<April 2025>
SunMonTueWedThuFriSat
303112345
6789101112
13141516171819
20212223242526
27282930123
45678910
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Thỉnh Nguyện Thư gởi HT.Thích Hộ Giác
Tác giả: admin

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HẢI NGOẠI TẠI HOA KỲ

Ngày 01 tháng 01 năm 2006

Kính gửi :

Hòa Thượng Thích Hộ Giác,

Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo,

Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK / VPII VHĐ


Kính bạch Hòa Thượng,

Nếu hằng thao thức, ưu tư về tiền đồ của Giáo Hội tại quê nhà cũng như ở hải ngoại thì hầu như ai đã và đang sinh hoạt trong Giáo Hội cũng đều thấy :

1.-  Tại Hoa Kỳ, đặc biệt từ Đại Hội Khoáng Đại III năm 2004 đến nay, đã có những dấu hiệu trì trệ, phân hóa, rã rời và suy yếu ;

2.-  Trên phạm vi liên châu hải ngoại—mà Giáo Hội Hoa Kỳ là đầu tàu vì kiêm nhiệm chức năng Văn Phòng II Viện Hóa Đạo—đã không còn sự phối hợp, trao đổi và gắn bó tốt đẹp với Văn Phòng II ;

3.-  Đặc biệt mới đây, nhân lễ kỷ niệm 30 năm công cuộc vận động cho tự do tôn giáo và nhân quyền, Giáo Hội đã công bố Giáo Chỉ của Viện Tăng Thống chuẩn y thành phần nhân sự của Hội Đồng Lưỡng Viện mà nội dung cho thấy sự chia rẽ, bất hòa đã xảy ra ngay trong thượng tầng của tổ chức Giáo Hội, tức là Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo, qua sự thiếu vắng của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, Đệ nhất Phó Viện trưởng, Thượng Tọa Thích Đức Thắng, Tổng Thư Ký, Thượng Tọa Thích Thanh Huyền, Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Thanh Niên, Thượng Tọa Thích Phước Viên, Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Giáo Dục, và mới đây là sự từ chức của Thượng Tọa Thích Phước An, Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Văn Hóa.

Để xảy ra tình trạng chung như thế từ trong nước ra đến hải ngoại, chúng ta không thể giải thích là do sự tác động từ bên ngoài, đặc biệt không thể nói là do cộng sản ảnh hưởng. Những thành viên của Ban Chỉ Đạo VHĐ hiện đang vắng mặt trong Giáo Chỉ vừa mới công bố, đều là những vị bất khuất với bạo quyền, trung kiên với Giáo Hội. Các chư tôn đức Tăng Ni và quý vị Cư sĩ ở hải ngoại đã không còn cộng tác chặt chẽ, nhiệt tình như trước với Giáo Hội và Văn Phòng II, dù vẫn luôn luôn thao thức và hết lòng với vận mệnh và tương lai của Giáo Hội.

Để xảy ra tình trạng chung như thế từ trong nước ra đến hải ngoại, chúng ta không những chỉ biểu lộ cho cộng đồng các tổ chức và quần chúng bên ngoài thấy được sự trì trệ, phân hóa, suy yếu của Giáo Hội mình, mà nghiêm trọng hơn, còn tạo ra cơ sở cho những lời đàm tiếu bên ngoài rằng: nội bộ chỉ vài chục người vốn như thầy-trò, huynh-đệ, thủ-túc, mà không giải quyết ổn thỏa được, còn có vẻ như muốn loại trừ nhau, không tự cứu mình được thì nói gì đến chuyện cứu đạo, cứu dân, cứu nước !

Nhưng tình trạng có vẻ bi quan, nghiêm trọng như thế lại không bắt nguồn từ những yếu tố then chốt, quan trọng như lập trường, đường hướng, lãnh đạo của Giáo Hội. Cụ thể là công cuộc vận động để phục hoạt sinh hoạt của Giáo Hội dưới sự lãnh đạo của Đại Lão Hòa Thượng Tăng Thống và Hòa Thượng Viện Trưởng đều được trên dưới khâm tuân. Tất cả những lúng túng, phân hóa, trì trệ đều phát xuất từ cung cách sinh hoạt trong Giáo Hội; và từ cung cách sinh hoạt đó, dẫn đến những hành vi lạm dụng quyền hành và mâu thuẫn nhân sự.

