Vu Lan Thắng Hội tại Từ Đàm

01 giờ30 chiều Chủ nhật, ngày 18 tháng 08 - 2024,

Xem tiếp...
<November 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Đầu Năm Lần Mở “Đức Từ Bi”
Tác giả: Hậu duệ tỳ kheo ni Hạnh Thanh

 

Đầu Năm Lần Mở “Đức Từ Bi”

                                                                               Hậu duệ tỳ kheo ni Hạnh Thanh

         Sau năm 1975, một Đại Giới Đàn được trang trọng tổ chức cho hàng Tăng Ni hậu học được đăng đàn cầu thọ giới pháp để tiến tu tại Phật Học Đường Báo Quốc, cố đô Huế. Tôi được may mắn quen thân với hai vị mà nay cũng là hàng Giáo phẩm cao cấp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong và ngoài nước, đó là thầy Thanh Huyền và thầy Tín Nghĩa. Thầy Thanh Huyền thì nay, tôi không có được phước báo thân cận để học được thêm giáo pháp của Phật ở nơi thầy. Riêng thầy Tín Nghĩa, nay là ngôi vị Hòa thượng, cũng là Viện chủ Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại ;  tôi được có cơ duyên thân cận và cùng phụ tá những công tác Phật sự từ khi ngôi Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại mới bắt đầu xây cất cho đến ngày hoàn thành mỹ mãn.

         Thầy Thanh Huyền tôi có cơ duyên là vì ngày chưa xuất gia học Phật, tôi là một Đoàn sinh của Gia Đình Phật Tử, mà thầy là Đặc ủy Thanh niên và Gia đình Phật tử thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Thừa Thiên - Huế.

         Thầy Tín Nghĩa thì về hóa duyên vùng duyên hải trong đó có đơn vi Gia đình Phật tử Lãnh Thủy, quận Hương Điền.

         Khi nghe hai thầy bảo lên Từ Đàm thăm, rồi dẫn cho qua Báo Quốc để nhìn và biết thế nào là Đại Giới Đàn. Theo chân hai thầy bước vào khung cảnh bên ngoài của Giới trường, tôi nhìn vào thấy chư Tôn đức y hậu thanh thoát, trang nghiêm ;  bên dưới là quý thầy cô đang quỳ để nghe quý ngài dạy những gì, ngày đó thì tôi không được hiểu rõ, mà ngày nay thì tôi không còn nhớ. Tôi chỉ thấy rõ  hàng giữa có ba Ôn từ bên trái nhìn vào là  ôn  Trúc Lâm, ở giữa là ôn Linh Mụ và phía tay phải là ôn Già Lam. Còn quý thầy tuy là lớn ở hai hàng hai bên rất đông, nhưng tôi không biết được hết.

         Điều làm cho tôi chú ý nhất là khi quý Ôn và quý thầy trong giới đàn cho giới tử tấn đàn Bồ tát và nhiên hương cúng Phật. Tôi thấy trên đầu các vị ấy đều có để ba viên xạ hương và quý thầy hộ giới đi từng hàng một lấy cây hương lớn để mồi những viên xạ hương được bọc bằng giấy quyến mỏng đang đặt trên đỉnh đầu các giới tử. Hai thầy Thanh Huyền và Tín Nghĩa cũng ở trong phận sự hộ giới. Tôi và hàng Phật tử tại gia chỉ đứng ngoài nhìn vào chứ không một ai được phép bước vào giới trường. Khi lửa bắt đầu cháy đều, tiếng niệm Phật vang lên để hộ niệm cho giới tử vững tâm cầu giới Bồ tát. Sau khi Đại Giới Đàn hoàn mãn, tôi trở về nhà và bắt đầu phát tâm xuất gia học Phật mạnh thêm lên.  Ngày nào cũng cận kề bên mẹ để xin được xuất gia. Lúc đầu mẹ tôi còn bàn lui bàn tới, vì tôi là út trong nhà nên được bà cưng chiều đủ thứ, bà không muốn xa tôi nửa bước mặc dầu bà rất mộ đạo. Một ngày như mọi ngày tôi cứ đem chuyện đi tu thưa với Mẹ hoài. Cuối cùng rồi tôi cũng được toại nguyện. Ngày xuất gia, tôi được thầy Khế Viên, đệ tử ôn Linh Quang và cũng là Huynh đệ với tôi (Tôi quy y với Ông Linh Quang, Pháp danh là Nguyên Huyền) hướng dẫn tận tình và đưa tôi vào chùa Diệu Giác để đầu sư thọ giáo với sư phụ tôi là Ni sư Thích Nữ Bảo Nguyệt.

