Vu Lan Thắng Hội tại Từ Đàm

01 giờ30 chiều Chủ nhật, ngày 18 tháng 08 - 2024,

Xem tiếp...
<November 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 6) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Tác giả:

Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 6) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm

Tác giả Hòa thượng Thích Minh Tâm

07/11/201408:26 (Xem : 2349)

* * * * * * * * *


Chùa Khánh Anh sau 30 năm
(bài số 6)

          Thời kỳ hoạt động, giai đoạn 1: 1977-1982 :

          Hoạt động trong phạm vi nước Pháp.

          Kính thưa quý vị, tiếp theo bài trước, bắt đầu từ ngày 1/4/1977 Niệm Phật Đường Khánh Anh dời về thành phố bên cạnh với địa chỉ chánh thức là Chùa Khánh Anh 14 Ave Henri Barbusse 92220 Bagneux (France) Tél : 655.84.44.
          Kể từ đây, hoạt động của Chùa Khánh Anh, chúng tôi tạm gọi là bước vào thời kỳ hoạt động chánh thức. Nếu bắt đầu từ năm nay (2007) tính lùi về trước, thì coi như đã hoạt động qua 30 năm. Nếu kể lại một lần câu chuyện của 30 năm, ôi thôi đủ thứ giây nhợ chồng chéo. Cho nên, lại một lần nữa, xin phép Chư Tôn Đức và bà con xa gần chia ra làm ba đoạn nhỏ. Chắc chắn còn nhiều thiếu sót, gọi là "nhớ đâu nói đó", mong chư vị thương tình mà đại xá cho :
          1977-1982: hoạt động trong phạm vi nước Pháp.
          1982-1990 : hoạt động hướng đến các nước Âu châu.
          1990-2007 : hoạt động trong khuôn khổ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhứt Âu châu.
          Chia ra như vậy cũng chỉ miễn cưỡng, gượng ép cho có từng ô từng vùng mà nói. Chớ trên thực tế, chuyện này dính với chuyện kia đôi khi lằng nhằng hơn 30 năm chưa tới hồi kết thúc. Chẳng hạn chuyện dấn thân vào con đường tranh đấu bất bạo động cho tự do Tôn giáo và Nhân quyền ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1977 mà đến ngày nay vẫn chưa yên... mặc dầu không biết bao nhiêu người đã nằm xuống...
          Bây giờ xin đi vào một giai đoạn nhỏ: 1977-1982 gọi là "hoạt động trong phạm vi nước Pháp". Điều dễ hiểu là vào năm 1977, bà con người Việt ở các nước Âu châu chưa có bao nhiêu. Phải từ năm 1978 trở đi, phong trào vượt biển "boatpeople" mới rộ lên và bà con ta mới được cứu vớt từ biển đông đưa về định cư ở các xứ này và dần dần vấn đề hoạt động trong phạm vi Âu châu mới đặt ra.
          Mặt khác nữa là "ngôi chùa mới mua" phải bắt tay vào việc xây dựng chỉnh trang lại cho ra nề nếp quy củ theo nhu cầu. Nói cho ngon lành, chớ trên thực tế, chỉ là đám đất nhỏ có vườn cây xơ xác với một gian nhà chật hẹp xập xệ. Phải phá tường, ngăn vách, đào hầm mới có được một phòng khách nhỏ, chứa khoảng 20 người gọi tạm là "Chánh điện". Lại còn phải nhà bếp, phòng ăn...các thứ, làm sao cho đủ các tiện nghi vệ sinh hay sưởi ấm tối thiểu mỗi khi có lễ bái đông người. Chỉ chừng đó công việc chạy xoay quanh cũng đã...ngất ngư mệt nghỉ đi rồi !
          Tuy nhiên, phải nói lúc đó có nhiều bà con công quả, nhiều thanh niên quay quần xung quanh, cho nên chỉ chừng 2 tháng sau, chương trình hoạt động bắt đầu đi xa một chút, nhích xa một tý. Tóm tắt trong thời gian này (1977-1982) hoạt động của chùa Khánh Anh có thể quy về những điểm sau đây :
          - Tìm cách xây dựng một ngôi Chánh điện rộng lớn hơn trên khoảnh đất còn lại.
