Nhà Ngô Đàn Áp Phật Giáo Đêm 20 tháng 8 năm 1963
Trần Quang Diệu chú giải- Nguyễn Hữu Tín
http://sachhiem.net/LICHSU/TR/TQD33_danap.php
https://sachhiem.net/images/nha.jpg
01-Sep-2013
Với luồng dư luận đen đồng loạt “chối trắng” những sự việc xảy ra 50 năm trước mà chế độ Ngô Đình Diệm đã để lại trong lịch sử, không những ở Việt Nam mà còn của thế giới, tác giả Trần Quang Diệu đã phải trích lại những đoạn sử liên hệ để chứng minh cho những ai có thể bị hoang mang vì những ngụy biện để chạy tội cho chế độ kỳ thị tôn giáo này. Lần này ông Trần Quang Diệu trích của Quốc Tuệ, “Công Cuộc Tranh Đấu của Phật Giáo Việt Nam - Từ Phật Đản đến Cách Mạng”, Sài gòn năm 1964. Khánh Anh, Paris, tái bản năm 1987, trang 394 đến 396. Ngoài ra, vì là trích đoạn, những dữ kiện có thể bị mất liên tục, nên tác giả Trần Quang Diệu phải thêm nhiều chú thích để bạn đọc dễ hiểu. Trong bài này có kèm theo lá thư của một độc giả nhân chứng: Nguyễn Hữu Tín, và một số tranh biếm họa của người ngoại quốc về cuộc đàn áp nổi danh này. Xin mời bạn đọc (SH)
“Tối hôm đó, 20.8.1963, nếp sinh hoạt thường nhật của chùa Xá Lợi có thay đổi đôi chút (1). Khác với mọi khi, đêm nay, mới 9 giờ giữa lúc các thiện tín, sau khi lễ Phật xong còn đang đứng nói chuyện trước sân chùa, trao đổi tin tức và chờ tin giờ chót để về phổ biến cho bà con xóm phường được rõ, thì một Đại Đức tới nhủ họ ra về. Thấy ý các thầy như vậy họ chỉ nghe theo không cần biết lý do và cũng không thắc mắc đến việc trái với thường lệ là 11 giờ đêm mới tới giờ tín đồ buộc phải ra về để chư Tăng nghỉ ngơi.
Thời gian cứ chậm chạp trôi qua, tới 10 giờ đêm thì nếp sinh hoạt nhộn nhịp sôi nổi của ngày thường đã biến đi, trả lại sự tĩnh mịch cho chùa Xá Lợi. Cổng chùa, mặt tiền, bên hông đều được đóng lại kỹ lưỡng. Ngoài đường, người qua lại bắt đầu thưa thớt, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe hơi hoặc gắn máy lướt nhanh trên đại lộ, phát ra những tiếng nổ ròn tan rồi chìm trong đêm vắng.
Trong sân chùa, trái với thường lệ, về khuya, các ngọn đèn thường được tắt bớt; nhưng hôm nay, ánh sáng đèn néon như rực rỡ hơn. Giữa màn đêm u tịch, chùa Xá Lợi tỏa ra muôn ánh hào quang, làm cho mảnh trăng non thành phố mờ đi như ánh sao mai trong buổi bình minh.
11 giờ đêm, thời gian vẫn lặng lẽ trôi. Trên gác, các Thượng tọa hầu hết đã vào phòng riêng an nghỉ. Thỉnh thoảng mới có một Đại đức lướt nhanh qua hành lang hướng về phòng Thượng tọa Thích Tâm Châu, nơi duy nhất còn tiếng máy đánh chữ nhè nhẹ.
