Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ
Ngụy Tạo Tài Liệu Việt Cộng Đễ Hãm Hại Các Nhân Vật Phật Giáo
Lê Xuân Nhuận
TÔI đã phát-biểu với (Chuẩn, sau này là) Thiếu-Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư-Lệnh Cảnh-Lực Quốc-Gia, có cả (Ðại-Tá, sau này là) Chuẩn-Tướng Huỳnh Thới Tây, Trưởng Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương, cùng nghe, rằng nếu tôi còn đảm-trách an-ninh & phản-gián Vùng I ngày nào thì ngày đó tôi còn ngăn-chận được mọi cuộc biến-loạn, cho Vùng ấy, và, do đó, cho cả Miền Nam*.
Tôi nói như thế liền sau khi tôi đề-nghị bổ-nhiệm hai sĩ-quan tín-đồ Kitô-Giáo, gốc-gác Đệ-Nhất Cộng-Hòa và thân-cận với giới cựu Cần-Lao, ra làm Tỉnh-Trưởng và Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Sát Quốc-Gia, là hai chức-vụ quan-trọng nhất trong chính-quyền tại Tỉnh Thừa-Thiên và Thị-Xã Huế.
Như thế nghĩa là sau khi thay-đổi hai quan-chức ấy, mà nếu tình-hình ngoài đó vẫn còn bất-an, thì chính tôi mới là người có thể dẹp yên các mưu-đồ quấy rối nội-chính tại Huế và Thừa-Thiên.
Đề-nghị ấy của tôi đã được trình lên và Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu đã cử hai nhân-vật khác đến thay Đại-Tá Tôn Thất Khiên và Thiếu-Tá Liên Thành trong chức-vụ Tỉnh/Thị-Trưởng và Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Tỉnh Thừa-Thiên & Thị-Xã Huế.
Tân Tỉnh/Thị-Trưởng là Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ.
Tân Chỉ-Huy-Trưởng CSQG là Trung-Tá Hoàng Thế Khanh.
* * * * *
Thế rồi, mới dự lễ giao+nhận chức-vụ Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Tỉnh/Thị giữa Liên Thành và Hoàng Thế Khanh ở Huế xong, tôi đã phải ra ngoài đó lại để chủ-toạ lễ giao+nhận chức-vụ Chánh Sở Đặc-Cảnh Tỉnh/Thị: Đại-Úy Trương Công Đảm thay-thế Thiếu-Tá Trương Công Ân.
* * * * *
Nhớ hôm Trung-Tá Hoàng Thế Khanh nhậm-chức, ngay sau buổi lễ tôi đã đi vào một số văn-phòng thuộc Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực cũng như thuộc Sở Đặc-Cảnh Tỉnh/Thị sở-tại, để quan-sát và nghe-ngóng tình-hình chung. Ngoại-trừ số đông lâu nay vốn có thiện-cảm với tôi, có một số ít viên-chức sắc-phục cũng như dân-phục mà qua ánh mắt của họ nhìn nhau trước, trong và sau khi họ nói chuyện với tôi, tôi cảm thấy rõ-ràng rằng, dù Ngành Công-Lực ở cố-đô có do cá-nhân hay phe-nhóm nào đứng đầu đi nữa, thì bây giờ, đối với thiểu-số ấy, tôi vẫn chỉ là một người khách lạ, một người dưng, đáng nghi, đáng phòng.
Trước kia, Liên Thành tưởng tôi ăn-ý với Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng I, là Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc, vốn có khuynh-hướng Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng, để chống phe-phái Đại-Việt Cách-Mạng-Đảng mà trong đó anh cùng Trương Công Ân là đảng-viên cấp cao.
Giờ đây, người ta lại tưởng tôi thoả-hiệp với lớp mới là những phần-tử cực-đoan của dư-đảng Cần-Lao để chống phá Phật-Giáo.
Trong lúc đó, chính Hoàng Thế Khanh cũng lo đề-phòng tôi, vì tôi nguyên là nhân-vật đầu tiên công-khai đơn-độc chống chế-độ độc-tài nhà Ngô, bị mật-vụ triều Ngô gán cho là thành-viên quá-khích của Đảng Đại-Việt để phát-vãng tôi ra khỏi Miền Trung vào năm 1960...
