<January 2025>
SunMonTueWedThuFriSat
2930311234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Anh Hùng và Tội Đồ
Tác giả: Phạm Quang Vinh

 

Anh Hùng và Tội Đồ

Phạm Quang Vinh.

          Lịch Sử Cần Phải Được Nhìn Nhân và Đánh Giá Theo Góc Nhìn Của Nhân Dân Trong Các Giai Đoạn Của Lịch Sử. Đó Là Khoa Học, Khách Quan và Trung Thực

          Chúng ta phải thừa nhận rằng; Tám đời Chúa Nguyễn có công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi Đất nước, đó là một thực tế không thể phủ nhận, cho dù công lao đó xuất phát chính là từ lợi ích của Dòng tộc và của cá nhân các Chúa Nguyễn. Nhưng với Triều đại nhà Nguyễn thì lại là một chuyện khác, nhất là đối với Nguyễn Ánh vị vua đầu tiên của Triều đại nhà Nguyễn.

          Ghi chép lịch sử cần phải tách bạch phân minh, rạch ròi về khái niệm giữa Chúa nguyễn và Vương triều nhà Nguyễn trong việc nhìn nhận và đánh giá, bởi mỗi giai đoạn của lịch sử đều có tính chất đặc thù riêng, và hơn nữa khoảng trống giữa Chúa Nguyễn và Vương triều nhà Nguyễn là thời kỳ rực rỡ, huy hoàng của lịch sử Dân tộc; Cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn và Triều đại Tây sơn (1771 – 1802). Vì thế ;  Không thể lấy công mở mang bờ cõi của các Chúa nguyễn để tôn công cho Nguyễn Ánh hay Vương triều nhà Nguyễn, nhằm bao che cho tội lỗi của Nguyễn Ánh đối với Dân tộc, để rồi hắt chậu nước bẩn vào người Anh hùng Dân tộc Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ của Triều đại nhà Tây sơn.

          Đánh giá về công và tội của Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long) một số các sử gia thời nay đang phát động phong trào rửa tội danh “Cõng rắn cắn gà nhà” cho Nguyễn Ánh, để gián tiếp rửa tội danh “Rước voi về rầy mả Tổ” cho Nguỵ quyền Việt Nam Cộng Hòa. Trên các trang mạng điện tử Họ tung ra những bài viết, những băng hình có nội dung đòi lại sự “công bằng” cho Triều đại nhà Nguyễn và tội đồ Dân tộc Nguyễn Ánh bằng việc Tôn công, Giảm tội, lấy công mở mang bờ cõi của các Chúa Nguyễn làm công của Nguyễn Ánh và Vương triều nhà Nguyễn. Ngay cả việc Pháp xâm lược Việt Nam Họ cho đó là “Chuyện tất yếu, cá lớn nuốt cá bé” và Triều đại nhà Nguyễn chỉ là một nạn nhân.

          Từ việc chạy tội cho Nguyễn Ánh, Họ tiếp tục chạy tội cho những tay sai bản xứ bán nước cầu vinh của Triều đại nhà Nguyễn như :  Hoàng Cao Khải, Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản . . . trong cái gọi là “Khoa học, khách quan, trung thực”. Họ cho mở các cuộc hội thảo nhằm tôn vinh, vinh danh cho những tên tay sai này, thông qua đó chỉnh sửa sách giáo khoa giảng dậy trong các trường học, đề xuất đặt tên Trường học, tên đường mang tên những kẻ bán nước cầu vinh, cũng như việc thờ cúng Anh hùng Dân tộc Vua Quang Trung Nguyễn Huệ cùng chung với Nguyễn Ánh. Tất cả đều là những thủ đoạn nhằm cào bằng mọi giá trị chân chính của lịch sử, chà đạp lên đạo lý (đạo nghĩa) của Dân tộc, cần phải bị lên án và phê phán.

          Trong bài viết này, tôi chỉ đem ra phân tích, so sánh và làm rõ về Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, ai là Anh hùng, ai là Tội đồ :

          Để hiểu về hai con người này, trước tiên chúng ta hãy nghe nữ tướng Tây Sơn Bùi Thị Xuân trước khi bị hành hình đã nói vào mặt Nguyễn Ánh như thế nào :

          Người ta truyền rằng khi nghe tin Bùi Thị Xuân bị bắt, Nguyễn Ánh bèn sai người áp giải đến trước mặt rồi hỏi với giọng đắc chí :

          “Ta và Nguyễn Huệ ai hơn ?”.

