Vu Lan Thắng Hội tại Từ Đàm

01 giờ30 chiều Chủ nhật, ngày 18 tháng 08 - 2024,

Xem tiếp...
<November 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 7) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Tác giả:

Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 7) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm

Tác giả Hòa thượng Thích Minh Tâm

07/11/201408:26 (Xem : 2349)

* * * * * * * * *


Chùa Khánh Anh sau 30 năm (bài số 7)

          Thời kỳ hoạt động, giai đoạn 1: 1977-1982 :

          Hoạt động trong phạm vi nước Pháp

          Từ năm 1978 đến 1982, chùa Khánh Anh dần dần được nhiều người biết đến, qua nhiều sinh hoạt :

          1/. Sinh hoạt tín ngưỡng.
          2/. Sinh hoạt cho người tỵ nạn.
          3/. Sinh hoạt cho nhân quyền và tự do tôn giáo.
          4/. Mở rộng tín ngưỡng đến các vùng trên đất Pháp.
          5/. Sinh hoạt Gia Đình Phật tử.
          6/. Một vài sinh hoạt khác (như lịch Tử vi Khánh Anh, . . . . .).

          Dĩ nhiên, sau năm 1982, những sinh hoạt được nêu ra trên đây, một số vẫn còn liên tục cho đến bây giờ. Nhưng sở dĩ lấy 1982 làm một dấu mốc nhỏ chỉ vì muốn nói trong phạm vi nước Pháp (sau năm 1982 mở rộng ra các xứ Âu châu).
          1/. Sinh hoạt tín ngưỡng: Đây là một sinh hoạt gần như "xương sống". Không thể nào thiếu vắng được.
          Ngay bài đầu đã có nói, chùa Khánh Anh có được cũng khởi nguồn từ một nghi lễ đám tang. Và bây giờ, chùa đã có chỗ "định cư" thì sinh hoạt này còn có cơ mở rộng, phát triển nhiều hơn nữa.
          Thật vậy, sau khi ổn định ở địa chỉ Bagneux thì coi như mỗi Chủ nhựt đều có lễ Cầu siêu lúc 11 giờ 30. Sinh hoạt này, sau 30 năm, vẫn còn đều đặn liên tục và phát huy rộng rãi.
          Chẳng hạn, ngày trước lễ cầu siêu trưa Chủ nhựt chỉ có một, hai gia đình. Bây giờ có khi lên đến 10 gia đình hay hơn nữa. Do vì tang quyến, con cái, hầu hết đều phải đi làm trong tuần. Chỉ đến cuối tuần mới có chút rỗi rảnh về chùa làm lễ. Nên mỗi lần sau khi chôn cất (hay hỏa thiêu) tang quyến thường được khuyến khích đưa linh vị về thờ tại chùa để cúng cho đến 7 thất (49 ngày) rồi Bách Nhựt (100 ngày), Tiểu tường (1 năm), Đại tường (2 năm) xả tạng. . . . .          Bây giờ, sau 30 năm, danh sách cầu siêu vào mỗi trưa Chủ nhựt cứ nối thêm ra. Nhiều khi quá dài, quý Thầy chủ lễ phải tìm cách rút gọn bớt, để làm sao gói trọn theo thời gian dành cho khóa lễ trưa, khoảng 1 giờ 10 phút. Nghĩa là cầu siêu 45 phút + cúng linh 25 phút. Vì nếu kéo dài nữa, sẽ ảnh hưởng đến khóa lễ tiếp theo.
          Rồi cứ 3 giờ mỗi chiều Chủ nhựt, lễ cầu an Pháp Hoa bắt đầu. Có khi sám hối, thường là sám hối Hồng danh. Sau đó, phần thuyết pháp hay hội họp... Sinh hoạt này, như trên đã nói, 30 năm qua vẫn không thay đổi. Nhiều khi gặp dịp Đại lễ như Phật Đản cũng tổ chức vào ngày Chủ nhựt ở một nơi khác (rộng rãi hơn cho nhiều người tham dự) thì ngày lễ cầu siêu hằng tuần phải lùi lại vào ngày thứ Bảy trước đó, giờ giấc vẫn không thay đổi. Việc thay đổi bất đắc dĩ này, lúc đầu có người chưa quen, nhưng dần dần đến nay cũng thành ra. . . . thông lệ . . . .