Tôi thì xưa nay vẫn là một người độc-lập. Tôi coi nhẹ các cấp lãnh-đạo nhất-thời; tôi chỉ chú-trọng quảng-đại quần-chúng miên-viễn ngoài đời và đa-số công-chức & quân-nhân trung-chính trong Chính-Quyền mà thôi.
Tôi tách mình riêng ra khỏi các bộ-phận đón-tiếp và tháp-tùng, để tiện tiếp-xúc với một số cá-nhân bộc-trực, trong số này có Đại-Úy Trần Vĩnh Thuận tức “Thuận Xù”*. (*Xem “Ông Đồn Lợi”). Anh có một bộ tóc bù-xù nên bạn-bè đặt cho anh cái tên như trên.
Thuận là một trong số các bạn thân của tôi ngày xưa, nhất là giai-đoạn liền trước biến-cố 1960, là năm chúng tôi xa nhau. Bây giờ anh là Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực một Quận ngoại-ô trong Tỉnh Thừa-Thiên.
Được tôi kéo ra để chuyện-trò riêng với nhau, câu nói đầu tiên của anh là trách-móc tôi:
– Tôi tưởng anh đã quên hết dĩ-vãng và bạn-bè !
Tôi chưa kịp nói gì thì Thuận đã nói tiếp, như để tăng phần khuấy-động tình-cảm trong lòng tôi:
– Anh Đặng Hữu Lợi đã chết, anh Trần Văn Cư đã mất, anh Phan Văn Trực đã qua đời, anh Lê Tấn Lực đã đi xa, anh Nguyễn Mầm đã thành phế-nhân, anh Nguyễn Duy Hát đã ra khỏi Ngành...
Những việc ấy, và cả nhiều việc khác nữa, tôi đã biết từ bao lâu rồi; nhưng khi nghe “Thuận Xù” nhắc lại tự-nhiên lòng tôi bỗng nhói đau như mới lần đầu tiên nhận được tin buồn về những người thân thương.
Chưa hết, “Thuận Xù” còn oái-oăm thò tay vào trong cổ áo tôi, nắn tìm xem tôi có mang một sợi dây chuyền nào không. Khi không thấy gì, anh mới ôm chầm lấy tôi mà hôn.
Ngày xưa, khi Ông Ngô-Đình Diệm mới về nước chấp-chánh, tôi là người đã ủng-hộ ông tận-tình, đơn-độc, liều-lĩnh dùng phương-tiện của Quân-Đội Quốc-Gia (Chương-Trình “Tiếng Nói Quân-Đội tại Đệ-Nhị Quân-Khu”) lúc ấy đang chống Diệm để phát-triển ảnh-hưởng ban sơ đang còn mong-manh của họ Ngô, mở đường cho thế-lực nền Đệ-Nhất Cộng-Hòa sớm vững mạnh bắt đầu từ Miền Trung.
Do đó, sau khi chính-quyền Diệm đã ổn-định, giới-chức hữu-trách trong Quân-Đội đã đề-nghị Trung-Ương ban thưởng “Quân-Công Bội-Tinh” cho tôi. Các sĩ-quan lãnh-đạo Ngành Chiến-Tranh Tâm-Lý tại Đệ-Nhị Quân-Khu, lúc đó toàn là những phần-tử thân-tín của Cố-Vấn Ngô Đình Cẩn, đã tặng tôi một sợi dây chuyền có treo một thập-tự-giá bằng vàng để làm kỷ-niệm khi quân-nhiệm của tôi đã mãn hạn-kỳ.
Thủa ấy, có nhiều công-chức và quân-nhân bỏ đạo của mình để theo Đạo Kitô. Số người cả trong lẫn ngoài chính-quyền tuy không phải là con chiên của Chúa mà cũng đeo thập-tự-giá dưới cổ thì khá đông. Không rõ do ai kể lại mà Thuận biết tôi cũng có một cái, nên anh cứ dòm chừng tôi, xem tôi có đeo hay không.
Ngày nay, “Thuận Xù” cố ý nhắc tôi nhớ lại cái vật trang-sức ấy, cái ý-nghĩa tượng-trưng của một phản-ứng người, trước một bối-cảnh đời.
