Vu Lan Thắng Hội tại Từ Đàm

01 giờ30 chiều Chủ nhật, ngày 18 tháng 08 - 2024,

Xem tiếp...
<November 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Mấy Ai Dễ Biết
Tác giả: Kỷ yếu khánh thành

MẤY AI DỄ BIẾT

 

Hòa thượng THÍCH ĐỨC NIỆM

 

              Ở đời mấy ai dễ biết về tương lai của một con người. Trăng trên trời lúc tỏ khi mờ, tùy theo thời tiết gió mây. Người sống trên đời khi thăng lúc trầm, hạnh phúc khổ đau buồn vui bất định. Nhân sinh thế sự thịnh suy là lẽ thường tình hiện bày trước mắt. Ai cũng biết như vậy. Nhưng đã mấy ai đích thực sống ý thức với cái thấy biết đó để cải tiến phàm tâm vọng thức, ngõ hầu hiện thực thiện mỹ hóa hoàn cảnh, thăng hoa hạnh phúc đời sống. Bởi nhân sinh thế sự đều do tâm trí con người tạo nên, thì cũng chính con người cải tiến nó. Nếu sống có ý thức, hướng thiện suy tư, có lẽ con người bớt đi tham vọng ích kỷ, và từ đó, đời sống sẽ trở nên quảng đại an lành hơn. Tâm thức rộng mở tạo thành ánh sáng an lành tỏa khắp cho đời mình và người, tự nhiên màn đêm bất hạnh tiêu tan, theo đó, bao nỗi khổ đau biến thành niềm an lạc. Tâm thức quan trọng đối với đời sống con người như thế, nên cổ đức khuyên : “Hồi quang phản chiếu”. Nghĩa là phải thường hằng đem ánh sáng trí tuệ để rọi chiếu tâm thức mình.

 

              Cùng ý nghĩa trên đây, đức Khổng Tử nói : “Mỗi ngày ít nhất tự tĩnh tâm quán chiếu lại chính mình ba lần”. Nhờ sự thường hằng quán chiếu mà con người trở nên tĩnh giác sáng suốt, đời sống được hướng dẫn bằng trí tuệ đạo đức, từ đó phiền khổ lầm mê dứt sạch. Khổng Tử nhờ thường tĩnh tâm mà Ngài đã trở nên bậc “Vạn thế Sư biểu”, tức là bậc thầy đầy trí đức mô phạm tiêu biểu muôn đời. Những lời dạy của đức Khổng Tử rất ngắn gọn giản dị, thực tế, dễ hiểu, nhằm để xây dựng nhân cách con người. Nếu nhân cách không thành thì đạo cách khó nên.

 

              Người đời sống mãi ngày đêm rong ruỗi đuổi bắt sắc tình tiền tài quyền danh. Do đem tâm trí rượt bắt dục lạc thế gian, đắm trước ngoại tình mà quên đi chính bản thân, thiếu phần trau dồi tâm tánh, nên thường không tự hiểu được chính mình, đến nỗi đẩy đưa đời sống nổi trôi theo ngoại cảnh, bị ngoại cảnh chi phối, để rồi đời sống trở nên như bọt bèo trên sông cuốn theo dòng nước, như mây trôi lãng đãng theo gió cuộn bay. Bởi không hiểu chính mình, không quán chiếu thấu triệt nỗi thầm kín thâm sâu của tâm thức, nên để tâm thức hướng dẫn theo dục vọng phàm tình, đưa đến hành vi ngôn ngữ, mọi hành hoạt hằng ngày theo phàm tánh, để rồi từ đó sanh ra không biết bao là phiền lụy suốt đời.

 

