TÌNH PHÁP LỮ
GIỮA TÔI VÀ
CỐ HÒA THƯỢNG THIỆN TRÌ
Tỳ kheo Thích Tín Nghĩa
(Ghi chú : Bài nầy tác giả viết trong lúc Ban Biên tập, Đặc san kỷ niệm Tang lễ Pháp huynh cố Hòa thượng Thích Thiện Trì yêu cầu kip lễ Tiểu tường của Hòa thượng. Chúng tôi là một trong những Pháp hữu cùng học, cùng làm việc từ quê nhà ra đến hải ngoại. Trong bài viết nầy là như vậy, nhưng Ban Biên tập đã lược tĩnh đi một ít. ? - Chúng tôi đưa vào đây để quý độc giả xa gần đọc cho vui, và tri ân sự dấn thân tu tập và hành đạo của Hòa thượng.)
Tôi được sanh ra, tu học và lớn lên tại Cố đô Huế - Thầy Thiện Trì được sanh ra, lớn lên và tu học tại đất anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, đại đế Quang Trung. Một vị vua chưa đầy bốn mươi tuổi, dẫn đại binh đi bộ ra tận Bắc Hà đánh đuổi hai mươi vạn quân Thanh một cách thần sầu, quỹ khốc để thống nhất đất nước.
Tôi xuất thân ở Tổ đình Trúc Lâm, vị khai sáng là Tổ Giác Tiên, đã từng đi bộ vào Thập tháp Di Ðà tự, tỉnh Bình Ðịnh, để thỉnh cầu cho được Hòa thượng Ðường thượng Phước Huệ ra tận Trúc Lâm Ðại Thánh tự cùng với Tổ và chư Tôn thiền đức các Tổ đình để giảng kinh, đào tạo Tăng tài, thành lập Ðại học Phật giáo và tiến dần vào đường lối Chấn hưng Phật giáo những thập niên 30 - hậu duệ là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cận đại. - Thầy Thiện Trì thập niên 70, từ Bình Ðịnh ra Cố đô Huế để tham học khóa Chuyên Khoa Phật Học, được chư tôn Giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống Nhất Thừa Thiên - Huế khai mở. - Từ đó hai chúng tôi gặp nhau.
Sau pháp nạn 1966, Giáo hội địa phương cố đô Huế chấn chính cho lớp Tăng trẻ bằng một lớp chuyên khoa nội điển đó là Lớp Chuyên Khoa Nội Trú Liểu Quán Bốn Năm, mặc dầu có Phật học viện Bảo Quốc, có các lớp nội điển Linh Quang, Châu Lâm, v..v...
Ban đầu, Giáo hội định tổ chức trong khuôn khổ hạn hẹp của địa phương ; nhưng rồi, các Ngài nghĩ : Nếu làm như vậy thì mang tiếng “óc địa phương”. Vì Cố đô Huế là cái nôi của Phật giáo. Cuối cùng các Ngài đưa tâm ý lên Giáo hội Trung ương tri tường. Giáo hội Trung ương vô cùng phấn khởi và hoan hỷ ủng hộ ngay. Thông tư được phổ biến khắp đó đây, và cho biết chương trình thi cử cũng như thể lệ dự thi để được tuyển chọn.
Thông báo của Ban tổ chức được loan tải khắp các cấp Giáo hội, những Tăng sinh trẻ muốn đi theo ngọn đuốc của Phật học đường Kim Sơn đã đào tạo lớp chân tu thực học Cửu Trí, nên đã xin từ giả chương trình tại địa phương để ra dự thi lớp chuyên khoa nầy
Tưởng cũng nên ghi lại đây lớp Tăng Tài Cửu Trí một chút để cho chúng ta cũng như lớp học Tăng hậu duệ phải biết qua, để đảnh lễ, tri ân mãi mãi. Tại sao ?