Chỉ vừa mới thay-đổi cấp lãnh-đạo chính-viện Tỉnh có mấy hôm, và đến hôm nay thì mới thay-đổi cấp chỉ-huy Ngành An-Ninh (chưa động đến Ngành Phản-Gián) sở-quan, mà màu-sắc tín-ngưỡng của cá-nhân họ đã tác-động sâu-đậm lên tâm-lý của số đông viên-chức địa-phương như thế này sao ?
Tôi cũng đã có linh-tính và ước-tính là sẽ có một cái gì đó xảy ra, nhưng tôi đã cắt đứt chiều-hướng xung-khắc của nhóm Linh-Mục Nguyễn Kim Bính ở Phú Cam đối với Chính-Quyền Tỉnh/Thị dưới thời Đại-Tá Tôn Thất Khiên rồi. Thế mà đường-lối đối-nghịch của họ lại nhắm sâu vào cả các chính-đảng và tôn-giáo khác, nhất là Phật-Giáo, mà tổ-chức quần-chúng là “Lực-Lượng Hòa-Hợp Hòa-Giải Dân-Tộc” thì cũng đang cùng đương-đầu với Chính-Quyền Trung-Ương.
Trong trường-hợp Đại-Việt Cách-Mạng-Đảng bất-hòa với Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng, chắc “Thuận Xù” không cần nhắc-nhở gì tôi. Chỉ có trường-hợp Kitô-Giáo chèn ép Phật-Giáo, mới khiến anh phải bày-tỏ thái-độ như thế với tôi.
Thế mới biết, làm một người trung-lập không phải là việc dễ. Hầu như mọi người, nhất là trong Chính-Quyền, trong các giáo-hội và trong các chính-đảng, đều đinh-ninh rằng, người nào cũng phải là đảng-viên của một đảng nào đó, tín-đồ của một đạo nào đó, hay ít nhất cũng là đồ-đệ của một nhân-vật nào đó. Điều tệ-hại nhất là khi người ấy không thuộc cùng một cánh với mình thì người ta coi người ấy như kẻ phản-động, như kẻ thù.
Đáng lẽ tôi nói cho “Thuận Xù” biết về lập-trường của tôi ; nhưng tôi lại ngại là anh sẽ kể lại với người khác, và người khác ấy lại tưởng rằng tôi cốt thanh-minh để mong cầu một chút ân-huệ gì của họ chăng.
Năm 1954, nếu tôi vượt qua những thủ-tục thông-thường trong các cơ-quan quân-sự và hành-chánh, nhất là vượt qua lòng tự-trọng của chính mình, như lắm kẻ đã làm, đến kể công với Cố-Vấn Ngô Đình Cẩn, hoặc Cố-Vấn Ngô Đình Nhu, hoặc chính Thủ-Tướng Ngô Đình Diệm, thì chắc-chắn là tôi đã được ban cho nhiều đặc-quyền đặc-lợi rồi. Năm 1967, nếu tôi kể công với Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu rằng tôi đã bí-mật nhúng tay phá vỡ âm-mưu đảo-chính của Thiếu-Tướng Nguyễn Cao Kỳ để bảo-toàn kết-quả cuộc bầu-cử đem lại thắng-lợi cho ông ngồi vững trên ghế Nguyên-Thủ Quốc-Gia, thì cũng chắc-chắn là tôi đã được trọng-thưởng nhiều rồi.
Vì tự-trọng và tự-ái, tôi chấp-nhận im-lặng, chỉ mình tự biết lấy mình.
Và mình đã nghĩ đúng, nói phải, làm hay, là đủ rồi.
Tuy nhiên, về vấn-đề đối-nghịch giữa Kitô-Giáo với Phật-Giáo thì tôi phải nói, vì tôi là một chứng-nhân.
Xét chung thì chế-độ Ngô Đình Diệm đã tạo hoàn-cảnh cho một số tín-đồ Kitô-Giáo, và cả một số không phải là con chiên của Chúa, xúc-phạm đến các tôn-giáo khác, nhất là Phật-Giáo mà tổng-số tín-đồ lên đến trên chín mươi phần trăm dân-số, nên một số lãnh-tụ Phật-Giáo phải đứng lên tranh-đấu đưa đến cuộc Cách-Mạng 1-11-1963.
