Những sự kiện nghiêm trọng đã từng xảy ra thời chế độ Ngô Đình Diệm :
Lần thứ nhất, Tướng Nguyễn Văn Hinh cuối năm 1954 bao vây Dinh Độc Lập, chiếm đài phát thanh, chỉ hằng ngày cho phát thanh chửi rủa gia đình họ Ngô nhưng không làm gì hơn nữa nên người ta gọi “đó là cuộc đảo chánh rùa bò”.
Lần thứ hai, Tướng Nguyễn Văn Vỹ đảo chánh ngày 1.1.1955.
Lấn thứ ba, ông Hà Minh Trí (Cao Đài) ám sát hụt Tổng Thống Diệm ngày 21.2.1957 tại Hội Chợ Buôn Mê Thuột.
Lần thứ tư, Đại Tá Nguyễn Chánh Thi và Đại Tá Vương Văn Đông với cuộc đảo chánh ngày 11.11.1960 - mà Trung Tá Nhảy Dù Phan Trọng Chinh khi đứng trước vành móng ngựa đã dõng dạc tuyên bố : “Nếu tôi chỉ huy, tôi đã đánh rốc vào dinh Độc Lập đêm 11.11. chứ không chần chờ bỏ lỡ cơ hội”.
Lần thứ năm, hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử lái chiến đấu cơ giội bom xuống Dinh Độc Lập sáng ngày 27.2.1962.
Lần thứ sáu, đảo chánh thành công bởi một tập đoàn Tướng, Tá và binh sĩ - hùng hậu nhất từ trước, bắt đầu từ chiều ngày 1.11.1963 đến sáng ngày 2.11.1963 thì kết thúc chế độ.
Trung Tướng Trần Văn Đôn, quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dưới thời ông Diệm, qua hồi ký “Việt Nam Nhân Chứng”, Xuân Thu, USA, 1989, từ trang 171 đến 179, ông viết trong lúc mà hầu như mọi Tướng Lãnh quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đều còn sống và phần đông là có mặt tại Hoa Kỳ :
Đại Tướng Lê Văn Tỵ (Tổng Tham Mưu trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa)
“Đại Tướng Lê Văn Tỵ (Tổng Tham Mưu trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – tqd) đi Mỹ chữa bệnh. Đến ngày 19 tháng 8 năm 1963, ông Diệm chỉ định tôi chức quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, rồi ông Nhu ra lịnh tấn công chùa để cho tôi và quân đội chịu trách nhiệm. Dĩ nhiên sự việc đó làm cho dư luận trong và ngoài nước kết án quân đội mà người đứng mũi chịu sào là tôi”.
Cố vấn Ngô Đình Nhu và Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Chiều ngày 20 tháng 8, ông Ngô Đình Nhu mời tôi, quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng, Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, Quân trấn Sài gòn, và Đại Tá Nguyễn Văn Y, Tổng giám đốc Công an Cảnh sát, đến dinh Độc Lập ra lịnh :
Đại tá Lê Quang Tung
Đêm 20 tháng 8, lợi dụng lịnh giới nghiêm, dinh Độc Lập ra lịnh riêng cho Đại Tá Lê Quang Tung, chỉ huy trưởng Lực Lượng Đặc Biệt cùng Cảnh Sát Đặc Biệt của Dương Văn Hiếu, Mật vụ và Cảnh sát chiến đấu của ông Trần Văn Tư, Giám đốc Cảnh sát Đô thành bao vây tấn công các chùa trong đô thành để bắt các Thượng tọa, Đại đức, Tăng ni và Phật tử.
Lực Lượng Đặc Biệt là một tổ chức của quân đội, được thành lập từ năm 1956 gồm gần 10 Đại Đội (mỗi đại đội 120 người), võ trang súng ống tối tân nhất, được huấn luyện kỹ như Nhảy Dù, bơi lội, đột kích sau lưng địch . . . Một số ít chiến sĩ Lực Lượng Đặc Biệt này đã từng nhảy dù ra Bắc để hoạt động, vì vậy nên được lựa chọn rất kỹ, đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn. Đại Tá Lê Quang Tung chỉ huy lực lượng này.
