<January 2025>
SunMonTueWedThuFriSat
2930311234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 8) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Tác giả:

Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 8) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm

Tác giả Hòa thượng Thích Minh Tâm

07/11/201408:26 (Xem : 2349)

* * * * * * * * *

Chùa Khánh Anh sau 30 năm (bài số 8)

          Thời kỳ hoạt động, giai đoạn 1 : 1977-1982 :

          2/ Tranh đấu cho người tỵ nạn Boat-people

          Nếu không lầm, cho đến 1975 ít ai để ý đến chữ vượt biển, vượt biên. Đó là ra đi một cách mạo hiểm, chấp nhận bao nhiêu thứ rủi ro có thể tan thân mất mạng, chỉ vì không thích sống dưới chế độ cộng sản. Sự việc này đã xảy ra liền sau ngày 30/4/1975 ở Việt Nam nhưng ở hải ngoại lúc đó rất ít ai biết tới. Cho đến vào khoảng cuối năm 1975, báo chí, truyền thông đưa tin một trường hợp vượt biển hy hữu trên một chiếc bè mong manh, sóng đập gió dồi mấy ngày ngoài khơi biển Đông gần Vũng Tàu được một chiếc tàu Nhựt cứu vớt.
          Hiện tượng này tiếp tục xảy ra vào các năm 1976, 1977 với những chiếc thuyền cỡ nhỏ, thuyền đánh cá, thuyền tự tạo, tự chế . . .  lênh đênh trên biển Đông, có khi gặp giông bão, có khi hỏng máy, sắp chìm thì được các thương thuyền, các tàu chở dầu ngoại quốc đi ngang qua cứu vớt. Từ đó, báo chí, ti vi bắt đầu chú ý, đưa tin, bình luận đủ thứ. Và cũng từ đó sinh ra một danh từ mới là "boat-people" - thuyền nhân - những người dùng thuyền để vượt biển, vượt biên tìm tự do, tìm lẽ sống, bất chấp gian khổ, hiểm nguy đến tánh mạng.
          Lần lần định rõ ra: dân "thuyền nhân" kia xuất phát từ các xứ đông dương (indochina) và nhiều nhất là Việt Nam.
          Họ ra đi âm thầm, lén lút vào những đêm tối trời hay những ngày có giông bão âm u để tránh sự đuổi bắt của công an. Họ ra đi từ các vùng duyên hải, các làng đánh cá, các thành phố dọc theo bờ biển miền Trung xuống tận mũi Cà Mau của miền nam cho các làng mạc hẻo lánh trong vịnh Thái Lan.
          Lúc đầu từng nhóm nhỏ, dần dần, có nơi cả làng, cả xóm đều kéo nhau đi một lượt, nhất là ở vùng biển, các làng đánh cá, có sẵn ghe chài. Có chuyến trót lọt, có chuyến bị "bể" bị tù, bị đày đi kinh tế mới. Có chuyến bị chìm vào lòng biển cả làm mồi cho cá, trạnh...
          Bị đủ thứ tai ách như thế, nhưng phong trào vượt biển chẳng những không dừng lại mà lại còn bộc phát mạnh hơn, có tổ chức hơn vào những năm sau này 78, 79. Đến quãng này, có thêm hiện tượng mới với cái tên đồn đãi "đi bán chánh thức", nghĩa là hàm ý có bàn tay sắp xếp của nhà nước Cộng sản cho đi gần như công khai. Họ thu góp xong bao nhiêu "cây" rồi tổ chức cho đi một số đông trên những chiếc tàu lớn chở cả nghìn người. Nghe nói những chuyến như thế có cả tàu hộ tống của công an biên phòng trên biển đưa đến tận hải phận quốc tế, chúc mừng chia tay, bắn súng chỉ thiên làm hiệu . . . . rồi đường ai nấy đi.
          Hầu hết trên các chuyến tàu lớn này đều là người Việt gốc Hoa. Cho nên dư luận báo chí bắt đầu khám phá ra có nạn kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử, xua đuổi người Hoa ra khỏi xứ sau khi tịch thu hết tài sản . . . .
          Các nước láng giềng từ thái độ niềm nỡ, cứu vớt, bắt đầu tỏ vẻ cứng rắn, đóng cửa biên giới, đẩy tàu vượt biên trở lại biển khơi. Họ gọi đây là "tỵ nạn kinh tế" chứ không còn phải tỵ nạn chính trị nữa.
