<January 2025>
SunMonTueWedThuFriSat
2930311234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Vài Nét Tâm Sự
Tác giả: Kỷ yếu khánh thành

VÀI NÉT TÂM SỤ

 

Trung Tướng NGUYỄN CHÁNH THI

 

             Vào lời : Khi Tân chánh điện của Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại bắt đầu xây cất, Trung tướng Nguyễn Chánh Thi về thăm và phát nguyện ký sổ vàng ủng hộ. Chúng tôi có thưa, khi nào hoàn thành, kính mời Trung tướng hoan hỷ tham dự và sau đó, xin Trung tướng có đôi dòng với Kỷ Yếu.

 

             Bài nầy, tác giả rút ra từ cuốn “Việt Nam Một Trời Tâm Sự” và gởi về chúng tôi. Đồng thời, tác giả cũng cho hay là vì tuổi già, bận phải đi đó đây với anh em trong lúc nầy, tôi có vài nét tâm tình gởi về thầy, mặc dầu nó đã góp mặt từ lâu qua báo chí cũng như tác phẩm của tôi. Mong thầy hoan hỷ.

 

      Sau ba năm dài trôi nổi trên xứ Chùa Tháp trở về miền Nam, tôi có đi thăm hai người bạn trong tù : Anh Trương Đình Cát và Hà Như Chi. Họ vừa là bạn vừa là cùng phục vụ dưới chế độ nhà Ngô trước kia. Trương Đình Cát là người có tinh thần quốc gia, chống Cọng triệt để và đầy đủ sĩ khí.

 

             Cát là người cộng tác mật thiết với anh Võ Văn Hải, Bí thư Văn phòng của Thủ tướng Ngô Đình Diệm khi ông vừa ở Pháp về lập chính phủ năm 1954.

 

             Cát bị giam ở lao xá Nha Trang khi cuộc Cách mạng 1963 bùng lên.

 

             Còn Hà Như Chi dân biểu của Ngô gia một thời nổi danh là người tình của Cố vấn Lệ Xuân thì bị giam cầm ở nhà lao Chí Hòa.

 

             Trung tướng Mai Hữu Xuân lúc đó là Đô trưởng Sài gòn Chợ lớn bảo nhỏ tôi :

 

             -. Ông Thi nên cẩn thận, kẻo thiên hạ hiểu lầm.

 

             Tôi hiểu ý ông ta, vắn tắt trả lời :

 

             -. Đây là chỗ quen biết xa xưa nên có ý thăm hỏi nhau lúc gặp hoạn nạn thôi.

 

             Độ nửa giờ sau Cảnh sát đã đón Hà Như Chi đến tại văn phòng của tướng Mai Hữu Xuân cho tôi gặp thăm nhau. Câu chuyện hỏi nhau về sức khỏe diễn ra khoảng mười phút và tôi trao cho anh ta gói quà gồm mấy thức ăn lặt vặt.

 

             Thế rồi ngày chỉnh lý, mãi đến ngày 11-09-1964, nhận thấy tình hình chính trị sôi động nên chính phủ yêu cầu tôi đến thăm nhà lao Chí Hòa và các tội nhơn liên hệ đến họ Ngô. Chính phủ có ý định đưa họ đi Côn đảo.

 

             Nhìn qua chỗ ăn ở của bọn họ thì thật quá đầy đủ, đồ ngon vật lạ, cam táo ngoại quốc không thiếu thức gì. Bọn họ chụm năm, chụm ba nhìn tôi với những con mắt lo ngại. Tôi đứng trước Hà Như Chi hỏi vài câu, bỗng nhiên Trần Kim Tuyến lò dò đi đến dơ tay muốn bắt tay tôi. Tôi từ chối vì chỉ hỏi anh ta có ý kiến chi không ?

 

             Tuyến trả lời :

 

             -. Bây giờ chúng ta nên phải đoàn kết làm việc lớn (!)

