Giọt Nước Mất Cho Người Em Trai Út
Điều ngự tử Tín Nghĩa
Song thân chúng tôi sinh ra bảy người con. Bốn trai ba gái. Tôi là con trai trưởng, xuất gia học Phật ; Đầu sư với Trưởng lão Hòa thượng Thích Mật Hiền, Tổ đình Trúc Lâm Đại thánh tự, Cố đô Huế.Cả gia đình đều là đệ tử của Ôn Trúc Lâm.
Phụ thân chúng tôi sống bằng nghề Rèn, một nghề đặc biệt của dân Hiền Lương mà có lẻ cũng đặc biệt của cả miền Trung Việt Nam. Thời trai trẻ, cụ ông thi vào ngành bá công, được tuyển vào làm việc trong ngành hỏa xa, nên tôi và cô em kế Hoàng thị Giêng được sống gần ba năm ở Chợ Cồn, (nay là phần đất, cuối đường Ông Ích Khiêm), Đà Nẵng.
Khi Việt Minh cướp chính quyền, kêu gọi dân chúng hồi hương và chuẩn bị tiêu thổ kháng chiến. Phụ thân chúng tôi dẫn gia đình trở lại cố hương, làng Hiền Lương, xã Phong Hiền, quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Hồi hương chưa được là bao ngày thì, chính quyền địa phương nửa xôi nửa đậu đến mời cụ ông lên tận chiến khu để rèn dao mác (vũ khí cầm tay) và như là một cách bắt khéo, lấy cớ biết nghề rèn, . . .
Cụ bà lúc ấy đang mang thai, sắp đến ngày sinh đẻ ; nghe ra một tháng sau bà hạ sinh cậu con trai, nhằm năm Đinh hợi (1947), tức em Hoàng Ngọc Lễ, lớn lên phục vụ chuyên viên Không quân Kỹ thuật quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đơn vị Đà Nẵng cho đến ngày 30 tháng tư – 1975. Bây giờ cả gia đình đoàn tụ và sinh sống ở Dallas, Texas.
Cụ ông làm việc ở chiến khu gần sáu tháng, phần vợ dại con thơ, phần bị sốt rét nên xin về dưỡng bệnh một thời gian. Chúng tôi còn nhớ, khi cụ ông về lại nhà đi đứng không vững, nằm một chỗ ; cụ bà chạy lo thuốc men để chữa trị. Không biết ai hướng dẫn, cụ bà bèn lấy giun đất (ở Thừa Thiên gọi là Trùn), lấy đất sét bọc lại, nướng thật chín thành than, đập vỡ ra cạo lấy phần giunđã cháy đen ấy pha với nước gừng để cho cụ ông uống. Có lẽ phước nhà, ông cụ uống gần tháng hơn và khỏe mạnh trở lại. Thỉnh thoảng có mấy ông địa phương tìm cách tới thăm, nhưng thật sự nếu sức khỏe tốt thì mời đi phục vụ tiếp.
Ông cụ nhìn ra được thời cuộc, nên tìm cách lẫn trốn và từ từ đến vùng đất tự do, thị trấn kinh đô Huế. Cụ ông xin vào làm công sở tư của một chủ nhân. Khi có tiền, ông nhờ người thân tìm cách đưa về nuôi vợ con chứ không dám về làng thăm, cho dù có thương nhớ cách mấy cũng đành chịu.
Ba năm sau, Canh dần (1950), miền Trung tương đối ổn định dưới sự kiểm soát của chính phủ quốc gia, cụ ông chúng tôi từ từ trở về sinh hoạt và vui vầy với gia đình. Trong cái may cũng có cái không may gặp những năm đói khổ, cơ cực. Cả miền Bắc lẫn miền Trung nạn đói hoành hành, người chết thây nằm đầy đường, dân trong làng phải huy động bó chiếu để chôn cất các tử thi ấy ; khổ nỗi quá nhiều nên có một số phải chôn trần, . . . Các cụ trong làng kể cho chúng tôi biết những nấm mồ hoang ấy đa phần là dân miền Bắc chạy loạn kiếm ăn không đủ, bị chết đói.
