Vu Lan Thắng Hội tại Từ Đàm

01 giờ30 chiều Chủ nhật, ngày 18 tháng 08 - 2024,

Xem tiếp...
<November 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Hồi Ký lịch sử : Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu I
Tác giả: Lê Xuân Nhuận

Hồi Ký lịch sử : Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu I

          KỂ từ ngày bãi-bỏ các Tòa Ðại-Biểu Chính-Phủ cấp Vùng (một tổ-chức hành-chánh dưới thời “Ðệ-Nhất Cộng-Hòa” của Tổng-Thống Ngô Ðình Diệm, thay-thế các Phủ Thủ-Hiến/Tổng-Trấn cấp Phần/Kỳ dưới thời “Quốc-Gia Việt-Nam” của Quốc-Trưởng Bảo-Ðại), các “Tướng Vùng” (Tư-Lệnh Quân Ðoàn và Vùng Chiến-Thuật) đã hiển-nhiên trở thành Thủ-Hiến hoặc Ðại-Biểu Chính-Phủ tại Vùng của mình rồi.

          Sau khi bãi-bỏ luôn chức-vụ Phụ-Tá Hành-Chánh bên cạnh Tư-Lệnh Vùng Chiến-Thuật, các “Tướng Vùng (nay là Quân-Khu)” càng có nhiều quyền-hành hơn đối với các cơ-quan dân-chính cấp Vùng (Khu) mà nhiệm-vụ được xem là những nỗ-lực chính của Chương-Trình Bình Ðịnh & Phát Triển, qua Trung-Tâm Thường-Trực của Hội-Ðồng Bình Ðịnh & Phát Triển Quân-Khu, thuộc Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu, mà nhân-viên toàn là quân-nhân, dưới quyền chỉ-huy của Phó Tư-Lệnh Quân-Khu .

          Riêng Cảnh-Lực thì hoạt-động đi sát với Quân-Lực hơn, nên Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng/Khu, với tư-cách Trưởng một Cơ-Quan thuộc Quân-Khu, trực-tiếp nhận chỉ-thị từ Tư-Lệnh Quân-Khu.

          Nói chung là Cảnh-Lực, nhưng thực-sự thì chỉ có Cảnh-Sát Ðặc-Biệt là có phần lớn trách-vụ tương-quan với Quân-Lực, qua hai ngành Quân-Báo (Phòng Nhì) và Quân-An (An-Ninh Quân-Đội). Ngoài ra, Ðặc-Cảnh cũng chịu trách-nhiệm thực-hiện một trong các mục-tiêu chính của Chương-Trình Bình Ðịnh & Phát Triển: an-ninh nông-thôn.

          Theo Sắc-Lệnh của Chính-Phủ cải-tổ Cảnh-Sát Ðặc-Biệt thành Ngành Đặc-Biệt vào năm 1970, một năm trước cuộc cải-tổ của Cảnh-Sát Sắc-Phục, chức-vụ của tôi được xếp vào hàng Giám-Ðốc một Nha-có-nhiều-Sở, và có trách-nhiệm trực-tiếp báo-cáo tình-hình lên Tư-Lệnh Quân-Khu, tức tôi cũng là một Trưởng Cơ-Quan cấp Quân-Khu.

          Sau cuộc hội-thảo mà tôi tổ-chức tại Bộ Chỉ-Huy CSQG Khu I, và sau các cuộc thanh-sát của tôi tại từng Tỉnh+Thị và Quận trong Vùng, tôi đã nhận thấy Đặc-Cảnh Vùng I có một tiềm-năng rất lớn, cần được khai-dụng tối-đa.

          Tuy nhiên, trong bối-cảnh chiến-tranh và trước ưu-thế đương-nhiên của phía quân-sự, tôi cần trước tiên đạt được cảm-tình và niềm tin của giới quân-nhân.

          Trong tinh-thần đó, để bắt đầu các hoạt-động đối-ngoại của Ngành, tôi phải sớm đến ra mắt các cấp lãnh-đạo và điều-hành Quân-Khu ở đây.

Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng

          Tại Quân-Khu I, tôi ít gặp Trung-Tướng Tư-Lệnh Ngô Quang Trưởng, nếu so-sánh với các Trung-Tướng Tư-Lệnh Vĩnh Lộc, Lữ Lan, Ngô Du, Nguyễn Văn Toàn, như hồi tôi còn làm việc ở Quân-Khu II. Tướng Trưởng dùng phần lớn thì giờ của ông để đi thị-sát bên ngoài, ít ở văn-phòng.

          Tuy thế, trong tâm-tưởng tôi cảm thấy gặp-gỡ và gần-gũi ông thường-xuyên. Viên trung-tướng ấy, như ở Sài-Gòn cũng như ở Vùng II tôi nghe nhiều người ca-tụng, quả là một nhân-vật lý-tưởng của xã-hội đương-thời. Ðịa-vị của người quân-nhân đã dược nâng lên hàng đầu trong bốn giới ―Quân, Công, Cán, Chính―mà người quân-nhân ấy lại đã ở trên đỉnh cao của chức-vụ (“Tướng Vùng” là “lãnh-chúa” của Vùng rồi). Nào là được đề-bạt lên chức-vụ cao hơn ở Trung-Ương nhưng ông thoái-thác, tình-nguyện ở lại trấn-giữ vùng địa-đầu đầy gian-nguy này của Quê Hương; nào là tận-tụy dồn hết tâm-trí, công-sức và thì-giờ vào công cuộc chống Cộng ngay ở trận tiền, hiếm khi hưởng-lạc ở thị-thành; nào là được Tổ-Chức Liên-Phòng Ðông-Nam-Á (SEATO= South East Asia Treaty Organization) mời qua Thái-Lan hàng tháng để thuyết-trình về nỗ-lực và kinh-nghiệm chiến-trường Việt-Nam; nào là không có tham-vọng chính-trị nên được Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu tin yêu, an-tâm rằng ông sẽ không bao giờ ly-khai Trung-Ương như toan-tính của cựu Trung-Tướng Nguyễn Chánh Thi ngày xưa . . .

          Một hôm, trong lúc chờ đợi tập-trung tài-liệu đem đi họp lần đầu tiên với Quân-Ðoàn I tại văn-phòng của Đại-Tá Hoàng Mạnh Ðáng, Tham-Mưu Trưởng Quân-Ðoàn và Quân-Khu, một số sĩ-quan cao-cấp đã ngẫu-nhiên đề-cập với tôi về Trung-Tướng Trưởng: nào là ông đã nghiêm-phạt một viên tướng Tư-Lệnh Sư-Ðoàn vì liên-đới chịu trách-nhiệm trong vụ một đơn-vị thuộc quyền lùa bò của dân-nhân; nào là ông đã trừng-trị một viên đại-tá Trưởng Cơ-Quan vì tham-nhũng đối với ngân-sách Phát-Triển Nông-Thôn; nào là ông dùng trực-thăng bay khắp Quân-Khu, đích-thân kiểm-soát tình-hình mọi mặt, mọi nơi, kể cả giám-sát tác-phong kỷ-luật của quân-nhân dọc đường cũng như tại các đồn trại xa-xôi, vào những ngày giờ bất-ngờ nhất; nào là ông chỉ mặc chiến-phục với áo giáp, mũ sắt, sẵn-sàng tác-chiến bất-cứ lúc nào . . . Dư-luận cũng đồn là ông đã từng tát tai một viên Bộ-Trưởng hãnh-tiến tại phi-trường . . .

          Vô-số việc làm điển-hình của Tướng Trưởng đã được kể lại với tôi bằng lời-lẽ và thái độ đầy thán-phục, gây trong tôi một xúc động mạnh và một ấn-tượng sâu, đến nỗi sau đó, lúc tôi leo lên giữa chừng cầu thang dẫn đến văn-phòng của ông và của Đại-Tá Ðáng, thình-lình gặp ông bước xuống, tôi bỗng khựng người. Sừng-sững trước tôi quả là hình-ảnh vĩ-đại của một “người hùng” mặc-áo-giáp, đội-mũ-sắt, thực-tế mà hoang-đường như trong huyền-thoại thời xưa. Ông hỏi tôi đến làm gì, tôi nghẹn-ngào nói không nên lời, khiến Đại-Tá Lê Quang Nhơn, Chánh-Sở I An-Ninh Quân-Ðội, cùng đi với tôi, phải trả lời thay.