 

             Tôi mĩm cười và quay qua bắt tay Hà Như Chi nói chung một đôi lời với bọn chúng rồi về.

 

             Hai hôm sau, anh hạ sĩ cho tôi biết có bà Hà Thúc Lãng mẹ Hà Như Chi muốn vào thăm (năm 1937 – 1938, ông Hà Thúc Lãng, thân phụ của Hà Như Chi cũng là thầy học của tôi tại trường tiểu học Đồng Thới, Quảng Bình và tôi quen Hà Như Chi và Hà Thúc Cần từ đó).

 

             Bà mẹ của Hà Như Chi hơi ngập ngừng khi mở đầu câu chuyện với tôi.

 

             Tôi nghĩ đến ông thầy học cũ của mình nên giữ nguyên cung cách đối xử ân cần :

 

             -. Xem cô vẫn khỏe, cô đến chơi hay có việc chi ? Mấy tháng trước thấy sinh viên, học sinh Huế biểu tình có ý định đến phá phách nhà thầy cô, nên tôi đã đích thân đến yêu cầu họ giải tán, kêu gọi họ quên thù hận đã qua để cùng nhau xây dựng lại đất nước.

 

             Tưởng cũng nên nhớ lại cho rõ : Vào hơn một năm trước đó bà Hà Thúc Lãng đại diện cho phụ nữ Huế có đọc một bài diễn văn tâng bốc bà Ngô Đình Nhu trong đó có câu bất hủ là :

 

             -. . . . “Dân chúng Cố đô Huế nên xây một cây cầu bằng vàng từ Huế đến Sài Gòn để rước Đệ nhất phu nhân đến thăm Cố đô Huế. . .”.

 

             Bà mẹ Hà Như Chi chớp chớp mắt như tuồng cảm kích và đi thẳng vào việc :

 

             -. Hôm ni tôi đến thưa chuyên với anh và mong anh thông hiểu và giúp cho Chi, chúng tôi nghe tin chính phủ có ý định đưa họ ra Côn đảo thì phải ?

 

             Tôi chỉ nhìn bà ta mà chưa có câu trả lời thì bà lại tiếp :

 

             -. Anh nên nghĩ chỗ bạn bè, bà con quen biết mà cố giúp cho Chi thì vợ chồng tôi không bao giờ quên, và bà nhắm mắt như muốn khóc.

 

             Tôi đáp :

 

             -. Thưa cô đó là chuyện của Chính phủ, chuyện chính trị ngột ngạc lắm. Như cô biết tôi vào ra thăm Chi và có hẹn cần chi tôi sẽ cố gắng hết sức của tôi, và chắc cũng chưa đến nỗi chi để đưa ra Côn đảo.

 

             Có thể nghe tôi nói bà hơi yên tâm và chậm chậm ngồi xuống ghế, nói tiếp :

 

             -. Bà Nhu mà ai không biết, cả xứ Huế và cả nước đều biết ? Thằng Chi nó đẹp trai học giỏi được người đàn bà quốc thước quyền hành hiến thân cho mà làm răng từ chối được ?

 

             Nói xong bà ta mĩm cười và nhìn vào tôi ra chiều hãnh diện ? !

 

             Tôi mời bà uống chén nước trà và xin cáo lỗi vì bận việc phải chia tay.

 

             Chuyện Hà Như Chi là như vậy. Nhưng chuyện anh Trương Đình Cát người bạn học thân với tôi tại trường Phú Xuân vào năm 1939, 1940 - 1941. Anh người thông minh, điềm đạm và cẩn thận trong mọi việc. Tôi tự ngạc nhiên với tôi, vì tôi và Trương Đình Cát tính tình thật trái ngược như thế mà chúng tôi lại thật thân nhau ?

 

             Trước năm 1954, Trương Đình Cát hoạt động phò nhà Ngô sao đó nên bị bắt và giam vào lao Thừa phủ - Huế và khi ông Diệm về thì Trương Đình Cát lại làm Văn phòng Thủ tướng trở thành một trong đám Cần lao thân tín, hoàn toàn tin vào chế độ nhà Ngô.

