Lời giới thiệu
Tam tạng kinh điển trong xứ ta toàn là chữ Hán, trong các thời đại Hán học thạnh hành xưa, ai ai cũng có thể đọc nguyên văn, không cần phải phiên dịch; nhưng ngày nay Hán học đình đốn, bên tai đã vắng nghe những tiếng ‘Tử viết’, thì còn mấy ai đọc được Hán văn, nên sự phiên dịch kinh điển ra Quốc văn đã thành một vấn đề rất trọng yếu cho nền Phật giáo tương lai ở xứ ta.
“Phật giáo khái luận” là một tác phẩm rất có giá trị của cư sĩ Huỳnh Sĩ Phục bên Trung Quốc, lời lẽ tuy vắn tắt, nhưng đã bao hàm tất cả yếu nghĩa của các Tôn hiện hành ở Trung Quốc.
Các Tôn chính là những con đường tu hành sai khác, nhưng đồng đưa đến đạo quả Niết-bàn của chư Phật. Những con đường tu hành ấy, ai là đệ tử Phật há lại không nên rõ biết; mà muốn rõ biết thì sự tham học quyển Khái luận này là một bước đầu rất cần thiết, rất chắc chắn.
Giảng sư Thích Mật Thể, anh em đồng sư với tôi, sau khi du học ở Trung Quốc về, thấy sự lợi ích ấy, nên pháp tâm dịch quyển Khái luận ấy ra Quốc văn, để cống hiến cho toàn thể Phật giáo đồ ở xứ ta. Lời lẽ dễ dàng, nghĩa lý phân minh, bớt chỗ phiền, thêm chỗ lược, giải nghĩa khó khăn, bổ điều khiếm khuyết, tập thành một Pháp bửu Quốc văn rất hy hữu.
Công đức của dịch giả đối với sự tham học Phật pháp ở xứ ta rất lớn lao, tôi xin hết lòng tùy hỷ, giới thiệu cùng các nhà học Phật, và rất trông mong những dịch phẩm như quyển Khái luận này, hằng ngày tiếp tục ra đời, hầu mong một ngày kia góp thành một pho Tam tạng bằng Quốc văn, để cho học giả tương lai ở xứ ta tiện bề nghiên cứu Phật pháp.
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Phật lịch 2501
TÂM MINH LÊ ĐÌNH THÁM
LỜI TỰA
Trước khi để bút xuống dịch cuốn sách này, tôi đã ấn định ba ý nghĩa :
1.- Không nề theo lối văn của Trung Hoa, mà chỉ thuận theo phép Quốc văn ta mà dịch.
2.- Bỏ theo cái lối dịch nghĩa, dịch ỳ mà vẫn giữ được nguyên chất, không sai đạo lý.
3.- Châm chước những đoạn văn mà tác giả đã lược qua.
Vì muốn thực hành ba ý nghĩa ấy, nên bản dịch này, đem so với nguyên văn chữ Hán thì có đôi phần thay đổi.
Nếu có người hỏi ; Sao không chịu dịch theo nguyên văn, mà lại có sự canh cải thế.
Đáp lại câu hỏi ấy, tôi xin giới thiệu những lời ông Guénen mà tôi đã được nghe. Ông Guénen nói; Càng dịch cẩn thận đúng nghĩa đến chừng nào, thời càng có thể sai với sự thật chừng nấy và có lúc vì thế mà dịch lầm tư tưởng đi; vì không có sự đồng nghĩa hẳn hoi ở trong chữ của hai thứ tiếng khác nhau, nhất là khi hai thứ tiếng đã khác nhau hẳn chẳng những nói khác nhau về ngôn ngữ học, mà nhất là nói về sự khác nhau bởi hai quan niệm khác nhau, bởi hai dân tộc dùng hai thứ tiếng đó, mà cái điều sau này thì không phải vì học rộng mà thấu hiểu được đâu.
Nay bản dịch này, vì tôi muốn cho người đọc dễ hiểu, nên tùy tiện châm chước đôi chút, xin độc giả lượng xét cho.
Tôi thiết nghĩ; Phật giáo truyền qua Việt Nam ta, đã có cái lịch sử gần hai ngàn năm, mà sự phiên dịch kinh điển, dựng thành một nền Phật học bằng thứ tiếng bản quốc thật chưa có, điều đó thật đáng than buồn ! Cũng vì thế mà Phật giáo ở nước ta thấy cứ ũng trệ mãi.
Tôi sở dĩ không quảng tài hèn đức mọn, dịch cuốn sách này, là muốn đáp lại cái lòng mong cầu của các người vì đạo, đương bồng bột về sự nghiên cứu Phật học, hiểu biết Phật pháp, mà không đủ tài liệu để cung cấp - xem văn Trung Hoa thì khó.
Lại vì cuốn sách này, thật có nhiều phần lợi ích, mà tôi thấy chưa ai viết hay dịch đến nơi.
Khi tôi dịch xong, có cư sĩ Tôn Thất Tùng phát Bồ-đề tâm xuất bản, ấy cũng vì mục đích lợi ích chung. Vậy tôi rất mong cuốn sách này nó sẽ làm tài liệu nhỏ mọn, giúp chúng tôi trong việc hoằng dương Phật pháp, truyền bá Phật học bằng Quốc văn.
Tôi cũng rất mong các nhà thông hiểu Phật giáo ta, nên phát tâm đem kinh sách Phật mà dịch ra, hoặc tự mình nghiên cứu rồi trước thuật lấy, hầu xây đắp cho tín đồ Phật giáo nước nhà có được một nền Phật học bằng Quốc văn thì quí hóa lắm.
Ai là người có chí nguyện, nên cùng nhau vận động và tuyên truyền.
Viết ở Trúc Lâm - Huế
PL. 2501, ngày 24 tháng 12 An-nam
DỊCH GIẢ CẨN CHÍ
Những Tác Phẩm của Thiền Sư Thích Mật Thể :
Phật Giáo Khái Luận
Phật Giáo Khái Luận (Lời Tựa)
Phật Giáo Khái Luận
Phật Giáo Khái Luận (Tổng Thuyết)
Phật Giáo Khái Luận (Câu Xá Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thành Thật Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Luật Tôn)
Phật Giáo Khái luận (Pháp Tướng Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Tam Luận Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thiên Thai Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (MatTôn)
Phật Giáo Khái Luận (Hoa Nghiêm Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thiền Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Tịnh Độ Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (phần cuối)
Thế Giới Quan Phật Giáo
Lời Nói Đầu
Vài Nét Về Tiểu Sử Tác Giả
Tìm Đường
Hai Nguyên Lý Phật Giáo
Tìm Hiểu
Phật Giáo Với Vấn Đề Nhân Sinh
Phật Thích Ca Là Hiện Thân
Nhận Thức Luận
Phật Thân Luận
Kết Luận
Kinh Vô Lượng Nghĩa và Xuân Đạo Lý
Lời Giới Thiệu
Kinh Vô Lượng Nghĩa
XUÂN ĐẠO LÝ
Xuân Hóa
Xuân
Phật Giáo Với Hiện Đại
Thuần Tuý
Phật Hóa Thanh Niên
Xuân ở Lòng Người
Đã Đến Thời Kỳ Kiến Thiết
Đạo Lý Bình Đẳng của Phật Giáo
Ứng Phú Hoàn Cảnh
Mộng
Những Vần Thơ Xuân