<January 2025>
SunMonTueWedThuFriSat
2930311234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Tiểu Sử Thiền Sư Thích Mật Thể
Tác giả: Điều Ngự Tử TÍN NGHĨA

TIỂU SỬ THIỀN SỬ
THÍCH MẬT THỂ

           1.-  Thân thế :

          Ngài họ Nguyễn húy là Hữu Kê, dòng họ của Đại thần Nguyễn Trãi.  Nguyên quán thuộc Tông sơn Gia miêu Ngoại trang, tỉnh Thanh Hóa.

          Ngài thọ sanh năm Nhâm Tý (1912), tại làng Nguyệt Biều, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

          Vốn thọ sanh trong gia đình vọng tộc, quý phái, thích lý luận Nguyễn Hữu Độ.

          2.-  Sự Nghiệp Tu Học :

            Năm Bính Thìn (1916), lên 5 tuổi, theo Nho học.

            Năm Giáp Tý (1924), được 12 tuổi, xuất gia đầu Phật tại chùa Diệu Hỷ.

            Năm Mậu Thìn (1928), được 16 tuổi, theo học chúng Từ Quang và thọ giáo với ngài Giác Bổn.

            Ngài Giác Bổn nhận thấy ngài quá thông minh xuất chúng, có nhiều năng khiếu, có nhiều chí khí nên đưa vào học chúng Trúc Lâm.

            Năm Canh Ngọ (1930), tổ Giác Tiên cho thọ Sa di Thập giới .

            Pháp danh :  Tâm Nhất,

            Pháp tự :       Mật Thể,

                                  Thuộc dòng Lâm tế Chánh tông đời thứ 43.

            Năm Quý Dậu (1933), làm giảng sư của hội An Nam Phật Học. 

            Từ năm 1933 đến năm 1938, đạy học các trường Phật học của sơn môn Thừa Thiên.

            Năm Đinh Sửu (1937), được gởi qua tu nghiệp ở Phật học viện Tiêu Sơn (Trung Hoa), dưới sự chủ trì của thiền sư Tinh Nghiêm.

            Năm Mậu Dần (1938), chiến tranh Trung Nhật bùng nổ, ngài không được phép ở lại Trung Hoa lâu hơn, đành phải về nước.

            Năm 1941-1942, cho ra đời tác phẩm Phật Giáo Yếu Lược và Phật Giáo Khái Luận.  Cùng năm 1942, tập thơ “Xuân Đạo Lý” do ngài biên khảo với ý nghĩa chủ xướng là :  Xuân Là Sứ Mạng Phật Hóa.

            Trong tác phẩm nầy, còn đề cập đến vấn đề :  Phật giáo với hiện đại, trong đó :  Văn hóa đạo Phật có thể mở đường thoát cho một nhân loại đang sống trong hoài nghi, đau khổ, chán đời và bê tha, trụy lạc

            Năm Tân Tỵ (1941), được mời vào giảng dạy ở Phật học đường Lưỡng Xuyên, Trà Vinh .

            Năm Quý Mùi (1943), cho ra đời tác phẩm :  Việt Nam Phật Giáo Sử Lược (Tân Việt Hà Nội xuất bản).

            Năm Giáp Thân (1944), ngài thọ Tam đàn Cụ túc giới tại Đại giới đàn Thuyền Tôn do ngài Giác Nhiên làm Đàn đầu Hòa thượng. Ngài đổ Thủ khoa.

            Năm Ất Dậu (1945), nhận chức Trú trì chùa Phổ Quang, gần dốc Bến Ngự .  Nơi đây Tổ Giác Tiên đã từng trông coi một thời trước khi khai sơn Trúc Lâm Đại Thánh tự.

