Ông Ngô Đình Diệm Làm Thượng Thư Trong Bao Lâu ?
Lê Xuân Nhuận
Một trong mấy sự-kiện mà Dòng Họ Ngô Đình lấy làm hãnh-diện nhất, là Ông Ngô Đình Diệm đã được Hoàng-Đế Bảo Đại bổ làm Thượng-Thư Bộ Lại trong năm 1933.
Một dấu ấn đậm nét như thế, đương-nhiên phải được trân-quý như châu-báu, học thuộc lòng như sấm-kinh, để sẵn-sàng đọc lên, viết ra . . . thống-nhất như khuôn đúc, mỗi khi có cơ-hội đề-cập để tôn-vinh Người.
Thế nhưng, ngày nay đọc lại tiểu-sử của Ông Ngô Đình Diệm, riêng về sự-kiện cầm-nắm một trong Sáu Bộ của Triều-Đình này, thiên-hạ thấy gì trên giấy trắng mực đen ?
* * * * *
1/ Theo Ông Nguyễn Lý Tưởng, trong bài “Bổ Túc Vài Điều về Họ Ngoại của Cố Hồng Y (Nguyễn Văn Thuận)” thì :
Ông Ngô Đình Diệm làm “Thượng Thư Bộ Lại (1933, vào năm 32 tuổi) được hơn 02 tháng thì từ chức . . .”.
2/ Theo Tiến-Sĩ Hoàng Ngọc Thành, trong cuốn “Những Ngày Cuối Cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm”, Quang Vinh & Kim Loan & Quang Hiếu, San Jose, CA, USA, 1994, trang 22-23, thì :
Đến ngày 2-5-1933, ông Ngô Định Diệm được cử làm thương thư bộ Lại tức bộ nội vụ . . .
Và ông “từ chức, vào tháng 9 năm 1933” (tức là làm Thương Thư Bộ Lại khoảng 4 tháng, trong khi tác giả Nguyễn Lý Tưởng viết là hơn 2 tháng).
3/ Theo Tiến-Sĩ Phạm Văn Lưu, trong cuốn “Biến Cố Chính Trị Việt Nam Hiện Đại – Ngô Đình Diệm và Bang Giao Việt-Mỹ 1954-1963”, Centre for Vietnamese Studies, Melbourne, Vic., Australia, 1994, trang 8, thì:
. . . Ngô Đình Diệm nhất quyết từ bỏ chức vụ (Thượng Thư Bộ Lại) ra đi vào 1.9.1933”, (tức là ngót 4 tháng, gần giống với tác-giả Hoàng Ngọc Thành, chứ không phải là hơn 02 tháng như tác-giả Nguyễn Lý Tưởng viết).
4/ Theo Ô. Bùi Tín, cựu đại-tá Phó Tổng Biên Tập bào Nhân Dân của cộng-sản Việt-Nam, trong bài “Ngô Đình Diệm với tư-cách nhân vật lịch sử”, thì :
“Ngô Đình Diệm . . . xin từ chức thượng thư bộ Lại vào tháng 7 năm 1933” (nhưng các Tiến-Sĩ Hoàng Ngọc Thành và Cựu-Hoàng Bảo Đại lại viết là từ chức vào tháng 9-1933).
5/ Theo Ông Ngô Kỷ thì :
“. . . vào ngày 02 tháng 03 năm 1933, Vua Bảo Dại bổ nhiệm ông Diệm nắm chức vụ Thượng Thư Bộ Lại” (trong lúc Tiến sĩ Hoàng Ngọc Thành viết đó là ngày 02 tháng 05-1933).
6/ Theo Cựu-Hoàng Bảo Đại, trong cuốn “Le Dragon D’Annam” (Con Rồng Việt Nam), 1990, trang 92-93, thì :
“Sau bốn tháng, vào đầu tháng 9 năm 1933, Ngô Đình Diệm không tìm thấy ở Phạm Quỳnh một sự giúp đỡ gì, liền gặp tôi” . . . (và xin từ chức).
* * * * *
Tuy nhiên, theo Ô. Ngô Đình Luyện, em út trong gia-đình họ Ngô, thì :
Trên Wikipedia (Bách Khoa Tùng Thư mở), có một bài viết về Ông Ngô Đình Luyện, mở đầu như sau :
https://en.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%B4_%C4%90%C3%ACnh_Luy%E1%BB%87n
Ngô Đình Luyện
From Wikipedia, the free encyclopedia
(Redirected from Ngo Dinh Luyen)
Jump to navigationJump to search
Ngô Đình Luyện (1914 – 1990) was a Vietnamese diplomat.
Interviewer :
Mr. Luyen, the first question is the issue of why Bao Dai chose your brother and how he chose him.
Ngo Dinh Luyen :
Yes, to answer, there are several . . .
my father had already resigned because they'd dethroned Emperor Thanh Thai,
And, if you like, after that, one of his sons – still very young and already having achieved, if you like, the peak of his career – resigned after six months, right . . .
Ông Ngô Đình Luyện đã trả lời phỏng-vấn của Open Vault thuộc hệ-thống truyền-hình truyền-thanh WGBH Hoa-Kỳ như sau :
Vâng, có nhiều lý-do (tại sao Cựu-Hoàng Bảo Đại chọn cử anh của ông là Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng ?).
“Cha tôi đã từ chức vì không đồng ý để Pháp đày vua Thành Thái. Rồi thì một trong các con trai của Người, còn rất trẻ và đã thành đạt, lên đến đỉnh cao của sự nghiệp, đã từ quan sau sáu tháng nhậm chức…”
* * * * *
Tóm lại, ta cần cẩn-thận đối với các tài-liệu liên-quan đến Dòng Họ Ngô Đình, vì có nhiều chi-tiết về nhiều vấn-đề khác nhau đã bị ngụy-tạo, sửa-chữa theo ý của một hoặc một nhóm người. Ngay chính Ông Nguyễn Lý Tưởng cũng đã viết rằng:
“tài liệu về lý lịch” (thì do) “các Linh Mục Giáo Phận Huế” (biên soạn) . . . và do “Tòa Giám Mục Huế ấn hành”, mà “Linh Mục (sau này là Hồng Y) F.X. Nguyễn Văn Thuận” thì “là 01 trong những tác giả đã góp phần biên soạn tài liệu nầy” (tức là tự viết về mình và thân-thuộc của mình).
Lê Xuân Nhuận
Ghi riêng :
Lê Xuân Nhuận là người đầu tiên khám-phá ra vụ giành cướp am thiêng Lá Vằng để xây linh địa La Vang - Xin Mời Xem Những Phần Kế Tiếp Dưới Đây Thì rõ Sáng hơn.
* * * * *
Chương I :
Nguồn Gốc Loài Người
Tôi là người Việt-Nam,
Một nòi-giống phi-phàm,
Mà tổ-tiên theo sử-sách lưu-truyền
Thì là con Rồng, và là cháu Tiên.
Nhưng Tiên lấy chồng là vua Thần Nông,
Và Rồng lấy vua Kinh Dương Vương làm chồng,
Tức là cả Tiên lẫn Rồng đều làm vợ con-người,
Mà dòng-dõi thì truyền xưống từ phía đàn-ông
Cho nên giống-nòi từ đó là con-người mà thôi :
Chính là dân-tộc Việt-Nam chúng tôi.
Ngày nay, khoa-học đã củng-cố niềm tin
Của loài người, vào thuyết của Charles Darwin:
Đã tìm ra tổ-tiên từ nhiều nhiều triệu năm về trước,
Là loài linh-trưởng, trên cây, trong hang, dưới nước,
Từ Á qua Phi; rồi qua Âu, làm Neanderthal,
Rồi về Á lại, làm Denisovan.
Bây giờ chúng ta có thể đi xem Cụ Tổ “Lucy”
Được triển-lãm ở Houston và 11 thành-phố Hoa-Kỳ.
Điều đáng nói là có người phản-bác,
Cho rằng loài người là do Trời sáng-tác.
Tôi thì tôi đứng giữa, nghĩa là theo cả hai bên:
Bên Tiến-Hóa thì rõ-ràng với bằng-chứng hiển-nhiên;
Còn bên Tạo-Sinh thì tôi đang chờ-đợi,
Cho đến khi nào “Vị” ấy hiện tới,
Thì tôi sẽ chất-vấn, một câu thôi :
Bất-tài, thất-đức, mà sao chưa chịu “biến” cho rồi !
Nói tóm lại, Loài Người là kết-quả
Của một quá-trình chọn-lọc tự-nhiên – Tiến-Hóa –
Không kẻ nào mạo-nhận “đấng khai-sinh”
Để kéo lùi về thời trung-cổ Thế-Giới đã Văn-Minh . . .
Thanh Thanh
* * * * *
CHƯƠNG II :
Mức Độ Khả Tín Của Linh Mục Hồng Phúc
A/ Tài Liệu :
Báo “Mẹ Việt-Nam” (67 E Hedding St, San Jose, CA 95112, USA), số 102 ra ngày 15-8-98, có đăng bài “Đốt Lò Hương Cũ : Cụ Ngô-Đình Diệm và La Vang” của Lm Hồng-Phúc.
