Chính Trị Phiếm Đàm
Nhất Hùng
Ngày 3 Tháng 10 Năm 2023, thế giới chứng kiến một sự kiện lịch sử. Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ bị truất phế. Có sự kiện chính trị nào ở thượng tầng Hoa Kỳ mà không ảnh hưởng đến thế giới. Chủ Tịch Hạ Viện bị truất phế, một nhân vật “cộng hòa” khác sẽ lên thay. Sự kiện này đặt ra biết bao câu hỏi :
Lưỡng đảng đối chọi nhau đến thế này thì “ngân sách” cho tài khóa mới sẽ ra sao ? Liệu sẽ có “đóng cửa” chính phủ trong vài tuần tới không ? “Ngân sách” rồi ra sẽ phải được thông qua, nhưng bên nào nhượng bộ ? Tăng cái gì, giảm hay cắt cái gì ?
Còn hàng trăm câu hỏi khác, nhưng có những câu hỏi vô cùng quan trọng, chắc chắn là sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nước Mỹ mà ảnh hưởng đến tất cả phần còn lại của thế giới. Một vài thí dụ như :
- Hạ viện với Chủ Tịch mới, có cương quyết “luận tội” - dẫu biết là không thể truất phế - Tổng Thống Biden không ?.
- Chỉ còn một năm nữa sẽ có Tổng Tuyển Cử, việc đang diễn ra ở Quốc Hội Hoa Kỳ hôm nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử - đảng nào sẽ lấy được Quốc Hội, Cộng Hòa hay Dân Chủ sẽ giành được ghế Tổng Thống Hoa Kỳ ?
- Mỹ có còn tiếp tục tài trợ hàng tỷ tỷ dollar cho Ukraine để chống lại cuộc xâm lược của Nga nữa không ? . . .
Xem diễn tiến chính trị Hoa Kỳ thú vị như xem một vở kịch có nhiều cảnh nhiều hồi . . . và nhiều kịch tính đến nỗi khán giả khó đoán được “cái kết”.
Như cuộc tranh cử giữa bà Hillary với ông Trump, từ “khai kịch” đến lúc “sắp vãn tuồng”, hầu hết khán giả đều tin chắc bà Hill sẽ hạ gục Trump, có báo còn tin tưởng đến mức cho in lên trang bìa cái tít : “Tổng Thống Hillary Clinton” cho một ấn phẩm sẽ phát hành ngay đêm của ngày bầu cử. Ngờ đâu, bà Hill đã bị một “hồi mã đao” chí mạng của Trump, đành phải chịu hàng.
Những chuyện thay ngôi đổi vị trong thượng tầng chính trị nước Mỹ với tôi nói riêng, người Việt tị nạn Cộng sản đang định cư trên nước Mỹ nói chung, trước bầu cử cũng chia làm hai phe, cũng bàn loạn, cũng ồn ào . . ., chả là, mỗi người Việt là một Chính Trị Gia mà, nhưng khi “chiến tranh tàn” thì đâu lại về đấy, lại cắm đầu kiếm bạc, yên ắng được một hai năm rồi lại choảng tiếp.
Lần này, với diễn biến chính trị đang xảy ra ở Quốc Hội Hoa Kỳ, điều quan tâm nhất của nhiều người Việt là : “Mỹ có còn ủng hộ, còn viện trợ cho Ukraine chống lại Nga xâm lược nữa không ?”. Thắc mắc bởi, “Dân Chủ” thì bảo là “sẽ ủng hộ tối đa . . . vì an ninh của thế giới”, còn Cộng Hòa thì “cắt, cắt hết . . . vì cuộc chiến chẳng liên quan gì đến Mỹ”. Người Việt ta, có lẽ cảm tính chi phối nhiều, từng căm thù Tàu, ỷ lớn ỷ mạnh, khi ăn hiếp, lúc xâm lược Việt Nam cả ngàn năm nay, rồi từng là nạn nhân của Cộng sản xâm lược miền Nam tự do, đành phải tị nạn đến đây . . . nên đồng cảm, thương và lo cho Ukraine nhiều lắm.
