Âm Nhạc, Nghệ Thuật Làm Chướng Ngại Thiền Định
Quảng Tánh
Âm nhạc
Với thế thường, âm nhạc và nghệ thuật nói chung rất cần thiết để khám phá cái đẹp, di dưỡng và thăng hoa tinh thần. Tuy vậy, với người chuyên tâm thiền định, khi chánh niệm chưa sâu, tâm chưa vững vàng thì âm nhạc, nghệ thuật dẫu thanh cao nhưng không khéo cũng trở thành chướng ngại, ràng buộc tâm một cách êm ái phiêu bồng.
Người hành thiền sơ cơ, khi tâm tạm thời có chút an định, niềm vui của tịnh xả xuất hiện, tâm rỗng rang và hân hoan đã khơi nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật. Nhiều người bỗng nhiên làm được thơ, sáng tác hay phiêu với âm nhạc, chợt có thiên hướng nghệ thuật hơn trong trạng thái tâm hoan hỷ và khinh an này. Nếu hành giả không kịp thời tỉnh giác liền bị vướng vì ranh giới giữa thong dong tự tại và luyến ái nắm giữ cái đẹp thật mong manh.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tỳ-xà-da ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày.
Khi ấy ma Ba-tuần tự nghĩ : “Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp Cô Độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Tỳ-xà-da, ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni, trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta nên đến đó gây chướng nạn”. Liền hóa thành thiếu niên, dung mạo đoan chánh, đến trước cô, nói kệ :
Nay cô còn tuổi trẻ
Tôi cũng còn trẻ tuổi
Nơi này, cùng ở chung
Tạo năm thứ âm nhạc
Để cùng nhau vui hưởng
Thiền tư để làm gì ?
Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Tỳ-xà-da tự nghĩ : “Đây là những người nào mà muốn khủng bố ta ? Là người hay không phải người ? Hay là người gian xảo ?”.
Nghĩ vậy rồi, biết rõ đây là ác ma Ba-tuần muốn nhiễu loạn, liền nói kệ :
Ca múa, các nghệ thuật
Các thứ cùng vui chơi
Nay đều cho ngươi hết
Ta chẳng cần đến chúng.
Nếu chánh thọ vắng lặng
Thì ngũ dục trời, người
Tất cả đều cùng cho
Ta cũng không cần chúng.
Bỏ tất cả vui vẻ
Xa lìa mọi tối tăm
Đã tác chứng, tịch diệt
Các lậu hết, an trụ
Đã biết ngươi, ác ma
Hãy tự biến khỏi đây.
Bấy giờ ma Ba-tuần tự nghĩ : ‘Tỳ-kheo-ni Tỳ-xà-da đã biết rõ tâm ta’. Nên trong lòng ôm lo lắng, liền biến mất”. (Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1204)
Pháp thoại này đã chỉ rõ ma Ba-tuần xuất hiện rủ rê người tu “Tạo năm thứ âm nhạc/Để cùng nhau vui hưởng”. Ma Ba-tuần là thiên ma, ngoại ma thường quấy nhiễu, làm động loạn tâm hành giả sắp chứng đạo. Đây cũng là nội ma, tự vọng tâm lưu xuất, núp bóng nghệ thuật để khuấy đảo chánh niệm.
Tỳ-kheo-ni Tỳ-xà-da nhờ tâm định, trí sáng nên thấy rõ sự sinh diệt, vô thường và trống rỗng của mọi thứ nên buông, “Nay đều cho ngươi hết/Ta chẳng cần đến chúng”. Thành ra, người hành thiền mà thấy rõ sinh diệt trong từng sát-na rồi không nắm giữ, chẳng bám víu bất cứ thứ gì thì Thiên ma Ba-tuần cũng đành chịu, không lung lạc được. Nhờ minh sinh nên ái si diệt, hành giả chứng đắc Niết-bàn, thành tựu giải thoát.
Ngày nay, người tìm đến thiền Phật giáo khá đông, dẫu với nhiều mục đích khác nhau nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng. Có nhiều loại hình nghệ thuật được gắn với thiền như một xu hướng tìm về cái đẹp đích thực, đó là thiền ca, thiền thi, thiền họa, thiền trà, thiền hoa v.v… cũng là điều hay. Vấn đề người hành thiền cần nhớ là, diệu dụng của thiền trong đời sống thật bao la và tươi đẹp, nhưng tinh túy của thiền vẫn là không dính mắc.
Quảng Tánh
Thư Viện Hoa Sen
Các bài viết liên quan đến âm nhạc, ca hát và âm điệu :
Về giới cấm không được ca hát, xem nghe ca hát & không say đắm trong âm điệu
Về giới cấm không được ca hát và xem nghe
Vì sao trong giới luật, Phật không cho đệ tử của ngài ca hát và nghe ca hát ?
Vì sao nhà sư không được ca hát
Tu sĩ và âm nhạc