1) Linh mục Hồng-Phúc viết : “Tập sách “Đức Mẹ La-Vang và Giáo-Hội Việt Nam” . . . Bản thảo của tập sách bị thất-lạc. Cha Giuse Lê-Văn-Thành đã thu-thập lại được một ít tài-liệu, nhờ linh-mục Hồng Phúc ấn-loát gấp 10.000 quyển gởi ra trước kiệu Đại Hội lần thứ 12, tháng 8-1955. Cuối tháng 7, tôi nhận được điện-tín của ngài cho biết máy bay không nhận chở ra Huế. Tôi về viếng Mẹ La-Vang xin Mẹ giúp. Chúng tôi cùng với một cha bạn quen với họ Ngô, vào xin yết-kiến Tổng-Thống. Văn-phòng Phủ Tổng-Thống cho biết là Tổng Thống rất bận. Họ nói với chúng tôi : Đúng 5 giờ, Tổng Thống có thói quen ra thở không-khí trời vài phút . . . Tôi nói ngay sự việc và xin Tổng Thống giúp . . .”.
Ý-kiến :
Độc-giả không cần nhớ lại lịch-sử, vì Linh mục Hồng-Phúc đã viết trong một đoạn trước của cùng bài ấy : “Từ khi lên làm Tổng Thống (tháng 10-1955), mỗi lần có dịp ra Quảng Trị việc đầu tiên là tới La Vang cầu-khẩn với Đức Mẹ”.
Việc chuyên-chở sách đạo và đại-hội La Vang xảy ra vào tháng 8-1955, vào thời-gian ấy ông Ngô Đình Diệm còn là Thủ Tướng của chính-phủ Bảo Đại (Diệm phải đợi đến ngày 23 tháng 10-1955 (hai tháng sau) mới lật đổ Bảo Đại để lên làm Tổng Thống), thế mà Lm Hồng Phúc đã gọi ông Diệm là Tổng-Thống thay vì sự thật là Thủ Tướng.
2) Lm Hồng-Phúc cũng viết : “Ngày 16-8-1961 Cụ đến kính viếng Đức Mẹ”. Nhưng ông lại ghi-chú dưới bức ảnh tổng-thống Ngô Đình Diệm đang bước trên các bực cấp của nhà-thờ La Vang, đăng cạnh đó : “Tổng-Thống Ngô Đình Diệm trong ngày Đại-Lễ Đức Mẹ La-Vang 15-8-1961”.
Ý-kiến :
Tổng-Thống đến dự Đại-Hội vào ngày lễ chính, thế mà Linh mục Hồng Phúc không nhớ chính-xác là vào ngày nào, và cũng không thấy là mình đã ghi hai ngày khác nhau trong cùng một bài viết.
3) Trong một đoạn khác, Linh mục Hồng Phúc viết : “Những lần Cụ đến Dòng Chúa Cứu-Thế . . . Ra đi có cận-vệ, quân-cảnh, còi hụ . . .”.
Ý-kiến :
Linh mục Hồng Phúc rõ-ràng không nhớ rằng vào thời ấy lực-lượng hộ-tống Thủ-Tướng (sau đó là Tổng-Thống) Ngô Đình Diệm là Cảnh-Sát, Công-An, và Hiến-Binh, chứ không phải là (vì chưa có) Quân-Cảnh.
B/ Nhận Xét :
Linh-mục Hồng-Phúc là một trong các tác-giả viết về đề-tài La Vang, nhưng ông không có trí nhớ sáng-suốt. Ông không nhớ được những gì xảy ra lâu hơn, và chỉ chọn nhận những gì mà ông thích hơn. Thế thì làm sao mà những bài viết của ông là đúng sự thật và đáng tin-cậy ?
Hơn nữa, không phải chỉ có một mình Lm Hồng Phúc là như thế đó.
* * * * *
Chương III :
Những Sự Việc Sau Đây Xảy Ra Vào Thời Điểm Nào ?
I/ Phong-Trào Văn-Thân Yểm-Trợ Thành-Công Cho Nguyễn-Huệ Lên Ngôi Vua ?
A) Tài Liệu :
Báo “L'Osservatore Romano”, cơ-quan truyền-thông chính-thức của Tòa Thánh Vatican ở La Mã, số ra ngày 12/19-8-98, có đăng bài “Ky-Tô-Hữu Việt-Nam Sùng Kính Đức-Mẹ La-Vang: Sự-Tích Đức-Mẹ Hiện Đến Với Giáo-Dân Trong Rừng La-Vang Ở Việt-Nam”, trong đó có đoạn :
Vào cuối thế-kỷ 18, lãnh-thổ Việt Nam bị chia thành 2 vương-quốc: Đàng Ngoài thuộc quyền chúa Trịnh đóng đô ở Hà Nội; và Đàng Trong thuộc quyền chúa Nguyễn đóng đô ở Huế. Các chúa trong Nam muốn đánh ra Bắc nên nhờ người Pháp giúp đỡ. Nhưng có một nhóm trí-thức, gọi là Văn Thân, chống lại sự can-thiệp của người Pháp và đã thành-công trong việc giúp vua Quang Trung lên ngôi. Ông này chiếm được miền Bắc, nhưng từ-trần sớm, để lại ngai vàng cho con là vua Cảnh-Thịnh, tuổi mới lên mười...
B) Nhận Xét :
Theo “Việt Nam Sử-Lược” của Trần Trọng Kim, Tập II, Chương X (Tình-Thế Nước Nam Từ Năm Giáp-Tuất Về Sau), thì :
Đoạn I. Văn-Thân nổi loạn ở Nghệ An. Tháng giêng năm giáp-tuất (1874), là năm Tự Đức thứ 27, đất Nghệ An có hai người tú-tài là Trần Tấn và Đặng Như Mai hội-tập cả các văn-thân trong hạt rồi làm một bài hịch gọi là “Bình Tây, Sát Tả”, đại-lược nói rằng : “Triều-đình dẫu hòa với Tây mặc lòng, sĩ-phu nước Nam vẫn không chịu, vậy trước nhất xin giết hết giáo-dân, rồi sau đánh đuổi người Tây cho hết . . .”. Bọn Văn-Thân cả thảy độ non ba nghìn người, kéo nhau đi đốt phá những làng có đạo . . .
Và, trong cùng sách, cùng Tập, Chương XV (Việc Đánh Dẹp Ở Trung-Kỳ Và Bắc-Kỳ) :
Đoạn 8. Ông Phan-Đình-Phùng mở đồn-điền ở Vũ Quang, Hà Tĩnh, rồi cho người đi sang Tàu, sang Tiêm, học đúc súng đúc đạn, để đợi ngày khởi-sự. Sau ông ấy đứng đầu đảng văn thân để chống-cự với quân Pháp . . . (1893-1895)
Thiển-nghĩ vì tin vào các tài-liệu của cácKy-Tô-Hữu Việt-Nam cung-cấp mà báo “L'Osservatore Romano”, tiếng nói có thẩm-quyền cao nhất của Ky Tô Giáo, đã để độc-giả thấy rõ là không biết đúng về lịch-sử Việt Nam, nhất là về những sự việc liên-hệ mà họ kể lại. Chỉ vì vua Cảnh Thịnh ngược-đãi tín-đồ Ky Tô Giáo, mà hội Văn Thân thì cũng hành-động như thế, cho nên bài báo ấy đã kết-hợp cả hai phía lại thành cùng một nhóm, mặc dù hai lực-lượng nói trên hiện-hữu vào hai thế-kỷ khác nhau. Thật ra, dưới thời các vua Quang Trung và Cảnh Thịnh, vào cuối thế-kỷ 18, không có Văn Thân. Nhóm kháng-Pháp này chỉ mới bắt đầu thành-hình sau khi quân Pháp đã chiếm lấy nhiều phần đất của Việt Nam, dưới thời vua Tự Đức, và sau khi nước Pháp đã đặt nền đô-hộ trên nước Việt Nam dưới thời vua Thành Thái, vào cuối thế-kỷ 19.
Sự-kiện lịch-sử mà bị viết sai như thế thì làm thế nào mà đúng sự thật trong những chuyện khác, như chuyện Đức Mẹ Hiện Ra Tại La-Vang ?
II/ Các Cuộc Bách-Hại Ky-Tô-Giáo Tại Việt-Nam Thật-Sự Bắt Đầu Xảy Ra Vào Thời-Điểm Nào ?
A) Tài Liệu :
1- Theo báo “L'Osservatore Romano” thì : “Vào tháng 8-1798, triều-thần của vua Cảnh-Thịnh ra lệnh đàn-áp Thiên Chúa Giáo. Giáo-dân cùng với gia-đình chạy trốn vào vùng La Vang. Một hôm, Đức Mẹ hiện ra với họ lần đầu, có bồng Đức Chúa Hài-Đồng trong tay, có hai thiên-thần vây quanh, hứa sẽ che-chở và cứu-vớt họ. Sau đó còn có những lần hiện ra tiếp theo. . .”.
2- Vào ngày 19-6-1998, giáo-hoàng John Paul II có nói: “Kể từ 1533, nghĩa là từ khi Thiên Chúa Giáo bắt đầu truyền sang Đông Nam Á-Châu, trừ vài thời-kỳ yên-ổn, Giáo-Hội Việt Nam đã bị ngược-đãi suốt 3 thế-kỷ. . .”. Nhưng trước đó, linh-mục Pierro Gheddo, tác-giả “Cây Thập-Tự và Cây Bồ-Đề”, đã viết trong cuốn sách ấy: “Thí-dụ, tại Bắc-Kỳ, các cuộc trấn-áp dữ-dội đã bắt đầu vào các năm 1696, 1713, 1721, 1778, v.v. . .”.