          Kính thưa quý vị, nói đến sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng này mà không nói đến hệ nhân, hệ quả của nó là một thiếu sót rất lớn trong chuỗi dài "nhân duyên" theo giáo lý nhà Phật: Không có cái này thì không có cái kia.
          Do đó, phải xin phép bà con được dông dài thêm một chút cho đủ nhân . . . . đủ quả. Nếu nói về cầu siêu mà không có người mất thì cầu siêu cho ai ? Mà đã có người mất thì phải có nghi lễ đám tang, có ban hộ niệm, có nghi thức nhập quan, có lễ di quan, có nghi tống táng... ôi thôi là cả một... công trình to tát mà trong các luận án... Đại học ít khi nói tới. Nhưng trên thực tế, trong sinh hoạt nhà chùa, từ xưa đến nay không thể nào thiếu vắng và không bao giờ dám xem thường . . . . Đó là hệ nhân !
          Bây giờ xin nói vài hàng về hệ quả. Nếu có người mất là nhân thì lễ cầu siêu là một trong những hệ quả. Và một khi lễ cầu siêu trở thành nhân thì cái gì là hệ quả ? Đó là lễ vật cúng bái, để tang, làm tuần, mâm cơm cúng vong, trai soạn nấu nướng, bà con thân bằng quyến thuộc sum vầy hưởng lộc ông bà v..v...
          Thế là thêm nhiều ngành sinh hoạt nữa. Mà trong đó, quan trọng hơn hết là Ban trai soạn. Ban trai soạn, mới nghe chỉ nghĩ là ban nấu nướng sơ sài các món chay trước cúng Phật sau cúng hương linh. Trước cúng dường chư Tăng sau đãi đằng bà con bạn hữu. Nhưng với nhà chùa không phải là một việc làm đơn giản mà hết sức quan trọng.
          Quan trọng vì nấu chay cho ngon là cả một nghệ thuật nấu nướng siêu đẳng, không phải là dễ. Ngoài vấn đề nấu nướng làm cổ chay, Ban trai soạn còn là... một ngành tiếp nhân độ thế nữa. Vì nó tiếp thu và giải quyết một phần lớn công việc ở... hạ tầng cơ sở. Một cách khác, Ban trai soạn trước hết là một ban rất gần gũi với mọi người đến chùa qua các dịp ăn uống, hoặc bình dân hay thịnh soạn. Và theo lối sống của người Á đông, miếng ăn tuy vẫn coi là tầm thường không đáng kể nhưng tác dụng tâm lý của nó hoặc để lại một ấn tượng sâu xa lâu bền hay lệch lạc, bất mãn bỏ đi không trở lại cũng tùy theo phần lớn cung cách làm việc và tiếp xúc của Ban trai soạn.
          Với cái nhìn như thế, công đức của Ban trai soạn phải nói là một đóng góp đáng kể. Riêng tại chùa Khánh Anh, lúc đầu chỉ có một Ban trai soạn nhưng lâu dần, công việc nhiều ra và thường xuyên hàng tuần, một ban không thể nào gánh chịu nổi. Vả lại, Trai soạn là một trong những ngành công quả, nghĩa là hoàn toàn thiện nguyện. Cho nên tốt hơn hết phải có nhiều ban luân chuyển, để cho bà con còn có thể tham gia những sinh hoạt khác vào dịp cuối tuần hoặc trong gia đình hay ngoài xã hội. Bởi vậy mà chùa Khánh Anh đã lập ra 5 hay 6 Ban trai soạn luân lưu. Một tháng mới trở lại một lần, trừ trường hợp đặc biệt.