 

             Năm 1955, Trương Đình Cát ở đường Hiền Vương, tôi ở Lê Văn Duyệt gần nhau, cứ mỗi lần rãnh rỗi lại ghé thăm nhau để hàn huyên. Có lúc có cả anh Phan Thụy Dung làm cho SUIS nữa, ngày xưa cũng là bạn học. Ngoài ra tôi ghé thăm Võ Văn Hải và Trương Đình Cát tại văn phòng của họ trên lầu dinh độc lập. Tôi thầm nghĩ là công việc của anh Cát sẽ cứ tiếp nối như thế mãi. Thế nhưng đùng một cái tôi được tin anh ta phải đi nhận nhiệm vụ mới khẩn cấp.

 

             Thì ra tại câu chuyện hy hữu họa vô đơn chí nầy đây : Cứ thường lệ mỗi buổi sáng Tổng thống Ngô Đình Diệm sau khi dùng điểm tâm thì Võ Văn Hải hoặc Trương Đình Cát, một buổi mai khoảng bảy giờ tay ôm tập giấy tờ nặng, tay khác mở cửa thì ngạc nhiên thấy bà cố Nhu đang quàng tay vào cổ Ngô Tổng Thống mà hôn !

 

             -. Tôi (Trương Đình Cát) thật choáng váng, ngạc nhiên, khó nghĩ, không khí quả là nặng nề cho đến khi tôi rời phòng giấy vừa là phòng ngủ của ông Diệm.

 

             Hai ba ngày lặng lẽ trôi qua, đầu óc tôi cứ đảo lộn, cứ cho là chiêm bao.

 

             Cát không muốn tin là chuyện có thật. Thế rồi, điều Cát chờ đợi thì phải đến. Vào một buổi chiều thứ Tư xế Đông, anh Cát được lệnh thuyên chuyển đi làm Phó tỉnh trưởng Nha Trang.

 

             -. Với đôi mắt khó chịu. Ông Ngô Đình Diệm nhìn tôi khi khi tôi đến cáo từ ông để đi đến nhiệm sở mới.

 

             Cát tâm sự sự với tôi như thế và dặm dò tôi nên thương lấy anh ta mà giữ kín đáo chuyện nầy cho . . .

 

             -. Thật là quá chán chường . . ., lời của Cát khi bắt tay tôi từ giả ngày ấy. Tôi phải tin vào lời những người anh em trung thực, ngay thẳng của mình. Họ lại là tay chân thân tín của Diệm, Nhu. Từ Võ Văn Hải đến Trương Đình Cát hễ gặp tôi thì chưởi rủa vợ chồng Ngô Đình Nhu sẽ làm hỏng cơ đồ nhà Ngô và ông Ngô Đình Diệm là nạn nhân chính. Đến Trần Kim Tuyến thì khôn ngoan dè dặt đến thế mà có lúc không dằn được, phải thổ lộ :

 

             -. Ông cụ thì chả nói làm gì, chứ vợ chồng Ngô Đình Nhu thì quá lắm ; cao ngạo, khinh người cứ tưởng ngoài mình ra không còn ai nữa, đem chúng nó thả ra ngoài biển là vừa.

 

             Hơn ba mươi năm nay thiên hạ khoác lác thật quá nhiều rồi. Người ta xem việc nước nhẹ hơn việc nhà cho nên quê hương tan nát, dân chúng điêu linh, tiếng kêu oán than vang tận trời xanh.

