Con Rối Biden và Chủ Trương Xã Nghĩa Hóa
Vũ Linh
Chính trường Mỹ xôn xao về việc Biden nên rút lui hay không. Tuổi tác và tình trạng đầu óc thảm hại của Biden là một vấn đề nghiêm trọng thật, nhưng thực tế, vấn đề nước Mỹ phải trực diện lớn gấp bội, hơn xa chuyện đầu óc một cá nhân, cho dù cá nhân đó là Tổng Thống Mỹ. Vấn đề đi xa hơn cá nhân cụ Biden, mà lan qua kế hoạch xã nghĩa hóa cả nước Mỹ.
Cụ Biden rõ hơn ban ngày đã, đang và sẽ bị làm con rối cho việc thực hiện một chế độ xã nghĩa thiên tả rất nặng trên mọi phương diện của cuộc sống. Những thí dụ điển hình đầy dẫy. Dĩ nhiên chính quyền Biden không phải là theo chế độ cộng sản, cũng chưa đến nỗi thiên tả quá nặng như vài xứ Tây Âu, nhất là Bắc Âu. Nhưng hiển nhiên là chính sách cấp tiến Biden chủ trương thiên tả hơn tất cả mọi vị tổng thống tiền nhiệm, kể cả các ông DC như Carter, Clinton và Obama, trong khi hướng đi quá rõ nét, chỉ những người mù quáng vì tính phe đảng hay ngu dốt mới không nhìn thấy.
Hướng đi thật rõ ràng. Chậm nhưng chắc, dưới tay đảng Dân chủ.
Và đó chính là lý do 'phe ta' đang cố tìm cách giữ Biden trong cuộc tranh cử Tổng Thống cuối năm nay. Trong những chính sách nặng mùi xã nghĩa mà đảng Dân chủ, qua con rối Biden, muốn áp đặt lên nước Mỹ, có những chính sách với những hậu quả rất lớn, thay đổi xứ Mỹ mà ta được biết một cách quy mô, với những hậu quả cực kỳ tai hại về lâu về dài cho nước Mỹ.
Ngay tại đây, có một vấn đề then chốt cần phải nói rõ : Biden đã bị chống đối mạnh ngay từ trước khi cụ liên tục nói nhầm, vấp té, và nhất là trước rất lâu cuộc tranh luận khi cụ Biden biểu diễn cảnh mất trí của cụ. Nghĩa là những lo sợ về tuổi tác và tình trạng đầu óc của Biden chỉ gia tăng việc mất hậu thuẫn, chứ không phải nguyên nhân đầu, mà nguyên nhân đầu là việc đại đa số dân Mỹ Không chấp nhận chính sách thiên tả của Biden.
Một nhà báo Dân chủ cũng nêu lên vấn đề nhiều người chống Biden không phải vì tuổi tác, hay vì có vấn đề đầu óc, cũng chẳng phải vì ý thức hệ thiên tả quá xa với văn hóa Mỹ, mà tại vì họ thấy rõ đảng Dân chủ và Biden đều không lương thiện, nói láo dân, khi cố tìm mọi cách khoả lấp tình trạng sức khỏe thể xác và đầu óc của Biden.