          Cao điểm và nổi bật nhất là chiếc tàu Hải Hồng rời Việt Nam ngày 25/10/78 với trên 2.500 người già trẻ lớn bé lênh đênh trên biển rồi cập bến Mã Lai ngày 8/11/78. Nhưng sau đó bị chính quyền Mã Lai cho lệnh đẩy trở lại biển khơi, lang thang ngoài đó. Báo chí, dư luận, ti vi đưa tin tức, hình ảnh đi khắp thế giới để kích động dư luận, kêu gọi lòng nhân đạo các nước tự do phương tây nhận lãnh cho định cư. Mãi đến ngày 26/11/78, kết quả cho biết Gia Nã Đại lên tiếng nhận khoảng 600 và Pháp nhận 221 và nhiều nước khác... Có kết quả, chánh phủ Mã mới để tàu Hải Hồng vào bờ cho người xuống, chờ đợi làm thủ tục đi đến nước thứ ba.
          Vụ việc này gây chấn động khắp thế giới và từ đó đưa đến một cuộc hội nghị Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn Đông dương, nhóm họp ở Genève vào 2 ngày 20,21/7/1979. Trước hội nghị này đã có nhiều hội nghị khác mở ra ở nhiều nơi nhưng chưa giải quyết được hết mọi vấn đề.
          Hội nghị Genève về người tỵ nạn Đông Dương :
          Trước khi đi vào hội nghị, tưởng cũng nên nhắc lại vài sự việc vài con số liên quan đến "boat-people" Việt Nam từ sau 30/4/75 đến đến thời gian có hội nghị (21/7/79).
          Đây chỉ là những trường hợp được báo chí tin tức ghi nhận đưa ra công luận. Chắc chắn còn những trường hợp chưa được biết đến, chưa công bố ra. Con số này thường là cao hơn con số chính thức :
          - Trường hợp báo chí nói đến sớm nhất có lẽ là chiếc bè được kết bằng 36 thùng phuy do ông Nguyễn văn Phong (51 tuổi) đặc biệt chế tạo ra, đưa nguyên cả gia đình 14 người đi vượt biển được chiếc tàu Shokomaru của Nhật Bản vớt được ngày 27/9/75 tại hải phận quốc tế cách bờ biển Vũng Tàu 125 hải lý, sau 4 ngày lênh đênh trên biển Đông và ở trong tình trạng nguy kịch.
          - Tàu Vàm Cỏ 16.
          - Tàu Sông Bé 12 rời Vũng Tàu ngày 8/11/77 chở 181 người đến Mã Lai (Pulau Tengah) ngày 11/11/77. 16/11 ghé Nam Dương và được cập bến Darwin (Úc) ngày 28/11/77.
          - Tàu Vàm Cỏ 24 rời Hải Phòng, thay vì về Sàigòn đã đi thẳng đến Singapore xin tỵ nạn ngày 9/4/78.
          - 4 người bắt ép chiếc Máy bay DC3 của Hàng Không Việt Nam bay sang Singapore xin tỵ nạn vào cuối tháng 10/77.
          - Vụ thứ 2 : 2 phi công lái máy bay Air Việt Nam đi thực tập bèn đổi hướng bay sang Singapore xin tỵ nạn ngày 22/3/78.
          Sau cùng, đến lượt những chiếc tàu chở cả nghìn người, ra đi một cách gần như công khai.
          - Tàu Hải Hồng chở 2.574 người rời Việt Nam 25/10/78 đến Mã Lai 8/11/78 (như trên đã nói).
          - Tàu Tung An (Đông An) chở 2.300 người cập bến Manilla - Phi Luật Tân ngày 27/12/78.
          - Tàu Huey Fong (Huệ Phong) chở 2.700 người cập bến Hồng Kông 27/1/79...
          Những chiếc tàu có trọng tải lớn trên đây chuyên chở gần như 90% là người Việt gốc Hoa . . . .
          Dĩ nhiên còn những trường hợp khác chưa được nói đến đầy đủ. Đó là chưa kể những trường hợp rải rác trên biển Đông khi gặp các tàu của nhiều quốc gia khác nhau. Họ được lệnh cứu vớt những tàu vượt biển trong cơn lâm nguy rồi đưa thẳng về nước. Hoặc gởi tạm ở một cảng nào đó để trên đường trở lại, họ sẽ đón theo về nước họ.
          Trong những hoàn cảnh này, có một trường hợp hy hữu là tàu Do Thái vớt được 1 số người vượt biển trên đường đi. Khi về nước, họ đưa ra quốc hội ngày 19/6/77 thảo luận và công nhận ngay là những người tỵ nạn Cộng sản chính thức. Có lẽ đây là một quyết định khá đặc biệt xảy ra sớm nhất trong lịch sử tỵ nạn cộng sản Việt Nam . . . .
