Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 5) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Tác giả Hòa thượng Thích Minh Tâm
07/11/201408:26 (Xem : 2349)
* * * * * * * * *
Chùa Khánh Anh sau 30 năm (bài số 5)
Giai đoạn thành lập, phần 2d : 1976-1977
Lập Hội Phật Giáo Khánh Anh
Thông thường, sinh hoạt trong các chùa, sau lễ Vu Lan Rằm tháng Bảy ít lâu, là đã thấy không khí chuẩn bị cho ngày Tết sắp đến. Bởi lẽ, ở hải ngoại, gần như mỗi năm, chỉ có 3 dịp quy tụ đông đảo bà con Phật tử và đồng hương Việt Nam. Đó là Đại lễ Phật Đản Rằm tháng 4, lễ Vu Lan Rằm tháng 7, và Tết Nguyên Đán đến Rằm tháng Giêng. Dĩ nhiên, xen kẽ còn có nhiều lễ khác, tùy theo mỗi chùa ở mỗi nước và mỗi địa phương. Nhưng tựu chung, 3 dịp đại lễ nói trên trong năm được xem như cơ hội có nhiều sinh hoạt tập trung nổi trội hơn hết.
Nhưng đặc biệt, để chuẩn bị cho Tết Bính Thìn (1976) sắp tới tại Niệm Phật Đường (NPĐ) Khánh Anh ở Arcueil (ngoại ô Paris) vào năm này có phần khác hơn chút xíu. Có lẽ đây là cái Tết đầu tiên không còn liên hệ nhiều với ngày Tết trong nước như những năm cũ. Cho nên nhiều người cảm thấy hụt hẫng, bơ vơ, lạc lõng khi gần đến ngày Tết Bính Thìn. Năm nay có nhiều người từ trong nước mới sang (sau ngày 30/04/1975). Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, một tâm sự riêng. Họ về chùa cầu nguyện là có dịp gặp gỡ bà con đồng hương để bộc lộ bao nhiêu câu chuyện còn ẩn khuất trong lòng trên đường bỏ xứ ra đi, hay vào những ngày cuối cùng còn kẹt lại quê nhà . . . .
Về quý Thầy và anh em phật tử tại NPĐ cũng lu bu không kém. Họ lo hoàn tất số báo Khánh Anh đặc biệt "Xuân Bính Thìn" bằng lối tự túc quay Ronéo tại chùa, và kỳ này có in thêm một phụ bản "lịch 1976, 12 tờ" có đủ ngày âm dương đối chiếu để tặng cho bà con sử dụng. Bởi lẽ đoán chắc rằng: Năm tới này (1976) sẽ không còn nhận được lịch "Tam Tông Miếu" từ bên nhà gởi qua như những năm về trước.
Không khí Tết Bính Thìn cứ như vậy mà kéo dài đến Rằm tháng Giêng. Bà con thông tin cho nhau đi lễ chùa càng lúc càng đông. Số phật tử mới nhiều hơn số cũ. Cho nên mỗi lần gặp nhau, tay bắt mặt mừng, nói chuyện huyên thiên, nhiều khi bất đồng ý kiến, la lối cãi nhau kịch liệt ngay tại cầu thang lên chùa, khiến cho chủ nhà có lúc chịu hết nổi phải cầu cứu cảnh sát thành phố đến can thiệp.
Mãi cho đến một hôm, chủ nhà nhận được lá thư của một người vốn là thành viên của phân bộ hải ngoại (GHPGVNTN). Người này trước đây đã ký giấy bảo đảm cho việc thuê nhà (làm chùa). Thì giờ đây, trong thơ gởi đến chủ nhà, người ấy nói rằng không còn chịu trách nhiệm gì nữa. . . . Thế là vấn đề chỉ còn đặt ra trực tiếp giữa NPĐ và chủ nhà. Nếu vui vẻ thuận thảo, thì yên ổn tiếp tục. Còn tình hình ngược lại, thì coi như sóng gió có thể nổi lên bất cứ lúc nào.