Một chuyện hiển nhiên khác : một số lớn đám vẹt u mê cuồng Biden là vì lo sợ mất trợ cấp, mất tiền già, . . . , nhưng cũng có nhiều người khác, đặc biệt là giới trẻ, không lệ thuộc vào trợ cấp, không mắc nợ Biden vì đã giúp Việt Cộng chiến thắng cho họ có cơ hội qua Mỹ sống an toàn với con cháu, . . . Giới trẻ đó học cao hiểu rộng, nhưng lại là học cao hiểu rộng trong giới hạn của tẩy não mà chúng nhận được trong suốt gần hai chục năm bị cải tạo trong hệ thống giáo dục cực kỳ cấp tiến của Mỹ, từ mẫu giáo tới đại học, như những Nguyễn Thanh Việt, những Derek Trần, . . . Ngoài ra, trong số những người cuồng mê Biden và đảng Dân chủ, cũng có một số thành phần gọi là trí thức nhưng không tri thức, theo phe cấp tiến vì huyền thoại đó là phe của các tư tưởng nhân ái, nhân bản, công bằng, văn minh, tiến bộ, . . . , mà đã là người trí thức có hiểu biết thì phải theo đảng của nhân bản, công bằng xã hội, . . . dĩ nhiên, chứ không thể theo đảng Cộng hòa của đám hủ lậu thượng tôn da trắng. Rồi vì tự ái cá nhân, lỡ phóng lao phải theo lao tới cùng, không thể có đủ can đảm để de lui hay thay đổi tư tưởng dù một ly cho dù sau khi ‘bị’ mở mắt vì thực tế phũ phàng.
Y Tế Quốc Doanh
Điển hình tiêu biểu nhất cho chính sách thiên tả của đảng Dân chủ và Biden là chuyện bảo hiểm y tế. Bước đầu của chính sách ‘xã nghĩa hóa hệ thống y tế’ -socialization of the healthcare system- chính là Obamacare. Trên căn bản, Obamacare là chính sách bảo hiểm y tế trong đó Nhà Nước tự ý tính mức bồi hoàn tiền cho các bác sĩ và bệnh viện khi họ cứu chữa người bệnh, rồi áp đặt giá biểu đó lên các bác sĩ và bệnh viện. Với chính sách áp đặt giá biểu khá thấp của Nhà Nước, nên chi phí mua bảo hiểm tương đối rẻ hơn bình thường. Nhưng chính vì bị áp đặt giá biểu thấp nên nhiều bác sĩ và nhà thương không nhận Obamacare.
Đi đến kết quả là Obamacare đã thất bại nặng, thất bại vì một số rất lớn dân nông thôn và các tỉnh nhỏ không có được bảo hiểm y tế cho dân, hay có mà rất khốn khổ, chẳng hạn người bệnh phải lái xe đi cả trăm miles tới một thành phố tương đối lớn mới có bác sĩ hay nhà thương nhận Obamacare. Ai cũng thấy Obamacare tai hại vô cùng nhưng chẳng ai thay đổi được gì. Phe Dân chủ vì tự ái đảng, vì muốn bảo vệ tên tuổi Obama, cũng như vì bí đường, không nghĩ ra được giải pháp nào khác, nhất quyết ôm cứng dù biết rõ những tai hại và sai lầm. Phe Cộng hòa thì gần như nhất trí muốn hủy bỏ nhưng lại không hủy bỏ được vì chia rẽ nội bộ, không đồng ý được về một giải pháp thay thế.
Tổng Thống Obama và đảng Dân chủ có ý thức được sự tai hại của Obamacare cho các vùng nông thôn và tỉnh nhỏ của Mỹ không ? Dĩ nhiên là có. Nhưng họ không cần biết, hay chính xác hơn, không thắc mắc về việc tìm giải pháp giúp dân những vùng đó, chỉ vì dân tỉnh nhỏ và nông thôn chính là hạ tầng cơ sở của đảng Cộngg hòa, là cử tri của đảng Cộng hòa không hơn không kém. Ưu tiên của đảng Dân chủ là khối dân da màu, dân nghèo của các tỉnh lớn, không phải dân trung lưu của tỉnh nhỏ hay nông thôn. Nhìn bản đồ bầu cử Mỹ thì thấy rõ đảng Cộng hòa thống trị đại đa số vùng nông thôn trong khi đảng Dân chủ chiếm hết các thành phố lớn.
Màu đỏ là vùng Cộng Hòa thắng trong cuộc bầu cử Tổng Thống ; màu xanh là vùng Dân chủ.