Trong thời gian nầy, hai ông bà sinh thêm cậu con trai năm Canh dần, tên Hoàng Ngọc Nghi, lớn lên cũng là quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa và phục vụ cho quê hương đất nước đến ngày đứt phim.
Hoàn cảnh của quê hương lúc này vô cùng bi đát vì nạn đói hoành hành, cụ ông cũng phải ở nhà sống đời sống tay lấm chân bùn mà vẫn không đủ ăn cho gia đình. Chúng tôi còn nhớ mồn một, khi mùa đông đến, từ đồng ruộc bước vào cửa, trên tay xách chùm cá nhỏ độ mười con, miệng vui cười với vợ con quên cả tấm thấn ướt đẫm vì ông mang cái tơi đọt chỉ đủ che tấm thân phần trên nên không thể che kín vì thế mà ông run lập cập, khuôn mặt tái mét rất thảm thương.
Nạn đói bắt đầu giảm dần, cụ ông chúng tôi tìm đường lên thành phố kiếm việc làm để bảo bọc vợ con, phần lo mồ mã cha ông, phần đóng góp công ích với xóm làng, . . . Và, đến năm Bính thân (1956) hai ông bà cho ra đời cậu con trai tên Hoàng Ngọc Tự-Do (mà bút giả đã đổ “Giọt Nước Mắt Cho Người Em Trai Út” trên đây), rồi đến năm Canh tý (1960) cô Diệu Thủy chào đời, năm Nhâm dần (1962) cô út nữ Diệu Thu chào đời là cuối cùng.
Cuộc sống của hai miền đất nước lúc nào cũng nghe thấy hỏa châu rơi, đại bát ru đêm, con em trai tráng ra đi vì nghĩa vụ, đêm đêm ôm súng gác rừng ; bởi thế mà ca nhạc sĩ Duy Khánh phải than lên :
. . . “Con biết bây giờ mẹ chờ em trông,
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong, . . .
Bao lứa trai hùng chào xuân chiến trường, . . .” . . .
Miền Bắc như thế nào, chúng tôi không biết được. Năm xưa, chúng tôi được Linh mục Nguyễn Thanh Tiếp đương kim Hiệu trưởng trường Trung học Tương Lai cho đi du ngoạn toàn trường, ra tận bên bờ sông Bến Hải và cửa Việt, một số học sinh nam nữ có tính tò mò cùng đi theo vị Cảnh sát gác trực đến gần nửa cầu Hiền Lương, bên nầy phần nửa là quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, phân nửa còn lại bên kia là bộ đội Bắc Việt. Chúng tôi cũng chào hỏi và thấy hai bên ở giữa cầu hài hòa với nhau, cười nói bắt tay thấy thắm thiết, rồi còn mời nhau hút thuốc nữa chứ ! Thế nhưng, khi trở lại nhà thì nghe toàn là những chuyện đánh nhau xảy ra đầu rơi máu đổ, thật thảm thương cho thân phận con dân nước Việt và quê hương yêu dấu.
Phần đất tự do của miền Nam, không ngày nào là không có chuyện tãi thương, trên bầu trời phi cơ oanh tạc thay phiên nhau bay lượn. Khi tôi làm Trú trì chùa Báo Ân, thuộc bộ Tư lệnh Quân Đoàn I, dưới thời hai vị tướng là Hoàng Xuân Lãm và Ngô Quang Trưởng ; tự thân tôi vào tận Quân y viện Nguyễn Tri Phương, sát chùa để cầu nguyện hoặc vào nhà xác hoặc đem thân nhân (học trò của chúng tôi) vào nhận hoặc nhìn xác người thân, . . .