Vì, đây giềng mối, là rường cột, là cánh tay nối dài từ quá khứ cho đến mai hậu mà đặc biệt là khai sinh ra Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Lớp Tăng Tài Cửu Trí là chỉ cho Chín Vị mang chữ Trí xuất sắc trong lớp Ðại học Phật giáo đầu tiên tại Tu viện Kim Sơn gồm các Tăng sinh, đó là : Ngài Trí Thuyên (Quảng Ngãi), ngài Trí Quang (Quảng Bình), ngài Trí Nghiễm (tức Ht. Thiện Minh - Quảng trị), ngài Trí Ðức (tức Ht. Thiện Siêu - Thừa Thiên), ngài Trí Thành (tức Ht. Bát Nhã, – Phú yên), ngài Trí Nghiêm (dịch giả bộ Ðại Bát nhã - Nha trang), ngài Trí Tịnh (Sài gòn), ngài Trí Hữu (tức Ht. Hương Sơn, Quảng nam, khai sáng Phật học đường Ấn Quang), ngài Trí Dung (?).
Tuy nhiên, lớp Cửu trí nầy, ngài Trí Thuyên (Trần trọng Thuyên, mất quá sớm), do đó, Sơn môn và Phật tử gọi là lớp Tăng tài Bát trí. (Trích Từ đàm Quốc nội Quốc ngoại của Tín Nghĩa trang 80).
Ngày mở thi gồm có khoảng 68 vị vừa Tỳ kheo, vừa Sa di (lúc nầy hai chúng tôi đều là Sa di). Số thí sinh đa phần là học tăng bản tỉnh của địa phương. Ðại học Vạn hạnh có ra hai vị, Bình định, Nha trang có bốn vị, Quảng nam – Ðà nẵng có ba vị. Ban Giám đốc chỉ thâu nhận 15 vị đủ tiêu chuẩn nội trú, Giáo hội đài thọ tất cả.
Kết quả ghi nhận:
Tỷ kheo Giới Hương (đệ tử ôn Linh Mụ) Thủ khoa,
Sa di Chơn Tịnh (từ Ðại học Vạn Hạnh) thứ nhì,
Tỷ kheo Lưu Ðoan (Trúc Lâm) thứ ba,
Sa di Thiện Trì (Bình Ðịnh) thứ tư,
Tỷ kheo Lưu Ðức (Trúc Lâm) thứ năm,
Sa di Tín Nghĩa (Trúc Lâm) thứ sáu,
Tỷ kheo Huệ Ấn (Phổ Quang) thứ bảy,
Tỷ kheo Lưu Thanh (Trúc Lâm) thứ tám,
Sa di Tín Ðạo (Trúc Lâm) thứ chín,
Tỷ kheo Lương Phương (Phước Duyên), thứ mười,
Sa di Thiện Ðức (PHV Phổ đà – Ðà Nẵng) thứ mười một,
Tỷ kheo Toàn Châu (Diệu Ðế) thứ mười hai,
Sa di Phước Niệm (PHV Nha Trang) thứ mười ba,
Sa di Thanh Châu (PHV Phổ Ðà) thứ mười bốn,
Sa di Ðịnh Hương (Linh Mụ) thứ mười lăm.
Ban Giám đốc cứu xét cho một số vị được vào dự khuyết, vì số điểm tương đối khá cao gồm:
Tỷ kheo Lưu Huy (Trúc Lâm),
Sa di Tín Niệm (Trúc Lâm),
Tỷ kheo Liêm Chính (Thuyền Tôn),
Tỷ kheo Thuần Trực (Thuyền Tôn),
Sa di Tịnh Từ, bây giờ là Hòa thượng Viện trưởng Tu Viện Kim Sơn vì ra trễ, không dự được chương trình thi đúng kỳ, nên phải tạm thời ngoại trú và Ban Giám đốc đón nhận là một Tăng sinh ưu tú.
Sau ba tháng an cư kết hạ đã mãn, một số được chính thức trúng tuyển trong lớp chuyên khoa nội trú nầy không thể tiếp tục được, phải về lo cho chùa như quý thầy Lương Phương, thầy Huệ Ấn xin ra ngoại trú thầy Tín Ðạo, thầy Thiện Ðức và bản thân chúng tôi xin phép trở lại chùa để tiếp tục chương trình ngoại điển ban Tú tài. Hòa thượng Tịnh Từ và các vị dự khuyết được ban Giám đốc đưa vào chính thức.