Dưới nhà hậu, phần lớn chư Ni đã đi nghỉ, chỉ còn có một số đang lom khom, lặng lẽ lau nốt mấy bực thềm hoa. Số khác bận rộn trong việc quay ronéo, đóng thành từng bản tin tức để phân phối vào sáng hôm sau. Họ yên lặng làm việc, thận trọng, nhẹ nhàng như sợ phát ra tiếng động làm mất giấc ngủ của Hòa thượng và chư Thượng tọa trên lầu. Ngoài động tác của những bàn tay, tiếng giấy sột soạt, tiếng máy ronéo xè xè, không còn thấy gì hơn trên những gương mặt điềm đạm và bình thản đến độ không ai có thể ngờ rằng trong giây lát nữa đây, giông tố bão bùng sẽ đến với những người tuổi còn trẻ mà đã sớm ý thức và sớm vì tình thương của nhân loại, rũ bỏ lợi danh nhận trọn cuộc đời khổ hạnh trong cảnh an bần lạc đạo.
Đồng hồ thư viện điểm 12 tiếng, âm thanh văng vẳng ngân dài trong đêm thanh vắng. Mọi hoạt động đều ngừng, ánh điện quang chùa Xá Lợi sáng chói lên. Trên đại điện, dưới nhà hậu, chư Tăng Ni đều đã đi nghỉ. Riêng một số thanh niên Tăng sĩ trong ban trật tự còn ngồi gác sau hai cổng chùa. (2)
Theo lệ thường của chùa Xá Lợi, ban trật tự này chia làm 6 chúng. Đêm nay, chúng 5 phụ trách trong khoảng từ 1 đến 3giờ 15.
Khi chúng 5 vừa tới thay phiên gác và ngồi trông chừng hai mặt cửa chùa được độ 3 phút, thì trên đường phố đang vắng lặng, bỗng xuất hiện một toán người mặc áo sơ mi bỏ ngoài quần tây. Họ ngồi trên xe đạp, từ từ lượn quanh, ngó vào chùa dò xét...
Thế rồi, trong giây lát, một hồi còi ré lên và một đoàn trên 200 người, tay lăm lăm súng cắm lưỡi lê ào tới bao vây quanh chùa. Đoàn người này mặc đồ trận rằn ri, mũ sụp xuống lấp trán. Họ thi nhau xông tới phá hai cổng chùa. Trong chốc lát, các cổng đều bật tung và đoàn người võ trang hùng hổ tràn vào chùa. Họ cúi lom khom, lủi nhanh, núp vào các gốc cây, bờ tường, giống như đoàn quân thiện chiến đang xung kích trên trận địa sống chết với kẻ thù.
Lúc này chư Tăng, Ni đều đã dậy cả, ai nấy vội vã leo cầu thang rút lên thượng điện.
Các Thượng tọa gấp rút gọi giây nói cho các ký giả, sứ quán, nhưng đường giây đã bị cắt đứt, đồng thời hơi điện trong chùa cũng bị cúp luôn. Thế là, trong màn đêm, lờ mờ qua ánh điện đường sân chùa tràn ngập bọn người hung dữ, sát khí đằng đằng. Họ ồ ạt xông vào chính điện, đập phá cánh cửa, đạp đổ bàn thờ Hòa thượng Thích Quảng Đức và phá tan hộp đựng tiền công đức của thiện tín thập phương rồi cướp hết (3). Họ như điên cuồng, đập phá bàn ghế, xô đạp Hương đài, chặt cánh tay và móc mắt Phật lấy cặp nhãn (cặp mắt - tqd) kim cương trị giá trên hai triệu đồng.
Trong khi đoàn người mệnh danh “quân đội chính phủ” (4) đang đột nhập làm chủ tình hình và phá phách ở phía trước chùa, thì trên Thượng điện, tất cả Tăng, Ni đều quây quần vây bọc chung quanh Hòa thượng và các Thượng tọa. Người người nhất trí, khoẻ trước yếu sau trấn đóng hai đầu cầu thang không cho bọn người hung dữ tiến lên xâm phạm vào các Thượng tọa.
Ngay từ phút đầu của cuộc tấn công, cảnh chùa đã trở nên huyên náo, bên dưới bọn người hung dữ phá phách rầm rầm (5) ; ở trên Thượng điện, chư Tăng, Ni khua trống, đánh chuông, đập thùng thiếc cùng kêu la inh ỏi làm náo động cả một góc thủ đô.
