Vu Lan Thắng Hội tại Từ Đàm

01 giờ30 chiều Chủ nhật, ngày 18 tháng 08 - 2024,

Xem tiếp...
<November 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Chùa Trúc Lâm, Huế : Với Hai Vị Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ 20 . . . .
Tác giả: Giáo sư nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường

 

Chùa Trúc Lâm, Huế : Với Hai Vị Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ 20

Hòa Thượng Giác Tiên và Hòa Thượng Mật Hiển

          Chùa tọa lạc trên đường Võ Văn Kiệt, xã Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa ở phía tây nam thành phố Huế, cách thành phố khoảng 5 km, nằm trên đồi Dương Xuân Thượng. Từ đàn Nam Giao hướng về phía cầu Lim, qua cầu rẻ trái khoảng 500m đến chùa.

          Chùa được Sư bà Diên Trường kiến lập vào đầu thế kỷ 20. Hồ Đắc Duy trong bài “Chùa Trúc Lâm ở Huế” (website: quangduc.com) cho biết ngôi chùa thành lập là một hạnh duyên cực kỳ lý thú :

          “Nguyên vào mùa xuân năm Ất Mùi (1895) triều Thành Thái, chùa Phổ Quang ở dốc Bến Ngự càng ngày càng hư hỏng. Theo tương truyền là một thảo am của ông Nguyễn Hữu Hào (Đôn hậu Công thần Trấn thủ sinh năm 1642, mất năm 1712, tức anh ruột của Nguyễn Hữu Cảnh ngưởi khai sinh ra thành phố Sài gòn) tác giả của một truyện thơ bằng chữ Nôm truyền đời đó là truyện Song Tinh (một tác phẩm văn học cổ nước ta trước cả truyện Hoa Tiên và truyện Kiều hơn một thế kỷ). Lúc ấy, tự trưởng là Chánh Động Đại sư đem ngôi chùa cúng dường cho Đại lão Hòa thượng Cương Kỷ chùa Từ Hiếu. Bấy giờ có một tỳ kheo ni là bà Hồ Thị Nhàn người làng Chuồn (An Truyền, Phú Vang, Thừa Thiên) con ông Hồ Đắc Tuấn và bà Công Nữ Thức Huấn, cháu ngoại của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Bà sinh năm 1863, kết duyên cùng ông Nguyễn Đôn Lý.

          Sau ngày chồng mất, bà xuất gia thụ giáo với hòa thượng Cương Kỷ chùa Từ Hiếu (1898) pháp danh Thanh Linh hiệu Diên Trường. Bà xin phép Đại lão Hòa thượng được trùng tu chùa Phổ Quang. Điện Phật, cửa chùa, nhà tăng, buồng bếp, ảnh tượng, đồ thờ được sửa sang trang nghiêm đầy đủ. Bà lại đem chuyện đó tâu lên với đức Thái hoàng Thái hậu Trang Ý Thuận Hiếu xin ban cho hai mẫu ruộng chi dùng vào việc đèn hương . . . Đấy cũng là thời điểm đang mở đường xe lửa chạy ngang qua dưới chân đồi của chùa Phổ Quang, nơi ấy trở nên thị tứ ồn ào đông đúc, dân cư tụ tập, chợ búa ghe thuyền tấp nập . . . nên Sư bà Diên Trường tìm đường rẻ lối tới chốn sơn lâm cùng cốc xa hơn lập một thảo am khác để tiếp tục tu hành. Duyên lành đã hạnh ngộ trên đỉnh đồi Dương Xuân là vậy.

          Khi thảo am đã xong, Sư bà Diên Trường mời sư Giác Tiên về làm trụ trì và Sư cũng là tổ khai sơn của chùa Trúc Lâm ngày nay.

          Trước khi về nhận chùa, sư Giác Tiên đã cùng sư cụ Diên Trường du hành đó đây.

          Khi đến Trúc Lâm Yên Tử (một trung tâm Phật học dưới triều đại nhà Trần) hai vị đã lưu lại một thời gian, sưu tầm một số pháp bảo quý giá như kinh điển, pháp khí. Trở về Huế,

          Sư đã quyết định đặt tên chùa là Trúc Lâm Đại Thánh, có ý liên hệ với Trúc Lâm tinh xá thời Phật còn tại thế và thiền phái Trúc Lâm ở Yên Tử nước ta do Trúc Lâm Đầu Đà Đại Sĩ (hiệu của vua Trần Nhân Tông) thiết lập”.