Đối với dân tị nạn ta, cái đỡ khổ là tuyệt đại đa số dân tị nạn sống trong những thành phố lớn như Los Angeles, San Jose, Houston, Dân chủ, . . . nên không gặp nạn thiếu bác sĩ như các nông gia Mỹ sống trong các làng hay tỉnh nhỏ hẻo lánh. Các bác sĩ gốc Việt sống nhờ khối dân Việt tị nạn nên nhận Obamacare hết. Do đó, dân tị nạn ta cũng rất ít chú tâm vào đại nạn Obamacare này, trong khi nhiều người cảm thấy rất thỏa mãn với Obamacare.
Vài chính khách cấp tiến, thiên tả cực đoan nhất Mỹ, chẳng hạn như bà thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã từng đưa ra ý kiến là quốc doanh hóa trọn vẹn hệ thống y tế Mỹ, theo kiểu xã nghĩa Tây Âu. Tức là Nhà Nước độc quyền cung cấp bảo hiểm y tế và dịch vụ y tế đồng nhất cho tất cả dân cả nước, kiểm soát toàn bộ tất cả các bác sĩ, bệnh viện, hãng bào chế thuốc, . . . Kiểm soát hiểu theo nghĩa chỉ thị rõ ràng bệnh nào phải chữa đúng theo cách Nhà Nước chỉ đạo, theo giá biểu Nhà Nước như nhức đầu trả bao nhiêu tiền, gẫy tay phải mổ theo giá nhất định là bao nhiêu, bất cần biết bác sĩ giỏi hay dở. Nhưng vấn đề gặp bế tắc lớn vì dân Mỹ chưa sẵn sàng đi xa tới vậy trong chiều hướng xã nghĩa. Nhất là họ kiên quyết không chấp nhận việc đóng thuế tới gần nửa mức lợi tức hay lương của họ như bên Tây Âu để được hưởng tất cả dưới chiêu bài láo khoét là ‘miễn phí’.
Có nhiều cụ vẹt tị nạn đang sống bên Tây Âu đã từng biện bạch chế độ bảo hiểm y tế Tây Âu tương tự như mua bảo hiểm xe hơi: đóng bảo phí bất kể xe có bị tại nạn hay không, để khi xe bị tai nạn thì không phải trả bao nhiêu tiền nữa. Không sai lắm, tuy cũng không đúng hẳn. Nhưng như vậy thì đừng nên hô sảng là y tế bên Tây Âu miễn phí. Trên cõi đời ô trọc này, chẳng có cái gì miễn phí hết, không kể những lời bốc phét của những dân Tây giấy. Trả một nửa lương bất kể có bệnh gì hay không bệnh, không thể gọi là miễn phí. Chưa kể việc họ không còn được quyền chọn bác sĩ, nhà thương theo khả năng, theo quen biết, theo hiệu năng, theo tính mà dân ta gọi là 'mát tay' của bác sĩ.
Xã Hội Đản Điên
Một thăm dò mới của Pew Research Center cho biết 59% cử tri của ông Trump cho rằng xã hội sẽ khá hơn nếu tinh thần gia đình được tôn trọng và người dân coi trọng việc một gia đình có đầy đủ con cái, bố mẹ. Chỉ có 19% cử tri của Biden chia sẻ quan điểm này. Một dân biểu da đen của Florida, ông Byron Donalds, than vãn dưới thời kỳ thị da đen của thập niên 1950, ít ra thì đa số các gia đình đen đều có bố, có mẹ đầy đủ, trong khi hiện nay, số gia đình đen chỉ có bố không có mẹ, đặc biệt là chỉ có mẹ không có bố, đã chiếm đa số.
Dưới chính sách văn minh, tiến bộ của khối cấp tiến và đảng Dân chủ, ý nghĩ gia đình như chất keo gắn bó thiên hạ, ngày càng trở thành lạc hậu với cử tri của đảng cấp tiến Dân chủ.