            Năm Bính Tuất (1946), tham gia phong trào Phật giáo Cứu quốc, rồi ra Bắc

            Vì chiến tranh của hai miền trên 30 năm, nên sự hành hoạt của ngài ở trong vòng khiêm tốc .  Được biết ngài tịch vào năm Tân Sửu (1961), thọ 49 tuổi (*).  Hiện mộ phần được an táng tại nghĩa trang Nghệ An.  (Khi thống nhất đất nước, người viết bôn tẩu ra hải ngoại ;  tuy nhiên, được biết môn phái Tổ đình Trúc Lâm, thầy Thanh Toàn là pháp đệ của người viết đã cùng các cháu gọi Ngài bằng chú ruột là ông Nguyễn Hữu Tôn, ở Đà Nẵng, đã cùng nhau ra tận nghĩa trang nầy để cải táng và đưa nhục thân ngài về lại tổ đình Trúc Lâm).

             3.- Sự Nghiệp Văn Học :

             Các tác phẩm của ngài trước tác gồm có :

                     *.-   Việt Nam Phật Giáo Sử Lược,

             *.-  Phật Giáo Dị Giảng,

             *.-  Thế Giới Quan Phật Giáo,

             *.-  Đại Thông Vô Lượng Nghĩa,

             *.-  Xuân Đạo Lý (thơ)

          Trên đây là những tác phẩm mà ngài đã trước tác hay dịch thuật.  Hiện tất cả đều còn lưu truyền trong quần chúng. 

          Đặc biệt sách của ngài đã được thiền sư Phước Huệ ở tổ đình Thập Tháp, Bình Định có lời tán ngữ ở đầu quyển.

          Thiền sư viết như sau :

          - “. . . Giữa mùa Xuân năm Quý Mùi (1943), Pháp sư Mật Thể vào Nam thăm, lấy trong tay áo bản thảo cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược viết bằng quốc văn đưa cho tôi mà nói :

          - Đây là công trình sưu tầm biên khảo nhiều năm của con, xin Hòa thượng đọc và chứng minh cho.

          Tôi tiếp nhận bản thảo mà đọc.  Mỗi khi đêm vắng dưới ngọn đèn khêu cao, cầm bản thảo nơi tay, tôi tự nói một mình là pháp sư tuy đã theo học với tôi nhiều năm tháng nhưng tôi chưa biết được hết chí hướng và nguyện vọng của ông.  Trong cuộc đời tu học, thì ra không lúc nào ông không lưu tâm đến sự nghiệp hoằng pháp bằng phương tiện phiên dịch và trước thuật.

          “. . . Từ khi tới Đông Độ, Phật giáo đã đi vào nước Nam ta một ngàn mấy trăm năm rồi ;  trong thời gian ấy đạo tổ và Thánh Tăng kế tiếp nhau xuất hiện, công đức ấy chiếu sáng trên lịch sử, ta chẳng nên để cho nó phai mờ mai một.  Ngày nay, có được cuốn sách nầy thì chẳng những là Pháp sư có công với Phật giáo mà còn có công với Phật học nữa. Vì vậy mà tôi rất được vui sướng và an ủi, vô lượng vô biên, viết mấy dòng nầy để tán dương. . .”.

          (Lời tán dương nầy nguyên bằng chữ Hán, Giáo sư Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Sử Lược quyển ba, trang 186).

          Ngài thường kết bạn tâm giao với các vị như :  Văn hào Nhất Linh, Văn hào Khái Hưng, Học giả Phạm Quỳnh, Cụ Trần Văn Giáp, Cụ Phan Văn Hùm, . . . để trao tặng cho nhau những áng thơ hay, hoặc luận đàm giáo lý Phật đà.

            Sau đây là bài thơ thiền của ngài còn lưu truyền mà quần chúng Phật tử tại cố đô Huế và miền Trung đều thuộc lòng :

            Trăng sáng sau khi trời vừa tạnh,

            Ngoài hiên văng vẳng tiếng chuông đưa,

            Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng,

            Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa ?


Tư Tưởng Của Thiền Sư Mật Thể


 
            Tư Tưởng Thiền Sư Mật Thể :

            Thiền sư Mật Thể, người có chí nguyện lớn. Ông chủ trương phải :  “Cải tổ Sơn môn” và đã xuất bản một tài liệu với nhan đề :  “Cải Tổ Sơn Môn Huế”.