              Qua hành vi ngôn ngữ của một con người có thể cho chúng ta biết bản chất tâm trí của người đó. Hành vi ngôn ngữ của con người luôn luôn được hướng dẫn bởi tâm trí, kể cả trong giấc ngủ. Thân người hành hoạt hằng ngày chẳng khác chiếc xe hơi và tâm trí chẳng khác người lái xe. Do vậy, qua hành hoạt của con người nó nói lên tâm hồn của người đó cao thượng hay bần tiện, ích kỷ hay vị tha, từ hòa hay sân hận. Điều nầy chỉ bản thân của người đó có thể nhiều khi không hiểu được chính mình, do bởi vô minh chấp ngã tham ái che lấp tâm trí. Vì vậy mới thường xảy ra hiện tượng chối cải nọ kia, phân bua nầy khác, hơn thua biện bạch. Thường tình thì việc làm không tương xứng với lời nói. Hành nghi không theo kịp với hiểu biết. Thế nên, cổ đức nói kẻ thường tình “năng thuyết bất năng hành”. Trên đời nầy có thiếu chi người tài ba nói hay, viết giỏi, thông bác văn chương triết lý cổ kim, chức vị cao lớn, dù là tài trí đặc biệt quyền uy to lớn chi chi đi nữa, những sản phẩm đó chẳng qua là sự biểu diễn của thế trí biện thông, hoặc do dày công chụp bắt mà được, nếu không có tâm đức đạo hạnh, thì chỉ là kiến thức phân biệt của phàm nhân, chứ chẳng phải đích thực bản thể của tâm hồn, phẩm chất của thánh thiện. Đem hết tâm trí tìm cầu thông bác văn chương triết lý mà quên đi quán chiếu tìm hiểu nội tại tâm linh, là tự hy sinh đời mình trong kiếp sống phàm tình phân biệt. Như vị cổ đức sau bao năm miệt mài kinh sách, ngày nọ tỉnh ngộ thổ lộ :

 

                            “Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,

 

                            Học hành không thiếu cũng không dư,

 

                            Hôm nay tính lại đà quên hết,

 

                            Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như.”.

 

              Trên cõi trần nầy thiếu chi người tài trí thông bác văn chương triết lý, nhưng đời sống của họ lại không thể hiện được những sản phẩm kiến thức mà họ trình diễn, cho nên bậc hiền đức nói : “Chỉ nói khéo viết hay không thôi, thì còn xa lắm mới có cơ hội đạt đạo”. Do đó, có thể nói phẩm cách của một con người không nhứt thiết thể hiện ở văn ngôn của người đó. Về phần tâm thức sâu thẳm, ý chí năng lực của con người lại được nhẹ nhàng bàng bạc thể hiện qua đời sống hằng ngày của người đó, chứ không phải bằng văn ngôn chức vị.

 

              Thật vậy, đời sống hằng ngày của con người đã được thường xuyên liên tục âm thầm hướng dẫn bởi tâm thức và ý chí, và cũng chính từ năng lực tâm chí đã mặc nhiên đưa đẩy và đạt định tương lai của con người thăng hoa hay sa đọa, cao thượng hay phàm tục, sáng sủa hay tối tăm. Vì vậy nên Phật pháp thường có câu : “Đạo không tìm đâu xa mà ngay trong đời sống hằng ngày”.

 

              Thế nhưng, thường tình người đời khi được thời đắc thế tự hào tự đại cho rằng ta đây là hơn cả, là tất cả, là duy nhất rồi sanh tâm mục hạ vô nhơn, huênh hoan tự đắc dẫn đến mất đi phẩm cách. Một khi thất thời thất thế thì oán trời trách đất, hận người, buồn đời, than oán trời bất công không có mắt, rồi sanh khởi loạn tâm đôn đáo chạy rảo khắp nơi cầu thánh cầu thần, quỵ lụy van xin, chớ chẳng mấy khi bình tâm tự quán chiếu lại chính mình, tự trách mình vụng tu, để tĩnh tâm tu chỉnh ba nghiệp thân khẩu ý, ngỏ hầu xây dựng lại đời sống tốt đẹp sáng sủa hơn. Cố đức dạy : “Tiên trách kỷ hậu trách bỉ”. Người biết tự quán chiếu thẩm định chính bản thân, biết tự trách mình thì sẽ được tiến bộ an vui, mọi người thích gần gũi, đời sống trở nên phóng khoáng thong dong, không vướng mắc nặng nề về nhân ngã, và có cơ duyên gặp thiện tri thức, gần với Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa.