         Ngày tôi ra đi, mẹ tôi buồn và khóc nhiều lắm. Bạn bè trong xóm đến tiễn đưa, người  thì bảo :

         - Chị  đi tu, bữa ni ai hát cho Gia đình Phật Tử mình ?

         Vị khác nói tiếp :

         -  Ai lo phần bánh trái khi đội mình thi đua nấu ăn ? ? ?

         Nhờ có phước báo được tắm gội trong ánh Từ quang của chư Phật qua tổ chức Gia đình Phật tử, nhờ được phước báo thân cận với quý Thầy lớn (Thanh Huyền, Lưu Thanh, Tín Nghĩa, Khế Viên, . . .), cho nên phát tâm xuất gia dõng mãnh hơn ;  vào chùa học hành kinh điển cũng tương đối nhậm lẹ, được Bổn sư thương mến và Đại chúng cũng hài hòa.

         Ba năm sau, được tin thân mẫu lâm trọng bệnh, hiện đang điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế, lòng tôi xao xuyến vô hạn, phần ở xa nhà, phần mới tấp tễnh tu tập còn nhỏ dại nên chưa có thể về nuôi mẹ được. Thấy khuôn mặt tôi kém vui, Sư phụ tôi liền hỏi chị Hạnh  Quang :

         -  Bình thường Thầy thấy Hạnh Thanh hay nói cười, sao mấy hôm nay thấy nó kém vui ?

         Tôi tâm sự với chị Hạnh Quang rằng mẹ tôi đang lâm trọng bịnh và hiện đang điều trị tại bệnh viện Huế. Thầy tôi biết được câu chuyện và liền bảo :

         -  Con thu xếp về với Mẹ một thời gian, khi mẹ con tương đối khỏe, con trở lại để tiếp tục tu học. Người xuất gia, lấy chữ hiếu làm trọng. Dù lớn, dù nhỏ, ai ai cũng đều có cha mẹ cả. Đó là hai vị Phật trong nhà. Chúng ta hãy sung sướng đi, có phước báo để được hầu hạ.

         Tôi nghe Thầy tôi dạy bảo như thế, trong lòng mừng khôn tả. Hai hàng nước mắt tuôn trào mãi mà không cách nào tôi ngăn cho được. Tôi thu xếp hành trang đơn giản vài bộ áo quần và một chiếc mang y. Đảnh lễ Sư phụ và Đại chúng xong, tôi lên đường về Huế săn sóc cho Mẹ. Các chị của tôi cũng có bổn phận, nhưng vì đã có gia đình riêng, nên ai ai cũng phải lo cho gia đình, vì con cái còn nhỏ dại và tất cả đều ở quê, cách bệnh viện Trung ương Huế gần nửa ngày đường xe và đò.

         Tôi về đến Huế vào ngay bệnh viện, ngày nào cũng kề cận bên mẹ  ròng rã sáu tháng. Tôi tự tay lo thức ăn và thuốc uống cho Mẹ. Những ngày cuối cùng, sức khỏe Mẹ tôi yếu dần, bác sĩ cho hay là không thể cứu chữa được nữa. Bác sĩ khuyên nên đưa cụ về nhà thì hay hơn. Tôi nghe vậy, tức tốc ra bến đò thuê một chiếc đò và di chuyển mẹ tôi lên đò đưa về nhà.