Bởi vậy, qua xong mấy ngày Tết Bính Thìn, anh em bà con trong NPĐ phải ngồi lại suy tính kỹ lưỡng thử xem có nên tiếp tục gìn giữ "ngôi chùa tạm bợ" này nữa không ? Hay là đến đây có thể chấm dứt, đường ai nấy đi, không còn phải bận tâm lo nghĩ, đối phó gì nữa cả ?
Nhưng rồi, sau mấy lần hội họp lớn, nhỏ, anh em bà con phật tử tuy không còn bao nhiêu nhưng không hiểu vì sao lại vẫn quyết tâm kiên trì để tiếp tục, chứ không ai chịu bỏ ngang đây, nhất là lúc này, có thêm nhiều Thầy từ các nước Á châu, chạy tỵ nạn đến tạm trú tại NPĐ.
Và từ đó đưa đến một buổi họp chánh thức triệu tập vào ngày 21.03.1976, bà con quyết định thành lập "Hội Phật Giáo Khánh Anh". Biên bản lập hội và danh sách Ban Chấp Hành lâm thời được đưa vào hồ sơ làm thủ tục khai báo tại tỉnh hạt Val de Marne (ngoại ô phía Đông Paris) để nhận biên lai (Récipissé) chánh thức hoạt động của một Hội tôn giáo bắt đầu từ 31.03.1976.
Thế là coi như từ đây sinh hoạt của NPĐ Khánh Anh hoàn toàn tự lập, không còn liên hệ, phụ thuộc gì đến Phân Bộ Hải Ngoại nữa.
Lễ Phật Đản 2520
Rồi chẳng bao lâu đến lễ Phật Đản 1976, Phật lịch 2520. Đây là lễ Phật Đản đầu tiên được tổ chức với Hội Phật Giáo Khánh Anh vừa mới thành lập.
Qua 1 phiên họp, quý Thầy và bà con quyết định chọn ngày Chủ Nhật 09.05.1976 (tức 11/04 Âm lịch). Địa điểm kỳ này ở ngay trung tâm thành phố Paris số 44 rue de Rennes quận 6 (Métro: Saint Germain des Prés). Địa điểm này rất thuận tiện cho bà con đi lại dễ dàng vì có đủ phương tiện giao thông công cộng: Xe điện ngầm (métro) và xe buýt. Kỳ này tương đối tổ chức có phần kinh nghiệm hơn, vì coi như đã 3 lần tổ chức rồi. Lại nữa, có thêm nhiều bà con phật tử trong nước mới sang, hay từ nước khác tới, gia nhập vào, cho nên Ban Tổ Chức có phần đông đảo, năng nổ hơn.
Nội dung ngày đại lễ, bao giờ cũng có phần nghi lễ Phật Đản trước tiên vào buổi trưa. Sau khi chấm dứt, đến giờ ngọ trai. Ban trai soạn kỳ này đã chuẩn bị sẵn cho mỗi người một phần ăn cầm tay. Tiếp đến là phần văn nghệ cúng dường kéo dài đến 1/2 buổi chiều. Mọi người hết sức hoan hỷ. Có người lần đầu tiên vừa ra ngoại quốc lại dự được một đại lễ Phật Đản như ở quê nhà năm nào, nên tỏ ra hết sức vui mừng, xúc động . . . .
Lễ Truy Niệm 12 Vị Thánh Tử Đạo
Có lẽ đây là bước đầu tiên mà Niệm Phật Đường Khánh Anh dấn thân vào con đường tranh đấu cho tự do tín ngưỡng bị chà đạp tại quê nhà. Gần một năm nay, tình hình như lắng đọng, nặng nề, bưng bít tất cả. Nhất là về GHPGVNTN. Tất cả chỉ là những đồn đãi, truyền khẩu cho nhau qua những người có dịp thoát ra khỏi nước. Hầu hết tin tức nghe được đều lành ít, dữ nhiều, có khi lại mâu thuẫn nhau, chẳng biết đâu là chính xác.
Cho đến một ngày sau mùa Hè 1976 mới nhận được văn thư số 316 của Viện Hóa Đạo do Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng, ấn ký. Và bản sao văn thơ này có chữ ký của TT Thích Quảng Độ, Tổng Thư Ký, gởi cho các Ban Đại Diện Giáo Hội các tỉnh, các địa phương, thông tư cho toàn thể Phật tử được biết. Văn thư số 316 này đề ngày 28.11.1975 gởi đến ông Chủ tịch Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam lúc đó để phản ảnh "sự vi phạm chánh sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Mặt Trận và Chánh Phủ Cách Mạng".
