Quan Điểm Của Một Phật Tử Trước Vấn Đề Ăn Thịt Chó
Thiện Quả Đào Văn Bình
Ăn thịt chó lâu lâu lại nổi lên như một vấn đề trọng đại của đất nước, kéo theo những cuộc biểu tình, phản đối làm đau đầu chính phủ. Và người ta đã xót xa, lên án những người hành hạ chó hay ăn thịt chó. Đặc biệt trong thế giới Tây Phương và Hoa Kỳ. Mới đây trong cuộc tranh luận với Bà Harris trên đài truyền hình ABC, Ông Trump nói rằng di dân Haiti ở Tiểu Bang Ohio đã ăn thịt thú cưng (chó mèo) khiến gây phản ứng phẫn nộ, thậm chí dọa giết khiến cộng đồng ở đây vô cùng lo sợ. Thế nhưng theo sở cảnh sát Springfield, nguồn tin trên không có gì đáng tin cậy và không có chuyện thú cưng bị hại hay làm bị thương hay hành hạ bới người dân ở đây. Đấy người ta yêu thú vật như thế đó và sẵn sàng giết người, bạo động để bảo vệ thú vật.
Trên thế gian này, ở đâu cũng thế, được ăn những món ăn ngon, lạ lùng là hạnh phúc . Không được ăn ngon, mặc đẹp là bất hạnh. Cứ thử xem hoàng gia ngày nay ăn như thế nào, mặc như thế nào, quân hầu đầy tớ như thế nào để thấy cuộc sống lý tưởng cũa cõi Ta Bà này.
Theo Wikipedia thì việc người ăn thịt chó đã có cả ngàn năm nay rồi. Nguyên do có thể là do đói kém không có thực phẩm, hoặc để trừ tà vì người ta nghĩ rằng tà ma sợ chó hoặc thịt chó ngon và tạo nhiều nhiệt lượng làm ấm cơ thể. Tại Việt Nam thịt chó được truyền tụng qua câu nói, “Sống trên đời ăn miếng dồi chó. Chết xuống âm phủ biết có hay không ?”.
Các quốc gia dưới đây đã và đang ăn thịt chó như : Trung Quốc, Nam Dương, Bắc Hàn, Nam Hàn, Mễ Tây Cơ, Phi Luật Tân, Polynesia, Việt Nam, người Eskimo sống ở Bắc Cực, và Thụy Sĩ. Nam Hàn đã ban hành lệnh cấm ăn thịt chó nhưng Việt Nam thì chưa. Và cũng theo Wikipedia, Việt Nam là nước ăn thịt chó nhiều thứ 2 thế giới với 5 triệu con chó được làm thịt và tiêu thụ mỗi năm. Cứ thử vào You Tube và đánh máy “Thịt chó” bạn sẽ thấy một số quán thịt chó nổi tiếng mà ngày xưa còn gọi Cờ Tây, Mộc Tồn ở Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Phòng, Phú Thọ, Nam Định và theo Wikipedia tiếng Việt, “Tại miền Nam Việt Nam, việc ăn thịt chó trước kia không phổ biến (do người Pháp cai trị vùng này rất cấm kỵ việc ăn thịt chó). Chỉ từ sau 1954, khi người Công giáo từ miền Bắc di cư vào thì người miền Nam mới biết đến thịt chó một cách phổ biến. Nhiều vùng có đông người Công giáo di cư như Hố Nai, Biên Hòa . . . có nhiều quán thịt chó. Tại Sài Gòn, người ta dễ tìm thấy các quán thịt chó ở quận Tân Bình, Gò Vấp . . .”.