Nghe lịnh tấn công chùa như vậy, chúng tôi biết là việc này sẽ làm suy sụp thêm cho chế độ nhưng không thể can gián được. Đêm đó, tôi và Trần Thiện Khiêm theo dõi tại bộ Tổng Tham Mưu trên máy riêng Motorola của Cảnh sát nên chúng tôi biết cuộc tấn công này do Đại Tá Lê Quang Tung chỉ huy tổng quát.
Tôi và ông Khiêm lấy xe đến chùa Xá Lợi vào khoảng 1 giờ khuya. Đến nơi tôi thấy đèn còn bật sáng, cảnh sát còn đi qua lại. Bước vào chính điện, tôi giở mũ, ông Khiêm cũng giở theo. Lính cảnh sát thấy vậy cũng giở mũ và đứng im. Tôi hỏi:
- Quý Thầy đâu hết rồi ?
Họ nói dẫn qua Phú Nhuận, còn Hòa thượng Thích Tịnh Khiết thì được đưa về cơ quan tình báo của Đại Tá Nguyễn Văn Y.
Tôi ra lịnh họ tắt đèn đóng cửa lại, đừng làm mất trang nghiêm nơi thờ phượng. Dặn xong chúng tôi ra về, đến cơ quan của Đại Tá Y. Ông Y cho biết Hòa thượng rất mệt, mai sáng phải cho vô bịnh viện quân sự Cộng Hòa. Chúng tôi trở ra đi thẳng đến dinh Gia Long. Lúc đó khoảng 3 giờ sáng. Gặp ông Nhu, ông ta bảo ra lịnh thiết quân luật. Lịnh này ban ra là có ý đổ trách nhiệm tấn công chùa cho quân đội, tôi hiểu ý của ông Nhu nhưng im lặng thi hành.
Lúc 5 giờ sáng, ông Diệm tập hợp Nội Các chánh phủ để trình bày sự việc. Ngay trong phiên họp đó, Ngoại Trưởng Vũ Văn Mẫu từ chức để phản đối sự đàn áp Phật giáo của anh em ông Diệm. Sự từ chức nầy của ông Mẫu làm thế giới xôn xao, Phật tử xúc động, dân chúng cảm phục một người đã thẳng thắn từ bỏ chức vụ để phản đối hành động bất công và tàn bạo.
Lúc đó ông Trần Văn Chương đang là Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ, bà Chương là Quan sát viên cho Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hiệp Quốc, nhận thấy anh em Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, con gái mình tiếp tay phát ngôn hỗn xược mà mình không thể can ngăn được nên cả hai ông bà đều từ chức.
Sự từ chức của ông Mẫu và ông bà Trần Văn Chương là những ngọn đòn đau đớn cho anh em nhà họ Ngô.
Giới nghiêm là hạn chế sự lưu thông về đêm, còn Thiết quân luật là phải đem quân đội ra đường canh gác. Mỗi thứ phù hợp với một tình trạng mà Thiết quân luật chỉ áp dụng khi thật sự nguy hiểm cho nước nhà. Bởi vậy nghe lịnh Thiết quân luật, các tướng ngơ ngác.
Ngày 21 tháng 8, đài VOA loan tin quân đội nghe theo lịnh Tổng Thống đi tấn công chùa. Tôi không biết làm sao cải chính tin đó với đài VOA nên tôi cho Đại Úy Lê Văn Khấn, sĩ quan tùy viên của tôi đi mời ông Conein, sĩ quan CIA quen tôi từ năm 1946 ở Hà Nội hiện đang ở góc đường Công Lý và Nguyễn Đình Chiểu đến Bộ Tổng Tham Mưu gặp tôi đêm đó. Ông Conein sợ tôi gài bẫy nên mang theo súng tùy thân.
Chín giờ tối, ông Conein lại, chúng tôi cho biết quân đội không tham gia trong việc tấn công các chùa như đài VOA đã loan tin để ông Conein về trình lại đại sứ Mỹ.
Ông Conein hỏi : “Các tướng lãnh Việt Nam có ý định đảo chánh không ?”.
Tôi trả lời : “Chuyện này rất quan trọng sẽ nói sau”.
Rồi ông Conein ra về.