          Chùa mới thành lập hơn 100 năm nhưng có hai vị trú trì là Danh Tăng Việt Nam thế kỷ 20 : Hòa thượng Giác Tiên và Hòa thượng Mật Hiển.

          Hòa thượng Giác Tiên khai sơn và trụ trì đầu tiên.

          Ngài Giác Tiên có pháp danh Trừng Thành, pháp tự Chí Thông, pháp hiệu Giác Tiên. Ngài có thế danh Nguyễn Duy Quyển, sinh năm 1880 tại làng Giạ Lê Thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Do song thân mất sớm nên lúc tròn 15 tuổi, ngài đã đến chùa Từ Hiếu xin xuất gia với ngài Tâm Tịnh. Năm 20 tuổi, ngài thọ giới Sa di. Sau đó, ngài theo Bổn sư về am Thiếu Lâm tu học. Năm 1910, tại Đại giới đàn chùa Phước Lâm ở Quảng Nam do ngài Vĩnh Gia làm Đàn đầu Hòa thượng, ngài thọ Cụ túc giới và đỗ Thủ khoa.

          Thích Đồng Bổn (chủ biên) trong “Tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX” cho biết : “Năm Quý Sửu (1913), Ni sư Diên Trường xây dựng xong chùa Trúc Lâm, liền xin phép Hòa thượng Tâm Tịnh thỉnh ngài về làm trụ trì ngôi chùa mới cất này. Ngài về đây thu nạp đồ chúng và mở rộng hoạt động hoằng dương Chánh pháp, tiếng tăm vang xa, vượt ra khỏi làng Dương Xuân Thượng, đến khắp mọi nơi”.

          Năm 1916, ngài được Bổn sư Tâm Tịnh trao cho bài kệ đắc pháp sau :

          Giác đạo kiếp không tiên

          Không không Bát Nhã thuyền

          Quả nhân phù hạnh giải

          Xứ xứ đắc an nhiên

          Tạm dịch :

          Đường giác vượt hậu tiền,

          Thuyền Bát Nhã không không,

          Hạnh giải hợp nhân quả,

          Ở đâu cũng thong dong.

          Website : www.phatgiaohue.vn trong bài : “Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Giác Tiên - Tổ khai sơn chùa Trúc Lâm” cho biết ảnh hưởng của ngài đối với Đạo Pháp như sau :

          Năm 1924, ngài vân tập đại tăng, tổ chức An cư kiết hạ 3 tháng.

          Năm 1925, ngài được chiếu chỉ của triều đình mời làm trú trì Diệu Đế quốc tự.

          Năm 1926, ngài tổ chức đại trùng tu Phật điện và tăng xá chùa Trúc Lâm.

          Năm 1928, ngài mở trường đào tạo tăng tài tại chùa Trúc Lâm.

          Năm 1929, ngài vào Tổ đình Thập Tháp Di Đà cung thỉnh Hòa thượng Quốc sư Phước Huệ ra chủ giảng tại Huế.

          Năm 1930, ngài giúp đỡ Sư bà Diệu Hương mở Ni trường Diệu Đức.

          Năm 1931, ngài đứng ra vận động thành lập hội An Nam Phật Học.

          Năm 1933, ngài ủy thác cho đệ tử Mật Khế mở trường Tiểu học Phật học tại chùa Vạn Phước cho lớp Sa di các chùa đến học.

          Năm 1934, ngài cùng đệ tử Mật Khế tổ chức trường An Nam Phật Học tại chùa Trúc Lâm, thu nhận đúng 50 học tăng. Cuối năm này, ngài quy tụ nhiều học tăng có trình độ khá cao để mở trường Đại học Phật giáo.

          Ngài đảm nhận trú trì chùa Trúc Lâm, chùa Diệu Đế và Chứng minh Đạo sư cho hội An Nam Phật học.

          Ngài viên tịch vào ngày 17/11/1936, thọ thế 57 tuổi, 26 hạ lạp.

