Vu Lan Thắng Hội tại Từ Đàm

01 giờ30 chiều Chủ nhật, ngày 18 tháng 08 - 2024,

Xem tiếp...
<November 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 9) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Tác giả:

Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 9) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm

Tác giả Hòa thượng Thích Minh Tâm

07/11/201408:26 (Xem : 2349)

* * * * * * * * *

Chùa Khánh Anh sau 30 năm (bài số 9)

          Thời kỳ hoạt động, giai đoạn 1 : 1977-1982

          3/ Tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam

          Trong những bài trước, (Bản tin Khánh Anh số 71 và 72) có nói đến hoạt động của Niệm Phật Đường Khánh Anh hướng về Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt bị đàn áp khốc liệt ở trong nước dẫn đến vụ tự thiêu tập thể (12 người) tại Thiền Viện Dược Sư ở Cần Thơ vào cuối năm 1975. Sự việc này bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam bưng bít cất dấu. Cho đến gần một năm sau, tin tức mới lọt ra đến hải ngoại. Và một lễ Cầu siêu, Rước linh vị và để tang được tổ chức trang nghiêm cảm động tại Paris ngày 17/10/76 do Niệm Phật Đường Khánh Anh và chư Tăng Ni Việt Nam tại Pháp đứng ra liên lạc tổ chức.
          Sau buổi lễ nói trên, không khí vẫn tiếp tục nặng nề, bế tắc ở trong nước giữa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt và nhà nước Cộng sản Việt Nam. Cao điểm của tình trạng này là toàn Ban Chỉ Đạo của Viện Hóa Đạo (6 vị) bị cộng sản bắt giam vào ngày 6/4/77, trừ Hòa Thượng Thích Trí Thủ (Viện Trưởng Viện Hóa Đạo) bị nhà nước tách riêng để đứng ra làm ban Vận Động Thống nhất (dưới sự khống chế của Cộng sản), Thượng Tọa Thích Thiện Minh (lúc đó là phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo) còn lẫn tránh về miền quê làm rẫy cho đến ngày 13/4/78 thì Ngài cũng bị Cộng sản Việt Nam bắt giam để hạch hỏi, khai thác.
          Tin tức sau này rõ ra cho thấy: Sau biến cố 30/4/75, Đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam muốn chi phối Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt nhưng không được. Và khi thấy "nắm" không được họ dùng đến phương pháp phải triệt tiêu. Và muốn triệt tiêu, bước đầu tiên là cô lập, phân tán rồi dựng lên một tổ chức khác gọi là "liên lạc", hay "vận động thống nhất". Và, để có hiệu quả "nhà nước ta" phải phủ lên đầu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt đủ thứ tội lỗi. Nào là tay sai của CIA (Cơ quan tình báo Mỹ), nào là làm chính trị, âm mưu lật đổ chánh quyền "Cách mạng", nào là các vị lãnh đạo Giáo hội bị hủ hóa đủ mặt: Nào kinh tài bất chính, nào đạo đức lem nhem..vân vân và vân vân ôi thôi đủ thứ bê bối.
          Thượng Tọa Thích Thiện Minh bị Cộng sản Việt Nam sát hại trong tù:
          Trong bối cảnh phức tạp rối rắm như vậy, thì có tin Thượng Tọa Thích Thiện Minh bị Cộng sản Việt Nam sát hại trong nhà tù ở Hàm Tân ngày 17/10/78 lúc này Thầy mới 58 tuổi (sau này biết ra họ sát hại ở nhà tù vùng Sàigon Gia Định, rồi trá hình chở ra Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, lúc đó gọi là tỉnh Phú Khánh).
          Tin này đến hải ngoại trễ hơn một tháng. Và tại Paris, chùa Khánh Anh đứng ra kêu gọi chư Tăng Ni phật tử cùng các đoàn thể người Việt tỵ nạn lúc đó, tổ chức một buổi lễ Truy Niệm Cố Thượng Tọa Thích Thiện Minh (sau này Truy phong lên phẩm vị Hòa Thượng) vào ngày chủ nhựt 19/11/78 tại số 44 rue de Rennes Paris 6è. (Nơi trước đây đã làm các lễ cầu nguyện khác).
