Hiễm Họa Xâm Lăng Của Giặc Tàu Hán
Bùi Phạm Thành (Đặc San Lâm Viên)
Trong lịch sử thì việc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã có từ rất lâu, thế nhưng dữ kiện lịch sử được xem là khởi đầu của tranh chấp là trận “Hải chiến Hoàng Sa 1974”, khi hải quân Trung Cộng (TC) và Việt Nam Cộng Hòa chạm súng ở quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands), với kết quả là Trung Cộng chiếm đóng hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa gồm 36 đảo, trong đó có các hòn đảo lớn như Duy Mộng (Drummond), Đá (Rocky), Phú Lâm (Woody), Cây (Tree), Hữu Nhật (Robert), Quang Ảnh (Money), Quang Hòa (Duncan), Hoàng Sa (Pattle), Linh Côn (Lincoln) và Tri Tôn (Triton).
Đường 9 đoạn (xanh lá cây)
Kể từ khi Tập Cận Bình (Xi Jingping) thu nắm chính quyền của đảng cộng sản Trung Hoa (14 tháng 3, 2013) thì Trung Cộng dẫn chứng “đường 9 đoạn” được vẽ trên bản đồ của Cộng Hòa Trung Hoa dưới thời Tưởng Giới Thạch (1912-1949) để tuyên bố chủ quyền hơn 90% khu vực Biển Đông, vi phạm đặc quyền lãnh hải, 200 dặm từ bờ biển, được Liên Hiệp Quốc quy định, của nhiều quốc gia trong vùng như Brunei, Indonesia, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam.
Với mộng khôi phục ngôi vị của đế chế “Đại Hán”, họ Tập đã đẩy mạnh việc chiếm đóng, bồi đắp, và xây dựng căn cứ quân sự trên một số đảo lớn ở Hoàng Sa. Song song với việc lập ra chương trình “Vành Đai, Con Đường - Belt and Road Initiative” xuyên lục địa và “bẫy nợ - Debt-trap diplomacy”, cho vay nợ khó trả để sau cùng sẽ có quyền chiếm đóng đất đai, nhất là những hải cảng và vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời sửa đổi sách giáo khoa để “nhồi sọ” lớp trẻ về chủ quyền lãnh thổ của Trung Cộng ở Biển Đông.
Trong khoảng thời gian Obama làm tổng thống Hoa Kỳ (2009 – 2017) khu vực Biển Đông được xác định là nơi có chứa đựng những mỏ dầu và khí đốt lớn nhất thế giới thì sự tranh giành đã trở nên mạnh mẽ hơn. Năm 2013, Phi đã kiện Trung Cộng ra Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration) có trụ sở ở The Hague, Hòa Lan. Phi đã thắng kiện, tòa án tuyên bố “đường 9 đoạn là bất hợp pháp và vô giá trị”, nhưng Trung Cộng tuyên bố không chấp thuận bản án, vì biết rằng Tòa Trọng Tài Thường Trực không có quyền lực hoặc phương pháp để ép buộc, và như thế Trung Cộng vẫn tiếp tục xâm lấn các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hoa Kỳ là cường quốc duy nhất có chung vùng biển Thái Bình Dương nên đã lập ra chương trình “Tự Do Hàng Hải - Freedom of navigation operation (FONOP)”, hoạt động rất giới hạn trong thời chính phủ Obama. Đến thời chính phủ của ông Trump thì chương trình “Tự Do Hàng Hải” trở nên thường xuyên, đồng thời cuộc “Chiến Tranh Thương Mại - Trade War” được phát động để kiềm chế Trung Cộng về cả hai phương diện kinh tế và quân sự, không những ở Biển Đông, mà trên toàn thế giới.
Với các quốc gia trong khu vực thì Việt Nam là quốc gia có sự va chạm và đối đầu thường xuyên với Trung Cộng. Thế giới có vẻ như khoanh tay nhìn sự việc đang xảy ra, vì nhìn một cách tổng quát, thì đây là sự tranh chấp giữa hai quốc gia cộng sản có cùng biên giới và liên hệ lâu dài, với những lời tuyên bố “Môi hở răng lạnh” và mười sáu chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.