 

              Thử bình tâm định thần tĩnh trí suy nghĩ thử xem, có việc gì trên đời nầy tự nhiên mà có đâu ? Có lý nào suốt ngày nói chuyện ngẫu mà phước báu đến với mình ? Người xa lánh mình, vì mình lãng phí thời gian, kiêu mạn, tham tàn, mưu thâm trí xảo, tự cao tự đại, ba nghiệp thân miệng ý tung vãi những điều bất xứng nhân luân. Đời không dùng mình, vì mình bất tài thất đức, không chân thật, ích kỷ. Tất cả sự việc trên đời tùy thời mà có hiện tượng lúc thành bại thịnh suy. Tất cả hiện tượng đó đều có nguyên nhân, chứ chẳng phải thần linh nào có khả năng đặt định. Mà nguyên nhân chính là tâm thức của con người. Nên Phật pháp nói : “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Tâm vui thì cảnh vui. Tâm buồn thì cảnh buồn. Tâm tốt thì cảnh tốt. Tâm xấu thì cảnh xấu. Thế nên nhà thơ thấu rõ thế sự đã nói : “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

 

              Tất cả hiện tượng trên đời hợp tan hưng phế đều tùy theo nhân tố ! Nhân tố hiện hành kết thành vạn sự vạn vật đều tùy theo tâm thức và ý chí của chúng sanh. Tâm thức sáng lành lương thiện thì tạo thành hoàn cành an lành huy hoàng tốt đẹp. Tâm thức tối tăm bất lương thì hiện hành hoàn toàn tồi tàn bất hạnh. Tâm thức và hoàn cảnh liên hệ mật thiết như bóng với hình. Nên kinh Phật nói : “Vạn pháp từ tâm sanh”.

 

              Chúng sanh thăng trầm nổi trôi trong sáu nẻo luân hồi cũng đều do tâm thức. Tứ thánh lục phàm cũng đều do tâm. Tâm sanh vạn vật. Tâm dẫn đầu các pháp. Thế nên kinh Hoa Nghiêm nói : “Muốn biết rõ ba đời chư Phật, mười phương pháp giới chúng sanh thánh phàm, thì nên trước quán tâm mình. Tất cả đều do tâm”. Có lẽ Thi hào Nguyễn Du thấu rõ lý nầy, nên ông đã có nhận định về phước báu và bất hạnh của kiếp nhân sanh qua lời thơ :

 

                            “Đã mang lấy nghiệp vào thân,

 

                            Đừng hồng trách lẫn trời gần trời xa,

 

                            Thiện căn ở tại lòng ta,

 

                            Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.”.

 

              Ai đã có phước duyên dự lễ Khánh Thành Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại của Thượng tọa Thích Tín Nghĩa ở Dallas tiểu bang Texas thì sẽ hiểu được năng lực phi thường của tâm chí. Sức mạnh của tâm chí tạo nên khí thế trong ngày Đại lễ ấy. Nhớ thuở nào vào khoảng 16 năm về trước, nơi đây còn là hoang dã, cỏ rác hoang vu phủ lấp túp nhà nhỏ hẹp tồi tàn thiếu cả tiện nghi. Cái thời hoang sơ đó, bút giả đã từng đến chốn nầy, nhìn hoàn cảnh, bất giác tự đáy lòng sâu thẳm nẩy sanh từng gợn mây nhẹ ưu tư. Có lúc đêm khuya lặng lẽ một mình quỳ trước Phật đài với tấc dạ chí thành chiêm ngưỡng đức Phật từ bi tĩnh tọa trên đài sen, nhìn trời cao thăm thẳm lấp lánh ngàn sao với cõi lòng thành dâng lời khẩn nguyện cầu xin Tam bảo thiện thần gia hộ cho Thượng tọa Trụ trì qua cơn bỉ cực, để có tương lai như tâm nguyện. Bằng hết tâm dạ chí thành dâng lời cầu nguyện trong dòng nước mắt với tâm tư thổn thức thật sự bâng khuâng ưu tư sâu xa về cảnh chùa và vị trụ trì. Rồi có lúc thầy và tôi hai người dưới bóng đèn khuya tâm sự xen lẫn trong tiếng côn trùng ngoài hiên phủ đầy cỏ dại rừng hoang. Bằng những lời tâm sự ngầm mang ý nghĩa an ủi khuyến lệ để cho thầy vững chí bền lòng sống với lý tưởng và tâm nguyện của mình, hầu xứng đáng tông môn Trúc Lâm và công lao nguy khốn vượt biển thập tử nhất sanh để tìm tự do. Mà ý nghĩa cao thượng nhất của tự do là tự do phụng sự lý tưởng tín ngưỡng của người Tăng sĩ.