          - Tiếp tục con đường tranh đấu bất bạo động cho tự do tôn giáo và nhân quyền bị đàn áp tại quê nhà.
          - Phát triển hoạt động Gia đình Phật tử, tạo sinh hoạt cho giới trẻ Việt Nam tại Pháp.
          - Bắt đầu chương trình hỗ trợ và tranh đấu cho người tỵ nạn (Cộng sản Việt Nam.
          - Sau cùng là liên lạc để thành lập các chùa, các hội Phật tử Việt Nam ở các thành phố lớn trên nước Pháp như Marseille, Lyon, Toulouse, Bordeaux, Nantes và Strasbourg.
          Trong phạm vi bản tin kỳ này (số 72) chúng tôi chỉ xin tóm lược hoạt động của chùa Khánh Anh trong năm 1977 qua 2 điểm nổi bật sau đây :
          1/. Đại lễ Phật Đản (chung) trong năm 1977.
          2/. Lễ Cầu an và tuyệt thực trước trụ sở Unesco Paris.
          1/ Đại lễ Phật Đản (chung) 1977
          Gọi là "chung" vì năm vừa qua (1976) cũng như những năm trước đó đều tổ chức riêng rẽ, không có kết hợp với ai. Năm nay, tại vùng Paris, coi như đã có 3 Chùa Việt Nam. Vả lại, trong năm qua, vừa tổ chức được 1 buổi lễ chung "Truy niệm công đức Chư Thánh Tử Đạo Việt Nam". Do đó, dựa trên nền tảng này, Ban liên lạc Tăng Ni Việt Nam đứng ra vận động thành hình Ban tổ chức Đại lễ Phật Đản chung của năm 1977 Phật lịch 2521 với thành phần nồng cốt như sau: (xin ghi lại danh xưng lúc đó)
          Trưởng ban :  Thượng Tọa Thích Huyền Vi (Chùa Linh Sơn).
          Phó ban :  Thượng Tọa Thích Chơn Thường (Chùa Quan Âm).
          Tổng thư ký :  Đại Đức Thích Minh Tâm (Chùa Khánh Anh).
          Các phiên họp tổ chức luân phiên qua các chùa cuối cùng được phân nhiệm: Chùa Khánh Anh phụ trách phần trần thiết trang trí lễ đài ; Chùa Quan Âm phụ trách trai soạn lo phần bánh trái cho tiệc trà thân mật sau buổi lễ ; Chùa Linh Sơn phụ trách phần nội dung, gởi thơ mời, tiếp tân. . . . . Chư Tăng Ni và bà con Phật tử hết sức "vui mừng phấn khởi" vì đây là lần đầu tiên làm việc "chung" với nhau.
          Địa điểm hành lễ là phòng Khánh Tiết của thị xã Joinville le Pont (bên cạnh Chùa Linh Sơn số 23 rue de Paris 94340 Joinville le Pont) cho mượn không mất tiền, lại gần nhà ga xe điện RER rất tiện lợi.
          Đến ngày Chủ nhật 29/5/1977, chư Tăng Việt Nam, ngoại quốc, quan khách và bà con Phật tử quy tụ về, đầy cả hội trường ước tính cả nghìn người. Chương trình bắt đầu lúc 14 giờ 30 bằng màn hợp ca Phật giáo Việt Nam và Mừng Phật Đản sanh do 2 Gia đình Phật tử Quảng Đức và Linh Sơn phối họp. Tiếp theo là Diễn văn Khai Mạc của Ban Tổ chức, Đạo từ của Ban Chứng minh, tiếp đến là nghi lễ Phật Đản, sau đó là tiệc trà thân mật và cuối cùng là phần văn nghệ cúng dường kéo dài cho đến chiều tối. Trong kỳ lễ này, còn có một phần đặc biệt, đó là xổ số Tombola của Chùa Linh Sơn mà lô độc đắc là một chiếc xe du lịch mới toanh được trưng bày bên cạnh cửa vào phòng Khánh Tiết thị xã Joinville le Pont.
          Những năm về sau, ngày lễ "chung" này không thực hiện được nữa vì một vài lý do nội bộ. Thật là đáng tiếc.
          Tiếp theo ngày Đại lễ Phật Đản tổ chức chung ở Joinville le Pont như trên đã nói, Chùa Khánh Anh còn tổ chức tại rạp Maubert (Paris 5) một đêm văn nghệ đặc biệt để mừng Phật Đản 2521. Đây là lần đầu tiên Chùa Khánh Anh tổ chức văn nghệ tại Rạp Maubert (mở màn cho nhiều năm sau này trên 20 lần tổ chức tại đây) với sự hợp tác các ban văn nghệ của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, Dân Ca Quốc nhạc Phượng Ca và nhiều nghệ sĩ tân cổ nhạc Việt Nam có mặt lúc đó tại Paris như Michel Mỹ, Phan Tư, Trần Quang Hải . . . .
