          Ngàn quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.

          Chồng giận thì vợ làm lành,

          Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì ?

          Ra đường lắm chuyện bực mình,

          Về nhà gặp vợ cười tình cũng no.

          Vô duyên chưa nói đã cười,

          Chưa đi đã chạy là người vô duyên . . .

          Trong cuộc sống mỗi người, nụ cười vẫn hiện hữu trên môi mỗi ngày. Và những nụ cười ấy đã mang đến nguồn cảm hứng cho các thi sĩ tạo ra rất nhiều bài thơ về nụ cười hay, đầy ý nghĩa :

          Phú ông xin đổi nắm sôi, bờm cười. (Thằng bờm)

          Trước đèn xem truyện Tây Minh,

          Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le.

          Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,

          Dữ răn việc trước, lành dè thân sau. (Lục Vân Tiên)

          Ngồi buồn mà trách ông xanh,

          Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười. (Cây thông-NguyễnCcông Trứ)

          Ăn ở sao cho trải sự đời,

          Vừa lòng cũng khó há rằng chơi.

          Nghe như chọc ruột, tai làm điếc,

          Giận đã căm gan, miệng mỉm cười. (Cách ở đời)

          Ðược voi tấp tểnh lại đòi tiên,

          Khi cười khi khóc khi than thở,

          Muốn bỏ văn chương học võ biền. (Thói đời-Trần tế Xương)

          Cô gái ngây thơ nhìn xuống hồ,

          Nước trong nổi bật dung hình cô.

          Nụ cười dưới ấy và trên ấy,

          Không hẹn, đồng nhau nở lẳng lơ. (Nụ cười- Hàn Mặc Tử)

          “Thức dậy miệng mỉm cười,

          Hăm bốn giờ tinh khôi,

          Xin nguyện sống trọn vẹn,

          Mắt thương nhìn cuộc đời”. (Thích Nhất Hạnh)

          Sao buổi đầu xuân êm ái thế !

          Cánh hồng kết những nụ cười tươi, (Nụ cười xuân- Xuân Diệu)

          Thở đi nhẹ một kiếp người,

          Vui đi để có nụ cười thênh thang. (Thơ chế về cuộc sống)

          Mấy ai sung sướng khi lo con người.

          Vì chồng thương lấy con côi,

          Miếng cơm ngậm đắng miệng cười thế gian. (Thơ chế về cuộc sống) . . .

          Quan điểm của nho giáo ngày xưa cho rằng cười là vô lễ, là bất kính ; tài hài hước là một thứ tài vô hậu; văn chương hài hước không phải là văn chương. Cho nên trong các sách Truyện cổ nước Nam của Nguyễn Văn Ngọc,Việt Nam văn học sử yếu của Dương quảng Hàm không hề nói đến truyện cười.

          Người dân Việt còn dùng chuyện cười làm vũ khí để châm biếm, đã kích các mánh khóe tham nhũng, bóc lột dân chúng của các quan chức bất tài,ngu xuẩn dùng quyền lực để cai trị dân.Tiếng cười để lại trong tâm trí mọi người những ấn tượng không phai mờ về những tấn trò đời qua các thời đại. Ca dao có câu :

          Con người có miệng có môi,

          Khi buồn thì khóc, khi vui thì cười.

          Nụ cười cùa người Việt sắc sảo mà hiền hòa như vậy nên không mưu mô xảo quyệt nào mà không bị lột trần, không cường quyền bạo lực nào là không bị lố bịch hóa.

          Nhìn vào sự vật, dù tầm thường đến mấy, cũng tìm ra được khía cạnh trào lộng để đùa. Câu đố:Ông già ổng chết đã lâu, con mắt trao tráo hàm râu vẫn còn (Gốc tre)

          Nụ cười chính là nhu cầu vĩnh cửu của con người. Cho nên chúng ta không lấy gì làm lạ khi nhận thấy ý thức trào phúng xuất hiện rất sớm trong văn thơ thế giới để riễu những thói hư tật xấu của thế nhân. Nếu nghiên cứu sâu xa hơn, tác dụng nụ cười không chỉ đơn giản có thể. Khi người ngoại quốc hỏi :  “Nụ cười của người Việt có gì là đặc sắc để phân biệt với nụ cười trong thiên hạ ?”, câu trả lời là : Nụ cười người Việt có rất nhiều đặc điểm. Có thể nói trong mọi đức tính mà tổ tiên ta truyền lại cho con cháu thì đức tính cười được chia đều hơn cả. Thực vậy óc trào phúng của người Việt rõ ràng là cố hữu. Đó chính là sự biểu lộ của một thần trí và tâm hồn vững vàng để khiến cho người Việt biết đánh giá rất sát sự vật mà dám cười đùa hết thẩy”.

