Vu Lan Thắng Hội tại Từ Đàm

01 giờ30 chiều Chủ nhật, ngày 18 tháng 08 - 2024,

Xem tiếp...
<November 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Tiểu Sử Thiền Sử Thích Mật Hiển
Tác giả: Điều Ngự Tử TÍN NGHĨA

TIỂU SỬ THIỀN SỬ
THÍCH MẬT HIỂN (*)

          Phần Tiểu sử và Hành trạng đặc biệt nầy, người viết đã in thành sách một lần, được gởi về tận tay để Ngài đọc trước và đã được Ngài phê chuẩn rồi - Sau đó, Ngài Viên tịch, người viết y theo lời dạy của Ngài mà in lại một lần nữa thành sách và cũng đã được độc giả bốn phương đọc ở trên trang nhà :

 http://www.todinhtudamhaingoai.net/

          chỉ có thêm một vài nét được rút gọn trong phần Tang lễ của Ngài. Do vậy mà, người Chủ trương cho in lên phần đầu của Kỷ Yếu này ;  còn có thêm một bài Tiểu sử từ quê nhà gởi ra, nếu được in, thì cũng chỉ được in thêm vào sau cuốn Kỷ Yếu nầy như là một phần bổ khuyết mà thôi.

1.- Thân Thế :

Hòa thượng họ Nguyễn Duy húy là Quảng.

          Thọ sanh dưới triều Nguyễn, đời vua Duy Tân năm thứ ba, ngày 04 tháng 03 năm 1907 (tức nhằm ngày Nhâm Tý 20 tháng Giêng năm Đinh Mùi theo lịch vạn niên), tại làng Gịa Lê Thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Một làng chạy dọc theo dãy Trường Sơn và quốc lộ số Một, nhưng có một đồng ruộng phì nhiêu nổi tiếng nhất ở Hương Thủy.

          Thân phụ là cụ Nguyễn Duy Bút, một bậc thâm nho lại có nghiên cứu về Phật học, đạo đức, khi xả báo thân thọ 93 tuổi.

          Thân mẫu là bậc mẫu nghi hiền hòa, hiếu đạo. Nhờ phúc ấm ấy mà ngài đã sớm xuất gia, tầm sư phỏng đạo.

          Lên năm tuổi, ngài được theo Nho học và Phật học với phụ thân.

          Năm Giáp Dần (1914), được bảy tuổi liền đầu sư với tổ Giác Tiên tại Tổ đình Trúc Lâm.

2.-  Sự Nghiệp Tu Học :

          Với bẩm chất thông minh, ngài học kinh điển rất nhậm lẹ. Thời công phu mà chúng tăng thường tụng mỗi buổi sáng, ngài chỉ học trong một tuần là thuộc nằm lòng. Sư phụ cũng hài lòng mà chúng lý ai ai cũng nể phục. Chuyên tinh học hành kinh, luật và luận với sư phụ suốt bảy năm liền.

          Năm Tân Dậu (1921), nhơn cậu Hoàng Cả (tức vua Khải Định khi chưa tức vị), lên chùa lạy Phật và viếng cảnh, nhận thấy ngài thông minh đỉnh ngộ, cậu Hoàng Cả bèn xin tổ Giác Tiên cho đưa vào hoàng cung để đào tạo thêm phần Nho học. Nhưng vì quyết chí học đạo giải thoát, chí xuất trần quá mạnh, ngài chỉ ở trong hoàng cung, nội phủ vỏn vẹn một năm rồi cũng xin trở lại chùa cùng sư phụ.

          Năm Nhâm Tuất (1922), lên 15 tuổi, được bổn sư cho đăng đàn thọ Sa di Thập giới tại Đại giới đàn Từ Hiếu.

Pháp danh :                  Tâm Hương

Pháp tự :                        Mật Hiển

Thuộc giòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 43.

          Với đạo hạnh và uy đức ấy, bổn sư cho ngài ra đảm nhiệm việc sơn môn để phát huy đạo pháp trong thập niên đang chấn hưng Phật giáo tại miền Trung, mặc dầu trong lúc này ngài chưa thọ Cụ túc giới.

          Năm Ất Sửu (1927), vừa tròn 20 tuổi, ngài thọ giáo Mật tông với một vị Pháp sư người Tây Tạng tại nhà ông Lương Tế Xuyên, ở Quảng Nam (bây giờ là tòa Hành Chánh của thị xã Đà Nẵng). Theo học được hai năm, trong chuyến về thăm chùa và sư phụ, ngài định muốn sang tận Trung hoa để học thêm Mật tông và có cơ hội nghiên cứu thêm giáo lý Phật đà, thì Tổ bảo ở nhà để cùng sơn môn chung lo công cuộc chấn hưng Phật giáo đang còn phôi thai, cán bộ thì hiếm hoi, cuối cùng ngài đành phải vâng lời và ở nhà lo Phật sự.
          Lớp Đại học Phật giáo đầu tiên được mở tại Trúc Lâm, sau đó dời qua Tổ đình Tây Thiên, ngài đã theo học hết tất cả những chương trình một cách rốt ráo và trọn vẹn. Bẩm chất thông minh nên ban Giảng huấn vô cùng thương mến. Đặc biệt Hòa thượng Giám đốc Quốc sư Phước Huệ thường tấm tắc khen thầm trong lúc chấm bài nộp quyển của ngài cũng như khi đang giảng dạy tại lớp.

          Hòa thượng Phước Huệ vì tuổi già sức yếu, vã lại, cán bộ của đạo lúc này cũng tương đối vững mạnh, ngài trở về lại Tổ đình Thập Tháp (Bình Định). Trước khi trở về, đức Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại) có thưa hỏi lên ngài Phước Huệ như sau :

          -. “Sau khi Hòa thượng về rồi, chúng con muốn học thêm giáo lý, kinh điển thì biết làm sao ?”.

Hòa thượng hoan hỉ trả lời :

          -. “Sau này quý vị nào muốn học thêm kinh điển thì nên theo học với chú Hiển (tức Hòa thượng Thích Mật Hiển bây giờ).

          Cũng chính từ lời dạy ấy của Hòa thượng Phước Huệ, mà năm Đinh Sửu (1937), vua Khải Định và đức Từ Cung đã cung thỉnh ngài về cung An Định ở An Cựu để hướng dẫn kinh điển cho Nguyễn Phước tộc.

          Vì hoàn cảnh của đất nước trong thời tao loạn do thực dân Pháp chiếm giữ làm thuộc địa, việc đi lại ngày càng thêm khó khăn, mọi sinh hoạt từ chốn thiền môn ra đến dân dã cũng đều bị đình trệ.

          Năm Bính Tý (1936), vừa đúng 29 tuổi mới có Đại giới đàn mở tại Bình Định, ngài được đăng đàn cầu thọ. Ngài thọ Tỳ kheo và Bồ tát giới do ngài Phước Huệ làm Đàn đầu, đổ Thủ khoa, được chư vị Trưởng lão trong đàn giới truyền trao Y bát và Tích trượng.

Tổ Giác Tiên cũng truyền kệ phú pháp như sau :

Tâm Hương (*) pháp giới huân,       心 香 法 界 薰
Xứ xứ kết tường vân,                      處 處 結 祥 雲
Phú nhữ tâm hương tánh,                  付 汝 心 香 性
Cừ kim chánh thị quân.                    
渠 今 正 是 君

          (*) Tâm Hương là Pháp danh của ngài Mật Hiển. Căn cứ vào Pháp danh để Tổ đặt kệ phú pháp.

3.- Ảnh Hưởng Của Ngài Đối Với Đạo :

Ngài là một trong bảy vị giảng sư đầu tiên “Cốt Tủy Nghi Lễ Phật Giáo”.

          Năm Kỷ Mão (1939) được bộ Lễ và Sơn môn cung thỉnh chức vị Trú trì quốc tự Thánh Duyên (tức chùa Túy Vân tại quận Vĩnh Lộc bây giờ).

          Năm Nhâm Ngọ (1942), ngài đứng ra vận động chư Tôn đức Tăng già để mở Đại giới đàn tại Tổ đình Thuyền Tôn. Thiền sư Mật Thể và Sư bà Diệu Không đắc giới ở Đại giới đàn này.

          Năm 1949-1951, vì nhu cầu hoằng truyền giới pháp, ngài phải vào tận Sa Đéc để giảng dạy kinh điển cho Tăng Ni ở đây. Có đến 106 vị theo học với ngài trong thời gian này. Trong số 106 vị ấy, có vị là cán bộ cao cấp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bây giờ, và, Sư bà Thích nữ Viên Minh, đương kim Viện chủ Hồng Ân Ni tự, cách Tổ đình Trúc Lâm 500m, cũng đã theo học khóa nầy. (trước 30 tháng Tư - 1975).