          Chương trình mở màn từ lúc 20 giờ 30 kéo dài đến nửa đêm. Phần cuối cùng, độc đáo nhứt, có một tuồng cải lương mang tên "Tình đời nghĩa đạo" do Nhựt Thanh soạn và anh em bà con Phật tử trong chùa thủ diễn. Tuy không phải là chuyên nghiệp sân khấu, nhưng đối với tấm lòng thương quê nhớ nước lúc đó, tất cả "nghệ sĩ bất đắc dĩ" của chùa đã hết sức cố gắng biểu diễn "xuất thần". Vả lại lúc này, cải lương vọng cổ đã vắng bóng khá lâu vì tình hình Việt Nam bế tắc. Do các yếu tố trên đây kết hợp, nên một khi nghe được xuống giọng . . . . sáu câu là tiếng vỗ tay gần như muốn bể rạp !
          Những năm sau này có nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp hơn qua Pháp với những vở tuồng bài bản hơn. Nhưng vào năm 77 cố gắng tạo dựng cho được một vở tuồng có chút "hơi hám" cải lương là đã coi như thành công quá mức rồi ! Hôm nay, ngồi ghi lại vài dòng cảm tưởng hoài niệm thân thương, thì hầu hết các nghệ sĩ, nhạc sĩ năm xưa đã ra người thiên cổ và những bà con khán giả "hâm mộ" lúc đó, cảm xúc dạt dào, chậm quẹt lung tung, bây giờ đều yên vị trên bàn hương linh hay nằm im trong tháp Địa Tạng.
          2/ Lễ Cầu an cho Giáo hội và tuyệt thực trước trụ sở Unesco - Paris
          Qua ngày Đại lễ Phật Đản 2521, chẳng được bao lâu lại đến ngày lễ cầu an cho Giáo hội tại quê nhà được thông báo sẽ tổ chức vào ngày Chủ nhựt 24/7/77 tại số 44 rue de Rennes, Paris 6è (nơi tổ chức lễ Thánh Tử Đạo năm ngoái). Thông cáo của Ban Tổ chức còn nói thêm là sau lễ cầu an, sẽ có buổi tuyệt thực, nhưng không nói rõ địa điểm nơi đâu.
          Lý do đưa đến cầu an cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt kỳ này có rất nhiều nguyên nhân thấy rõ. Sau những ngày tháng căng thẳng khác biệt giữa "Chánh quyền cách mạng" và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhứt về quan điểm thống nhất Giáo hội Bắc và Nam. Nhà nước Cộng sản thì chủ trương thống nhất Phật giáo 2 miền Nam Bắc dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Còn với Giáo hội thì coi vấn đề thống nhất Phật giáo Bắc, Nam là nguyện vọng thiết tha từ lâu và sẽ thực hiện có tánh cách trong nội bộ Phật giáo, không cần phải có sự can thiệp sắp xếp của đảng và nhà nước cộng sản. Đó là điểm bất đồng căn bản đưa đến mâu thuẫn. Và một khi Đảng Cộng sản Việt Nam không thực hiện được ý đồ của họ thì phải triệt hạ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt bất cứ giá nào.
          Một cán bộ gốc Phật tử được Cộng sản Việt Nam sử dụng trong kế hoạch thống nhất Phật giáo lúc đó, sau này bị loại trừ, đã tiết lộ mưu kế thống nhất Phật giáo do Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phải tiến hành như sau :
          Thống nhất Phật giáo theo kiểu hình tháp lộn ngược : Trên to dưới nhỏ. Trên thì dình dàng đủ thứ chức vụ, cơ cấu nhưng xuống dưới thì không có quần chúng Phật tử. Tất cả quần chúng đều phải gia nhập vào các đoàn thể do Đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ: từ thanh niên đến phụ nữ, từ bô lão đến thiếu nhi. Vậy thì thống nhất chỉ còn là danh xưng chớ không có quần chúng.
