Vu Lan Thắng Hội tại Từ Đàm

01 giờ30 chiều Chủ nhật, ngày 18 tháng 08 - 2024,

Xem tiếp...
<November 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Tiểu Sư Thiền Sử Thích Mật Khế
Tác giả: Điều Ngự Tử TÍN NGHĨA

TIỂU SỬ THIỀN SỬ
THÍCH MẬT KHẾ

  Ngài họ Lê, quý danh là Chánh.  Quê quán làng Thần Phù, xã Thủy Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.

  Ngài thọ sanh năm Giáp Thìn (1904). Năm Quý Sửu (1913), lên chín tuổi, xuất gia đầu Phật với tổ Giác Tiên, chùa Trúc Lâm, cố đô Huế.

   Ngài tỏ ra thông minh xuất chúng trước tuổi.

   Năm Giáp Tý (1924), được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Từ Hiếu.  Tổ Tâm Tịnh làm Đàn đầu Hòa thượng.  Ngài đổ thủ khoa vào năm 21 tuổi tròn.

   Pháp danh :       Tâm Địa,

   Pháp tự :           Mật Khế,

  Thuộc giòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 43.

   Sau khi đắc giới, ngài xin với bổn sư ra tổ đình Thiên Hưng để tham cầu thêm giáo lý với Hòa thượng Huệ Pháp.

   Năm 23 tuổi, ngài xin vào thọ giáo với Hòa thượng Phước Huệ ở chùa Thập Tháp, tỉnh Bình Định.

   Năm 1932, ngài cùng với bổn sư là tổ Giác Tiên và chư tôn đức Tăng già đứng ra thành lập An Nam Phật Học hội.  Ngài là vị giảng sư đầu tiên của hội.  Và, ngài cũng là vị sư trẻ đầu tiên tại cố đô Huế sớm ý thức đem đời vào đạo và đem đạo vào đời bằng con đường chấn hưng Phật giáo.

   Với tư chất và hạnh nguyện ấy, nên được tổ Tâm Tịnh (Tổ khai sơn Tây Thiên Di Đà tự) tặng y bát để hành trì.

   Năm Quý Dậu (1933), ngài vâng lời sư phụ đứng ra lập trường Tiểu học Phật giáo tại chùa Vạn Phước và trực tiếp làm Hiệu trưởng.

   Năm Giáp Tuất (1934), ngài hợp tác với Hòa thượng Giác Nhiên (tọa chủ tổ đình Thuyền tôn, đệ nhị Tăng Thống Giáo Hội PGVN Thống Nhất 1973-1979), mở trường An Nam Phật Học tại Trúc Lâm.  Ngài làm việc với hội trong tư thế là Tổng thư ký.

   Các bài giảng của ngài dạy tại trường Vạn Phước và chùa Từ Quang gồm :  Tam quy ngũ giới, Trạch pháp tu tâm, Thanh văn thừa, Bồ tát thừa, Pháp môn niệm Phật, … đều có đăng trong báo Viên Âm.

   Năm Ất Hợi (1935), ngài muốn cho quần chúng thấy sự hưng thịnh của Phật giáo tại miền Trung, nhất là tại tỉnh nhà và cố đô Huế, ngài đã đi đó đây để vận động giới Tăng sĩ bản tỉnh đem hết tâm lực ra để cúng dường ngày Đản sanh thật long trọng, thật vĩ đại.

   Ngày 10 tháng 05 năm 1935, trong lúc đại lễ Phật đản đang được cử hành rất trọng thể tại chùa Diệu Đế, thì ngài lại viên tịch ở Trúc Lâm.

   Tổ Giác Tiên không có mặt trong ngày đại lễ này.  Trước khi viên tịch, ngài bảo huynh đệ trong chúng mang bức tượng Di Đà phóng quang để trước mặt ngài.  Ngài ngồi ngay ngắn như nhập định, chấp tay và niệm: Nam Mô A Di Đà Phật.

   Lúc ấy, tổ Giác Tiên vào đứng bên cạnh và phú kệ như sau :

                        Tâm Địa (*) quai hàm pháp tánh viên,

                        Tây lai diệu chỉ hiểu Nam thiên,

                        Hoát nhiên trực triệt Tào Khê lộ,

                        Miễn tại linh bình ngũ thập niên.