            Cũng như Thiện Chiếu ở miền Nam, ông rất nóng lòng vì bước chân đi chậm chạp trong quá trình đổi mới chế độ Tăng già. Ông cũng va chạm rất nhiều trong thời gian vận động, nhưng khác với Thiện Chiếu ông được đào tạo trong Sơn môn hồi còn bé thơ và căn bản Phật học của ông rất vững vàng. Hán văn của ông rất vững. Ông đã tự mình học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Ông là một trong mấy vị Tăng sĩ đầu tiên biết làm thơ mới. Chữ Pháp ông học đủ để đọc các bài nghiên cứu về Phật giáo sử viết bằng Pháp văn. Ông rất ưa thơ Hàn Mặc Tử, không biết tại sao ?

            Tháng giêng năm 1946, khi chính phủ lâm thời tổ chức Tổng tuyển cử, ông đã can đảm đứng ra ứng cử ở Thừa Thiên. Ông đã đắc cử làm Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đây là lần đầu tiên một vị Tăng sĩ Việt Nam trực tiếp đi vào đường chính trị.

            Ngày xưa, vào các thời Đinh, Lê, Lý và Trần các thiền sư đã từng làm chính trị, nhưng, chỉ đứng trong cương vị cố vấn cho nhà vua mà thôi. Việc ra ứng cử Quốc hội của Mật Thể phản chiếu lòng yêu nước và sự ủng hộ cách mạng của giới Phật tử trẻ tuổi. Tuy nhiên, hành động ấy cũng được nhận xét như không được chín chắn bởi một vài vị Tôn túc trong Sơn môn và một vài giới cư sĩ, …  Cũng năm 1946, ông được mời làm Chủ tịch Ủy ban Phật giáo Cứu quốc Thừa Thiên.

            Trước khi rút về chiến khu, Mật Thể đã gặp một số anh em Phậ t tử đồng chí tại chùa Thế Chí ở Đại Lộc.

            Họ ăn một bữa cơm chay thân mật cuối cùng với nhau ở chùa nầy và bàn tính về việc tương lai.

            Họ bàn luận về việc chống Pháp, chuyện tương lai Phật giáo và cố nhiên là về những đụng chạm và khó khăn mà người Phật tử gặp phải trong hang ngũ Kháng chiến. Họ đồng ý là người Phật tử phải có mặt trong lãnh vực tranh đấu, phải phân thân để có mặt. Tại vùng bị chiếm đóng, nếu được thì dựng lại chùa, quy tụ Phật tử để sinh hoạt và để tạo lập phong trào. Tại vùng Kháng chiến, phải tìm cách có mặt trong cơ quan lãnh đạo để bênh vực, che chở cho thanh niên Phật tử phục vụ trong hàng ngũ Kháng chiến. Thiền sư Mật Thể cho biết rằng việc bảo vệ và xây dựng phong trào Phật giáo bên cạnh người Cộng sản là một công việc rất khó. Nhưng ông bảo người Phật tử không thể không có mặt. Bữa cơm trưa kéo dài đến chập tối. Mật Thể lấy trong bọc áo tất cả số tiền thu được của tạp chí Giải thoát và trao lại cho các bạn trẻ ở lại vùng bị chiếm đóng, dặn dò lấy số tiền đó làm vốn liếng để xuất bản một tờ báo tại Huế để tiếp tục công trình của Giải Thoát. Rồi cuối cùng một vị Tăng sĩ trẻ tên là Thiện Mãn và bốn người Phật tử cư sĩ khác, theo ông lên đường đi Quảng Trị. Những người trẻ về thành phố Huế hôm đó, có các Tăng sĩ Đức Trạm (chùa Ba La), Mãn Giác (chùa Thiên Minh), Thiên Ân (chùa Châu Lâm), và các cư sĩ Đinh Văn Nam và Cao Hữu Đính.

