Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 4) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Tác giả Hòa thượng Thích Minh Tâm
07/11/201408:26 (Xem : 2349)
* * * * * * * * *
Chùa Khánh Anh sau 30 năm (bài số 4)
Giai đoạn thành lập, phần 2d : 1975-1976
". . . . Tình hình chiến sự đã tăng tốc xuống miền duyên hải phía Nam. Các thành phố ven biển thuộc vùng Phan Rang, Phan Thiết dần dần rơi vào vòng kiểm soát của quân đội miền Bắc. . . ."
Đó là tin tức từ chiếc radio nhỏ xíu nghe được lõm bõm qua bản tin tiếng Pháp vào buổi sáng tại nhà một người Việt, bên ngoài thành phố Grenoble (miền Đông Nam nước Pháp) mà tôi được "thỉnh" về đây để hộ niệm cho một tang lễ từ ngày hôm trước.
Tôi nhớ lại thời gian này vào khoảng mùng 6 hay mùng 7 tháng giêng âm lịch, sau Tết Ất Mão cỡ một tuần lễ tức vào giữa tháng 2 năm 1975.
Bản tin ngắn trên đây làm cho tôi và mọi người trong gia đình có tang (đang buồn khổ) đều phải sửng sốt ngưng lại mọi hoạt động trong giây lát để bộc lộ tình cảm riêng tư của mỗi người về biến cố vừa xảy ra trên quê hương xứ sở cách xa nửa vòng trái đất. Mỗi người có một cách riêng. Ai ai cũng còn lại bao nhiêu người thân ở trong nước. Có người thở dài, có người im lặng, có người xúc động quá không nói được hết câu. Dĩ nhiên trong thời gian gần đây ai ai cũng đều theo dõi tin tức hằng ngày, nhưng hôm nay là tin đột biến tăng tốc vừa xảy tới nên bắt buộc mọi người phải chú tâm nhiều hơn.
Sau tang lễ này, tôi trở lại Paris thì không khí tại Niệm Phật Đường xôn xao khác hẳn. Nhiều người tới lui thăm hỏi, liên lạc, cầu nguyện trong im lặng. Nét mặt ai cũng lộ vẻ âu lo. Cũng có vài người xem ra bình thản, coi như sự việc đương nhiên phải đến. Nhưng con số này rất ít.
Lễ Phật Đản 1975
Mặt khác chúng tôi phải nghĩ đến lễ Phật Đản sắp tới của năm 1975, Phật lịch 2519. Năm nay là năm thứ hai tổ chức đại lễ này, nên bà con trong Ban Hộ Trì đều đồng ý đề nghị tổ chức rộng rãi hơn chút xíu. Vì lẽ năm trước chưa ai biết "chùa" do đó tổ chức tại Niệm Phật Đường để ra mắt công chúng. Bây giờ sau 1 năm hoạt động có được chút ảnh hưởng nên tìm một địa điểm khác cho có vẻ đại chúng hơn. Qua cuộc họp sơ bộ tại Niệm Phật Đường (NPĐ), một ban tổ chức được thành lập do Đại Đức Thích Trí Tịnh làm trưởng ban. Phần tôi, sức khỏe chưa bình phục hẳn, xin đảm trách phần tổng quát. Địa điểm nhắm đến là ngôi đình Việt Nam (Temple du Souvenir Indochinois) trong khu rừng Vincennes (Bois de Vincennes) của thành phố Paris. Nghe nói ngôi đình này được đưa từ Việt Nam qua trong chương trình Hội Chợ Triển Lãm các xứ thuộc địa của Pháp. Hết thời kỳ Hội Chợ được tháo gỡ đem về đây dựng lại để tặng cho thành phố Paris. Ngôi đình có vóc dáng Việt Nam. Xung quanh có cây cối tươi mát. Có vài khóm trúc ở đầu hiên giống cảnh làng quê bên nhà. Rất tiếc gần đây bị hỏa hoạn thiêu hủy, không còn để lại một vết tích gì. Ngôi đình này, lúc đó có thể mượn được, không mất tiền nhiều.