B) Nhận Xét :
1- Linh mục Pierro Gheddo thì viết rằng các sự kỳ-thị trở nên khắc-nghiệt vào năm 1696 ; báo “L'Osservatore Romano” của Vatican thì viết rằng tàn-ác nhất là vào năm 1798 nên Đức Mẹ phải hiện đến để “che chở” các tín-đồ Ky Tô Giáo tỵ-nạn tại La Vang; và giáo-hoàng John Paul II thì nói rằng các sự ngược-đãi ấy (dù có một số thời-kỳ lắng yên) đã bắt đầu từ năm 1533.
Nhưng, để tìm hiểu các cuộc đàn-áp ấy thật-sự xảy ra vào thời-gian nào (từ 1533 đến 1696), ta hãy tra-cứu các sách lịch-sử và các tài-liệu khác nữa đã được phổ-biến công-khai.
2- Tác-giả Ky Tô Giáo Nguyễn-Văn-Thông đã viết chi-tiết cụ-thể về các cuộc giết hại giáo-dân, nhưng chỉ kể năm 1630 là năm giết đạo gay-gắt đầu tiên. Sử-gia không-Công-Giáo Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử-Lược, trái lại, đã kể những vụ cấm đạo xảy ra sớm hơn trước đó rất nhiều :
Năm bính-thân (1596) đời ông Nguyễn Hoàng có người giáo-sĩ Tây Ban Nha tên là Diego Adverte vào giảng đạo ở trong Nam trước hết cả. Nhưng lúc bấy giờ lại có mấy chiếc tàu Tây Ban Nha cùng đến, chúa Nguyễn sợ có ý quấy-nhiễu gì chăng, bèn đuổi đi . . . Năm bính-dần (1626) đời vua Lê Thần Tông, giáo-sĩ là Baldinoti vào giảng đạo ở ngoài Bắc, bị chúa Trịnh không cho, phải bỏ đi. . . Năm tân-vị (1631) ở trong Nam, chúa Thượng là Nguyễn Phúc Lan cấm không cho người Tây vào giảng đạo ở trong nước. . . Năm giáp-thìn (1644) chúa Hiền ở Miền Nam bắt giết những người đi giảng đạo ở Đà Nẵng . . . Năm quí-mão ở ngoài Bắc chúa Trịnh là Trịnh Tạc bắt đuổi các giáo-sĩ và cấm không cho người mình theo đạo Gia-Tô . . . Năm bính-tí (1696) đời vua Lê Hi Tông, Trịnh Cán bắt đốt phá hết cả những sách đạo và nhà đạo ở các nơi và đuổi những người giảng đạo ra ngoài nước. . .
3- Rốt cuộc, ta không tìm thấy tài-liệu về việc ngược-đãi (dù không gay-gắt) Ky Tô Giáo vào 60 năm đầu tiên, từ lúc khởi đầu giảng đạo vào năm 1533 cho đến năm 1596 (là năm chúa Nguyễn Hoàng đuổi giáo-sĩ và tàu chiến Tây Ban Nha, mặc dù không bắt và không gây thiệt-hại gì cho họ cả), chưa kể các thời-kỳ yên-ổn khác về sau. Thế thì việc giảng đạo Ky Tô tại Việt Nam quả đã không bị trở-ngại suốt sáu thập-niên đầu tiên. Ai nấy đều biết tại sao sau đó nó đã trở nên cay đắng. Cho nên, đáng lẽ Vatican không nên tảng lờ về 60 năm êm-thắm đầu tiên, mà lại mập-mờ gán cho Việt Nam là vốn kỳ-thị tôn-giáo từ đầu.
III/ La-Vang Được Chọn Làm Trung-Tâm Thánh-Mẫu Toàn-Quốc Từ Bao Giờ ?
A) Tài Liệu :
1- Báo “Mẹ Việt-Nam”, số đặc-biệt 102 ra ngày 15-8-98, có đăng bài “Linh-Địa La Vang” của Nguyễn Lý Tưởng, với đoạn kết-luận như sau : “Hội-Đồng Giám-Mục (Việt Nam) họp ngày 01-05-1980 đã chấp-thuận chọn La Vang làm Trung-Tâm Thánh-Mẫu Toàn-Quốc”.
2- Trong bài báo của Vatican đăng trên “L'Osservatore Romano” kể trên, có đoạn : “Qua Bức Thư Chung (của Hội-Đồng Giám-Mục Nam Việt-Nam) đề ngày 8-8-61, La Vang đã được công-nhận là Trung-Tâm Thánh-Mẫu Toàn-Quốc. Sau ngày 30-4-75, tất cả giám-mục của Việt Nam, họp tại Hà Nội ngày 1-5-80, đã long-trọng chấp-thuận việc tiếp-tục chọn La Vang làm Trung-Tâm Thánh-Mẫu Toàn-Quốc . . .”.
B) Nhận Xét :
“L'Osservatore Romano” viết đúng hơn Nguyễn Lý Tưởng, vì khắp Việt Nam chỉ có một La Vang, và La Vang đã được chọn làm Trung-Tâm Thánh-Mẫu Toàn-Quốc vào ngày 8-8-61, cho nên các giám-mục trước kia ở Miền Bắc mà nay họp chung với các ông lâu nay ở Miền Nam thì chỉ làm có một việc hình-thức là đồng-thuận với một việc đã rồi, mà trong thâm-tâm họ đã đồng-thuận từ 8-8-61.
Bài viết của Nguyễn Lý Tưởng rất dài, gồm nhiều chi-tiết, nhiều mặt, nhưng thiếu chính-xác về điểm nói trên : Hội-Đồng Giám-Mục họp tại Hà Nội ngày 1-05-80 không phải chấp-thuận chọn La Vang làm Trung-Tâm Thánh-Mẫu Toàn-Quốc (như thể đây mới là lần đầu tiên) mà là chấp-thuận việc tiếp-tục chọn La Vang (là một việc đã được chấp-thuận và có giá-trị thi-hành từ năm 1961 rồi). Có chăng, đây là việc được (Cộng Sản Việt Nam) chấp-thuận cho chấp-thuận.
IV/ Nhà-Thờ La-Vang Đã Được Nâng Lên Hàng Vương-Cung Thánh-Đường ?
A) Tài Liệu :
Trong bài “Tinh-Thần La Vang” đăng trên báo “Thằng Mõ”, số 832 ra ngày 28-3-98, tác-giả Trần Văn Trí viết : “Đền thờ Đức-Mẹ La Vang là Vương-Cung Thánh-Đường đã được xức dầu Thánh ngày 22-8-61 theo sắc-chỉ Tòa Thánh dưới thời Đức Giáo-Hoàng Gioan . . .”.
B) Nhận Xét :
Trong bài “Ky-Tô-Hữu Việt Nam Sùng Kính Đức-Mẹ La Vang” đăng trên báo “L'Osservatore Romano” nói trên, có đoạn : “Vào ngày 22-8-61, nhà thờ La Vang đã được giáo-hoàng John XXIII nâng lên hàng Tiểu-Vương-Cung Thánh-Đường.”
La Vang chưa phải là một Vương-Cung Thánh-Đường như Trần Văn Trí viết. Hệ-thống tổ-chức của Giáo-Hội Ky-Tô-Giáo không cho phép lẫn-lộn giữa giám-mục và tổng-giám-mục, v.v..., do đó, không thể lẫn-lộn giữa Tiểu Vương-Cung với Vương-Cung. Sự sai lầm của Trần Văn Trí, cũng như của các người khác, quả đã góp phần gia-tăng mối nghi-ngờ về sự chính-xác của vấn-đề La Vang.
V/ Người tử-đạo đầu tiên tại Việt Nam là ai, vào thời-điểm nào ?
A) Tài Liệu :
1- Báo “L'Osservatore Romano” ra ngày 27-6-98 có đăng lời của giáo-hoàng John Paul II : “. . . Linh-mục Vincent Liem, thuộc dòng Đa-Minh, đã tử-đạo vào năm 1773 ; ông là người tử-đạo đầu tiên trong số 96 người tử-đạo có quốc-tịch Việt Nam . . .”.
2- Báo “Thằng Mõ”, số 852 ra ngày 15-8-98, có đăng bài “Sự-Kiện La Vang: Trang Sử Tử-Đạo” của Nguyễn Văn Thông, trong đó có đoạn :
“Năm 1630, thời-gian giáo-sĩ Đắc Lộ truyền đạo ở Đàng Ngoài, có Phan Sinh . . . không chịu bỏ đạo . . . bị đao-phủ bổ đầu làm đôi. Phan Sinh là vị tử-đạo đầu tiên ở Đàng Ngoài và trên toàn cõi Đại Việt”.
3- (Ghi nhận thêm vào tháng 8 năm 2008) : Ngày 25-7-2008, “tại nhà thờ Mằng Lăng, thuộc giáo-hạt Phú Yên, giám mục giáo phận Qui-Nhơn Phê Rô Nguyễn Soạn đã chủ sự thánh lễ đồng tế mừng sinh nhật trên trời lần thứ 364 năm của á thánh Anrê Phú Yên, vị chứng nhân tiên khởi của Hội Thánh Việt Nam”. Theo cuốn sách “Người chứng thứ nhất” của Phạm Đình Khiêm, André Phú Yên là “Chứng Nhân Tử Đạo” đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam”.
(http://andrephuyen.org/home.php).