Ở Mỹ lâu mới thấy, dân Mỹ tự coi mình là thượng đẳng, đa số họ không biết ông Chủ Tịch Tàu, ông Tổng Thống Pháp, bà Thủ Tướng Đức . . . là ông nào, là bà nào. Cái nước đó ở đâu trên trái đất. Họ chẳng để ý chuyện thế giới, nếu có quan tâm đến một chuyện nào thì đó là do các ông bà Chính Trị Gia dẫn dắt nhưng khi “túi tiền” của họ teo lại, bữa ăn của họ thiếu steak, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng . . . thế là họ dẹp hết, dẹp hết . . . America First . . . khẩu hiệu này có lâu rồi, tùy thời tùy thế lập đi lập lại mà thôi.
Với ý dân như vậy, nhiệm vụ “cốt lõi” của tất cả Tổng Thống Hoa Kỳ là phải làm cho “Dân Giàu Nước Mạnh”. Nhưng hiểu dùm cho, phải là “Dân Giàu” trước, còn nhớ, thời Bush cha, nước Mỹ trở thành Siêu Cường Duy Nhất trên thế giới, nôm na là Bá Chủ là Vô Địch, đạt được điều này, kinh tế trả giá đắt, lạm phát, thất nghiệp gia tăng. Bush giương cao ngọn cờ thành tích “siêu cường” trong cuộc tranh cử Tổng Thống, đối thủ Clinton chỉ cần xách mé “không thể là một nước mạnh nếu dân không giàu . . .”. Bush thất cử.
Nhìn lại lịch sử, những diễn biến lớn ảnh hưởng cả thế giới :
Đệ nhất, đệ nhị thế chiến : Mỹ đứng ngoài, bình chân như vại, làm ăn, buôn bán với cả hai phe, đợi đến khi cả hai kiệt quệ liền kiếm cớ nhảy vào và từ ấy, một nước Mỹ non trẻ trở thành cứu tinh, thành chủ nợ, thành phú ông, thành hiệp sĩ . . . và nghiễm nhiên trở thành Siêu Cường giàu và mạnh nhất thế giới.
Chiến tranh Triều Tiên : Mỹ giương cao ngọn cờ Quốc Tế, tham chiến ở Triều Tiên, phản công, đánh bật quân Bắc Hàn đến tận bờ sông Áp Lục, sát biên giới Tàu. Tướng Tổng Chỉ Huy Mỹ, đại diện giới quân sự, đòi tới luôn, “giải phóng” toàn bộ Triều Tiên, có thể xóa sổ luôn Tàu Cộng. Tổng Thống, đại diện giới chính trị, bảo lùi về vĩ tuyến 38, Tướng không nghe, cách chức Tướng. Ai đúng ai sai, chỉ biết sau đó không những Mỹ vẫn giàu vẫn mạnh, lại có căn cứ quân sự hùng hậu với vài chục ngàn quân Mỹ ngay trên đất Nam Hàn để dòm ngó, canh chừng Tàu ngày đêm.
Chiến tranh Việt Nam : Mỹ đổ cả nửa triệu quân vào Miền Nam, gọi là “be bờ”, bảo vệ thế giới tự do. Đánh cù nhây cù nhằng mười mấy năm, gần sáu chục ngàn quân nhân tử trận . . . năm 1972 được Mao mở cửa tiếp đãi thịnh tình, hứa mở cửa thị trường với hơn tỉ dân, buôn bán tự do . . . Mỹ liền bỏ Miền Nam. Không còn be bờ chống Cộng, không còn bảo vệ thế giới Tự Do . . . chịu tiếng bại trận. Ai đúng ai sai, chỉ biết Cộng không những không nhuộm đỏ được thế giới mà lại còn sụp đổ tan tành. Mỹ nghiễm nhiên trở thành “Siêu Cường Duy Nhất” của Thế Giới và với cựu thù tưởng là không đội trời chung thì nay lại bang giao hết cấp - đối tác chiến lược toàn diện - nghe đâu sắp tới còn bán cho Việt Nam những vũ khí khủng.
Từ một người Mỹ cảm thấy không an toàn khi đi trên các phố Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 đến chỗ, nay ung dung vác súng đi săn chim săn thú trên những cánh đồng hoang vu hẻo lánh. Ai thắng Ai ?
Rồi sau đó, trong nhiều cuộc chiến khác, Mỹ cũng từng ủng hộ tận tình, từng đánh tới bến . . . rồi lại bỏ lại rút . . . theo dư luận thì cứ thua tới thua, chẳng thắng trận nào, thế mà Mỹ vẫn giàu vẫn mạnh.