Hai hôm sau đài VOA cải chính, nói rõ là quân đội Việt Nam không tấn công chùa. Ông Nhu nghe tin cải chính nầy rất tức giận, buộc mấy ông tướng phải họp lại (cái này thì quả nhiên là độc tài gia đình trị chứ còn gì nữa ? – tqd), tuyên bố đứng sau lưng Tổng Thống và tôi phải ra nhật lịnh nói rằng quân đội có tham gia việc đó. Tôi phải tuân lời. Tuân lời ra nhật lịnh kêu gọi quân đội xiết chặt hàng ngũ sau lưng Ngô Tổng Thống thì được, nhưng nói làm sao cho anh em quân nhân và đồng bào hiểu mình đang tìm cách hạ một chính quyền đang bị dân oán hận! Tôi ra lịnh cho Đại Úy Phạm Văn Túy, tín đồ Thiên Chúa giáo đang làm việc ở văn phòng tôi thảo nhật lịnh. Cùng tâm trạng như tôi và hiểu ý tôi nên Đại Úy Túy viết đoạn chót mà tôi rất hài lòng :
- Cuộc chiến đấu rất nhiều gian khổ, thử thách lòng hy sinh của chúng ta cho chính nghĩa và Tổ quốc. Chúng ta phải cương quyết giữ vững ý chí, chủ động trên khắp các lãnh vực đấu tranh. Tôi (“Tôi” ở đây là Trung Tướng quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Trần Văn Đôn – tqd) luôn luôn ở bên cạnh các anh em. Hãy tuyệt đối tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng.
Báo chí lúc ấy bất bình hành động của ông Ngô Đình Diệm và vợ chồng Ngô Đình Nhu có mấy tờ in đậm câu chót trong nhật lịnh nên nhiều người đọc tinh ý sẽ hiểu câu : “Hãy tuyệt đối tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng”.
(. . .)
Việc một nữ sinh (Quách Thị Trang – tqd) bị bắn chết (sáng ngày 25.8.1963 trước chợ Bến Thành, Sài gòn – tqd) làm cho chúng tôi thấy hổ thẹn với quần chúng khi khoác áo quân nhân ra đường. Việc Phật tử bị giam cầm làm cho tôi có mặc cảm tội lỗi. Nói làm sao cho dân chúng hiểu được rằng chúng tôi không làm việc đàn áp đó, chúng tôi không chủ trương giết người biểu tình bất bạo động, chúng tôi không đồng ý bắt giam người như vậy ? Nhưng chúng tôi cúi đầu nhẫn nhục chờ ngày không xa chúng tôi sẽ trả lời với mọi người bằng hành động”.
Ngày 22 tháng 8, tôi đến thăm Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết. Với giọng nói mệt nhọc, ngài hỏi :
- Tại sao lại đánh chúng tôi ?
Nghe hỏi tôi xót xa quá, nhưng không biết trả lời sao !
Vì thiết quân luật, chúng tôi ở trong trại không về nhà, nhiều anh em cũng như tôi nhận những cú điện thoại trách móc của vợ, không những chỉ các gia đình theo đạo Phật mà người phụ nữ thuộc các tôn giáo khác cũng có người trách chồng sao lại tham gia vào việc đàn áp Phật giáo . . . Đại Tá Trần Ngọc Huyến, một tín đồ Thiên Chúa giáo, người ủng hộ ông Diệm hết tình cũng chống vấn đề đàn áp Phật giáo đó của anh em ông Diệm.
Những gì chúng tôi nung nấu từ đầu năm 1960 đến nay đã đến lúc phải bộc phát. Những độc tài, bất công, đàn áp của chính quyền mà suốt mấy năm trời chúng tôi bất bình đến nay phải bùng nổ. Những chuẩn bị từ lâu nay đến lúc phải thi hành”. (bằng vào 1 giờ 30 chiều ngày 1.11. 1963 – tqd).
“Ông Nhu đã tỏ vẻ coi thường khi nhận được báo cáo đầu tiên về những đoàn quân tiến về dinh Tổng Thống. Ông tin rằng việc tấn công nầy nằm trong chiến lược của ông nhằm phát giác và tiêu diệt những người đối nghịch của ông.
Theo kế hoạch của ông Nhu thì vài đơn vị trung thành của ông sẽ chiếm vài nơi trọng yếu tại thủ đô. Lúc đó ông và ông Diệm sẽ bay ra Vũng Tàu. Chỉ vài ngày sau, tình trạng lộn xộn và không luật lệ đó sẽ mở ngõ cho kẻ thù của chính quyền vào. Các đơn vị trung thành với chế độ đánh chiếm lại. Lúc đó quân phản loạn của Mỹ sẽ bị sập bẫy chết trong đô thị nầy (Sài Gòn – tqd).