          Năm 1953 - 1955, Sơn môn Tăng già cung thỉnh ngài đảm nhận chức Tổng trị sự Tăng già Trung Việt.

          Năm Bính Thân (1956), ngài đại diện Giáo hội và chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa đi dự Đại lễ Phật đản tại Đông Hồi. Nhân dịp này, ngài đã được đi chiêm bái, thăm viếng các Phật tích, chùa chiền, thắng cảnh của các nước Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện và Ai Lao … Khi trở về, ngài có thuật lại chuyến đi này bằng một tác phẩm nhỏ Phật Đản Đông Hồi

          (Năm 1965, người viết có đọc được một lần, Tết Mậu Thân (1968), chùa chiền bị hư hại, nên tác phẩm này cũng tan nát theo tủ kinh sách của người viết).

          Năm Kỷ Hợi (1959), Giáo hội và chính phủ cử đi dự Đại hội Hòa bình thế giới tại Nhật Bản. Ở đây Ngài đã tham dự Đại lễ Phật đản, sau khi về nước Ngài có thuật lại một bài viết ở Tập San Liên Hoa vào mùa Đản sanh 2503 -1959. (Xin quý độc giả đón đọc ở phần cuối của bài nầy).

          Kể từ năm 1962 trở về sau này, ngài là vị Đặc ủy Tăng sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngài cũng là vị Giám luật của Tăng Ni bản tỉnh.

          Năm Quý Mão (1963), ngài là Trưởng ban tổ chức Đại lễ Phật Đản 2507 tại Thừa Thiên. Cũng trong mùa Phật Đản lịch sử này đã mở ra một trang sử mới cho Phật giáo là xóa tan Dụ số 10 mà nhà Ngô Đình đã lợi dụng để tận dụng trong thời gian cầm quyền đàn áp Phật giáo cũng như các giáo phái và đảng phái chân chính khác.

          Sau ngày Cách mạng 01-11-1963 thành công, Giáo hội đi đến vấn đề thống nhất các giáo phái Phật giáo ; Hòa thượng Đôn Hậu là Trưởng phái đoàn miền Vạn Hạnh, ngài là Trưởng phái đoàn Thừa Thiên - Huế.

          Ngài cùng với quý Hòa thượng Thiện Hòa, Trí Thủ đứng ra thành lập Ban bảo trợ cho các Phật học đường trên toàn miền Nam Việt Nam.

          Năm Ất Tỵ (1965), là Đệ tứ Tôn chứng sư Đại giới đàn Vạn Hạnh tại Tổ đình Từ Hiếu  (Hòa thượng Trí Chơn, Phó chủ tịch Giáo Hội PGVN Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ đắc giới ở giới đàn này).

          Năm Đinh Mùi (1967), ngài cùng quý Hòa thượng Đôn Hậu, Mật Nguyện và Thiện Siêu đứng ra mở lớp Chuyên khoa Phật học nội trú bốn năm tại Tổ đình Linh Quang
(Ở hải ngoại hiện đang hành hóa Phật pháp có các vị như : Thượng tọa Thích Tín Nghĩa khai sáng Tổ đình Từ Đàm Hải Ngoại tại Dallas, tiểu bang Texas, Thượng tọa Thích Tịnh Từ khai sáng kiêm Viện trưởng Tu viện Kim Sơn, thành phố Watsonville, tiểu bang California, Thượng tọa Thích Thiện Trì tọa chủ chùa Kim Quang tại thành phố Sacto, CA, đều xuất thân từ khóa này).

          Năm Mậu Thân (1968), được Hội đồng viện Tăng Thống suy cử lên ngôi vị Hòa Thượng để tán dương công hạnh tu niệm và hành đạo của ngài. Và, cũng trong năm này, ngài là Giáo thọ A xà lê sư cho Đại giới đàn mở ra tại Phật học viện Hải Đức, Nha trang.

          Năm Canh Tuất (1970), làm Giáo thọ A xà lê sư tại Đại giới đàn Vĩnh Gia, tổ chức tại Phật học viện Phổ Đà, Đà Nẵng.

Năm Nhâm Tý (1972), làm Giáo thọ A xà lê sư cho giới đàn Bảo Quốc.

Năm Quý Sửu (1973), ngài được suy cử vào Hội đồng viện Tăng Thống.

          Trong lúc này, Hòa thượng Mật Nguyện, pháp đệ của ngài vừa viên tịch, ngài lại phải nhiếp hóa Tăng chúng của Linh Quang nữa.

          Cũng trong năm 1973, Hội đồng lưỡng viện cung thỉnh ngài vào ngôi vị Giám luật cho Tăng tín đồ toàn quốc.

Năm Ất Mão (1975), làm Giáo thọ A xà lê sư cho giới đàn Bảo Quốc.

          Hiện tại (kể từ năm 1978 đến ngày viên tịch), ngài là Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

          Tháng Tư - 1975, tinh thần dân chúng miền Nam Việt Nam, trong đó có Giáo hội Phật giáo chịu không biết bao nhiêu là thống khổ dưới mọi hình thức ; đứng trước mối gian nguy ấy, ngài phải đứng chịu mũi cắm sào để xử thế với thời cuộc. Không những Ngài chỉ lo cho Đạo pháp mà còn lo cho cả Đại khối dân tộc nữa.

          Trong những biến chuyển của lịch sử Đạo cũng như Đời, kể từ Nhật, Pháp thuộc, Đệ nhất, Đệ nhị Cộng Hòa và giai đoạn chuyển tiếp từ năm 1975 về sau này nữa, không lúc nào mà Ngài không dấn thân để lèo lái vận mệnh Giáo hội từ Trung ương cho đến địa phương.

          Hình ảnh của Ngài trong các Đại hội GHPGVNTN kỳ 5, kỳ 6, và kỳ 7; nếu không có ngài trong Đại hội, thì chúng ta cũng thừa biết rằng :  Đại hội khó đi đến thành công.

          (Những ai đã biết đến ngài, những ai đã từng thọ giáo với ngài hay đã từng tham gia Giáo hội các cấp, có tham dự các Đại hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Trung ương thì rõ ràng nhất).

          Tiếng nói và hình ảnh của ngài cũng đủ để cho lòng người bớt tham, sân, và si. Cuộc đời ngài là bóng mát từ bi. Đúng là bậc danh tăng, thiền đức. Xứng đáng với các đức tính Đại hùng, Đại lực, Đại trí và Đại từ bi.
Ngài thường dạy đồ chúng sống theo hạnh của ngài Bách Trượng thiền sư là :

-. “Nhất nhật bất tác nhất nhật bất thực”.

Nghĩa là :
-. Một ngày không làm là một ngày không được ăn.

          Đệ tử của ngài dù có theo tân học, nhưng vẫn sống đúng theo quy củ thiền môn như ngài đã dạy. Đặc biệt Tổ đình Trúc Lâm sống theo nông thuyền dù bất cứ chế độ nào.

          Những ai đã được tôi luyện ở chốn già lam Trúc Lâm, ít ra cũng có được một số kiến thức căn bản về Phật pháp, đạo hạnh để tự tu niệm và hành trì.

          Hiện thân của ngài cùng với cảnh trí thiền viện Trúc Lâm, thật xứng đáng :

          -. “Y Bát mai sau, truyền gốc đạo,
          -. Tre già, măng mọc ngắm càng xinh …”
(*)  * (Đoàn Lục Quán)

          Cuộc đời ngài luôn luôn gắn liền với Đạo pháp và Dân tộc. Không lúc nào mà ngài không lo nghĩ và để tâm cho Tăng Ni và quần chúng Phật tử cũng như đồng bào.

          Bẩm tính cương trực, vừa mật cũng vừa hiển, phù hợp với đạo hiệu của Ngài. Sư bà Diệu Không đã tặng ngài một bài thơ đúng với Pháp hiệu, bẩm tánh và hạnh nguyện của ngài như sau :

Hòa thượng kim triêu ngoại thất tuần,
Hoa niên xuất tục thậm gian truân,
Trực tâm nhất niệm kinh thường diễn,
Phật tánh viên dung luận quán quân.
MẬT tại ý trung vô trú trước,
HIỂN ư tướng ngoại hữu nghiêm huân,
Đồng trần ly nhiễm nan tư nghị,
Huấn thị ban truyền đại chúng tuân.