Ban Giáo thọ gồm:
Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, (Linh Mụ), dạy Ðại luật và luật Trường hàng.
Hòa thượng Thích Mật Hiển, (Trúc Lâm), dạy kinh Pháp bảo đàn,
Hòa thượng Thích Mật Nguyện, (Linh Quang), dạy Bát thức quy củ tụng,
Hòa thượng Thích Thiện Siêu, (Từ Ðàm) dạy Duy thức Tam thập tụng,
Hòa thượng Thích Thiện Trí, (Hiếu Quang), dạy phương pháp cử hành Nghi lễ, thỉnh thoảng có Hòa thượng Chánh Pháp (Phổ Quang), dạy thêm,
Hòa thượng Thích Ðức Tâm, (Pháp Hải), dạy Nhị khóa hiệp giải,
Thượng tọa Thích Thiện Hạnh, (Bảo Quốc), giáo khoa Phổ thông,
Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, (Từ Ðàm), dạy triết đông và tây,
Thượng tọa Thích Hạnh Minh, (Từ Ðàm), dạy Văn chương,
Thượng tọa Thích Chánh Nguyên, (Thiên Hưng), dạy tán tụng,
Thượng tọa Thích Chơn Thức, (Tường Vân), dạy thực hành nghi lễ.
Trên đây là chương trình lúc ban đầu và chính bản thân chúng tôi có trực tiếp học tập và thu thập. Sau khi, tôi xin rời khóa học thì không biết thay đổi ra sao.
Ban Giám đốc gồm có:
Cố vấn : Hòa thượng Thích Ðôn Hậu,
Giám đốc : Hòa thượng Thích Mật Nguyện,
Phó Giám đốc : Hòa thượng Thích Thiện Siêu,
Tổng thư ký : Thượng tọa Thích Thiện Hạnh,
Thủ quỹ : Sư bà Thích nữ Diệu Không,
Phó thủ quỹ : Sư bà Thích nữ Thể Quán.
Kể từ ngày hai chúng tôi gặp nhau trong khóa học Chuyên khoa nội trú nầy, mỗi lần Bố tát tụng luật của giới phẩm Sa di, thì, chúng tôi thay phiên nhau làm chủ lễ. Vì hai chúng tôi là người thuộc luật tiểu Trường hàng nhất. Và, khi trùng tuyên Sa di Luật giải cũng tương đối thuộc loại khá., được Ôn Linh Mụ và Ôn Trúc Lâm cũng hài lòng, mỗi khi trùng tuyên, trả bài.
Sau thời gian người ở lại học, kẻ ra khỏi lớp học, mỗi người có một chương trình riêng, nhưng, mỗi nửa tháng chúng tôi lại gặp nhau để tụng luật trong suốt thời gian lớp Nội trú còn ở trường Linh quang. Vì Trụ sở đặt ở đây.
Tết Mậu thân (1968) xảy ra, lớp học ngưng một thời gian ngắn. Học Tăng có chùa ở Huế, tạm trở về để tu học ; quý vị xa xuôi, tạm trú ở Trúc lâm, dưới sự bảo bọc của Hòa thượng Bổn sư của chúng tôi.
Tiếng súng xảy ra ngày một khốc liệt. Trúc Lâm không thể là nơi an thân cho chư Tăng, nên Ngài quyết định di tản về vùng quê của Ngài để tránh làn mưa đạn của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đang xối xả để giải vây cho Cố đô Huế.
Một đoàn Tăng Ni của hai chùa Trúc Lâm, Hồng Ân và cọng thêm quý Học Tăng khóa Liểu Quán chạy bộ theo Ngài. Khi chạy băng ngay qua một chốt đồn lính Mỹ đóng gần trên chóp núi Thiên Thai thì cả đoàn bị chận lại.
Thầy Tịnh Từ có học một ít Anh ngữ đến tiếp chuyện với quân đội Mỹ. Hòa thượng thấy mấy vị lính Mỹ cùng nhau cười nói gì đó rất vui vẻ với thầy Tịnh Từ, Ngài thầm nghĩ thầy giỏi Anh văn, nên biểu nói với họ rằng:
- Chúng tôi là tu sĩ Phật giáo, chúng tôi chạy loạn để tránh bom đạn, chúng tôi không phải là những người làm chính trị - Tịnh Từ dịch đi.