Các tiểu ban trong ban tổ chức vừa được bầu ra đều hăng hái hoạt động. Nhưng hầu hết đều là những người lớn tuổi, xa quê lâu năm cộng với một ít anh chị em sinh viên. Tôi nói "một ít" (dù lúc đó ở Paris có rất nhiều sinh viên Việt Nam du học). Như có lần trước đây đã nhắc đến, vì lẽ chùa Khánh Anh thuộc về GHPGVNTN nên chánh phủ của 2 miền Nam Bắc đều không có mấy gì thiện cảm "mặn mà". Cho nên phần đông bà con công chức hay sinh viên đi từ miền Nam, tuy là rất gần gũi, quen biết, nhưng vẫn né tránh, không dám mạnh dạn tham gia, dầu đây chỉ là lễ Phật Đản, và vốn đã là những Phật tử thuần thành lâu đời. Bởi vậy mà ban tổ chức tuy ghi danh rất đông nhưng quen về tổ chức Phật Đản thì không có mấy người. Xin kể một vài việc tượng trưng để làm kỷ niệm:
Kể từ thập niên 50 trở đi, tại Việt Nam, tổ chức đại lễ Phật Đản thường hay vẽ hình Phật sơ sanh đi 7 bước trên 7 hoa sen trong vườn Lâm Tỳ Ni, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất... Một anh họa sĩ VN ở đây lâu năm muốn vẽ một bức tượng Phật sơ sinh cúng dường, nhưng khổ nỗi không có hình mẫu để nương theo. Cuối cùng anh đành vẽ Phật sơ sinh với nét mặt hao hao giống một cậu bé Âu Mỹ. Rồi một số người (sinh ra và lớn lên ở Pháp) chưa quen gì mấy về hình ảnh này nên khi vừa nhìn thấy, bèn la lên "Bouddha bébé" (Phật bé con). Còn các vị lớn tuổi cảm thấy không an tâm khi phải lễ "Phật bébé" này. Cho nên họ đề nghị thỉnh thêm pho tượng Bổn Sư từ chùa đem đến bổ sung để được tin tưởng nhiệm mầu hơn.
Các ban khác như Ban văn nghệ, Ban trai soạn cũng chuẩn bị "ráo riết". Nói là "ráo riết", chứ thực ra, như Ban văn nghệ đâu có nhiều người tham gia. Chẳng qua chỉ là một hai anh chị em sinh viên Việt Nam du học dám "gồng mình" đứng ra phụ trách, kêu gọi, luyện tập mà hầu hết trong ban chưa quen một bản nhạc nào của Phật giáo cũng như những bài hát cúng dường Phật Đản. Ban trai soạn cũng vất vả không kém, vì vật liệu nấu chay không phải dồi dào phong phú như ngày nay, nhất là món chay Việt Nam. Cho nên, nếu có vị nào hân hạnh đi dự lễ Phật Đản năm đó, và sau giờ lễ Phật đã thưởng thức những món chay trong sân đình Việt Nam ở Vincennes, ngày nay nhớ lại chắc chắn sẽ thấy nó... không giống món chay của bất cứ một nước nào, mà là một màn tạp lục. Nhưng mọi người lúc ấy đều xuýt xoa khen ngợi cho rằng ngon hơn tất cả... các nhà hàng chay chuyên môn trên thế giới! Còn ban thiếu nhi dâng hoa lại đặc biệt hơn nữa. Nhìn xem tấm ảnh lưu niệm trong album thì thấy các em được trang điểm trên đầu bằng một vòng hoa lá cành trắng tinh như các mũ triều thiên trên thượng giới. Nếu ngày hôm đó có chư thiên về dự, chắc là chư vị đó sẽ lấy hình ảnh này đem về... làm mẫu!
Bằng tất cả hình ảnh thông thường, chất liệu thô sơ đơn giản, nhưng ai nấy đều hết lòng hết sức chuẩn bị cho ngày Phật Đản, Phật lịch 2519.
Ngày 30/4
Song song với không khí hăng say vận động tổ chức ngày đại lễ Phật Đản năm này (1975) thì biến cố ngày 30/4 cũng từ từ tiến đến kề bên. Hàng ngày, nào báo chí, nào truyền hình làm rùm beng, cho chạy tin tức từng giờ, từng biến cố xảy ra trên đất nước Việt Nam, nhất là miền Nam. Nhiều khi tôi không dám nhìn xem cho hết chương trình, vì kết cuộc bi thương coi như đã đoán trước được phần nào rồi!