          Cái cao quý nhất của nụ cười Việt là cười trong cái nghèo khổ, trong cái quạnh hiu, trong cái trống rỗng của chính mình.Điều này chứng tỏ người Việt không nô lệ cho vật chất !  Nguyễn Sỹ Tế có nói :  “Người bình dân Việt đồi bát mồ hôi lấy bát cơm trong một nền kinh tế nghèo nàn đến phi nhân, chừng nào bát cơm đã kiếm được, lúc đó lại tìm vượt lên khỏi áo cơm tới những địa hạt phi vật chất”.

          Sở dĩ người Việt bao giờ cũng đạt được quân bình trong lúc ứng xử bằng nụ cười kỳ diệu thiên biến vạn hóa của mình.

          Nụ cười cùa người Việt đa hình vạn trạng, huyền bí, khó hiểu như thế cần phải tìm hiếu sâu xa không phải hời hợt như nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh đã viết “Gì Cũng Cười” . . . “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang . . .” “Chúng tôi cười . . . Thấy người ta tham nhũng hối lộ cũng cười. Thấy người ta đè đầu đè cổ mình cũng cười. Thấy người ta nói năng dối trá láo khoét cũng cười. Chuyện gì cũng cười cả Vì chúng tôi là người Việt Nam”.

          Cái cười của Nguyễn Văn Vĩnh, gây cho người nghe cười tức tối, bực dọc. Kẻ chủ trương cười cố ý cao kỳ hoặc vô tình xuề xòa cho qua chuyện.Đó là cái cười của một dân tộc sống trong chế độ nô lệ, bạo quyền.

          Các người ngoại quốc khi đến tiếp xúc với người Việt ta thì họ lập tức chú ý đến nụ cười Việt.

          Năm 1965, cô Hồng Cúc ở miền Nam đã dịch sang tiếng Việt tác phẩm của nhà văn người Ý Pazzi với nhan đề:Người Việt cao quý đã gây ra tiếng vang lớn.Thiết nghĩ được nói về dân tộc mình là một niềm vui, nhưng được nghe người khác nói về dân tộc mình - và nói bằng những cảm tính tốt đẹp là một niềm vui lớn lao. Trong khi tự kiểm điểm lại để xem tác giả đã nói được gì xác thực về giống nói mình và còn những ai thiếu sót và gợi được ở các người đọc những mối cảm nghĩ tích cực, phong phú hơn nhiều.

         Pazzi đã viết như sau :  Đây không phải là một dân tộc tầm thường và sau tôi phải kết luận :  Người Việt là một dân tộc ưu hạng, có nền văn minh riêng biệt, có lẽ không giống bất cứ nền văn minh nào trên thế giới này”.  . . . Và “. . . Ngày nay công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam đòi hỏi chống lại tất cả các hiện tượng suy đồi, thoái hóa cũng như mọi thứ ràng buộc, áp bức, bất công”.

         . . . Đôi mắt, cái miệng của người Việt- Nam có một sức sống kỳ lạ, cái duyên kỳ lạ . . . Nhiều dịp tôi đã thấy kẻ bất lương hung hăng ném những tia nhìn hằn học đục ngầu sát khí, nhưng khi ý nghĩ bạo ác tan rồi, cặp mắt của họ dịu xuống, lại trở về với cái vẻ dịu hiền sắc sảo của dân tộc mình . . . Nhưng nụ cười Việt, cũng như hầu hết nụ cười dân tộc đông phương, có một vẻ gì bí hiếm khó mà đoán hiểu dễ dàng. Riêng người Việt-Nam, khi vành môi họ nhếch lên hay mím nhẹ lại, họ đã qui tụ cái nhìn, đôi mắt theo về hướng ấy, và trong phần tư, phần sáu nụ cười lửng lơ của họ, người ta đoán thấy một sự nhạy cảm lạ lùng đi đôi với một khiếu năng phê phán linh hoạt.