Qua chính sách giáo dục căn bản, Biden và đảng DC đang cố gắng phá nát mọi giá trị nền tảng của gia đình. Đi tiên phong là tiểu bang Virginia. Tiêu biểu là chuyện học sinh từ tiểu học tới trung học, đã được ban cho rất nhiều quyền 'tự trị' đối với bố mẹ. Chẳng hạn như muốn chuyển giới là có toàn quyền, kể cả khi muốn mổ xẻ cắt một phần cơ thể, chẳng những không cần giấy phép của bố mẹ, mà thậm chí nếu bố mẹ biết được cũng không có quyền cản. Tiểu bang Minnesota ra luật nếu trẻ con muốn chuyển giới mà bố mẹ cản, thì bố mẹ có thể bị mất quyền nuôi dưỡng, đứa trẻ sẽ được mang ra khỏi gia đình, cho Nhà Nước nuôi và dạy. Trẻ con dưới 21 tuổi bị coi là chưa đủ trưởng thành, chưa hiểu rõ những tai hại nhất thời của rượu nên bị cấm không được mua rượu, thế nhưng lại được coi như đủ hiểu biết để lấy những quyết định đổi đời vĩnh viễn, không hồi tố được như cắt một bộ phận trên người, hay mổ xẻ bộ phận sinh dục để chuyển giới.
Trường học trở thành những trung tâm cải tạo tư tưởng. Cái từ ‘giáo dục’ đã thay đổi hẳn ý nghĩa. Những chuyện như học về toán lý hóa, văn chương, sử địa, trở thành chuyện phụ, phụ đến độ có thể bỏ hết những công cụ 'tiểu tư sản cổ hủ' như chấm điểm, thi cử, thi đậu thi rớt, . . . Như Việt Cộng cải tạo quân cán chính ‘ngụy’, chẳng bao giờ có thi cử chấm điểm gì mà hoàn toàn tùy thuộc quản giáo nhận định về tính biết ăn năn hối cải của đám tù ngụy. Quan trọng trong xứ Mỹ thức tỉnh là việc huấn luyện, cải tạo, uốn nắn tư tưởng của trẻ con theo nhân sinh quan, ý thức hệ xã nghĩa, qua những chiêu bài mới về đa dạng, công bằng và bao dung, gọi là DEI, -Diversity, Equality, Inclusiveness-.
Trong một vấn đề khác, chuyển giới cũng là một khía cạnh của cuộc cách mạng về giới tính, mà mục tiêu là . . . xóa bỏ làn ranh giới tính. Ngoài việc tung hô và cổ võ cho chuyển giới, còn những phương cách xóa bỏ làn ranh giới tính như tung hô đồng tính, định chế hóa hôn nhân đồng tính, tung hô giới biến thái đàn ông để râu nhưng mặc váy, cho phép đàn ông vai u thịt bắp tha hồ thi đua thể thao với các cô chân yếu tay mềm, sử dụng cầu tiêu đàn bà, . . . Việc tung hô này đã đi đến những mức nói nhẹ là tiếu lâm, nói nặng là thật tai hại. Chẳng hạn như bổ nhiệm một bộ trưởng Giao Thông chỉ vì anh này đồng tính, có gan công khai hôn môi 'ông chồng' trước ống kính tivi (Pete Buttigieg). Hay bổ nhiệm một anh khùng thích để râu nhưng mặc váy, làm thứ trưởng Năng Lượng (Sam Brinton). Hay mới đây lại bổ nhiệm một anh thích để ria mép nhưng mặc váy làm thông tin cho Tòa Bạch Ốc (Tyler Cherry).
Trái : Sam Brinton, phải : Tyler Cherry (có ria, đeo bóp)
Những biến thái trên, từ bác bỏ 'quyền hạn' của bố mẹ để trẻ con toàn quyền quyết định cuộc sống của chúng, tới những chuyện đồng tính, chuyển giới, để râu mặc váy dị hợm nhất, tất cả phản ảnh khía cạnh đặc biệt của ý thức hệ cấp tiến -liberalism-, của 'văn hóa thức tỉnh': chủ trương tôn vinh con người cá nhân trên hết, tôn trọng ý muốn cá nhân, bất kể đồng tính hay chuyển giới, hay những ý nghĩ điên rồ nào khác, bất kể nguy hại cho gia đình, cho cộng đồng, cho xã hội nói chung. Thức tỉnh để đạp đổ tất cả mọi tư duy, mọi phong tục, mọi thói quen, luôn cả mọi giá trị nhân bản phân biệt loài người với loài thú.