          Thế là tôi đã có một lãnh-tụ chống-Cộng khả-tín cho toàn Vùng Chiến-Tuyến sôi-sục này.

Thiếu-Tướng Hoàng Văn Lạc

          Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng đã đồng-ý để chúng tôi―là Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Sát Quốc-Gia Khu I, Trưởng Phòng 2 Quân-Ðoàn I & Quân-Khu I, Chánh Sở I An-Ninh Quân-Đội, và tôi là Giám-Ðốc Ngành Ðặc-Biệt Khu I, cùng “Người Bạn Ðồng-Minh” của tôi―họp mặt hàng tuần tại văn-phòng của Đại-Tá Hoàng Mạnh Đáng, Tham Mưu Trưởng của ông.

          Ðó là nỗ-lực phối-hợp tình-báo và hành-quân.

          Còn về an-ninh lãnh-thổ/nội-chính thì chúng tôi gặp nhau tại văn-phòng của Thiếu-Tướng Hoàng Văn Lạc, Tư-Lệnh Phó Quân-Khu.

          Tham dự tại đây có thêm Phụ-Tá CHT/CSQG Khu I đặc-trách Phụng-Hoàng, tức là Phụ-Tá Tổng-Thư-Ký Trung-Tâm Thường-Trực của Ủy-Ban “Phụng Hoàng” Quân-Khu I, nhưng không có “Người Bạn Ðồng-Minh”.

          Ngay trong phiên họp mà lần đầu tiên có tôi, Tướng Lạc nhấn mạnh đến tình-hình an-ninh chung, nhất là ngay giữa và xung quanh Thị-Xã Ðà-Nẵng, nơi Quân-Ðoàn I và Quân-Khu I đặt tổng-hành dinh, nơi bây giờ là thủ-phủ của Miền Trung.

          Các vấn-đề điển-hình được nêu ra :

          Kho Xăng lớn nhất của Quân-Khu I ở Liên-Chiểu, sát bên chân Ðèo Hải-Vân, đã bị Việt-Cộng tấn-công mấy lần ; các bồn xăng dự-trữ quan-trọng khác ở giữa nội-thành Đà-Nẵng cũng bị đặc-công Việt-Cộng cắt rào thép gai dở chừng (năm rồi đã bị đặt bom phá hủy một số lượng lớn xăng dầu); xe lửa từ Huế, vào khỏi hầm Ðèo Hải-Vân là bị Việt-Cộng giật mìn đều đều; đặc-biệt là ở phía nam Núi Ngũ-Hành-Sơn, phi-cơ trực-thăng của Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng thường bị Việt-Cộng bắn sẻ, nên ông phải tránh vùng đó bằng cách bay vòng ra xa...

          Tôi không cần thắc-mắc tại sao Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn I & Quân-Khu I và Bộ Chỉ-Huy Cảnh sát Quốc gia Khu I đóng ở đó, mà các cơ-quan/đơn-vị Quân-Lực và Cảnh-Lực sở-tại đã không thanh-toán được các ung-nhọt kinh-niên này.

          Tôi liền tự-nguyện đảm-trách việc phục-hồi và bảo-đảm an-ninh lâu dài cho các nơi kể trên.

          Tôi còn đề-nghị để cho Cảnh-Lực nói chung, Ngành Ðặc-Biệt nói riêng, do tôi đích-thân nhập cuộc, đảm-nhận vai trò chủ-trì trong các hoạt-động cả chìm lẫn nổi, tiễu-trừ cộng-sản và duy-trì an-ninh lãnh-thổ, bất-cứ tại vùng đất nào có thường-dân cư-trú và sinh-hoạt, bắt đầu từ các thị-xã, quận-lỵ, trên khắp Quân-Khu.

          Tôi chỉ xin một chữ ký của Tư-Lệnh Quân-Ðoàn và Quân-Khu, thông-báo việc này cho hết thảy các cơ-quan và đơn-vị quân-sự trên toàn Vùng đều biết để tuân-hành.

          Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư-Lệnh Quân-Ðoàn I và Quân-Khu I, đã chấp-thuận đề-nghị ấy của tôi.

Phòng Nhì và An-Ninh Quân Ðội

          Nói chung thì quân-nhân không ưa gì cảnh-nhân; nói riêng thì, trong lãnh-vực tình-báo, có sự bất-đồng ý-kiến, nếu không muốn nói là tranh-giành ảnh-hưởng giữa Quân-Báo, Quân-An, với Cảnh-Sát Quốc-Gia [Đặc-Cảnh]. Tuy thời-gian sau này quân-nhân các cấp được biệt-phái qua Cảnh-Lực rất đông, và sĩ-quan quân-lai nắm giữ đa-số chức-vụ chỉ-huy trong ngành Áp-Pháp, nên sự giao-tiếp giữa hai bên ở cấp cao và ở bề mặt đã được cải-thiện khá nhiều ; nhưng trong các đụng chạm hằng ngày, kể cả trong việc phối-hợp công-tác, phần lép vế vẫn thường dành cho phía cảnh-nhân.

          Ai cũng biết, trong địa-hạt tình-báo quân-sự, các chuyên-viên quân-nhân đương-nhiên thành-thạo hơn; huống chi trong thời chiến, Quân-Báo được trang-bị các phương-tiện máy-móc, dụng-cụ và kỹ-thuật tối-tân qua nguồn quân-viện là ngân-sách chính-yếu của Hoa-Kỳ; được sự yểm-trợ của không-ảnh; được ưu-tiên khai-thác các tài-liệu bắt được tại chiến-trường; được ưu-tiên thẩm-vấn mọi nguồn tin, kể cả hồi-chánh-viên, can-phạm và tù-binh do Ðặc-Cảnh bắt được. Ðiểm yếu của Ðặc-Cảnh là cũng thu-lượm tin-tức quân-sự, nhưng thiếu hoàn-cảnh xác-nhận, lại thừa cảnh-giác bị-trách, nên tin-tức nào nhận được cũng đều chuyển tiếp đến Phòng Nhì; rốt cuộc có nhiều báo-cáo của các cấp cao mà chỉ có giá-trị thấp, thậm-chí không có giá-trị gì. (Các cấp lãnh-đạo Ðặc-Cảnh ở Trung-Ương hầu như không chú ý đến điều này.)

          Ðối với tôi, vấn-đề phân-minh hơn. Ðặc-Cảnh mà cũng am-tường về quân-sự thì lại càng tốt chứ sao. Thí-dụ, để đạt được điều đó, suốt nhiều năm qua, tôi đã nhịn ăn điểm-tâm mỗi ngày để kịp đến dự các buổi thuyết-trình sáng sớm tại Bộ Tư-Lệnh Quân-Ðoàn II, hồi còn đóng ở Pleiku, và Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu II, hồi đã dời về Nha-Trang, để theo sát diễn-biến tình-hình và nắm vững các vấn-đề quân-sự khắp Vùng, hòa mình với các cấp chỉ-huy các giới quân-nhân, nên khi lâm-sự là bản-thân được nể-vì và do đó công-vụ được phối-hợp chân-tình.

          Tuy nhiên, mỗi cơ-quan có một chức-năng riêng, mỗi phần-vụ có một trách-nhiệm riêng. An-ninh và tình-báo đâu phải chỉ đóng khung trong phạm-vi quân-sự, dù cho đất nước đang trong tình-trạng chiến-tranh.

          Cộng-sản không phải chỉ là các đơn-vị quân-sự hay các lực-lượng vũ-trang, phục-kích, tấn-công. Nếu không có các lực-lượng chính-quy làm gió bão, thì chính các tổ-chức chính-trị và dân-sự của địch cũng vẫn là những ổ ẩn và nôi nuôi cho các loại mối-mọt và dịch-khí, đủ sức đục rỗng, xói mòn, làm sụp đổ nền móng của Quốc-Gia.