Dịch :

                        Cõi tạm bao hàm pháp giới tánh,

                        Trời Nam sáng tỏ ý Tây truyền,

                        Bỗng nhiên thấu triệt Tào Khê lộ,

                        Khỏi mất công dài năm chục năm.

            (*) Tâm Địa là Pháp danh của ngài.  Giáo sư Nguyễn Lang dịch.

            Ngài bái nhận phú kệ xong, xin Tổ được lấy ảnh Di Đà đắp lên mặt và từ từ nhắm mắt thị tịch.

            Ngài xả thân tứ đại đúng vào lúc 08 giờ sáng, ngày mồng Tám tháng Tư năm Ất Hợi (tức ngày 20 tháng 05 năm 1935).  Hưởng dương trần thế 31 tuổi.

            Ngài là vị sư trẻ duy nhất được Giáo hội xây tháp phụng thờ và lo liệu mọi nghi lễ trong lúc nhục thân của ngài chưa nhập tháp.

            Giáo hội đã tặng câu đối :

            *.-  Khả hạnh giải, chánh đạo bất chung yên, nguyệt san đề xuất, Phật học liên trường hứa đa cô vũ, phong trào vô tận đăng quang tường phúc lãng,

            *.-  Y bi tại, Tây Thiên hồ kịch khứ, Di Lặc vị lai, Thích Ca dĩ viễn đương thủ lăng di mạt pháp, đề cao trọng hạ phú thùy kiên.

            Thầy Chánh Thống tặng hai câu :

            *.-  Đương thời lộc dạ, độc đắc giả danh, kỷ niên lai tuy chuyển pháp luân, chánh huy quần sanh đa ngưỡng mộ.

            *.-  Thử nhật tùng tâm, cang phùng khánh tiết, thiên tãi hạ trùng quang Phật nhựt, hồ nhi lạc quốc thốc tiên đăng.

            Câu đối Nôm của thầy Vân Đàm tặng như sau :

             *.-  Rừng mai đạp tuyết, cay đắng trải bao phen, cơ hóa độ còn nhiều hy vọng chứa chan, tằm kéo tơ lòng thêu sử Phật,

             *.-   Sàng Trúc trổ hoa, tỉnh mê trong nửa kiếp, tình tương tri quá nặng, sầu trường man mác, quyện rơi giọt lụy gọi hồn thiêng.

            Ngài ra đi giải thoát cho chính ngài, nhưng An Nam Phật Học hội mất đi một vị tăng trẻ tài cao, học chúng Trúc Lâm mất đi một hướng đạo sư tận tụy, đồng sự pháp lữ mất đi một bạn hiền vô giá.

            Hằng năm, cứ vào ngày tưởng niệm ngài, chư Tăng Ni và Giáo hội bản tỉnh đều vào Trúc Lâm thắp nén hương long và đảnh lễ trước long vị của ngài.  Di ảnh cũng như long vị được phụng thờ bên gian tả của hậu tổ.

            Sự ra đi sớm của ngài, theo Giáo sư Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận quyển ba, trang 102 có đoạn nói như sau :

            -. “… Có lẻ giảng sư Mật Khế đã phí sức nhiều quá trong những ngày vận động cho lễ Phật Đản, một cuộc biểu dương đầu tiên của lực lượng quần chúng Phật giáo trong phong trào phục hưng.  Như ta đã biết, đại lễ này có vua Bảo Đại tham dự, đã làm cho báo chí trong nước nói lên nhiều lần và câu hỏi về sự cần thiết hay không cần thiết của một sự phục hưng Phật giáo đã được đặt ra giữa dư luận quần chúng quảng đại.

            … Trước đó đã vận động vua Bảo Đại chấp nhận vị Hội Trưởng Danh Dự của hội.  Từ năm trước, tức năm 1934, vua Bảo Đại đã ban hành sắc tứ cho các chùa Tường Vân, Tây Thiên và Trúc Lâm.  Chùa Tường Vân nguyên trước đã được sắc tứ rồi, bây giờ lại được sắc tứ một lẫn nữa, chùa Tây Thiên bây giờ là :  “Tây Thiên Di Đà tự” và chùa Trúc Lâm : “Sắc Tứ Trúc Lâm Đại Thánh tự”, 

            Đại Thánh Trúc Lâm tức là vua Trần Nhân Tông ngày xưa vậy.