          Ngày nay, 30 năm sau nhìn lại, đã có biết bao nhiêu lần thay đổi, đổi thay. Nhiều vị đã "lên bàn linh", nhiều vị đang chống gậy, đi xe lăn, đâu còn sức mà tiếp tay với những anh chị em khác "trẻ hơn" đang bước vào thay thế. Tre tàn, măng mọc. Đó là một điều đáng mừng. Nhưng con số thay thế vẫn chưa đủ để bù đắp con số "ra đi" và "chuẩn bị ra đi" càng lúc càng nhiều.
          Dài dòng như thế để nhắc lại rằng lễ nghi tín ngưỡng và trai soạn nấu nướng là 2 sinh hoạt gắn bó, cần thiết tỷ lệ thuận và bổ túc cho nhau trong một ngôi chùa Việt Nam, bất cứ ở đâu. Và chùa Khánh Anh cũng không đi ra ngoài thông lệ đó.
          Thắm thoát qua một năm sinh hoạt ở Bagneux, chùa thấy cần phải mở rộng diện tích. Cụ thể là xây cất thêm một Chánh điện lớn hơn trên khoảnh đất còn lại.
          Từ đó đi đến việc tìm kiếm kiến trúc sư vẽ bản đồ và đưa lên tỉnh (Préfecture) xin phép xây cất. Tôi không nhớ rõ đưa đơn xin từ lúc nào. Nhưng được giấy cho phép xây cất vào giữa năm 1978. Và theo như luật định, sau khi được giấy phép phải chờ đợi 2 tháng để niêm yết giấy "cho phép" thử xem có ai khiếu nại gì không?
          Song song với việc này, bên trong chùa có rất nhiều ý kiến có lúc chống trái nhau. Phần tôi thì rất lo. Chỉ vì mình không có nhiều tiền sợ rằng việc xây cất Chánh điện sẽ phải bỏ dở nửa chừng. Có người bàn rằng: phải tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên càng sớm càng tốt để coi như công trình bắt đầu mới tránh khỏi nạn "giấy phép hết hạn".
          Do đó đến Vía Bồ Tát Quan Âm 19/2 âm lịch năm Kỷ Mùi nhằm ngày thứ Bảy 17/3 năm 1979, Lễ Đặt Viên đá đầu tiên xây cất Chánh Điện chánh thức được thực hiện lúc 12 giờ trưa trên mảnh đất còn lại ở số 14 Av Henri Barbusse 92220 Bagneux, sau một khóa lễ cầu an Phổ Môn trong Chánh Điện tạm thời.
          Bà con Phật tử trong vùng Paris được tin hết sức vui mừng về tham dự rất đông. Về phía chư Tăng chỉ thêm có Đại Đức (bây giờ là Thượng tọa) Thích Như Điển đến từ Hannover (Đức quốc). Đến xế trưa có Đại Đức Thích Đức Minh (Nam tông) đến thăm viếng và đặt thêm 1 viên gạch vào chỗ tượng trưng, bắt đầu . . . .
          Được biết Chánh điện này, theo bản đồ, có bề ngang 9m và bề dài 14m. Nếu xây cất xong thì diện tích sinh hoạt sẽ có vào khoảng 126m2. Tầng dưới (sous-sol) cũng có một diện tích tương tự như vậy dùng để ăn uống, hội họp, sinh hoạt văn nghệ hay võ thuật . . . .
          Kiến trúc sư của ngôi Chánh điện này khởi đầu là một người gốc Thổ. Nguyên nhân thật bất ngờ xin được kể lại như sau: Vào một ngày đẹp trời, hôm đó, có một người ngoại quốc xin phép vào thăm chùa. Sau vài lời thăm viếng xã giao, anh ta mở đề : “Thầy có muốn xây cất một ngôi chùa trên miếng đất còn lại đây không ?” Tôi đáp thật tình :   “Muốn lắm chớ, nhưng ngặt một nổi là tôi chưa có tiền để xây”. Anh ta nói :  “Thầy đừng lo để tôi vẽ cho, tôi là Kiến trúc sư”. Thế là vài ngày sau, anh ta mang đến một xấp bản vẽ nháp, xin tôi góp ý. Tôi có đề nghị sửa đổi vài điều và bao giờ cũng lập lại như câu thần chú : Tôi chưa có tiền để xây. . . .
          Ít lâu sau, anh Thổ đem đến mấy xấp bản đồ mà anh ta đã vẽ lại sạch sẽ, tỉ mỉ, chi tiết. Tôi cảm ơn rồi đem cất kỹ.