Mùa Hè năm nay, 2019, vùng Biển Đông trở nên “nóng” và nhiều “giông bão” khi Việt Nam bắt đầu khai thác dầu ở Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), nằm trong phạm vi 200 dặm đặc quyền kinh tế theo luật quốc tế và cách xa Trung Cộng hơn 600 hải lý. Trung Cộng đã đem một tàu nghiên cứu địa dư với sự hộ tống của một số tàu tuần duyên có vũ khí nặng đến gần Bãi Tư Chính để làm áp lực. Tuy nhiên, Việt Nam dựa vào thế lực của hãng đầu tư khai thác dầu Rosneft, công ty quốc doanh của Nga Sô, để đương đầu với Trung Cộng. Trong khi đó Hoa Kỳ cũng đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích Trung Cộng về chiến thuật “bắt nạt (bully)” các quốc gia trong khu vực, nhất là sự kiện đang xảy ra ở Bãi Tư Chính có nhiều khả năng, vô tình hay cố ý, trở thành cuộc "đụng độ vũ trang" khó giải quyết, bởi vì Hoa Kỳ không có một thỏa ước quân sự nào với Việt Nam, và Liên Hiệp Quốc cũng gặp khó khăn vì hai quốc gia Việt Nam và Trung Cộng là hai quốc gia cộng sản anh em.
Mấy ngày qua có tin những tướng lãnh của Không Quân Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam đồng thời cả Quốc Hội cũng như cố vấn an ninh quốc gia thuộc phe “diều hâu” John Bolton và Bộ Trưởng Ngoại Giao Mike Pompeo đồng lên tiếng chỉ trích Trung Cộng trong việc gây áp lực quân sự với Việt Nam ở Bãi Tư Chính khiến có nhà bình luận cho rằng một thỏa hiệp quân sự ngắn hạn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ giải quyết được vấn đề Biển Đông. Tiếc thay, đảng cộng sản VN vẫn e ngại về việc nhờ cậy Hoa Kỳ vì không muốn phải thay đổi thể chế và quyền lực, họ “thà mất nước hơn mất đảng”.
Việt Nam hiển nhiên không phải là đối thủ của Trung Cộng, và Nga Sô chưa chắc sẽ tham chiến nếu có đụng độ vũ trang giữa Việt Nam và Trung Cộng, vì Nga Sô hiện đang là đồng minh của Trung Cộng để chống lại Hoa Kỳ, nhất là Hoa Kỳ đã bắt đầu phóng thử các loại hỏa tiễn tầm trung trước kia đã bị giới hạn bởi Hiệp Ước Vũ Khí Nguyên Tử Tầm Trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty) ký kết với Nga, nay không còn hiệu lực. Đồng thời Hoa Kỳ đã đem Hàng Không Mẫu Hạm USS Ronald Reagan đến Biển Đông, cùng với sự có mặt thường trực của Đệ Thất Hạm Đội có căn cứ ở Nhật.
Sự điều động HKMH USS Ronald Reagan đến Biển Đông là một điểm quan trọng đáng chú ý, vì USS Ronald Reagan là loại HKMH tấn công (Carrier Strike Group) có khả năng tấn công trên biển và đất liền, có nghĩa là có khả năng đổ bộ các đơn vị viễn chinh Thủy Quân Lục Chiến hoặc bộ binh. Như thế có nghĩa là Hoa Kỳ đã có ý định, nếu tham chiến thì sẽ tấn công tàu biển và sẽ cho lính đổ bộ chiếm đóng các hòn đảo, chứ không chỉ bắn phá từ ngoài khơi.