Thầy Tịnh Từ chỉ tới nói vài chữ cho có lệ theo ý riêng của thầy rồi thôi. Bổn sư chúng tôi cũng thấy hai bên cười cười, nói nói và cũng vui vẻ với nhau như cũ. Ngài nói tiếp:
- Tịnh Từ, tới bảo với họ : Các ông phải nói với lính của các ông đừng bắn súng trên đoạn đường từ đây cho đến làng Giạ Lê gần đồn Phú Bài. Chúng tôi về đó, vì đó là nhà của chúng tôi.
Thầy Tịnh Từ chỉ biết vâng vâng dạ dạ. Vừa run vì sợ Ôn, mà cũng vừa tức cười và nghĩ thầm về sự thiệt thà, chất phát của Ôn. Nhưng cuối cùng cũng thuận buồm xuôi gió. Chuyến di tản không gặp trở ngại. Tất cả trên năm chục vị vừa Tăng vừa Ni lớn nhỏ, về ở tạm nhà tổ phụ của Hòa thượng và một số nhà bà con lối xóm gần đó.
Sau nầy, hai chúng tôi (Tịnh Từ và Tín Nghĩa) có dịp gần nhau, tôi cứ chọc thầy Tịnh Từ bằng những câu tiếu lâm là : Ngày ấy, Thầy học Anh ngữ lúc nào mà nói thông suốt, tụi Mỹ nó cười nói huyên thuyên, vui vẻ và mọi chuyện lại tốt đẹp như thế. Cả hai cùng cười, Thầy Tịnh Từ tiếp:
- Ôn tưởng mình giỏi, Ôn bảo nói, trong bụng thì run, biết gì nói nấy cho yên chuyện. Nhờ Tam bảo gia hộ nên mọi chuyện tốt đẹp.
Bây giờ, chúng tôi ghi lại những liên hệ đặc biệt giữa tôi và thầy Thiện Trì.
Số là hai chúng tôi thi đậu và vào chương trình đặc biệt nầy ngay từ đầu ; nhưng, cái gì cũng là nhơn duyên như đức Phật đã dạy.
Chúng điệu Trúc Lâm lúc bấy giờ không mấy đông. Những vị Sa di nồng cốt lo cho chùa thì không được là bao. Bản thân tôi tuy học hai chương trình, nhưng, những việc đồng áng, máy móc, ruộng vườn, thợ hồ, v..v... thì đều biết tương đối là khá nhất. Ai đã tu học ở Cố đô Huế cùng lứa, hoặc hơn kém tôi vào khoảng bốn hoặc năm năm đều biết rất rõ.
Ngay sau ngày 30 tháng tư – 1975, hai tu sĩ theo ghế nhà trường lái máy cày khá xuất sắc trong hàng Tăng sĩ, đó là Tăng sĩ Hải Ấn, bây giờ là Thượng tọa Thích Hải Ấn, đương kim Trú trì Tổ đình Từ Đàm và là Bác sĩ Y khoa, tốt nghiệp tạo Ðại học Y khoa Huế và Tăng sĩ Tín Nghĩa, khai sáng Tổ đình Từ Đàm Hải ngoại tại Dallas - Hoa kỳ.
Lúc đầu, chúng tôi thấy anh em trong chúng ai cũng nạp đơn dự thi, tôi và thầy Tín Ðạo xin ở nhà, thì Bổn sư la rầy. Nội tự có hơn mười vị kể cả các điệu nhỏ.
Ðến khi khóa thi tuyển nầy có kết quả, trúng cử vào khóa thì Tổ đình Trúc Lâm chiếm hết Năm vị, cọng thêm Hai vị dự khuyết cao là Tăng sinh Lưu Huy và Tín Niệm.