 

             Tôi hễ thấy việc phải làm là làm, không suy nghĩ mông lung, cho nên có kẻ bảo tôi “dại”, tôi “ngu”. Tôi đón nhận lời chê bai, chịu cái ngu của tôi, nhưng tôi không thể khôn với cái khôn của một số đông tai to mặt lớn trong thiên hạ. Tôi nín lặng đã lâu rồi. Nhưng giờ đây không thể tiếp tục câm lặng khi nhìn thấy một số tướng lãnh, lãnh đạo cả đời chỉ biết đặt danh lợi cá nhân lên trên quyền lợi đất nước, thiếu can đảm trận mạc, thiếu đãm lược cai trị, lo cho dân cho nước, khi giặc đến đã co giò bỏ chạy làm mất miền Nam, nay định lớn tiếng vỗ ngực xưng tên, mưu toan làm hỏng đại cuộc một lần nữa trên bước đường phục quốc. Nhân đây tôi cũng xin được nhắc sơ qua đến các cuộc tranh đấu, biểu tình ở Huế và các tỉnh phụ cận trong quá khứ.

 

             Hơn ba năm ở vùng giới tuyến, tôi nhận rõ là : Sau hơn mười năm hỗn loạn, đàn áp, bất công do chính sách coi thường dân phi tâm lý của các nhà cầm quyền ích kỷ miền Nam nên kẻ đục nước béo cò là Cọng sản !

 

             Người ta cứ hỏi, cứ nói là : “Tại sao chế độ nhà Ngô đã hết mà Phật giáo cứ biểu tình, cứ đòi hỏi ? . . .”, câu trả lời là : Thật ra không duy chỉ Phật giáo mà phần đông dân chúng đã phải lấy điểm tựa là Phật giáo có đông đảo quần chúng để đấu tranh mong muốn có một chính quyền hợp lòng dân, vững mạnh, để đưa đất nước đến tự do, hòa bình và thịnh vượng. Thật vô lý là khi Đông - Tây đức, Nam - Bắc hàn, Trung cộng và Đài loan đạt được điều nầy mà sao đất nước miền Nam chúng ta có cả thế giới tự do hậu thuẫn đàng sau đến như vậy mà cứ để đắm chìm mãi trong bất ổn, suy vong. Tôi là một quân nhân có trách nhiệm ở vùng địa đầu hỏa tuyến. Tuy nhiên tôi không có liên hệ nhiều với Thượng tọa Thích Trí Quang người đã làm cho dư luận cả nước Mỹ rung động từ năm 1963 đến 1966. Tôi chỉ gặp ông một vài lần, lần thứ nhất là tướng Nguyễn Khánh mời Thượng tọa và nhóm thân hào tại miền Trung đến tòa Đại biểu Huế (1964), tôi nghe Thượng tọa tuyên bố :

 

             -. “Tôi là dân Việt nam trước sau là Phật giáo, tôi luôn luôn tranh đấu cho dân tộc tôi và đất nước tôi . . .”.

 

             Quả thật vậy, ộng hăng say tranh đấu thật sự, và sống cuộc đời rất thanh đạm, kham khổ.

 

             Vào tháng 6 - 1966, bọn Quân phiệt tay sai ngoại bang đã bắt ông ta đem vào Sài Gòn, nhục mạ ông ta đủ điều mà dư luận và báo chí cho là do áp lực của tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Vẫn chưa hết, sau tháng Tư - 1975, một số người chạy ra nước ngoài vì nhiều nguyên nhân chính trị đã lộng ngôn xuyên tạc Thượng tọa Trí Quang là một kuôn mặt Cõng sản nằm vùng phá hoại quốc gia.

 

             Kể thật quá tội cho người dân Việt chúng ta ! Không biết đến lúc nào mới thấy chấm dứt cái cảnh vu khống vô trách nhiệm nầy buộc chúng ta cứ phải nghe và cứ phải chứng kiến.

 

             Để cho thật công bằng, để cho hàng triệu Phật tử miền Trung khỏi tủi hỗ, tôi có bổn phận phải đánh tan những lời nhục mạ, thâm độc đã trút lên Phật giáo đồ yêu dân tộc, yêu tổ quốc, tôn thờ Đạo với người lãnh đạo tinh thần như Thượng tọa Thích Trí Quang. Tuy ở tư cách một người cầm quyền quân sự và hành chánh tại một vùng đất sôi động như trên toàn quốc miền Nam vào lúc bấy giờ, không phải là tôi không có thêm những khó khăn chồng chất do từ phía Thượng tọa Trí Quang mà đến giữa lúc mũi nhọn Cọng quân miền Bắc uy hiếp trầm trọng.