Khi thanh toán xong dưới nhà, bọn người hung dữ nương theo hai cầu thang xông lên Thượng điện. Nhưng, họ gặp ngay phản ứng của hàng ngũ thanh niên Tăng sĩ; ngoài những bàn ghế chất đầy hai đầu cầu thang dùng làm chướng ngại vật, Tăng, Ni còn đem ấm chén, bát đĩa và tất cả các vật dụng trong phòng ra xếp thành một đống phía sau; hễ kẻ nào nhô đầu lên từ phía chân cầu thang lên, lập tức các đồ vật dụng được ném xuống xối xả, khiến bọn người hung dữ không sao tiến lên được. Lập tức lựu đạn cay từ dưới thi nhau tung lên sân Thượng điện, tiếng nổ chát chúa vang ra, cả trăm Tăng, Ni bị khói cay ho sặc sụa, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Một số người sức yếu, ngất đi nằm vật xuống.
Bọn người hung dữ lại từ dưới xông lên. Các thanh niên Tăng sĩ, mặc dù nước mắt nước mũi chảy ràn rụa làm mù mịt không trông thấy gì, nhưng họ vẫn liên tiếp thay phiên nhau nhắm hướng cầu thang liệng vật dụng xuống. Lựu đạn cay lại từ dưới nhất loạt tung lên, khói đen tỏa dày đặc, nhiều Tăng, Ni bị lựu đạn nổ ngay trên mình hoặc bị vỏ thủy tinh bắn ra cắt đứt da thịt, máu chảy quá nhiều nên ngã quỵ xuống.
Để đối phó lại, hàng tiền đạo Tăng sĩ được võ trang bằng khăn ướt, bịt trên mặt để ngăn bớt khói cay.
Lần thứ ba, sau khi lưu (or hưu ? - tqd) chiến 15 phút, bọn người không tim không óc lại nhất loạt xông lên, lần này họ đội trên đầu mỗi người một chiếc ghế tựa để ngăn “đạn” từ trên xả xuống; đồng thời, họ vừa xung kích vừa tung lựu đạn cay.
Nhưng, kẻ xung kích dùng đòn độc, lấy ghế làm mộc, thì người bị tấn công, cũng đổi chiến lược, các "đạn" hạn nặng, như bàn giấy, chậu cảnh được quăng xuống và bất kỳ một thứ gì như thermode nước sôi, vỏ chai, hễ vớ được là họ quăng liên hồi...
Nhưng bọn người phía dưới hung dữ quyết bám sát trận địa, hết lớp này đuối sức thì lớp kia xông lên (6) và lựu đạn vẫn nổ liên tiếp làm inh tai điếc óc chư Tăng (có nghĩa là những ông thầy ! - tqd). Tuy vậy, trận chiến vẫn diễn ra ác liệt, chư Ni một số ngã gục, một số bị ho sặc sụa, phải chạy vào phòng tắm, đóng chặt cửa tránh khói, còn một số vẫn hăng hái tìm kiếm vật dụng cho chư Tăng ném xuống . . .
Thời gian khủng khiếp nặng nề trôi . . . chư Tăng đã gần kiệt sức mà lực lượng cứu viện không có. Kẻ ngoại cuộc duy nhất ủng hộ là hãng U.S.O.M, từ các cửa sổ trên lầu cao, những bàn tay người ngoại quốc, đàn bà có, đàn ông có, đưa ra vẫy liên hồi, rồi cũng những bàn tay đó, nắm chặt lấy nhau đấm vào không khí ngụ ý tán trợ và cổ võ (7). Thế rồi, từ trên đỉnh ngôi nhà lầu hãng USOM ánh điện của máy chụp hình loé lên ánh sáng, lại càng chớp nháy liên tiếp khi một bóng người đàn bà vận quân phục từ trên xe Háp-tơ-rắc nhảy xuống (8). Người đàn bà này đứng giữa đường, hai tay chống ngang hông ngó vào cổng chùa Xá Lợi (9). Lập tức viên chỉ huy bọn người hung dữ được báo động và y chạy tới khúm núm trước thân người đàn bà này. Người đàn bà vận quân phục chỉ trỏ và quát tháo một hồi rồi lên xe đi thẳng. (10)
Trong sân chùa, trận chiến khởi đầu từ 1 giờ tới 2 giờ 45 phút thì thế cờ bắt đầu chuyển hướng. Lực lượng võ trang xông lên hùng hổ bao nhiêu thì sức kháng cự của Tăng, Ni yếu dần đi bấy nhiêu. Các vật dụng của nhà chùa dùng làm vũ khí đã hết . . . Thậm chí, chư Tăng phải xử dụng đến cả những bàn ghế trước đây dùng làm chướng ngại vật để quăng xuống...