Hòa thượng Bổn sư thấy Tăng chúng đùng một cái, rời chùa hết ráo vào khóa nội trú, chỉ còn lại thầy cả (Bổn sư chúng tôi), sa di Lưu Hòa, Sa di Lưu Ðiền, Sa di Lưu Khánh và mấy chú tiểu. Mãn hạ xong, tôi và thầy Tín Ðạo xin về lại chùa tiếp tục chương trình ngoại điển và chỉ xin tham dự những môn chính đặc biệt về Luật tạng mà thôi. Ðược sư phụ chấp thuận.
Cũng trong thời gian ấy, các vị dự khuyết mà đặc biệt thầy Tịnh Từ ưu tiên được ban Giám đốc đưa thẳng vào Chính thức ngay từ ban đầu, nhưng chưa có phòng phải tạm trú tại chùa Hiếu Quang một thời gian. Sau nầy có thêm các Thầy như : Tịnh Diệu, Thiện Tường, Trừng Khiết, Trừng Thể, ... nữa.
Tôi tốt nghiệp xong chương trình Phổ thông thì đi theo ngành nhà giáo, thầy Thiện Trì tốt nghiệp khóa nầy thì được Giáo hội bổ nhiệm đi làm Giáo thọ sư để hướng dẫn Tăng Ni các Phật học viện.
Hoàn cảnh của đất nước đưa đẩy thân tôi nổi trôi ra hải ngoại thì may mắn gặp lại thầy Tịnh Từ, nên hằng năm đều có qua lại với Thầy để chung lo Phật sự với nhau trong khả năng khiêm tốn. Thỉnh thoảng thì cũng khêu lại cho nhau những mẫu chuyện tuy nhỏ nhiệm, nhưng đầy thiết cốt.
Ðược hai năm, thầy Thiện Tường qua định cư ở chùa Từ Quang (San Francisco, CA), rồi thầy Thiện Trì cũng qua sau đó vài tháng và đi thẳng về miền thủ phủ California, làm Giáo thọ vùng nầy, kiêm trú trì chùa Kim Quang cho đến ngày hầu Phật.
Riêng bốn vị Pháp lữ chúng tôi, không nhiều thì ít đã từng chung lớp chung trường, khi ra hải ngoại tôi cũng thuận duyên được gặp một vị Tăng khá đặc biệt, khả kính đối với tôi, mà đến mãi bây giờ tất cả những thâm tình đã, đang và sẽ sang sẻ cho nhau đó là Hòa thượng Thích Minh Ðạt, khai sáng chùa Quang Nghiêm ở Stockton, đương kim Giám luật miền Bắc California.
Ở hải ngoại chúng tôi có cơ hội gặp nhau, gần gũi nhau và cùng nhau trao đổi cũng như chung lo Phật sự.
Ðiều đặc biệt là Khóa Chuyên khoa Nội điển nầy tuy chúng tôi không cùng vào nhập học một lần, không cùng chung suốt một thời gian dài bốn năm, cũng như khi phân thân rãi thể để phục vụ Phật sự tại quê nhà, nhưng, ra đến hải ngoại lại gặp nhau và cùng nhau làm việc rất nhịp nhàng.
Năm chúng tôi gồm có : Thầy Thiện Trì, thầy Minh Ðạt, thầy Thiện Tường, thầy Tịnh Từ và tôi. Nay thì hai thầy Thiện Trì và Thiện Tường không còn ở Ta bà nữa, chúng tôi cũng đã đích thân làm sám chủ để phò Kim quan Hai Thầy về nơi Phật cảnh.
Hy vọng, khi tôi viết lên mấy giòng lưu niệm nầy, Hai Thầy chắc cũng mĩm cười và hoan hỷ nơi mùi hương tịnh độ.
Hai chúng tôi (Thiện Trì, Tín Nghĩa), đồng được tấn phong lên hàng giáo phẩm ngôi vị Thượng tọa tại Ðại giới đàn Thiện Hòa, được trang trọng tổ chức tại Phật Học Viện Quốc Tế, do cố Hòa thượng Thích Ðức Niệm làm Chánh chủ đàn ; chúng tôi đang cúc cung theo đường lối Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ chưa được hai nhiệm kỳ, Thầy thọ bệnh.