Ngày xưa, dưới thời Pháp-thuộc, các quan cai-trị thực-dân Pháp và triều-đình Huế tay-sai đều nằm trong vòng ảnh-hưởng của các cha-cố thuộc Tòa Thánh Vatican, nhưng việc lấn-át chỉ xảy ra trong một số lãnh-vực và nhắm vào một số đối-tượng nhất-định, chứ không chèn-ép tràn lan người dân nô-lệ Việt-Nam vốn đại-đa-số là đệ-tử Cửa Thiền.
Liền trước thời Diệm, khi đế-quốc Pháp trở lại với súng đạn viễn-chinh thì cụ Trần Văn Lý lên chấp-chánh [Hội-Đồng Chấp-
Chánh Lâm-Thời Trung-Kỳ] ở Miền Trung. Dù là một nhân-sĩ Kitô-Giáo, được Pháp và giáo-hội hậu-thuẫn và nể-vì, nhưng cụ có ỷ vào chức quyền để rẻ-rúng người nào không cùng tín-ngưỡng với mình đâu.
Dù sao, nếu cho rằng mọi tín-đồ Đạo Kitô dưới thời Diệm đều muốn đè bẹp Đạo Phật thì cũng không hoàn-toàn đúng.
Năm 1960, tôi bị đày lên xứ Thượng và bị “mật theo-dõi hành-vi chính-trị”, nghĩa là tôi thuộc thành-phần “phản-loạn” (dưới chế-độ Diệm không có “đối-lập”). Trớ-trêu thay, tôi được Giám-Đốc Cảnh-Sát Công-An Cao-Nguyên Trung-Phần [Thiếu-Tá Nguyễn Văn Luận, về sau là Trung-Tá Giám-Đốc Cảnh Sát Quốc Gia Đô-Thành, một trong các sĩ-quan tử-nạn trong vụ trực-thăng Hoa-Kỳ bắn “nhầm” vào Trường Phước-Đức trong Chợ Lớn chiều 2/6/1968] cử làm Trưởng Ban Điều-Tra Đặc-Biệt của Nha, bất-chấp lệnh cấm của Tổng-Nha [cấm tôi giữ các chức-vụ chỉ-huy, v.v…].. Nhiệm-vụ và quyền-hạn của tôi là bắt giữ, thẩm-vấn và lập hồ-sơ truy-tố các vụ vi-phạm, cả hình-sự lẫn chính-trị, khắp các Tỉnh ở cựu-Hoàng-Triều Cương-Thổ này.
Tại Ban-Mê-Thuột, thủ-phủ của Cao-Nguyên, tôi đã đối-diện với nhiều tín-đồ Kitô-Giáo, vừa là thanh-niên học-thức, vừa là chấp-sự thân-cận của các Cha Xứ ở các Địa-Điểm Dinh Điền và Khu Trù Mật nổi tiếng thịnh-vượng và an-ninh của đồng-bào Miền Bắc di-cư, như Châu Sơn, Kim Châu Phát, Khuê Ngọc Điền, v.v...
Về mặt chính-trị nội-bộ, các thành-viên Kitô-Giáo bị báo-cáo là có ngôn-ngữ và thái-độ chống-đối Chính-Quyền, mà tôi lần-lượt mời đến hỏi cung, đều mạnh-dạn vạch rõ sai-lầm của chế-độ Diệm trong vấn-đề tôn-giáo, và khẳng-định rằng họ phản-đối mọi âm-mưu và hành-động của những kẻ đàn-áp Phật-Giáo. Chính Linh-Mục Nguyễn Viết Khai, là cha đỡ-đầu của Tổng Thống Diệm, mà cũng chống Diệm về vấn-đề này. Theo họ, Thánh-Kinh tức là Lời Chúa, có khuyến-khích con chiên mở rộng Hội Thánh, nhưng bằng rao-giảng chứ không phải bằng bạo-lực hay mồi-bả vật-chất của thế-gian.
