TỊNH ĐỘ TÔN
I.- DUYÊN KHỞI LẬP TÔN
Tôn này dạy người tin chịu làm theo pháp môn niệm Phật, phát nguyện sanh về thế giới Cực lạc, cõi Phật thanh tịnh, cho nên gọi là Tịnh Độ tôn.
Pháp môn Tịnh Độ, các kinh điển về Đại thừa thảy đều tán dương. Những kinh chuyên nói về Cực Lạc Tịnh Độ, làm chỗ y cứ cho tôn này, là kinh Vô lượng thọ, kinh Quán vô lượng thọ Phật, và kinh A-di-đà, gọi là ba kinh về Tịnh Độ.
Kinh Vô lượng thọ nói về khi đức A-di-đà còn làm Pháp tạng Tỳ-kheo, phát 48 lời thệ nguyện, cứu độ chúng sinh, và sau khi ngài thành Phật, thời quốc độ trang nghiêm, để nhiếp hóa chúng sinh niệm Phật ở mười phương thế giới, đều vãng sanh về nước ngài v.v... Kinh A-di-đà lược nói cõi Tây phương Cực lạc Tịnh độ trang nghiêm, khiến người sanh lòng tin, phát nguyện trì niệm danh hiệu của Phật, một lòng không tán loạn liền đặng vãng sanh v.v... Kinh Quán vô lượng thọ Phật nói rõ 16 phép quán, 9 phẩm Vãng sanh và chỉ tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật v.v... Ngoài ra như kinh Ban Châu, kinh Bi Hoa, kinh Bửu Thích v.v... đều đề xướng rất là thâm thiết; ấy là nguồn gốc phát khởi tôn này. Trong luận Đại thừa Khởi tín của ngài Mã Minh Bồ-tát, cũng khuyên người tu về Tịnh Độ, ngài Long Thọ Bồ-tát làm phẩm Dị Hành (một phẩm trong bộ luận Thập trụ Tỳ-bà-sa), vàtán lễ Di Đà; ngài Thế Thân Bồ-tát làm Vãng sanh luận v.v... đều mở mang giáo lý, hoằng dương pháp môn Tịnh Độ. Khi Phật pháp truyền vào nước Trung Hoa, giáo điển về Tịnh Độ cũng truyền qua rất sớm, nhưng nhiệt liệt hoằng dương tôn này và thiết thực tu trì là bắt đầu từ ngài Huệ Viễn đại sư về đời Đống Tấn. Ngài ở núi Lô Sơn lập ra liên xã, làm vị Tổ đầu tiên về tôn này. Trong thời ấy, kẻ Tăng người tục vào hội rất đông quyết ý tịnh tụ, đến khi lâm chung đều có chỗ chứng nghiệm, một người xướng trăm người học, không ai là không noi theo.
Sau lại, các vị đạo sư, như ngài Đàm Loan, ngài Đạo Xước, ngài Thiện Đạo, ngài Thừa Viễn, ngài Pháp Chiếu, ngài Thiếu Không, ngài Vĩnh Minh, ngài Liên Trì, ngài Ngẫu Ích, ngài Triệt Lưu, ngài Tỉnh Am, ngài Triệt Ngộ v.v... đều dùng pháp môn ấy mà tu mình và hóa người, đến nay không dứt. Các vị tổ sư về các tên khác, như ngài Trí Giả Đại sư về Thiên Thai tôn, ngài Nguyên Chiếu luật sư về Luật tôn, ngài Trương Lô, ngài Thiên Nhu, ngài Sở Thạch, ngài Không Cốc, các ngài về Thiền tôn, tuy đều hoằng dương tôn mình, nhưng không một ngài nào là không riêng khen pháp môn Tịnh Độ, vì Tịnh Độ tôn ai ai cũng đều tu trì được cả
II.- BỐN CÕI
Muốn rõ chỗ sai khác về Tịnh Độ và uế độ của tôn này, thời phải biết cái nghĩa của bốn cõi.
Một la cõi phàm thánh đồn cư : Cõi đồng cư có tịnh có uế, như cõi Ta-bà này đâu, cả sạn và các sự nhơ bẩn, tức là uế độ; cõi Cựu lạc thế giới thanh tịnh trang nghiêm, không có bốn ác thú, tức là cõi đồng cư Tịnh Độ. Tuy rằng tịnh, uế có khác, nhưng phàm và thánh đều chung ở, cho nên gọi là đồng cư.
