Vu Lan Thắng Hội tại Từ Đàm

01 giờ30 chiều Chủ nhật, ngày 18 tháng 08 - 2024,

Xem tiếp...
<October 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
293012345
6789101112
13141516171819
20212223242526
272829303112
3456789
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Sến ơi là sến !
Tác giả: Nguyễn Dư

Sến ơi là sến !

Nguyễn Dư

          - Sài Gòn có gì lạ không ?

          - Lần này không ở trong thành phố, chẳng biết gì cả. Trừ một lần hai vợ chồng được bạn rủ đi chơi Vũng Tàu, thăm người nhà đang ở trong Viện dưỡng lão Bách niên Thiên Đức. Sáng đi, chiều về.

          Chỉ thoáng thấy một hai điều vụn vặt. Kể nghe chơi cho vui.

* * * * *

          Chị bạn đến đón chúng tôi tại Thôn Kinh Đông, Củ Chi.

          10g30, nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng.

          Xe phải chạy vào Sài Gòn đón vợ chồng ông anh chị bạn . . .

          Phố xá nhộn nhịp. Xe cộ chạy nườm nượp theo lệnh đèn xanh đèn đỏ. Trật tự hơn mấy năm trước. Đang mải ngắm hàng quán, cái cao cái thấp, màu sắc như tranh lập thể. Bỗng thấy . . .

          - Thấy gì vậy ?  Lại tai nạn giao thông phải không ?

          Không phải. Qua kính xe thấy một cái quảng cáo rất mới lạ, thời thượng. Cửa hàng bán xe hơi VinFast chăng tấm vải chạy suốt bề ngang với hàng chữ to tướng: In God we trust. Không có phụ đề tiếng Việt. Ai không biết tiếng Anh, tiếng Mĩ thì . . . khỏi chơi.

          Hình như mình có thấy câu này ở đâu rồi nhỉ ?  Đầu óc lẩn thẩn, loanh quanh một lát mới nhớ ra. À !  câu châm ngôn ghi trên đồng đô la Mĩ !

          Thấy chưa ?  Thành phố Sài Gòn ngày xưa là hòn ngọc của Viễn Đông, ngày nay là "đầu tàu kinh tế" của cả nước. Sài Gòn thay đổi nhanh lắm !

          Tôi lẩm cẩm tự hỏi không biết mua xe hơi điện VinFast trả bằng tiền Việt họ có nhận không hay phải trả bằng đô la Mĩ ?

* * * * *

          Xe ghé khu cao tầng Hoàng Anh Gia Lai, chẳng biết ở quận nào, đón vợ chồng ông anh chị bạn. Rồi chạy vòng vo tìm lối vào đường cao tốc.

          Đường cao tốc tuy phải trả tiền nhưng cũng thuận tiện hơn đường trong thành phố. Xe chạy nhanh hơn. Đáng đồng tiền bát gạo . . .

          Nhưng chỉ một lát sau, xe phải sang số giảm tốc độ, rồi chạy thủng thẳng . . . như xe buýt. Cao tốc gặp giờ cao điểm bị kẹt chăng ? Tài xế lầm bầm sợ trễ giờ. Chị bạn ngồi đằng sau tìm cách trấn an, khuyên bình tĩnh, chớ chạy ẩu. Trễ giờ còn hơn không tới nơi.

          Mọi người quay sang nói chuyện tếu, chia nhau giỏ đồ ăn mang theo. Nhắc chuyện ngày xưa. Kể chuyện ngày nay.

          Bỗng (lại bỗng !) . . . Tài xế bấm còi inh ỏi, quay qua mắng một chàng tuổi trẻ vốn dòng chạy ẩu, chạy làn bên cạnh.

          - Chạy kiểu gì kì vậy cha !

          Chiếc xe to tướng tiếp tục lấn ra thụt vào. Xem chừng chủ nó muốn bắt mọi người phải chú ý chiêm ngưỡng cái cục cưng của mình.