          Ðó là Ðảng Nhân Dân Cách Mạng (Ðảng Lao Ðộng trá-hình) ; Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng; Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam ; các hội đoàn nhân dân như Công Ðoàn, Nông Hội, Phụ Nữ, Thanh Niên, Sinh Viên, Học Sinh; với các Ðảng Ủy, Ủy Ban Mặt Trận, cơ quan nhà nước, chi nhánh hội đoàn, từ trung ương xuống đến xã thôn; các bộ-phận điệp-báo, đặc-công, tuyên-truyền, địch-vận, trí-vận, tôn-giáo-vận, kinh-tài, tiếp-tế, giao-liên...

          Tất cả đều là đối-tượng của Ðặc-Cảnh ; mà chúng lại là những kẻ thù siêu-biên-giới, vạn-trạng thiên-hình.

          Ðồng-ý với nhận-thức đó của tôi, Đại-Tá Phạm Văn Phô, Trưởng Phòng 2 Quân-Ðoàn I và Quân-Khu I, đã thỏa-thuận thông-báo và chuyển-giao cho tôi tất cả những tin-tức và tài-liệu nào có liên-quan đến chính-trị và dân-sự Việt-Cộng mà phía Quân-Báo có được.

          Phần tôi thì chỉ cung-cấp cho Phòng Nhì những tin-tức và tài-liệu nào mà tôi đã đích-thân lọc lựa, kiểm xác, có giá-trị cao.

          Từ trước đến nay, tất cả các cơ-quan tình-báo cũng như đơn-vị hành-quân khắp nước đều căn-cứ vào tài-liệu “Trận Liệt Việt-Cộng” do Phòng Nhì soạn-thảo, như một bộ từ-điển tổng-hợp về tổ-chức và nhân-sự của địch, để truy-tầm, phát-hiện, và xác-định lý-lịch cùng chức-vụ của từng phần-tử cộng-sản có được trước mặt hoặc trong tay.

          Tuy nhiên, nhận thấy về phía chính-trị và dân-sự thì Ngành Ðặc-Cảnh của tôi có đầy-đủ dữ-kiện hơn, nên tôi đề-nghị, và Bộ Tư-Lệnh Quân-Ðoàn I và Quân-Khu I đã chấp-thuận, từ nay trở đi “Trận-Liệt Việt Cộng” được chia ra làm hai phần: Phòng Nhì chỉ lập Trận Liệt Quân-Sự, còn Trận Liệt Chính-Trị thì tôi đảm-nhận cho Ngành Ðặc-Cảnh của tôi thực-hiện, cùng được lưu-hành và sử-dụng khắp Quân-Khu, cũng như phổ-biến lên Trung-Ương (Bộ Tổng-Tham-Mưu, Phủ Ðặc-Ủy Trung-Ương Tình-Báo, Bộ Chiêu-Hồi, Bộ Tư-Lệnh Cảnh sát Quốc gia, v.v...) và vào Quân-Khu II là lãnh-thổ giáp-biên, để mọi cơ-quan đơn-vị đều tham-khảo trong đó tất cả những gì có liên-quan đến Việt-Cộng ở Miền Trung.

          Dưới thời Thiếu-Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ-Tịch Ủy-Ban Hành-Pháp Trung Ương, Đại-Tá (về sau là Thiếu-Tướng) Nguyễn Ngọc Loan, Giám Ðốc An-Ninh Quân-Ðội, được cử kiêm-nhiệm Tổng-Giám Ðốc Cảnh-Sát Quốc-Gia, đã ra lệnh cho Cảnh-Sát phải cung-cấp mọi tin-tức tài-liệu cho Quân-An. Từ đó về sau, việc ấy đã thành thông-lệ . . .