Hai là cõi phương tiện hữu dư : Là cõi của bậc nhị thừa đã dứt kiến hoặc tư hoặc trong ba cõi, nhưng vô minh hoặc hãy còn, cho nên gọi là hữu cơ.
Ba là cõi thiệt báo vô chướng ngại : Tức là cõi của bậc thập địa về biệt giáo, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng về viên giáo, cho đến bậc Đẳng giác Bồ-tát. Lời sớ trong kinh Quán Vô lượng thọ Phật có nói rằng : “Tu pháp chơn thiệt, cảm đặng quả báo tốt đẹp", cho nên gọi là thiệt báo.
Bốn là cõi thường tịch quang : Tức là cõi về lý tánh. Thường tức là pháp thân, tịch tức là giải thoát, quang tức là Bát-nhã; không thay không đổi gọi là thường, xa lìa có, không gọi là tịch, soi sáng tục đế và chơn đế gọi là quang, túc là cõi của bậc Diệu giác cứu kính Phật.
Trong kinh Tịnh Danh sớ có nói : “Tu cái nhơn hạnh nguyện về viên giáo, khi nhơn đã cùng tột quả được đầy đủ, đạo thành bậc Diệu giác, ở cõi Thường tịch quang”.
III.- HẠNH NGUYỆN CỦA ĐỨC DI ĐÀ
Khi đức Phật A Di Đà còm làm Pháp tạng Tỳ-kheo, ở nơi chỗ đức Phật Thế tự tại vương, phát 48 lời nguyện, trong ấy có ba lời nguyện chuyên vì nhiếp hóa các chúng sinh niệm Phật mà phát ra đoạn văn thế này : “Sau khi Ta thành Phật, chùng sinh ở mười phương, một lòng tin ưa, muốn về cõi nước Ta, từ một niệm cho đến mười niệm, nếu không đặng vãng sanh, thời Ta thề không thành Bậc Chánh giác, chỉ trừ những người phàm tối ngu nghĩch và chê bai chánh pháp. Nếu Ta đặng thành Phật, chúng sinh ở mười phương phát tâm Bồ-đề, tu các công đức, một lòng phát nguyện, muốn sanh về cõi nước Ta, giá như Ta không cùng với đại chúng đoanh vây hiện ở trước mặt, thời Ta thề không thành Bậc Chánh giác. Nếu Ta đặng thành Phật, chúng sinh ở muời phương, nghe danh hiệu ta, chuyên niệm cõi nước Ta, mà nếu không được thỏa nguyện, thời Ta thề không thành Bậc Chánh giác”.
Khi ngài Pháp tạng Tỳ-kheo phát lời thề rộng lớn, kiến lập những nguyện ấy rồi, một mực chăm chú, trang nghiêm cõi mầu nhiệm, thành Phật đến nay đã trải qua mười kiếp hiện ở tại phương Tây, cách đây mười muôn ức cõi Phật (10.000.000), thế giới ngài gọi là An lạc, cũng gọi là Cực lạc, tên hiệu của ngài là A Di Đà.
Tiếng Phạn là Amita (A Di Đà), Trung Hoa dịch là Vô lượng. Chữ A nghĩa là không, Di-đà nghĩa là lượng, vì hòa quang của Phật không lường cho nên gọi là A Di Đà, cũng gọi là đức Phật Vô lượng quang, đức Phật Vô lượng thọ v.v...
IV.- TÍN - HẠNH - NGUYỆN
Tín, hạnh, nguyện là ba điều cần yếu nhất cho người tu pháp môn tịnh độ, nếu thiếu một là không được, thông thường gọi là ba điều tư lượng cốt yếu.
Phật nói kinh A Di Đà, chỉ bày tín, nguyện và pháp trí danh, làm tôn yếu cho người tu hành, nay y theo Di-đà yếu giải thuật ý nghĩa như dưới này:
Trong kinh trước hết bày rõ y báo và chánh báo để phát khởi lòng tin, thứ lại khuyên người phát nguyện để dẫn về đường tu tập, sau lại chỉ pháp trì danh để thẳng đến bậc bất thối[1]. Tín thời có tín tự, tín tha, tín nhơn, tín quả, tín sự, tín lý; nguyện thời nhàm chán cõi Ta-bà, ưa cầu về miền Cực lạc. Hành thời chuyên trì danh hiệu một lòng không loạn.