          Khi hội nghị Liên Hiệp Quốc mở ra ngày 20 và 21/7/79 tại Genève, thì các trại tạm cư ở các nước Đông Nam Á đã dồn nén lên đến con số 372.000 người và trung bình, theo báo cáo của cơ quan tỵ nạn Liên Hiệp Quốc HCR, mỗi tháng còn gia tăng khoảng 10.000 người. Các quốc gia láng giềng Đông Nam Á, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương... la hoảng lên, đe dọa đóng cửa trại, đẩy thuyền nhân trở lại biển khơi, vì tình trạng quá tải.
          Hội nghị lần này ở Genève có 65 nước tham dự trong số 72 nước được mời. Ông Kurt Waldheim, Tổng thư Ký, Ông Poul Hartling, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy mở rộng vòng tay đón nhận thêm người tỵ nạn Đông Dương và góp tiền thêm cho các chiến dịch nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cứu người tỵ nạn.
          Kết quả : 260.000 người (trong số 372.000 người) được các nước Âu Mỹ chia nhau tiếp nhận và 190 triệu đôla Mỹ góp vào các chiến dịch nhân đạo.
          Nhưng kết quả này vẫn chưa có gì bảo đảm để làn sóng "boat-people" chấm dứt.
          Bởi vậy, liền sau hội nghị, Ô. Detuk Hussein thủ tướng Mã Lai lúc đó ra lệnh đẩy các tàu xin tỵ nạn trở lại biển khơi. Và như thế tình trạng của boat-people còn bi đát hơn trước.
          Tuyệt thực tại Genève :
          Trong khi hội nghị đang tiếp diễn, thì bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève (Thụy Sĩ), đồng bào Việt Nam hải ngoại, nhất là ở Âu châu kéo nhau về biểu tình làm áp lực kêu gọi lòng nhân đạo của cộng đồng Quốc tế tiếp cứu người tỵ nạn Đông dương vượt biển tìm tự do.
          Trong những ngày này, Chùa Khánh Anh cũng như cộng đồng Phật tử tại Âu châu, tuy chưa có tổ chức đầy đủ và cũng chưa có nhiều Tăng Ni lãnh đạo như ngày nay nhưng cũng cố gắng hết sức kêu gọi bà con đồng hương phật tử kéo về Place des Nations trước trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève (Thụy Sĩ) làm một cuộc tuyệt thực một ngày một đêm trong thời gian có hội nghị diễn ra.
          Nhớ lại lúc đó, vào những ngày hè nóng bức, có đủ đại diện các tôn giáo, trong đó nhiều nhất là Phật giáo, trước sau có 4 vị :  Cố Hòa Thượng Thích Thiền Định (Chùa Pháp Hoa - Marseille - Pháp), Cố HT Thích Minh Lễ (Chùa Tịnh Tâm - Paris - Pháp), TT Thích Như Điển (Chùa Viên Giác - Đức), và HT Thích Minh Tâm (Chùa Khánh Anh - Pháp), cùng với một số đông phật tử và đồng hương đến từ các nước xung quanh Thụy Sĩ: Pháp, Đức, Hòa Lan, Bỉ, Anh quốc, Đan Mạch... Sau khi chấm dứt 24 giờ tuyệt thực, bà con còn tiếp tục làm luôn một cuộc biểu tình qua đường phố Genève với cờ xí, biểu ngữ nói lên nguyện vọng của người Việt ở nước ngoài yêu cầu cộng đồng quốc tế cứu vớt những người Đông Dương tỵ nạn Cộng sản đang bị xua đuổi ngoài khơi biển Đông, trên đường tìm đến bến bờ tự do.
          Buổi tuyệt thực và biểu tình kỳ này (1979) có thể nói là đông đảo nhất và nhiệt thành nhất. Báo chí, truyền thông cũng như dư luận ngoại quốc gần như đồng thuận hỗ trợ cho các chiến dịch nhân đạo nhằm cứu vớt thuyền nhân tỵ nạn Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
          Nói như vậy để so sánh lại với 10 năm sau, vào 2 ngày 13 và 14/6 năm 1989, cũng tại Genève cũng có một hội nghị Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn Đông Dương. Cũng có cộng đồng người Việt kéo về biểu tình đông đảo bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Place des Nations (không có tuyệt thực).