          Cái cục cưng được trang trí rất độc. Sơn vẽ rằn ri. Từng tảng màu nâu, màu xanh lá cây, ôm nhau uốn lượn. Trông giống như quần áo của lính Việt Nam Cộng Hòa, của lính Mĩ năm xưa. Chưa hết !  Cửa xe còn kẻ dòng chữ U.S. Army đàng hoàng. Ngộ nghĩnh hết sảy.

          - Thằng cha này coi bộ còn Tiếc một thời Xuân !  Tiếc cái thời Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già, Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá.

          - Còn lâu !  Thế hệ U50 tụi nó cất tiếng khóc bên vành nôi lúc lính Mĩ đã khăn gói cút khỏi Việt Nam từ khuya rồi. Thằng cha này chỉ giỏi bắt chước phim ảnh thôi. Sài Gòn tạp pín lù! Thời nào cũng có tụi lố lăng !

          Xe "cà rịch cà tang" tới Vũng Tàu lúc gần 3 giờ chiều. Nghỉ ngơi một lát, bước qua đường ăn bún bò.

          - Lẹ lên bà con ơi. Còn đi thăm anh Danh nữa nghe.

          Anh Danh ở trong Viện dưỡng lão Bách Niên Thiên Đức. Viện tọa lạc gần trung tâm thành phố nên diện tích mặt bằng hơi bị giới hạn. Không có cây cối. Viện hoạt động lâu chưa ?  Chắc chưa lâu lắm, vì còn nhiều phòng đang được trang bị nội thất.

          Chúng tôi đến thăm anh Danh nhằm lúc các cụ đang sinh hoạt tự do. Cụ thì đạp máy tập thể dục, vận động chân tay. Cụ thì chơi bài, hay trò chuyện. Các cụ được nhân viên chăm sóc tận tình. Được uống nước, ăn bánh.

          Đến giờ, nhân viên đưa các cụ vào thang máy, xuống phòng ăn. Mỗi cụ một khay, ngồi vòng quanh một bàn lớn.

          Thăm viện dưỡng lão không lâu, nhưng cũng cảm nhận được bầu không khí an lành, thân mật. Chưa được biết hoàn cảnh riêng tư của mỗi cụ. Chưa được nghe chính các cụ khen chê đời sống hằng ngày ở đây.

          Rời viện dưỡng lão, nhân tiện ghé thăm một chị Việt kiều Mĩ, trở về sống tại Việt Nam. Chị thuê căn hộ tại Cao tầng Thủy Tiên, nằm sát biển. Tha hồ tự do bay nhảy. Nhưng phải tự lo chuyện ăn uống, giặt giũ. Hơi bất tiện! Ăn tiệm hoài cũng . . . tốn tiền !

          Chiều tà, du khách, dân Vũng Tàu đổ ra biển . . .

          6 giờ rưỡi chiều, chúng tôi sửa soạn về.

          Dọc đường, ghé tiệm cơm chay.

          Về tới Củ Chi lúc gần 11 giờ đêm.

* * * * *

          Ôi, Chỗ quê hương đẹp hơn cả !

          Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi !

          Đẹp hơn cả thì không dám nói vì Việt Nam bây giờ có nhiều thành phố . . . “đẹp nhất thế giới, đáng sống nhất thế giới !  Chỉ dám nói rằng: Thành phố Sài Gòn thay đổi nhanh, ngôn ngữ Sài Gòn có nhiều tiếng mới. Việt kiều về thăm Sài Gòn đôi lúc bị bỡ ngỡ, ngẩn tò te.

* * * * *

          Có lần nghe lỏm được mẩu đối thoại của hai bà cháu :

          - Hồi nào tới giờ tao chỉ ăn, chỉ biết ô mai ngọt, ô mai chua. Không biết Ô mai gót của mày là cái gì.

          - Nó giống như Ngoại nói Mô Phật, người khác nói Lạy Chúa tôi. Con thích nói Ô mai gót vì Oh my God của Mĩ nghe hay hơn !