         Về nhà được ba tuần, thấy bà khỏe hẳn, thì tôi lại thuê đò đưa Mẹ tôi nhập viện trở lại. Ngặt vì, thời gian những năm đó quê nhà thiếu thốn, nghèo nàn, thuốc men không đầy đủ nên những bệnh như Mẹ tôi khó qua khỏi. Đưa bà nhập viện chưa bao lâu, lại phải đưa về nhà trở lại như là để nằm mà chờ chết. Có một điều rất lạ là những ngày cuối đời, bà cứ đưa hai chân xuống đất, rồi bà bảo tôi :  Chị cho Mạ rờ đất một chút. Bà cứ đưa tay quờ quạng dưới đất, tôi sợ nhớp lại kéo tay bà lên. Cứ như thế bà làm rất nhiều lần trước khi từ giả cõi đời. Bà ra đi cũng tương đối nhẹ nhàng vào ngày mồng mười tháng sáu năm 1985. Mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng, lòng tôi đau nhói, tuy thế, tôi vẫn bình tĩnh, gạt nước mắt và chia việc cho các anh chị em tôi. Tôi lên chùa để thưa thỉnh quý Thầy về hướng dẫn  tang lễ cho Mẹ.

         Chân cao chân thấp vừa bước vào sân Ni Viện Kiều Đàm, gặp ngay chị Tịnh Diệu, nước mắt ràng rụa, tôi kêu vói chị, nói rằng Mẹ em mất rồi. Cũng trong giây phút ấy Ôn Trúc Lâm vừa đi vào, chị Tịnh Diệu đưa tay đẩy mạnh bảo :

         -  Tới thưa Ôn đi.

         Tôi thật bối rối, vừa sợ vừa run vì sợ Ôn “đập” (*) như ngày thường. Tất cả chúng điệu Hồng Ân, Trúc Lâm từ khi hành điệu cho đến lúc trưởng thành, không một ai mà không nhận ít nhất một vài “đòn thiền” từ Ôn hết. Nhưng thật may và hạnh phúc làm sao, Ôn nghe hai chị em chúng tôi nói nhí nhí trong miệng, Ôn hỏi liền, mặc dầu tôi chưa kịp Y hậu chỉnh tề để thưa thỉnh lên Ôn. Tuy vậy mà Ôn đã phóng từ tâm, nhìn về chúng tôi và nhẹ nhàng hỏi tức khắc :

         -  Chi rứa ?

         Chị Tịnh Diệu thưa dùm :

         -  Bạch Ôn Mẹ của Hạnh Thanh con vừa mới mất.

         Ôn dạy  ngay :

         -   Quen Lưu Thanh không ?  Cứ lên Trúc Lâm, biết ai mời về hết đi mà lo.

         Tôi dạ một tiếng và lủi thủi quay ra, tức tốc thuê xe chạy liền lên Tổ đình Trúc Lâm. Bước vào chùa, gặp thầy Lưu Thanh thưa thỉnh rõ mọi việc.

         Thầy bảo :

         -  Thôi O (**) về trước đi, mấy anh em tụi tui sẽ về liền.

         Tôi về đến nhà, quý Thầy (Lưu Thanh, Thanh Toàn, Khế Viên, Tâm Trí, Tâm Huệ . . .) và quý cô (Hạnh Châu, Hạnh Ngọc,  Tịnh Trí, . . .) cũng về tới.

         Nhờ oai lực của chư Tôn đức đã đành ;  phần lớn là sự nương nhờ vào đức Từ Bi vô lượng của Ôn Trúc, một cội tùng vĩ đại của Đạo pháp đang tỏa ra che chở cho Giáo hội và Tăng đoàn Thừa Thiên - Huế, mà trong những ngày tôi vừa mất Mẹ đã bớt đi sự trống vắng, những ngày tang lễ đã  vơi bớt  những nỗi niềm tiếc thương, sầu khổ.

         Đám táng cho Mẹ xong xuôi, tôi Y hậu chỉnh tề lên Tổ đình Trúc Lâm đảnh lễ lạy tạ ân đức của Ôn và Đại chúng Trúc Lâm, Hồng Ân và Thầy Khế Viên ở Linh Quang.