 

             Nhưng về một mặt nào đó, tôi phải nhìn nhận và chấp nhận sự đấu tranh của Phong trào Phật giáo miền Trung là hợp lý, chính đáng. Không cứ cho Đạo mà cả cho Đời. Tức là cải thiện bộ mặt xã hội, tức là cảnh cáo chính phủ Trung ương Sài Gòn không thể tham quyền cố vị, không thể gục đầu quỳ gối trước ngoại bang và chỉ biết có . . . tham nhũng, vinh thân phì gia vào thời điểm lòng dân hoang mang, ly tán, áp lực quân sự và Cọng sản lan tràn mọi nơi thì sự nổi dậy của miền Trung ít ra cũng làm sống động lại một khí thế, khơi động tinh thần người quốc gia !

 

             Nếu Thượng tọa Thích Trí Quang phải là một lãnh tụ tôn giáo chống Cọng dễ thường chưa chắc gì tôi đã hoàn thành sứ mạng quân sự bảo vệ miền Trung trong suốt thời gian đầy xáo trộn kia.

 

             Ngày nay khi cầm bút viết lại một giai đoạn tang thương của miền Nam yếu dấu, lần đầu tiên trong đời, tôi xin được gạt bỏ cá tính khiêm nhường vốn thường tự trói buộc minh “Chưa có cái tầm nhìn đầy đủ về chính trị”. Nhưng hởi những nhà quan sát viên ngoại hạng, hởi những người định viết lại lịch sử, hãy chỉ cần có một chút công tâm, tất nhận biết cho rằng : Miền Trung lắng dịu hoàn toàn và cá nhân tôi bị bức bách phải đi ra khỏi nước sống với cái thân phận của một người chiến sĩ bị tước đoạt súng và bị giam lỏng nơi xứ người.

 

             Miền Nam đã thật sự mất vào lúc tên Nguyễn Văn Thiệu trở thành bộ mặt độc tôn lãnh đạo, không còn tướng nào cầm quân dám chống lại hắn và chính sách đế quốc của Mỹ, như tôi đã thực hiện trong quá khứ trước đây. Tôi thốt ra những lời nầy không phải để nói về tôi. Còn chi nữa để mà nói ! Nhưng tôi muốn tâm sự cùng một triệu Binh sĩ, Hạ sĩ quan và Sĩ quan Việt Nam Cộng hòa. Vào những giờ khác kề cận tháng Tư năm 1975 đã bị lãnh đạo bội phản, bị khóa chân, khóa tay không cho được cầm súng bắn lại quân thù, các chiến hữu ấy nay ở đâu ?

 

             Dù trong ngục tù miền Nam, hay ở góc biển chân trời nào của thế giới Tây phương xin hãy danh giây lát để cảm thông trước tiếng lòng thổn thức. Có thổn thức mới biết suy tư ấy mới thật là kinh nghiệm máu xương quý báu soi sáng cho đoạn đường đầy nghĩa lý trước mặt.

 

             Tâm sự nầy lại không phải chỉ dành riêng cho các chiến hữu thắm thiết của tôi. Tôi cũng còn muốn được gợi ý với những người anh em cầm bút miền Nam lưu vong, miền Trung ngày xưa không phải chỉ có một Thượng tọa Thích Trí Quang. Bên cạnh Thượng tọa, theo thực tế mà tôi nắm chắc trong tay còn có một nhà văn, nhà báo triệt để chống Cộng : Ký giả Hiếu Chân Nguyễn Hoạt của Việt nam Quốc dân đảng. Anh đã đi sát cánh với nhà lãnh tụ Phật giáo Thích Trí Quang trong tất cả kế hoạch để triệt hạ mọi xâm nhập của Cọng sản vào phong trào. Thế thì chẳng lẽ Hiếu Chân Nguyễn Hoạt ấy cũng là một cán bộ Cọng sản ư ?