Nhưng tính đến nay, gần giáp một năm, văn thư nói trên mới lọt được ra đến nước ngoài. Thế thì đủ biết tình hình quá căng thẳng, dồn nén, bưng bít đến độ nào! Mà thực vậy, văn thư số 316 này gần như một cáo trạng nói lên tình hình đàn áp Phật giáo đến một cao điểm không thể lặng thinh được nữa.
Văn thư số 316 của Viện Hóa Đạo chánh thức xác nhận sự việc Đại Đức Thích Huệ Hiền, trụ trì Dược Sư Thiền Viện ở xã Tân Bình, quận Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ cùng với 11 Tăng Ni trong Thiền Viện đã tự thiêu tập thể tại chùa này ngày 02.11.1975 để phản đối chánh quyền CS Việt Nam tại đây cấm đoán ngặt nghèo không cho tổ chức lễ cầu siêu cho các vị Ni Sư đã tự thiêu những năm về trước để cầu nguyện cho hòa bình. Chi tiết được kể ra như sau:
- Vào ngày 21/9 âm lịch năm Nhâm Tý (1972) Ni Sư Diệu Hậu đã tự thiêu (tại đây) để cầu nguyện cho hòa bình.
- Đến ngày 21/9 âm lịch năm Giáp Dần (1974, 2 năm sau) một vị Ni Sư nữa: Thích Nữ Diệu Nguyện cũng tự thiêu (nơi đây) để cầu nguyện hòa bình.
- Đến năm 1975 (đã có "hòa bình") để kỷ niệm sự hy sinh của 2 vị Ni Sư, Thiền Viện Dược Sư xin phép làm lễ cầu siêu tưởng niệm từ ngày 19 đến ngày 21/9 âm lịch năm Ất Mão tức từ 23 đến 25/10/1975.
Nhưng đến ngày 24/10/75 Ủy Ban Cách Mạng xã Tân Bình gọi ĐĐ trụ trì Thích Huệ Hiền đến văn phòng xã thông báo 6 điểm cấm đoán như sau (xin ghi theo nguyên văn) :
1/ Cấm tuyệt đối không được treo cờ Phật giáo ngoài chùa.
2/ Cấm tuyệt đối không được để chung việc cầu nguyện các tôn giáo cho Bác và liệt sĩ vào chương trình hành lễ.
3/ Tăng Ni Thiền Viện không được nhập thất và tịnh khẩu mà phải ăn cơm và nói chuyện để học hỏi theo đường lối cách mạng.
4/ Ông trụ trì phải có trách nhiệm phát huy thắng lợi vẻ vang lịch sử vĩ đại của Cách mạng cho Tăng Ni Thiền Viện.
5/ Tăng Ni Thiền Viện phải hợp tác sinh hoạt chánh trị vào các tổ chức đoàn thể của Cách mạng.
6/ Cấm tuyệt đối không được thâu nhận đệ tử xuất gia và tại gia.
Chính vì nhận thấy những điều cấm đoán trên đây quá khắc nghiệt đối với người tu hành, nên toàn thể Tăng Ni Thiền Viện Dược Sư (12 người) đồng chọn cái chết tập thể (tự thiêu) đúng 24 giờ ngày 21/9 Ất Mão tức 02.11.1975 để lại lá thư thỉnh nguyện gồm 7 điểm trong đó nói về việc tự thiêu để bảo vệ tự do tín ngưỡng. Sau khi biến cố xảy ra, thi thể của chư Tăng Ni tự thiêu bị nhà chức trách địa phương đem đi mất tích và Thiền Viện Dược Sư hoàn toàn bị cô lập.