Tín tự, nghĩa là mình cái tâm niệm hiện tiền của mình đây, dọc thời không trước không sau (không thời gian), ngang thời suốt từ suốt cõi (không không gian), trọn ngày theo duyên mà trọn ngày chẳng biến đổi, mười phương hư không cõi nước nhu vi trần đều là vật trong tâm niệm ta hiện ra, ta nay tuy mê hoặc trái lầm, nếu là một niệm hồi tâm, thời quyết chắc đặng sanh về cõi Cực lạc đủ trong tâm ta, không còn nghi ngờ gì nữa; ấy gọi là tín tự.
Tín tha, nghĩa là tin lời đức Thích-ca, quyết không lừa dối, lời nguyện đức Di-đà, quyết không phải là nguyện suông, tùy thuận lời dạy bảo chơn thật của các đức Phật, quyết chí cầu sanh, không còn nghi ngờ; ấy gọi là tín tha.
Tín nhơn, nghĩa là mình rất tin rằng trong khi tán loạn ma niệm tên Phật, còn được chủng tử thành Phật thay, huống chi chăm lòng không loạn, sao lại không được sanh về cõi Tịnh Độ? Ấy gọi là tín nhơn.
Tín quả, nghĩa mà mình rất tin cõi Cực lạc tịnh độ, các bậc Thiện nhơn đều hội lại một chỗ, đều là nhờ tu pháp niệm Phật tam muội mà được vãng sanh, cũng như trồng đưa thời đặng dưa, trồng đậu thờI đặng đậu, bóng dọi theo hình, vang dộI theo tiếng, như vậy công mình tu tập quyết không luống bỏ; ấy gọi là tín quả.
Tín sự, nghĩa là mình rất tin chỉ một tâm niệm hiện tiền đã không cùng tận, thời mười phương thế giới, y tâm hiện ra, cũng không cùng không tận vậy, cho nên thiệt có cõi Cực lạc ở ngoài mười muôn ức cõi Phật, rất là thanh tịnh, chứ không nhơ lơi nói ngoa; ấy gọi là tín sự.
Tín lý, nghĩa là mình rất tin mười muôn ức cõi, thiệt không ra ngoài một tâm niệm hiện tiền của ta, lấy một tâm niệm hiện tiền của ta, tánh không chi ngoài; lại rất tin chánh báo y báo, chủ, bạn ở Tây phương, đều là ảnh tượng trong một tâm niệm hiện tiền của ta mà hiện ra, toàn vọng tức chơn, toàn tu tức tánh, toàn tha tức sự, tâm của ta khắp đủ, tâm của Phật cũng khắp đủ, hết thảy chúng sinh tâm tánh đều khắp cả, ví như ngàn ngọn đèn thắp trong một cái nhà, ánh sáng của ngọn này ngọn kia khắp soi lẫn nhau, lớp lớp thâu nhiếp, không ngăn ngại nhau; ấy gọi là tín lý.
Đã tin như vậy, thời nên phát nguyện cầu sanh về cõi Tịnh Độ, cho cõi uế Ta-bà này là cái uế của tâm minh cảm ra, uế tâm mình, lý phải chán lìa; cõi thanh tịnh Cực lạc tức là cõi của tâm mình cảm ra, lý phải ưa cầu. Đã chán sự uế thời phải chán cho cùng tột đến khi không còn có thể chán nữa ; đã ưa cõi tịnh thời ưa cho đến chỗ cùng tột mới thôi; nếu không theo sự mà thủ, xả, trái lại chỉ chấp không thủ, không xả tức là chấp lý mà bỏ sự, mà đã bỏ bên sự thời lý cũng không viên mãn, cho nên sau sự tin phải nói rõ chỗ nguyện cầu, tín và nguyện đã đủ, thời phải khởi sự tu hành. Các kinh chỉ chỗ tu hành về pháp môn Tịnh Độ, như là quán tượng, quán tưởng, lễ bái cúng dường v.v... mỗi mỗi hạnh mà được thành tựu, thời đều được sanh về cảnh Tịnh Độ. Duy có một pháp trì danh thâu cơ rất rộng, người tu rất dễ, có thể nói là phương tiện thứ nhất trong các phương tiện, cho nên có câu rằng : “Ngọc thanh châu gieo vào nước đục, nước đục quyết phải lắng trong, hiệu Phật gieo vào loạn tâm, loạn tâm quyết thành tâm Phật”.