Biên-Tập-Viên Nguyễn Hữu Liêm và Thẩm-Sát-Viên Nguyễn Giang, ngồi cùng phòng với tôi, vừa làm việc vừa liếc nhìn tôi mà cười. Mà buồn cười thật, chính tôi cũng tự cười mình : một viên-chức an-ninh bị chế-độ trừng-phạt vì chống-đối chế-độ mà lại nhân-danh chế-độ đứng ra bắt lỗi những phần-tử cũng chống-đối chế-độ như mình!
Không lâu trước ngày tôi bắt đầu điều-tra các đối-tượng này, ở Ban-Mê-Thuột đã xảy ra một cái chết gây sôi-nổi dư-luận gần xa. Nguyên dưới quyền của Biên-Tập-Viên (sau này là Thiếu-Tá) Nguyễn Hữu Liêm có một Đội Biệt-Kích Công-An, chuyên đi lùng diệt Việt-Cộng tại khắp các tỉnh Cao-Nguyên. Một hôm, có một đội-viên tên Nguyễn Văn Nam, cùng với đồng-đội mới đi công-tác về, bị mót đại-tiện nên vừa từ trên xe nhảy xuống là đã vội-vàng chạy tuốt vào trong nhà tiêu. Vì gấp-rút và không có gì khác hơn nên anh đã dùng một mảnh giấy báo mà lau hậu-môn. Ngẫu-nhiên có một đội-viên khác, cũng vào cầu-tiêu, trông thấy mảnh giấy báo của Nam có in ảnh của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, nên lưu-ý anh về việc này. Người bị bắt gặp quả-tang “phạm-thượng” đã rút súng tự bắn vào đầu chết ngay tại chỗ – Anh sợ bị đưa ra “phê-bình” trong các buổi “Học-Tập Chính-Trị và Công-Dân Giáo-Dục”, và sau đó là những hậu-quả khôn lường.
Một số trong các tín-đồ Kitô-Giáo nói trên, trong lúc khai-cung, đã đề-cập với tôi về vụ đó, và một người đã chất-vấn tôi:
– “Dưới thời Nho-Giáo cực-thịnh, mọi người đều phải tôn-trọng ngay cả bất-cứ một mảnh giấy nào trên đó có Chữ Nho, vì Chữ Nho là biểu-tượng của Đạo Nho, của Đức Khổng-Tử. Tuy thế, nếu có kẻ nào dùng sách giấy có Chữ Nho, hình-ảnh Đức Khổng-Tử, mà lau hậu-môn, thì kẻ ấy chỉ bị quở mắng, hoặc bị đánh đòn, một lần rồi thôi, chứ có ai vì cái lỗi ấy mà bị hành-hạ tàn-nhẫn đến độ thà tự-tử chết còn hơn để bị bắt giam? Qua cái chết của anh ấy, cũng là đồng-nghiệp Công-An với các anh, các anh nghĩ sao về chế-độ này?”
Các anh Liêm và Giang đã đồng-ý với tôi, dẹp bỏ biên-bản chấp-cung, để cho các phần-tử “Công-Giáo công-chính” ấy tự tay viết các lời khai theo ý họ, xong để họ ra về tự-do, rồi đệ-trình hồ-sơ lên Cấp Trên “để tuỳ-nghi thẩm-định” với cái đề-nghị đã trở thành công-thức là “tiếp-tục mật theo-dõi hành-vi chính-trị” của các đương-nhân.
Tôi nhấn mạnh với “Thuận Xù” điều đó, và nhắc thêm về biến-cố 1960: cùng bị đày ra khỏi Huế và các tỉnh thành lớn, lên miền lam-sơn chướng-khí một lần với tôi, còn có các anh Trần Văn Liệu và Trần Tòng; họ cũng là tín-đồ Kitô-Giáo, cũng là dân Phú-Cam, trung-tâm ảnh-hưởng của gia-đình họ Ngô.
Trước đó, nhân-sĩ Trần Điền mà tôi quen thân hồi ông còn làm Giám-Đốc Nha Thông-Tin và hầu hết đồng-bào gần xa đều biết tiếng, là thủ-lãnh Hướng-Đạo Việt-Nam, là một nhà trí-thức Kitô-Giáo lừng danh, mà cũng chống-đối TT. Diệm và bị kết án tử-hình...