Một việc không may cho anh em nhà Ngô là ông Nhu đã nhờ Tướng Tôn Thất Đính thực hiện kế hoạch nầy. Trước đó (cũng trong chiều ngày 1.11.1963 - tqd) ông Nhu có điện thoại cho ông Đính nhưng không gặp. Sau đó ông ta có liên lạc với vài tướng lãnh mà ông nghĩ trung thành với chế độ, nhưng cũng không gặp ai cả. Lúc đó, ông mới biết là đảo chánh có thật” - (Trần Văn Đôn, Sđd, tr 270).
Đến 3 giờ 30 chiều ngày 1 tháng 11, Tổng Thống Ngô Đình Diệm điện thoại cho tôi lần đầu tiên và hỏi :
- Các anh làm gì đó ?
- Thưa cụ, quân đội đứng lên đáp lại lòng mong mỏi của dân. Chúng tôi yêu cầu Cụ từ chức vô điều kiện. Chúng tôi sẽ lo cho Cụ và gia đình đi ngoại quốc.
Ông Ngô Đình Diệm hỏi tiếp :
- Tại sao các anh làm như vậy ?
- Vì chúng tôi yêu cầu đã nhiều lần mà Cụ không chịu thay đổi gì hết. Xin Cụ cải tổ chính phủ, chấm dứt đàn áp Phật giáo và ngày hôm qua tôi có gặp Cụ thì Cụ cũng cương quyết không thay đổi.
- Nói vậy chứ tôi định ngày nay tuyên bố cải tổ chính phủ. - (Y như con nít ? – trần Quang Diệu).
- Thưa Cụ muộn quá rồi”. Đây có Trung Tướng Dương Văn Minh xác nhận lời nói của tôi.
Tôi chuyển điện thoại cho Trung Tướng Dương Văn Minh.
Khi điện đàm, các tướng tá đang đứng ngồi xung quanh nên chúng tôi nghe Trung Tướng Minh nói :
- Chúng tôi chịu đựng từ mấy năm nay rồi. (Chứ không phải khởi sự từ biến cố triệt hạ cờ Phật giáo và đàn áp giết chết Phật tử đêm 8.5.1963 - tqd).
Đại tá Đỗ Mậu, Trung Tướng Dương Văn Minh, Thiếu tướng Tôn Thất Đính
Rồi ông nói tiếp :
Anh em chúng tôi có mặt ở đây là . . . Trung Tướng Dương Văn Minh.
Nói đến đây, ông Minh đưa cho từng người hiện diện xưng cấp bực và tên họ của mình, rồi lần lượt các vị như :
- Trung Tướng Nguyễn Ngọc Lễ,
- Thiếu Tướng Lê Văn Kim,
- Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm,
- Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm,
- Thiếu Tướng Nguyễn Văn Là,
- Thiếu Tướng Phạm Xuân Chiểu,
- Thiếu Tướng Trần Tử Oai,
- Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân,
- Thiếu Tướng Nguyễn Giác Ngộ,
- Đại Tá Nguyễn Đức Thắng,
- Đại Tá Đặng Văn Quang,
- Đại Tá Nguyễn Văn Chuân,
- Đại Tá Nguyễn Khương,
- Trung Tá Nguyễn Văn Thiện,
- Trung Tá Lê Nguyên Khang.
Sau đó, ông Ngô Đình Nhu xin nói chuyện với tôi :
- Tại sao các anh lại phải đánh, có việc gì không bằng lòng thì nói với nhau (Ở đó mà “nói với nhau” ! Nếu “có gì không bằng lòng thì nói với nhau” thì ông Nhu đã không thể đe dọa “những Tướng nào mà âm mưu đảo chánh thì sẽ treo cổ nó trên đường Công Lý” và ; không thể có chuyện như bắt cóc thủ tiêu man rợ bằng hình thức dìm hai ông Nguyễn Bảo Toàn và Phạm Xuân Gia xuống lòng sông Nhà Bè ? - tqd).