Một vài hình ảnh cho đến nay tôi vẫn nghĩ còn vương vấn trong ký ức những ai lúc đó có quan tâm theo dõi ít nhiều trên ti-vi. Đó là hình ảnh chiếc trực thắng cất cánh cuối cùng từ sân thượng tòa đại sứ Mỹ ở Sàigòn có nhiều người bám theo "tòn teng" như dây bầu dây bí... Đó là hình ảnh chiếc xe tăng sấn tới ủi sập cổng sắt trước dinh Độc Lập ở Sàigòn... Đó là hình ảnh kiều bào và sinh viên Việt Nam tập trung đông đảo ô hợp trước tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Paris để xin giấy tờ vào giờ chót với vẻ mặt căng thẳng đầy lo âu cho ngày mai...
Tại NPĐ Khánh Anh vào những ngày đó, cũng đông đúc hẳn lên. Kẻ vào người ra, cầu nguyện thăm hỏi, khóc than, trách móc. . . . ôi thôi đủ thứ tình cảm buồn lo lẫn lộn. . . .
Về phía Giáo Hội tại quê nhà, lúc nầy gần như không còn liên lạc gì được nữa. Mãi cho đến ngày đại lễ Phật Đản tổ chức 25.05.1975 tại ngôi đền Việt Nam trong rừng Vincennes (Paris) như trên đã nói, chúng tôi mới nghe một nguồn tin trong giới Phật tử cho biết có 2 vị Thượng Tọa trong Hội Đồng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN ở Sàigòn đã chạy được qua đến đảo Guam giữa Thái Bình Dương thuộc Hoa Kỳ và đang nhờ các Phật tử tại Paris lo thủ tục để đưa các Ngài về Pháp. Đó là nhị vị Thượng Tọa (sau này là Hòa Thượng) Thích Huyền Vi, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp và Thượng Tọa Thích Thiền Định, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tài Chánh và Kiến Thiết của GHPGVNTN. Đó là tin tức về Giáo Hội hiếm hoi nhất trong lúc này ngoài những bản tin thời sự tràn ngập hình ảnh của một cuộc chạy loạn bi thảm nhất trong lịch sử chiến tranh mà nhân loại đã chứng kiến trong thế kỷ 20.
Rồi chừng hơn một tháng sau đó, vào một ngày quang đãng của mùa Hè, nhị vị Thượng Tọa đã đến Pháp và nhờ các Phật tử quen biết đưa đến thăm "chùa" Khánh Anh. Sau câu chuyện hàn huyên mừng mừng tủi tủi, quý Ngài cho biết cảm tưởng đầu tiên hơi thất vọng vì cứ nghĩ rằng chùa Khánh Anh là một nơi rộng rãi, ít ra cũng có chỗ để cư ngụ thêm hai Thầy. Nào ngờ đến nơi chỉ thấy có hai phòng chật hẹp mà đủ thứ công việc: Nào vừa thờ phụng, vừa nấu nướng, vừa in báo, vừa ngủ nghỉ cũng tại nơi đó luôn. Cho nên quý Ngài đành phải ra về, lưu trú tại nhà một người Phật tử quen biết có phòng ốc rộng rãi hơn thuộc vùng Bry sur Marne, ngoại ô phía Đông Paris. Nhưng qua câu chuyện cuối cùng quý Ngài hứa hẹn sẽ hoạt động hướng đến xây dựng một ngôi chùa chung để tiện bề hoằng dương đạo pháp.
Cũng xin nói thêm cho rõ là sau khi có Niệm Phật Đường Khánh Anh vào năm 1974, chúng tôi có tường trình đầy đủ về Giáo Hội Trung Ương ở quê nhà và xin mọi sự trợ giúp tinh thần cũng như vật chất. Và đồng thời xin kêu gọi Phật tử các nơi nhất là tại Pháp hỗ trợ cho việc xây dựng ngôi chùa chung. Chính nhị vị Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp đã gởi các thứ kinh sách, báo chí tặng Niệm Phật Đường Khánh Anh và Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tài Chánh và Kiến Thiết đã ra văn thư kêu gọi Phật tử hải ngoại, nhất là tại Pháp, hỗ trợ cho việc xây dựng ngôi chùa, cụ thể là chùa Khánh Anh hiện là cơ sở hoằng pháp của Giáo Hội ở hải ngoại. Văn thư này hiện còn lưu trữ trong hồ sơ của chùa Khánh Anh.