          Bà trả lời :

          “Chúa công ta, tay kiếm tay cờ mà làm nên sự nghiệp. Trong khi nhà người đi cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Tây làm tan nát cả sơn hà, cùng đều bị chúa công ta đánh cho không còn manh giáp. Đem so với chúa công ta, nhà ngươi chẳng qua là ao trời nước vũng. Còn nói về đức độ, thì Tiên đế ta lấy nhân nghĩa mà đối xử với kẻ trung thần thất thế, như đã đối với Nguyễn Huỳnh Đức, tôi nhà ngươi. Còn ngươi lại dùng tâm của kẻ tiểu nhân mà đối với bậc nghĩa liệt, đã hết lòng vì chúa, chẳng nghĩ rằng ai có chúa nấy, ái tích kẻ tôi trung của người là khuyến khích tôi mình trung với mình. Chỗ hơn kém rõ ràng như ban ngày và đêm tối. Nếu Tiên đế ta đừng thừa long quá sớm, thì dễ gì nhà ngươi trở lại đất nước này.

          Nguyễn Ánh gằn giọng :

          “Người có tài sao không giữ nổi ngai vàng cho Cảnh Thịnh ?”.

          Bà đáp :

          “Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc Hà ?”.

          Tuy chỉ là lời truyền miệng trong Dân gian, nhưng qua đó chúng ta cũng cảm nhận được tình cảm của Người dân thời đó dành cho vị Anh hùng Dân tộc Nguyễn Huệ và sự khinh bỉ dành cho Nguyễn Ánh.

          Hôm Nay Chúng Ta Cùng Nhìn Nhận Thực Tế Rất Rõ Ràng Về Sự Khác Biệt Giữa Anh Hùng và Tội Đồ :

          1- Nguyễn Huệ đại diện cho giai cấp cần lao (giai cấp bị bóc lột). Nguyễn Huệ và 2 người anh em của Ông xuất thân từ nông dân được biết đến với tên gọi “Tây Sơn tam kiệt”, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và sau đó là Triều đại Tây Sơn (1771 - 1802).

          - Nguyễn Ánh đại diện cho dòng dõi vua chúa phong kiến (giai cấp bóc lột). Nguyễn Ánh tên thực là Nguyễn Phúc Ánh, là cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa Nguyễn áp chót ở đàng trong.

          2- Nguyễn Huệ dấy binh khởi nghĩa vì quyền lợi và lợi ích của Dân chúng đang bị rên siết dưới chế độ bóc lột hà khắc của Chúa Trịnh ở đàng ngoài và Chúa Nguyễn ở đàng trong mà Nguyễn Ánh là một đại diện.

          Mục đích cao cả của Nguyễn Huệ là đập tan các thế lực chia rẽ Đất nước, chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Chúa Trịnh ở phía bắc và Chúa Nguyễn ở phía nam kéo dài 150 năm (1627-1777). Lật đổ hai tập đoàn này cùng Nhà Hậu Lê với vị Vua “Cõng rắn cắn gà nhà” Lê Chiêu Thống, thu Giang sơn về một mối. Bởi vậy khi Ông chính thức lên ngôi Vua Ông được Nhân dân Tôn vinh là Anh hùng áo vải Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ.

          - Nguyễn Ánh đấu tranh vì quyền lợi và lợi ích của dòng tộc và cá nhân. Sau khi gia tộc chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn lật đổ vào năm 1777, ông trốn chạy và bắt đầu cuộc chiến kéo dài suốt 25 năm với Tây Sơn để khôi phục ngôi vị dòng tộc mình. Chỉ vì muốn khôi phục lại dòng giõi vua chúa của mình mà Nguyễn Ánh tìm mọi cách cầu cứu ngoại bang, trợ giúp chúng đem quân vào đánh nhà Tây Sơn, ông bị Nhân dân khinh bỉ và lên án vì tội “Cõng rắn cắn gà nhà, rưc voi về rầy mả tổ”.

          3- Nguyễn Huệ, đặt Độc lập Dân tộc lên trên hết, thù trong được đặt sau giặc ngoài. Chính vì vậy khi quân Xiêm La xâm lược, việc trước tiên của ông là tập trung vào đánh tan quân xâm lược Xiêm La. Khi quân Thanh xâm lược ông liền gác lại thù trong, năm 1788 sau khi Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi lại cho Ông, Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22 tháng 12 năm 1788) Ông lập tức lên ngôi Hoàng Đế, ra lời Hịch huy động sức mạnh của Toàn dân tộc đánh tan 20 vạn quân Thanh, bảo vệ vững chắc nền độc lập của Dân tộc.