Thế thì đâu có phải là đồng-bào Kitô-Giáo nào cũng dễ-dàng đồng-minh với Quỷ Satan ?
Thế mà hiện nay vẫn còn có một số thuộc cả hai bên chưa chịu làm lành với nhau.
Ở Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Sát Quốc-Gia, người ta kháo chuyện với nhau về một chuyến đi thanh-tra Thừa-Thiên/Huế vừa rồi của Trung-Tá Trần Văn Hương.
Các cấp chỉ-huy ở đây bố-trí cho Ông Hương ngủ ở khách-sạn, ăn ở nhà-hàng, và chi-tiêu linh-tinh gì đó. Khi ông ấy về Trung-Ương rồi, Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực ngoài này, dưới thời Thiếu-Tá Liên Thành, liền gửi một xấp hóa-đơn vào Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Lực Quốc-Gia, nơi đã phái Ông Hương đi công-tác, để xin thanh-toán tiền phòng, tiền ăn, v.v... cho ông ta!
Phóng-ảnh trang 290 “Về Vùng Chiến-Tuyến” (1996)
Ngoài việc Ông Hương bị xem như đã có đòi-hỏi địa-phương cung-phụng này kia, các viên-chức khác từ đó về sau đều ngán Miền Trung, nếu phải ra Huế là lo giữ mình đủ điều.
Chỉ vì Trung-Tá Hương nguyên là Cảnh-Sát-Trưởng ở Huế, dưới thời Đệ-Nhất Cộng-Hòa, và là tín-đồ Đạo Kitô.
Vấn-đề tôi đặt ra với anh+em, không phải chỉ là cá-nhân Trần Văn Hương thật ra là một người tương-đối không quá xấu, không đáng để bị chơi khăm cách đó, nhưng mà là đối với bất-cứ ai, dù trong quá-khứ đã làm việc gì không hay, mà sau đó tình-trạng đã được giải-quyết rồi, và trong hiện-tại họ là người mới, không phạm lỗi gì, thì mình không nên tiếp-tục oán thù vì chuyện đã qua.
Chúng ta ai nấy đều có rất nhiều bạn thân, kể cả thân-nhân, không cùng tôn-giáo với mình. Đừng để sự khác-biệt tín-ngưỡng xen vào làm sứt-mẻ mối gắn-bó trong đời sống giữa những con người với nhau.
* * * * *
Trong nội-bộ Sở Đặc-Cảnh Tỉnh Thừa-Thiên, có hai Phòng quan-trọng, là Nghiên+Kế và Tác-Vụ; mà hai Chủ-Sự Phòng thì không hợp nhau vì tín-ngưỡng khác nhau.
Trước kia, tôi được cho biết là Trung-Úy Dương Đại Chung báo-cáo tình-hình chính-trị quốc-nội cho Linh-Mục Nguyễn Kim Bính, ngay cả trước khi lập công-điện hay công-văn trình lên Cấp Trên. Đây là một vấn-đề phức-tạp và tế-nhị vô cùng. Đúng ra, trên nguyên-tắc thì công-chức và quân-nhân không được tham-gia hoạt-động cho một đảng-phái chính-trị nào; nhưng trên thực-tế thì, dưới thời Đệ-Nhất Cộng-Hoà, Đảng Cần-Lao Nhân-Vị đã rập khuôn đảng cộng-sản mà đặt nền-móng bên trong các cơ-quan chính-quyền và đơn-vị quân-lực; và, dưới thời Đệ-Nhị Cộng-Hoà, Đảng Dân-Chủ tuy ra đời sau nhưng cũng đã lan tràn bên trong các công-sở và quân-doanh; cho nên không ai nhớ đến cái nguyên-tắc ấy nữa. Trong lúc đó, không có văn-bản nào cấm các tín-đồ tiết-lộ việc công và việc quân cho các vị “lãnh-đạo tinh-thần”. Có thể là người ta tin rằng việc ấy sẽ không xảy ra; hoặc có thể là người ta cố ý tránh né vì sợ làm mếch lòng các giáo-phái; mà cũng có thể là người ta mặc-nhiên chấp-nhận và cho phép việc làm này? Và, lẽ tất-nhiên, một khi các chính-trị-gia đã có tai+mắt trong các công-đường và binh-trại rồi, thì các tu-sĩ cũng chẳng chịu thua-kém gì ai. Cho nên tôi không trách phạt gì Chung, vì thật ra có một số viên-chức thuộc các giáo-hội khác, các chính-đảng khác, ở khắp nơi, sau này cũng có bắt chước hành-động như Chung, mặc dù không nhất-loạt và tích-cực bằng. Bù lại, lần nào ra Huế tôi cũng tiếp- xúc với anh, để xoá cho anh cái mặc-cảm bị lạc-lõng vì khác phe, và để tận-dụng trong anh cái tinh-thần phục-vụ vốn tiềm-tàng của mỗi người.