Sau khi biết rõ sự việc xảy ra, Viện Hóa Đạo GHPGVNTN đã gởi thư số 316 (đề ngày 28/11/1975) lên chánh phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam lúc đó để phản ảnh tình trạng tín ngưỡng bị đàn áp thô bạo tại Thiền Viện Dược Sư (Cần Thơ) và yêu cầu chánh phủ làm sáng tỏ sự việc cũng như có biện pháp giải quyết thỏa đáng. Nhưng gần 1 năm trôi qua, tình hình đã không sáng tỏ chút nào mà còn ngột ngạt, nặng nề thêm nữa.
Khi văn thư số 316 lọt ra đến nước ngoài, lập tức quý Thầy tại Pháp đã hội họp lập ra Ủy Ban Liên Lạc Tăng Ni đặt văn phòng tại NPĐ Khánh Anh. Ủy Ban này có 2 nhiệm vụ cần kíp:
1/ Thông tin đến tất cả Tăng Ni và Phật tử VN ở hải ngoại về tình trạng tín ngưỡng bị đàn áp thô bạo qua sự kiện "12 vị Tăng Ni tự thiêu" tại Cần Thơ ngày 02/11/1975.
2/ Vận động tổ chức 1 buổi lể "Truy niệm 12 vị Thánh Tử Đạo" tại Paris vào ngày Chủ Nhật 17/10/76 (ngày này cũng gần ngày giỗ 1 năm: 02/11/1976).
Sau khi được thông tin, chư Tăng Ni và bà con Phật tử VN khắp nơi ở hải ngoại đều xúc động và hưởng ứng mãnh liệt. Chư Tăng Ni ở xa như Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản... đều gởi điện văn về biểu lộ đồng tình và lên án chế độ bạo ngược. Có nơi như Nhật Bản, Hoa Kỳ còn kêu gọi tổ chức những buổi lễ Truy Niệm tại địa phương quốc gia đang cư ngụ. Bà con Phật tử tại Âu Châu, nhất là tại Pháp đều liên lạc nhau kéo về Paris tham dự buổi lễ "Truy Niệm" 17/10/1976 tại số 44 rue de Rennes Paris 6è (địa điểm làm lễ Phật Đản vừa qua).
Ban Tổ Chức cho làm 1 biểu ngữ dài 15m treo trước cửa hội trường bằng 2 thứ tiếng Việt và Pháp "Lễ Truy Niệm 12 Vị Tăng Ni Đã Nguyện Tự Thiêu Để Bảo Vệ Chánh Pháp tại VN" (Commémoration de 12 moines et nonnes bouddhiques qui se sont immolés pour la protection du Dharma au VN).
Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức rước 12 linh vị Thánh Tử Đạo từ quảng trường bên ngoài vào lễ đài bên trong hội trường. Không khí rất thành kính, trang nghiêm đầy xúc động. Tiếp đến, chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử lần lượt đến trước bàn thờ đảnh lễ, thọ tang. Mỗi người lãnh một băng vàng cài lên trên áo. Sau đó là nghi lễ truy niệm theo nghi thức thiền môn dành cho chư vị Tăng Ni viên tịch. Tiếp đến đọc văn thơ, điện tín các nơi gởi về và sau cùng là phần văn nghệ cúng dường. Cảm động nhất là khi nghe diễn ngâm bài thơ "Lửa Từ Bi" của Vũ Hoàng Chương và một lớp vọng cổ "Quả Tim Bất Diệt" nói về Hòa Thượng Quảng Đức tự thiêu tại Sàigòn trong thời Pháp nạn 1963.
Báo chí Pháp và quốc tế đều có đăng tải phổ biến tin tức buổi lễ. Chỉ có báo chí theo Nhà Nước CS Việt Nam thì phản bác ngược lại, cho rằng những người tự thiêu chỉ là những kẻ phạm luật hình sự Việt Nam mượn cái chết để tránh mặt trước pháp luật (báo Đoàn Kết của CSVN tại Pháp số 198 ra ngày 16/10/1976).
Thành lập GĐPT Quảng Đức
Bên cạnh những sinh hoạt tín ngưỡng, xã hội, Niệm Phật Đường Khánh Anh còn có một hoạt động thanh thiếu niên. Hầu hết những anh chị em trẻ quy tụ đông đảo tại NPĐ lúc này đều là những sinh viên du học tại các nước ngoại quốc trước đây. Qua biến cố 30/04/1975, họ kéo về tỵ nạn tại Pháp. Đa số là sinh viên Việt Nam du học tại Nhật Bản.
