. . . Một Chữ "NHƯ"
Điều ngự tử Tín Nghĩa
“Một chữ Như”. Đây là ba chữ trong câu Thi kệ cuối cùng của ngài Phước Hậu.
Nguyên văn bài Thi kệ Ngài dạy :
"Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư,
Năm nay nghĩ lại chừng quên hết,
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ."
Chữ Như ngài dạy vô cùng mầu nhiệm và thâm thúy. Vì chữ Như này ngài chiết tự từ một danh hiệu Như lai của Phật trong Mười hiệu. Đó là : Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hành tục, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thưọng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật thập hiệu Thế tôn.
Trước tiên, chúng tôi tạm mạo muội dịch từng hiệu một, mặc dầu đã được chư Tôn Thiền đức, bậc thạc học Phật pháp đã từng dạy hay đã từng diễn giải ra rồi. Chúng tôi chỉ tạm nhắc lại ý của các bậc tiền bối đó thôi, để làm thêm một phần sáng tỏ cho bài viết này.
Như Lai : Trước tiên, Như lai là một hiệu trong mười hiệu của Phật. Nghĩa là Như như bất động, Lai thành chánh giác. Hay kim Phật Như cổ Phật tái lai. Có nghĩa là Như kỳ tánh bất như kỳ tướng. Ví dụ vàng là tánh mà các dụng dùng để trang sức như vòng, xuyến, nhẫn, . . . Hình tướng đều khác nhau mà thể tướng đều giống nhau, vì đó là vàng. Như lai là thông hiệu mà danh hiệu Phật là biệt hiệu như : A Di Đà Như lai, Bổn sư Thích Ca Như lai. A Di Đà và Thích Ca là biệt danh, là biệt hiệu mà Như lai là thông hiệu.
Ứng cúng : Ứng là xứng đáng, là nên, tức là bậc xứng đáng được trời người cúng dường.
Chánh biến tri : Biến tri là biết cùng khắp. Bậc biết tất cả cùng khắp những điều chơn chánh.
Minh hành túc : Minh là sáng, Hành là thực hành. Bậc thực hành toàn hào và rất trong sáng.
Thiện thệ : Thiện là là hiền lành, Thệ là phát nguyện. Bậc thực hiện tất cả các hạnh lành để chứng ngộ đến quả vị niết bàn và trở lại độ sanh.
Thế gian giải : Bậc lý giải rõ ràng tất cả những gì ở trong thế gian, nói chung là trong vũ trụ.
Vô thượng sĩ : Sĩ là bậc có học mà không có ai trên nữa.
Điều ngự trượng phu : Điều ngự là bậc chế phục được tất cả, bậc thuần hóa hết tất cả mọi người, nhưng tất cả đều hoan hỷ.
Thiên nhơn sư : Sư là vị thầy. Bậc thầy của cả cõi trời và cõi người.
Phật : Bậc giải thoát hoàn toàn. Đầy đủ tuệ giác và phước đức.
Thế tôn : Thế là đời, Tôn là cao quý. Bậc cao quý nhất ở trong đời.
Nói chung từ Như lai đến Phật là mười hiệu được tôn xưng là cao quý nhất, không gì hơn nữa vậy.
Theo Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang dạy, mà ngày xưa chúng tôi đã được phước báo thọ học là : Mười hiệu và cọng chung hiệu Thế tôn là 11, rất quan trọng, không những ấn định một đức Phật là phải có Mười hiệu, mà mỗi khi chúng ta niệm Phật hay khen Phật là phải nhớ và lạy cả mười hiệu ấy. Do vậy, khi lạy Sám hối cũng cần lạy mỗi hiệu là một lạy. Khi Ngài Trí Quang dạy cho chúng tôi tường tận rằng : trong Mười hiệu, thì ba hiệu Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri được nói nhiều, xưng tán nhiều, thì cũng được xem như thay thế cho cả Mười hiệu vậy.
Thiền sư Phước Hậu, gốc Thái Bình, Bắc Việt. Ngài thọ sinh vào năm 1866. Năm 1916, Triều Nguyễn mời vào Trú trì chùa Trường Xuân. Năm 1920, cung thỉnh ngài Trú trì Tổ đình Linh Quang. Năm 1939, Ngài được triều Nguyễn sắc chỉ Tăng Cang và đảm nhiệm Trú trì chùa Bảo Quốc sau này là Phật học đường Bảo Quốc. Sau khi ngài xả báo thân thì được xây tháp tại Tổ đình Linh Quang. Hiện bảo tháp của ngài vẫn còn ở đây.