Tôi đã lập lại cái thế thăng-bằng trong quan-hệ đối-nhân, và thấy được kết-quả tốt. Ít nhất thì anh cũng đã góp phần gỡ bí chung, khi Chuẩn-Tướng Huỳnh Thới Tây trực-tiếp gọi máy hỏi tôi về cuộc mít-tinh đang diễn ra. Buổi sáng củ-mật ấy, Linh-Mục Nguyễn Kim Bính triệu-tập giáo-dân trước sân và xung quanh nhà thờ Phú-Cam, chuẩn-bị khí-thế cho một cuộc xuống-đường mới, dự-trù hùng-hậu và quyết-liệt hơn lần rồi.
Tôi đã ra Huế, có mặt tại chỗ, nhưng phải nhờ đến Chung, là người trong cuộc, mới biết đủ những gì khuất kín bên trong giáo-đường, vì các nhân-viên khác tín-ngưỡng khó lòng mà len-lỏi vào được trong cái tập-thể chọn-lọc và có cảnh-giác cao ấy, để chụp ảnh, ghi-âm, nhận-diện thành-phần cực-đoan, thu-thập hành-tung những kẻ khả-nghi, và định-vị cái đài vô-tuyến phát-thanh mà nhà thờ này được phép sử-dụng từ thời Đệ-Nhất Cộng-Hòa – ngày xưa là để giúp các tín-đồ già-yếu bệnh-tật, không đến giáo-đường nổi, cũng có thể ở nhà mà nghe giáo-lễ do đồng-đạo cử-hành; ngày nay là để phổ-biến đến khắp ngõ hẻm hang cùng những lời hô-hào chính-trị phát-động các cuộc mít-tinh, xuống đường chống chính-quyền.
Ngày nay, có Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ và Trung-Tá Hoàng Thế Khanh, Chung và các bạn của anh đương-nhiên thỏa-thích hơn.
Ngược lại, Trung-úy Dương Văn Sỏ, Trưởng Phòng Tác-Vụ, trước các cấp chỉ-huy đều mới, thì không khỏi giao-động tinh-thần, vì không ai đoán được chữ ngờ.
Thượng-Sĩ Lê Văn Y, một Trưởng Lưới Tình-Báo xuất-sắc của Đặc-Cảnh Quận Ba, Đà-Nẵng, mà vì Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực địa-phương không ưa nên đã phải đổi vùng. Thiếu-Úy Nguyễn Ba, một điệp-trưởng hữu-công của Tỉnh Thừa-Thiên, lại là người của Đảng Đại-Việt lúc đương-quyền, mà vì không được lòng các cấp chỉ-huy cùng Đảng nên cũng đã bị đẩy đi xa. Thiếu-Úy Trương Quang Thanh năng-động của Tỉnh Quảng-Nghĩa, phải sống xa quê vì tuy là đảng-viên Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng mà không cùng hệ-phái với các cấp chỉ-huy.
Huống gì gốc-gác của Trung-Úy Sỏ thì rõ-ràng xa-cách với thế-lực cầm quyền hiện giờ.
Do đó, tôi phải duy-trì chỗ đứng của Sỏ, vì đó vừa là tai+mắt vừa là tay+chân của Ngành, không thể để lọt vào người khác phe, khi mà vấn-đề phe-phái đã được chính Trung-Tá Hoàng Thế Khanh không ngần-ngại công-khai nêu lên với Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc và tôi.