          - Nguyễn Ánh, đặt quyền lợi của dòng tộc và lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của Dân tộc, bởi vậy đã phạm phải những tội tầy đình “Cõng rắn cắn gà nhà” mà hệ quả của nó đã đưa Đất nước từ chỗ Độc lập Dân tộc trở thành thuộc địa của thực dân Pháp trong suốt gần 100 năm.

          Nguyễn Ánh và Những Tội Danh :

          A/- Tội : “CÕNG RẮN CẮN GÀ NHÀ”, Cầu Cứu và Trợ Giúp Ngoại Bang Để Tiêu Diệt Nhà Tây Sơn.

          Năm 1784, Nguyễn Ánh Cầu viện quân Xiêm La sang đánh Tây Sơn, nhưng đã bị Quân Tây Sơn đánh cho tan tác trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút. Chỉ một trận quyết chiến diễn ra không đầy một ngày đã tiêu diệt gần 2 vạn quân Xiêm cùng mấy ngàn quân Nguyễn Ánh, chỉ sót vài nghìn người chạy theo đường thượng đạo trốn về nước.

          Năm 1789, khi nghe tin Lê Chiêu Thống mời quân Thanh sang đánh Tây Sơn, Nguyễn Ánh sai Phạm Văn Trọng và Lâm Đồ mang thư khích lệ và chở 50 vạn cân gạo ra giúp quân Thanh đánh Tây Sơn, nhưng thuyền đi giữa đường bị đắm hết.

          Năm 1787, Nguyễn Ánh nhờ Giám mục người Pháp Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) làm sứ giả qua nhờ nước Pháp mang quân sang giúp. Nguyễn Ánh giao cho Bá Đa Lộc một tờ quốc thư 14 khoản cầu viện Pháp và cả quốc ấn để vị Giám mục này được toàn quyền thay mặt Nguyễn Ánh sang Pháp cầu viện triều đình vua Louis XVI. Đi kèm với Bá Đa Lộc là con cả của Nguyễn Ánh là Nguyễn Phúc Cảnh (để làm con tin) và Phó vệ úy Phạm Văn Nhân và Cai cơ Nguyễn Văn Liêm. Bá Đa Lộc với tư cách là đại diện của Nguyễn Ánh đã ký với Thượng thư Bộ Ngoại giao Pháp là Armand Marc một bản hiệp ước “Tương trợ tấn công và phòng thủ” (thường gọi là Hiệp ước Versailles). Hiệp ước này gồm có 10 khoản, nội dung chính là về việc vua Pháp cam kết cung cấp cho Nguyễn Ánh 4 chiếc tàu chiến loại frégaté cùng 1.200 bộ binh, 200 pháo binh và 250 lính Cafres (lính da đen châu Phi) và các phương tiện trang bị vũ khí tương ứng ;  ngược lại Nguyễn Ánh chấp thuận nhường cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn cho Pháp, cho phép người Pháp được quyền tự do buôn bán và kiểm soát thương mại của người nước ngoài ở Việt Nam, mỗi năm sẽ đóng trả cho Pháp một chiếc tàu giống với loại tàu Pháp viện trợ đồng thời cung cấp lương thực và quân nhu thiết yếu cho Pháp khi Pháp có chiến tranh với một nước khác ở khu vực Viễn Đông.

          Tuy hiệp ước không được thực hiện, nhưng Hiệp ước Versailles vẫn trở thành một di họa đối với Việt Nam. Về sau, Pháp đã dựa vào hiệp ước này để làm cớ yêu cầu nhà Nguyễn cắt đất, và sau đó xâm lược Việt Nam vào năm 1858.

          Giáo sư sử học Trần Văn Giàu nhận xét :

          “. . . đúng là sĩ quan Pháp đã giúp nhiều cho Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Cho nên trong triều đình Huế, đến khi Gia Long lên ngôi, vẫn còn thấy mấy quan đại thần mắt xanh tóc đỏ. Khỏi phải nói trắng ra, các quan đại thần đó như Dayot, Chaigneau, Vannier . . . đều là tai mắt của Paris. Còn Paris thì các nhà cầm quyền từ Đệ nhất Đế chế đến Đệ tam Cộng hòa đều không lúc nào quên Hiệp ước Versailles 1787. Paris luôn nhắc nhở Huế cái hiệp ước “trời cho” ấy bằng đường ngoại giao và bằng đại bác của chiến hạm bắn lên Đà Nẵng. Cầu viện Pháp, Hiệp ước Versailles đã tạo thành một “nghiệp chướng” cho triều đình Nguyễn”.