 

             Không ! Hiếu Chân cũng như Trí Quang đó là những cán bộ quốc gia bất khuất ! Người tu hành thì bị giam cầm triền miên, người cầm bút thì bị đọa đày nơi lam sơn, chướng khí đến nỗi bị bán thân bất toại và cuối cùng, sau mười ba năm cùm kẹp, đã bỏ mình trong ngục thất Cọng sản.

 

             Tôi muốn nói lên những uất hận của tôi cũng như những anh em tại miền Trung yêu dấu đã cùng tôi chiến đấu cho đất nước, người thì lưu vong biệt xứ, kẻ thì bị tù tội mút mùa.

 

             Nguyên là Thiệu đã hứa, nếu tôi chịu đi khỏi nước thì những anh em bị bắt sẽ được thả khỏi tù tôi. Thế mà khi tôi đi khỏi nước rồi thì tháng 12 năm 1967, chúng đã đưa số quân dân ra tòa án quân sự tất cả 26 người gồm có :

 

             Đại tá Đàm Quang Yêu, Đại tá Trần Văn Mô, Thiếu tá Trần Hữu Trai, Thiếu tá Tôn Thất Tương, Đại úy Ngô Văn Cúc, Đại úy Trần Khắc Thiều, Đại úy Nguyễn Nghi, Đại úy Trần Văn Quế, Đại úy Nguyễn Đắc Độ, Đại úy Bùi Công Âu, Trung úy Tôn Thất Dzu, Trung úy Vi Du tức Võ Triêm, Trung úy Trần Xuân Sanh, Trung úy Phạm Ban Nhân, Trung úy Bùi Văn Ngọc, Trung úy Lê Thi, Trung úy Nguyễn Văn Năng, Trung úy Ngô Trình, Trung úy Dương Hiền Đợi, Trung úy Lê Đình Ủy, Thiếu úy Nguyễn Quang Hạnh, Thiếu úy Tôn thất Du, Thiếu úy Lê Văn Thiên, Thiếu úy Huỳnh Bá Đức, Trung sĩ nhất Lê Văn Sự, và Bác sĩ Thị trưởng Đà nẵng Nguyễn Văn Mẫn buộc vào những tội danh như sau :

 

             a.- Phiến loạn,

 

             b.- Xử dụng quân lực bất hợp pháp,

 

             c.- Lạm quyền.

 

             Trước Tòa án Quân sự Mạt trận Biệt khu Thủ đô và Vùng III Chiến thuật, tất cả các “bị can” đều khai như sau :

 

             -. Khi Trung tướng Nguyễn Chánh Thi bị cất chức, không gì chỉ đương sự mà tất cả quân dân các cấp của Quân đoàn I Vùng I Chiến thuật đã đứng dậy tổ chức phản đối của cái nội các gọi là chiến tranh và yêu cầu phải để Trung tướng Nguyễn Chánh Thi được trở về nhiệm vụ cũ.

 

             Tòa án Quân sự Mặt trận do Đại tá Nguyễn Văn Đức làm Ủy viên Chính phủ đã phạt tù, giải ngũ hoặc thuyên chuyển các bị can đến những nơi rừng thẳm nước độc. Sau ngày 30-04-1975 thì số đông trong số hai mươi sáu người bị tù tội quyết định ở lại chiến đấu. Một số bị bắt làm tù binh như Đại tá Đàm Quang Yêu, Đại tá Trần Văn Mô mà báo chí đã đăng tải, một số như Bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn, Nguyễn Quang Hạnh ra tù và vượt thoát ra các nước tự do.