Loài người có một điểm khác rất xa cầm thú là có niềm tin tôn giáo. Bất kể tin hay không tin vào tôn giáo nào, tôn giáo cũng đã đóng một vai trò cực kỳ hữu ích trong cuộc sống của nhân loại. Có thể trong lịch sử nhân loại, tôn giáo đã là lý do gây ra nhiều giết chóc thê thảm đặc biệt khi bị khai thác bởi những người có bản tính quá khích, cực đoan vô lối, nhưng không ai chối cãi được tôn giáo nói chung, đã là một động lực vĩ đại, giúp nhân loại sống chung với nhau từ cả mấy ngàn năm nay, đã khiến vô số kể người đã sống và làm những chuyện hữu ích chung cho nhân loại.
Khối cấp tiến cảm thấy ‘bị xúc phạm’ -offended- khi nhìn thấy cây ‘Thánh giá’, khi nghe thấy thiên hạ chúc mừng nhau ‘Merry Christmas’,. . . để rồi đòi phải triệt tiêu hẳn những hiện tượng này, để họ khỏi cảm thấy bị xúc phạm thì đây không còn là những đòi hỏi cho tự do tín ngưỡng nữa, mà chỉ phản ảnh tính độc đoán quá khích của một nhúm người tin chuyện vô thần, muốn phá bỏ mọi biểu tượng tôn giáo. Mà cái quái lạ là họ sợ xúc phạm những người vô thần, nhưng chẳng ai thắc mắc những cấm đoán đó có xúc phạm những người có tín ngưỡng hay không.
Khi Nhà Nước dùng tiền thuế của dân để tài trợ chiến dịch chống niềm tin tôn giáo như Biden chi ra nửa triệu đô để đả phá những 'huyền thoại' của Phật Giáo tại Tibet, thì Nhà Nước Mỹ hiển nhiên đã can thiệp vào niềm tin của thiên hạ (theo tố cáo của dân biểu Cộng hòa Brian Mast).
Dưới chính quyền Biden hiện nay, một vấn đề đang được cố tình thổi lửa cho bùng cháy thật lớn, biến thành công cụ chính trị đánh Trump hữu hiệu nhất. Đó là vấn đề phá thai. Diễn đàn Trái chiều đã bàn khá nhiều, không có nhu cầu viết lại. Chỉ muốn nêu lên việc phá thai đã không còn là một vấn đề y tế, tài chánh, tôn giáo, gì nữa, mà đã được phe cấp tiến biến thành một thứ công cụ, vũ khí chính trị chống Trump và chống đảng Cộng hòa không hơn không kém. Dưới chế độ Biden, tất cả mọi chuyện đều có thể được hóa phép thành vũ khí chính trị hết. Xuyên tạc, bóp méo, hù dọa đã thành chuyện bình thường hàng ngày.