          Wow ! Oh yeah !

* * * * *

          Sài Gòn có nhiều . . . sến !

          Thật ra thì thời nào Sài Gòn cũng có sến. Nhưng sến của thời này lại khác sến của thời kia. Coi chừng kẻo bé cái lầm thì phiền lắm.

          Thời kì trước 1954 :

          - Sài Gòn có cây sến (hay sên, ngoài Bắc gọi là cây sồi). Sến là loại cây cho gỗ tốt.

          Cây Sến (sên, sồi) là cây Chêne của Pháp.

          - Tự điển Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ (1) có thêm một Sến khác :

          Sến là Sang lại, nhường lại hoặc được sang, được nhường lại, cả hai đều có điều kiện.

          Sến này là động từ Céder của tiếng Pháp.

          Thời kì 1954-1975 :

          Phải lùi xa về thời . . . Pháp thuộc mới tìm hiểu được gốc gác của một loại sến khác.

          Bác sĩ Hocquard được phái sang Bắc K năm 1884. Mới đặt chân đến Hà Nội, ông được một người đến trước khuyên nên nuôi một thằng bồi (tiếng Anh là boy). Ông được cảnh báo là thằng bồi nào cũng lưu manh nhưng bù lại bọn chúng tháo vát, làm được đủ thứ việc vặt, rất có ích. Bọn chúng học tiếng Tây bồi cũng nhanh.

          Nhiều gia đình thực dân Pháp thích nuôi con sen để trông nom con nhỏ và làm việc vặt. Con sen là servante của tiếng Pháp.

          Thằng bồi, con sen nhanh chóng nảy mầm bám rễ vào xã hội Việt Nam.

          - Về sau, anh ạ, tôi được vào làm con sen ở một nhà giàu . . .

          - Tôi đuổi mấy thằng nhỏ ít tuổi xuống khỏi đống ván để lấy chỗ cho con sen động kinh nằm.

          - Cái con sen mặc váy . . . (2).

          Năm 1952 hay 1953, báo Tia Sáng ngoài Hà Nội có tranh biếm họa (của Mạnh Quỳnh ?) khá nổi tiếng thời bấy giờ.

          Tranh vẽ một thi sĩ tay mân mê mấy sợi râu cằm, mắt mơ màng ngắm con sen đang quỳ gối, chổng mông lau nhà, miệng ngâm câu Ta yêu sen lắm sen ơi !

          Con Sen thơm hơn, đẹp hơn sen mọc đầy trong đầm. Một trời một vực, như miss so với mẹ đĩ !

          Rồi đến ngày thực dân Pháp cuốn gói về nước, bỏ thằng bồi, con sen ở lại Việt Nam.

          1954, con sen di cư vào Nam, biến tướng trở thành . . . sến.

          - Sài Gòn vào những năm 1960-1964, có phong trào nhảy đầm. Thật ra ban đầu chỉ giới hạn trong đám con nhà giàu, học trường Pháp. Các cậu Jean-Jacques Rousseau, Taberd, rủ các cô Marie Curie, thứ bảy, chủ nhật cuối tuần tổ chức nhảy đầm tại nhà (bal de famille).

          Nhưng chẳng bao lâu, phong trào lôi cuốn cả mấy cậu mấy cô bên trường Việt.

          Để phân biệt hàng thật, hàng nhái, đám trường Pháp gọi mấy em phe ta là dân Ma-Ri-Cút, miệt thị mấy em bắt chước là dân Ma-Ri-Sến.

          Sến là biến tướng của sen. Sen hay sến chỉ con ở, thuộc hàng thấp kém.

          Cũng trong khoảng thời gian 1960-1964, Hoàng Thi Thơ tung ra một loại nhạc mới, điển hình là hai bài Trăng rụng xuống cầu và Gạo trắng trăng thanh được Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết hát đi hát lại trên đài phát thanh :

          Đêm nay bao con thuyền về đâu xuôi mái. Ai ca dưới trăng ngà gần xa vắn dài . . . Vì đâu ?  Ô hay !  Trăng rụng xuống cầu . . ..