Nói rằng chuyên trì danh hiệu một lòng không loạn, vì danh hiệu là biểu đức của Phật, đức đã không thể nghĩ nghị, cho nên danh hiệu cũng không thể nghĩ nghị, danh hiệu công đức đều không thể nghĩ nghị, cho nên khi tán loạn mà niệh danh hiệu Phật, gọi là gieo giống làm Phật, còn chuyên trì danh hiệu thời chứng đến bậc bất thối.
Phép trì danh có sự có lý. Lối trì danh về sự, tin chắc có đức Phật Di-đà ở phương Tây, nhưng mình chưa thấu được cái lý ‘tâm ấy làm Phật tâm ấy là Phật’, chỉ dùng chí nguyện quyết liệt cầu sanh về cõi Phật, như người con nhớ me, không bao giờ nói quên. Còn lối trì danh về lý, là tin chắc đức Phật A Di Đà ở phương Tây, vốn là đủ có trong tâm niệm mình, là tâm mình tạo ra, tức dùng tự tâm sẵn có, sẵn tạo ra cái hồng danh ấy, mà làm cái cảnh buộc tâm, khiến không bao giờ nói hở bỏ quên.
Nhất tâm cũng có hai thứ :
1.- Không nên luận lối trì danh về sự hay về lý, trì dến khi dứt trừ hết các phiền não kiến hoặc, tư hoặc, đều gọi là sự nhất tâm.
2.- Không luận lối trì danh về sự hay về lý, trì đến khi tâm mình mở tỏ, rõ thấy Phật tự tánh của mình, đều gọi là lý nhất tâm. Sự nhất tâm là không bị kiến hoặc và tư hoặc làm rối loạn ; lý nhất tâm là không bị chấp có và chấp không làm rối loạn, tức là tu huệ vậy.
V.- BỐN PHÉP NIỆM PHẬT
Bốn phép niệm Phật là: xưng danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, thiệt tướng niệm Phật. Niệm danh hiệu của Phật, gọi là xưng danh niệm Phật; quán Phật bằng tượng vẽ hay bằng tượng đắp, gọi là quán tượng niệm Phật; quán tưởng là cái tướng tốt mầu nhiệm của Phật; quán tưởng là cái tướng tốt mầu nhiệm của Phật, gọi là quán tưởng niệm Phật; quán pháp thân của Phật, tức là quán cái thật tướng của các pháp, gọi là thật tướng niệm Phật, cũng gọi là giác tánh niệm.
1.- Xưng danh niệm Phật : Như kinh Văn-thù Bát-nhã nói : “Có phép nhất hạnh tam muội, người tu theo phép ấy, mau được quả Phật Bồ-đề. Mà muốn vào phép tam muội, thời phải ở chỗ vắng lặng, bỏ các điều có thể làm cho tâm ý rối loạn, không chấp tướng mạo, buộc vào một đức Phật, chuyên niệm danh hiệu, vững vàng ngồi xây mặt chính trước Phật, hay ở nơi tên hiệu một đức Phật, niệm niệm nối liền, tức trong niệm ấy, thấy các đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Công đức niệm một đức Phật là vô lượng vô biên, cùng với công đức niệm hết thảy các đức Phật không hai. Như vậy, thời biết hằng sa Phật pháp giới, vốn không tướng sai biệt, tuy ngài A-nan là bậc học rộng biện tài giỏi, nhưng trong trăm ngày phần không kịp một phần”.
2.- Quán tượng niệm Phật : Kinh Đại Bửu tích nói : “Xưa Phật ở trong khi tu nhơn, làm bậc Đại tinh tấn Bồ-tát, nhơn thấy vị Tỳ-kheo họa hình tượng Phật, mới phát tâm xuất gia, đem tượng vẽ vào núi quan sát, quán tượng vẽ ấy, không khác gì Như Lai, thành tựu phép ngũ thông, chứng đước Phổ Quang tam muội thấy các đức Phật trong mười phương v.v...”