Ngày Thầy vào bệnh viện cấp cứu đầu tiên, sáng hôm sau là tôi đã có mặt ngay bên giường bệnh. Tôi đứng nhìn Thầy với một thân xác bất động, trên thân thể dây nhợ chằng chịt, thế nhưng, trên tay Thầy vẫn còn lần chuổi tràng hạt với bờ môi mấp máy niệm Phật Di Ðà. Ngày đến thăm Thầy ở bệnh viện, tối về chùa Kim Quang giảng giáo lý Vô thường cũng như hướng dẫn quần chúng Phật tử ở đây tụng kinh Phổ môn, để cầu nguyện cho Thầy cũng như tự cầu nguyện cho chính mình.
Và cứ thế, không một lần nào về miền Bắc California mà tôi không đến với Thầy ít nhất là hai tiếng đồng hồ. Khi thì cùng thầy Tịnh Từ, khi thì nhờ sư bà Nguyên Thanh lái xe đưa đến thăm. Có lần, tôi nhờ Sư bà Nguyên Thanh cùng một số Phật tử đưa tôi về thăm Thầy, khi đến, Thầy nằm bên trong bất động ; Sư bà cùng một số Phật tử thì đi kiếm thức ăn, vì đã một giờ rưởi trưa. Tôi đi quanh để tìm lối vào, tìm hoài không được, tôi bèn cạy cửa nơi hậu tổ để vào.
Bước vào phòng, Thầy la lên, đứng lại : C... C ..., tôi mới đi bậy, đừng vào mà nhớp. Căn phòng hôi hám. Tôi bật đèn lên và bước từ vào phòng của Thầy đang nằm. Cũng may là Sư bà và Phật tử cũng vừa về tới. Chúng tôi đích thân lo thu dọn để cho Thầy bớt ngửi những mùi xú uế ấy (Sư bà Nguyên Thanh còn có đó).
Ngày Thầy viên tịch, tuy tôi đang Phật sự tại thành phố Louisville, KY., sáng hôm sau là tôi tranh thủ về với Thầy khi nhục thân quàng ở Kim Quang và cùng chung lo Tang lễ với Giáo hội với chư Tôn đức miền Bắc California.
Tôi lấy làm cảm động nhất, trước giờ phút tôi đứng bên kim quan của Thầy mà nhớ lại đoạn phim của Thầy đang là thân bệnh trên chiếc xe lăn mà vẫn về dự Ðại hội thường niên và ngày Ðại lễ Khánh thành Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại được trang trọng tổ chức vào các ngày 09, 10 và 11 tháng 10 năm 1998 tại Dallas, tiểu bang Texas. Thân bệnh mà tinh thần rất minh mẫn. Lúc nào vẫn vui cười và thỉnh thoảng có những mẫu chuyện vui vui tiếu tiếu đầy thiền vị, làm chư Tăng và Phật tử rất hoan hỷ.
Tối lễ Tịch điện, chư Tôn đức Tăng ni và Phật tử vân tập lễ đài, trước di ảnh của Thầy để quý vị Trưởng lão trong quý giáo hội, môn phái, pháp phái, môn đồ pháp quyến xuất gia, tại gia có đôi lời tiễn biệt. Tất cả những lời giả biệt, quý Ngài, quý vị nào cũng chân tình và cũng cảm động. Ðặc biệt là lời của thầy Minh Ðạt. Tối nầy không có sự hiện diện của Thầy Tịnh Từ. Thầy Minh Ðạt nói :
- Tối hôm nay vắng thầy Tịnh Từ, không biết tại sao ?
Ngày thiên di kim quan đến nơi làm lễ trà tỳ, chư Tôn đức Tăng ni và Phật tử rất đông đúc. Phò kim quan của Thầy, hai bên có sáu vị, tôi phía trước, thầy Minh Ðạt phía sau kim quan đưa lên tận xe. Tôi từ giả thầy Thiện Trì trong giây phút ấy. Giờ làm lễ hỏa táng không có tôi tham dự. Ngày Chung thất, Bách nhật, phần xa xôi, phần đơn chiết, phần Phật sự đa đoan nên không thể có mặt để góp lời cầu nguyện cũng như thắp nén hương lòng trước long vị của Thầy.