          Trước tháp ngài, cụ Tâm Minh Lê Đình Thám cúng dường hai câu để ghi nhớ và vâng chỉ di huấn của Tổ trên con đường chấn hưng, phục vụ Phật pháp :

          Quán tướng nguyên vọng, quán tánh nguyên chơn, viên giác diệu tâm ninh hữu ngã,

          Chúc pháp linh truyền, chúc sanh linh độ, thừa đương di huấn khởi vô nhơn.

          Nghĩa là :

          Quán sắc tướng vốn vọng, quán thể tánh vốn chơn, viên giác diệu tâm đâu còn ngã,

          Chúc chánh pháp khiến truyền, chúc chúng sanh khiến độ, thừa đương di huấn vẫn còn có người.

          Những vị đệ tử xuất gia của ngài gồm có: Mật Tín, Mật Khế, Mật Hiển, Mật

          Nguyện, Mật Nhơn, Mật Thể, Diệu Huệ và Diệu Không. Về đệ tử tại gia có : Thượng thư Hồ Đắc Trung, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, bác sĩ Trương Xướng.

          Ngài Mật Tín họ Nguyễn, quê Thừa Thiên, sinh năm 1901, xuất gia từ thuở nhỏ với Hòa thượng Giác Tiên. Ngài có pháp danh Tâm Chơn, pháp tự Mật Tín, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời 43. Ngài tu theo hạnh Mật tông, ít giao du với bạn đạo. Do hạnh nguyện như vậy nên khi ngài Giác Tiên viên tịch, Sơn môn giao ngôi vị trú trì cho ngài nhưng ngài từ chối để chuyên tu mật hạnh. Sau đó, ngài ra ở chùa Phổ Quang, rồi qua chùa Thiền Tôn tu tập cho đến ngày tạ thế vào năm 1941, thọ 40 tuổi.

          Hòa thượng Mật Hiển kế vị trú trì chùa Trúc Lâm.

Bảo tháp của Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Mật Hiển

          Ngài thế danh Nguyễn Duy Quảng, sinh ngày 04/3/1907 tại làng Dạ Lê Thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên trong một gia đình thuần thành Phật giáo. Năm 7 tuổi, ngài được song thân cho xuất gia với Hòa thượng Giác Tiên.

          Năm 1921, ngài 14 tuổi, được sự mến mộ của vị Hoàng Cả (tức vua Khải Định) được Bổn sư cho phép, ngài theo học cùng lớp các vương tôn công tử tại nội phủ Hoàng gia, nhưng sau một năm, ngài xin về chùa tu học.

          Năm 1922, ngài được Bổn sư cho thọ Sa di thập giới tại Đại giới đàn chùa Từ Hiếu. Ngài có pháp danh Tâm Hương, pháp tự Mật Hiển, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời 43.

          Năm 1927, ngài vào Bình Định học trường Phật học tại chùa Thập Tháp Di Đà.

          Trong khóa học này, ngài tâm đắc về Mật giáo. Sau đó, ngài thọ giáo Mật tông với một vị pháp sư người Tây Tạng tại nhà ông Lương Tế Xuyên ở Quảng Nam được hai năm.

          Năm 1932, hội An Nam Phật Học được thành lập. Hòa thượng Phước Huệ từ Bình Định ra Huế làm Giáo thọ cho Đại học Phật giáo tại Phật học đường Tây Thiên. Ngài đã tham dự lớp học này.

          Năm 1935, tại Đại giới đàn chùa Phúc Lâm tỉnh Bình Định do Hòa thượng Phước Huệ làm Đàn đầu Hòa thượng, ngài thọ Tỳ kheo và Bồ tát giới. Ngài đỗ Thủ khoa, được chư vị trưởng lão trong giới đàn trao Y bát và Tích trượng. Tổ Giác Tiên cũng truyền kệ phú pháp như sau :

          Tâm Hương pháp giới huân,

          Xứ xứ kết tường vân,

          Phú nhữ Tâm Hương tánh,

          Cừ kim chánh thị quân.

          Điều Ngự Tử Tín Nghĩa trong sách : “Trúc Lâm Thiền phái tại Huế” và website : www.phatgiaohue.vn bài : “TT Huế : Lễ húy nhật cố Hòa thượng Thích Mật Hiển chùa Trúc Lâm” cho biết ảnh hưởng của ngài đối với Đạo Pháp như sau :

          Năm 1937, vua Khải Định và đức Từ Cung đã mời ngài về cung An Định ở An Cựu để hướng dẫn kinh điển cho Nguyễn Phước tộc.