            Thích Mật Thể theo Kháng chiến cho đến năm 1961 thì mất. Ông viên tịch tại Nghệ An, thọ 49 tuổi (*).  Trong thời gian 1957-1961, vì chống lại chính sách đè nén Phật giáo của chính quyền miền Bắc, ông đã bị quản thúc tại Hà Tĩnh và Nghệ An, ông bị cô lập hoàn toàn. Ở trong một căn nhà lá miền quê, ông không được phép di chuyển đi đâu cả và người trong làng trong xóm cũng không được tới viếng thăm. Thỉnh thoảng có người đi ngang qua ném lén vào sân cho ông một túi gạo nhỏ, gọi là để tiếp tế cho ông trong lúc ngặt nghèo.  Vậy mà trong thời gian ấy, ông đã sáng tác được cuốn :  “Thế Giới Quan Phật Giáo”.

          Bản thảo tác phẩm nầy đã lọt vào miền Nam và được tạp chí Vạn Hạnh xuất bản năm 1967. Bản in nầy có mang lời tựa của Thích Đức Nhuận, chủ bút tạp chí Vạn Hạnh.

            Thế giới quan Phật giáo là một tác phẩm nói đến sự cần thiết của đạo Phật trong tư trào chính trị, văn hóa và kinh tế hiện tại. Ông thẳng thắn phê bình sự nông cạn của chủ thuyết Duy vật. Theo ông, Phật giáo không phải là Duy vật, cũng không phải là duy tâm. Ông nhấn mạnh đến nguy cơ của những nhà làm chính trị thiếu căn bản đạo đức. Ông nói rằng chủ thuyết của chủ nghĩa xã hội “rất hay”, nhưng vì căn bản của lý thuyết nầy đã sai lầm  “nhận vật chất làm căn nguyên sinh ra vạn hữu” cho nên, “Xã hội chủ nghĩa trở nên nông cạn, chỉ thấy hạnh phúc của con người ở cơm ăn áo mặc”.

            Theo ông :  Xét tận nguồn gốc Xã hội chủ nghĩa tổ chức kinh tế khéo giỏi đến đâu mà không có phương pháp để thủ tiêu lòng tham sân si cùng bản ngã nhỏ hẹp kia, thì nhân loại cũng không bao giờ hết khổ được.”

    Với tư cách Đại biểu Quốc hội, Mật Thể  đã từng che chở bênh vực cho các Tăng sĩ và cư sĩ hoạt động quanh tờ Giải Thoát vào những năm 1946 và 1947, chính nhờ ông mà tờ Giải Thoát được tồn tại trong một năm trời .  Cũng trong hướng bảo vệ Phật giáo, Phạm Hữu Bính, trong bài Phật giáo bị lợi dụng đã nhắc nhở tới :

             “Một số người trước mặt thì tỏ ra tán dương mà sau lưng thì ngấm ngầm công kích Phật giáo”.

    Ông muốn nói đến những người ngoài miệng thì nói đến tôn trọng tự do tín ngưỡng nhưng trong thâm tâm thì lại cho rằng Phật giáo là nguy hại, rằng người theo đạo Phật là người bị thực dân ru ngủ và lợi dụng.  Vấn đề thực dân lợi dụng Phật giáo, Phạm Hữu Bính nhắc lại phong trào phục hưng Phật học trong những năm 1930 và lập lại những bài của báo Viên Âm thời ấy về hai động lực chính của sự chấn hưng, đó là :

            1.-   Sự tiến hóa của phái trí thức ta phương diện luân lý và,

            2.-  Sự cần thiết của đạo đức và tinh thần Phật giáo bên cạnh sức mạnh lạnh lùng và mù quáng của khoa học.

            Ông nói mục đích của ông không phải là để đối đáp lại :  Những công kích lặt vặt và những cử chỉ thiếu thành thật mà là cùng độc giả Giải Thoát xem xét đạo Phật có hại hay có lợi gì cho quần chúng.