Trong câu chuyện văn hóa thức tỉnh ngược ngạo này, chẳng phải chỉ có chuyện phá thai không, mà hiển nhiên, tất cả các chính sách thức tỉnh của Nhà Nước Biden đã hiển nhiên đi ngược lại mọi giá trị văn hóa thuần túy Việt nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung, rất tôn trọng những giá trị gia đình, tôn trọng ông bà tổ tiên, tôn trọng vai trò và trách nhiệm của phụ huynh đối với con cái, tôn trọng những phân biệt giới tính cho dù câu nói ‘nam nữ thọ thọ bất thân' đã hết thời, tôn trọng niềm tin tôn giáo bất kể tôn giáo nào, tôn trọng mạng sống của thai nhi đã được coi là ‘người’ ngay khi mới thụ thai (tính theo ‘tuổi ta’, thì trẻ con sơ sinh, mới ra đời đã là một tuổi rồi). Thế thì câu hỏi là tại sao lại có đám vẹt tị nạn nhất quyết cuồng mê Biden, ủng hộ những biến thái văn hóa đó tới cùng ? Đám trẻ tị nạn thế hệ 2 đã bị giáo dục cấp tiến Mỹ cải tạo trong 20 năm nên khó trách chúng được, nhưng những tên tị nạn già khú đế, sinh trưởng, lớn lên trong văn hóa Lão Khổng sao lại có thể bại hoại, chạy theo thứ văn hóa xã nghĩa ‘thức tỉnh’ vô đạo như vậy được ? Những giá trị nền tảng của văn hóa Việt, họ vứt xuống cống hết rồi sao ? Cả trăm hội đoàn tị nạn ra đời với mục đích bào tồn, phát huy văn hóa quốc thuần quốc túy đã ngủ gật hết rồi sao ?
Xã hội trở thành đảo điên khi những giá trị căn bản phân biệt loài người với cầm thú biến mất hết.
Kinh Tế Chỉ Đạo Xuống Hố
Nói về nét chính của chế độ xã nghĩa thì ai cũng phải nhìn nhận kinh tế chính là biểu tượng lớn nhất và tiêu biểu nhất. Cũng là thảm họa lớn nhất.
Trong lịch sử cận đại Mỹ, phải nói chưa khi nào kinh tế Mỹ lại rơi vào tình trạng thảm hại như dưới thời Carter, một Tổng Thống của đảng xã nghĩa Dân chủ. Và kinh hoàng hơn, tình trạng kinh tế Biden hiện nay đang có triển vọng còn thảm hại hơn xa kinh tế Carter.
Mấu chốt của kinh tế xã nghĩa là tính chỉ đạo, vú em của Nhà Nước. Thay vì trông cậy vào tính sáng tạo của cả trăm triệu người dân, vào khả năng tự điều chỉnh của guồng máy kinh tế thị trường, thì kinh tế xã nghĩa đặt trọn tin tưởng vào khả năng siêu việt của một nhúm ông bà công chức sáng vác ô đi, chiều sách dù về, làm nghề cạo giấy, nhưng lại được coi như những thiên tài trong sạch, có thể ngồi trong phòng lạnh, điều hành cả bộ máy kinh tế thay thế cho cả trăm triệu người.
Lịch sử cận đại khoảng một trăm năm qua của nhân loại, từ ngày các chế độ xã nghĩa cực đoan nhất, dưới cái mũ cộng sản, bắt đầu thống trị thế giới, áp đặt các chính sách kinh tế chỉ đạo vú em lên nhiều nước, đã chứng minh rõ ràng, chỗ nào có kinh tế chỉ đạo xã nghĩa là chỗ đó có đại họa cho người dân, có khủng hoảng, suy trầm kinh tế, có lạm phát, có thất nghiệp, có đói khát, có bất ổn trong an ninh trật tự công cộng cần đến nhà tù, công an, và súng đạn.
Cái quái lạ là trước thực tế rõ hơn ban ngày đó, những tư tưởng xã nghĩa vẫn chưa chết hẳn, vẫn có người bám víu vào, cố nuôi sống bằng những chỉnh sửa vá víu đây đó, kiểu bịt trám lỗ mà không chịu nhìn nhận cả con tầu đang chìm. Ngay cả việc toàn thể thế giới cộng sản sụp đổ qua đêm sau hơn 70 năm thống trị bằng súng đạn và nhà tù, cũng đã không làm sáng mắt được nhiều người. Vì họ đều mù, và mù thật.