Trở lại chuyện Ukraine, thương U quá . . . địa lý chính trị của U thật hiểm nghèo. Nga xâm lược U, Mỹ và Châu Âu giúp U, quân dân U chiến đấu hy sinh, dũng cảm, anh hùng. Nga muốn nuốt trọn, nhưng không nổi, bây giờ, chắc chắn U đã thoát được cái họa vong quốc nhưng còn bị Nga ngoạm một miếng lớn. Châu Âu giúp nhiều, Mỹ đã giúp nhiều hơn. Tôi vẫn thầm cầu Mỹ và Châu Âu tiếp tục giúp U cho đến khi lấy lại toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng nếu vì những tính toán chính trị, địa chính trị, kinh tế, an ninh khu vực . . ., giới chính trị Mỹ, dân chúng Mỹ không ủng hộ, không giúp nữa mà một mình Châu Âu cũng không đủ khả năng để giúp. Tôi nghĩ U không thể đương đầu với Nga xâm lược, nhưng tin chắc một điều, quân và dân U cũng vẫn tiếp tục quyết tử quyết sinh chiến đấu bảo vệ tổ quốc, khôi phục lãnh thổ. Rồi chuyện gì xảy ra, kết cuộc thế nào, tôi không đoán nổi.
Gần 70 năm qua, Liên Xô (đến Nga) và NATO vẫn xem nhau là kẻ thù. Và bây giờ là cơ hội bằng vàng làm khô máu Nga. Người Nga đã và đang sa lầy trên chiến trường U. NATO chỉ mất tiền, còn Nga vừa cạn kiệt tiền của vừa khô máu.
Còn cơ hội nào tốt hơn để làm sụp đổ, để vô hiệu hóa mối nguy Gấu Nga vĩ đại.
Mà Mỹ cũng đâu muốn Nga sụp đổ, không còn con ngáo ộp Nga, lấy gì đe dọa Châu Âu, không còn mối lo Gấu Nga, Châu Âu có còn “nghe” Mỹ nữa không hay là sẽ quay qua cạnh tranh với Mỹ. Châu Âu mà cạnh tranh với Mỹ thì đấy là một cạnh tranh kiểu “diễn biến hòa bình” vô cùng nguy hiểm. Với Tàu cũng vậy, Mỹ cần một con ngáo ộp ở Châu Á. Có ngáo ộp Tàu thì Ấn Úc Nhật Hàn mới xếp hàng theo Mỹ, có ngáo ộp Tàu mới có “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam.
Lo nhất một điều, sau chiến thắng của Mỹ - giúp U không gục ngã trước Gấu Nga hùng mạnh và hung hãn rồi vì những tính toán lợi hại, những lợi ích an ninh đã đạt được, Mỹ nhắm mắt, để Nga chiếm lãnh thổ U, tạo hoàn cảnh để U “thoát Nga” toàn diện và tạo ra mối thù truyền kiếp giữa U và Nga. Từ những tính toán ấy, Mỹ có thể thúc đẩy đông lạnh cuộc chiến, U mất một phần lãnh thổ để đổi lấy hòa bình. Cái kết như vậy vẫn là một cái kết buồn.
Cuộc chiến Nga - Ukraine diễn tiến thế nào, kết thúc ra sao, Mỹ vẫn giàu vẫn mạnh, vai trò siêu cường số một càng được củng cố. Một khối Liên Xô to lớn hùng mạnh, Mỹ còn làm cho vỡ vụn huống gì một anh Nga đang mắc nhiều bệnh trầm kha.
Bàn cờ chính trị thế giới có thể đổi chiều nếu thay đổi Đảng lãnh đạo nước Mỹ nhưng chơi kiểu gì Mỹ cũng ăn trùm cả.
Chỉ tội cho những nước nghèo, nước nhỏ mà ở bên cạnh những nước đã lớn lại đầy tham vọng, đầy dã tâm như Nga như Tàu thì phải lo triền miên. Theo nó thì lệ thuộc, mất độc lập, mất tự chủ, không theo thì nó quấy rối, gây bất ổn và đất nước luôn đối diện với nguy cơ bị xâm lược. Tất cả không phải tùy thuộc số trời mà tùy thuộc vào “lá phiếu”, vào quyết định của Dân Mỹ.
Thương quá Việt Nam, Thương quá Ukraine.