            Đến đây chúng ta hiểu thêm một phần nữa là :  Qua biển sắc mà nhà vua  ban cho Trúc Lâm Đại Thánh tự bây giờ có một phần liên hệ với Trúc Lâm Đại Đầu Đà ở núi Yên Tử (Bắc Việt) vậy.

thap

            Bên cạnh là Bảo Tháp của Ngài, được Giáo hội đứng ra xây cất.

* * * * * *

Bài Minh Nói Về Hạnh Nguyện Của Thiền Sư MẬT KHẾ

* * * * * *

          Dưới đây là toàn văn bài Bia và bài Minh vừa chữ Nho, vừa phiên âm và dịch nghĩa. Có phần phóng ảnh phần chữ Nho để quý vị thông Nho đọc khỏi nghi ngờ. Kính đa tạ  _  Tín Nghĩa

          Sắc Tứ Trúc Lâm Đường Thượng Tì Kheo Tâm Địa Mật Khế Sung Phật Học Hội Giảng Sư Chí Minh (Văn bia ngài Mật Khế)

          Hòa thượng Giác Nhiên duyệt  -  Tâm Minh Lê Đình Thám soạn

          Chữ nho :

          勅 賜 竹 林 大 聖 寺 當 上 比 丘 心 地 密 契 充 佛 學 會 講 師 誌 銘。

          密 深 微 妙 法

          契 機 方 便 說

          了 悟 宗 旨 時

          法 法 何 曾 說。

          如 是 妙 法,離 言 說 相,離 名 字 相,不  垢  不 浄, 不 断 不 常,本自無生,應 有 感 , 悟 微 斯 旨,其 唯 佛 學 會,講 師 释 密 契 乎 ! 講 法 名 心 地,號 密 契,承 天 府,香 水 縣,神 符 社,黎 族 人 也。

          Phiên âm :

          Sắc tứ Trúc Lâm Đại Thánh tự đường thượng Tỷ kheo Tâm Địa Mật Khế sung Phật Học hội Giảng sư chí minh.

          Mật thâm vi diệu pháp,

          Khế cơ phương tiện thuyết,

          Liễu ngộ tông chỉ thời,

          Pháp pháp hà tằng thuyết.

          Như thị diệu pháp, ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng, bất cấu bất tịnh, bất đoạn bất thường, bổn tự vô sanh, ninh ứng hữu cảm, ngộ vi tư chỉ, kỳ duy Phật học hội Giảng sư Thích Mật Khế hồ ! Giảng sư pháp danh Tâm Địa, hiệu Mật Khế. Thừa Thiên phủ, Hương Thủy huyện, Thần Phù xã, Lê tộc nhơn dã.

          Dịch nghĩa :

          Bài Ký và bài Minh nói về hành trạng của Giảng sư hội An Nam Phật Học là Tỷ kheo pháp danh Tâm Địa, pháp tự Thích Mật Khế, huynh trưởng chùa Sắc tứ Trúc Lâm Đại Thánh – Huế.

          Pháp vi diệu thâm mật,

          Khế cơ phương tiện thuyết,

          Liễu triệt diệu chỉ ấy,

          Pháp pháp thường như vậy.

          Không thể dùng ngôn ngữ văn tự để nói lên được, buộc lòng người ta tạm nói là “ly ngôn thuyết tướng”. Pháp tự nó là nó, nó không là gì hết, song đầu óc của con người lại gắn cho nó một tên gọi. Tên gọi ấy chẳng phải là tự thân của pháp, vì thế ở vào lãnh vực tối vi diệu, nơi đây buộc lòng người ta phải nói : “ly danh tự tướng”. Nó bất cấu, bất tịnh, chẳng phải đoạn diệt, chẳng phải thường còn. Pháp vốn vô sanh. Ai là người thiệt sự am hiểu một cách tường tận về diệu nghĩa ấy ? Duy chỉ có Giảng sư của hội An Nam Phật Học Thích Mật Khế !

          Giảng sư dòng họ Lê, sanh quán tại làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, xuất gia có pháp danh thượng Tâm hạ Địa, pháp tự Thích Mật Khế.