           - “Nếu có hại, chúng ta nên triệt để bài trừ.  Nếu có lợi, chúng ta nên cố gắng duy trì, khuyến khích và nếu ai “Lợi dụng” Phật giáo, chúng ta nên khuyến khích  họ “Lợi dụng” thêm”.

            Ông nói đến tinh thần bình đẳng triệt đểvị tha triệt để trong đạo Phật và nhắc đến sự kiện Phật giáo chưa bao giờ gây nên tai hại cho cuộc sống, chưa bao giờ bạo lực để bành trướng thế lực tôn giáo mình, chưa bao giờ chia rẽ quốc dân đồng bào, chưa bao giờ đứng về phía mạnh để hiếp yếu.

            Cuối cùng ông nói :

            -.  “ Chúng ta không sợ Phật giáo bị lợi dụng. Chỉ sợ người đời không biết lợi dụng Phật giáo mà thôi. Chính vì lẻ ấy mà Phật Thích Ca đã suốt đời giảng giải giáo lý, và các Phật tử đủ trí đủ sức không nề gian lao nguy hiểm dù luôn luôn tìm đủ phương tiện để cho ai cũng biết triệt để lợi dụng Phật giáo để đưa mình và đưa người đến nơi hạnh phúc chân thực.”

thap cua ngai

            Ghi chú : (*) Theo môn phái và bà con thân thích cho biết thì thiền sư Mật Thể thọ 51 tuổi .  Theo năm sinh 1912 và năm mất 1961.  Tài liệu của Việt Nam Phật Giáo Sử Lược quyển ba, giáo sư Nguyễn Lang viết thì ngài thọ thế 49 tuổi.

 

Những Tác Phẩm của Thiền Sư Thích Mật Thể :

Phật Giáo Khái Luận

Phật Giáo Khái Luận (Lời Tựa)
Phật Giáo Khái Luận
Phật Giáo Khái Luận (Tổng Thuyết)
Phật Giáo Khái Luận (Câu Xá Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thành Thật Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Luật Tôn)
Phật Giáo Khái luận (Pháp Tướng Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Tam Luận Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thiên Thai Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Mật Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Hoa Nghiêm Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thiền Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Tịnh Độ Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (phần cuối)

Thế Giới Quan Phật Giáo

Lời Nói Đầu
Vài Nét Về Tiểu Sử Tác Giả
Tìm Đường
Hai Nguyên Lý Phật Giáo
Tìm Hiểu
Phật Giáo Với Vấn Đề Nhân Sinh
Phật Thích Ca Là Hiện Thân
Nhận Thức Luận
Phật Thân Luận
Kết Luận

Kinh Vô Lượng Nghĩa và Xuân Đạo Lý

Lời Giới Thiệu
Kinh Vô Lượng Nghĩa
Xuân Đạo Lý
Xuân Hóa
Xuân
Phật Giáo Với Hiện Đại
Thuần Tuý
Phật Hóa Thanh Niên
Xuân ở Lòng Người
Đã Đến Thời Kỳ Kiến Thiết
Đạo Lý Bình Đẳng của Phật Giáo
Ứng Phú Hoàn Cảnh
Mộng
Những Vần Thơ Xuân

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Tham Dự Lễ Tưởng Niệm Đại Lão HT Thích Nhất Hạnh.
Tiểu Sử Tổ Liễu Quán
Vài Nét Về Tổ Đình Trúc Lâm Đại Thánh tại Huế
Tiểu Sử Tổ GIÁC TIÊN Khai Sơn Tổ Đình Trúc Lâm Huế
Tiểu Sư Thiền Sử Thích Mật Khế
Tiểu Sử Thiền Sử Thích Mật Hiển
Tiểu Sử Thiền Sử Thích Mật Nguyện
Tiểu Sử Sư Bà Thích Nữ Diên Trường
Tiểu Sử Sư Bà Thích Nữ Diệu Huệ
Tiểu Sử Sư Bà Thích Nữ Diệu Không
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
4733571
Có 0 Khách Đang Online