Riêng chữ Như mà Thiền sư dùng trong bài thi kệ trên đây, có thể nói rằng : thấy rõ ý nghĩa của chữ Như (lai) của bậc Đại sĩ Trượng phu là trừ được gốc rễ sự khổ đau ; một khi gặp khổ đau họ không còn sợ hãi mà cũng không bị khổ đau dày vò, thân và tâm đều như, tức là bất động. Muốn được cái thù diệu này, loài hữu tình mà đặc biệt là con người, phải tuyệt đối giữ gìn giới hạnh thật trọn vẹn và thanh tịnh. Có như thế mới trừ được mọi gốc rễ của tội lỗi và khổ đau. Không những chỉ giữ gìn giới hạnh mà phải biết phát tâm bồ đề mà phát tâm thật kiên cố. Có đủ tín hạnh nguyện, đừng để thối thất về tín căn.
Tâm bồ đề đã phát và kiên cố rồi thì tợ như mặc áo Như lai (trước Như lai y), từ đó thực hành, tu tập theo chánh pháp mới có thể sanh được vào nhà Như lai (nhập Như lai thất), mới được ở trên tòa sen báu (tọa Như lai tòa), … tâm không còn đắm trước và cũng không vô trước, đạt đến cao thượng, thù thắng, không còn gì hơn được tức là Như. Vì Tâm bồ đề giống như ruộng tốt có thể cho chúng sanh trưởng dưỡng pháp thanh tịnh. Cũng giống như đất, muôn vật nhờ đất mà sinh sống, nhờ đất che chở. Đất là giới luật của Phật vậy. Phát tâm bồ đề tức là giữ giới.
Xin đi sâu một chút vào bài thi kệ bốn câu của Thiền sư Phước Hậu.
Ở câu thứ nhất, Thiền sư nói : “Kinh điển lưu truyền tám vạn tư” là ý muốn nói Pháp Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn để tu tập. Đây là con số tượng trưng, để cụ thể hóa chữ “vô số”.
Trong vô số pháp môn tu tập này, Ngài khiêm cung nói rằng Ngài không được tu học nhiều : “Học hành không thiếu, cũng không dư.” Nhưng bốn chữ “không thiếu không dư” cũng không đơn giản là nói sự khiêm cung, mà còn có thể ngầm hiểu rằng đó là con đường trung dung, trung đạo.
Đến câu thứ ba, Ngài dùng chữ “quên hết” khiến người đọc hời hợt có thể nghĩ rằng đó kết quả của tuổi già lú lẩn, nhưng kỳ thực là nói công hạnh vô chấp, vô trước đối với sở hành sở chứng của hành giả tu tập. Tu vô tu tu, hành vô hành hành, chứng vô chứng chứng (Tứ thập nhị chương) – tu mà không thấy mình tu mới thực là tu, hành mà không thấy mình hành mới thực là hành, chứng mà không thấy mình chứng mới thực là chứng. Diệu nghĩa của chữ “quên hết” là chỗ đó.
Sau cùng là câu : “Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như”. Đây là cách nói cho cụ thể, bằng những từ đơn giản, gần gũi (chỉ nhớ, trên đầu, một chữ), nhưng để chuyên chở tất cả ý nghĩa thượng thừa cao thâm của Phật Pháp qua chữ NHƯ. Quên tất cả nhưng chỉ còn nhớ một chữ Như thôi, nghĩa là không quên gì cả, nghĩa là nhớ tất cả. Bởi vì, Như gồm thâu trọn vẹn con đường tu tập của bồ-tát, là mục tiêu tối hậu của Phật Pháp.
Một đời tu tập và hành đạo của Thiền sư Phước Hậu được đúc kết trong bài thi kệ ngắn bốn câu như thế. Đọc tới đọc lui càng thấy sáng tỏ thêm nhiều vấn đề của Phật Pháp, và còn khích lệ, mở lối cho chúng ta trong sự hành trì.
Tóm lại, bài thi kệ của Thiền sư Phước Hậu đúng là thi kệ của một bậc chân tu đạt đạo. Chỉ có một bậc thượng căn thượng trí mới có thể dùng lời lẽ bình dị mà diễn bày được điều thậm thâm vi diệu của Phật Pháp như vậy. Ngài xứng đáng là bậc thạch trụ tùng lâm của Phật giáo Việt Nam, và bài thi kệ của Ngài cũng xứng đáng là kiệt tác của nền văn học Phật giáo cận đại.
Bài thiền kệ này, ngày chúng tôi theo học với Ôn Trí Quang, Ôn cũng dạy là : Ôn rất tương đắc bài kệ này và Ôn cũng khuyên Học chúng cần phải ghi nhớ và hành trì Giới hạnh sao cho xứng đáng là Thích tử và xứng đáng với chí nguyện lúc ban đầu phát tâm xuất gia.