          Chừng một tháng sau nữa, nhận được thơ của anh Thổ gởi tới đòi tiền bản đồ. Tôi nghĩ bụng mình đâu có nhờ. Tự nhiên anh ta sốt sắng đứng vẽ tất cả, rồi bây giờ đòi tiền là nghĩa làm sao. Tôi không trả lời gì cả. Chừng một tuần sau, anh ta đến chùa một lần rồi nhiều lần để... đòi nợ! Nhiều lúc tôi tránh mặt, không tiếp.
          Cho đến một hôm có vợ chồng một đạo hữu đến thăm. Người chồng là một kỹ sư cầu cống. Khi bước vào chùa liền gặp chàng Thổ kia chào hỏi và nói chuyện thân thiết rất lâu. Sau cùng, đạo hữu ấy gặp tôi, thưa rằng: “Xin thầy đừng bận tâm về cậu ấy. Nó thường vào sở của con xin việc. Con đã dàn xếp cho nó rồi. Từ nay nó sẽ không đến đây quấy rầy nữa.”
          Sau này chính đạo hữu nói trên đem xấp bản đồ đi xin giấy phép xây cất. Tôi không mấy gì hoan hỉ vì nghĩ chưa đủ tài chánh để xây dựng thêm, thì đạo hữu kỹ sư kia lý luận rằng :   “Mình cứ xin. Nếu được phép, có hiệu lực trong vòng 2 năm. . . . còn thời gian lâu lắm, xin thầy đừng lo . . . .”
          Nhưng rồi chẳng bao lâu giấy cho phép xây cất Chánh điện được gởi về chùa. Những gì chưa thật sự mong muốn lại cứ tuần tự xảy ra. Và, đến ngày Vía Quan Thế Âm Bồ tát 19/2 âm lịch, nhằm ngày thứ Bảy 17/3/79, lễ Đặt viên đá đầu tiên đã thực hiện tốt đẹp như trên đã nói.
          Như vậy, quý vị và bà con Phật tử đều biết, khởi đầu xây cất ngôi Chánh điện tại Bagneux, chẳng được suôn sẻ thoải mái tý nào. Và cũng từ đó còn nhiều thứ rắc rối xảy ra làm cho công trình phải ngưng trệ trong 2 tháng mùa Hè.
          Nhưng cũng mầu nhiệm thay, qua khỏi mùa Hè, công trình bắt đầu trở lại và tiến nhanh tiến mạnh đến chỗ hoàn tất cho kịp lễ An Vị Phật tổ chức vào ngày 10/3/1980, sau 9 tháng xây cất. Nhưng trên thực tế, tính theo âm lịch, vẫn còn nằm trong năm cũ, tức vào ngày 24 tháng chạp năm Kỷ Mùi. Sở dĩ phải làm lễ An Vị cấp tốc như vậy, vì bà con Phật tử đều muốn, chẳng bao lâu nữa, đến Tết Nguyên Đán năm Canh Thân (1980) sẽ thực hiện lễ đón Giao thừa tại Chánh Điện mới.
          Đến dự lễ An Vị Phật kỳ này có rất nhiều chư Tôn Đức Tăng Ni tại Pháp và một số từ Đức qua. Trong số đó có nhị vị cố Thượng Tọa (sau này là Hòa Thượng) Thích Huyền Vi, chùa Linh Sơn và Thích Thiền Định, chùa Pháp Hoa ở Marseille (Pháp).

(còn tiếp)  -   (Tiếp tục phần 8)

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Phỏng Vấn Ba Huynh Trưởng Cấp Dũng . . .
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 12) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 11) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 10) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 9) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 8) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 6) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 5) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt ( Kỳ 4) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 3) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3896358
Có 0 Khách Đang Online