       Diệu Không - Giáp Dần - 1975

          Và cụ Đoàn Lục Quán cũng biết về hạnh nguyện và bẩm tánh của ngài nên cũng đề thơ tặng như sau :

Mật Hiển thanh niên tánh hiếu kỳ,
Thâm uyên nguyệt tại thiểu nhân tri,
Đáo giả ân cần chơn Phật tử,
Lai sanh đương kế cửu liên trì.
   Đoàn Lục Quán

          Trước cảnh Đạo pháp đang gặp phải lắm đau thương, Dân tộc thì lâm vào cảnh lầm than khốn khổ ; Tăng Ni thì bị đày xa xứ, kẻ thì tù tội không có ngày về, hằng ngày Ngài cứ than dài thở vắn cho tình đời nghĩa đạo. Một ngày như mọi ngày, với tuổi đời ngoài tám mươi mà vẫn kéo bộ cái thân già ốm yếu ra tận văn phòng Giáo hội để làm điểm tựa và niềm tin cho Tăng Ni tín đồ bản tỉnh, nhất là lớp Tăng Ni trẻ tuổi có tâm đạo nhiệt thành, một lòng dĩ chí phụng đạo.

          4.- Những Ngày Cuối Cùng :

          Đầu Xuân năm Nhâm Thân (1992), ngài như có linh cảm cho sự ra đi của mình, nên trong ngày húy nhật của đấng thân sinh, ngài đã về quê thăm viếng mộ phần của Tổ tiên lần cuối cùng những nấm mồ quý kính.

          Cũng trong dịp tết Nhâm thân này, chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni trong Ban Trị sự đã đến Tổ đình Trúc Lâm để đảnh lễ và chúc thọ ngài. Khác hẳn những năm trước, năm nay, ngài đã dạy Tăng chúng Trúc Lâm lạy đáp lễ Ban Trị sự, rồi ngài ân cần khuyên nhủ với giọng nghiêm và buồn làm sao, như là những lời di huấn tối hậu :

        “… Tôi cám ơn quý Thầy. Trong năm qua, quý Thầy đã cùng tôi chung lo việc Giáo hội, tuy có nhiều cực nhọc, song cũng có nhiều kết quả tốt. Tôi thiết tha mong mỏi quý Thầy hãy thương mến, hòa hợp với nhau để chung lo Phật sự ; thấy thành công quý Thầy đừng kiêu hãnh, thấy khó khăn cũng đừng nản lòng. Hãy lấy xả lợi làm vinh hoa, lấy khó khăn làm sự tác thành. Có như vậy, quý Thầy mới thành tựu đạo nghiệp chí thượng, ngõ hầu báo đáp được thâm ân Phật Tổ và không bội phản hạnh nguyện nhập thế, xuất trần của mình …”

          Sau đó, Ngài lần lượt đi thăm các bậc Tôn túc trong Giáo hội, chiêm bái các Tổ đình, khuyên dạy và nhắc nhủ chư Tăng Ni và đồ chúng cố gắng tinh cần tu học, phục vụ chánh pháp, lợi lạc quần sanh.

          Ngài vừa đứng ra nhận lãnh trách nhiệm Trưởng ban tổ chức tang lễ cho cố Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh thư ký xử lý viện Tăng Thống mới viên tịch trong ngày 23 tháng 04 năm 1992 ; tang lễ vừa xong, Ngài thọ bệnh.

          Ngày 15-05-1992 (tức ngày 13 tháng Tư năm Nhâm Thân), Giáo hội Thừa Thiên cử một Ban Đại diện gồm chư Tôn túc trong Giáo hội vào vấn an ngài và cũng để trình ngài hay là : Giáo hội sẽ trang trọng cử hành Đại lễ Phật đản 2536 tại Từ Đàm đúng vào lúc 9 giờ sáng ngày Rằm ; đồng thời thỉnh ngài chứng minh tinh thần cho ngày đại lễ.

Hàng Giáo phẩm trong Giáo hội đứng chung quanh ngài, thưa hỏi :

-. Ôn có mệt lắm không ?

Ngài trả lời :


          -. Tôi tuy trong người có mệt, nhưng, các Thầy cứ yên tâm lo lễ Phật Đản, xong lễ tôi mới đi.

          Thật là một lời dạy vô cùng quý giá, ngài đã biết trước giờ viên tịch, chọn ngày Phật Đản và đợi cho lễ Phóng sanh đăng trên dòng Hương Giang hoàn tất, kết thúc chương trình tuần lễ Đản Sanh của đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni.

          Đúng vào lúc 21 giờ 40’, ngày Rằm tháng Tư năm Nhâm Thân  (tức Chủ nhật, ngày 17 tháng 05 năm 1992), ngài xả báo thân để về cõi tịnh giữa tiếng tụng kinh niệm Phật của Hòa thượng Thiện Siêu và đông đủ chư Tăng Ni trong Ban trị sự cùng môn đồ tứ chúng. Ngài hầu Phật đúng ngày trăng tròn đức Phật thị hiện Đản Sanh.

          Lễ nhập tháp vào ngày 22 tháng Tư, (tức Chủ nhật, ngày 24 tháng 05 năm 1992).

          Ngài thọ thế 86 tuổi. Suốt 79 năm liền ngài ở tại Trúc Lâm Đại Thánh tự, hạ lạp 57 tuổi đạo.

          Tóm lại, cuộc đời của Hòa thượng Thích Mật Hiển đối với đạo là :
Một cuốn Trường hàng Tỳ ni Nhật dụng .
Đối với dân tộc là một trang sử vàng son cho những ai muốn làm Cách mạng, nhất là cách mạng bản thân.

Mặc dầu ngài đã chọn con đường đi và ở đúng với Phật pháp là :

-. “Sanh nhi bất sanh, tích Thế tôn Sa la song thọ thị hiện Niết bàn,
Tử nhi bất tử, tằng Đạt mạ chích lý Tây quy”.

Và cũng thuận thế gian :

Sanh viết ký như tử viết quy,
nghĩa là :
Sống gởi thác về.

          Nhưng than ôi ! Là con người, là chúng sanh thì không ai mà không đau lòng xót dạ, không ai mà không khỏi ngậm ngùi rơi lệ vì :

          Trước cảnh dầu sôi lửa bỏng về thời cuộc của Dân tộc và Đạo pháp trong hiện tại, thì Ngài từ giả tất cả.

          Sự ra đi của ngài là một mất mát lớn lao không những chỉ cho Giáo hội mà còn chung cho cả đại khối dân tộc, đặc biệt là miền Trung và Cố đô Huế.

          Rất khó mà có được một vị thứ hai như ngài có cùng một tấm thân, một bẩm tính vừa nhu, vừa cương vừa hiển lại vừa mật để đứng ra lo giềng mối, kỷ cương cho lớp Tăng Ni hậu tấn ; làm trụ côt chính để gánh vác hai mặt Đời và Đạo.

          Mặc dầu ngài đã rủ áo, buông tay đi vào cõi vô sanh diệt ; nhưng đạo phong, âm ba của ngài vẫn còn vang vọng mãi mãi trong lòng Tăng Ni và Tín đồ Phật giáo cũng như quê hương cẩm tú Việt Nam. Hậu bối và là đệ tử của ngài (người viết và là đệ tử trực tiếp của Ngài) xin mạo muội cúng dường câu đối :

          *.- MẬT (*) tại ý trung, thiền đăng tục diệm ư chánh nhơn, tác tòng lâm chi mô phạm,

     +.- 密 在 意 中, 禪 燈 續 燄 於 正 因, 作 叢 林 之 模 範.
          *.- HIỂN (*) ư tướng ngoại, tổ ấn cao quang ư thục quả, vi tứ chúng chi chiêm y.

     +.- 顯 於 相 外, 祖 印 高 光 於 續 果, 為 四 眾 之 瞻 依.
          (*) Hai chữ đầu viết hoa là Pháp hiệu của ngài, là bổn sư của người viết.

          Trong tang lễ của cố Đại lão Hòa thượng chư Tăng Ni và Phật tử toàn quốc về tham dự cúng dường cả hàng trăm bức liễng, đối và vòng hoa. Đại để là những câu được rút ra từ kinh Phật.

          Tuy thế, cũng có một số câu hoặc bài thơ đặc biệt nói lên sự thương tiếc và uy đức tu niệm cao diệu của ngài.

Thầy Tâm Chơn, hậu duệ của ngài Hồng Khê cúng dường câu đối :

*.- MẬT hạnh dụng thần lợi nhân lợi vật ly trước tướng,
*.- HIỂN công viên tựu đương quán đương chỉ ứng thiền cơ .

Chư Tăng và Phật tử chùa Hải Quang, Sài Gòn cúng dường bức liễng bốn chữ 

-. Tạc Dạ Chi Mai

Trường Cao cấp Phật học cúng bốn chữ :

-. Phật Pháp Đống Lương

Khuôn Giáo hội Lương Quán cúng bốn chữ :

-. Sơn Hà Bi Lệ .

Ngài Thích Thiện Trí và chúng Hiếu Quang cúng dường câu :

*.- Chiên đàn hương phong ly đẳng Chúng,
*.- Trúc Lâm hoa vũ ức cao Tăng.