B) Nhận Xét :
Trong bài viết (đầy những sai lầm) nói trên, trước khi kể đến trường-hợp tử-đạo của Phan Sinh, Nguyễn Văn Thông đã viết : “Về các sử-liệu liên-hệ, chúng ta có khá nhiều để đối-chiếu một số cách trình-bày thiên-vị . . . với các sử-liệu như thư viết tay, sổ-sách ghi tên giáo-hữu . . ., những bản phúc-trình của từng khu-vực truyền-giáo gởi về Bộ Truyền-Giáo ở Roma, ở Paris, ở các nhà dòng Tên, dòng Đa Minh . . . có chi-nhánh ở Macao, Penang, Nhật, Phi Luật Tân, Thái Lan . . . đã bổ-túc cho ta biết những sự-kiện khách-quan và xác-thực hơn. Dưới đây chỉ là đôi ba nét lấy ra từ trang sử tử-đạo của Giáo-Hội Công-Giáo Việt Nam . . .”.
Thế mà, trong lúc báo “L'Osservatore Romano” của Tòa Thánh Vatican đăng lời của giáo-hoàng John Paul II nói rằng “Lm Vincent Liem là người Việt Nam đầu tiên tử-đạo vào năm 1773”, thì Nguyễn Văn Thông lại xác-quyết trên báo “Thằng Mõ” rằng “Phan Sinh là người đầu tiên trên toàn cõi Việt Nam tử-đạo vào năm 1630”.
Và Phạm Đình Khiêm thì viết rằng vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Ky Tô Giáo Việt Nam chính là Anrê Phú Yên.
Cũng thế, người nào tử-đạo đầu tiên, vào ngày tháng nào, không phải là vấn-đề chính ; mà vấn-đề chính là : “tài-liệu” nào, của tác-giả nào, thuộc gốc-gác nào, là “thật-sự” chính-xác; và khi mà đã có nhiều trái nghịch với nhau như thế, thì liệu những điều nói ra, viết ra, như đã trích trên, có đáng được sự tin-cậy của mọi người hay không ?
* * * * *
PHẦN IV :
Đức Mẹ La Vang Hiện Ra Tại La Vang Như Thế Nào ?
A/ Tài Liệu :
1) Báo “L'Osservatore Romano” của Vatican, ra ngày 12-8-98, có đăng bài “Sự-Tích Đức-Mẹ Hiện Ra Tại Rừng La-Vang Ở Việt-Nam” trong đó có đoạn :
“. . . Cùng với gia-đình, các Ky Tô Hữu vào trốn trong rừng La Vang, cách xa nhà họ chừng 60 cây số. Họ họp hằng ngày dưới một cây lớn và đọc kinh lần chuỗi vinh-danh Đức Mẹ. Một hôm, Đức Mẹ với hai thiên-thần vây quanh và bồng Chúa Hài-Đồng trong tay, hiện ra với họ lần đầu tiên, hứa sẽ bảo-vệ và an-ủi họ. Sau đó, còn có những lần hiện ra tiếp theo . . .”.
2) Báo “Églises d'Asie” (EDA), số 270 ra ngày 1-9-98, có đăng bài “Ky Tô Hữu Hành-Hương Tại La-Vang”, trong đó có đoạn :
. . . Việc hành-hương tại La Vang bắt nguồn từ cuối thế-kỷ 18. Năm 1798, dưới triều Tây Sơn, vua Cảnh Thịnh đã ban-hành một cuộc đàn-áp rất khắc-nghiệt khiến cho giáo-dân phải chạy trốn vào trong một thung-lũng, tập-trung cầu-nguyện ở một khoảng đất trống lẻ-loi giữa rừng dày đặc nằm về hướng Tây của Tỉnh Quảng-Trị. Họ họp nhau quanh một bức tượng Đức Mẹ đặt trên cành của một cây đa lớn, xin đước đấng mà họ gọi là “Mẹ” an-ủi và ban cho sức mạnh. Vào cuối thế-kỷ 19, một nhà thờ được dựng lên chỗ đó...
3) Báo “Thằng Mõ”, số 832 ra ngày 28-3-98, có đăng bài “Tinh-Thần La Vang” của Trần Văn Trí, trong đó có đoạn :
. . . Linh mục Nguyễn Văn Ngọc kể : “Trong lúc lánh nạn tại đây, ban đêm họ họp nhau cầu-nguyện và lần chuỗi. Bỗng nhiên họ thấy một bà đẹp-đẽ mặc áo choàng hiện ra gần một cây đa đại-thụ, mà họ nhận biết ngay là Đức Mẹ, có bồng Chúa Hài-Đồng, hai bên có hai thiên-thần cầm đèn chầu . . .
4) Báo “Mẹ Việt-Nam” số 102 ra ngày 15-8-98, có đăng bài “Linh-Địa La Vang” của Nguyễn Lý Tưởng, trong đó có đoạn :
. . . Tương-truyền Đức Mẹ đã hiện ra tại gốc cây đa cổ-thụ. Dân làm rừng thường đến đó van-vái, về sau họ nghe nói có một Bà linh thiêng hiện ra tại đây nên họ đã đắp một cái nền dưới gốc cây đa, gọi là nền vọng, và rào chung quanh.
5) Báo “Saigon USA”, số 97 ra ngày 14-9-98, có đăng bài “Linh-Địa La Vang” trong đó có đoạn :
. . . Cây đa đại-thụ : Theo cổ-truyền ngày xưa Đức Mẹ đã hiện ra gần gốc nó, nay không còn tăm dạng gì . . .
. . . Linh mục Giuse Nguyễn Xuân Cảnh (Kim Long) đã ở Phó tại Cổ Vưu dưới thời hai Cha Sở : Bonin (Ninh) và Cadière (Cả) . . .
. . . Đến sau Cha Cadière (Cả) đã sắm một bàn kiệu . . .
B/ Nhận Xét :
1) Báo “L'Osservatore Romano” là cơ-quan chính-thức của Vatican, có uy-tín và khả-tín nhất, trên tất cả, đã đơn-giản kể lại việc Đức Mẹ hiện ra lần đầu như thế nào trước giáo-dân tại La Vang: bài báo không nói cụ-thể xuất-hiện ở vị-trí nào so với cây đa đại-thu, và cũng không đề-cập đến áo choàng cùng với đèn chầu.
2) Thư tin song-ngữ “Églises d'Asie” của các Hội Truyền-Giáo Ngoại-Quốc tại Paris, chuyên về Á Châu, cũng có tầm-vóc quốc-tế, đã không đề-cập đến việc “Đức Mẹ xuất-hiện” mà chỉ mô-tả cảnh tín-đồ Ky Tô Giáo hội họp để cầu-nguyện ở đó, với “bức tượng” của Đức Mẹ, và nói rõ là tượng ấy được đặt trên cành cây -- những chi-tiết không thấy có trong các “tài-liệu” khác. Không có Chúa Hải-Đồng và hai thiên-thần, là những chi-tiết được xem là quan-trọng nhất trong lần hiện ra đầu tiên.
3) Trần Văn Trí trên báo “Thằng Mõ”, căn-cứ vào Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, thì xác-nhận rằng Đức Mẹ hiện ra lần đầu (“bỗng nhiên họ thấy”) không phải trên cành, mà là gần (bên cạnh) cây đa.
4) Nguyễn Lý Tưởng trên báo “Mẹ Việt-Nam” thì khẳng-định rằng dân La Vang đã tụ họp ở đó để cầu nguyện trước khi họ nghe nói rằng xưa kia có một Bà Linh-Thiêng xuất-hiện ở đó, và do nghe nói như thế họ mới đắp cái “nền vọng” dưới gốc cây đa. Ngoài ra, bài viết không đề-cập đến Chúa Hài-Đồng và hai thiên-thần, là những chi-tiết tiêu-biểu hầu như không-thể-thiếu cho sự-tích này.
5) Báo “Saigon USA” thì đề-quyết rằng Đức Mẹ hiện ra gần gốc cây đa. Bài viết rất dài, tỷ-mỷ, nhưng lại không đả-động gì đến Chúa Hài-Đồng và hai thiên-thần, mà đáng lẽ phải được kể ra, nếu có, vì đó là những điểm chính quan-trọng hơn mọi nét tả linh-tinh khác.
C/ Ý-Kiến :
1) Theo báo “Églises d'Asie” thì (kể từ đời Cảnh Thịnh) mãi cho đến cuối thế-kỷ 19 mới có một nhà thờ được dựng lên. Nhưng theo Nguyễn Lý Tưởng trong “Linh-Địa La Vang” trên báo “Mẹ Việt-Nam” số 102 thì ngay từ “khoảng đầu đời Minh Mạng (1820-1840= đầu thế-kỷ 19) ba làng đồng-thuận nhường chỗ đó lại cho bên Công Giáo . . . và cha xứ đã cho sửa-sang nơi đó thành một nhà thờ bằng tranh. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên tại La Vang.”
2) Các tác-giả viết về “sự xuất-hiện của Đức-Mẹ tại La Vang”, vì muốn tô vẽ thêm cho sự-tích tăng phần khả-tín mà lại chỉ căn-cứ vào cổ-truyền, lời đồn (nghe nói), đồng-thời dựa vào ấn-tượng và tưởng-tượng cá-nhân, một chiều, cho nên thiếu cơ-sở trung-thực, khiến mâu-thuẫn nhau, làm cho người đọc thấy sự bịa-đặt rõ-ràng.
3) Khi mà chính sự hiểu biết của giám-mục tên tuổi Hồ Ngọc Cẩn còn bị cấp dưới là linh-mục Lê Thiện Bá (cả hai đều có gốc-gác Quảng Trị) bác bỏ, và cứ như thế, thì làm sao mà người đọc có thể tin được các tác-giả khác trong cùng đề-tài, khi mà chính họ không hề đích-thân trực-tiếp tiếp-cận với các sự-việc hoặc bằng-chứng chính-xác về sự-việc lúc đang xảy ra của sự-tích “lịch-sử” này ?