Con chó được cưng vì nó trung thành và biết chiều ý chủ. Chính vì thế mà người ta bênh vực và bảo vệ nó. Thế nhưng mỗi ngày cả triệu con bò hữu ích nhất cho loài người bị giết thịt sao không thấy ai phản đối mà còn vui thích và hãnh diện vì được ăn món thịt bò cao cấp đó là thịt bò Cobe ? Theo Wikipedia, “Thịt bò Kobe là loại thịt bò nổi tiếng thế giới và là một thổ sản của thành phố Kobe thuộc vùng Kinki, Nhật Bản thịt được lấy từ Bò Kobe một giống bò thịt độc đáo của vùng Kobe”. Có lẽ Ấn Độ là dân tộc yêu loài bò nhất. Họ còn coi bò cái như “Người mẹ thứ hai” vì bò cái nuôi dưỡng biết bao trẻ nhỏ khi người mẹ không có sữa hay không đủ sữa.
Con người tưởng là thông minh nhưng nhiều khi mâu thuẫn. Chân lý ở kẻ mạnh chứ không phải bản chất của nó là chân lý. Nếu Tây Phương không chống đối việc ăn thịt chó thì có lẽ việc ăn thịt chó cũng bình thường thôi. Cha ông chúng ta cả nghìn năm đã ăn thịt chó nhưng song song lại có lời khuyên không nên ăn thịt chó vì “Khuyển mã chi tình”.
Thế giới này là thế giới của “tương đối” không thể nào có tuyệt đối được. Giả thử trong một cuộc chiến thảm khốc, bom đạn tơi bời, làng quê không thể cày cấy, không gạo thóc bỏ vào miệng, chẳng lẽ ăn thịt nhau ? Có lẽ lúc đó cũng phải ăn thịt chó thôi. Nhìn những chú chó, chỉ mới đó vài giờ còn chạy nhảy tung tăng với đám trẻ nhỏ hay được chủ âu yếm vuốt ve, thậm chí ôm hôn, bồng bế. Nay buồn bã nằm trong lồng sắt và chỉ vài giờ nữa thôi, da được thui vàng ươm, nằm nhe răng trên thớt . . . ai mà không thương cảm.
Đối với Phật tử, giết chó là phạm giới sát sinh. Thế nhưng mỗi ngày cả triệu con bò, con lợn, con gà, con dê . . . bị giết trong các lò mổ để cung cấp thịt cần thiết cho các bữa ăn của con người. Liệu chúng ta có lên án không ? Và có phạm tội sát sinh không ? Rồi trong càc trại nuôi cáo khổng lồ ở Nga, Mỹ,Trung Quốc, cả triệu con cáo được nuôi, giết lấy da làm áo khoác đắt tiền cho phụ nữ. Nếu cái xui xẻo của con chó là vì thịt nó ngon, thì cái xui xẻo của con cáo là vì da của nó dày, mượt và bóng láng. Kỹ nghệ làm áo khoác cho phụ nữ giàu sang bằng da cáo . . . hái ra tiền.
Thế giới này là thế giới Nhị Nguyên và được tạo dựng bởi tham-dục. Sẽ không bao giờ có tuyệt đối trong thế giới này. Chính Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã lên án kỹ nghệ nuôi gà quá dã man ở Mỹ nhưng rồi sự việc đâu vẫn hoàn đó. Giết thú vật để sinh sống, để hưởng thụ, để làm đồ trang sức cho phụ nữ phải chăng nó là quy luật tự nhiên của con người mà chúng ta không thể can thiệp hay cải sửa được ? Phải chăng lý tưởng cao cả phải nhường bước cho cuộc sống thực tế ? Phải chăng tâm linh và nguyện ước không giống gì với những gì đang thực sự diễn ra trên hành tinh này ?
Là một Phật tử tôi không ăn thịt chó và sẽ không bao giờ ăn thịt chó nhưng không ghét hay lên án những người đang ăn thịt chó. Tôi thương cả người lẫn chó. Trong Kinh Viên Giác, Đức Phật dạy rằng thể tròn sáng của Viên Giác không có hai, không có thương ghét.
Nếu quý vị nào có quan điểm khác hơn xin nói ra để chúng ta - trong tinh thần Kiến Hòa Đồng Giải có thái độ đúng đắn nhất đối với vấn đề này.
Thiện Quả Đào Văn Bình