3.- Quán tưởng niệm Phật : Phép niệm này có hai :
Một là quán một là tướng, nghĩa là nói trong 32 tướng tốt của Phật, tùy tâm quán một tướng nào, đều dứt được tội nặng, như kinh Quán Phật tam muội hải nói rằng : “Phật vì phụ vương nói phép quán bạch hào; nghĩa chỉ quán cái tướng bạch hào ở giữa chặng mày, xoay quanh theo chiều bên phải, như mặt trăng thu mười phần đầy đủ, trong ngoài sáng suốt, như lọ lưu ly trắng, cũng như sao sáng trong khi đêm tối, phép quán thành cùng khôngthành đều dứt đặng tội nặng sanh tử trong chin mươi ức (90.000.000) Na-do-tha hằng hà sa vi trần số kiếp, thường đặng chư Phật nhiếp thọ hộ niệm”.
Hai là quán toàn thân, như kinh Tọa thiền tâm muội nói : “Người muốn cầu Phật đạo mà nhập thiền, trước phải buộc lòng niệm thân sống của Phật, không được niệm pháp khác, nghĩa là chỉ niệm thân Phật ở giữa hư không, như cái biển lớn thanh tịnh, có núi Kim sơn vương, tướng tốt đầy đủ, phóng ra không lường sáng suốt thanh tịnh, trong khoảng hư không xanh biếc. Thường niệm thân Phật, liền đặng các đức Phật trong mười phương ba đời, đều hiện rõ ràng trước mắt, nếu tâm mình duyên vào pháp khác, thời phải nhiếp thâu lại, khiến đặng an trụ, như vậy, trừ được tội ác trong không lường kiếp”.
4.- Thiệt tướng niệm Phật : Cũng gọi là pháp thân, là quán tự thân của mình cùng tự tánh chơn thật của các pháp, như kinh Văn-thù Bát-nhã nói : “Không sanh không diệt gọi là Phật như quán thật tướng của thân mình, cùng quán Phật cũng vậy”.
Luận Trí độ nói rằng : “Chớ chấp vào sắc thân và tướng tốt mà niệm, vì thân Phật tự không chỗ có không nhớ nghĩ vậy; ấy gọi là niệm Phật”.
Kinh Chiêm-sát nói : “Suy xét pháp thâm bình đẳng của chư Phật, hết thảy trong căn lành, điều ấy là hơn hết”.
Kinh Hoa Nghiêm nói : “Hết thảy thân của các đức Phật chỉ là một pháp nhãn, khi niệm một đức Phật, tức là niệm hết thảy các đức Phật” chính là nghĩa ấy.
Thông thuờng niệm Phật tuy có bốn món như vậy, nhưng người tu Tịnh độ phần nhiều chú ý về pháp trì danh, vì pháp ấy dễ cho người thủ hạ công phu ba căn đêu trùm, tức cạn tức sâu, thật là chước phương tiện rất thù thắng.
Điều ngự tử MẬT THỂ
dịch thuật
Những Tác Phẩm của Thiền Sư Thích Mật Thể :
Phật Giáo Khái Luận
Phật Giáo Khái Luận (Lời Tựa)
Phật Giáo Khái Luận
Phật Giáo Khái Luận (Tổng Thuyết)
Phật Giáo Khái Luận (Câu Xá Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thành Thật Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Luật Tôn)
Phật Giáo Khái luận (Pháp Tướng Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Tam Luận Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thiên Thai Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (MatTôn)
Phật Giáo Khái Luận (Hoa Nghiêm Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thiền Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Tịnh Độ Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (phần cuối)
Thế Giới Quan Phật Giáo
Lời Nói Đầu
Vài Nét Về Tiểu Sử Tác Giả
Tìm Đường
Hai Nguyên Lý Phật Giáo
Tìm Hiểu
Phật Giáo Với Vấn Đề Nhân Sinh
Phật Thích Ca Là Hiện Thân
Nhận Thức Luận
Phật Thân Luận
Kết Luận
Kinh Vô Lượng Nghĩa và Xuân Đạo Lý
Lời Giới Thiệu
Kinh Vô Lượng Nghĩa
XUÂN ĐẠO LÝ
Xuân Hóa
Xuân
Phật Giáo Với Hiện Đại
Thuần Tuý
Phật Hóa Thanh Niên
Xuân ở Lòng Người
Đã Đến Thời Kỳ Kiến Thiết
Đạo Lý Bình Đẳng của Phật Giáo
Ứng Phú Hoàn Cảnh
Mộng
Những Vần Thơ Xuân