          Nhưng tôi không chịu giới-hạn sự phối-hợp giữa hai Ngành trong chừng-mực quá giản-đơn như trên. Thí-dụ: lâu nay Quân-An chỉ cần căn-cứ vào bảng kết-quả sưu-tra văn-khố của Cảnh-Sát để thông-qua quá-trình hoạt-động chính-trị của các ứng-viên Việt-Nam xin vào làm việc tại các công-sở, quân-cứ, và tư-hãng của Hoa-Kỳ. Tôi để ý thấy tại các bộ-phận Văn-Khố Cảnh-Sát (Sắc-Phục) lúc nào cũng có khá nhiều hồ-sơ cá-nhân hoạt-động cộng-sản ứ đọng, chưa được lập phiếu và xếp loại đưa vào hệ-thống lưu-trữ để dùng trong khâu sưu-tra. Ngoài ra, có những quân-nhân biệt-phái qua các cơ-quan hành-chánh ; những quân-nhân đắc-cử vào các chức-vụ dân-cử ; và cả những quân-nhân mà không phải lúc nào cũng ở trong trại binh :  họ hưởng quy-chế quân-nhân, ngoài vòng quyền-hạn của Cảnh-Sát, nhưng đồng-thời họ đã vượt ra khỏi tầm tay kiểm-soát của Quân-An.

          Tôi đặt vấn-đề với Đại-Tá Lê Quang Nhơn, Chánh Sở I An-Ninh Quân-Đội, và ông đã tán-đồng ý-kiến của tôi, trình ý-kiến thuận lên Cấp Trên, để hai Ngành phối-hợp với nhau một cách chặt-chẽ và rộng-rãi hơn, cả trên bình-diện giám-thị, theo-dõi, lẫn trong công-tác điều-tra, xử-lý, kể cả câu-lưu và thẩm-vấn, nhất là về mặt phản-gián, đối với các phần-tử nội-tuyến, cơ-sở nằm vùng của đối-phương trong hàng-ngũ quân-nhân . . .

Trung-Tâm Thường-Trực Bình-Ðịnh và Phát-Triển Quân-Khu I

          Nếu một Chính-Quyền phải làm một lần cả hai công việc, giữ nước và dựng nước, thì Hội-Ðồng Bình-Ðịnh và Phát-Triển là tổ-chức dựng nước vậy.

          Tuy trong Chương-Trình có một mục-tiêu “vô-hiệu-hóa hạ-tầng cơ-sở của Việt-Cộng, vãn-hồi an-ninh cho Xã Ấp nông-thôn”, nhưng nhiệm-vụ ấy đã được giao khoán, trên danh-nghĩa, cho Ủy-Ban Phụng-Hoàng, và trên thực-tế, cho Quân-Lực và Cảnh-Sát Quốc-Gia, mà các phương-tiện hoạt-động thì đã có nguồn cung-cấp từ gốc ở Trung-Ương rồi. Còn lại các mục-tiêu khác, như giúp-đỡ nông-dân tăng-gia sản-xuất lúa gạo, chống nạn mù chữ và nâng cao trình-độ học-vấn của dân quê, khám chữa bệnh-tật và bảo-vệ sức khỏe cho đồng-bào, xây-đắp cầu đường để đáp-ứng nhu-cầu vận-tải giao-thông, mở rộng mạng lưới thông-tin để phổ-cập đến hạ-tầng tin-tức thời-sự và chính-sách luật-lệ của Chính-Quyền, v.v... thì có kèm theo ngân-sách để mua phân bón, cất thêm trường học, bệnh-xá, cầu, đường, trạm thông-tin, v.v... nên hấp-dẫn các nhà-thầu và lôi-cuốn các cấp chức liên-hệ với việc gọi-thầu, đấu-thầu hơn.

          Lần đầu tiên tôi đến với Trung-Tâm Thường-Trực Bình-Ðịnh và Phát-Triển Quân-Khu I thì gặp lúc Bộ Thương-Mại và Kỹ-Nghệ đang cùng Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu I cứu xét vấn-đề một số thương-gia Hoa-Kiều xin khai-thác quế ở vùng Quận Quế-Sơn (thuộc Tỉnh Quảng-Tín) là vùng bán-an-ninh.

Quế là một nguồn lợi lớn, Việt-Cộng cũng giành.