Một mặt, tôi giao-tiếp với Sỏ nhiều hơn, để tỏ là đã có tôi đích-thân chăm-sóc khả-năng phục-vụ của anh; mặt khác, tôi đề-cao hai viên-chức khác, chủ ý là nếu phải thay-thế Sỏ thì hẳn là Khanh sẽ phải chấp-nhận một trong hai người này mà thôi. Tôi làm như thế là để vẫn giữ cái thế thăng-bằng trong nội-bộ cơ-quan; nếu không thì một mình Chánh Sở Đặc-Cảnh Trương Công Đảm bị kẹt ở giữa khó lòng mà hoàn-thành trách-vụ của mình.
* * * * *
Cũng như ở các Tỉnh khác, ngoài các viên-chức Đặc-Cảnh địa-phương, tôi đã có một số bạn-bè thân-tín, thuộc nhiều giới, ở Thị-Xã Huế và Tỉnh Thừa-Thiên.
Dù không phải là kẻ đa-nghi, song kinh-nghiệm bản-thân không cho phép tôi làm kẻ dễ tin. Thỉnh-thoảng tôi vẫn phải xét lại một vài vấn-đề, dù là bề ngoài không có gì bất-thường.
Tôi tin vào các cộng-sự-viên của mình; nhưng nếu chính các đương-nhân thật tình không nắm vững tình-hình hoặc bị đánh lừa, thì lẽ nào tôi chịu để cho mình cũng cùng bị thiếu-sót hay sai-lầm sao ? Nhiều khi gặp phải những bài toán khó giải, tôi đã nhờ vào linh-tính, trực-giác hay “giác-quan thứ sáu”, nhất là thái-độ vô-tư của mình. Nhưng xác-thực nhất bao giờ cũng là tin-tức, tài-liệu, và sự hiểu-biết của các thân-tình-viên nói trên; nhờ họ, tôi đã nhiều lần biết được, và cả biết trước, những mưu-đồ ám-muội của một số nhân-vật này, phe-phái kia . . .
* * * * *
Sau cuộc họp báo của Ngành Đặc-Cảnh Vùng I chúng tôi tố-cáo Tổng-Hội Sinh-Viên Huế và cả “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng” của Linh-Mục Trần Hữu Thanh, qua Linh-Mục Nguyễn Kim Bính tại Phú-Cam, đều đã bị Việt-Cộng xâm-nhập và lợi-dụng, thì tình-hình nội-an ở Huế, và cả toàn-quốc, đã lắng dịu đi rất nhiều.
Sinh-viên ở Huế trở lại sinh-hoạt bình-thường, chăm lo trau dồi kiến-thức văn-hóa, không còn bung xung hò hét ồn-ào như thời-gian qua.
Sinh-viên ở Sài-Gòn, mà cái Tổng-Hội trong đó vốn cũng đã bị Cảnh-Lực Quốc-Gia tố-cáo là bị cộng-sản giật dây, nay thêm sáng mắt – chỉ trừ số ít phần-tử cơ-sở Việt-Cộng và thân-Cộng mà thôi.
Về phần “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng”, thì Linh-Mục Nguyễn Kim Bính, Cha Xứ Phú-Cam, đã bị khựng lại, nên ngưng xuống đường; và Linh-Mục Trần Hữu Thanh trong Nam thì cũng, do đó, ngưng các mưu-tính tổng-biểu-tình.
Như thế là chúng tôi đã thành-công trong việc ngăn-chận và dập tắt các nỗ-lực xúi-giục toàn-quốc đồng-loạt tuần-hành, gây xáo-trộn trật-tự công-cộng, làm mất an-ninh chung trong mọi giới dân-nhân, tạo hoàn-cảnh và cơ-hội cho kẻ địch lèo-lái mà biến thành xung-đột đẫm máu, kể cả cơ nguy bị đối-phương xâm-chiếm từng cơ-quan, đơn-vị, hay khu-vực ly-khai hay tự-trị ngay trong nội-địa lãnh-thổ Quốc-Gia, mà ảnh-hưởng dây chuyền có thể là mất hẳn cả Miền Nam.
Lê Xuân Nhuận