          Chữ nho :

          色  座 如 幻 ,何 妨 地 異 繁 花,名 相 本 空,豈 論 耶 非 權 貴,常 生 智 慧,英 名 早 播 于 童 年,深 種 善 根,出 家 方 界 天  九 歲,因 缘 非 淺,受 訓 度 於 竹 林 寺 覺 先 證 明 大 師,戒 律 精 通,進 圓 具 於 西 天 寺 心 净 堂 頭 和 尚,利 生 大 願,得 少 寜 許 求 安,弘 法 深 心,遍 處 參 學 斯 道,幾 度 在 天 與 十 塔,開 悟 於 字 裏 行 間,有 時 而 順 化 廣 南,敷 演 於 沙 門 居士。

          Phiên âm :

          Sắc tòa như huyễn, hà phương địa dị phồn hoa, danh tướng bổn không, khởi luận da phi quyền quý, thường sanh trí tuệ, anh danh tảo bá vu đồng niên, thâm chủng thiện căn, xuất gia phương giới thiên cửu tuế, nhơn duyên phi thiển, thọ huấn độ ư Trúc Lâm tự Giác Tiên Chứng minh đại sư, giới luật tinh thông, tấn viên cụ ư Tây Thiên tự Tâm Tịnh đường đầu Hòa Thượng, lợi sanh đại nguyện, đắc thiểu ninh hứa cầu an, hoằng pháp thâm tâm, biến xứ tham học tư đạo, kỷ độ tại Thiên Hưng Thập Tháp, khai ngộ ư tự lý hành gian, hữu thời nhi Thuận Hóa Quảng Nam, phu diễn ư Sa môn cư sĩ.

          Dịch nghĩa :

          Cõi sắc tướng như tuồng huyễn mộng, sao còn đất lạ mới phồn hoa. Danh tướng xưa nay vốn không, sao còn luận bàn không nhà quyền quý. Tự tâm thường sanh trí tuệ, tiếng tốt thuở còn đồng niên. Đã khéo trồng thiện căn, xuất trần ngày lên chín (9 tuổi). Nhờ nhơn duyên sâu dày, sớm thọ huấn với lão Hòa Thượng Giác Tiên, khai sơn Trúc Lâm Đại Thánh tự, đồng thời là sáng lập viên, là Chứng minh Đạo sư của hội An Nam Phật Học.

          Tự thân của Giảng sư, giới luật trinh bạch, kiên trì và tinh thông. Giảng sư được thọ cụ túc giới với Đại lão Hòa Thượng Tâm Tịnh khai sơn chùa Tây Thiên.

          Chí nguyện lớn lúc nào cũng hướng đến lợi sanh, dù việc nhỏ cũng hứa khả yên lòng, chí hoằng pháp sâu sắc, lại diệu vợi, tự thân bôn ba khắp mọi nẽo trong chốn Thiền môn, với dụng tâm tìm sâu vào ý đạo. Có những chuỗi ngày học đạo với ngài Tuệ Pháp chùa Thiên Hưng, rồi lại mấy lần cất bước vân du tham học với ngài Đại lão Hòa Thượng Phước Huệ tại chùa Thập Tháp xứ Quy Ninh (nay là tỉnh Bình Định). Từ đó, tâm trí ngày càng sáng lên qua câu kinh bài kệ và bắt nguồn từ Kinh Luận ấy, ngấm ngầm hướng dẫn Giảng sư có một cuộc sống vô cùng nhàn hạ !

          Đã có những lúc đến Thuận Hóa, cũng có những lần về lại Quảng Nam, tuyên dương đạo mầu, trước chư vị đại Sa môn, trước muôn ngàn cư sĩ mến mộ.

          Chữ nho :

          學 半 功 倍 逆 知 深 厚 宿 根,詞 易 義 明,何 止 貫 通 教 藏,毘 尼 嚴 浄,行 解 相 應,般 若 圓 融,理 事 無 礙,佛 學 會 多 畨 說 法,聖 眾 倾 心,萬 福 寺 一 年 講 經,山 門 生 色。甲 戌 秋,講 師 奉 慈 宫 端 幑 皇 太 厚 旨 召,開 講 彌 陀 疏 鈔,闡 明 唯 心 樂 國,顯 如 来 之 覺 不 覺,伏 自 涅 槃。

          Phiên âm :

          Học bán công bội nghịch tri thâm hậu túc căn, từ dị nghĩa minh, hà chí quán thông giáo tạng, Tỳ ni nghiêm tịnh, hạnh giải tương ưng, Bát nhã viên dung, lý sự vô ngại, Phật học hội đa phiên thuyết pháp, thánh chúng khuynh tâm, Vạn Phược tự nhất niên giảng kinh, sơn môn sanh sắc. Giáp Tuất thu, giảng sư phụng Từ Cung Đoan Huy Hoàng Thái Hậu chỉ triệu, khai giảng Di Đà sớ sao, xiểu minh duy tâm Lạc quốc, hiển Như Lai chi giác bất giác, phục tự niết bàn.