          Trước đó, Thiếu-Tướng (sau này là Trung-Tướng) Nguyễn Văn Toàn đã “tranh-thủ” thế nào mà báo-chí mệnh-danh ông là “Quế tướng-công”. Tôi đứng về mặt an-ninh, tình-báo, chính-trị, kinh-tế và dân-sự, góp thêm ý-kiến với Trung-Tâm, vì ngại các nhà quân-sự đang phải đương-đầu với các bộ óc tài-phiệt của giới phú-thương. Tôi đề-nghị để Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc, Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng I, cùng tham-gia phái-đoàn Quân-Khu đến tận nơi nghiên-cứu tận-tường.

          Bỗng-nhiên có lệnh cấm Đại-Tá Lộc vào Tỉnh Quảng-Tín.

          Tôi thuyết-phục Lộc, và ông đã nghe theo tôi : cứ đi, vì đó là quyền của mình ; mình đi về việc của mình. Tôi cùng đi với ông.

          Có lần tôi khám-phá thấy Trung-Tâm Bình-Ðịnh và Phát-Triển Quân-Khu I đã dùng cả hai cảnh-nhân, một đại-úy và một thượng-sĩ, được Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Vùng I biệt-phái đến để “phối-hợp công-tác”, vào việc nấu nước pha trà, phục-vụ cho các sĩ-quan và hạ-sĩ-quan quân-nhân tùng-sự tại Trung-Tâm này !

          Tôi trình vụ này lên Đại-Tá Lộc và ông đã rút các nhân-viên kia về.

Sự Phối-Hợp Hoạt-Động Giữa An-Ninh & Phản-Gián Chính-Trị & Quân-Sự tại Miền Trung

          Một thời-gian sau, sau khi đã lập được sự thân-cận, tin-cậy và nể-vì nhau giữa các cơ-quan Cảnh-Sát Quốc-Gia (Ngành Đặc-Biệt), Phòng Nhì, và An-Ninh Quân-Đội, ở cấp Quân-Khu/Vùng rồi, tôi đã tiến xa hơn, đề-nghị, và đã được Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng chấp-thuận, để Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu I tổ-chức một cuộc gặp mặt giữa các Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh sát Quốc gia với các Trưởng Ty/Phòng An-Ninh Quân-Đội của các Tỉnh/Thị và với các Trưởng Phòng Nhì của các Tiểu/Đặc-Khu toàn Miền Trung, để chính-thức-hóa và cụ-thể-hóa sự phối-hợp công-tác giữa 3 ngành an-ninh, tình-báo và phản-gián dân và quân-sự nói trên, ở cấp Tỉnh/Thị thuộc quyền.

          Buổi họp đặc-biệt ấy đã diễn ra tại hội-đường Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn I & Quân-Khu I, dưới quyền chủ-tọa của Thiếu-Tướng Hoàng Văn Lạc, Phó Tư-Lệnh Quân-Khu I, đại-diện Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư-Lệnh Quân-Đoàn & Quân-Khu.

          Vì Tổng-hành-dinh của Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn I & Quân-Khu I kiểm-soát việc vào/ra nghiêm-ngặt, nên tôi đã đích-thân hướng-dẫn đoàn xe của các Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh sát Quốc gia Tỉnh/Thị thuộc Khu I từ Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Vùng vào cổng Trại, đến tận hội-đường của Quân-Khu.

          Cũng như trong các trường-hợp khác, tôi vừa đề-xướng, vừa tổ-chức, vùa làm cấp chỉ-huy, vừa làm nhân-viên chấp-hành.

* * * * *

          Ngoài ra, Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng cũng đã chấp-thuận cho tôi dùng một nhân-viên Đặc-Cảnh, dù chỉ là hạ-sĩ-quan, đóng vai đại-úy Quân-Lực, tham-gia Phái-Đoàn Quân-Sự của Việt Nam Cộng Hòa, trong Ban Liên-Hợp Quân-Sự 4-Bên (sau này chỉ còn 2-Bên), để thực-hiện các công-tác điệp-báo nhắm vào 2 nhóm cộng-sản Ba-Lan và Hung-Gia-Lợi, dự-trù nấp dưới danh-nghĩa thư-ký của Trung-Tá Vinh, Phó Trưởng Phái-Đoàn Việt Nam Cộng Hòa tại Quân-Khu I―tức Khu-Vực II chiếu theo Hiệp-Định Paris 1973.