Họ quây quần hoạt động dưới mái NPĐ Khánh Anh hơn 1 năm qua. Và giờ đây, nhu cầu cần thiết cần phải có, đó là một tổ chức sinh hoạt trẻ. Sau nhiều buổi hội họp thảo luận, anh chị em đi đến đồng thuận thành lập Gia Đình Phật Tử Quảng Đức, mặc dầu trước đây chưa một anh chị em nào đã sinh hoạt với tổ chức Gia Đình Phật Tử tại Việt Nam.
Và ngày làm lễ ra mắt Gia Đình Phật Tử Quảng Đức được anh em chọn lựa: Đó là một đêm văn nghệ tổ chức tại rạp SIEM ở trung tâm Paris quận 6 vào ngày 18/03/1977. Trong phần trình diễn, ngoài ca vũ nhạc, vở tuồng Quan Âm Thị Kính (do anh chị em dàn dựng) được bà con cảm động và tán thưởng nhiều nhất. (Bởi vậy năm nay 2007, GĐPT Quảng Đức làm lễ kỷ niệm tròn 30 năm).
Dời Chùa về Bagneux
Như đoạn trên có nói : Kể từ khi nhận được lá thư "Không còn chịu trách nhiệm" nữa, thì gần như chủ nhà muốn gây khó dễ lúc nào cũng được, khi có một vài biến cố bất ngờ xảy ra như âm thanh tụng niệm quá lớn, trẻ con chạy giỡn trên cầu thang, hay người lớn cãi vã to tiếng... Bởi vậy, bên cạnh những giờ hoạt động trong chùa, quý Thầy và bà con phật tử phải gia tăng tốc độ đi tìm nhà, tìm đất để mua. Dĩ nhiên, còn phải lựa chỗ cho vừa "túi tiền" khiêm tốn của mình hiện có. Đó cũng là điều kiện tương đối khó để kiếm cho ra một nơi vừa ý và vừa . . . . túi !
May mắn thay, vào cuối năm 1976, tìm ra một nơi ở thành phố Bagneux: Gồm một ngôi nhà nhỏ trên 1 khu vườn 450 m2 . Giá cả được "cò kè bớt một thêm hai" cuối cùng ngã ngũ : 350 ngàn quan Pháp vào lúc đó (khoảng 70 ngàn Mỹ kim). Chỉ chừng đó thôi mà phải chạy đi vay ngân hàng phân nửa tức 170 ngàn quan Pháp, trả góp trong vòng 15 năm.
Đây cũng là một khâu khó khăn không nhỏ. Vì theo luật lệ ở Pháp, các ngân hàng không có quyền phát mãi các cơ sở tôn giáo một khi họ không đủ tiền trả nợ nhà băng. Vì lẽ như vậy nên một hội tôn giáo không có lợi tức cố định (như hội chùa) thì không có gì đem thế chân để vay. Trong trường hợp này, chỉ có người trong hội cho phép cầm cố bất động sản hay lợi tức lương bổng của họ mới có thể được vay.
Đến đây thì có hai Phật tử phát tâm đứng ra làm theo yêu cầu. Nên cuối cùng một ngân hàng (Crédit du Nord) đã chấp nhận cho vay 170 ngàn quan Pháp trả góp trong vòng 15 năm. (bây giờ đã trả xong).
Sau khi ngân hàng bật đèn xanh tiến hành thủ tục, thì Niệm Phật Đường bắt đầu công tác di chuyển dần dần. Cho đến ngày 01/04/1977 thì được thông báo : Kể từ ngày này trở đi NPĐ Khánh Anh sẽ di chuyển về địa chỉ mới ở Bagneux và chánh thức có danh xưng từ đó là :
Chùa Khánh Anh
14, Avenue Henri Barbusse
92220 Bagneux (France)
Tél : 655-8444
(Hiện nay thay đổi, thêm vào mấy số đầu thành ra : 01.46.55.84.44) (Còn tiếp)
(Tiếp tục phần 6)