Hòa thượng Thích Trí Quang dạy :

          -. Mật hạnh của ngài, chúng ta không thể tư nghì, mà chỉ có Phật và Bồ Tát mới hiểu được nên Hòa thượng cúng dường câu :

“ Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật ”.

          Đặc biệt Thượng tọa Viên Minh và môn đồ chùa Huyền Không cùng quý vị ký tên đã cúng điếu cũng như khóc thương về ngài bằng những vần thơ :

Thiên cổ lung linh ngọn nến hồng,
Người đi sương nước lệ ngàn không,
Kim Cương, bút phất tờ mây trắng,
Viên Giác, trăng treo vạt áo sồng.
Bỏ bến, thung dung thuyền mật độ,
Vào đời, thanh thản gót chơn tông,
Thiên nhiên, khí tiết bừng trăm trượng,
Hạo hạo, nghi dung ngút vạn tòng.
Hiên lặng, cỏ rền – thơ nở chữ,
Tháp nghèo, sỏi đá - đạo đơm bông,
Trường giang, nhạn quá tâm lưu phụng,
Rừng Trúc, non linh tuệ nhật đồng.

                                    Mùa Phật Đản 2536 – chùa Huyền Không cẩn bút.

Bài dưới đây không nhận được quý danh với bài thơ :

     Hương Từ Rừng Trúc

Đầu đà giới hạnh nghiêm thông,
Đạo phong cao ngất, trăng rằm trời thu.
Viên dung Phước Huệ song tu,
Ngàn năm còn thoảng Hương Từ Trúc Lâm.

         Khóc Thầy

Nhớ thương, thương nhớ nỗi đầy vơi,
Rừng Trúc từ nay vắng bóng Người,
Tiếng ngọc Niết Bàn là ngọn sóng,
Trang kinh Bát Nhã sạch hiên đời.
An nhiên my khép bờ hư ảo,
Thanh tịnh trăng chìm cánh viễn khơi.
Dâng nén trầm hương dâng khói tỏa,
Nhớ thương, thương nhớ nỗi đầy vơi.
                                                               Ngọc Quế

*

*     *

         Tiễn Biệt

Vầng trăng soi sáng dặm trường,
Người đi để lại tình thương vô bờ.
Mây sầu giăng kín hồn thơ,
Trúc Lâm vắng bóng Ôn, chừ buồn tênh.
Trăm năm giấc mộng vô tình,
Người đi, con ngỡ dáng hình còn đây.
Cuộc đời đạo hạnh cao dày,
Uy nghiêm phước tướng, tỏa đầy thiền môn.   Tuệ Tâm

          Từ nơi vùng trời xa thẳm, cách quê hương mến yêu bằng nửa quả đất, vọng về Tổ đình Trúc Lâm dâng nén tâm hương và cúng dường một vài tâm sự lên Sư Phụ, tỏ tất dạ bùi ngùi với những Cảm niệm mộc mạc. Mặc dầu trước khi ra đi cũng đã được hầu cận bên Ngài, đảnh lễ, tâm sự và được Ngài chứng minh cho.

          Mùa Phật đản nầy (1993), Ngài rũ áo ra đi, để lại bao nhiêu thương cảm riêng đối với hàng hậu học xuất gia cũng như tại gia ở Hải ngoại nói chung và Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại nói riêng ; mùa hoa Ưu Đàm nở cũng là ngày Sư Phụ ngồi lên đài sen ở cảnh giới Di Đà tịnh độ. Đệ tử tỏ tấc dạ như sau trước linh đài của Ngài :

Cảm Niệm Sư Phụ

Tín Nghĩa

Giạ lê, đất Hương thủy,
Đầu thế kỷ hai mươi,
Họ Nguyễn duy hoan hỷ,
Sanh hạ được một Người.

Xuất gia sáu tuổi rưởi,
Đầu sư tổ Giác tiên,
Trúc lâm bước dõng mãnh,
Xả thân để cầu hiền.

Thông minh từ tấm bé,
Đĩnh ngộ trang nghiêm đời,
Hoa từ bi vừa hé,
Giới định huệ tuyệt vời.

Tăng già mãi cầm cân,
Giáo hội mãi góp phần,
Luôn để tâm chấn chỉnh,
An hòa Chúng trung tôn. 

Vượt thời gian, không gian,
Trách nhiệm với Tăng đoàn,
Trong dụng tâm Bồ tát,
Ngoài hiện tướng Thanh văn.

Húy thượng Tâm hạ Hương,
Pháp giới đã phổ huân,
Đạo hiệu là Mật Hiển,
Rải tâm diệu cát tường,

Cát tường, cát tường thùy,
Giới hạnh tuyệt uy nghi,
Suốt đời cho Giáo hội,
Tăng chúng bất xả ly.

Oai đức thì trác tuyệt,
Bổn sư cũng vừa lòng,
Liền phú chúc diệu kệ,
Tự tại và thong dong.

          Kệ rằng :

“Tâm Hương pháp giới huân,
Xứ xứ kết tường vân,
Phú nhữ tâm hương tánh,
Cừ kim chánh thị quân”.
  (1)

Ngoại tám lăm năm lẻ,
Uy đức rải bốn phương,
Đã dày công hóa độ,
Cho đạo pháp, quê hương.

Thế rồi, ngày Phật đản,
Giữa tháng tư vui mừng,
An nhiên nhìn Thất chúng,
Từ giả thật ung dung.

Khắp Việt nam đây đó,
Về Trúc Lâm giả từ,
Chúc Ngài về cõi Phật,
Đạt cảnh giới Nhất như.

Quê hương và Giáo hội,
Nhìn lương đống vắng Ngài,
Trúc lâm chừ vắng bóng,
Bi quyện, lệ chảy hoài. 

Từ nay Ngài quảy gót,
Đạo cốt vẫn trường tồn,
Thừa thiên lưu di ảnh,
Cho Đại chúng Trung tôn.

tien duong

Ghi chú : (1Bài kệ đắc pháp do bổn sư của Ngài là tổ Giác Tiên đã phú chúc

Chung Quanh Tang Lễ Của

Hòa Thượng Thích Mật Hiển
 
*

*     *

Diễn văn của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Thừa  Thiên

          (Đọc trong dịp phò Kim quan Ngài nhập Bảo tháp ngày 22 tháng Tư năm Nhâm Thân, tức ngày 24 tháng 05 năm 1992)

          Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới đại từ đại bi tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Nam mô Tây thiên Đông độ Việt Nam truyền thừa lịch đại Tổ sư,

          Kính bạch Giác linh Đại lão Hòa thượng, thượng Tâm hạ Hương, Phó pháp chủ kiêm Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Kính lạy ngài,

Chúng con thiết nghĩ :

Đèn tuệ còn soi, ngờ đâu phút chốc đuốc từ chuyển hướng,
Mây lành còn phủ, ai ngờ giây lát gió tạt về Tây.
Than ôi !

Biến cố dập dồn, đá gục đầu khóc, đất gầm sóng dậy,
Nước sông Hương bàng hoàng ngừng chảy,
Mây núi Ngự sờ sững quên bay.
Ngoài đồng nội cỏ buồn tấc bóng, chốn kinh đô trăng lặng giữ đêm rằm.

          Giờ đây :
          Trước giây phút ngàn năm vĩnh biệt, cõi Diêm Phù vắng bóng bậc Cao Tăng. Ban Trị sự chúng con bàng hoàng xúc động. Trước Linh đài, xin bày tỏ lòng thành, ngưỡng mong Giác linh đức Đại lão Hòa thượng tọa tiền chứng giám.

          Kính bạch Đại lão Giác linh Hòa thượng,Vẫn biết rằng giác tánh trạm nhiên, chân như thường tại siêu việt có không, chẳng hề sanh diệt. Vì bản nguyện, Ngài đã mượn huyễn thân, vận khởi thuyền Từ vớt kẻ trầm luân, nên khi đến đã tùy cơ duyên hóa độ, thì lúc đi chẳng ngại ái triền.

          Tuy nhiên, nếu chưa phải là bậc lậu tận A la hán, thì khi đức Thế Tôn Song Lâm thị tịch, tôn giả A Nan đã bàng hoàng rơi lệ, may có ngài A Nậu Lâu Đà đưa tay giác tỉnh. Tại động Thứu Sơn, tổ Ca Diếp kết tập Pháp tràng, ngài Khánh Hỷ trùng tuyên lời ngọc, hàng Thanh Văn lòng dạ bùi ngùi, thần lực phi thân, trú giữa hư không Sư tư tại niệm. Sức vô thường nhanh như chớp, mới ngày nào Từ Dung rạng rỡ, mà bây giờ phải ngậm ngùi nói nên lời :

-. “Ngã Văn Như Thị”

          Huống nay, nhân tâm mạc trắc, Thánh quả xa vời, Phật pháp nhiễu nhương, rừng Tòng thưa dần những bậc đống lương, long tượng. Thuyền Giáo hội giờ nương ai lèo lái, cõi Tăng nhân ai chỉ dẫn lối về ? Thật ngậm ngùi tấc dạ, nhớ lại năm xưa khi còn đồng tử, nơi hương đãng Giạ Lê, trong dòng họ Nguyễn duy, ngài rũ áo trắng, sớm khoát truy y.