          Năm 1939, ngài được Bộ Lễ và Sơn môn cung thỉnh chức vị trú trì Thánh Duyên quốc tự.

          Năm 1942, ngài vận động mở Đại giới đàn tại chùa Thiền Tôn, Huế.

          Năm 1949-1951, ngài vào Sa Đéc giảng dạy kinh điển cho 106 Tăng Ni ở đây.

          Năm 1953-1955, Sơn môn Tăng già cung thỉnh ngài đảm nhận chức Tổng Trị sự Giáo hội Tăng già Trung Việt.

          Năm 1964, ngài tham gia đoàn đại biểu Phật giáo Thừa Thiên Huế dự Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn.

          Năm 1972, Hòa thượng Thích Mật Nguyện là pháp đệ của ngài viên tịch, ngài kiêm giữ chức trú trì chùa Linh Quang.

          Năm 1973, ngài được mời vào Hội đồng Giáo phẩm Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

          Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập. Đại hội kỳ I đã suy cử ngài lê chức vụ Phó Pháp Chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

          Năm 1990, Đại hội đại biểu kỳ I của Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế, ngài được Đại hội cung nghinh làm Trưởng ban Trị sự kiêm Ủy viên Tăng sự.

          Ngài đã an nhiên thị tịch vào ngày Rằm tháng 4 năm Nhâm Thân - ngày Đại lễ Phật Đản - ngày 17/5/1992, thọ thế 86 tuổi, 57 hạ lạp.

          Hòa thượng Thích Trí Quang dạy rằng: Mật Hạnh của Ngài chúng ta không thể tư nghì, mà chỉ có Phật và Bồ tát mới hiểu được, nên ngài xin cúng dường trọn câu :  Nam mô Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật.

          Sau khi Hòa thượng Mật Hiển viên tịch, hai ngài Thích Lưu Thanh và Thích Lưu Hòa đồng chung lo Phật sự cho đến ngày lễ Giỗ Tổ khai sơn 10/11/2018, toàn đại chúng của Trúc Lâm Pháp phái cung thỉnh Hòa thượng Lưu Thanh lên ngôi vị Phương trượng và Hòa thượng Lưu Hòa đảm nhiệm trú trì chùa Trúc Lâm. Ngôi chùa Trúc Lâm ngày nay được hai vị Hòa thượng tổ chức trùng tu thành tòa phạm vũ trang nghiêm, mỹ lệ.

          Từ đường Võ Văn Kiệt gần cầu Lim, có con đường nhỏ dẫn vào chùa. Qua hai trụ biểu là đến cổng tam quan. Trên cổng có ghi năm kiến tạo: Bính Thân 1956 và năm tái tạo : Kỷ Mão 1999. Cổng có bốn cặp câu đối chữ Hán, hai cặp ở mặt trước, hai cặp ở mặt sau ; trên cổng ghi dòng chữ quốc ngữ :  Trúc Lâm - Tinh tấn - Thanh tịnh.

          Ở sân trước chùa có hòn giả sơn, tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm và bộ tượng  vị A La Hán. Tượng Bồ tát cao khoảng 1,80m, sơn màu trắng, do cố Hòa thượng Mật Hiển tự tay tạc lấy. Bên trái tượng Bồ tát có tượng Hồng Hài Nhi chắp tay cung kính hầu Ngài.

          Chùa kiến trúc chữ “khẩu” theo truyền thống chùa cổ ở Huế.

          Mở đầu là ngôi chánh điện gồm tiền đường và chánh điện (Phật điện). Ngôi chánh điện xây kiểu trùng lương trùng thiềm hay trùng thiềm điệp ốc, là kiểu kiến trúc nhà kép hai mái trên một nền. Trên nóc có cặp rồng quay đầu chầu mặt hổ phù đội bánh xe pháp luân có chữ “vạn” ở giữa. Các đầu đao trang trí hình long lân quy phụng; ở tiền đường bốn cột trang trí hình rồng và hai phù điêu long mã đắp nổi bằng mảnh sành đủ màu sắc, nghệ thuật điêu luyện, sinh động, tuyệt đẹp! Giữa hai mái nhà có ba bức tranh về cuộc đời đức Phật: đức Phật xuất gia, đức Phật thọ nhận cúng dường và đức Phật chuyển pháp luân.

          Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Hương án giữa thờ tượng đức Phật Thích Ca, hai bên có Tôn giả Ca Diếp tay cầm hoa sen và Tôn giả A Nan tay ôm bình bát. Ba pho tượng này được tạc bằng gỗ mít. Phía trước thờ các tượng đức Phật A Di Đà, đức Phật Dược Sư, Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Chuẩn Đề, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng. Hai bên vách trang trí tranh vẽ về cuộc đời đức Phật Thích Ca. Phía trên chánh điện, gần xà nhà, có treo bức hoành phi sơn son thếp vàng: “Sắc tứ Trúc Lâm Đại Thánh Tự”. Ở đây có cặp đối chữ Hán do Tổ Giác Tiên đặt ra và tự tay viết :

          Hương lễ kết tường vân, tam thân viên hiển,

          Hoa khai tinh diệu tướng, thập hiệu hùng tôn.

          Sau Phật điện là gian Hậu Tổ. Ở đây có long vị ngài Phước Huệ, ngài Tâm Tịnh, ngài Huệ Pháp, ngài Giác Tiên ở bàn thờ giữa. Bàn hai bên thờ chư Tăng, chư Ni thuộc Trúc Lâm Pháp phái đã viên tịch.

          Sau ngôi chánh điện là nhà Thiền, nhà Hậu, nhà Khách, nhà Tăng và nhà Trù. Ở giữa là vườn cây cảnh với nhiều loại hoa lan, hoa sen …luôn tỏa hương thơm ngát.

          Chùa hiện lưu giữ một số bảo vật như sau :

          1. Bình bát bằng kim sa của ngài Thạch Liêm mang từ Trung Hoa sang. Bình bát bị thất lạc vào năm 1885. Năm 1911, Tổ Giác Tiên tìm thấy trong nhà của một ngư dân ở Hương Điền, Tổ xin chuộc lại và đem về để hành trì. Ở đáy bình bát có bốn chữ Hán : “Thạch Liêm Sa Môn”. Hiện bình bát được thờ ở gian Hậu Tổ.

          2. Bộ lư cổ bằng sứ trắng hai tầng chạm trỗ hình rồng và chữ “Thọ” do Thượng thư Hồ Đắc Trung đem từ Thanh Hóa vào cúng. Hiện lư được dùng để xông trầm cúng Phật tại chánh điện.

          3. Đặc biệt, bản kinh Kim Cang bằng chữ Hán từ thời Tây Sơn được thêu bằng chỉ ngũ sắc trên gấm. Bản kinh có chiều dài 4,47m, chiều rộng 0,234m. Bản kinh thêu gần 7.000 chữ do Sư bà Diệu Tâm ở chùa Thầy (Hà Sơn Bình) đứng ra quyên góp chỉ, gấm và tự tay thực hiện trong nhiều năm. Bản kinh được để trong hộp gỗ trầm hương, bên ngoài được chạm khắc hoa văn, nhà cửa, cây cối, con người với nét chạm trỗ tinh xảo. Đây là một pháp bảo quý giá của Phật giáo Việt Nam. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục vào ngày 05/5/2008 :  “Ngôi chùa có bản kinh Kim Cang thêu trên gấm dài nhất”.

          Cảnh chùa Trúc Lâm lúc nào cũng đẹp, nét đẹp thiền vị và mang hương sắc xứ Huế. Ngày xưa đến viếng chùa lễ Phật, cụ Thượng thư Hồ Đắc Trung đã để lại bài thơ Tuyệt diệu :

          Trúc Lâm phong cảnh tối thâm u,

          Ẩn tại sơn trung, thiểu lộ du,

          Nguyệt chiếu, phong xuy, thân bất động,

          Vân lai, vũ khứ, thể vô thù.

          Đầu đầu thủy địa, tâm phương dẫn,

          Tiết tiết không tâm, chỉ hướng tu.

          Quán trúc tri nhơn, nhơn thị trúc,

          Trúc nhơn phi dị, lưỡng tương phù.

          Dịch :

          Trúc Lâm phong cảnh thật thâm u,

          Ẩn tại trong non, khách thiểu du,

          Trăng rọi, gió lay, tâm chẳng động,

          Mây đi, nước đến, thể không thù.