          Dịch nghĩa :

          Với giảng sư dụng tâm về việc học, dù mới một nửa công phu, song nhờ vào thiện căn thông tuệ ; nên mức độ nhận thức am tường, thấu hiểu vô cùng thâm hậu, nói năng giản dị song nghĩa lý sâu sắc, thấu suốt tận nguồn Pháp tạng. Tỳ ni, Oai nghi giới luật tuân hành cẩn trọng. Do vậy, biểu lộ vào cuộc sống hằng ngày, người ta thấy nơi con người Giảng sư hạnh và giải lúc nào cũng tương quan ảnh hiện mà không hề trái chống. Bát nhã trí ngài đã nhập diệu, cho nên với Ngài lý vô ngại, mà sự cũng vô ngại. Tại Hội trường của hội An Nam Phật Học, Thầy đã tằng giảng thuyết, khiến cho người nghe phải dốc lòng mến mộ. Tại chùa Vạn Phước, Thầy đã giảng Kinh và dạy Luật cho cả một thế hệ Tăng Ni tham học khắp sơn môn chốn kinh thành Hương giang Ngự lãnh. Nhờ vậy, Ngài đã khơi dòng trí tuệ tận nội tâm cho một lớp người phát túc siêu phương.

          Mùa thu năm Giáp Tuất, Thầy dược Từ Cung Đoan Huy Hoàng Thái Hậu cung thỉnh vào nội cung thuyết giảng về bộ kinh A Di Đà Sớ Sao. Dịp ấy, Thầy đã khéo sử dụng ngôn ngữ văn tự làm cho vua quan nghe giảng đều thấu hiểu diệu lý “Duy tâm Tịnh Độ”. Đồng thời cũng bắt nguồn từ đó, mọi học viên đều hiểu “Như Lai tạng tâm” là cảnh giới sau khi hành giả đã quántriệt phương diện bất giác của nội tâm (giác bất giác). Thiệt sự thấu hiểu tường tận như vậy, gọi là đã tự đặt mình vào cảnh giới của Niết bàn.

          Chữ nho :

          示 陀 那 後 之 眞 非 眞,圓 成 妙 有,幻 心 幻 境,稱 性 即 空,不 去 不 来,守 屍 奚 益。保 大 十 年,講 師 年 方 三 十 一 歲 ,病 中 得 法 於 本 師 覺 先 偈 曰:

          心 地 光 含 法 性 圓

          西 来 大 意 顯 南 天

          豁 然 直 徹 曹 溪 路

          免 在 玲 偋 五 十 年。

          乃 於 此 年 佛 慶 誕 日 卯 時 圓 寂。 

          噫!佛 法 難 起 如 此 其 極 世 界,不 乏 飯 粥 増 壽 命,何 獨 短 於 我 講 師 释 密 契 哉。

          Phiên âm :

          Thị đà na hậu chi chơn phi chơn, viên thành diệu hữu, huyễn tâm huyễn cảnh, xứng tánh tức không, bất khứ bất lai, thủ thi hề ích ! Bảo Đại thập niên, giảng sư niên phương tam thập nhất tuế, bịnh trung đắc pháp ư Bổn sư Giác Tiên kệ viết :

          Tâm địa quang hàm pháp tánh viên,

          Tây lai đại ý hiển Nam thiên,

          Khoát nhiên trực triệt Tào Khê lộ,

          Miễn tại linh đình ngũ thập niên.

          Nãi ư thử niên Phật khánh đản nhật Mão thời viên tịch. 

          Y ! Phật Pháp nan khởi nhi thử ký cực thế giới, bất phạp phạn chúc tăng thọ mạng, hà độc đoản ư ngã giảng sư Thích Mật Khế tai !