Nhân nói về nhị vị Thượng Tọa cao cấp của GHPGVNTN đến thăm "chùa" Khánh Anh, chúng tôi cũng xin mạn phép ghi lại một chi tiết nữa (đáng lẽ ghi ở bài trước) có liên quan đến nhị vị Thượng Tọa cao cấp khác cũng từ Giáo Hội Trung Ương tại quốc nội đã ghé thăm "chùa" Khánh Anh trong buổi sơ khai này. Đó là Thượng Tọa Thích Thiện Minh (Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên và GĐPTVN). Sau này Ngài bị sát hại trong nhà tù CSVN vào năm 1978 và được truy tiến tấn phong lên phẩm vị Hòa Thượng. Và vị thứ hai, đó là Thượng Tọa Thích Huyền Quang (Tổng Thư Ký, nay là Đại Lão Hòa Thượng, đệ tứ Tăng Thống GHPGVNTN). Hai Ngài đi dự hội nghị quốc tế về tôn giáo và Hòa Bình họp tại Bruxelles (Bỉ quốc). 4 năm về trước (1970) Hội nghị này họp tại Kyoto (Nhật Bản) và cũng chính hai Ngài là đại diện chính thức của GHPGVNTN lúc đó. Kỳ này (1974) cũng vậy. Có điều năm nay vì lý do sức khỏe tôi không được diễm phúc đi hầu quý Ngài tại hội nghị, thì ngược lại, sau khi bế mạc, quý Ngài tìm cách qua Pháp thăm viếng. Và trong các chương trình thăm viếng quý Ngài đã từ bi hạ cố ghé qua ngôi NPĐ sơ khai bé nhỏ này, lúc còn thiếu thốn mọi thứ tiện nghi. Mọi người khi ấy chắc chắn không quên được một kỷ niệm rất cảm động: Chính cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Ngài từ chối bữa cơm chiêu đãi để ở lại NPĐ Khánh Anh trong một bữa ăn đạm bạc với anh em Ban Hộ Trì mà trong số này có mấy cựu Tăng sinh đã gần gũi với Thầy nhiều năm về trước. Có lẽ đó là hình ảnh sau cùng của cố Hòa Thượng để lại cho Phật tử hải ngoại và nhất là Phật tử tại NPĐ Khánh Anh Pháp quốc.
Ngày lễ Vu Lan "lịch sử"
Từ ngày ra mắt NPĐ Khánh Anh (1974) có lẽ năm nay lễ Vu Lan được xem là tổ chức trọng đại nhất. "Trọng đại" không phải vì số Phật tử về tham dự đông đảo hơn thường lệ. Bởi lẽ "chùa" rộng chỉ có 2 buồng, chứa nhiều nhất khoảng 30 người. Nếu kể số đứng ngoài ban-công hay dưới cầu thang trước ngõ ra vào thì thêm được tối đa khoảng 20 người nữa là hết cơ nhúc nhích! Mà "trọng đại" chính vì đại lễ Vu Lan năm nay có nhiều bậc Tôn túc quang lâm hướng dẫn.
Theo chương trình, buổi lễ Vu Lan chánh thức được phổ biến phân chia trách nhiệm như sau:
- Chủ lễ chánh thức khóa lễ Vu Lan buổi trưa: Thượng Tọa Thích Huyền Vi.
- Diễn giảng về Vu Lan buổi chiều 14 giờ: Thượng Tọa Thích Thiền Định.
- Thí thực cô hồn 16 giờ: Thượng Tọa Thích Chơn Thường.
Phần tôi đóng vai "gia chủ" quỳ phía sau và chạy lòng vòng sắp xếp mọi việc linh tinh.
Bà con Phật tử vui mừng ra mặt, vì là lần đầu tiên cảm thấy ngôi "chùa" bé nhỏ "của mình" được diễm phúc đón rước chư Tôn đức cao Tăng đến tham dự và chia sẻ mọi trách nhiệm ngày đại lễ được gọi là báo ân báo hiếu năm nay.