         Có khi lý tưởng mà họ nói ra không có giá trị bằng cái ánh mắt và cái nụ cười ấy.

         Điều ấy có thể cắt nghĩa như sau : trí tuệ của họ chưa có điều kiện để được phát triển, trong khi con người của họ thừa hưởng một sự đào luyện lâu dài về giống nòi thành biểu hiện trong tiềm thức cộng đông.

         Người Việt ở đây nói người bình dân đông đảo làm nền tảng cho giống nòi – thích những cái gì vững chắc, cơ thể chịu đựng lâu dài để sống, và họ vẫn muốn no bụng, chặt bụng hơn là ăn đồ lỏng lẻo, nhẹ nhàng dầu nó béo bổ, ngọt ngào.

         . . . Người Việt không muốn những kẻ đã từng làm mất ranh giới đạo đức luân lý – dầu là ở trong khoảnh khắc của sự trình diễn ;có thể ra đời giữ lấy quyền hành, có được địa vị xã hội để mà cầm cân nẩy mực định đoạt cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của họ . . .

         Năm 2013, một nhóm tác giả viết trong sách Người Việt - Phẩm Chất- Thói Hư và Tật Xấu,tập hợp các bài viết của các nhà văn, nhà báo, trí thức, những người dân bình thường và cả các học sinh có viết như sau :

         Ăn nhanh, đi chậm, hay cười /Thích chơi đồ cổngười Việt Nam”.  Đó là 2 câu vè mà lưu học sinh VN những thập kỷ 60-80 ai cũng biết.

         Nguyễn Trung Thu đã đề cập trong bài “toé ra một bãi cười" mô tả hình ảnh dân chúng ngày nay đã không giúp đỡ nạn nhân, mà còn cười khi mục kích những tai nạn như người vấp ngã, hay té xe . . . Cái cười này chứng tỏ sự vô cảm cuả người Việt ngày nay.

         Vấn đề hay cười của ta trong con mắt người nước ngoài, hình như chúng ta hay cười để muốn tỏ ra thân thiện cho dù đang ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

         Ví dụ ra đường quệt xe phải ông Tây đáng ra phải xin lỗi hoặc không biết tiếng thì phải tỏ thái độ biết lỗi nhưng lại cười cười ra vẻ xuề xoà thân thiện, nhưng người ta lại nghĩ mình coi thường hoặc chọc tức họ, hoặc khi bị sếp Tây rầy la cái gì đó cũng cười cười để tỏ ra biết lỗi rồi, thôi bỏ qua cho, nhưng sếp lại hiểu nó không ân hận mà còn cười chế giễu mình hay sao . . .

         Trong thời kinh tế hội nhập ngày nay, người ngoại quốc thường nhắc đến Việt Nam đất nước của nụ cười, của sự thân thiện. Nhưng người Việt cần biết nụ cười “đúng lúc, đúng chỗ,đúng sự việc” nếu không sẽ là nụ cười vô duyên, làm mất cảm tình và gây thất bại trong mọi việc giao tiếp.

         Ngày nay dưới chế độ xã hội chủ nghĩa,nhà thơ Hoàng Oanh có sáng tác một bài thơ đã nói đến bản sắc dân Việt trong một đất nước bạo quyền và kế thừa hậu quả của chiến tranh :

        Vì Tôi Là Người Việt Nam.