          (Việc cài viên-chức Đặc-Cảnh vào với Phái-Đoàn Quân-Sự Việt Nam Cộng Hòa đã từng được tôi đề-xướng thời-gian tôi còn điều-khiển Ngành Đặc-Cảnh tại Vùng II, điển-hình với vụ Thiếu-Tá Trần Văn Thả, Chánh Sở Đặc-Cảnh Tỉnh Bình-Thuận [được sự tán-trợ của Đại-Tá Tỉnh-Trưởng kiêm Tiểu-Khu-Trưởng Ngô Tấn Nghĩa], đưa một trung-sĩ Đặc-Cảnh vào giả làm một đại-úy Quân-Lực Việt Nam Cộng Hòa để tiếp-cận một mục-tiêu là thành-viên của “Chính-Phủ Cách-Mạng Lâm-Thời Miền Nam Việt-Nam” trong “Ban Liên-Hợp Quân-Sự 4-Bên” đóng ở Phan-Thiết.)

          Sở I An-Ninh Quân-Đội cũng đã trường-kỳ biệt-phái một thiếu-tá cầm đầu 5 sĩ-quan và hạ-sĩ-quan, đến làm việc chung với Toán “Thạch Mã” (giám-thị & theo-dõi các thành-viên của các Phái-Đoàn cộng-sản Ba Lan và Hung Gia Lợi trong Ủy-Hội Quốc-Tế nói trên) thuộc Ngành Đặc-Biệt Khu I của tôi.

          Phòng Nhì Quân-Đoàn I cũng đã biệt-phái thường-trực một trung-úy, để cùng với viên-chức CSĐB của tôi đến hoạt-động ngày/đêm tại Tỉnh Quảng-Nghĩa, bên cạnh Bộ Chỉ-Huy Tiểu-Khu, các Bộ Chỉ-Huy Trung-Đoàn, các Bộ Chỉ-Huy Chi-Khu, Ty Chiêu-Hồi, Ty Xã-Hội, Ty Y-Tế, v.v... để cấp Quân-Khu có thể cùng với địa-phương kịp-thời khai-thác tin-tức & tiếp-cận tại chỗ mọi nguồn tin (VC bị hạ-sát, bị bắt, hồi-chánh; thường-dân ngộ-nạn, tỵ-nạn, được ta giải-thoát; v.v...), nhằm mục-đích tuyển-chọn, xây-dựng và sử-dụng làm tình-báo-viên xâm-nhập vào, hoặc nội-tuyến, bên trong hàng-ngũ đối-phương―vì Quảng-Nghĩa là nơi có nhiều cơ-hội nhất để tìm-kiếm các đầu-mối này...

* * * * *

          Những sáng-kiến và nỗ-lực ấy của tôi, nhằm thắt chặt mối tương-quan và sự phối-hợp hoạt-động giữa các cơ-quan nói trên, đã tạo nên không-khí và hoàn-cảnh thuận-lợi hơn cho công-tác của các cấp Cảnh-Sát Quốc-Gia/Cảnh-Sát Đặc-Biệt trên toàn Vùng/Quân-Khu I từ đó trở đi.

          Lê Xuân Nhuận

          Xem tiếp : Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng trong trách-vụ Đại-Biểu Chính-Phủ tại Miền Trung.

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Quan Điểm Của Một Phật Tử Trước Vấn Đề Ăn Thịt Chó
Đọc sách Pháp Môn Tịnh Độ của Toàn Không Đỗ Đăng Tiến
Văn Bằng Dại Học Thật Hay Giả
Trung Hiếu Là Nền Tảng Đạo Đức Của Dân Tộc
Tại Sao Vũ Hoàng Chương Bị Bắt Vào Nhà Tù Khám Lớn ?
Người Quảng Khơi Dòng Cho Nhạc Bolero Việt Nam
Trung Hiếu Là Nền Tảng Đạo Đức Của Dân Tộc
Khỏa Lấp Lịch Sử
Hiện tượng “hát nhạc lính Việt Nam Cộng Hòa” ở trong nước
Bệnh Tiểu đường ngày nay là một đại dịch toàn cầu
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3942768
Có 0 Khách Đang Online