4) Tóm lại, ngay chính báo “L'Osservatore Romano” cũng đã đưa ra kết-luận, liền sau đoạn viết về sự xuất-hiện của Đức Mẹ tại La Vang : “Tiếc thay, hiện nay không có một tài-liệu viết nào viết về những lần Đức Mẹ hiện ra : những tài-liệu ấy có lẽ được lưu-trữ ở Huế và đã bị tiêu-hủy trong hai cuộc chiến địa-phương, năm 1833 dưới thời Minh Mạng, và năm 1861 dưới thời Tự Đức”* (hơn một thế-kỷ trước khi có lễ “kỷ-niệm 200 năm” này, là cơ-hội tốt để các tác-giả kể trên tha-hồ đặt điều, phịa chuyện).
* Chúc Thích 1 :
Nguyễn Lý Tưởng trong bài “Linh-Địa La Vang” trên báo “Mẹ Việt-Nam” đã viết : “inh mục Stanilas Nguyễn Văn Ngọc đã trích dẫn một đoạn trong bức thư của Lm Lôrensô Lâu, ở vùng Dinh Cát (Quảng Trị) đề ngày 17-2-1691 gởi về Roma”. Như thế rõ-ràng là các báo-cáo từ vùng Dinh Cát (gồm có La Vang) đã được gởi về thấu tận Roma từ hơn một thế-kỷ (1691-1798) trước khi có vụ gọi là “Đức-Mẹ Hiện Ra Tại La Vang.
Và Trần Văn Trí trong bài “Tinh-Thần La Vang” trên báo “Thằng Mõ” cũng đã viết : “Vài Nét Lịch-Sử Về La-Vang : 1717-1739 : xảy ra một số xáo trộn mà Tòa Thánh phải trực-tiếp can-thiệp . . .”. Đây cũng là một bằng-chứng nữa rằng Roma đã theo dõi sít-sao tình-hình cộng-đồng Ky Tô Giáo tại La Vang hơn năm thập-niên (1739-1798) trước vụ gọi là Đức-Mẹ Hiện Ra Tại La-Vang.
Theo-dõi nắm vững tình-hình La Vang sít-sao từng chi-tiết suốt hơn cả một thế-kỷ từ trước như thế, mà rồi vẫn không ghi-nhận được một chữ nào về biến-cố trọng-đại có tầm-vóc quốc-tế là vụ “Đức Mẹ Hiện Ra Tại La Vang”, một chuyện động trời, động đất đối với giáo-hội ấy. Tất-nhiên, ai nấy đều thấy: sở-dĩ hiện nay không có tài-liệu viết về vụ này lưu-trữ tại Vatican, chỉ vì một lý-do quá đơn-giản: Đức Mẹ Không Hề Hiện Ra Tại La Vang.
* Chú Thích 2 :
Nguyễn Lý Tưởng còn viết : “Năm 1886 Đức Giám-Mục Caspar ở Huế mới quyết-định xây nhà thờ bằng gạch . . . phải mất 15 năm mới hoàn-thành. Đại-Hội Đức-Mẹ La Vang lần thứ I và khánh-thành nhà thờ vào các ngày 6, 7 và 8 tháng 8 năm 1901.”
Vậy thì trong suốt thời-kỳ 15 năm này (từ 1886 đến 1901), hơn 88 năm sau vụ gọi là “Hiện Ra” vào năm 1798 (1798-1886), và ít nhất là 25 năm sau lần “tài-liệu bị tiêu-hủy dưới thời Tự Đức” vào năm 1861 (1861-1886), tại sao không có người nào tìm ra được một tài-liệu nào khả-tín, nếu có, về sự xuất-hiện của Đức Mẹ tại La Vang ?
ooOoo
Vấn-đề bây giờ là : những chi-tiết mới được thêm-thắt trong các bài viết dẫn trên, nếu không được làm sáng tỏ, thì hẳn là sẽ bị sử-dụng như là “tài-liệu căn-bản”, “bằng-chứng lịch-sử” để tiếp-tục lưu-truyền Sự Giả (nghịch với Sự Thật) cho các thế-hệ con cháu của chúng ta trong tương-lai.
* * * * *
PHẦN V :
Có Ai Tận Mắt Trông Thấy Đức Mẹ Hiện ra Tại La Vang ?
I/ “Ngôi Chùa Thành Nhà Chúa” - Trong Hoàn Cảnh nào ?
A) Tài Liệu :
Trong bài “Tinh-Thần La Vang” đăng trên báo “Thằng Mõ”, số 832 ra ngày 28-3-98, tác-giả Trần Văn Trí viết :
Vào đầu thế-kỷ 19, tiếng đồn về Đức Bà linh thiêng lan rộng khắp nơi. Trong những năm đầu 1820-1840, các người Công Giáo thuộc các làng Ba Trừ, Cổ Thành và Thạch Hãn có chung nhau xây một ngôi chùa ngay tại nơi Đức Mẹ hiện ra, gọi là chùa Ba Làng. Nhưng sau đó họ bàn tính lại với nhau và đồng thuận rằng Đức Bà hiện ra là “bên giáo”, nên họ đã nhường ngôi chùa lại cho bên Công Giáo và các gia-đình Công Giáo tu sửa “ngôi chùa thành nhà Chúa” (Linh mục Hồng Phúc : Đức Mẹ La-Vang, tr. 35).
B) Nhận Xét :
1- Ta hãy tìm hiểu xem “ngôi chùa đã trở thành nhà Chúa” trong tình-hình nào. Báo “Thằng Mõ”, số 852 ra ngày 15-8-98, có đăng bài “Sự-Kiện La Vang: Trang Sử Tử-Đạo” của tác-giả Nguyễn Văn Thông, trong đó có đoạn :
Giám-mục Tabert ghi lại rằng, giáo-hội Miền Nam, khi vua Minh Mạng ra chỉ-dụ cấm đạo, đã có hàng trăm giáo-hữu bị bắt giam tù, bị tra-tấn và bị án lưu-đày hoặc xử-tử . . .
a. Trong năm 1832, Chỉ-huy-trưởng đoàn quân hộ-vệ cho vua Minh Mạng là Tống Viết Bường cùng với những sĩ-quan và binh-sĩ cấp dưới bị bó-buộc ký giấy xuất-giáo. Ông Bường và 12 người không chịu ký. Họ bị truyền phải mang gông và đánh đòn . . . Đầu roi chì quất xuống xé thịt văng ra . . . Trước cực-hình dã-man ấy, sáu binh-sĩ không chịu nổi . . . Ông Bường và sáu người khác chịu tù ngục và tra-tấn cho tới cùng rồi bị mang đi chém đầu vào tối ngày 23-10-1833 ở Thợ Đúc, Huế (Bùi Đức Sinh : Giáo-Hội Công Giáo ở VN, tập III, trg 46-47).
b. Ngày 8-9-1835, giáo-sĩ Marchand bị bắt tại Gia Định, bị đóng cũi như một con vật mang về Huế cùng với Lê Văn Viên 7 tuổi, con của Lê Văn Khôi . . . Giáo-sĩ bị khép tội cùng với Lê Văn Khôi làm loạn chống lại triều-đình Minh Mạng . . . Lí-hình liền lấy kìm trong lò lửa kẹp mạnh vào hông giáo-sĩ, thịt cháy xèo bốc khói . . . Ngài và ba người bị khép tội đồng-lõa cùng với em Viên phải án lăng-trì. Họ bị lột hết quần áo, bị trói vào cáng điệu đến pháp-trường ở nhà thờ họ Thợ Đúc . . . Lí-hình lấy kìm kẹp từng miếng thịt lôi ra cho một lí-hình khác cầm dao phay cắt miếng thịt ấy. Chúng bắt đầu bằng việc cắt dương-vật của người tử-tội trước, rồi đến hai miếng thịt vú, hai miếng bả vai, cắt hai tay, hai bên đùi rồi hai bắp vế . . . cho đến khi còn lại bộ xương dính những sợi thịt đỏ lòm. Sau đó lí-hình chặt đầu vị giáo-sĩ . . . tháo giây trói cho xác ngã sấp xuống đất, lấy búa chặt thành bốn khúc theo bề ngang rồi bổ mỗi khúc làm đôi theo bề dọc . . . Đầu của giáo-sĩ Marchand được mang đi các tỉnh treo ở chợ, sau đó bỏ vào cối mà xay (Phan Phát Huờn : Louvet : La Cochinchine Religieuse, QII, trg. 92) và nhiều, nhiều vụ khác.
2- Thời-kỳ 1820-1840 mà tác-giả Trần Văn Trí kể trên, rơi đúng vào chính triều-đại Minh Mạng, giai-đoạn bách-hại Ky Tô Giáo khắc-nghiệt như thế. Và sử-gia Trần Trọng Kim đã viết trong “Việt Nam Sử-Lược” : “Lúc bấy giờ không phải là một mình vua Thánh Tổ ghét đạo mà thôi, phần nhiều những quan-lại cũng đều một ý cả cho nên sự cấm đạo lại càng nghiệt thêm.” Lê Văn Khôi và đồng-đảng hùng mạnh đến độ chiếm được 6 tỉnh Miệt Trong chỉ trong một tháng, và cố-thủ thành Gia-Định suốt 3 năm trời, ở tận miền Nam xa vời; thế mà Minh Mạng cũng đã dẹp tan và trừng-trị được, khủng-khiếp như trên. Vậy thì một nhóm giáo-dân Ky Tô Giáo tay không, ẩn trốn cách kinh-đô và ảnh-hưởng của nhà vua chỉ trong 60 cây số (Huế - Quảng-Trị), làm sao không bị phát-hiện*1, mà còn công-khai tu sửa ngôi chùa thành nhà Chúa, trong khi các cuộc giết đạo vẫn còn tiếp-diễn thêm 40-60 năm nữa (cho đến khi Pháp đến, vào thập-niên 1880) ?