          Cũng có đông đủ các vị chức sắc các tôn giáo, đông đảo chư Tăng Ni Việt Nam tham gia, trong đó có chùa Khánh Anh... Nhưng hội nghị quốc tế kỳ này theo chiều khác. Đó là chiều hướng chấm dứt làn sóng boat-people, đóng cửa các trại tạm cư, phân loại người vượt biển rồi tìm cách cưỡng bách hồi hương . . . .
          Đó là sơ lược về 25 năm lịch sử tỵ nạn boat-people gian nan, máu và nước mắt. Không biết bao nhiêu bút mực đã diễn tả mà vẫn chưa đủ, chưa hết, vì mỗi người đứng nhìn ở một vị trí khác nhau. Những người may mắn hơn có cơ duyên đến định cư ở một nước thứ ba trên các vùng đất tự do. Và bây giờ, 30 năm sau, từ từ nằm xuống để cho lớp con cháu thế hệ thứ hai trưởng thành, khá hơn, vững vàng hơn lớp người đi trước. Nhưng dường như một số nào đó trong lớp sau này ít muốn nhắc lại những đoạn đường mà cha ông của họ đã trải qua trong thế kỷ trước . . . .
          Chùa Khánh Anh dấn thân trong những ngày đầu :
          Chùa Khánh Anh chỉ là một đơn vị nhỏ tham gia vào con đường đấu tranh cho người tỵ nạn boat-people bên cạnh những chùa Việt khác, những cộng đồng khác ở hải ngoại. Có điều, trong những ngày đầu, chưa có đông đảo bà con đồng hương phật tử, chưa có nhiều chùa và quý Thầy như bây giờ. Nhưng lúc ấy đã mạnh dạn dấn thân vào con đường đấu tranh cho người vượt biển. Lý do cũng rất dễ hiểu, vì phật tử trong chùa lúc bấy giờ, tuy ít nhưng là những người không chấp nhận chế độ cộng sản, từ sinh viên du học (sau 1975, kéo về Pháp xin tỵ nạn) cho đến công, tư chức sau biến cố 30/4 bị kẹt lại) và cả đến quý Thầy cũng đã sống qua những thời kỳ có chế độ cộng sản xâm nhập (ở Việt Nam gọi là vùng xôi đậu). Cho nên, bây giờ may mắn sống ở nước ngoài, rất dễ cảm thông với những đồng bào liều chết vượt biển đi tìm tự do . . . .
          Rồi số nào vượt ra được, tới Pháp lại tìm đến sinh hoạt tại chùa Khánh Anh, tham gia tranh đấu cho người tỵ nạn . . . .
          Có một kỷ niệm khó quên, xin phép bà con kể lại cho vui. Vào những ngày chùa Khánh Anh ở Bagneux vừa mới xây cất xong tầng hầm. Tầng trên còn ngổn ngang đá gạch, thì xảy ra có một cuộc biểu tình tại Paris cho người tỵ nạn Cộng sản Việt Nam (quãng năm 1979).
          Thế là anh em kéo về chùa Khánh Anh làm băng rôn, băng cạt, cờ xí... để chuẩn bị cho ngày mai. Trong chùa đâu có chỗ nào rộng rãi. Chỉ có tầng hầm mới xây xong, chưa có tiện nghi gì lắm, nhưng cũng đủ một khoảng trống kín đáo để viết và treo các biểu ngữ cho mau khô để ngày mai đi diễn hành . . . .
          Sáng hôm sau, đúng hẹn, có một phái đoàn thanh tra việc xây cất chùa của thị xã Bagneux (mà thị trưởng xã này là đảng viên Cộng sản Pháp). Khi bước xuống tầng hầm chùa, họ thấy nguyên một rừng cờ, biểu ngữ kêu gọi cứu vớt người boat-people tỵ nạn cộng sản nhất là những câu lên án chủ nghĩa Cộng sản rất nặng nề, gay gắt. Sau khi thanh tra về, hội đồng xã Bagneux ra quyết định ngưng việc xây cất. Dĩ nhiên, lý do họ đưa ra không bao giờ nhắc tới mấy câu biểu ngữ lịch sử đó... (chuyện "ngưng xây cất" này gây ra nhiều bế tắc khó khăn cho công trình xây dựng chùa suốt mấy tháng mùa hè, như bài trước có nhắc tới, cũng như nhiều ảnh hưởng tiêu cực kéo dài mãi đến sau này).