          Dĩ nhiên, quan điểm thống nhất Phật giáo kiểu này làm sao Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo lúc đó chấp nhận cho được. Và một khi không được thực hiện như kế hoạch dự tính thì đảng và nhà nước Cộng sản chỉ còn cách dùng bạo lực để trấn áp và triệt tiêu Giáo hội. Cho nên chẳng bao lâu sau đó, Văn thư số 004 của Viện Hóa Đạo do Hòa Thượng Viện Trưởng ký ngày 25/4/1977, cho biết tất cả quý Thượng Tọa trong Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo đều bị bắt ngày 6/4/77 trong đó có Thượng Tọa Huyền Quang (Phó Viện Trưởng), Thượng Tọa Quảng Độ (Tổng Thư Ký) và nhiều vị Thượng Tọa khác (trừ Ngài Viện Trưởng).
          Buổi lễ cầu an hôm nay ngày 24/7/77 cho Giáo hội và chư Thượng Tọa lãnh đạo bị Cộng sản bắt giam được chư Tôn Đức Tăng Ni và bà con Phật tử Việt Nam tại Pháp tham dự đông đảo (trong đó có Thượng Tọa Huyền Vi, Chùa Linh Sơn). Vào khoảng 4 giờ 30, buổi lễ cầu an chấm dứt, ban tổ chức tuyên bố chương trình tuyệt thực bắt đầu nhưng không cho biết địa điểm.
          Quý Thầy để nguyên y áo màu vàng đi qua các đường phố trung tâm Paris. Các Phật tử cùng ùa nhau đi theo với băng, cờ, biểu ngữ như một đoàn biểu tình.
          Ban tổ chức, tuy không nói ra, nhưng đã nhắm trước một địa điểm có liên hệ đến cơ quan Liên Hiệp quốc. Đó là Quảng trường Fontenoy trước trụ sở Unesco - Paris 7, (Cơ quan Văn hóa Liên Hiệp quốc tại Paris).
          Vừa đi bộ (chừng 20 phút) đến nơi, 3 Thầy (trong danh sách phát nguyện tuyệt thực) liền ngồi xuống bãi cỏ tụng niệm cầu nguyện và khởi đầu yên lặng tuyệt thực. Một vài Thầy khác và Phật tử đi theo vây quanh khoảng chừng 50 người. Khách ngoại quốc qua đường, hiếu kỳ, cũng dần dần kéo đến. Nhất là một số ký giả, phóng viên báo chí Pháp và ngoại quốc được thông báo trước, đã chờ sẵn. Vừa khi 3 Thầy ngồi xuống tụng niệm, anh em Phật tử giăng xung quanh băng, cờ, biểu ngữ nói lên ý nghĩa cuộc tuyệt thực hôm nay cho nhân quyền và tự do tôn giáo bị chà đạp tại Việt Nam, nhất là yêu cầu trả tự do cho các tu sĩ Phật giáo bị giam giữ, thì lập tức các phóng viên báo chí bắt đầu làm việc thu nhận hình ảnh và tin tức để gởi đi khắp thế giới . . . .
          Trong khi đó, trên bầu trời mây đen cũng lần lượt kéo đến báo trước trận mưa dông mùa Hè sắp đổ xuống. Nhưng bà con vẫn đứng yên tại chỗ tụng niệm theo quý Thầy. Có vài người chạy đi kiếm dù, kiếm lều để che mưa . . . .
          Chừng một giờ sau thì lực lượng cảnh sát ùn ùn kéo đến. Họ cho biết địa điểm này không được phép mít tinh, biểu tình, vì là thuộc phạm vi "quốc tế" (ý nói thuộc Liên Hiệp quốc). Họ yêu cầu di chuyển về Quảng trường Trocadéro là nơi thường để bày tỏ vấn đề nhân quyền. Nhưng cuộc tuyệt thực đã bắt đầu tại đây và ý của quý Thầy muốn có hình ảnh dính dáng đến Liên Hiệp quốc nên cố ý kéo dài thời gian ở đây càng lâu càng tốt để cho phóng viên báo chí làm việc ghi nhận tại chỗ này, chớ không muốn dời đi nơi khác.
          Về phần cảnh sát, họ liên lạc nhiều lần về trung ương của họ và với người đại diện của quý Thầy cử ra "thương thuyết" để câu giờ. Hơn một tiếng đồng hồ sau đó, khi báo chí bắt đầu thưa thớt, thì họ cho biết quyết định: Nếu không chịu dời chỗ, họ sẽ dùng lực lượng cảnh sát đưa quý Thầy về Trocadéro.