*.- Chú Thích 1a :
Lưu ý : “Tiếng đồn về Đức Bà linh thiêng lan rộng khắp nơi”, và dân La Vang (gồm cả người không-Công-Giáo) thì sống bằng nghề đốn củi đem bán cho cả các làng (không Công Giáo) bên ngoài La Vang.
*.- Chú Thích 1b :
Giám-mục Tabert viết về các sự việc xảy ra trong khoảng 1820-1840 trong một nước Việt Nam đã được thống-nhất từ hơn hai mươi năm trước (Gia Long lên ngôi từ năm 1802) mà vẫn mô-tả đó là Miền Nam (lúc còn sông Gianh của thời Trịnh Nguyễn phân-tranh). Tabert lại còn không nhớ địa-danh Phường Đúc mà gọi nó là Thợ Đúc. Làm sao tin được bài viết của Gm này ?
3- Nếu Đức Mẹ thực-sự hiện ra tại La Vang năm 1798, tại sao giáo-dân phải đợi cho đến 22-42 năm sau (1820-1840) mới nghe tiếng đồn, mới xây ngôi chùa, rồi sau mới bàn với nhau rằng Bà linh-thiêng*2 hiện ra là “bên*3 giáo” ? Hơn nữa, chính họ là “dân Ky Tô Giáo từ 3 làng Ba Trừ, Cổ Thành và Thạch Hãn” đã xây ngôi chùa ấy, tại sao họ không nói hẳn ra (đại-khái : “đến nay thì chúng ta đã có thể chính-thức công-nhận nó là nhà Chúa, vì Bà hiện ra đích-thực là Đức Mẹ Maria"), và báo cho bên không-Công-Giáo biết như thế”), chứ cần gì phải chờ về sau mới bàn (giữa dân Công Giáo) với nhau rằng Bà ấy là của “bên Công Giáo” ? Tóm lại, tất cả chỉ thuần-túy là tin đồn, và không có ai tận mắt trông thấy Đức Mẹ hiện ra ở La Vang !
*.- Chú Thích 2 : Bên Phật-Giáo cũng có một Bà: Đức Phật Bà Quán-Thế-Âm.
*.- Chú Thích 3 : Từ-ngữ “bên” cho thấy là có ít nhất 2 bên liên-can trong hiện-vụ, và cách dùng chữ lương-thiện như thế chứng-tỏ là bên không-Công-Giáo trước đó cũng đã có nhìn-nhận ngôi chùa là của bên Phật-Giáo rồi.
II/ Trong Trường Hợp Nào Người Ta Bắt Đầu Nghe Nói Đến Việc Đức Mẹ Hiện Ra Tại La Vang ?
A) Tài Liệu :
Trong bài “Linh-Địa La Vang” đăng trên báo “Mẹ Việt-Nam”, số 102 ra ngày 15-8-98, tác-giả Nguyễn Lý Tưởng viết :
1- Năm 1797, nhân khi thủy-quân của Nguyễn Ánh tiến ra tận cửa bể Tư Dung (cửa Tư Hiền) thuộc tỉnh Thừa Thiên, thì Lê Văn Lợi, một vị quan của Tây Sơn đã đề-nghị vua ra lệnh bắt hết người Công Giáo và các linh-mục, lấy lý-do dân theo đạo ủng-hộ Nguyễn Phúc Ánh . . . Vua Cảnh-Thịnh đã ra mật-lệnh cho các địa-phương hẹn đến tháng 5-1798 sẽ bắt và giết tất cả giáo-dân cũng như linh-mục, không để sót người nào . . . Đức giám-mục Jean De Labartelle lúc đó đang trốn tránh ở làng Di Luân (Quảng Trị) . . . Tin đó được loan truyền ra trong giới Công Giáo và dân theo đạo ở các làng Trí Bưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa bèn chạy vào miền núi La Vang để ẩn núp. Và chính trong thời-gian đó Đức Mẹ đã hiện ra với họ.
2- Tương-truyền Đức Mẹ đã hiện ra tại gốc cây đạ cổ-thụ. Dân làm nghề rừng thường đến đó van vái, về sau họ nghe nói có một Bà linh thiêng hiện ra tại đây nên họ đã đắp một cái nền dưới gốc cây đa gọi là nền vọng và rào chung quanh. Khoảng đầu đời Minh Mạng, 1820, dân ba làng Thạch Hãn, Ba Trừ và Cổ Thành chung nhau làm một ngôi miếu nơi đó, về sau họ nghe nói ngày xưa có một Bà bên đạo hiện ra ở chỗ đó nên cả ba làng đồng thuận nhường chỗ đó lại cho dân bên đạo Công Giáo. Giáo-dân thời đó đã đem việc này trình cho vị linh-mục ở xứ Trí Bưu (Cổ Vưu) và cha xứ*4 đã cho sửa-sang nơi đó thành một nhà thờ bằng tranh. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên tại La Vang.
3- Vua Đồng-Khánh lên ngôi (1885, vào cuối thế-kỷ 19), chủ-trương tìm kiếm hòa-bình . . . Cũng trong thời-điểm này, cha xứ Trí Bưu (Cổ Vưu) đã hỏi những giáo-hữu lớn tuổi trong giáo-xứ khi đến giờ lâm-chung, chịu phép giải tội và xức dầu thánh*5, rằng : “Con phải thề nói sự thật, con có nghe cha mẹ, ông bà trước kia nói gì về sự-tích Đức Mẹ hiện ra tại La Vang không ?” Tất cả những người đó đều trả lời : “Có” và “chuyện xảy ra đã gần 100 năm rồi.” Đức Mẹ đã hiện ra trước đó khoảng 100 năm. Bằng-chứng là năm 1886 (88 năm, sau năm 1798) Đức Cha Caspar (Lộc) ở Huế đã quyết-định xây đền thờ kính Đức Mẹ hiện ra, theo cha mẹ, ông bà kể lại, cách nay cả trăm năm, (tức là vào cuối thế-kỷ 18, dưới thời Tây Sơn).
B) Nhận Xét :
1- Pigneau vừa là giám-mục (cao-cấp trong giới truyền-giáo của đạo bị cấm) vừa là người Pháp (ngoại-quốc cướp nước), lại giúp kẻ thù là Nguyễn Phúc Ánh và lãnh-đạo các tín-đồ tại địa-phương; thế mà vua Cảnh-Thịnh lại nhắm vào các giáo-dân (là người chạy theo) trước cả các kẻ cầm đầu? Ngoài ra, giám-mục Jean De Labartelle có mặt tại làng Di Luân, Quảng-Trị, tỉnh của La Vang, thế mà không hề viết gì làm chứng về vụ gọi là Đức Mẹ hiện ra ngay vào lúc đó (1798) tại La Vang trong vùng hoạt-động của mình.
2- Lạ-lùng hơn nữa là ngay chính các giáo-dân từ 3 làng Trí Bưu (vâng, Trí Bưu tức Cổ Vưu), Hạnh Hoa và Thạch Hãn, là những tín-đồ Ky Tô Giáo đã chạy đến tị-nạn tại La Vang và được kể là đã thấy Đức Mẹ hiện ra hứa che chở họ ngay chính vào lúc Đức Mẹ hiện ra (năm 1798), thì lại không lập, dù chỉ là một cái bàn, để thờ Đức Mẹ ; mà phải chờ đến hơn hai mươi năm về sau (1820-1840) để các cư-dân thuộc nhiều tín-ngưỡng khác nhau của 2 làng khác, Ba Trừ và Cổ Thành, đến đó cùng với làng Thạch Hãn của La Vang đứng ra làm một ngôi chùa đặt tên là Chùa Ba Làng (dù cho có bài viết là ngôi miếu), để thờ một Bà mà họ thấy là không phải Đức Bà của Ky Tô Giáo (cho đến về sau khi họ nghe nói rằng đó là Đức Mẹ họ mới “nhường lại” cho bên Công Giáo).
*.- Chú Thích 4 : Có đáng tin không: dưới triều Minh Mạng, khi sự cấm đạo ngày càng gắt-gao, hằng trăm giáo-dân đã bị bắt, giết (kể cả giáo-sĩ Marchand ở tít từ trong Gia Định), mà vẫn còn có một cha xứ hiện-diện bên ngoài vùng ẩn-nấp La Vang, để các tín-đồ từ trong đó ra tiếp-xúc và báo-cáo tình-hình ?
*.- Chú Thích 5 : Có đáng tin không: khi có cha xứ Trí Bưu (gồm cả La Vang, là nơi ẩn-trú của giáo-dân từ 3 làng nói trên và từ nhiều vùng khác nữa, thí-dụ “cách đó 60 cây số” nghĩa là từ Huế) mà cha xứ ấy không nghe biết gì về tin đồn truyền ra từ 1798 cho đến hơn hai thập-niên về sau (1820-1840) mới nghe về việc có Bà linh-thiêng hiện ra cách đó chỉ 4 cây số, và dân đến báo là đã “đồng thuận nhường chỗ đó lại cho bên Công Giáo” ?