Để giải quyết tình trạng đó, Giáo Hội chúng ta có vẻ chỉ chọn hai biện pháp :

1.-  Tránh né hội họp để khỏi trực diện đương đầu và giải quyết vấn đề ;

2.-  Dùng ngoại lực hỗ trợ của quốc tế như là lực chính của công cuộc vận động cho tự do tôn giáo và nhân quyền, đồng thời để khuất lấp những phân hóa, suy yếu nội bộ.

Với biện pháp thứ nhất, thì trong nhất thời có thể tránh được những thảo luận gay gắt, “nhức đầu”. Nhưng kinh nghiệm cho thấy tránh né sự hội họp, không chấp nhận sự khác biệt, thích áp đặt cái nhìn và quan điểm của mình lên kẻ khác, đặc biệt kẻ khác đó lại là số đông thì dễ dẫn đến chỗ suy yếu, tiêu vong. Đối với nội bộ của tổ chức Phật giáo, một sự kiện như vậy đã đi ngược lại một trong những nền tảng sinh hoạt truyền thống của Phật giáo là “ý hòa đồng duyệt”; đối với xã hội bên ngoài, nó đã đi ngược lại một trong những nguyên tắc căn bản trong sinh hoạt dân chủ lành mạnh của thế giới ngày nay là tranh luận để đạt đến sự đồng thuận của đa số. Hơn nữa, nếu quả thực là có những mâu thuẫn trầm trọng thì phải tìm đủ mọi phương thức để giải quyết thay vì tránh né. Tránh né không bao giờ là một biện pháp hữu hiệu, ngược lại nó chỉ làm cho sự việc trầm trọng thêm.

Với biện pháp thứ hai, sự hỗ trợ của quốc tế là một yếu tố rất cần thiết, không có không được, nhất là trong tương quan giữa một bên là nhà nước chuyên chính độc tài cộng sản và một bên là một tổ chức tôn giáo sống trong lòng xã hội chuyên chính độc tài đó. Áp lực đến bất kỳ từ đâu đều rất cần thiết để giảm thiểu mức độ chuyên chính độc tài. Dù vậy, sự hỗ trợ của quốc tế tuy rất cần thiết nhưng chưa đủ vì chỉ là ngoại lực. Ngoại lực sẽ không có tác dụng hữu hiệu bao nhiêu nếu nội lực của tổ chức mình không có. Giống như một người bệnh suy kiệt được người khác nâng đỡ ngồi dậy sẽ ngã xuống lại ngay nếu không còn sự nâng đỡ đó nữa. Nội lực là sức mạnh của chính nghĩa cộng với sự đồng tâm nhất trí của đa số thành viên trong tổ chức. Thiếu một trong hai sẽ không có nội lực, hoặc nếu có cũng giả tạm, không được lâu dài. Lập trường của Giáo Hội chúng ta từ trước đến nay đã thể hiện chính nghĩa vì Dân tộc và Đạo pháp; nhưng cung cách sinh hoạt thiếu dân chủ và lạm dụng quyền hành của một thiểu số đã không những không tạo nên sự đồng tâm nhất trí trong Giáo Hội mà còn dẫn đến hậu quả trì trệ, phân hóa, rã rời và suy yếu. Nội lực mà như thế thì không có ngoại lực nào có thể cứu vãn được.

Trước hiện tình bế tắc của sinh hoạt Giáo Hội trong cũng như ngoài nước, chúng ta có trách nhiệm hóa giải những mâu thuẫn nội bộ, phục hồi sinh khí hoạt động và củng cố nội lực để Giáo Hội có thể hoàn thành những sứ mệnh đối với Đạo pháp và Dân tộc.