          Rồi, như trên đã nói, bước sang thập niên 80, phong trào vượt biển boat-people trở nên phổ biến, luôn luôn là thời sự nóng bỏng. Từ đó còn kéo thêm ra một chữ khác, không phải chỉ có vượt biển - thuyền nhân - mà còn có thêm vượt đường bộ - bộ nhân - từ Miên qua Thái, từ Việt qua Tàu từ rừng sâu ra biển cả . . . .
          Mặt khác, sau khi định cư ở các nước thứ ba trong vùng Âu châu, qua chiến dịch cứu vớt của các con tàu Đảo Ánh Sáng, Cap Anamur . . . . Cộng đồng người tỵ nạn Cộng sản Việt Nam dần dần hình thành tập họp đông đảo, đa số có tín ngưỡng Phật giáo. Từ đó lập ra các hội đoàn Phật tử rồi dần dần xây dựng các ngôi chùa . . . . Chính đây là mầm móng, là những viên gạch đầu tiên để kiến thiết thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhứt Âu Châu sau này.
          Chùa Khánh Anh, trong những năm tháng đầu (từ 1980) đã liên lạc thăm viếng các cộng đồng tỵ nạn này khắp Âu châu, tổ chức các ngày lễ Phật Đản, Vu lan rồi dần dần đưa họ vào khuôn khổ hoạt động của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhứt Âu Châu.
          Xa hơn, số còn lại nằm trong các trại tạm cư ở các xứ Đông Nam Á: Hồng Kông, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan... Lúc đầu được các nước này ân cần, tiếp đón, dần dần trở nên khắc khe hạn chế, xua đuổi rồi dùng biện pháp mạnh - cưỡng bách hồi hương.
          Tại các địa điểm trại tạm cư, trong khi chờ đợi đi đến một nước thứ ba, các cộng đồng tín ngưỡng, nhất là Phật giáo, đều cố gắng tạo dựng các Niệm Phật Đường, các Chùa, dầu chỉ là tạm bợ, nhất thời. Quý Thầy vượt biên đến trại đều luân phiên làm trụ trì. Thầy này được đi định cư thì Thầy khác bước lên thay thế. Có thể kể các Chùa Vạn Đức ở Palawan - Phi Luật Tân, Chùa Kim Quang ở đảo Galang - Indonésia, Chùa Từ Bi ở Pulau Bidong, Chùa Phật Giáo Việt Nam ở trại Sikiew - Thái Lan, Chùa Bồ Đề Lan Nhã ở Sungei Besi - Mã Lai và Niệm Phật Đường trong các trại Chimawan, Heiling Châu, White Head ở Hồng Kông . . . .
          Bước vào thập niên 90, con đường vượt biên boat-people trở nên khó khăn. Các trại tạm cư trước kia trở thành trại tù cho những người boat-people sau này mà chánh quyền sở tại gọi họ là "nhập cư bất hợp pháp". Bắt đầu có hiện tượng thanh lọc, xếp loại. Sinh hoạt trong trại trở nên hạn chế tối đa. Vào những ngày căng thẳng, ngột ngạt này, phái đoàn Chùa Khánh Anh, thỉnh thoảng tìm cách vào thăm, giúp đỡ về phương diện tín ngưỡng, nhất là tại các trại cấm ở Hồng Kông. Tình trạng tại đây vô cùng bi đát vào những đợt mà chánh quyền đảo này huy động toàn lực lượng cảnh sát dã chiến để thực hiện cho bằng được con đường cưỡng bách hồi hương, trả những người không thích sống với chế độ Cộng sản trở về với Cộng sản . . . . (còn tiếp)  - 

(Tiếp tục phần 9)

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Phỏng Vấn Ba Huynh Trưởng Cấp Dũng . . .
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 12) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 11) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 10) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 9) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 7) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 6) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 5) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt ( Kỳ 4) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 3) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
4733622
Có 0 Khách Đang Online