          Trong bài “Nên học sử ta” (Báo Việt Nam độc lập ngày 1/2/1942), Chủ tịch Hồ Chí Minh cực lực chỉ trích việc Gia Long ký Hiệp ước Versailles, đồng ý cắt lãnh thổ Việt Nam để đổi lấy sự trợ giúp của quân Pháp để đánh Tây Sơn. Hồ Chí Minh xem đó là hành vi bán nước, Người viết :

          “Trước khi vua Gia Long bán nước cho Tây, nước ta vẫn là nước độc lập. Vì muốn giành làm vua mà Gia Long đem nước ta bán cho Tây. Thế là giang san gấm vóc tan tác tiêu điều, con Lạc cháu Hồng hóa làm trâu ngựa”.

          Hay như, sau này tác giả Faure chép truyện Bá Đa Lộc, có nuối tiếc rằng nếu Hiệp ước được Pháp thực hiện thì quân Pháp có thể chiếm được Việt Nam sớm hơn mấy chục năm :

          “Nếu lúc ấy Chính phủ Pháp sẵn sàng giúp ông Bá Đa Lộc thì ông ấy đã giúp cho nước Pháp hoàn thành cuộc bảo hộ ở An Nam ngay từ cuối thế kỷ 18, để sau khỏi phải dùng đến chiến sự mới xong công việc”.

          B/ Tội :  Nhượng Địa Làm Mất Lãnh Thổ :

          Năm 1802, Nguyễn Ánh đem đất Trấn Ninh (Diện tích khoảng 45.000km2) cắt cho vương quốc Vạn Tượng (Lào) của A Nỗ (Anouvong). Phủ Trấn Ninh gồm 8 huyện ở phía tây tỉnh Nghệ An . Đời Lê Thánh Tông đánh phá Ai Lao đã lấy đất đặt làm phủ này. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi Vua, đã cắt vùng này cho Vạn Tượng để lôi kéo sự ủng hộ. Như vậy sau hơn 300 năm thuộc về lãnh thổ Đại Việt dưới thời nhà Hậu Lê và nhà Tây Sơn, Trấn Ninh đã bị cắt cho nước khác. Đây là lần bị mất lãnh thổ lớn thứ 2 trong lịch sử Việt Nam, chỉ đứng sau việc Tự Đức cắt Nam Kỳ lục tỉnh cho thực dân Pháp.

          C/- Tội :  Trả Thù Nhà Tây Sơn, Một Hành Động Giã Man, Tàn Bạo và Độc Ác Nhất Trong Lịch Sử Dân Tộc :

          Vào ngày giáp tuất tháng 11 (ngày 7 tháng 11 năm Nhâm Tuất, nhằm ngày 1 tháng 12 năm 1802) Nguyễn Ánh tiến hành làm lễ “Hiến Phù” (獻浮, nghĩa là lễ dâng tù) nhằm báo công với tổ tiên ;  và nhân đó tiến hành trả thù gia đình Nguyễn Huệ và những người theo Tây Sơn một cách tàn bạo và giã man chưa từng có trong lịch sử.

          Trích tài liệu của giáo sĩ De La Bissachère diễn tả về buổi hành hình :

          “Đứa con gái trẻ của bà (Bùi Thị Xuân), một thớt voi từ từ tiến đến. Cô gái biến sắc rồi mặt trắng bệch như tờ giấy. Nàng ngoảnh nhìn mẹ, kêu thất thanh. Bà Xuân nghiêm mặt trách :  Con phải chết anh dũng để xứng đáng là con của ta ! . . . Đến lượt bà, nhờ lớp vải ở bên trong quấn kín thân thể, nên tránh khỏi sự lõa lồ. Và bà rất bình thản bước lại trước đầu voi hét một tiếng thật lớn khiến voi giật mình lùi lại. Bọn lính phải vội vàng bắn hỏa pháo, đâm cây nhọn sau mông con vật để nó trở nên hung tợn, chạy bổ tới, giơ vòi quấn lấy bà tung lên trời . . . Nhưng trái với lệ thường, nó không chà đạp phạm nhân như mọi bận mà bỏ chạy vòng quanh pháp trường, rống to lên những tiếng đầy sợ hãi khiến hàng vạn người xem hoảng hốt theo . . .”.

          Sau đó Nguyễn Ánh thấy không giết được Bùi Thị Xuân bèn cho lấy dây sắt quấn người bà vào cột rồi cho thiêu chết một cách dã man.