Trong tinh thần và mục đích đó, chúng tôi thành kính thỉnh cầu Hòa Thượng triệu tập một Đại Hội Bất Thường bao gồm Giáo Hội Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu và Canada trong thời gian sớm nhất có thể được (từ một đến hai tháng) để tránh những diễn biến vượt ngoài sự tiên liệu và kiểm soát của chúng ta.

Kính chúc Hòa Thượng pháp thể khinh an.

Nay kính thư,

Đồng ký tên :

1.  Hòa Thượng Thích Thanh An, Cố Vấn Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK,

2.  Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Thành viên Hội Đồng Viện Tăng Thống GHPGVNTN và Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTNHN-HK / VPII VHĐ,

3. Hòa Thượng Thích Trí Chơn, Thành viên Hội Đồng Viện Tăng Thống GHPGVNTN, Thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm và Phó Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK / VPII VHĐ,

4.  Hòa Thượng Thích Hành Đạo, Thành Viên Hội Đồng Giáo Phẩm, GHPGVNTNHN-HK,

5.  Hòa Thượng Thích Nguyên Lai, Cố Vấn Hội Đồng Điều Hành, GHPGVNTNHN-HK,

6.  Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ,

7.  Hòa Thượng Thích Nguyên An, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự,

8.  Hòa Thượng Thích Viên Thành, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Kiến Thiết,

9.  Hòa Thượng Thích Trí Lãng, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Xã Hội,

10.  Hòa Thượng Thích Giác Chân, Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Tăng Sự,

11.  Thượng Tọa Thích Nguyên Trí, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Kinh Tế Tài Chánh,

12.  Thượng Tọa Thích Tuệ Chiếu, Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Tăng Sự,

13.  Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa,

14.  Thượng Tọa Thích Vân Đàm, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục,

15.  Thượng Tọa Thích Minh Dung, Phó Tổng Thư Ký Hội Đồng Điều Hành,

16.  Thượng Tọa Thích Đồng Trí, Tổng Thư Ký Tổng Vụ Tăng Sự,

17.  Thượng Tọa Thích Minh Hậu,

18.  Sư Bà Thích Nữ Nguyên Thanh, Tổng Thủ Quỹ Hội Đồng Điều Hành,

19.  Ni Sư Thích Nữ Tịnh Thường, Phó Tổng Thủ Quỹ Hội Đồng Điều Hành,

20.  Đạo Hữu Trần Quang Thuận, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Kế Hoạch,

21.  Đạo Hữu Bùi Ngọc Đường, Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Kế Hoạch,

22.  Đạo Hữu Huỳnh Tấn Lê, Tổng Thư Ký Tổng Vụ Cư Sỹ,

23.  Đạo Hữu Trần Quang Phước, Tổng Thư Ký Tổng Vụ Văn Hóa,

24.  Đạo Hữu Vĩnh Hảo, Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Kế Hoạch,

25.  Đạo Hữu Huỳnh Minh, Tổng Thư Ký Tổng Vụ Kinh Tế Tài Chánh,

26.  Đạo Hữu Huỳnh Kim Quang, Phó Tổng Thư Ký Hội Đồng Điều Hành.


Bản sao kính gửi :

-.  Đại Lão Hòa Thượng Tăng Thống “để kính trình”

-.  Hòa Thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo “để kính trình”

-.  Chư tôn đức thành viên Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo “để kính tường”

-.  Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Âu Châu, Úc Châu và Canada “để kính tường”

-.  Thành viên các Hội Đồng GHPGVNTNHN-Hoa Kỳ

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Thông Điệp Phật Đản 2025 - Phật lịch 2569
Thông Điệp Xuân Ất Tỵ - 2025
Thông Điệp Vu Lan 2568
Quyết Định Của Đức Tăng Trưởng Hội Đồng Giáo Phẩm
Cận cảnh 9 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa
Diễn Văn Khai Mạc Đại Hội Khoáng Đại Kỳ IV (Nhiệm kỳ V) (*) của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ
Đạo Từ Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2568 – DL 2024
Thông Bạch Phật Đản Lần Thứ 2648
Thư Mời Tham Dự Phiên Họp Đầu Tiên
Thông Bạch Tết Giáp Thìn
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
5537197
Có 0 Khách Đang Online