Thế là mọi người chỉ còn hai bàn tay trắng, đưa ra đón lấy những mũi nhọn của lưỡi lê ào ạt từ dưới lao lên. Lần lượt những người tu hành bị bọn người hung dữ thúc lưỡi lê vào ngực, vào lưng dồn tới một xó chùa.
Tranh biếm họa của tờ Washington Post, Herblock mai mỉa chính quyền nhà Ngô : “Ồ ! Ông ta chống Cộng dử lắm đó. Có điều, ông ta thấy rằng Phật tử dễ bắt hơn nhiều”. (sưu tầm của sachhiem.net)
Khi đã chiếm xong thượng điện, bọn người hung dữ tiếp tục khủng bố. Họ tràn vào thư viện bắt trói đánh đập các Thầy ở đây rồi dẫn đi, Thầy Hoàng Lạc, không chịu để chúng bắt, Thầy chạy ra sân lầu đại điện, nhào xuống đất để chết. Không ngờ lại rớt trúng đầu bọn hung dữ ở phía dưới; chúng hoảng hốt nổ súng (11), nhưng thầy Hoàng Lạc đã rơi xuống sân nằm bất tỉnh, khiến những viên đạn này lại bắn lộn vào đám đông, mấy mạng gục xuống. Sau đó chúng lục xạo khắp các phòng, chân đạp tung cửa, tay chuẩn bị bóp cò súng, miệng gầm thét chửi rủa tục tĩu . . .
Có nhiều thầy vừa ra tới cửa bị chúng còng tay, rồi đẩy đi. Qua một trận ngửi hơi ngạc các Thầy mệt mỏi, bước đi chậm chạp bị chúng tống báng súng vào lưng, khiến các Thầy ngã sấp xuống gạch. Tay lại bị còng ra phía sau, không thể chống đỡ nên các thầy đành chịu cảnh dập mày dập mặt, máu tuôn ướt áo, ướt đường.
Như để hả giận, vừa dồn các thầy ra chỗ ngồi tập trung trước sân thượng điện, bọn người hung dữ vừa chửi rủa vừa đánh đập, chúng bất kể già trẻ, ngôi vị trong chùa.
Kế đó, đèn được bật sáng ; mọi người mới biết đoàn người hung dữ này không ai xa lạ chính là bọn mật vụ, cảnh sát và lực lượng đặc biệt do Trần văn Tư, Giám đốc cảnh sát Đô thành chỉ huy tổng quát. Riêng Dương văn Hiếu, tay chân đắc lực của lãnh chúa miền Trung được đặc biệt phái vào Sài gòn, chỉ huy mật vụ của Ngô đình Nhu và Lê quang Tung, tư lệnh lực lượng đặc biệt thì chỉ thấy quân mà không thấy mặt chúng. Không rõ chúng chỉ huy đánh chiếm mạn nào hay nằm ở “Bộ tư lệnh chiến dịch đánh chùa” ?
Theo lệnh Trần văn Tư, bọn mật vụ lần lượt bắt Hòa thượng Hội chủ, các Thượng tọa, Đại đức, dẫn ra xe. Chúng vừa tìm kiếm vừa reo lên “a thằng Tâm Châu đây rồi . . . cả thằng Giác Đức nữa, may quá . . .”. Lập tức chúng xúm lại khiêng hai Thượng tọa xuống lầu. Đại đức Thích Đức Nghiệp cũng bị chúng nó lôi đi xền xệt trên cầu thang. Thế rồi các vị bị chúng đưa đi, giam mỗi người một phương nào không ai được biết.