Cho dù Trung Cộng hiện nay đã dùng tiền mua chuộc các “bồi bút” quốc tế và cái “loa tuyên truyền” của Trung Cộng có tìm đủ cách để “hù dọa” là Hoa Kỳ sẽ thất bại nếu va chạm với quân đội Trung Cộng. Thế nhưng nếu tìm hiểu về khả năng quân sự thì sẽ biết rằng toàn thể Hải Quân của cả thế giới (cộng sản và tự do) gộp chung lại cũng chưa bằng hai phần ba của lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ. Đó là chưa kể đến Không Quân, những vũ khí tối tân và khả năng chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh quy ước. Thế cho nên “đánh võ mồm” là chuyện dễ, nhưng khi phát súng đầu tiên khai hỏa thì mới biết thế nào là nguy hiểm và ngu dại, như Đô Đốc Isoroku Yamamoto của Nhật đã nói sau cuộc không tập vào Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) : “I fear all we have done is to awaken a sleeping giant and fill him with a terrible resolve. (Tôi sợ rằng việc chúng ta làm là đánh thức một gã khổng lồ đang ngủ và khiến cho anh ta có quyết tâm trả thù khủng khiếp)”.
Như thế thì việc đụng độ quân sự, nếu tính toán cho kỹ, thì khó có thể xảy ra. Tuy nhiên “tai nạn có tính toán, có dàn xếp kỹ lưỡng” lại có thể xảy ra một cách dễ dàng. Hãy thử một trường hợp như sau :
Một ngày biển động, một chiến hạm nhỏ của Trung Cộng bị sóng xô vào dàn khoan dầu của Việt Nam và phát nổ khiến cho cả dàn khoan và chiến hạm bốc cháy. Những ống hút dầu sẽ bị vỡ để dầu tuôn tràn trên biển, và cả Bãi Tư Chính sẽ là một biển lửa. Các chiến hạm của Trung Cộng sẽ ồ ạt tiến vào để cấp cứu.
Bộ ngoại giao Trung Cộng sẽ lên tiếng xin lỗi về tai nạn đáng tiếc này và tuyên bố sẽ hợp tác với những bên liên hệ để điều tra và phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc như vậy trong tương lai. Thiệt hại sẽ rất lớn và ảnh hưởng lâu dài, phía TC thì có lý do để có mặt ở Bãi Tư Chính một cách hợp pháp. Không những không va chạm vũ lực với Nga Sô và Việt Nam, mà còn được tiếng là đã cứu được nhiều người (Việt và Nga) lâm nạn. Thế giới sẽ chỉ khoanh tay nhìn, và nhắc đến chuyện này qua ly cà phê buổi sáng hay lúc “trà dư tửu hậu”.
Một “thảm kịch tuyệt vời” cho Nga Sô và Việt Nam, và cũng là một chiến thắng toàn diện cho Trung Cộng.
Những ngày tiếp theo là Trung Cộng tuyên bố sẽ cho vay tiền và giúp nhân lực để Việt Nam có thể tiếp tục khai thác dầu khí. Dĩ nhiên, đó là cái “bẫy nợ - debt trap” được giăng ra để chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam trong tương lai.
Chính sách và mưu mô của Trung Cộng là như thế, thì với phương pháp nào có thể chống lại ?
Nguyên tắc của chiến tranh rất đơn giản “đánh vào chỗ yếu nhất của địch thủ”. Thế nhưng điểm yếu của Trung Cộng là gì ? Câu trả lời hiển nhiên là “nền kinh tế của Trung Cộng”. Lý do, với hơn một tỉ miệng ăn thì núi cũng lở, sông cũng cạn. Thế cho nên một cuộc “chiến tranh thương mại toàn diện và lâu dài” cộng với “cuộc chạy đua vũ khí và chinh phục không gian”, hay có thể gọi là “chiến tranh lạnh đợt hai”, sẽ đưa cả Trung Cộng và Nga Sô đến con đường kiệt quệ tài nguyên và nhân lực.
Cuộc “chiến tranh thương mại toàn diện và lâu dài” cũng sẽ gây khó khăn cho Hoa Kỳ, nhưng “cuộc chạy đua vũ khí và chinh phục không gian” sẽ đem lại rất nhiều quyền lợi để giữ vững nền kinh tế của Hoa Kỳ. Bởi vì, buồn thay, trên thế giới vẫn có rất nhiều quốc gia muốn mua vũ khí, từ viên đạn và quả bom cho đến máy bay và hỏa tiễn, để tranh giành quyền lực. Lịch sử đã chứng minh trong cuộc “chạy đua vũ trang” thì nền kinh tế của Hoa Kỳ rất phồn thịnh, bởi vì Hoa Kỳ là quốc gia phát minh, chế tạo và sản xuất vũ khí và sản phẩm kỹ thật cao.