          Ai đang đi trên đường đê, Tai lắng nghe muôn câu hò đê mê. Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về . . ..

          Nhạc của Hoàng Thi Thơ bị xếp vào loại bình dân. Dân "trí thức" không thích, gọi là nhạc dành cho Sến. Nhạc được Sến ưa hát. Nói gọn là "nhạc sến".

          Nhớ cái thời . . .

          Dĩ vãng nào xanh như mắt em . . . Chiều tím, chiều nhớ thương ai . . .

          Cái thời chợ Thị Nghè còn hôi hám, bùn lầy nước đọng, nằm cạnh bờ sông (hay rạch ?). Dọc bờ sông còn nhiều nhà sàn. Hằng ngày xả đồ dơ, phóng uế xuống sông.

          Con đường Hùng Vương (bây giờ là Xô Viết Nghệ Tĩnh), từ cầu Thị Nghè tới ngã ba Nhà làng, ngang nhà thương Dưỡng lão, chỉ dài chưa đến một cây số mà đếm được gần chục cái ngõ hẻm.

          Nhà tôi ở hẻm 79. Cái hẻm quanh co, nhiều ngõ ngách. Cuối hẻm là một dãy nhà sàn nằm chắn ngang. Phải quẹo sang bên tay mặt, đi độ chục bước thì đến cái cầu lót ván dẫn ra cầu tiêu công cộng.

          Cầu tiêu tuy lộ thiên nhưng cũng khá "kín đáo", có vách chắn chia hai, phía sau dành cho các bà ngồi kể chuyện nhà, phía trước dành cho các ông ngồi bình luận thời sự.

          Cạnh cầu tiêu là ao rau muống. Lúc nào cũng . . . xanh tươi. Xa xa là cánh đồng chạy tới tận Bà Chiểu.

          Năm 1954, hẻm 79 còn lầy lội, ngày ngày nước triều lên, cả xóm bị ngập. Dân xóm phải rủ nhau hùn tiền lấp vũng, đắp đường . . .

          Hai, ba năm sau, hẻm mới được cao ráo, sạch sẽ.

          Hẻm nằm gần Sở Thú, thu hút một số văn nghệ sĩ, nhân viên Đài phát thanh Sài Gòn và Đài phát thanh Quân Đội.

          Hẻm có lúc có vợ chồng Lê Huy Oanh, cô Lai Hồng. Có Chu Tử (tác giả 3 cuốn tiểu thuyết nổi đình đám Ghen, Tình, Tiền). Mé trong có vợ chồng Nhật Trường (Trần Thiện Thanh, Không bao giờ giữa mùa hè tuyết rơi . . .), thỉnh thoảng có bạn là Phạm Mạnh Cương đến chơi.

          Nửa trong của xóm đông dân Bắc k, công giáo, di cư. Năm giờ sáng tấp nập rủ nhau đi lễ nhà thờ.

          Trước mặt hẻm 79, bên kia đường có máy nước công cộng. Nơi tụ họp của mấy cô gánh nước thuê. Suốt ngày qua lại, sắp hàng, cười đùa, ca hát om sòm. Bà con lối xóm gọi bọn này là mấy con sến.

          Khu máy nước công cộng là đất dụng võ của vợ chồng thằng Gioọc (Georges), con Ma-Ri (Marie). Đám đàn em, thằng Be (Robert), thằng Phích (Philippe), con Chan (Christiane), lâu lâu đi quậy phá. Có lần đụng độ với đám lâu la của Lâm thợ điện. Nhưng cuộc tỉ thí có vẻ như bất phân thắng bại.

          Rốt cuộc, đại ca hai bên phải đứng ra dàn xếp.

          Giang sơn nào, anh hùng nấy !