Nhưng còn một việc nữa, cũng "trọng đại" không kém mà cho đến ngày nay, bên ngoài ít ai được biết. Trước khi cử hành lễ Vu Lan chính thức vào buổi trưa hôm đó, ngày 17/08/1975, còn diễn ra một buổi họp đặc biệt giữa 4 vị Tăng. Đó là: 3 vị Thượng Tọa kể trên và cá nhân tôi. Nội dung buổi họp này là chính thức hóa quyết định chung của 4 người hứa hẹn sẽ đồng nhau hoạt động kiến tạo một ngôi chùa chung để hoằng dương chánh pháp tại thủ đô Paris (Pháp quốc).
Tôi còn nhớ một kỷ niệm hết sức xúc động qua buổi họp ngắn gọn này chỉ diễn ra khoảng 20 phút trong phòng ngủ bên cạnh Chánh Điện trước khi biến nó thành phòng ăn tập thể. Đó là một tấm bản đồ cho dự án ngôi chùa tương lai mà Sư Cụ Chơn Thường phác thảo ra trình bày trong buổi họp. Cụ không phải là kiến trúc sư chuyên nghiệp, nhưng với tấm lòng chân thành, Cụ đã vẽ ra 1 ngôi chùa với hình dáng kiểu cách mà tôi nghĩ rằng các kiến trúc sư chuyên nghiệp hiện đại nhất cũng phải xá 3 xá, chịu thua luôn. Nhưng tôi lấy làm lạ, đàng sau ngôi chùa Cụ vẽ ra, có 4 cái ụ tròn tròn nhọn nhọn. Tò mò tôi hỏi thăm Cụ: đấy là biểu tượng gì? Cụ trả lời một cách chân thành, tôi xin ghi lại nguyên văn: "Đấy là tháp của 4 anh em mình !". Trời đất thánh thần ơi, chư Tôn đức và bà con nghĩ xem có cảm động không? Chưa chi mà Cụ đã nghĩ đến hậu sự của 4 người trong buổi họp này.
Bây giờ sau 30 năm, 3 Cụ đã trở về cõi Phật. Mỗi Cụ có một tháp ở một ngôi chùa riêng. Còn lại một mình tôi, chưa biết lúc nào phải tới và tháp nằm ở đâu. Nhưng chắc chắn không phải là một trong 4 cái ụ tròn tròn nhọn nhọn trong bản đồ của Cụ Chơn Thường... Nếu Cụ linh thiêng, hồi đáo Ta bà, nghĩ lại chuyện này, Cụ có tức cười không? Hay Cụ nói chỉ vì cộng nghiệp, chúng Tăng phải hoan hỷ chấp nhận mình muốn một đàng lại đi sang một nẻo khác !
Xin chư Tôn đức và bà con xa gần cho phép tôi đi lang bang ra ngoài một chút xíu nữa. Chứ nếu chấm dứt ngang xương ở chỗ này, chắc là quý vị sẽ bực dọc không hiểu lý do vì sao mà không thực hiện nổi ý nguyện tốt đẹp ban đầu của "4 anh em mình"? Dầu sao chăng nữa, sau 30 năm, câu chuyện đã thành lịch sử rồi và 3 Cụ cũng đã đi về cõi Tịnh rồi. Ngoài đời, sau 30 năm, thì việc "giải mã" cũng phải thực hiện để người đời sau có thể khách quan nhận định. Riêng trong sự việc giữa 4 vị Tăng đồng ý với nhau "bất thành văn" mà bây giờ, 3 vị đã đi rồi, còn lại một mình, nếu tôi không "giải mã" thì người sau sẽ không biết đâu là diễn tiến của sự việc. Dĩ nhiên tôi kể lại đây (mặc dầu là chứng nhân) chắc không tránh khỏi chủ quan, phiến diện. Chư vị nào bên ngoài, nếu có điều kiện rõ biết hơn, xin vui lòng bổ túc cho.