          Đầu cành sát đất, tìm phương dẫn,

          Giữa đốt không tâm, chỉ hướng tu.

          Thấy trúc biết người, người tựa trúc,

          Trúc người không khác, cảnh tương phù.

          Võ Văn Tường

          Sách tham khảo :

          1. Điều Ngự Tử Tín Nghĩa (1993), Trúc Lâm Thiền phái tại Huế, Tổ đình Từ Đàm Hải Ngoại, Hoa Kỳ.

          2. Hà Xuân Liêm (2000), Những ngôi chùa Huế, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.

          3. Thích Đồng Bổn chủ biên (1995), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập

          4, Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.

          5. Tưởng niệm Ôn Mật Hiển (2007), Tổ đình Từ Đàm Hải Ngoại, Hoa Kỳ.

          6. Võ Văn Tường (1992), Việt Nam Danh lam Cổ tự, ngôn ngữ : Việt-Anh-Pháp-Hoa, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.

          7. Võ Văn Tường, Lê Trần Trường An (2019), Chùa Việt Nam - những kỷ lục về Di sản văn hóa, ngôn ngữ: Việt - Anh, nhà xuất bản Thông Tấn, Hà Nội.

          Website :

          1. www.kinhsach.org Hòa thượng Mật Tín (1901-1941).

          2. www.phatgiaohue.vn Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Giác Tiên - Tổ khai sơn chùa Trúc Lâm. và TT Huế: Lễ húy nhật cố Hòa thượng Thích Mật Hiển chùa Trúc Lâm.

          3. www.quangduc.com Hồ Đắc Duy, Chùa Trúc Lâm ở Huế.

          Chú thích ảnh :

Ảnh 01. Đường vào chùa

Ảnh 02. Cổng tam quan

Ảnh 03. Cổng tam quan (mặt sau) và hòn giả sơn

Ảnh 04. Ngôi chánh điện (ảnh 18/7/1989)

Ảnh 05. Ngôi chánh điện Ảnh 06. Ngôi chánh điện (ảnh 19/3/2006)

Ảnh 07. Ngôi chánh điện (ảnh 19/9/2019)

Ảnh 08. Hòn giả sơn ở sân trước chùa

Ảnh 09. Tượng Bồ tát Quán Thế Âm

Ảnh 10. Điện Phật và ngài Mật Hiển (ảnh 18/7/1989)

Ảnh 11. Điện Phật (ảnh 13/5/2001)

Ảnh 12. Điện Phật (ảnh 01/4/2008)

Ảnh 13-24. Bản kinh Kim Cang thêu bằng chỉ ngũ sắc trên gấm thời Tây Sơn (ảnh 01/4/2008)

Ảnh 25. Đại hồng chung

Ảnh 26. Trống

Ảnh 27-44. Tượng 18 vị A La Hán (ảnh 19/9/2019)

Ảnh 45. Nhà khách

Ảnh 46. Tháp mộ cố Hòa thượng Thích Mật Hiển

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Huế - Nơi Mở Đầu Cuộc Vận Động Của Phật Giáo Việt Nam Năm 1963
Chiến Dịch Nước Lũ Của NGÔ ĐÌNH NHU 20-8-1963
Nhà Ngô Đàn Áp Phật Giáo Đêm 20 tháng 8 năm 1963
Tổ đình Khánh Anh, Bagneux và Khánh Anh mới tại Evry, ngoại ô Paris, Pháp Quốc
Tổ Đình Từ Hiếu - Ngôi Danh Lam Cổ Tự Đất Thần Kinh
Tổ Đình Thiền Tôn, Huế, - Nơi Xuất Phát Phái Liểu Quán . . .
Chùa Thánh Duyên, Huế Ngôi Quốc Tự Trên Đất Thân Kinh
Sắc Tứ Tây Thiên Di Đà Tự, Huế Với Tăng Cang Hòa Thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh
Chùa Quốc Ân, Ngôi Tổ Đình Thiền Phái Lâm Tế Ở Huế, Chùa Đang Đại Trùng Tu
Chùa Huyền Không, Huế - Ngôi Chùa Đẹp Bên Dòng Sông Bạch Yến
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3919030
Có 0 Khách Đang Online