          Chùa Trúc Lâm Đại Thánh, sớm hôm đèn sách học đạo, định huệ thấm nhuần, tâm quang hé rạng, được tổ Giác Tiên trao truyền Mật pháp.

          Đại học đường Tây Thiên, tháng ngày lui tới nấu sử sôi kinh, được ngài Giác Nhiên nuôi tâm luyện chí.

          Hội An Nam Phật Học, lời pháp tuyên dương, Phật học đường Phước Lâm ngài đứng đầu giới tử.

          Đạo lực đến đây, trí bi có đủ, nên trên đường hoằng pháp lợi sanh, Ngài đã không từ nan bất cứ nhiệm vụ nào dù quan trọng hay thứ yếu do Tăng đoàn đề cử, Giáo hội giao phó.

          Bởi vậy, từ Trú trì Thánh Duyên quốc tự, đến giảng sư, giáo sư các
          Phật học đường, từ Trị sự trưởng Tăng già Trung Việt đến tham dự Hội nghị Hòa bình thế giới tại Nhật Bản. Từ bậc Tôn chứng Đại giới đàn Vạn hạnh, đến Đàn đầu Hòa thượng Đại giới đàn Hộ quốc, từ đặc ủy Tăng sự Thừa Thiên đến ngôi vị Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

          Dù ở chức vụ nào, ngài cũng thi hành một cách nghiêm túc, đỉnh đạc. Và, dù ở chức vụ nào, ngài vẫn thấy Tăng đoàn là then chốt trong sự nghiệp duy trì mạng mạch Phật pháp. Ngài dạy :
          - “Phật pháp hưng thịnh không phải chùa to, tháp lớn, bổn đạo đông nhiều, mà chính ở Tăng đoàn hòa hợp …”

          Thế nên dù cho tuổi già sức yếu, ngài vẫn luôn luôn nắm giữ Tăng đoàn ; một tháng hai kỳ, tại chùa Linh Quang, cùng Chúng Tăng thực hành Bồ Tát. Hằng năm Hạ về, khuyến chúng an cư, trau giồi giới hạnh, đến khi Hạ mãn, ngài cùng Chúng Tăng tác pháp “Tùy Ý”, trưởng dưỡng pháp mầu. Tại văn phòng Giáo hội, ngày ngày chăm lo Phật sự, có lúc thị uy la rầy, quở trách, có khi từ ái, an ủi vỗ về, miễn mong sao đàn hậu học sách tấn tu hành, chuyên tâm giới đạo, đúng hướng tôn phong, hầu chấn hưng Phật pháp, xua đuổi quần tà, cũng có lúc nghe tiếng gọi quê hương, ngài cũng phụng sự trong tinh thần : “Vô thủ, Vô xả”.

Quả thật, ngài là bậc :

          “Hạo khí trấn Thiền lâm, quảy non sông đầu trượng, thủ xả tùy duyên, thị phi tâm chẳng bận”.

Kính bạch Giác linh Đại lão Hòa thượng,

           Khi đức Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu viên tịch, ngài Trưởng ban tổ chức Tang lễ, chỉ đạo khéo léo, nên Tăng sự đã viên thành. Lại trong dịp Đại lễ Phật Đản năm nay, mặc dầu thân thể của ngài khiếm an nhiều, nhưng ngài đã đem hết hơi thở cuối cùng để chăm lo Đại lễ. Khi thấy Tăng Ni, Phật tử lo lắng, sợ ngài ra đi trước Phật Đản, nên ngài dạy :

          - “Quý vị cứ yên tâm lo cúng dường Đại lễ cho được thành tựu. Tôi cố gắng qua Đại lễ mới từ biệt quý vị.”.

          Ôi ! Lời dạy của một bậc suốt đời quên mình cho đại cuộc. Chúng con hằng khắc cốt ghi tâm treo cao gương sáng.

Kính bạch Giác linh Đại lão Hòa thượng,

          Bấy lâu, chúng con hằng tưởng, ngài vẫn còn trú thế cho Tăng Ni, Phật tử mong nhờ, cho Ban trị sự chúng con sớm hôm tham vấn chỉ đạo, nào có ngờ Tượng vương nhẹ nhàng quay gót, chốn Tùng lâm vắng bóng Từ dung.

          Nay, chúng con đã mất đi một bậc thầy kính quý, một bậc lãnh đạo ân cần, cùng lao cọng khổ. Giáo hội mất đi một bậc Đống lương Thạch trụ, Dân tộc mất đi một bậc Đạo, Đời kiêm lợi.

          Ôi ! Ngậm ngùi thương tiếc, một phút giây gói trọn thiên thu. Xin ngài rủ lòng từ, hỷ xả cho chúng con trong thời gian thừa hành Phật sự, có nhiều khuyết điểm, khiến ngài không vui.

Kính bạch Giác linh Đại lão Hòa thượng,

          Trước khi ngài đi xa vạn dặm, báo thân ngài yên nghỉ ngàn năm, cho chúng con đốt nén tâm hương dâng lên với tất cả lòng thành khấn nguyện :

          - “Chúng con sẽ noi gương tự độ hóa tha, cùng lao cọng khổ của ngài để tuyên dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh, cho Đạo từ soi sáng muôn thuở, cho hương lành ngát cõi nhơn thiên”.

          Ngưỡng vọng Giác linh Đại lão Hòa thượng thùy từ chứng giám.

          Nam mô Chứng minh sư Bồ Tát Ma Ha Tát.

Cảm Niệm Của Ban Lễ Tang

          (Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Phó ban Lễ tang kiêm Trưởng ban tổ chức Tang lễ đọc trong buổi cung nghinh Kim quan cố Đại lão Hòa thượng Phó Pháp chủ nhập tháp, ngày 22 tháng Tư năm Nhâm Thân - tức ngày 24-05-1992)

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Kính lễ Giác linh Hòa thượng,

Kính thưa chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni,
Thưa quý Quan khách,
Cùng Đồng bào Phật tử các giới.

          Thay mặt ban Tang lễ, chúng tôi có lời cảm niệm với Đại lão Hòa thượng trước khi đưa Kim quan của ngài vào Bảo tháp an nghỉ ngàn thu.

          Kính bạch Giác linh Đại lão Hòa thượng, Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu viên tịch cách đây không mấy tuần lễ, lòng dạ bùi ngùi của toàn thể Tăng Ni Phật tử chưa nguôi. Nay ngài lại tiếp tục đăng trình để lại cho chúng tôi, môn đồ, hiếu quyến và hàng Tăng Ni Phật tử biết bao ngậm ngùi thương tiếc.

           Vẫn biết ở và đi, ẩn và hiện của bậc xuất trần Thượng sĩ như cánh nhạn lướt giữa trời không, chẳng có gì lưu ảnh.

          Tuy nhiên, ẩn hiện tùy cơ, đến đi tùy cảm, gần 80 năm tu tập và hoằng truyền Chánh pháp, khi thì hiện tướng Thanh văn, an trú tịch tịnh; khi thì hành Bồ Tát đạo, nhiếp phục ma quân; khi thì im lặng tư duy bất động; khi thì rung trượng giác tĩnh nhân quần, chấn thiên kinh địa.

          Ngài đã rũ áo lâm hành, Giáo hội, môn đồ, hiếu quyến, Tăng Ni Phật tử không sao tránh khỏi ngậm ngùi xúc động trước sự mất mát lớn lao này.

Kính bạch Giác linh Hòa thượng,

           Nay, ngài đã đi xa và xa lắm, nhưng hình ảnh, đạo phong cốt cách của Ngài vẫn còn đó, hạnh nguyện độ sanh của ngài vẫn còn đây. Chùa Trúc Lâm

Đại Thánh ngày ngày chuyên tâm luyện đạo, cửa Tây thiên lãnh hội ý mầu.

          Rồi Bình định, Sa đéc, những chặng tham vấn vân du. Nha trang, Sài gòn, Hà nội, … đã theo bước từng thời gian gõ nhịp. Và, những dấu chân còn in rõ từ Lào quốc đến Thái lan, từ Miến điện đến Đông hồi, Nhật bản,… Bao tháng ngày vân du, chiêm bái, hoằng hóa của bậc Cao Tăng, suốt đời hiến mình cho Đạo pháp và Dân tộc.