          Nghe nói Thị Nghè bây giờ là đất vàng. Vàng cục, vàng khối . . . Khối người mơ ước !

          Thời kì sau 1975 :

          - Sách Tiếng lóng Việt Nam của Nguyễn Văn Khang giải thích Sến là may, gặp may: Mày sến quá đi. Vậy là rẻ chán, vừa được uống cà phê, vừa có em phục vụ (Giáo dục và thời đại, 11/1/2000) (3).

          May, gặp may, tiếng Việt Sài Gòn là hên, gặp hên ;  tiếng Pháp là chance, chanceux hay tiếng Hán Việt là hạnh (hạnh phúc).

          Hạnh, tiếng Quan thoại phiên âm bằng mẫu tự La tinh là xình, đọc theo giọng Việt Nam là xính (4).

          (Không biết Hạnh phát âm theo giọng Quảng Đông, Phúc Kiến hay Triều Châu ra sao ?).

          Sến (may, gặp may) có thể là Hạnh (may mắn, hạnh phúc) của tiếng Tàu.

          Nhưng Sến (Hạnh) này lại không phải là Sến của trường hợp sau đây :

          - Báo mạng Tuổi Trẻ ngày 21/4/2024 có bài :

          Stephen Sanchez :  Xin cho một lần được sến. Một lần sến cho ra sến.

          Cuối bài là mấy câu ca tụng :

          - Lời ca sến tận tâm can.

          Cảm ơn vì đã cho con người thời đại này được một lần sến cho ra sến.

          Lời ca sến tận tâm can. Sến này chắc chắn không có nghĩa là may, gặp may.

          Vậy thì Sến, nhạc sến nghĩa là gì ?  Sến được viết trong ngoặc kép cho phép suy ra rằng sến là tiếng lóng, là tiếng mới.

          Nhạc sến bây giờ có giống nhạc của sến ngày xưa không ?

          - Tết 2024, tôi ngạc nhiên đến bỡ ngỡ được mắt thấy tai nghe Nhạc sến trữ tình. Giữa những ca khúc mới sau này, lại lẫn vài bài nhạc vàng ngày xưa. Nghe nhạc mà mắt cứ mải ngắm em người mẫu uốn éo làm cảnh. Mặt hoa da phấn trắng như búp bê Nhật. Móng tay mới đi làm neo, dài nhọn như . . . móng cọp.

          Các chuyên gia âm nhạc giải thích rằng nhạc vàng được xem là một trong những trào lưu văn hoá của thời Pháp thuộc, Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hoà với nhiều ca khúc từ 1930 đến 1975 và lẫn hải ngoại sau này.

          Đặc trưng của dòng nhạc vàng là lời ca giản dị, câu nhạc dễ nghe, chất chứa nỗi niềm của một bộ phận trong xã hội, chủ yếu là những người nghèo, bình dân. Dòng nhạc vàng có thể xem là chính thức định hình và đạt tới giai đoạn hoàng kim của nó trên phần đất Nam Việt Nam trong giai đoạn 1955–1975.

          Nhưng phổ biến hơn cả là hai dòng nhạc sangnhạc sến đều là những khái niệm ra đời ngay trong lòng của thị trường âm nhạc thời đó. Dù là sang hay sến, dù là Văn Phụng, Ngô Thụy Miên, Lam Phương, hay Vinh Sử, thì đều là nhạc nhẹ với cái tên chung là nhạc thời trang (tức là nhạc thị trường bây giờ) (5).

          Nhạc vàng gồm nhạc sang và nhạc sến. Sang hay sến thì cũng đều là nhạc thời trang, nhạc thị trường.

          Sang hay sến, thì cũng . . . Sang và Sến là hai từ có nghĩa tương phản nhau.

          Giống như :

          - Lớn và bé :  Bé thì con mẹ con cha, Lớn thì con vua con chúa. Bé đi câu, lớn đi hầu, già đi hỏi nợ.