 

             Nhìn lại từ năm 1945 đến năm 1954 chưa có một nội các nào tồi tệ - u mê - tham ô như cái chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, khi những người cùng chiến tuyến muốn có tự do, dân chủ, muốn đòi hỏi một thể chế hợp pháp hữu hiệu thì chúng dùng tàu bay, súng đạn, xe tăng phu lửa đàn áp thẳng tay ? Khi Cọng sản tiến đánh thì chúng vắt giò lên cổ mà chạy, bây giờ ở ngoại quốc vẫn xảo ngôn chạy tội. Thật là đồ khốn kiếp, đốn mạc.

 

             Kể từ 10-09-1966, tôi bị bắt buộc phải sống tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngột ngạc khó thở. Tôi chả muyốn đi đâu trong cái cảnh tù không tường vách, không cửa sắt, trừ ra đến thăm các con tôi đang học trong các vùng phụ cận.

 

             Sau nầy tôi biết ra được nhờ một số anh em, bạn bè nhất là quân nhân mỗi lúc ghé qua tòa Đại sứ muốn hỏi để đến thăm tôi thì đều bị nhân viên của tòa Đại sứ lạnh lùng trả lời : Không biết.

 

             Trong thời gian đến Hoa Thịnh Đốn, tôi có gặp ông Đại sứ Vũ Văn Thái, được nghe rỉ tai là chính ông ta được gọi về Sài Gòn nhận chỉ thị là phải canh chừng tôi từng đường đi nước bước khi tôi đến Mỹ.

 

             -. Anh nghĩ thế nào khi Nguyễn Cao Kỳ ra lệnh cho anh như thế ? Tôi hỏi.

 

             Vũ Văn Thái cười xòa :

 

             -. Chắc trên đất Mỹ nầy thì không được và tôi đâu muốn làm tay sai cho ai !

 

             Ông ta tiếp :

 

             -. Nói thế thôi, chứ cần gì thì xin anh cho tôi biết. Tôi vẫn xem anh là chỗ thâm tình như Nguyễn Quốc Lân đã nhiều lần nói với tôi về anh.

 

             Sau đó vài tháng Bùi Diễm đến làm Đại sứ thì không khỏi bận rộn sĩ quan và nhân viên dân sự tòa Đại sứ lâu lâu ghé thăm tôi như Trương Bửu Điện, Lê Quang Minh, Ngô Thanh Tùng vân vân. Tôi hơi để ý nhưng rồi cũng không quan tâm lắm. Cuộc sống cứ trôi chảy, ròng rã ngày này qua tháng khác, tôi quyết định đi học thêm Anh văn cho hết thì giờ và có dịp nói cho dân chúng Hoa Kỳ biết rõ về dân tộc, đất nước Việt Nam. Tôi cũng thường đến quốc hội để xem sách báo.

 

             Vào khoảng tháng 09-1971, có người quen là ông Mục sư của Đại học Delaware tên là Robert Andrew ghé thăm vào xế chiều. Tôi mời ông ta lưu lại ăn bánh mì, uống rượu và bàn chuyện những xóm dân nghèo tại miền Nam Việt Nam (Nhóm Mục sư Tin lành, nhất là Menonite thường xuyên quyên góp tiền bạc lương thực và quần áo cho đám dân nghèo Việt Nam) chúng tôi đang hăng say nói chuyện thì có tiếng gõ cửa.

 

             Tôi đứng dậy mở cửa thi anh Lê Quang Minh Tham vụ của tòa Đại sứ nói muốn “ghé thăm cho vui” nếu tôi không thấy gì ngần ngại.