          Công sức đóng góp, xây dựng Giáo hội, lãnh đạo Tăng đoàn, trấn giữ thiền môn, vạch hướng tâm linh cho Phật tử, thể hiện tình làng xóm, nghĩa quê hương dân tộc của Ngài, quả thật không thể nghĩ bàn.

Kính thưa Giác linh Hòa thượng,

          Làm sao chúng tôi quên được những tháng ngày cùng lao cọng khổ, chung lo Phật sự, đạo phong của Hòa thượng thì trác việt, nếp sống bình dị, nói năng thì khẳng quyết hùng hồn :

-. “Đã Thầy tu thì đừng sợ chết, nếu sợ chết thì đừng làm Thầy tu”.

          Chính lời nói này của Hòa thượng đã làm cho Tăng Ni và Phật tử chúng tôi kiên trì trong lý tưởng, vững chắc trong hành động, phục vụ Đạo pháp và Dân tộc, đem lại lợi ích cho loài người và tất cả chúng sinh.

          Nay Hòa thượng xả báo thân là một sự mất mát lớn lao cho Giáo hội, môn đồ và toàn thể Tăng Tín đồ trên mọi miền đất nước. Dân tộc mất đi người con đạo hạnh, luôn luôn đem giáo lý từ bi bình đẳng xây dựng tình đoàn kết và an lạc toàn dân.

          Thay mặt Giáo hội và ban Lễ tang, trước Giác linh Đại lão Hòa thượng Phó Pháp chủ, chúng tôi nguyện làm bất cứ điều gì mà chúng tôi có thể làm được để phụng sự Đạo pháp và Dân tộc như hạnh nguyện của ngài.

Giờ đây,

          Tiếng kêu Sư tử lối rừng chiên, vắng vẻ bên tai,
          Nét vẻ Tượng vương nơi cửa tháp, mơ màng trước mắt.
          Trong giây phút mà khoảnh khắc thành thiên thu này, chúng tôi thành kính vĩnh biệt Đại lão Hòa thượng và chân thành cảm ơn toàn thể liệt quý vị.
 
          Nam Mô A Di Đà Phật.

          Kính mong Giác linh Đại lão Hòa thượng thanh thoát, siêu sanh về cõi vĩnh hằng.
          Xin thắp nén tâm hương thành kính vĩnh biệt Đại lão Hòa thượng.

Uy Đức Của Hòa Thượng

THÍCH MẬT HIỂN

Đối Với Chính Quyền

          Sự tu niệm và công nghiệp hành hóa của đức Đại lão Hòa thượng Thích Mật Hiển không những chỉ có Tăng Ni và toàn thể Phật tử biết đến mà thôi; ảnh hưởng của ngài lan rộng đến quảng đại quần chúng, không phân biệt tôn giáo, từ chính quyền cho đến dân dã, không ai mà không biết đến đạo phong và uy đức của Ngài.

          Ngày còn là một chú tiểu, hành điệu, tu tập bên cạnh với tổ Giác Tiên, cậu Hoàng Cả (Vua Khải Định khi chưa tức vị) cũng đã biết đến và cũng đã xin với Tổ cho đưa vào hoàng cung nội phủ để đào luyện thêm phần Nho học.

Với chính quyền quân chủ, ngài đã từng nói thẳng :

          -.  “Dù bất cứ chức tước gì chăng nữa, kể cả bậc vua chúa, vương hầu, khanh tướng thì cũng đều là con người cả.  Nếu không tu thì chỉ là một cây thịt biết nói năng, cuối cùng chìm đắm trong dục lạc, một mai có chết đi thì quanh quẩn trong lục đạo mà thôi, …”

          Câu nói ấy đến tận nội phủ và đức Từ Cung. Nhờ có học đạo giải thoát với ngài Phước Huệ, nên đức Từ Cung đã vội vã ra khỏi hoàng cung, lên tận chốn thâm sơn cùng cốc của Trúc Lâm Đại Thánh tự để đàm đạo với ngài. Và, đức Từ Cung đã nói với ngài như sau :

          -.  “Mặc dầu tôi ở trong hoàng cung, nhưng, những gì Thầy nói, tôi đều nghe hết. Thầy cứ nói và phải nói. Nếu không có Thầy, tôi sợ rằng trong lúc pháp nhược ma cường, đất nước lâm cảnh bảo hộ sẽ có cảnh loạn Tăng …”

          Ngài cũng đã từng giúp cho Thượng thư Ngô Đình Diệm ẩn náu tại Tổ đình Từ Hiếu trong lúc đang bị chính phủ bảo hộ truy lùng. Ngài (Ôn Trúc Lâm) ngõ ý với Cụ Ngô Trọng Lữ (là thân sinh của cụ Tâm Tràng Ngô Trọng Anh) giúp Thượng thư cải trang thành một nhà Sư để dễ dàng đi trốn. Việc này cụ Tâm Tràng Ngô Trọng Anh còn nhớ rõ mồn một là :  Cụ Ngô Trọng Lữ trước đây có mua trả góp xe của người bạn là ông Võ Văn Đạt chủ hảng sửa xe ô tô ở Tourane. Cụ nhắn với ông Đạt cho xe ra Huế gặp ngay Ngài Trúc Lâm để đưa một nhà sư gia đình vào Tourane.

           Và, cũng chính ngài đã dẫn cho vị Thượng thư nầy thoát ra khỏi tỉnh Thừa thiên để về Đà nẵng cải trang với tư thế tu sĩ Phật giáo.

          Sau khi vị cựu Thượng thư này về làm Thủ tướng cho Việt nam Cộng hòa, còn nhớ ơn xưa nên đã cúng cho chùa Từ hiếu một số hiện kim để trùng tu lại.  Chính Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên ngôi vị Tổng thống, hằng năm ra Huế thăm gia đình, khi bước chân xuống sân bay Phú bài, Tổng thống đã đến tận hàng danh dự và bắt tay Hòa thượng vô cùng thân mật.

          Năm 1956, phái đoàn Phật giáo đi tham dự Đại lễ Phật Đản ở Đông Hồi, khi đệ trình danh sách lên Tổng thống xem, Tổng thống hỏi :

- Trong danh sách này Thầy Thích Mật Hiển đâu ?

Tổng thống nói tiếp :

          - Nếu không có Thầy Thích Mật Hiển thì cả phái đoàn đều đình lại, không được đi.

          Chính phủ phải cho người ra tận Trúc lâm để cung thỉnh ngài cùng đi trong chuyến này.

          Khi vào Sài gòn làm thủ tục, bộ Ngoại giao buộc ngài phải chích thuốc ngừa các thứ trước khi xuất ngoại. Ngài không chịu và bảo :

          - Tôi không có bệnh. Không chích thì tôi đi, mà bắt buộc chích thuốc, tôi sẽ ở nhà .

          Bộ Ngoại giao không biết tính sao hơn bằng cách đệ trình lên Tổng thống một lần nữa. Tổng thống biểu chỉ làm thủ tục đầy đủ hợp lệ mà thôi, còn vấn đề chích ngừa khỏi cần.

          Vào năm 1958 đến năm 1964, đức Giám mục bề trên, người Pháp tại dòng tu Thiên An, quận Nam Hòa rất cảm mến đức độ của ngài nên thường năm hay đến Trúc Lâm một vài lần để vấn an cũng như đàm đạo với Ngài.

          Không những thế, đức Cha bề trên còn thỉnh ngài lên tận dòng Thiên An để hướng dẫn triết lý Á Đông cho lớp tu khấn nữa.

          Khi Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống, cũng đã ra lệnh cho Đại tá Lê Văn Thân đương kim Tỉnh trưởng Thừa thiên kiêm Thị trưởng thị xã Huế phải lên Trúc Lâm thỉnh ngài cùng đi với Tổng thống về chùa Túy Vân, quận Vinh Lộc để bàn chuyện an bang tế thế.

          Bữa ăn trưa tại Quán Âm cát giữa đồi núi Túy Vân, cơm chay đạm bạc do Thượng tọa Thích Lưu Đức đương kiêm Trú trì cúng dường, bữa cơm trưa gồm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại tá Lê Văn Thân và Hòa thượng. Tất cả tùy tùng thì dùng cơm riêng do tỉnh Thừa thiên lo liệu.

          Sau khi đất nước thống nhất, chính quyền đương thời cũng nể vì đạo phong và uy đức của ngài. Do đó, trong ngày phò Kim quan của ngài nhập bảo tháp, chính quyền Trung ương đã cử ông Vũ Thắng, Ủy viên Trung ương đảng đến tận Trúc Lâm để bày tỏ một bài cảm niệm cúng dường.

Trong bài cảm niệm có đoạn :

          Kính thưa quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt nam tỉnh và thành phố .