         Tôi và chú Thông (người chú bà con) mới bước chân lên nhà khách, thì Ôn đã ngồi đó tự bao giờ, lòng tôi vừa mừng là được gặp Ôn mà cũng vừa run. Thấy tôi Ôn liền hỏi:

         -  Đám táng xong chưa mà lên đó ?  Mấy Thầy về có đông không ?

         Tôi và ông chú quỳ xuống đảnh lễ. Chưa lạy được hai lạy thì Ôn dạy tiếp :

         -  Lên lạy Phật, lạy Tổ để quý ngài chứng minh cho.

         Hai chú cháu vâng theo lời Ôn dạy. Lạy Phật xuống, được đứng gần hầu Ôn gần một giờ. Ôn từ từ dạy tiếp :

         -  Thôi, giải y áo đi, xuống dưới có chi kiếm ăn. Khi mô vô Sài gòn ?  Bữa ni đang còn trong ngày hạ, xuất gia rồi lấy giới luật làm thầy và tụng kinh, bái sám cho cha cho me, hồi hướng cho mọi người, trong đó là đã có thân nhân của mình rồi. Phải tin vào lý nhân quả để tiến thân. Vì đó là trọng điểm của người tu Phật . . .

         Ôn dạy rất nhiều và nhiều lắm. Tôi không thể nào nhớ hết, lúc đó cõi lòng tôi đang trống vắng vì không còn Mẹ. Chính tôi đã tự hỏi lại lòng mình, tại sao khi nào thấy Ôn là bắn run cả người và không dám đứng gần để được nghe những điều quý giá vô ngần ấy . . . ?

         Có một lần, chính bản thân tôi từ Sài gòn ra thăm quê, ghé qua Tổ đình Trúc Lâm trước là đảnh lễ Ôn, sau đó đưa cái mùng cho điệu Phi. Không biết chuyện gì đã xảy ra trong chúng Trúc Lâm ;  Đại chúng, điệu này chạy chỗ này, thầy nọ chạy chỗ khác lung tung để tránh những đòn thiền từ Ôn. Hai chị em, Hạnh Châu và tôi đang đứng tần ngần ở hành lang nhà hậu. Ôn vừa đi tới, chúng tôi chấp tay vái lạy Ôn, rồi cũng lãnh  một bớp tai đau điến. Cả hai cũng bỏ cả guốc dép và chạy trốn như chúng điệu Trúc Lâm vậy.

         Ngày tháng trôi qua, tôi cũng bước theo như bao nhiêu người con dân nước Việt bỏ nước ra đi, rồi được định cư tại Hoa Kỳ, được phước báo kỳ ngộ gặp lại vị sư đã một thời quen thân ở quê nhà. Tôi được thầy Tín Nghĩa bảo trợ từ trại tỵ nạn Hong - Kong qua Mỹ. Tôi về phụ tá với Thầy từ đầu năm 1990.

         Hai thầy trò và Phật tử đang chuẩn bị lo cho ngày Đại lễ Phật đản lần thứ 2536, lễ đài đang dàn dựng để vui mừng cung đón đóa hoa Ưu đàm thị hiện độ sanh, hướng dẫn cho mọi loài sớm thoát ra khỏi cảnh giới đau khổ, chứng thành Phật quả ;  Một cú điện thoại gọi từ Việt Nam, thầy Lưu Hòa cho hay là Ôn vừa viên tịch. Thầy trò chúng tôi bàng hoàng và xúc động vô cùng, riêng thầy Tín Nghĩa thì ngất đi một giây lâu trong tiếng khóc nghẹn ngào làm cho tôi và Phật tử lúc đó đều khóc theo. Thế rồi điện thoại từ thầy Tâm Minh ở Úc, thầy Tâm Huệ ở Thụy Điển, thầy Tánh Thiệt ở Pháp cùng quý thầy ở Mỹ, Canada đổ dồn về Từ Đàm Hải Ngoại tới tấp vừa phân ưu, vừa chia xẻ với thầy Tín Nghĩa sự mất mát lớn lao bậc Long tượng đã rủ áo ra đi. Một bậc Thầy gương mẫu khả kính, một bậc giới đức thâm uyên, một cây Đại thọ của Giáo hội các cấp từ trung ương đến địa phương từ nay không còn nơi thế giới Ta bà . . .