Số là sau lễ Vu Lan 1975 như trên đã nói khoảng chừng một tháng, có tin nhị vị Thượng Tọa Thích Huyền Vi và Thích Thiền Định đã chánh thức nhận trách nhiệm lãnh đạo tinh thần Hội Phật Giáo Linh Sơn và Hội này cũng vừa thuê được một ngôi nhà tương đối khá rộng rãi ở đường Réservoir thuộc thành phố Joinville-Le-Pont (ngoại ô phía đông Paris) với danh hiệu chùa Linh Sơn (chỉ cách địa điểm hiện nay chừng 1 Km). Mọi sinh hoạt của Hội Linh Sơn dần dần tập trung về trụ sở này. Tất cả những buổi diễn giảng trước đây được đồng ý tổ chức luân phiên: Vào ngày Rằm hay mùng Một thì có lễ Phật và thuyết giảng tại hội quán hội Linh Sơn (trước ở quận 17, Paris) và mỗi hai Chủ nhật có buổi lễ Phật thuyết pháp tại NPĐ Khánh Anh. Bây giờ đổi lại: Hàng tuần, mỗi Chủ nhật, vào buổi chiều luôn luôn có thuyết pháp tại chùa Linh Sơn (địa điểm mới thuê). Địa điểm mới này rất thuận tiện cho đường giao thông, vì có đường tàu điện RER từ Paris chạy ra nhà ga Joinville-Le-Pont.
Thế thì những gì cam kết "bất thành văn" giữa bốn vị, giờ đây, chỉ cần một sự việc như trên cũng đủ vô hiệu hóa tất cả. Đã vậy mà hội Linh Sơn còn cử phái đoàn đến xin thỉnh hai vị còn lại về "sum họp". Sư Cụ Chơn Thường là người bác bỏ trước tiên. Tuy không nói ra mạnh mẽ, nhưng âm thầm, Cụ đi lo tạo mãi một nơi khác. Cho đến cuối năm 1975 hay đầu 1976 gì đó, tôi không nhớ rõ, Cụ thông báo đã mua được một nhà kho cũ trong khu vườn nhỏ ở vùng Champigny sur Marne (địa điểm hiện nay) và kiến thiết lại thành chùa Quan Âm cho đến bây giờ. Cũng xin nói thêm: Đối với hội Phật giáo Linh Sơn, theo chỗ tôi biết, nếu Cụ (Chơn Thường) không phải là người sáng lập thì cũng là vị Thầy đầu tiên hướng dẫn hội này cho đến ngày có vấn đề lủng củng gì đó trong nội bộ, Cụ mới ra đi. Cụ đến ở một căn gác chật hẹp trên lầu thượng của một chung cư cũ kỹ thuộc quận 10 hay 11 ở Paris, trước khi tạo dựng chùa Quan Âm ở Champigny như đã nói.
Về phần tôi thì phái đoàn của hội Linh Sơn có đến thỉnh một hai lần. Tôi nhớ lại lần sau cùng rất đông, rất trang nghiêm và cũng rất cảm động. Vì một số phật tử trong phái đoàn không ai xa lạ, chính là những người từ những ngày đầu tiên cùng chung lo Phật sự với tôi tại NPĐ Khánh Anh, bây giờ chuyển sang Linh Sơn. Do đó họ hiểu rất rõ hoàn cảnh của NPĐ Khánh Anh cũng như tình trạng sức khỏe của tôi. Nhưng tôi vẫn dứt khoát, không thể thuận theo ý muốn của phái đoàn.
". . . . Như quý vị biết. . . . Niệm Phật Đường Khánh Anh này tuy là tạm bợ, chật hẹp, nhỏ bé, thiếu thốn mọi bề nhưng nó là cơ sở sơ khai mà Giáo Hội đã chứng minh và tác thành cho. Chính nhị vị Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng (Thích Huyền Vi và Thích Thiền Định) khi còn ở quê nhà, quý Ngài cũng đã có văn thư khuyến khích kêu gọi. Tôi chỉ là người trách nhiệm thực hiện trong giai đoạn đầu. Cho đến ngày nào tôi cảm thấy không đủ sức gánh vác nữa, sẽ xin trình về Giáo Hội (mặc dù Giáo Hội hiện giờ nằm vào cảnh mờ mờ ảo ảo không biết còn hay mất) rồi dứt áo ra đi. Còn hiện nay trong hoàn cảnh bi thương như thế này (trong không thông, ngoài không biết) tôi không thể đành đoạn chấm dứt ngang đây, mặc dù biết rằng về đàng kia đầy đủ tiện nghi hơn, rộng rãi hơn và ít phải lo nghĩ về nợ nần, thiếu thốn . . . . Và các Phật tử cũng dễ dàng chung lo một mối. Tôi cũng biết một số trong quý vị đây rất khổ tâm, nhưng về phần tôi, chắc khó có thể thay đổi. Mong quý vị Phật tử hoan hỷ cho . . . .". . . .
(Tiếp tục phần 5)