          Dịch nghĩa :

          Tối hậu của nội tâm giác ngộ là am hiểu tường tận về cảnh giới “Đà Na vi tế thức”. Cảnh giới ấy là chơn mà cũng là “phi chơn”. Và cũng bắt nguồn từ đây, tự nó viên thành tính diệu hữu. Hành giả có được mức độ nhận thức đến như thế rồi, lập tức tận chiều sâu nội tâm thấy “Tâm là huyễn mà cảnh cũng là huyễn”. Bây giờ tận chơn tâm (xứng tánh) mới thiệt sự am hiểu tường tận về cảnh giới “tức không”. Cảnh giới “tức không” ấy xưa nay vẫn là “vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ”(bất khứ bất lai). Qua đó cho ta thấy, “khăng khăng ôm giữ có được ích gì”

          Niên hiệu Bảo Đại năm thứ 10, Giảng sư vừa tròn 31 tuổi. Trong cơn bệnh, Ngài lại đắc pháp với Bổn sư là Giác Tiên lão Hòa Thượng. Kệ rằng :

          Tâm địa sáng ra pháp diệu tâm,

          Tây lai Tổ ý rọi trời Nam,

          Bỗng nhiên hội ngộ Tào Khê lộ,

          Thôi khỏi bận lòng mấy chục năm.

          Vào giờ Mão ngày Khánh đản đức Bổn sư năm ấy, Giảng sư viên tịch.

          Ôi ! Có phải chăng đây là thời kỳ Phật pháp khó bề hưng thịnh ? Ai là người ở vào lúc tận cùng thế giới mù khơi không thiếu thọ mạng, sao mà riêng chỉ có Thích Mật Khế, Giảng sư của hội An Nam Phật Học, thọ mạng lại ngắn ngủi như vậy !

          Chữ nho :

          嗚 呼!講 師 戒 德 純 真,慧 根 绝 世,平 常 日 用,不 離 自 性 彌 陀,無 意 語 言,都 是 大 乗 秒 旨, 開 示 法 界 性,第 一 義 重 得,宣 扬 堅 固 菩 提 心,佛 學 會 賴 成 立。雖 示 樂 邦 有 願,蓮 池 自 在 化 生,可 憐 忍 土 慈 悲 願 切 護 法 心 欣 嘆,

          世 間 之 空 虚 念,衆 生 之 眼 目 得,命 余 記 講 師 法 施 功 德 以 最 未 来。余 不 量 力 受 有 此 舉 述 其 行 狀 庶 之 系,以 銘 曰 :

          Phiên âm :

          Ô hô ! Giảng sư giới đức thuần chơn tuệ căn tuyệt thế, bình thường nhật dụng, bất ly tự tánh Di Đà, vô ỹ ngữ ngôn, đô thị Đại thừa diệu chỉ, khai thị pháp giới tánh, đệ nhất nghĩa trùng đắc, tuyên dương kiên cố Bồ đề tâm, Phật học hội lại dĩ thành lập. Tuy thị Lạc bang hữu nguyện, liên trì tự tại hóa sanh, khả lân nhẫn độ diệu duyên. Đàm hoa hà thần tái đổ. Phật học hội đồng nhơn từ bi nguyện thiết hộ pháp tâm hân thán, thế gian chi không hư niệm, chúng sanh chi nhãn mục đắc. Mạng dư ký giảng sư pháp thí công đức dĩ tối vị lai. Dư bất lượng lực hữu thử cử thuật ký hành trạng thứ chi hệ, dĩ minh viết :

          Dịch nghĩa :

          Ô hay ! Giới đức của Giảng sư thuận bề chân chánh. Tuệ nhãn của Giảng sư tuyệt thế vô luân. Sinh hoạt bình thường vẫn không rời Di Đà tự tánh. Vô ý xuất ngôn vẫn trọn ý nghĩa Đại thừa diệu chỉ. Pháp tánh đệ nhất nghĩa luôn luôn được Giảng sư tuyên dương, khiến cho Bồ đề tâm càng thêm kiên cố. Hội An Nam Phật Học nhờ đó mà được thành tựu.

          Tuy cũng có ước nguyện thác sanh vào ao sen giải thoát ở quán Tây bang Cực lạc, song cũng phải thương tình cho tính nhẫn nại nơi quốc độ diệu duyên này, chẳng biết ngày nào hoa Ưu Đàm mới có duyên tái ngộ !