Trung Cộng sẽ thất bại nhanh chóng hơn Nga Sô, bởi vì dân Trung Cộng đã quen thói bắt chước hoặc ăn cắp chứ không còn khả năng phát minh. Vả lại, hiện nay TC đang phải đối phó với phong trào đòi tự do của Hồng Kông, chống đối của dân Hồi Giáo ở Tân Cương, tăng cường vũ trang của Đài Loan, nạn thất nghiệp gia tăng vì hãng xưởng dời đi nơi khác, nghành xuất cảng bị đình trệ, và vẫn phải nhập cảng gạo và nhu yếu phẩm để nuôi dân. Nếu Hoa Kỳ tuyên bố cấm vận toàn diện (trường hợp chiến tranh lạnh), thì cuộc “vạn lý trường chinh” lần thứ hai mà Tập Cận Bình đang hô hào sẽ không thể kéo dài như họ Tập mong muốn, bởi vì “có thực mới vực được đạo”, đã quen ăn bây giờ phải ôm bụng đói thì đạo lý, chủ thuyết gì cũng khó mà nuốt cho trôi.
Nếu cho rằng dân Bắc Hàn có thể chịu đựng được thì dân Trung Cộng cũng có thể chịu đựng được. Thoạt nghe thì có lý, thế nhưng xét kỹ lại thì thấy rằng dân Bắc Hàn, chưa đến 26 triệu, bị kiềm chế từ sau năm 1945 nên không biết gì về thế giới bên ngoài để so sánh. Trong khi đó dân Trung Cộng, hơn một tỉ, hiện nay đã quá quen thuộc với điện thoại iPhone, internet, xe điện cao tốc, nhà lầu, xe hơi, gà chiên KFC, McDonald Hamburger, Coca-Cola . . . thì việc quay trở lại với thời “bao cấp” sẽ là điều rất khó. Mãnh lực của hơn một tỉ cái mồm há miệng chờ cơm thì khó có thể lường được hậu quả sẽ ra sao.
Tóm lại, “chiến tranh lạnh” và “chạy đua vũ trang” là hai quả đấm để hạ gục một thằng Tàu tham lam và ương ngạnh. Có thể cả Nga Sô cũng sẽ bị vạ lây, và như thế thì “hai quả đấm sẽ hạ gục được hai kẻ thù của nhân loại”. Đồng thời nhắc nhở thế giới phải tôn trọng “Luật Biển” đã được Liên Hiệp Quốc ấn định.
Chiến lược là như thế, nhưng ai là người có thể áp dụng được ? Câu trả lời liên quan đến chính trị của Hoa Kỳ, và chúng ta đã biết rõ rằng các đời tổng thống, sau Thế Chiến Thứ Nhì, chỉ có ông Donald Trump là người thực sự có bản lãnh để kiềm chế Trung Cộng. Bỏ qua thành kiến cá nhân, bỏ qua quyền lợi đảng phái, với quan niệm “Tổ Quốc Trên Hết” và “Tự Do Trên Hết” thì ông Trump hiển nhiên là cứu tinh của Hoa Kỳ và cả thế giới trước hiểm họa xâm lăng của Trung Cộng. Chỉ cần một vị tổng thống Hoa Kỳ, như Obama đã bị Tàu khinh bỉ ra mặt, “quay lưng ngó lơ” thì trong vòng 4 hay 8 năm nữa Thái Bình Dương, có thể cả Ấn Độ Dương, sẽ thành cái cái hồ sau nhà của Trung Cộng, và đa số hàng hóa sẽ mang nhãn hiệu “Made In China”.
Binh pháp luôn cho rằng “Một cuộc chiến thắng không đổ máu mới thực sự là chiến thắng toàn diện”. Thế cho nên “Đánh bại Trung Cộng bằng chiến tranh lạnh sẽ là một cuộc chiến thắng toàn diện”.
Bùi Phạm Thành