Sau khi chúng kiểm soát kỹ lưỡng khắp chùa một lần nữa, thấy không còn sót ai, bọn mật vụ, cảnh sát, lực lượng đặc biệt, xếp hàng hai bên lối đi, mỗi đứa cách nhau một thước, nối tiếp nhau từ trên Phật điện xuống cầu thang vòng ra cổng. Chúng quay mặt đối diện với nhau, rồi một bọn khác tới lùa mấy trăm Tăng, Ni, ra xe.
Chư Tăng, Ni líu díu bước theo nhau thành một đoàn người rách rưới tả tơi, máu me lem luốc đầy mặt, khắp mình”.
“Vì Tăng, Ni đông quá nên cầu thang trở nên chật chội, không thể nào đi nhanh được. Điều đó lại để cho bọn mật vụ có cơ hội tức giận nguyền rủa. Từ phía sau, chúng chửi bới, xô đẩy và dùng báng súng thúc mạnh vào lưng chư Tăng. Trong đoàn Tăng, Ni bị xô đạp này, nhiều người yếu quá ngã xuống, nhất là chư Ni, chân không (không có giày dép - tqd) dẫm (giẫm) lên những đống máu đông đặc lầy nhầy đọng trên cầu thang, khiến không gượng được nên ngã vật xuống. “Mặc kệ”, “chết bỏ”, chúng vừa quát tháo vừa xô mạnh cho những người phía sau dày (giày) xéo lên những người phía trước vừa ngã dưới bực cầu thang. Có nhiều vị Tăng chỉ vì cố dừng lại khiêng mấy Ni cô bị ngã, nhưng vì sức yếu không sao gượng dậy được giữa đám chân người lủng củng, dồn dập từ trên cao lấn xuống, nên bị chúng dùng gậy đập trên đầu đến váng (choáng váng - tqd) óc té xỉu đi.
Cho tới 3 giờ rưỡi sáng, bọn người gian ác này hoàn toàn thành công trong việc đánh phá chùa Xá Lợi.
Những ảnh biếm họa khác của Herblock /Washington Post về việc đàn áp Phật giáo của chính quyền Diệm Nhu
(SH sưu tầm, ảnh http://www.authentichistory.com/1961-1974/4-vietnam/1-overview/3-1955-1963/)
Ngoài những Thượng tọa bị đưa đi, giam riêng, còn bao nhiêu Tăng Ni chúng chất lên xe chở về Rạch Cát nhốt trong một cái đồn hoang dại, hẻo lánh thuộc quận bảy, thuộc ngoại ô Chợ Lớn.
Sau đó, chúng đem xe hơi tới hốt các Tăng Ni bị chết, bị ngất hoặc bị thương trầm trọng, nằm la liệt trên sân thượng điện về bệnh viện Cộng Hòa. Chúng chở luôn cả những “chiến lợi phẩm” mà chúng không “nuốt” được như máy móc, giấy tờ về quận III, còn bao nhiêu thứ có thể bỏ túi được thì chúng “chia bùi sẻ ngọt” với nhau.
Chùa Xá Lợi sau hơn ba tiếng đồng hồ sóng gió kinh hoàng, lúc này hoàn toàn tan hoang. Thứ duy nhất còn lại ngoài mấy vách tường, đồ đạc hư nát, và máu tươi, thịt bấy của Tăng Ni loang lổ khắp sân chùa.
Sáng ra, người ta mới biết, người đàn bà đêm qua mặc quân phục, hằn học nhìn vào chùa Xá Lợi là bà Ngô đình Nhu tức Trần lệ Xuân.
Trần lệ Xuân tới để chứng kiến cảnh tan nát cho hả lòng căn giận đối với những người độc nhứt trên đất nước này dám công khai đả kích bà ta và công khai chống lại uy quyền của nhà họ Ngô.