Hành Chánh Vú Em
Chính quyền cấp tiến của Biden theo gương các chế độ xã nghĩa, muốn áp đặt một chế độ quản trị hành chánh với hàng rừng luật lệ thủ tục cực rườm rà, đủ kiểu đủ loại để kiểm soát và hướng dẫn cuộc sống người dân, theo mô thức xã nghĩa gọi là ‘chăm sóc dân từ ngày còn trong nôi tới ngày vào hòm’.
Hiện nay, những thống kê chính thức của bộ Lao Động Mỹ cho thấy gần 3 triệu công chức làm việc trong guồng máy hành chánh liên bang, gần 20 triệu công chức làm việc cho guồng máy hành chánh tiểu bang và địa phương. Trong khi tổng cộng nhân lực làm việc của cả nước vào khoảng 63 triệu người. Nghĩa là công chức chiếm khoảng 37% tổng số nhân lực đi làm ở Mỹ, nghĩ là trong 10 người đi làm, đã có gần 4 người làm công chức cạo giấy văn phòng. Những bốn người này đóng góp bao nhiêu vào việc tăng gia sản xuất quốc nội ? Gần như zero. Trái lại, lại còn là những trở ngại cực lớn lao, cực tốn kém tiền bạc và mất thời giờ cho thiên hạ.
Đám ‘ăn hại’ đó chính là cái mà ông Trump đã miệt thị gọi là đám Nhà Nước ngầm, mà ông Trump hô hào phải vứt bỏ, hay ít nhất, cũng phải ‘tát cạn cái đầm lầy đầy sâu bọ’, tuy nghe có vẻ quá đáng, nhưng thực tế, đó là những cái tệ hại vô cùng lớn lao cho xã hội. Chẳng những quá rườm rà, tốn kém, là cái ổ nuôi những người thiếu động lực, ít hăng say nhất trong lực lượng lao động nói chung, mà còn gây trở ngại cho cuộc sống của thiên hạ và nguy hại hơn xa, lại chính là những ổ tham quan tham nhũng lớn nhất, vĩ đại nhất. Không phải là một ngẫu nhiên khi ông Trump bị chống đối trong những tiểu bang lớn, các thành phố lớn, nơi có những hệ thống công chức hành chánh nặng nề rườm rà nhất, như Cali, New York, . . . Trong khi hậu thuẫn của ông lại cao nhất trong những tiểu bang ít dân, hệ thống hành chánh ít nặng nề hơn như các tiểu bang miền núi tây bắc Mỹ. Khi ông tìm cách thanh lọc, thanh giản hóa, hay nôm na ra, cắt bớt việc làm của 37% nhân lực Mỹ thì việc đám này sống chết chống ông là chuyện dĩ nhiên phải xẩy ra thôi.
Hòa Bình Thế Giới
Kể từ sau Đệ Nhất Thế Chiến, từ ngày Mỹ trở thành đại cường thống trị cả thế giới, thì phải nói, các cuộc chiến tranh lớn trên thế giời đều bộc phát từ thời các Tổng Thống của đảng Dân chủ, như thế chiến thứ hai dưới thời Roosevelt, chiến tranh Cao Ly dưới thời Truman, chiến tranh Việt Nam dưới thời Kennedy, chiến tranh Yougoslavia dưới thời Clinton, chiến tranh Somalia dưới thời Clinton, chiến tranh khủng bố Hồi giáo al Qaeda dưới thời Clinton, chiến tranh Libya dưới thời Obama, chiến tranh Ukraine dưới thời Biden, chiến tranh mới tại Palestine cũng dưới thời Biden. Những nhóm khủng bố Taliban, ISIS, Houthis, tái sinh dưới thời Biden. Tất cả các Tổng Thống nêu trên đều thuộc đảng Dân chủ. Không phải là chuyện ngẫu nhiên.
Ở đây, phải nói tới hai yếu tố chính gây ra những đại họa trên.