3- Giám-mục Caspar là người quyết-định xây đền thờ kính Đức Mẹ vào năm 1886 (sau khi thực-dân Pháp đã đô-hộ Việt-Nam từ 1884), tức là ông đã hoàn-toàn tự-do trong tình-hình mới (giáo-dân Ky Tô Giáo vươn lên), nghiên-cứu kỹ-càng về biến-cố này ; thế mà ông cũng không hề lưu lại một bút-tích nào (dù là báo-cáo chính-thức gửi về Tòa Thánh hay là nhật-ký cá-nhân, thư riêng) về vụ Đức Mẹ hiện ra tại La Vang: phải chăng vì ông cũng thấy vụ đó là không đáng tin ?
4- Người đọc thấy ngay là cha xứ Trí Bưu đã lợi-dụng giờ phút lâm-chung của người già-cả, muốn “hồn được lên thiên-đường”, mà sợ không được cha xứ cho lên, nên bắt họ phải thề*6 là có nghe ông bà cha me trước kia kể lại, chuyện đã xưa gần trăm năm . . . Chỉ cần có một tiếng “Có !” giản-dị, không cần chi-tiết gì cả. Tại sao việc này không được thực-hiện trước năm 1885, khi mà trước đó giáo-dân La Vang đã có thể công-khai biến nhà chùa thành nhà Chúa (1820-1840), suốt 40-60 năm qua ? Và tại sao cha xứ không hỏi các giáo-dân mạnh-khỏe trẻ-trung ? Chắc-chắn lý-do là vì “sáng-kiến” này mới được nảy-sinh vào năm 1885 (Đồng-Khánh lên ngôi), họ tính là không còn ai đủ già để biết và để cãi lại sự việc cho là xảy ra đã gần trăm năm.
*.- Chú Thích 6 : Cha xứ bắt thề như thế là để căn-cứ vào đó mà lập hồ-sơ về chuyện hiện ra, và sở-dĩ thế là vì từ 1798 đến 1885 (Đồng Khánh thân-Pháp lên ngôi) ròng-rã 87 năm, không hề có một hồ-sơ tài-liệu nào cả về chuyện Đức Mẹ Hiện Ra, dù cho sau này người ta nói là hiện ra vào năm 1798, nhường ngôi chùa lại cho bên Công Giáo vào khoảng 1820-1840. Và tại sao lại không có một tài-liệu nào, khi mà ít nhất là một bức thư của linh-mục Lôrensô Lâu về việc viếng thăm Cổ Vưu (Trí Bưu) đã được gửi về La Mã từ thời 1691 (hơn một trăm năm về trước), và khi mà Tòa Thánh Vatican đã có thể trực-tiếp giải-quyết chuyện nội-bộ La Vang từ thời 1717-1739 (hơn nừa thế-kỷ về trước) ?
Xin thưa : Là vì thật ra không hề có việc Đức Mẹ (của Ky Tô Giáo) hiện ra tại La Vang.
Về vấn-đề này, tôi đã có đọc được một tài-liệu từ trước năm 1975. Sau khi cộng-sản kiểm-soát Miền Nam, một chiến-dịch gọi là “bài-trừ văn-hóa-phẩm nô-dịch và đồi-trụy” đã được phát-động, và tôi mất hết tủ sách của mình.
Vào đầu năm 1998, nhất là sau khi Giáo-Hoàng John Paul II vào ngày 19-6-1998 công-khai nhìn-nhận tầm quan-trọng của “Đức Mẹ La Vang” và tỏ ý muốn tái-thiết nhà thờ La Vang để kỷ-niệm 200 năm ngày “Đức Mẹ” hiện ra lần đầu tiên, tôi đã phổ-biến một bài-viết trên một số diễn-đàn liên-mạng, tôi nhớ trong đó có diễn-đàn tiếng Anh vnforum@vnforum.org của Tiến-Sĩ Trần Đình Hoành, để bác-bỏ câu trả lời “Có” của các tín-đồ già đang hấp-hối khi Cha Xứ Trí Bưu hỏi là có nghe nói gì về sự hiện ra của “Đức Mẹ” hay không, rồi Cha Xứ căn-cứ vào đó mà báo-cáo về các lần hiện ra.
Sau đó hai tháng, chính Giáo-Hoàng John Paul II, trên tờ “L'Observatore Romano” ra ngày 12-8-1998 đã thành-thực và thẳng-thắn xác-quyết rằng: Tiếc thay, hiện nay tại Tòa Thánh không có một văn-kiện nào về các lần “Đức Mẹ” hiện ra ở La Vang. (Phải mất một thời-gian sau tờ báo ấy mới tới tay độc-giả Việt-Nam.)
Ngẫu-nhiên, vì quá hăng say trong việc góp phần tích-cực của mình vào ngày đại-lễ Kỷ-Niêm 200 Năm, một nhân-vật Ky-Tô-Giáo liên-hệ là Ông Nguyễn Lý Tưởng vào ngày 15-8-1998 đã cho đăng báo bài-viết trích trên: “cha xứ Trí Bưu (Cổ Vưu) đã hỏi những giáo-hữu lớn tuổi trong giáo-xứ khi đến giờ lâm-chung, chịu phép giải tội và xức dầu thánh rằng: “Con phải thề nói sự thật, con có nghe cha mẹ, ông bà trước kia nói gì về sự-tích Đức Mẹ hiện ra tại La Vang không ?” Tất cả những người đó đều trả lời: “Có” và “chuyện xảy ra đã gần 100 năm rồi.” Đức Mẹ đã hiện ra trước đó khoảng 100 năm.”
Vì sợ không được Cha Xứ cho lên Thiên Đàng, các “chứng-nhân” sắp lìa đời ấy đã phải trả lời là “Có” nghe nói về các lần “Đức Mẹ” hiện ra, cả trăm năm trước, rất lâu trước lúc chính họ được sinh ra đời (chứ họ không đích-thân thấy). Điều đó giải-thích lý-do tại sao Tòa Thánh Vatican phủ-nhận các lần “Đức Mẹ” hiện ra tại La Vang.
Tuy thế, họ vẫn chống-chế cho rằng các tài-liệu ấy có lẽ đã bị tiêu-hủy dưới thời Minh Mạng, Tự Đức*7 : Họ giả-vờ coi như không có ai có thể gửi gì ra khỏi xứ Huế và nước Việt Nam trong suốt 42 năm trường (từ 1798, đến 1840 là năm Minh Mạng qua đời) ; họ đã quên mất thời-gian 18 năm (1802-1819) dưới thời Gia Long, mà vì mang ơn người Pháp nên vua không nặng vấn-đề cấm đạo; hơn nữa, họ đã tảng-lờ tình-trạng người Pháp đô-hộ Việt Nam hơn 60 năm (1884-1945) và coi như các phần-tử thực-dân Ky Tô Giáo này không biết phụng-vụ Đức Mẹ ngay tại thuộc-địa của mình, nhất là sau khi đã có những vụ hiện ra tại Lourdes ở Pháp năm 1858 và tại Fatima ở Bồ Đào Nha năm 1917!
5- Ta cũng gặp được một óc tưởng-tượng khác người : Trong khi các bài viết khác nói rằng mãi đến 1820-1840 giáo-dân Ky Tô Giáo tại La Vang mới nghe tiếng đồn về việc Đức Mẹ hiện ra ngày xưa, thì tác-giả Trần Văn Trí trong bài “Tinh-Thần La Vang” đăng trên báo “Thằng Mõ" số 832 lại viết: “Bỗng nhiên (trong năm 1798) họ thấy một bà đẹp-đẽ mặc áo choàng hiện ra gần một cây đa đại-thụ, mà họ nhận biết ngay là Đức Mẹ.”
Những “nhân-chứng” ấy nhận biết ngay tại chỗ vào năm 1798 rằng đó chính là Đức Mẹ, thế mà giáo-dân phải đợi cho đến 22-42 năm sau (1820-1840) mới nghe tiếng đồn, mới xây ngôi chùa, mà cũng chưa bàn là Bà linh-thiêng thuộc về “bên ta” ; và trong lúc đó (1798) chính giám-mục Jean De Labartelle có mặt tại tỉnh địa-phương, thế mà không có một chứng-tích nào, tài-liệu viết nào của ông về sự-kiện ấy được lưu hồ-sơ. Chỉ nội một chi-tiết đó đã đủ để vô-hiệu-hóa tất cả các chi-tiết khác về vụ hiện ra.
Cũng như trong các bài viết khác, tất cả chỉ là nghe nói, tiếng đồn, tương-truyền, và mỗi lần lại mỗi khác nhau và mâu-thuẫn nhau.
6- Ta lại có thêm một nguồn ngoại-sử qúy-báu, không phải là về Đức Mẹ mà là về Cây Đa : Linh-mục Pierro Gheddo viết về sự-tích Đức Mẹ hiện ra tại La Vang cũng như các sự ngược-đãi Ky Tô Giáo tại Việt Nam, đã đặt nhan đề cho sách của mình là “The Cross and the Bo-Tree” (Cây Thập-Giá và Cây Bồ-Đề).
Linh mục Pierro Gheddo quả đã thực-tế gọi hẳn cây đại-thụ là cây bồ-đề thay vì cây đa. Cây Bồ Đề thông-thường là cây của nhà chùa, của Đức Phật ; và lẽ tất-nhiên Đức Mẹ Maria của Ky Tô Giáo không bao giờ muốn đến gần, nói gì dùng nó làm điểm tiếp-cận để xuất-hiện trước tín-đồ của mình !