Thân phận tôi là tu sĩ, nhưng cũng phải có Giấy Hoãn Dịch Vì Lý Do Tu Sĩ, nên tương đối có phần thoải mái. Yên ổn dược vài ba năm thì ngày đen tối 30 tháng Tư – 1975 đưa đến. Từ Đông Hà vào tận miền Nam, mạnh ai nấy chạy, còn đau khổ và tàn tệ hơn Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 ở Đại lộ Kinh hoàng. Riêng ở bộ Tư lệnh Quân Đoàn I ra đến sông Bạch Đằng, xe cộ nghênh ngang ; rồi những anh Thương phế binh lúc này lại thảm thương hơn, vì chữa bệnh ở Quân y viện Đà Nẵng mà gia đình thì ở tuốt trong nam. Có vị thì có xe lăn, có vị tự mình lo liệu lấy bằng cách bò lếch thếch các ngã đường để nhờ cứu giúp. Dân chúng bị kẹt ở lại cũng có những vị hảo tâm thương tình tìm cách giúp đỡ theo hoàn cảnh của chính họ, . . .
Bản thân tôi bắt đầu trở lại Trúc Lâm sống với Đại chúng và nương vào uy lực của sư phụ (Ôn Trúc Lâm). Chùa chúng tôi sống dời sống nông thuyền kề từ ngài Tổ Khai sơn cho đến bây giờ ;hai tu sĩ đầu tiên ngồi lên máy cày để cày ruộng cho chùa và cho quý chùa địa phương, đó là Đại đức Hải Ấn (Bảo Quốc) và Đại đức Tín Nghĩa (Trúc Lâm). Được một thời gian, tôi tìm đường vượt biên.Trong thời gian ở Trúc Lâm, không ngày nào mà đầu óc tôi không nghĩ đến chuyện ra đi tìm tự do.
Về nhà thăm mẹ và hỏi Do đâu, mẹ tôi cho hay là nó đã lên trình diện ở phường Tây Lộc và chuẩn bị lên đường. Tôi vô cùng thất vọng, bèn đạp xe trở lại chùa. Vừa đạp xe vừa suy nghĩ miên mang về đến chùa lúc nào không hay.
. . . “Do là đứa em trai út, là thứ năm trong bảy anh em. Nó bị nhà nước đưa đi làm một việc cái gọi là nghĩa vụ quân sự. Vì nhà nước cho nó là sạch sẽ, không giống như hai anh nó là Ngụy quân. Nó được nhà nước chiếu cố giao cho một cây súng và một ít dụng cụ thô sơ gì đó để qua bảo vệ hay chiếm nước Cam Bốt ! ? Nó đi trước tôi một tháng. Giá như chậm một tí, bây giờ nó cũng theo tôi ra nước ngoài, . . .” (trích trong tập “Những Bước Chân Đi Qua”).
Khi nó đã ở Campuchia thì tôi đã ở Mỹ, thành phố Denver, tiểu bang Colorado rồi.Liên lạc với quê nhà, tôi có được tin tức của Do, có viết thư nói khéo tìm cách qua thăm Thái Lan, . . . Cuối cùng anh em vẫn xa nhau ngàn dặm và xa mãi không bao giờ gặp nhau một lần nào nữa, . . .
Nó phục vụ trong quân đội thời gian khá dài, rồi cũng được giải ngủ trở về với gia đình, với đời sống dân sự như mọi người ; rồi vâng lời mẫu thân lập gia đình và làm theo nghiệp bán buôn. Tôi chỉ nghe thế. Thỉnh thoảng chỉ gọi điện thoại thăm mẹ và tiểu gia đình của nó.
Ngày Mẹ tôi qua đời, tôi cũng không về được. Đáp lời thưa thỉnh của Thượng tọa Trường Phước, Viện chủ chùa Liên Hoa ở Montréal, Canada tôi qua cùng tùng chúng an cư. Ngày đưa thân mẫu tôi đến nới an nghĩ cuối cùng, tôi thỉnh Ôn Thắng Hoan và Đại chúng An cư khi quá đường, đồng hướng về quê hương xứ Huế, đồng tụng một biến kinh A Di Đà, niệm Phật,. . .
Ôn Thắng Hoan và Đại chúng rất hoan hỷ và có lời chia buồn.
Từ dạo ấy, tôi thường gọi điện thoại với Do dặn dò những việc cần làm trong gia đình, thân tộc, nhất là tình ruột thịt, xóm làng, . . .