          Thưa quý môn đồ, hiếu quyến của cố Đại lão Hòa thượng Trúc Lâm Thích Mật Hiển.

          Hôm nay, chúng ta họp mặt nơi đây để tưởng niệm và đưa cố Đại lão Hòa thượng Trúc Lâm Thích Mật Hiển, vị chân tu trọn đời trung thành, tận tụy phụng sự đạo Phật và Dân tộc của chúng ta, về nơi an nghỉ cuối cùng.

          Hòa thượng Trúc Lâm đi xa, Giáo hội mất đi một vị Phó Pháp chủ cao cả, Ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh mất đi một Trưởng ban tận tụy, đầy lòng vô ngã vị tha, Tổ đình Trúc Lâm và một vùng quê hương Dương Xuân thấm tình Đạo nghĩa Đời từ nay vắng bóng một người thân gần 80 năm đi về thương già mến trẻ.

          Môn đồ, hiếu quyến của Hòa thượng từ nay xa một vị Thầy mẫu mực, một người ruột thịt từ hòa. Giáo hội xa một vị Giáo phẩm đạo cao đức trọng, sâu dày công đức, đã góp phần xây dựng và hướng dẫn Giáo hội từ những năm đầu “Chấn Hưng” cho đến ngày Đại Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, gắn bó với đất nước Nam Bắc thu về một mối. Quê hương Thừa Thiên - Huế, và những địa phương đã gắn bó với Hòa thượng lúc sanh tiền, xa một người đồng hương, … chúng tôi từ nay xa một người thân thương, cương trực, chân tình, khiêm tốn, một lòng trong sáng vì lợi lạc đồng bào.

          Cuộc đời và công đức tu tập, cống hiến bền bỉ của Hòa thượng cùng nhiều vị Cao Tăng yêu nước đã góp thêm một điểm son vào truyền thống và công lao to lớn của Tăng Ni Tín đồ Phật Giáo Việt Nam, là tấm gương để quý vị Tăng Ni, bà con Phật tử noi theo và đồng bào suy gẫm.

          Trước Giác linh của cố Đại lão Hòa thượng Trúc Lâm, chúng ta nhắc nhau đoàn kết hòa hợp hơn nữa, tận tụy giúp đỡ nhau nhiều hơn nữa, và tùy theo trách nhiệm, tâm sức, điều kiện của từng người và chung sức chung lòng vượt qua khó khăn thử thách, tiếp tục góp phần vun đắp con đường “tốt Đạo đẹp Đời” để thành tâm và thiết thực tưởng nhớ cố Đại lão Hòa thượng.

Thưa Giác linh Đại lão Hòa thượng Trúc Lâm kính mến,

          Tất cả chúng tôi, Tăng Ni Phật tử và Đồng bào, đại diện Giáo hội, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang ở bên Hòa thượng trong giờ phút cuối cùng, xin tiễn biệt Hòa thượng trong niềm thương tiếc vô hạn. Trong tâm tưởng tình cảm và trách nhiệm của chúng tôi, luôn luôn in sâu, nhắc nhở đức độ, kỷ niệm, hình bóng và hoài bảo “Hoằng Pháp Lợi Sanh”, “Hộ Quốc An Dân”, của Hòa thượng.

          Dưới đây là bài thuật lại khi Ngài cùng phái đoàn Phật giáo Việt Nam qua Nhật Bản dự hội nghi Hòa bình của 12 nước Đông Nam Á. Ngày trở về Ngài đã ghi lại như sau :

(Trích Nguyệt San Kỷ niệm Phật đản 2503-1959, từ trang 45 đến trang 49)

DỰ LỄ PHẬT ĐẢN Tại NHẬT BẢN

THÍCH MẬT HIỂN

           Hội nghị vào ngày 27 tháng 03 năm 1959 do lời mời của Phật giáo Nhật Bản, Chánh phủ Việt Nam mời một phái đoàn gồm có bốn vị Tăng già : Trung phần là tôi và thầy Nhất Hạnh. Nam Phần một vị là thầy Thích Thiện Hoa. Bắc phần một vị là thầy Thích Tâm Châu.

          Cuộc hội nghị nầy gọi là hội nghị Phật giáo toàn các nước Đông Nam Á hiện diện chỉ có 12 nước : Chương trình thảo luận của hội nghị có ba điểm chính như sau :

1.- Quan niệm Phật giáo về vấn đề hòa bình, và phương pháp thực hiện hòa bình.

2.- Phật giáo đối với nền văn minh cơ khí thế giới hiện đại.

3.- Lập trường Phật giáo trong tư trào văn hóa thế giới.

Ngoài các phái đoàn đại diện Phật giáo các nước hội nghị có mời một số văn hào có danh trên thế giới đến để thảo luận.

Ngày khởi hành của chúng tôi là ngày 25-3-59 tại sân bay Tân Sơn Nhứt Sài gòn, một số Tăng Ni và tín đồ Phật giáo non một ngàn đi đưa với bao nhiêu cảm niệm nồng nàn. Phái đoàn chúng tôi không khỏi bồi hồi trong lúc mang trách nhiệm đại diện cho toàn thể Phật tử Việt Nam để góp phần xây dựng cho nền hòa bình nhân loại.

Máy bay cất cánh lúc 9giờ 30 sáng đến sân bay tỉnh Tokyo Nhật Bản lối 11 giờ đêm (giờ địa phương). Đến nơi, ban tổ chức ra đón nồng hậu. Đại sứ Việt Nam cũng cho người ra đón. Chúng tôi được mời về chùa Sojyjy an nghỉ cùng các phái đoàn Tăng già các nước trong những ngày hội nghị ở Đông Kinh, Nhật Bản. Trưởng ban tổ chức Phật giáo là một vị cựu Thủ tướng, ông nầy là một người Phật tử trong phái Thiệp Thế Tăng.

Tăng già Nhật Bản tổ chức có hai lối tu :

1.- Xuất thế tăng là những vị Tăng tu hành thuần túy,
2.- Thiệp thế tăng tức là những vị có gia đình, có địa vị ở xã hội mà đã phát nguyện vào Tăng đoàn trong mỗi tháng đến chùa. Phái này cũng gọi là tân tăng, làm việc rất đắc lực cho Phật giáo. Đại để các Thủ tướng, Bộ trưởng và các Giáo sư trường đại học, đều là phái tân tăng nầy mà ra cả.

Ngày 27 tháng 03, hồi 10 giờ 20 làm lễ khai mạc tại hội trường Hrbizya. Lễ khai mạc có Hoàng thân đại diện Thiên hoàng và tất cả Thủ tướng, Bộ trưởng, tất cả các ngành chánh trị, các đoàn thể công dân, có trên mấy trăm người. Thủ tướng Nhật đọc bài diễn văn khai mạc, đại diện các nước đọc các bài diễn từ, bản diễn từ của phái đoàn Việt Nam cũng được toàn thể hoan nghinh.

Sau buổi lễ khai mạc tất cả đều vào phòng hội nghị ba điểm chính trên được nêu ra, bàn cải các vấn đề rất sôi nổi, chúng tôi nhờ thầy Thích Thiên Ân và thầy Quảng Minh học sinh Trung Việt và hai thầy Bắc Việt giúp đỡ việc thông ngôn nên cũng hiểu được nhiều về đề thảo luận mục đích chính của cuộc hội nghị này là kêu gọi nhân loại xoay về lối sống hòa bình tức là lối sống từ bi của Phật giáo. Trong thời gian tham luận, đại biểu các nước đều phát biểu ý kiến của mình. Phái đoàn Việt Nam cũng góp ý kiến và in thành tập, phát cho các đại biểu trong hội nghị và được hội nghị chú ý một cách đặc biệt (sau này tôi sẽ lần lượt dịch và in các bài thông điệp ấy).

Lúc một giờ rưỡi chiều ngày 29 tháng 3 - 1959, lễ Phật nhập Niết bàn cử hành tại thao trường Tokyo City, cuộc lễ bắt đầu bằng một bản nhạc hòa tấu vĩ đại do những nhạc sư Ấn Độ đã truyền dạy cho nhạc sĩ Nhật Bản. Bản nhạc này diễn tả tinh thần đại thể của Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Bát Nhã v..v..., đó là một nhạc phẩm kỳ công của Phật giáo. Tiếp đó các danh ca trình diễn các tuồng Phật từ lúc xuất gia đến khi nhập diệt, bằng các điệu bộ kỳ thú.

Lễ xong hội nghị tiếp tục thảo luận tới 12 giờ ngày 31 tháng 3 năm 1959 mới làm lễ bế mạc ; Phái đoàn Việt Nam tặng ban tổ chức một bức sơn mài vẽ hoa sen tiêu biểu cho tinh thần Đại thừa Phật giáo và tặng Thiên hoàng một bức chơn dung của Thiên hoàng với những nét vẽ nổi. Sau đó phái đoàn Việt Nam được đặc biệt đón vào đại nội để làm lễ trao tặng phẩm vật kỷ niệm. Hoàng thân tiếp đón thân mật và tỏ lời cám ơn Phật Giáo Việt Nam.

