ĐỌC THƠ
Hòa thượng THÍCH TÍN NGHĨA
Nhà bình thơ LAM NGUYÊN
Ngồi bên song cửa nhìn trời đang đổ tuyết, vừa uống cà phê vừa đọc thơ là một điều lý thú ; lý thú hơn nữa cho tôi là được đọc thơ Đường hay thơ Thiền. Trong bài Ngôn Hoài của Thiền sư Không Lộ (? – 1119) :
“Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”.
Lam Nguyên tạm dịch :
“Có lúc trèo lên tới đỉnh núi,
Gọi vang một tiếng lạnh khung trời !”.
Có phải đây là một người siêu việt, có bản lãnh tự mình giác ngộ chân lý hay không ? Cho nên thơ Thiền là một loại hình nghệ thuật khó lãnh hội được trọn vẹn. Mỗi lần phát biểu về thơ Thiền là lòng tôi ái ngại vô cùng nhưng khi bắt gặp bài thơ hay tôi lại hạ bút để tỏ tâm đắc của mình ! Nay hữu duyên tôi lại được đọc những bài thơ thi sĩ áo nâu Hòa thượng Thích Tín Nghĩa.
Một sự hòa điệu tự nhiên giữa người với muôn loài một cách trọn vẹn khi ta đọc bài thơ “Vô Đề - I” :
“Chung thanh điểm tam hồi,
Ngư ông điểm sổ bôi,
Thiền sư nhập đại định,
Oanh đề liễu thượng khai”
Seattle, 28th 2003 - Trọng hạ Quý mùi
Tác giả tự dịch :
“Chuông khuya vừa điểm ba hồi,
Ngư ông vừa uống một vài ba chum.
Thiền sư nhập định vừa xong,
Trên cây dương liễu chim oanh hát hò.”
Đọc mấy câu thơ trên tôi chợt nhớ hai câu của thi hào Nguyễn Trãi (1380 – 1442) đã nói :
“Tam thập dư niên trầm cảnh mộng,
Sổ thanh đề điểu hoán sơ hoài.”
Lam Nguyên tạm dịch :
“Mộng trần ba chục năm qua,
Chim kêu lại nhớ lòng ta thuở nào !”
Trong thơ Đường bên Tàu có bài “Ung Hồ Sơn Tự” của Trương Thuyết (667 – 730) hai câu làm tôi tâm đắc là :
“Không sơn tịch lịch đạo tâm sanh,
Hư cốc siêu dao dã điểu thanh”
Mà nhà phê bình Kim Thánh Thán (1627 – 1662) đời Thanh bên Trung Hoa bảo rằng : “Nếu không nhờ cái vắng lặng thì không thể sinh ra đạo tâm, nhưng cái vắng lặng không phải là đạo tâm ; nếu như không có xa xôi thì không có tiếng chim vẳng lại, song xa xôi không phải là tiếng chim”. Nếu tôi nhớ không lầm thì “Thanh tịnh bản nhiên, vân hà hốt sinh sơn hà đại địa” nghĩa là (Thanh tịnh bản nhiên, tại sao chợt sinh ra núi sông đất lớn ?). Những câu thơ của các thi nhân trên đã cho chúng ta nghĩ đến tư tưởng cơ sở cho Triết học Phật giáo Thiền tông, nó thể hiện q uan điểm tùy tục của đời sống đạo Việt Nam nói riêng và của các nước Trung Hoa, Đại Hàn và Nhật Bản nói chung. Ngày xưa thi kệ thường được sáng tác trước khi nhà Sư sắp viên tịch hoặc khi bừng vỡ giác ngộ nên mang các câu đề như : Thị Tịch, Thị Chúng, Kệ Ngộ Giải, Kệ Phó Chúc, v.. v… :
Vi Diệu Tâm
“Tâm tán tức ma hiện,
Tâm tịnh thị Phật sanh,
Tâm duyên vi diệu pháp,
Phật quả tự viên thành.”
Quý hạ Tân dậu - 1981
Tác giả tự dịch :
“Tu hành tâm tán là ma,
Tịnh tâm Phật cảnh sanh ra hiện tiền.
Hành trì diệu pháp cần chuyên,
Phật quả viên thành đạt ngộ một khi.”
Tôi không có ý so sánh thơ Thiền của vị Sư này với vị Sư kia nhưng khi tôi nêu ra những câu thơ Thiền mà tôi bắt gặp là diễn tả tâm đắc của cá nhân thôi. Chẳng hạn, khi đọc bài Vi Diệu Tâm trên của nhà sư Tín Nghĩa, tôi lại nhớ đến bài kệ : “Thủy Chung” của ngài Khuông Việt (933 – 1011) :
“Thủy chung vô vật diệc hư không,
Hội đắc chân như thể tự đồng”.
Lam Nguyên tạm dịch :
“Trước sau sau trước có gì đâu,
Chỉ rõ hư không mới nhiệm mẩu”.
Nghệ thuật thơ Thiền mang nét đặc trưng, mô phỏng những ấn tượng sâu sắc của bản thể siêu thoát như bài thơ “Liễu Đạo” của Hòa thượng Tín Nghĩa :
“Tín tự chơn tâm, tín vô vi,
Nghĩa duyên Phật pháp, nghĩa từ bi,
Thiền môn tịnh khiết, tâm vô lụy,
Sư đệ đồng tâm, Phật chúng tri”.