Với bẩm tính hiền hòa, nhẫn nại, nhất là có hiếu với mẹ già, hòa thuận với anh chị em trong gia đình cùng bà con làng xóm ; đi lên chùa cũng được quý thầy cô thương mến, nhất là Đại chúng Tổ đình Trúc Lâm . . . Với bẩm tính ấy, nên khi mở ra “Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn MTV Hoàng Ngọc Do” chưa đầy ba năm mà thành tựu rất tốt đẹp. Toàn tỉnh thành Thừa Thiên- Huế ai ai đều biết đến.
Thế rồi công việc làm ăn đang phát triển đều đặn, bên cạnh đó chăm lo để giữ uy tín với khách hàng nên quên đi sức khỏe cho chính mình, . . . cứ tưởng lúc nào cũng như lúc nào.
Thứ Sáu, ngày 20 tháng ba, trong lúc đang làm việc thì kêu nhức đầu và mệt. Gia đình thấy đổ mồ hôi dầm dề bèn chở đi bác sĩ để khám nghiệm. Sau khi khám nghiệm xong, bác sĩ cho biết trong đầu có một ung nhọt đã có mủ nên cấp tốc chở vào phòng cấp cứu. Nằm ở phòng cấp cứu để theo giỏi chưa được bao lâu thì hôn mê và trút hơi thở đúng vào lúc 4giờ sáng, ngày mồng Một tháng Ba năm Canh tý (nhằm ngày 24 – 03 – 2020).
Thế là, kể từ nay hai anh em chúng tôi không còn nghe tiếng nhau qua điện thoại mỗi lần gọi về gia đình, trước là thăm hỏi anh em ruột thịt và bà con xóm phường ; kế dĩ, nhờ Do những việc cần làm cho Từ Đàm Hải Ngoại, . . . Trong ba đứa em trai thì nó là người tôi thương và nễ phục ; vì, cha mất sớm, mẹ già, bị phải tòng chinh mười năm, trở về làng xóm thì hoàn cảnh kinh tế không mấy khả quan ; với hai bàn tay, với nghị lực và khối óc mà chịu khó vươn lên chưa bao lâu đã trở thành một Đại gia nhất nhì trong vùng phường Phú Bình – Huế. Một mẫu người chịu khó đã đành, nhưng việc giao tế từ chốn thiền môn ra ngoài dân dã, người lớn kẻ nhò đều thương mến ; đó là nhờ tâm đạo nhiệt thành, tính thật thà chất phát đối với khách hàng có đủ, . . .
Chú em ra đi vĩnh viễn, người anh cả (thầy Tín Nghĩa), mất đi một giọt máu trong bảy anh em và mất đi một cánh tay một khi Từ Đàm Hải Ngoại cần đến. Khi nghe chú em lâm bệnh, khi chết đưa về nhà làm tang lễ, cũng như khi viết lên những lời nầy, tôi không thể cầm được nước mắt. Thôi thì :
Anh cả Hoàng Ngọc Lĩnh chỉ biết âm thầm, gạc lệ chia ly, chấp tay cầu nguyện lên Tam Bảo tiếp độ hương linh chú em Út nhẹ nhàng về với Phật. Bốn mươi năm hơn chưa một lần hai anh em được gặp lại. Có chăng thì chỉ gặp nhau qua điện thoại và hình ảnh. Ngày 28 tháng 03 tang gia và bà con bằng hữu thương tình, cảm niệm đưa linh cữu chú Em Út đến nơi an nghĩ cuối cùng. Mộ phần nằm gần cạnh mộ phần song thân độ 100 mét. Thế là hết ! Còn gì nữa đâu kể từ đây !
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật Phóng Quang Tiếp Độ Hương Linh thọ Tam quy Ngũ giới Hoàng Ngọc Tự-Do (tức Ngọc Vững), Pháp danh Nguyên Quả thần hồn chi hương linh. Sanh ngày 22 tháng 02 năm Bính thân (nhằm ngày 02-04-1956), tạ thế ngày mồng Một tháng Ba năm Canh tý (nhằm ngày 24-03-2020) hưởng thọ 65 tuổi, Siêu sanh Phật cảnh.
(Viết trong những ngày Tang lễ của Em Tự-Do – Canh tý, Quý xuân – March 28, 2020)