 

              Ngày tháng lặng lẽ trôi qua, trong cảnh thanh đạm hoang sơ chất chồng không biết bao là phong ba bão táp nghịch cảnh chướng duyên, Thượng tọa Tín Nghĩa vẫn vững tâm bền chí với sức cố gắng tinh tấn không ngừng. Kết quả của sự kiên tâm trì chí lâu bền trãi bao tháng năm đó, nào có ai ngờ, vào thượng tuần tháng 10 năm 1998, chư Tăng và Phật tử bốn phương khắp thế giới vân tập về dưới mái chùa Từ Đàm nguy nga huy hoàng để mừng lễ Khánh Thành vô cùng trọng thể trang nghiêm, đồng thời cử hành Đại hội Thường niên của Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa kỳ suốt ba ngày, cũng khai hội nơi đây. Đại lễ Khánh Thành vô cùng trang nghiêm trọng thể với hàng ngàn Phật tử bốn phương tám hướng tụ về tham dự trong tiếng cười lời hát tưng bừng. Ba ngày Đại hội của Giáo hội diễn ra trong không khí thanh tịnh hòa hợp thuận duyên kết thúc trong niềm hân hoan mãn nguyện. Giờ đây ngôi Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại trang nghiêm hùng vĩ trong cảnh trí xinh xắn hữu tình, thay cho cỏ dại rừng hoang với mái nhà lụp xụp năm xưa mấy ai đã biết những gì đổi khác với những năm tháng trước đây.

 

              Thành thật mà nói, hơn hai mươi năm qua, có thể đây là lần đầu tiên bút giả chứng kiến quang cảnh tứ chúng vân tập mừng vui dưới mái chùa nguy nga huy hoàng chứa chan tình đạo, dào dạt nguồn an lạc, thấm sâu vào lòng người. Tất cả thành quả huy hoàng đều phát xuất từ tâm chí. Thế mới biết vạn năng của tâm chí con người. Mà thể hiện sức mạnh vạn năng của tâm chí đó, thì tâm chí phi thường của Viện chủ Từ Đàm Hải ngoại là bằng chứng cụ thể. Mấy ai dễ biết.

 

 

 

 

Mục Lục

Diễn Văn Khai Mạc Đại Lễ Khánh Thành Chánh Điện

Diễn Văn Chào Mừng Đại Hội Thường Niên Nhiệm Kỳ II

Diễn Văn Khai Mạc Đại Hội Thường Niên II

Quyết Nghị Của Đại Hội

Tâm Thư Của Đại Hội

Mấy Ai Dễ Biết

Cảm Niệm Tổ Đình Hải Ngoại

Từ Đàm Quê Hương Tôi

Trúc Lâm, Từ Đàm, Từ Đàm Hải Ngoại

Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Đạo Mạch và Nền Văn Hóa

Chùa Từ Đàm Quốc Nội Đến Hải Ngoại

Phật Giáo Sự Kỳ Thị Chủng tộc và Giai Cấp

Vài Nét Tâm Sự

Niềm Vui Chưa Trọn

Phật Giáo Việt Nam Trước Những Ảnh Hưởng của Văn Hóa Xã Hội Hoa Kỳ

 

Lá Nắng Chùa Từ Đàm

Gợi Chút Dĩ Vãng

Huế Thủ Đô Của Tự Do Tôn Giáo

VỀ CHUYẾN ĐI DỰ ĐẠI HỘI DALLAS

Thời Điểm Chiến Lược

Vài Đặc Điểm Của Phật Giáo

Tính Cách Chính Thống Của GHPGVNTN

Đóa Sen Nở Giữa Mặt Hồ Nhân Gian

Đọc Thơ HT. Thích Tín Nghĩa

Chân Thành Tri Ân và Cảm Tạ

Chư Tăng Ni và Phái Đoàn Về Tham Dự Lễ Khánh Thành

Hội Đồng Điều Hành Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Chương Trình Lễ Khánh Thành

 Ký sổ vàng xây dựng Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Vài nét về Tổ Ðình Từ Ðàm Hải Ngoại

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Cáo Bạch
Anh Hùng và Tội Đồ
Lá Thư Xuân Quý Mão
Điện thư Phân Ưu của Giáo Hội
Chương Trình Sinh Hoạt Trong Năm Giáp Thìn - 2024
Thông Bạch Vu Lan 2022 - PL. 22566
Phạm Duy Vĩnh Biệt Thôn Đoài
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ Tổ Chức Đại Hội Thường Niên Lần Thứ 2
Chương Trình Sinh Hoạt Năm Nhâm Dần-2022 của Từ Đàm
Nguyễn Trường Tộ : Từ Huyền Thoại Đến Thực Chất Con Người và Sự Thật
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3895768
Có 0 Khách Đang Online