Ngoài ra, Trần lệ Xuân còn tới để đôn đốc bọn tay sai phá chùa, chiếm lại bức thư của thân phụ bà ta mới gởi về (từ Hoa Kỳ - tqd) tạ lỗi với các vị Thượng tọa cách đây mấy ngày về việc Trần lệ Xuân đã vô lễ xúc phạm tới mấy thầy, mạt sát Phật giáo, một tôn giáo mà họ Trần tôn thờ.
Trong khi chùa Xá Lợi chìm trong cảnh tang tóc máu lửa, thì hầu hết các chùa trên lãnh thổ gia đình Ngô đình Diệm thống trị đều chung một số phận như vậy.
Riêng tại chùa Từ Đàm, Huế, trong đêm 20-8-1963, với 5.000 Phật tử túc trực bao quanh nhục thân cố Thượng tọa Thích Tiêu Diêu đã là một cản trở rất lớn cho bọn tay chân Ngô đình Cẩn. Ngô đình Cẩn phải huy động 2000 quân, chiến đấu từ 1 giờ đêm đến 8 giờ sáng mới thanh toán xong chiến trường (12) . Sở dĩ có trận chiến đấu ác liệt như vậy là vì Phật giáo đồ tưởng rằng lực lượng Ngô đình Cẩn tới cướp thi hài Thượng tọa Thích Tiêu Diêu như chúng đã từng làm đối với các Tăng ni tự thiêu trước đây. Và cũng vì vậy nên chư Thượng tọa có mặt trong chùa để yên cho Phật giáo đồ cầm cự, cố sống cố chết bảo vệ lấy thi hài duy nhất của bốn vị tự thiêu tại miền Trung còn lại. (13)
Trong những phút cuối cùng của cuộc giao tranh, Phật giáo đồ đã có lần phóng hỏa đốt chùa để cùng nhau chết trong vòng vây nguy khốn chứ không chịu khuất phục trước bạo quyền . . .
Nhưng, việc làm này bị thất bại bởi lực lượng Ngô đình Cẩn quá đông, chúng ào vào dập tắt lửa và tấn công dữ dội hơn, làm cho Phật giáo đồ rối loạn, xô lấn, ngã xuống chất lên nhau.
Trong chùa, lúc nầy Phật tử chỉ còn hai bàn tay không dơ (giơ) ra chống đỡ với lưỡi lê của những kẻ bạo tàn. Bao nhiêu củi đuốc bàn ghế, ấm, chén, nồi nêu, bát, đĩa, soong, chảo trong chùa, Phật giáo đồ đều dùng thay vũ khí và đã ném đi hết sạch. Vì thế, lực lượng võ trang của Ngô đình Cẩn chỉ còn việc lần lượt bắt trói từng người dẫn đi.
Thế rồi sáng hôm sau, 21-8-1963, tại thủ đô Sài gòn, thành phố Huế và khắp các tỉnh , khi mọi người thức dậy ra đường, đã thấy nhan nhản những truyền đơn, hiệu triệu và sắc lệnh thiết quân luật (14) dán đầy trên tường. Xe thông tin gắn loa phóng thanh chạy khắp phố phường thôn xã loan tin : “Chính phủ đã diệt trừ xong bọn phản động” !
Trích nguyên văn sách đã dẫn ở phần trước, từ trang 394 đến 396.
Ngày 11.11.2011. (15) - Trần Quang Diệu
________________________
Chú thích của Trần Quang Diệu :
1) Vì chùa Xá Lợi đã nhận được tin "mật" vào lúc 5 giờ chiều ngày 20.8.1963 cho biết rằng “đêm nay chính quyền Ngô Đình Diệm sẽ tấn công , tàn phá các chùa”. Như vậy, rõ ràng đã có người ngay trong những tay chân được nhận lệnh chuẩn bị tấn công chùa đã không nỡ, nên họ đã lén mật báo cho Ủy ban Liên Phái Bảo vệ Phật giáo biết chuyện này.
2) Nếu không gác, canh, trông chừng, thì tài liệu giả Việt Cộng sẽ được mang vào thảy đâu đấy rồi cho người hô lên đặng tóm bắt “Cộng Sản”.