         Da tôi màu vàng

         Máu tôi màu đỏ

         Đất nước tôi có rất nhiều ca dao và cổ tích

         Câu chuyện cổ tích đầu tiên tôi được nghe kể là

         Để sanh tôi ra đời

         Ba tôi

         Một người nông dân quá nghèo

         Tự cầm dao mổ bụng mẹ tôi

         Máu mẹ tôi tuôn xối xả

         Máu mẹ màu đỏ

         Nhờ đó tôi cất được tiếng khóc đầu đời

         Khóc vĩnh biệt mẹ

         Và khóc mừng đất nước Việt Nam

         Để có thể nói và viết thông thạo

         Tiếng mẹ đẻ

         Chúng tôi phải bước qua nhiều cây cầu khỉ tới trường

         Có đứa rớt xuống mương

         Có đứa đu dây

         Có đứa lội sông

         Nhiều đứa chết chìm

         Chuyện ấy con nít ở làng tôi đã quen

         Chuyện ấy ở nước tôi ít ai để ý

         Và cứ như thế

         Chết đứa này thì còn đứa khác

         Trường lớp vẫn nghe ê a

         Tiếng trẻ con đọc bài

         Xóm tôi cũng có nhiều đứa bỏ học sớm

         Nghe nói có đứa đi bán bia ôm

         Hay làm đĩ

         Hay ở đợ ở đâu đó xa lắm

         Có đứa lâu lâu về thăm làng

         Có đứa nhảy từ lầu cao tự tử

         Bên Trung Hoa hay Hàn Quốc

         Mà trong làng ít ai còn biết

         Nghe nói cũng có những đứa ra nước ngoài

         Bị người ta bỏ trong tủ kiếng

         Không quần áo đầy đủ

         Cho khách qua đường nhìn ngắm lựa chọn

         Mua bán

         Giống như những con cá lia thia

         Ở quê chúng tôi hay bỏ vào chai keo

         Chuẩn bị cho chúng đá nhau

         Trầy vi tróc vẩy

         Cho tới chết

         Bọn tôi cười

         Trước xác những con cá

         Khách mua hoa nước ngoài hình như cũng cười

         Trước những xác chết

         Của các cô gái quê tôi

         Xóm tôi có những người đàn bà

         Tánh thẹn thùng bẽn lẽn

         Nhưng

         Thề quyết giữ từng tấc đất của cha ông

         Để chống lại cường quyền

         Đã tuột quần cởi truồng

         Bị chúng kéo lê trên đất

         Đất làm thân thể họ bị trầy xước đau đớn

         Đất mà tổ tiên họ

         Đã đổ mồ hôi và máu

         Đã chết và phơi xương

         Cho thú dữ ăn

         Để khai hoang mở cõi

         Dệt nên bức tranh quê hương hoa gấm hôm nay.

         Nơi có nhiều đất thích hợp để quy hoạch thành khu du lịch hay sân golf

         Nước tôi có nhiều người bị xe đụng chết như rươi mỗi ngày

         Nước tôi người ta đánh nhau chém nhau giết nhau như xi nê

         Nhưng chẳng ai kêu ca

         Chúng tôi vẫn luôn cười

         Chuyện gì chúng tôi cũng cười

         Vì chúng tôi là người Việt Nam

         Lũ ngập đồng người chết lủ khủ xác trôi lều bều thì cũng cười

         Bán hàng rong lề đường bị rượt bắt và đôi khi đánh đập

         Mấy bà già than khóc khan giọng chạy theo cố giành giựt lại

         Rổ khoai lang hay nải chuối

         Chúng tôi cười

         Thấy người ta tham nhũng hối lộ cũng cười

         Thấy người ta đè đầu đè cổ mình cũng cười

         Thấy người ta nói năng dối trá láo khoét cũng cười

         Chuyện gì cũng cười cả

         Vì chúng tôi là người Việt Nam !

         Cái cười trong thơ của Hoàng Anh là cái cười của lòng sợ hãi. Cái cười của người yếu hèn sống an phận thủ thường,vô cảm trong xã hội chủ nghĩa, chủ trương duy vật. Cái cười này có khác chi cái cười của Nguyễn Văn Vỉnh thời Pháp thuộc !

         Nguyễn Hoạt

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Tửu Nhân . . . Hề Tửu Nhân
Tìm lại Oản xưa cho Tết Minh Lê (mlefood)
“Cờ Bạc Là Bác Thằng Bần”
Bích Câu Kỳ Ngộ
Kamala Harris Sẽ Là Một Thảm Họa Cho Hoa Kỳ
Đối Chiếu Kế Hoạch Kinh Tế giữa Donald Trump và Kamala Harris
Những Yếu Tố Nào Giúp Cựu Tổng Thống Trump . . . .
Cuộc Chiến Khó Khăn Của Trump
Sến ơi là sến !
Tại sao gọi là Ba Tàu ?
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
4950922
Có 0 Khách Đang Online