Sao mà thiếu tình như vậy ? (Tình ? đối với Đảng Cần Lao, những Mật vụ, hành xử người dân qua cái gọi là “phong trào tố Cộng”, việc triệt tiêu đối lập, thanh trừng các chính khách v.v… là những điều mỉa mai, cay đắng nhất suốt khung thời gian mà nhà Ngô cầm quyền ! – tqd).
Tôi trả lời :
- Chúng tôi hành động như vậy chỉ vì ý dân. Hôm qua, chính ông Cố Vấn đã nói với tôi rằng ông Cụ không chịu thay đổi gì hết, và sau đó ông Cụ đã xác nhận với tôi là tình hình tốt đẹp (“tốt đẹp” trong việc đi đêm với Bắc Việt, dùng gián điệp Việt Cộng vào dinh Tổng thống, vào chức vụ Tỉnh trưởng, dùng nhà ông Tàu Mã Tuyên liên lạc với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, đàn áp khốc liệt Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo v.v…nhưng “tố Cộng” giết người thì cứ làm, cứ ra tay ? – tqd) không cần thay đổi gì hết . . .
- Thôi được ! Mời mấy anh lên đây (dinh Gia Long – tqd) thương thuyết với chúng tôi. Tôi sẽ bảo đảm an ninh cho các anh.
Tôi chuyển lời mời lên thương thuyết của ông Nhu với các anh em hiện diện để biết ý kiến, đa số các anh em lắc đầu không đồng ý vì nhớ lại cuộc đảo chánh năm 1960, ông Diệm ông Nhu nói thương thuyết, thỏa thuận nhưng đó chỉ là cớ kéo dài để chờ quân tiếp cứu (đích thực là thế chứ không thể có chuyện “Tổng thống không cho quân đội đánh nhau với quân đội” bao giờ, và, việc xỉ gạt đó - 1960, na ná cái họa vua U Vương bên Tàu vào hồi nhà Chu đốt Lộc Đài ở Trung nguyên báo động giả cho chư hầu kéo quân về triều ca cứu giá để cho Bao Tỷ và Muội Hỷ cười ! – tqd).
Tôi trả lời với ông Nhu :
- Các Tướng Tá ở đây không một ai đồng ý lên thương thuyết, vì biết đây là một cớ hoãn binh, một cái bẫy mà thôi.
“Cũng trong lúc 4 giờ chiều, các sĩ quan cao cấp vào thêm Bộ Tổng Tham Mưu như Đại Tá Dương Ngọc Lắm, Đại Tá Đặng Thanh Liêm, Đại Tá Bùi Hữu Nhơn . . .
Để yểm trợ cho đoàn quân tấn công thành Cộng Hòa, tôi cho hai khu trục phát xuất từ căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất bay lên bắn yểm trợ cho Bộ Binh.
Các Tư Lệnh Vùng I và Vùng II gọi về báo cáo tình hình và tôi cũng cho biết tình hình thủ đô.
Đến 6 giờ chiều ngày 1 tháng 11, Thiếu Tướng Đính đang chỉ huy tấn công các công sở cho tôi biết ông đã giải thoát nam nữ sinh viên, học sinh bị giam giữ vì tham gia biểu tình phản đối chính quyền đàn áp Phật giáo. Tôi yêu cầu cho chở tất cả anh em vào bộ Tổng Tham Mưu gặp chúng tôi.
Đến 7 giờ 30, các anh em sinh viên học sinh được giải thoát vào thẳng bộ Tổng Tham Mưu. Nghe tin, chúng tôi xuống tiếp họ.
Vừa xuống cầu thang, chúng tôi nghe tiếng một anh sinh viên (Về sau chúng tôi biết là anh Nguyễn Hữu Đống, sinh viên Kiến trúc) hô to :
- Anh chị em ! Quỳ xuống lạy các tướng lãnh đã cứu mạng chúng ta !
Thấy họ sắp quỳ, chúng tôi vội la to :
- Thôi ! Thôi ! Đừng . . .
Chúng tôi không nói thêm được gì vì trước cảnh nầy ai cũng quá cảm động, chảy nước mắt.
Nguyễn Hữu Đống đại diện anh em bày tỏ lòng biết ơn và niền hân hoan vui sướng vì quân đội lật đổ được chế độ độc tài tàn ác của gia đình họ Ngô. Giọng anh phát biểu có lúc hét lên như trút uất hận, có lúc hùng hồn đanh thép, lúc lại run run vì cảm động”.
. . . . . . .