          Lúc ấy, trời vừa nhá nhem tối lại có mưa to, lực lượng cảnh sát liền xông vào dỡ lều che mưa và "bồng" đi từng Thầy một đưa lên xe bít bùng chạy về Quảng trường Trocadéro (bên cạnh tháp Eiffel).
          Về đến nơi, thì mưa quá lớn, gió càng to. lại thêm nền xi măng quá cứng không làm sao cắm lều được. Ba Thầy và một số Phật tử chạy theo đến đây phải quay quần bên hông các tòa nhà lớn để tránh mưa gió. Tiếp tục cầu nguyện và bàn thảo thêm một lúc nữa cho kế hoạch hành động trong những ngày sắp tới. Rồi sau đó đồng ý giải tán.
          Tính từ lúc làm lễ cầu an ở rue de Rennes, Paris 6 khoảng 3 giờ chiều cho đến lúc giải tán gần 10 giờ đêm. Nhưng tin tức buổi lễ và hình ảnh buổi tuyệt thực "lịch sử" này đã đi khắp thế giới tố cáo tình trạng Phật giáo bị đàn áp khốc liệt tại Việt Nam và tạo được niềm phấn khởi cho những người đấu tranh bất bạo động. Ngày nay, sau 30 năm, nhìn lại tấm hình, không khỏi bùi ngùi hồi tưởng lại không biết bao nhiêu vật đổi sao dời, kẻ ở người đi . . . .
          Ngồi chính giữa, trong tấm hình là Đại Đức Thích Minh Tâm, còn 2 bên là nhị vị Đại Đức từ chùa Linh Sơn - Paris. Sau vụ này ít lâu, 2 Thầy phải rời khỏi chùa và sau đó đã thay đổi hình thức . . . .
          Nhân đây, cũng xin nói thêm một chi tiết khác: vào khoảng cuối tháng 4/1977, có 1 phái đoàn của chánh phủ Hà Nội sang thăm nước Pháp do ông Phạm Văn Đồng, thủ tướng hướng dẫn. Đây là lần đầu tiên sau 1975, mới có 1 phái đoàn cao cấp của Việt Nam viếng thăm nước Pháp.
          Người Việt tại Pháp có cơ hội tổ chức "dàn chào" kỹ lưỡng ông thủ tướng Việt Nam ở vườn Tuleries, Paris 1, ở Đại học xá (Cité Universitaire) Paris 14 và nhiều nơi khác. Riêng chư Tăng Ni Việt Nam tại Pháp đã ký chung một lá thơ gởi cho ông Phạm Văn Đồng tố giác mạnh mẽ những hành vi chà đạp nhân quyền, đàn áp tín ngưỡng ở Việt Nam và nhất là việc bắt giam toàn bộ Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo mới đây, ngày 6/4/77 coi như một hành động công khai của cộng sản VN nhằm tiêu diệt Phật giáo.
          Bức thơ đề ngày 25/4/77, có đoạn viết : “Trong khi dân chúng các nước xã hội chủ nghiã ở Đông Âu và Liên Xô đã lên tiếng yêu cầu Chính phủ của họ thực thi những điều khoảng trong Hiệp ước Helsinki về quyền tự do của con người, thì ở quê hương Việt Nam, nhân phẩm bị chà đạp, nhân quyền coi như không có, tín ngưỡng bị lăng mạ, vu khống, áp chế . . . . Như thế là nghiã làm sao ?”.  (Tiếp tục phần 7)

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Phỏng Vấn Ba Huynh Trưởng Cấp Dũng . . .
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 12) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 11) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 10) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 9) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 8) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 7) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 5) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt ( Kỳ 4) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 3) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3896753
Có 0 Khách Đang Online