 

             Lê Quang Minh ngồi xuống và chia phần ăn thanh đạm với chúng tôi. Mục sư Robert Andrew là cây rượu nên chuốc thêm rượu cho Lê Quang Minh mà Minh thì tửu lượng kém nên độ vài giờ sau thì đã say và ói mửa lung tung ! Tôi lấy nước đá cho anh uống để bớt say. Hơi rượu và mùi nôn ọe bốn lên khó chịu vì căn buồng tôi ở quá chật hẹp vừa dùng làm chỗ ăn, chỗ ngủ. Tôi cứ thảnh nhiên chùi dọn và mở hết cửa sổ cho bớt mùi hôi khó chịu đang tỏa ra. Khi ấy Lê Quang Minh với nước mắt trào ra, mở miệng muốn khóc và nói :

 

             -. Tôi quá ân hận và thấy mình có tôi nặng với Trung tướng, lương tâm tôi bấy lâu nay cắn rứt và nhất là hôm nay lạ đến đây làm phiền nữa.

 

             Tôi chỉ cười chịu đựng.

 

             Lê Quang Minh Tiếp :

 

             -. Tôi đã mường tượng là Trung tướng đã thừa biết là tôi hay đến để dò la “Spy” Trung tướng do lệnh của ông Bùi Diễm, tôi thật là xấu hỗ, và lương tâm cắn rứt.

 

             Nói xong anh ta khóc lớn, khi đó bà vợ anh gõ cửa bước vào xin lỗi tôi và đem anh ta về vì khá khuya rồi.

 

             Sau khi nghe xong câu chuyện, ông Mục sư Robert Andrew lắc đầu và nói :

 

             -. Thiên hạ đồn cái Chính quyền miền Nam ví như củ khoai bị thối đầu, xấu xa và vô vọng.

 

             Thật là quá đúng và thương thay cho dân chúng Miền Nam vô tội.

 

 

 

 

Mục Lục

Diễn Văn Khai Mạc Đại Lễ Khánh Thành Chánh Điện

Diễn Văn Chào Mừng Đại Hội Thường Niên Nhiệm Kỳ II

Diễn Văn Khai Mạc Đại Hội Thường Niên II

Quyết Nghị Của Đại Hội

Tâm Thư Của Đại Hội

Mấy Ai Dễ Biết

Cảm Niệm Tổ Đình Hải Ngoại

Từ Đàm Quê Hương Tôi

Trúc Lâm, Từ Đàm, Từ Đàm Hải Ngoại

Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Đạo Mạch và Nền Văn Hóa

Chùa Từ Đàm Quốc Nội Đến Hải Ngoại

Phật Giáo Sự Kỳ Thị Chủng tộc và Giai Cấp

Vài Nét Tâm Sự

Niềm Vui Chưa Trọn

Phật Giáo Việt Nam Trước Những Ảnh Hưởng của Văn Hóa Xã Hội Hoa Kỳ

 

Lá Nắng Chùa Từ Đàm

Gợi Chút Dĩ Vãng

Huế Thủ Đô Của Tự Do Tôn Giáo

VỀ CHUYẾN ĐI DỰ ĐẠI HỘI DALLAS

Thời Điểm Chiến Lược

Vài Đặc Điểm Của Phật Giáo

Tính Cách Chính Thống Của GHPGVNTN

Đóa Sen Nở Giữa Mặt Hồ Nhân Gian

Đọc Thơ HT. Thích Tín Nghĩa

Chân Thành Tri Ân và Cảm Tạ

Chư Tăng Ni và Phái Đoàn Về Tham Dự Lễ Khánh Thành

Hội Đồng Điều Hành Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Chương Trình Lễ Khánh Thành

 Ký sổ vàng xây dựng Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Vài nét về Tổ Ðình Từ Ðàm Hải Ngoại

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Đời sống tăng đoàn ở Nalanda . . . .
Chùm Thơ Mừng Xuân Ất Tỵ
Cáo Bạch
Anh Hùng và Tội Đồ
Lá Thư Xuân Quý Mão
Điện thư Phân Ưu của Giáo Hội
Chương Trình Sinh Hoạt Trong Năm Giáp Thìn - 2024
Thông Bạch Vu Lan 2022 - PL. 22566
Phạm Duy Vĩnh Biệt Thôn Đoài
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ Tổ Chức Đại Hội Thường Niên Lần Thứ 2
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
4732741
Có 0 Khách Đang Online