         Đặc biệt là ngài Tịnh Từ nói chuyện rất lâu và khuyên thầy Tín Nghĩa lo chuyện tổ chức Chung thất cúng dường và tưởng niệm Ôn, mời thầy qua để cùng với những đệ tử và học đệ của Ôn có dịp đãnh lễ trước tôn nhan của Ôn tại Tu viện Kim Sơn, California.

         Hòa thượng Mãn Giác thì khóc trong điện thoại ra sao không rõ, mà thầy Tín Nghĩa cũng khóc theo. Sau đó, thầy cho hay là Hòa thượng Mãn Giác tâm sự rằng, Hòa thượng rất thương Ôn và Ôn cũng rất thương Hòa thượng. Chính Hòa thượng đi du học ở Nhật Bản, Ôn đã giúp đỡ phần lớn. Hòa thượng cũng in một số báo đặc biệt kỷ niệm về Ôn, hình bìa có ảnh của Ôn nữa.

         Và cứ thế, hằng năm tại Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại trang trọng tổ chức Khánh Đản, thì có một hương án đặc biệt để tưởng niệm hai Ôn (Linh Mụ và Trúc Lâm) cùng một lần rất trọng thể.

         Riêng con, hằng năm như thế lại đến hai lần tưởng niệm về Ôn. Lần thứ nhất vào mùa Phật đản. Lần thứ hai là kỷ niệm húy nhật của thân mẫu con trong tháng sáu ta. Nhìn hình ảnh mẫu thân, nhìn lên bàn thờ Tổ tại Từ Đàm Hải Ngoại, thấy dung nhan thiền vị của Ôn, con đang liên tưởng đến Ôn, tay thì bắt ấn, tay cầm Phất trần đang xua đuổi quần tà, chấn nhiếp ma quân ; trong giây phút yên lặng ấy, con đang được tắm gội trong hào quang và tình thương của Ôn về 23 năm trước đây tại quê nhà. Vì chính lúc con được phước báo gặp Ôn trong sân Ni viện Kiều Đàm Huế, con chưa kịp thưa thỉnh một câu gì mà Ôn đã biết, đã lấy đức hải hà, lấy tâm từ phóng lên tấm thân nhỏ bé của con để con mang về phủ lên nhục thân của Mẹ con ; chính nhờ uy đức đó của Ôn, mà linh hồn của Mẹ con đã rủ bao phiền lụy, nghiệp báo của trần tục nhẹ nhàng về với Phật ;  mặc dù chư Tôn đức Tăng Ni chưa hộ niệm. Ân đức của Ôn con biết lấy gì mà suy tư. Con chỉ biết vâng lời Ôn chỉ giáo khi con lên đảnh lễ hầu tạ Ôn tại Tổ đình Trúc Lâm, là lo chuyên tu để báo ân đức Thầy Tổ mà thôi.

         Con viết bài nầy dâng lên Ôn cũng trong mùa Phật đản 2551, con ước mong rằng, làm sao Ôn :

         “Phân thân về chốn Ta bà, từ bi tiếp độ hằng hà chúng sanh”.

         Kính bái,

         Hậu duệ tỳ kheo ni Hạnh Thanh

       (*) danh từ địa phương tức là bị đánh,

       (**) danh từ địa phương tức là cô.

 

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
10+ Loại Thực Phẩm Lành Mạnh Nhưng Làm Bạn Tăng Cân (P.1)
Thức Ăn Chay Trình Bày Nghệ Thuật Tuyệt Vời : Sưu tầm trên Net
Nỗi Buồn Nhớ Mẹ : Thích nữ Hạnh Thanh
Cảm Niệm Lên Ôn : Thích Nữ Hạnh Thanh
Đức Từ Bi : Hậu duệ Thích Nữ Hanh-Thanh
Man Mác Buồn : Thích Nữ Hạnh Thanh
Mẹo Vặt Làm Bếp : Sưu tầm trên Net
Những Món Ăn Chay : Sưu tầm trên Net hoặc tự thực hiện
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3901061
Có 0 Khách Đang Online