3) Y hệt đoàn quân Thập Tự chinh hồi thời Trung cổ. Và đang có sẵn đấy chứ khỏi cần ông Nguyễn Văn Chức đệ trình văn thư xin thành lập.
4) Không phải, quân đội Việt Nam Cộng Hòa lúc đấy không đồng lõa chuyện này !
5) Ông Ngô Đình Nhu bảo ông “sẽ tiêu diệt Phật giáo trong 5 phút” có lẽ là như vậy ?
6) Lực lượng võ trang của chính phủ dùng để chống giặc mà trưng dụng, khi lén quần chúng quốc dân, ban đêm huy động để tấn công nhà chùa thì làm sao không đủ lực lượng, làm sao có thể không “thiện chiến” để chiến thắng ?
7) Người ngoại quốc chứng kiến tận mắt cảnh tượng chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo là như vậy, chứ không phải họ chỉ có ngồi mà đọc báo hay xem TV, nghe Radio ở Washington D.C, hay ở đâu tận những nơi đèo heo hút gió của trái đất.
8) Bà Trần Lệ Xuân !
9) Phải chi người đàn bà nầy, đang đứng phía bên này cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17 - nơi ngăn đôi hai bên bờ đất nước – “hai tay chống ngang hông” chỉ qua phía bên kia mà ra lịnh cho quân sĩ . . . thì quả thực là nữ “thư” hùng.
10) Vì chiến dịch, gọi là “diệt trừ ma quỉ” chưa xong.
11) Trong những phút giây lúc ngồi đánh ra, đến chỗ này, tôi bỗng "thắc cười" đến thót ruột vậy.
12) Đó là cảnh đã làm cho Linh mục Cao văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế mắng thẳng vào mặt những người lãnh đạo : “Các ông vô đạo, Phật giáo có chính nghĩa”.
13) Chế độ Ngô đình Diệm đã cướp đi mất dạng tất cả bốn thi thể của những Tăng, Ni đã tự thiêu. Đó là : Thích Nguyên Hương, Thích Thanh Tuệ, Ni cô Diệu Quang và Đại Đức Thích Thiện Mỹ - người tự thiêu cuối cùng trong thời 1963, trước nhà thờ Đức Bà tại Sài gòn ngày 27.10.1963. Xem bài “Chân dung những nhà sư vị pháp thiêu thân”.
14) Đưa quân đội ra đường, bố phòng, canh giữ khi nào quốc gia có “biến”. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa hồi đó, buộc lòng phải làm theo lệnh của anh em nhà Ngô, nhưng, hầu hết là họ bất bình. Và, điều đó, càng làm cho phần đông các tướng lãnh phải quyết tâm liên kết để lên kế hoạch cho một cuộc đảo chánh lật đổ chế độ mà họ đã nung nấu từ hồi năm 1960 như Nguyễn Chánh Thi đã làm và Trần Văn Đôn đã viết trong hồi ký của ông.
15) Đúng cả ngày, tháng mà năm mươi (50) năm trước đây, binh chủng Nhảy Dù VNCH đã làm đảo chánh (11.11.1960). Nhưng, nhờ Đại tá Trần Thiện Khiêm đem quân từ Mỹ Tho về “cứu giá” ông Ngô đình Diệm cho nên cuộc đảo chánh thất bại. Đấy rõ ràng là cảnh “quân đội đánh nhau với quân đội” mà tổng thống Diệm không ngăn cản. Nó chứng minh một cách hùng hồn để bác bỏ lý cứ mà khi Vĩnh Phúc phỏng vấn ông Cao Xuân Vỹ; hoặc trên diễn đàn có người thuật lại rằng "tổng thống Ngô Đình Diệm không cho quân đội đánh nhau” khi cuộc đảo chánh 1.11.1963 xảy ra (Vĩnh Phúc, “Những Huyền Thoại & Sự Thật Về Chế Độ Ngô Đình Diệm”, Văn Nghệ, USA, 1998, trang 317, 318, 319).