Dù sao, cây đa ở đây hẳn thuộc về bên không-Công-Giáo, dù là hồi đó hay là bây giờ ; và dân La Vang đến đó cầu-nguyện là dân đa-tín, tin thờ nhiều thần (kể cả ma quỷ, là những hình bóng chập-chờn thỉnh-thoảng hiện ra nơi các cây đa), rất lâu trước khi có dân Ky Tô Giáo đến đó tị-nạn rồi sau mới nghe tiếng đồn về Bà linh-thiêng...
7- Tác-giả Trần Văn Trí trong “Tinh-Thần La Vang” đăng trên báo “Thằng Mõ”, số 832 ra ngày 28-3-98, viết : “Hội-Đồng Giám-Mục Việt-Nam trong phiên họp ngày 13-4-61 đã cho đền thờ Đức-Mẹ La Vang làm Đền Thờ Toàn-Quốc Dâng Kính Trái Tim Vô-Nhiễm Đức Mẹ và nhận Linh-Địa La Vang làm Trung-Tâm Thánh-Mẫu Toàn-Quốc.” Báo “L'Osservatore Romano” của Vatican ra ngày 12/19-8-98 thì viết rằng : “Trong bức thư chung ngày 8-8-61 của các giám-mục Việt Nam, La Vang được chọn làm Trung-Tâm Thánh-Mẫu Toàn-Quốc.”
Vậy là ngày 13-4-61 hay ngày 8-8-61 ?.
*.- Chú Thích 7 : Họ nói là các bút-tích về vụ Đức Me hiện ra có lẽ đã được giữ trong hồ-sơ của nhà thờ Huế và bị thiêu-hủy trong hai cuộc chiến địa-phương: vào năm 1833 dưới thời Minh Mạng, và vào năm 1861 dưới thời Tự Đức. Thật ra, trong năm 1833 có việc triều-đình dẹp loạn Nông Văn Vân ở Lạng-Sơn& Cao-Bằng ngoài Bắc, và loạn Lê Văn Khôi ở Gia-Định trong Nam; và trong năm 1861 có quân Pháp và I Pha Nho đến đánh Quảng-Nam, xúi Tạ Văn Phụng ra Bắc dấy binh ở Quảng-Yên; nhưng trong các thời-điểm ấy ở kinh-đô Huế thì vẫn bình yên: làm sao mà hồ-sơ nhà thờ ở Huế bị thiêu-hủy được. Huống nữa, hồ-sơ vụ này không phải chỉ có ở Huế mà thôi.
Chính tác-giả Nguyễn Văn Thông đã viết : “Về các sử-liệu liên-hệ, chúng ta có khá nhiều để đối-chiếu . . . với các sử-liệu như thư viết tay, sổ-sách ghi tên giáo-hữu . . ., những bản phúc-trình của từng khu-vực truyền-giáo gởi về Bộ Truyền-Giáo ở Roma, ở Paris, ở các nhà dòng Tên, dòng Đa Minh . . . có chi-nhánh ở Macao, Penang, Nhật, Phi Luật Tân, Thái Lan . . .”.
Và, như tác-giả Nguyễn Lý Tưởng đã viết : “Linh mục Stanilas Nguyễn Văn Ngọc đã trích dẫn một đoạn trong bức thư của Lm Lôrensô Lâu, về việc viếng thăm Cổ Vưu (Trí Bưu) ở vùng Dinh Cát (Quảng Trị) đề ngày 17-2-1691 gởi về Roma” : Như thế rõ-ràng là các báo-cáo từ vùng Dinh Cát (gồm có La Vang) đã được gởi về thấu tận Roma từ hơn một thế-kỷ (1691-1798) trước khi có vụ gọi là “Đức-Mẹ Hiện Ra Tại La Vang. Lại nữa, tác-giả Trần Văn Trí cũng đã viết : “Vài Nét Lịch-Sử Về La-Vang : 1717-1739 : xảy ra một số xáo trộn mà Tòa Thánh phải trực-tiếp can-thiệp . . .”: Như thế hiển-nhiên là, lần này nữa, Tòa Thánh đã nắm vững tình-hình La Vang từ hơn nửa thế-kỷ (1739-1798) trước vụ “hiện ra”.
Do đó, tài-liệu viết về sự xuất-hiện của Đức Mẹ tại La Vang, nếu có, thì phải đã có tại Tòa Thánh Vatican ngót một thế-kỷ rưỡí, trước cuộc chiến đầu tiên trong 2 cuộc chiến 1833 và 1861 mà báo L'Osservatore Romano của Tòa Thánh đổ lỗi là có lẽ đã tiêu-hủy hết hồ-sơ liên-quan.
8- Tóm lại, người đọc có thể kết-luận rằng: trong ngót một thế-kỷ rưỡi sau vụ gọi là Đức Mẹ hiện ra (từ 1798 đến 1945), cả thực-dân Pháp lẫn các chức-sắc Ky Tô Giáo thuộc nhiều quốc-tịch khác nhau đã rất lương-thiện, vì họ không hề chính-thức công-nhận (bằng lời nói, chữ viết lưu lại) mà chỉ chiều theo tương truyền trong giới giáo-dân địa-phương mà thôi về sự “hiện ra” của Đức Mẹ tại La Vang, bởi lẽ chuyện đó là vô căn-cứ, không có người nào tận mắt trông thấy Đức Mẹ hiện ra. Và chỉ đến khi giáo-dân Ngô Đình Diệm lên làm thủ-tướng, rồi tổng-thống, của Việt Nam Cộng-Hòa (1954-1963) thì chuyện hiện ra mới được làm to lớn lên (nhưng nay thì chính Tòa Thánh Vatican đã phủ-nhận rồi - xin xem Phần VIII).
Rõ-ràng lập-trường của Vatican trong vụ nhà thờ La Vang là chỉ dựa vào báo-cáo và đề-nghị của các thừa-sai tại địa-phương, mà giai-đoạn này thì họ chịu hoàn-toàn ảnh-hưởng của Tổng-thống Ngô Đình Diệm và Tổng Giám-Mục Ngô Đình Thục của Miền Nam Việt-Nam.
* * * * *
Phần Phụ : Tài liệu Mỹ hé lộ thêm về vụ ám sát ông Ngô Đình Diệm - 30/10/2017
Ông Ngô Đình Diệm, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.
Tổng thống Lyndon B. Johnson tin rằng người tiền nhiệm John F. Kennedy đứng đằng sau vụ ám sát cựu Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm vài tuần trước khi ông qua đời và vụ ám sát ông Kennedy là sự báo ứng, hãng tin AP dẫn tài liệu mới được giải mật đưa tin hôm 27/10.
Hãng tin này trích tài liệu đưa tin rằng Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ Richard Helms cho biết trong một phiên lấy lời khai vào năm 1975 rằng ông Johnson "đã từng lan truyền tin tức nói rằng lý do ông Kennedy bị ám sát là vì ông ấy đã cho ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm và đây là sự công bằng của công lý”.
Ông Helms khi đó nói : “Tôi không biết ông ấy lấy ý tưởng này từ đâu.”
Ông Diệm và em trai đã bị giết vào ngày 2/11/1963 sau một cuộc đảo chánh do các tướng lĩnh miền Nam Việt Nam thực hiện.
Đây không phải là lần đầu tiên thuyết Johnson được nêu ra. Một cuốn sách của tác giả Max Holland có tựa đề “Các đoạn ghi âm về vụ ám sát Kennedy”, trong đó trích dẫn lời ông Johnson nói rằng ông Kenney đã chết vì “quả báo.”
Theo AP, ông Johnson được cho là đã nói : “Ông ấy đã cho sát hại ông Diệm và sau đó chính mình lại bị giết.”
Theo ông Ken Hughes, nhà sử học ở Trung tâm Miller thuộc Đại học Virginia, vai trò của ông Kennedy trong vụ ám sát ông Diệm vẫn còn gây tranh cãi.
Một tháng trước khi ông Diệm bị ám sát, các tướng lĩnh miền Nam đã lên kế hoạch đảo chính nói với CIA rằng họ sẽ lật đổ chính phủ nếu họ có thể yên tâm rằng Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ và ông Kennedy nói với họ rằng Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ, theo lời của ông Hughes.
Theo AP, ông Hughes, người cũng đang viết một cuốn sách về vụ ông Diệm bị ám sát, nói rằng một cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục cho dù ông Kennedy có khẳng định rằng ông Diễm sẽ an toàn hay liệu tổng thống để mặc cho các tướng lĩnh miền Nam Việt Nam quyết định muốn làm gì thì làm.
Một trong những hồ sơ có thể làm sáng tỏ nghi vấn đó là một báo cáo của CIA về sự can dự của chính phủ Hoa Kỳ vào cuộc đảo chính ông Diệm. Dữ liệu này ban đầu dự kiến được giải mật hôm 26/10 nhưng vẫn còn nằm trong số hàng trăm hồ sơ mà ông Trump chưa công bố.
Tổng thống Donald Trump hôm 27/10 nói rằng : Ông đã ra lệnh công bố tất cả các hồ sơ liên quan tới vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy.
Ông viết trên Twitter : “Sau khi tham vấn nghiêm ngặt với Tướng Kelly, CIA và các cơ quan khác, tôi ra lệnh công bố TẤT CẢ các hồ sơ JFK ngoại trừ tên và địa chỉ của bất kỳ người nào được nhắc tới mà vẫn còn sống.”
Ông nói tiếp rằng ông thực hiện hành động này “vì lý do công khai trọn vẹn, minh bạch và để dập tắt bất kỳ thuyết âm mưu nào.”