Trọng thu Tân dậu - 1981
Ta có thể nói nguồn linh tức bản thể vốn trong sáng nhưng lâu nay chúng ta đã quên đi vì bao hệ lụy ràng buộc, chìm đắm trong bể khổ trầm luân mà xa dần tâm đạo ; quên cả đường về nên khi đọc được hai câu thơ của nhà thơ áo nâu Tín Nghĩa :
“Thiền môn tịnh khiết, tâm vô lụy,
Sư đệ đồng tâm, Phật chứng tri”.
như tiếng chuông đánh thức kẻ ngu mê, Phật chẳng ở đâu xa mà chư Tổ đã từng dạy :
“Pháp bổn vô đốn tiệm,
Như nhơn hữu trì trạch”.
Nghĩa là :
“Pháp không có mau chậm,
Vì người có thấp cao”.
Rồi tôi lại bắt gặp bài thơ “Hữu Không” của Thiền sư Đạo Hạnh (? – 1117) :
“Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không,
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không”.
Nghĩa là :
“Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Vầng trăng vằng vặc in sông,
Chắc chi có có không không mơ màng.”. (Khuyết danh)
Cùng một ý với bài thơ “Lý Sắc-Không” của Hòa thượng Tín Nghĩa như sau :
“Tọa đàm hý tiếu lý Sắc - Không,
Vạn pháp diệt sanh bổn thị đồng,
Triệt ngộ chơn thường : Không tức Sắc,
Đốn siêu giác quả : Sắc tức Không.
Liễu nhiên sanh tử tùy mộng huyễn,
Ngộ lý hữu vô diệc dung thong.
Trú dạ lục thời quán như thị,
Sắc - Không phi dị tổng giai không”. (Mạnh thu Bính tuất - 2006)
Hai câu đầu bài thơ “Lý Sắc - Không” của nhà thơ áo nâu Tín Nghĩa cho độc giả thấy “cái hữu và cái không” vốn không khác nhưng người đời lại ưa chấp “có và không”, thật ra có hay không đều nằm trong đối đãi mà thuật ngữ nhà Thiền gọi là “Chưa triệt ngộ và Chưa đốn siêu”. Cho nên tác giả bài thơ “Lý Sắc - Không” đã kết luận :
“Trú dạ lục thời quán như thị,
Sắc - Không phi dị tổng giai không.”.
Càng về khuya trời Seattle ngưng tuyết nhưng ánh trăng làm tăng thêm ánh sáng trước sân nhà nên tôi cảm thấy lòng mình cũng vui theo, có lẽ những dòng thơ Thiền của Hòa thượng Tín Nghĩa đã xâm nhập vào hồn tôi từ đầu hôm tới giờ. Ý, Tình và Lý của thơ mang lại cho tôi những cảm thụ sâu xa đầy vẻ đẹp mà bên ngoài như tương phản nhưng bên trong lại tương đồng, một loại ngụ đạo thành ý vị được Chư Tổ Sư Thiền bảo rằng đây là một loại “Ngụ Đạo Thành Thú !” Đọc thơ Thiền của nhà thơ áo nâu Tín Nghĩa tôi càng thấy hiểu rõ câu nói trong Truyền Tâm Pháp Yếu : “Chư Phật cùng tất cả chúng sanh chỉ là một tâm, không có pháp nào khác cả nên tâm này từ vô thỉ cho đến ngày nay không từng sanh không từng diệt . . . . nó vượt qua tất cả dấu vết danh ngôn . . . . . !”.
LAM NGUYÊN
Đêm thu tuyết đổ, năm Bính Tuất - 2006
Mục Lục
Diễn Văn Khai Mạc Đại Lễ Khánh Thành Chánh Điện
Diễn Văn Chào Mừng Đại Hội Thường Niên Nhiệm Kỳ II
Diễn Văn Khai Mạc Đại Hội Thường Niên II
Quyết Nghị Của Đại Hội
Tâm Thư Của Đại Hội
Mấy Ai Dễ Biết
Cảm Niệm Tổ Đình Hải Ngoại
Từ Đàm Quê Hương Tôi
Trúc Lâm, Từ Đàm, Từ Đàm Hải Ngoại
Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại
Đạo Mạch và Nền Văn Hóa
Chùa Từ Đàm Quốc Nội Đến Hải Ngoại
Phật Giáo Sự Kỳ Thị Chủng tộc và Giai Cấp
Vài Nét Tâm Sự
Niềm Vui Chưa Trọn
Phật Giáo Việt Nam Trước Những Ảnh Hưởng của Văn Hóa Xã Hội Hoa Kỳ
Lá Nắng Chùa Từ Đàm
Gợi Chút Dĩ Vãng
Huế Thủ Đô Của Tự Do Tôn Giáo
VỀ CHUYẾN ĐI DỰ ĐẠI HỘI DALLAS
Thời Điểm Chiến Lược
Vài Đặc Điểm Của Phật Giáo
Tính Cách Chính Thống Của GHPGVNTN
Đóa Sen Nở Giữa Mặt Hồ Nhân Gian
Đọc Thơ HT. Thích Tín Nghĩa
Chân Thành Tri Ân và Cảm Tạ
Chư Tăng Ni và Phái Đoàn Về Tham Dự Lễ Khánh Thành
Hội Đồng Điều Hành Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại
Chương Trình Lễ Khánh Thành
Ký sổ vàng xây dựng Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại
Vài nét về Tổ Ðình Từ Ðàm Hải Ngoại