          Quang Tự, Quang Điện, Nguyễn Văn Trị rồi các con của Nguyễn Nhạc gồm Thanh, Hán, Dũng bị giết ngay sau khi bị bắt, 31 người có quan hệ huyết thống với Nguyễn Huệ đều bị xử lăng trì.

          Quang Toản và những người con khác của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ là Quang Duy, Quang Thiệu và Quang Bàn bị 5 voi xé xác, đầu bị bỏ vào vò và giam trong ngục.

          Lăng mộ nhà Tây Sơn như các lăng của vua Thái Đức và vua Quang Trung bị quật lên, hài cốt bị giã nát quăng đi, đầu ba vua Tây Sơn (Thái Đức, Quang Trung và Cảnh Thịnh) và bài vị vợ chồng Nguyễn Huệ thì bị giam trong ngục tối.

          Không chỉ tru di gia tộc của vua nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh còn truy sát cả dòng họ của một số danh tướng nhà Tây Sơn. Trong bút ký “Còn mãi đến bây giờ”. Hoàng Phủ Ngọc Tường ghi rằng nhánh họ Bùi của nữ tướng Bùi Thị Xuân đã bị Gia Long giết sạch. Dòng họ của tướng Trần Quang Diệu bị truy sát, con cháu của ông phải dùng cách “sanh vi Nguyễn, tử vi Trần”, tức là đổi họ từ Trần sang Nguyễn, nhưng khi mất sẽ ghi trên bia mộ là họ Trần (để nhắc nhở con cháu về dòng họ đích thực của tổ tiên).

          Không chỉ trả thù những người theo nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh còn truy sát cả những người họ hàng rất xa (đã cách nhau cả chục đời) của Nguyễn Huệ. Theo sách “Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung” của Phó giáo sư sử học Đỗ Bang, thời kỳ đầu khi Gia Long lên ngôi, đã chỉ dụ cho dân địa phương ở xã Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nơi cụ tổ 10 đời của anh em nhà Tây Sơn từng sống vào 200 năm trước đó) rằng :  Hễ ai là bà con tộc thuộc của Tây Sơn ra khai báo, sẽ được trọng dụng bổ làm quan”. Có những gia đình cùng họ với nhà Tây Sơn tưởng thật, đã ra khai báo, nhưng không ngờ tất cả đều bị bắt và bị giết. Hiện nay, có 24 gia đình gốc họ Hồ đều có người chết trong ngày đại tang Tây Sơn, giỗ vào ngày 20 tháng 10 âm lịch hàng năm. Những người còn sống do lẩn trốn sang các làng khác, có người phải đổi thành họ Nguyễn mới tránh được sự truy nã.

          Phần Kết

          Chính là chính, Tà là tà, Yêu nước là yêu nước, Bán nước là bán nước. Đó là :  Đạo lý (Đạo nghĩa) rõ ràng minh bạch, là bản sắc văn hóa cùng truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của Dân tộc Việt Nam. Việc nhìn nhận và phân định rõ ràng này chính là để hun đúc lòng yêu nước, ý thức Dân tộc, niềm tự hào Dân tộc nhằm tạo lên sức mạnh Đại đoàn kết của cả Dân tộc để Dựng nước và Giữ nước.

          Chúng ta hoàn toàn tự hào về những trang lịch sử hào hùng của Dân tộc, nhưng cũng phải chấp nhận những trang sử bi tráng để từ đó nhìn nhận, đánh giá, rút ra những bài học cho các thế hệ mai sau. Đó mới là cách nhìn nhận Công tâm về lịch sử, không bao biện, không vị tha, lấy Nhân dân làm gốc cho mọi góc nhìn vào lịch sử, bởi vì Nhân dân chính là người phán xét lịch sử.

          Phạm Quang Vinh.

 

 

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Đời sống tăng đoàn ở Nalanda . . . .
Chùm Thơ Mừng Xuân Ất Tỵ
Cáo Bạch
Lá Thư Xuân Quý Mão
Điện thư Phân Ưu của Giáo Hội
Chương Trình Sinh Hoạt Trong Năm Giáp Thìn - 2024
Thông Bạch Vu Lan 2022 - PL. 22566
Phạm Duy Vĩnh Biệt Thôn Đoài
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ Tổ Chức Đại Hội Thường Niên Lần Thứ 2
Chương Trình Sinh Hoạt Năm Nhâm Dần-2022 của Từ Đàm
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
4733624
Có 0 Khách Đang Online