Nay, nhân ngày Tiểu tường, tôi viết đôi lời tâm tình, tạm gọi là tôi chấp tay cầu nguyện ; đồng thời, góp một giòng chữ lưu niệm trong cuốn Kỷ Yếu về Tang lễ của Thầy.
Hai khung trời cách biệt, kính mong Giác linh Thầy chứng giám và mĩm cười nơi đóa hoa tinh khôi ở cảnh giới thượng phẩm.
Kính,
Cố tri, đồng sự Pháp lữ
Hiện Tình Phật Giáo Việt Nam. Thích Tín Nghĩa
Chú Đại Bi Lược Giải . Thích Tín Nghĩa
Cốt Tủy Nghi Lễ Phật Giáo . Thích Tín Nghĩa
Từ Đàm Quốc Nội Quốc Ngoại . Thích Tín Nghĩa
Trúc Lâm Thiền Phái Tại Huế . Thích Tín Nghĩa
Nghi Thức Chẩn Tế Cô Hồn . Thích Tín Nghĩa
Hiền Lương Chí Lược Tân Biên . Thích Tín Nghĩa
Thiền Môn Văn Điệp (Hán Văn) . Thích Tín Nghĩa
Kỷ Yếu Khánh Thành và Đại Hội. Tín Nghĩa
Kỷ Yếu Tổng Vụ Cư Sĩ. Tín Nghĩa
Tưởng Niệm Ôn Mật Hiển. Tín Nghĩa
Trúc Lâm Thiền Phái Thi Tập. Thích Tín Nghĩa
Nghi Thức Tụng Niệm Đặc Biệt . Thích Tín Nghĩa
Nghi Thức Phổ Thông. Tín Nghĩa
Nhơn quả. Thích Tín Nghĩa
Tổ Liễu Quán. Thích Tín Nghĩa
Ba ngày rằm. Thích Tín Nghĩa
Tách trà còn nóng. Thích Tín Nghĩa
Đạt Ma Huyền Trang. Thích Tín Nghĩa
Pháp khí và Pháp phục. Thích Tín Nghĩa
Những Bước Chân Đi Qua. Thích Tín Nghĩa
Vulan nghĩ về Đấng Sinh Thành Thích Tín Nghĩa
Tình pháp lữ giữa tôi và HT Thiện Trì. Thích Tín Nghĩa
Những kỷ niệm với HT Thích Đức Niệm. Thích Tín Nghĩa
45 Ngày Du Hóa Âu Châu. Thích Tín Nghĩa
Ảnh Hưởng Thiền với Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam. Thích Tín Nghĩa
Những Dấu Mốc Trong Hơn Nửa Thế Kỷ Qua. Thích Tín Nghĩa
Mấy Mùa AN CƯ . Thích Tín Nghĩa
Một Kỷ Niệm Khó Quên Với, Ôn Huyền Quang . Hậu học, Thích Tín Nghĩa
Ôn Già Lam . Điều Ngự Tử, Thích Tín Nghĩa
Hình ảnh, Thích Tín Nghĩa
An Cư là Một Tuyệt Tác của Tăng Già Hòa Hợp và Thanh Tịnh Điều Ngự Tử, Thích Tín Nghĩa
Chiếc Xe Đạp - Điều ngự tử Tín Nghĩa
TU - Điều ngự tử Tín Nghĩa
Kỷ Yếu Cư Sĩ và Sự Thật Vùng Đất La Vang Điều ngự tử Thích Tín Nghĩa
Những Vần Thơ Xuân Điều ngự tử Thích Tín Nghĩa
Những Tác Phẩm Điều ngự tử Thích Tín Nghĩa
Nguồn Gốc Về Nguồn Thích Tín Nghĩa
Vu Lan nhớ về : Thần Lực Chúng An Cư Thích Tín Nghĩa
Tình Pháp Lữ : TÍN NGHĨA - TRÍ HIỀN :Thích Tín Nghĩa
Lần Đầu Tiên Đến Xứ Úc: Điều Ngự Tử Tín Nghĩa
Bóng Thời Gian: Điều Ngự Tử Tín Nghĩa
Hòa Thượng Xe Bus: Điều Ngự Tử Tín Nghĩa
Một Chữ: Điều Ngự Tử Tín Nghĩa