          - Cao và thấp :  Cao chê ngỏng, thấp chê lùn. Cao không tới, thấp không thông.

          - Giàu và nghèo :  Số giàu trồng lau hoá mía, Số nghèo trồng củ tiá hoá bồ nâu. Giàu khó tìm, nghèo khó lánh. Giàu tậu trâu, nghèo câu cáy.

          - Thượng (nghĩa là trên) và Hạ (nghĩa là dưới) :  Thượng bất chính, hạ tác loạn. Thượng cẳng tay, hạ cẳng chân v.v...

          Trở lại nhạc sang và nhạc sến.

          Nếu hiểu sang là sang trọng, cao sang thì ngược lại sến phải có nghĩa là nghèo nàn hay bình dân.

          Tiếng Việt, tiếng Pháp không giải thích được từ sến này. Phải nhờ tiếng Tàu, phát âm khác tiếng Hán Việt.

          Thượng (âm Hán Việt) nghĩa là trên, cao.

          Thượng lưu là giới giàu sang, có địa vị cao trong xã hội.

          Thượng, tiếng Quan thoại, phiên âm bằng mẫu tự La Tinh là shàng. Đọc theo giọng Việt Nam là Sảng.

          Hạ (âm Hán Việt) nghĩa là dưới, thấp, được phiên âm là xià. Đọc theo giọng Việt Nam là xía (hay xá ?).

          Rất có thể là Sang và Sến là Thượng và Hạ, nghĩa bóng là giới thượng lưu và bình dân. Sến nghĩa là bình dân.

          - Nhưng, trường hợp của Stephen Sanchez, (sến cho ra sếnsến tận tâm can), sến chắc chắn không có nghĩa là bình dân.

          Stephen Sanchez là người Mĩ, một ca sĩ trẻ, danh tiếng đang lên.

          Trong lĩnh vực âm nhạc của Mĩ có Soul music là loại nhạc tình cảm của người Mĩ da đen. Soul music thường được kể lể bằng điệu blues. Ca sĩ hát nhạc blues được gọi là Soul singer.

          Nhạc Sến của Stephen Sanchez là nhạc tình cảm, gây xúc động, là nhạc soul của Mĩ.

          Sến là chuyển âm của Soul.

* * * * *

          Sài Gòn tưng bừng trong ánh sáng xa hoa !

          Nghe nói Sài Gòn by night có nhiều trò hấp dẫn.

          Sài Gòn là thành phố có nhiều sến . . . nhất thế giới !  Sến Tây, sến Tàu, sến Mĩ. Sang hèn, may rủi hay tình cảm sâu đậm, quý khách tha hồ chọn.

          Sến ơi là sến !

          Nguyễn Dư  -  Lyon, 6/2024

          (1)- Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, Việt Nam tự điển, Khai Trí, 1970.

          (2)- Vũ Trọng Phụng, Cơm thầy cơm cô, 1936.

          (3)- Nguyễn Văn Khang, Tiếng lóng Việt Nam, KHXH, 2001.

          (4)- Phạm Cần, Từ điển Việt Hán, Hán Việt, Thanh Hoá, 1998.

          (5)- Trang mạng Wikipedia tiếng Việt.

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Kamala Harris Sẽ Là Một Thảm Họa Cho Hoa Kỳ
Đối Chiếu Kế Hoạch Kinh Tế giữa Donald Trump và Kamala Harris
Những Yếu Tố Nào Giúp Cựu Tổng Thống Trump . . . .
Cuộc Chiến Khó Khăn Của Trump
Tại sao gọi là Ba Tàu ?
Con Rối Biden và Chủ Trương Xã Nghĩa Hóa
Nói có chứng có mách và FBI đã nhận tội giàn dựng có thật
Joe Biden : Đồng Minh Không Đáng Tin cậy
Cựu Tổng Thống Trump Có Cơ Hội Đắc Cử Trở Lại ?
Hý Kịch Biden Hạ Màn ?
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3637248
Có 0 Khách Đang Online