Sau cuộc đại hội chúng tôi được tiếp xúc nhiều nhân vật Nhật Bản, nhận thấy Nhật Bản là một nước Phật hóa rất sâu xa, vì tôi đã tìm thấy ở họ có những nét đặc điểm như sau :

-. Họ rất tín lý nhơn quả.
-. Dân chúng Nhật Bản không tham lam trộm cướp, ra đường không lượm của rơi.
-. Tinh thần tự trọng rất cao. Đức dục và trí dục được phát triển mạnh, nhất là tinh thần dân chủ được biểu dương rất cao trong những cuộc biểu tình tự động của dân chúng, điển hình như cuộc biểu tình yêu cầu ở nhà ông Thủ tướng, để hỏi số tiền lớn do ông làm nhà cho người con gái do đâu mà ra. Nhưng cuộc biểu tình rất có trật tự và sau khi thỏa mãn về những lời giải thích của ông Thủ tướng thì dân chúng kéo nhau ra về một cách êm thấm.

Ở Nhật có nhiều thắng cảnh và người Nhật cũng rất ưa chuộng những thắng cảnh ấy. Đặc biệt nhất là khắp nơi thắng cảnh đều có xây tượng hoặc thờ Phật.

Trong việc giáo dục gia đình những người mẹ Nhật Bản không quên nhắc nhở con cái ghi nhớ và học tập đức từ bi của Phật.

Trong những ngày lễ các gia đình kéo nhau đến chùa lạy Phật hoặc xem kinh, bởi thế chùa chiền ở Nhật lúc nào cũng đông đúc. Do đó ở mỗi chùa đều có một khách sạn riêng để tiếp khách thập phương. Cuối ngày 31 các phái đoàn bắt đầu lên xe đi thăm các thị trấn, đồng thời để làm lễ Phật đản ở các thị trấn ấy. Đến thị trấn nào cũng đều có ông Thị trưởng và toàn dân cầm cờ Phật giáo để tiếp đón các phái đoàn vào một ngôi chùa hoặc một công viên để làm lễ Phật, đại khái cuộc lễ sau khi tụng niệm rồi thì mời các phái đoàn đi biểu diễn theo các đoàn xe hoa. Xe các đại biểu đều có cắm cờ và biểu ngữ của mỗi nước có hàng Phật tử đi theo, đưa cho các đại biểu những cuộn dây ngũ sắc dài hằng trăm thước gọi là dây liên lạc, xe chạy thì các dây ấy kéo dài. Nhứt là từ khi các phái đoàn từ giả một Thị trấn nào các hàng Phật tử đi đưa các phái đoàn lên máy bay các mối dây liên lạc được đưa lên. Tình mến tríu đã làm cho họ phải tươm nước mắt, các phái đoàn rất cảm động.

Từ Tokyo đi đến Kyoto là một thủ đô Phật giáo nên có nhiều cảnh chùa rất đẹp to lớn được dựng lên từ thời xưa.

Đường đi xe điện trong vườn đều lót ciment và đá, sở này cách sở khác 100 thước, họ nói chuyện với nhau bằng điện thoại. Từng phòng chừng lối 500 vị ở, cư sĩ giúp việc và dự bị xuất gia chừng 1000 người. Vị nào cũng phải tốt nghiệp đại học thế gian rồi mới vào xuất gia học Phật, nên trình độ Tăng giới của họ rất cao ; Học cả đời và đạo một cách rất rành mạch, phần nhiều Tăng Ni của họ là các giáo sư trường đại học hoặc ở các trường tư trong chùa, hoặc dạy các trường của nhà nước.

Người Nhật họ rất ham học, đọc sách và nghe giảng, người tại nhà cũng học Phật một cách rành mạch rồi tùy theo bổn nguyện, theo tôn phái nào thì thực hành theo tôn phái ấy.

Đại để chúng tôi đi thăm viếng được các thị trấn sau này : Kyoto, Nara, Osoka, Fukkorokos, Hiroshima, một đoàn khác cũng đi các thị trấn Kyoto, Nara, Osoka, Uragoya, Yamagata rồi đồng trở về Tokyo.

Các chùa ở Nhật Bản chia thành 12 Tôn như : Tịnh độ tôn, Thuyền tôn, Luật tôn, Tào động tôn, Mật tôn, Nhật liên tôn v.. v ... Chùa nào đều tổ chức theo lối tu hành của Tôn mình phụng sự. Tiếc một điều là chúng tôi không được dịp viếng Cao giả sơn, có đến mấy trăm nhà tu của 12 Tôn, và rất thuần túy Phật giáo xưa còn để lại, tiếc vì chưa có dịp để được đi viếng.

Trong các Tôn, Tôn Thuyền rất khó. Tôi có ở lại một chùa tu tọa Thuyền, có dự một khóa Thuyền quán, hàng trăm vị ngồi tọa thuyền trong một nhà thuyền, một thời tọa Thuyền phải một giờ ngồi im lặng, nếu ai ngủ gục sẽ bị phạt ba hèo rất nặng, đó là lối “Bản án ” của Thuyền tôn để dẹp trừ ma ngủ gục. Nhà thuyền có các vị Thuyền chủ và giám sát thường xách bản đi kiểm soát, nếu nơi đằng hắng không nghe trả lời thì y pháp phạt ba hèo đau điếng.

Các cư sĩ phải theo pháp Thiệp thế tăng cũng vào tu các Thuyền viện, nam theo nam, nữ theo nữ, thật là lối tổ chức có quy mô trật tự của Phật giáo.

Kết luận cuộc hội nghị này đã đưa lại tình thân hữu giữa giới Phật tử Đông Nam Á. Riêng tôi được gặp lại các sư Tích Lan, Trung Hoa, Ấn Độ đã được gặp một lần tại Đông Hồi kỳ năm kia. Họ rất vui mừng như anh em ruột một nhà cùng nhau tái ngộ, và rất hy vọng được dịp sang Việt Nam thăm các hàng Phật tử.

          Các sư Nhật Bản rất nhã nhặn trong sự đón tiếp khách Tăng ; họ đối với phái đoàn Việt Nam có tình thân thiện hơn, vì đồng theo một tôn chỉ phụng sự Đại thừa Phật giáo. Chúng tôi cùng với các sư Trung Hoa có bàn cùng với các sư Nhật sẽ tổ chức một cuộc hội nghị riêng của các nước Đại thừa Phật giáo để đồng hoạch định môt chương trình cho tương lai Phật giáo đồ về phái Đại thừa, chúng tôi rất mong cuộc dự thảo ấy sẽ được thực hiện một ngày rất gần.

          Các sư Nhật Bản rất khen các Du học Tăng Việt Nam. Thầy Thích Thiên Ân đã đậu bằng Master nhập học lớp văn học bác sĩ và thầy Quảng Minh ngày nghỉ học cũng có dự các lớp tu Thuyền. Nói tóm lại bao nhiêu điểm nhận xét của tôi nói trên đều là những điều mắt thấy tai nghe, có lẽ cũng không được đầy đủ, vì thì giờ eo hẹp.

Ngày 14 tháng 4, chúng tôi về đến Sàigòn, tính ngày đi và ngày về có gần 21 ngày trời, vì số tiền cho đổi quá eo hẹp, nên thời hạn cho một tháng mà chúng tôi phải về trước thời hạn ấy. Để đáp lại lòng nhiệt thành của quý vị trong cơ quan Chính phủ và của toàn thể Phật giáo đồ đã giúp đỡ phái đoàn Phật giáo, tôi thành thật ghi lên đây lời tri ân thâm đậm.

Thích Mật Hiển

Xem Tập Kỷ Yếu Về Hòa Thượng Thích Mật Hiển Xin Click vào Đây

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Tham Dự Lễ Tưởng Niệm Đại Lão HT Thích Nhất Hạnh.
Tiểu Sử Tổ Liễu Quán
Vài Nét Về Tổ Đình Trúc Lâm Đại Thánh tại Huế
Tiểu Sử Tổ GIÁC TIÊN Khai Sơn Tổ Đình Trúc Lâm Huế
Tiểu Sư Thiền Sử Thích Mật Khế
Tiểu Sử Thiền Sử Thích Mật Nguyện
Tiểu Sử Thiền Sư Thích Mật Thể
Tiểu Sử Sư Bà Thích Nữ Diên Trường
Tiểu Sử Sư Bà Thích Nữ Diệu Huệ
Tiểu Sử Sư Bà Thích Nữ Diệu Không
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3894751
Có 0 Khách Đang Online