Thứ nhất là các Tổng Thống Dân chủ của Mỹ đều yếu đuối trong vấn đề quốc phòng, an ninh thế giới, hay tỏ ra nhu nhược trước các tay độc tài nhiều tham vọng bá chủ thiên hạ.
Thứ nhì, trong khi đó chính sách của đảng Dân chủ lại luôn luôn là chính sách thuộc loại bao đồng, thích làm vú em thiên hạ, thích xía vào chuyện thiên hạ, thích làm ‘sen-đầm’ thế giới. Nhưng vì nhát tay, lại luôn luôn nhẩy vào sớm để rồi tháo chạy cho nhanh, để rác lại cho các Tổng Thống Cộng hòa dọn, như các Tổng Thống Eisenhower (thế chiến II, Cao Ly), Nixon (Việt Nam), Bush con (al Qaeda), . . .
Nhưng đó là những chuyện quá khứ. Chuyện hiện tại trước mắt là mới đây, sau hội nghị G-7, nhiều lãnh tụ thế giới đã họp trong cái gọi là Hội Nghị Thượng Đỉnh Hòa Bình -Peace Summit- để xác nhận đòi hỏi hòa bình cho Ukraine, lên án Nga và ủng hộ Ukraine. Chừng hơn hai chục quốc gia phần lớn là Tây Âu đã ký. Vắng mặt dĩ nhiên là Nga, và Trung Cộng, Bắc Hàn và Cộng Sản Việt Nam. Tuy nhiên nhiều quốc gia lớn của Á Châu và Trung Đông cũng không ký như Ấn Độ, Pakistan, Ả Rập Saud, Ai Cập, Nam Phi, Mã Lai, Indonesia, Mexico, Brazil, Argentina, . . .
Như kẻ này đã viết mới đây, nhìn cảnh này, những bô lão như kẻ này không thể nào không nhớ lại thế giới của những thập niên 1950-60 là thời đại của chiến tranh lạnh Tư Bản chống Cộng sản. Khi đó, liên minh Mỹ-Tây Âu công khai chống đối với khối Cộng sản Liên Xô-Trung Cộng, trong khi các nước gọi là 'đệ tam thế giới' chọn thái độ gọi là 'không liên kết', cầm đầu bởi những 'cường quốc nhược tiểu' Ấn Độ, Ai Cập và Indonesia.
Có khi nào cụ Biden đã thành công phục hồi lại chiến tranh lạnh của những thập niên xưa không ? Cụ Biden đã thành công xóa bỏ bàn cờ thế giới 3 chân vạc Mỹ-Nga-Tầu của Kissinger, để phục hồi lại thế giới lưỡng cực Âu-Mỹ chống Nga-Tầu, với đệ tam thế giới không liên kết đứng ngoài như trước đây không nhỉ ? Nga và Tầu liên minh lại sẽ là mối đại họa lớn nhất của nhân loại ngày nay và đó chính là đại thành quả quốc tế lịch sử của đảng Dân chủ và Biden không hơn không kém.
--------------
Nói chung thì những tai hại của chế độ xã nghĩa, hay của ý thức hệ cấp tiến, đã là những hiện tượng quá rõ nét, bất kể trong lãnh vực văn hóa, kinh tế hay ngoại giao, quốc phòng. Nhưng vì trong cái thế giới ô trọc của tham sân si này, nhân loại cho tới nay vẫn chưa tìm được hạnh phúc, vẫn còn tham vọng mơ tưởng một thiên đường hoàn hảo tuyệt đối dù hão huyền tới đâu, nên vẫn còn không ít người vẫn cố bám víu vào giấc mộng xã nghĩa. Đánh chết cũng không chừa !
Nước Mỹ chỉ còn một con đường duy nhất cản việc xã nghĩa nguy hại này: bầu cho Trump, bất kể Trump có thói hư tật xấu cá nhân nhỏ bé nào. Vận mạng, tương lai lâu dài của nước Mỹ quan trọng gấp bội một cá nhân, bất kể cá nhân đó là Biden hay Trump.
Vũ Linh