          Mọi người ở hội An Nam Phật Học đồng khởi từ bi tâm, nhất niệm nguyện khắc cốt ghi tâm, dù hoàn cảnh nào cũng hoan hỷ hộ trì chánh pháp. Song, không sao tránh khỏi bi tâm mà rằng : Công đức pháp trí của Giảng sư Thích Mật Khế, đối với nhiều thế hệ là vô lượng vô biên, không sao nói lên hết được ; vì rằng pháp trí là nhãn mục của mọi người. Thế nên nay đây, tôi đã không tự lượng sức mình, chỉ sơ lược một bài ký như trên và bài minh như sau :

          Chữ nho :

          蕴  身  非  有

          心  性  本  空

          於  斯  究  竟

          宗  通  說  通。

          有  大  醫  師

          知  见  圓  融

          施  靈  妙  藥。

          哀  愍  衆  生

          受  三  途  苦

          豁  破  迷  雲

          普  施  法  雨。

          Phiên âm :

          Uẩn thân phi hữu,

          Tâm tánh bổn không,

          Ư tư cứu cánh,

          Tông thông thuyết thông.

          Hữu đại y sư,

          Tri kiến viên dung,

          Thí linh diệu dược,

          Liệu bỉ quần mông.

          Ai mẫu chúng sanh,

          Thọ tam đồ khổ,

          Khoát phá mê vân,

          Phổ thí pháp vũ.

          Dịch nghĩa :

          Thân ngũ uẩn chẳng thường,

          Tâm diệu hạnh chơn không,

          Cứu cánh diệu lý này,

          Tông thông thuyết cũng thông.

          Y vương bậc Đại sư,

          Tri kiến tợ thái hư,

          Tìm thuốc cứu thế nhơn,

          Độ khổ hiện lẽ chơn.

          Vì thương thương chúng sanh,

          Thọ nhận Tam đồ khổ,

          Vẫy áo vẹt mây mờ,

          Bỉ ngạn đưa đến bờ.

          Chữ nho :

          契  理  契  機

          開  示  未  悟

          功  德  昭  彰

          湛  然  常  住。

          保 大 十 年,乙 亥 七 月 佛 歡 喜 日,佛 學 會 證 明 大 導 師 覺 然 和 尚 閲。佛 學 會 副 會 長 心 明 黎 廷 探 和 南 奉 僎。

          學 會 敬 立。

          Phiên âm :

          Khế lý khế cơ,

          Khai thị vị ngộ,

          Công đức chiêu chương,

          Trạm nhiên thường trú.

          Bảo Đại thập niên, Ất Hợi thất nguyệt Phật hoan hỷ nhật. Phật học hội Chứng minh Đại đạo sư Giác Nhiên Hòa Thượng duyệt.

          Phật học hội Phó Hội trưởng Tâm Minh Lê Đình Thám hòa nam phụng soạn.

          Phật học hội kính lập.

          Dịch nghĩa :

          Vì khế lý khế cơ,

          Mở bày kẻ chưa ngộ,

          Công đức rạng ngàn thu,

          Vắng bặt nơi thường trú.

          Bia dựng vào triều Bảo Đại thứ 10, năm Ất Hợi, tháng bảy ngày Phật hoan hỷ.

          Chứng minh Đại đạo sư hội An Nam Phật Học, Hòa Thượng Giác Nhiên duyệt.

          Phó Hội trưởng hội An Nam Phật Học Tâm Minh Lê Đình Thám cẩn soạn.

          Hội An Nam Phật Học bái lập.

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Tham Dự Lễ Tưởng Niệm Đại Lão HT Thích Nhất Hạnh.
Tiểu Sử Tổ Liễu Quán
Vài Nét Về Tổ Đình Trúc Lâm Đại Thánh tại Huế
Tiểu Sử Tổ GIÁC TIÊN Khai Sơn Tổ Đình Trúc Lâm Huế
Tiểu Sử Thiền Sử Thích Mật Hiển
Tiểu Sử Thiền Sử Thích Mật Nguyện
Tiểu Sử Thiền Sư Thích Mật Thể
Tiểu Sử Sư Bà Thích Nữ Diên Trường
Tiểu Sử Sư Bà Thích Nữ Diệu Huệ
Tiểu Sử Sư Bà Thích Nữ Diệu Không
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3894790
Có 0 Khách Đang Online