          Trong buổi lễ Truy niệm này rất đông Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tại Pháp cũng như nhiều hội đoàn người Việt tỵ nạn quy tụ đông đảo. Sau lễ, còn tổ chức một cuộc diễn hành qua các đường phố trung tâm Paris rồi tập họp mít-tinh bên cạnh nhà thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris). Đi đầu là 1 lá cờ Phật Giáo lớn có 1 băng tang màu đen nằm chéo ngang (theo cạnh huyền) do 4 em Gia đình phật tử cầm 4 góc. Theo sau có nhiều băng cạt phóng lớn ảnh bán thân của Cố Thượng Tọa Thích Thiện Minh. Xen kẽ trong rừng cờ Phật giáo, cờ quốc gia và nhiều biểu ngữ viết bằng 2 thứ tiếng Việt, Pháp nói lên nguyện vọng tự do tôn giáo cho Việt Nam và tố cáo chánh sách đàn áp tôn giáo của đảng và nhà nước Cộng sản Hà nội.
          Báo chí và truyền thông quốc tế cũng như tại Pháp, thêm một dịp nữa nói nhiều về tình trạng tôn giáo bị đàn áp ở VN nói chung và Giáo hội Phật giáo VN Thống Nhứt nói riêng.
          Tờ Figaro, nhật báo Pháp ra ngày 23/10/78 nói về tôn giáo bị đàn áp ở Việt Nam, coi Cố Thượng Tọa Thích Thiện Minh như một trong những lý thuyết gia (théoricien) chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhứt lúc đó. Nhật báo Le Monde của Pháp ra ngày 24/10/78, viết về Cố Thượng Tọa Thích Thiện Minh như một nhà hoạt động tích cực cho nền hòa bình của Việt nam. Bởi vậy Thầy đã là nạn nhân của đủ thứ chế độ hữu cũng như tả. Bị tù tội, bị thương tích dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Nguyễn văn Thiệu và bây giờ bị sát hại trong nhà tù của chế độ Cộng sản.
          Giáo hội Phật giáo nhà nước ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt bị đàn áp
          Vào ngày 4/11/81 một Giáo hội Phật giáo do đảng và nhà nước Cộng sản dựng ra tại Hà nội với tên gọi là Giáo hội Phật giáo Việt nam (không có chữ thống nhứt). Đến ngày 29/1/82, với sắc lệnh số 83/BT, chánh quyền Cộng sản dùng bạo lực chấm dứt hoạt động của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt bằng cách "lưu đày" các vị lãnh đạo Giáo hội. Ngày 25/2/82 Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (Sàigon) ký Quyết định gọi là "trả về nguyên quán" chư vị Thượng Tọa lãnh đạo Viện Hóa Đạo lâu nay :
          - Thượng Tọa Thích Huyền Quang (Quyền Viện Trưởng) "bị đưa về quản thúc" tại chùa Hội Phước - Quảng Ngãi.
          - Thượng Tọa Thích Quảng Độ (Tổng thư ký) "bị đưa về quản thúc" ở xã Vũ Đoài, tỉnh Thái Bình.
          Đến ngày 7/7/82, lực lượng công an xông vào chùa Ấn Quang (trụ sở lâu nay của Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt) "dọn dẹp" tất cả những gì còn liên hệ đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt để chuyển giao cho Thành hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, 1 tổ chức Phật giáo mới, thân nhà nước.
          Đến ngày 2/4/84 quý Thầy Thích Tuệ Sĩ, Trí Siêu Lê Mạnh Thát và Sư Cô Trí Hải bị bắt tại Đại Học Vạn Hạnh, rồi ngày 4/8/85 Thượng Tọa Thích Đức Nhuận (Chánh Thư ký Viện Tăng Thống) cũng bị bắt. Tất cả bị đưa ra tòa xử ngày 28/9/88 với những bản án tử hình (2 Thầy Tuệ Sĩ, Trí Siêu) 10 năm tù ở (Thượng Tọa Đức Nhuận) 4 năm rưỡi tù (Sư Cô Trí Hải), với tội "hoạt động để lật đổ chánh quyền cách mạng".
          Trong khi ở quốc nội có những biến cố như vậy, thì ở hải ngoại, lúc bấy giờ khắp nơi đều lên tiếng phản đối vận động các cơ quan Ân xá quốc tế, liên đoàn nhân quyền, các quốc hội, chánh phủ, báo chí, dư luận, nói chung, hết sức rầm rộ, hết sức quyết liệt. Tại Paris, chùa Khánh Anh dĩ nhiên, không thể đứng ngoài những cuộc vận động đó. Luôn luôn kêu gọi cầu nguyện, biểu tình, hoặc tại Pháp (Place Trocadéro) hoặc tại Genève (trụ sở Liên Hiệp Quốc) hoặc tại Strasbourg - Bruxelles (Quốc hội và Ủy Hội Âu châu)...
          Nhờ những phản ứng mạnh mẽ, những can thiệp hữu hiệu của Cộng đồng Quốc tế cũng như Cộng đồng người Việt khắp nơi (trong đó có các tổ chức Giáo hội ở các châu lục khác) mà các bản án tử hình giảm xuống còn 20 năm tù qua phiên xử phúc thẩm ngày 15/11/88 tại Sàigòn.
          Mặc dầu vậy, tình trạng đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhứt vẫn tiếp tục kéo dài khiến không thể sinh hoạt gì được, kể cả những việc cứu trợ nhân đạo bão lụt. Chư Tôn đức lãnh đạo vẫn bị quản thúc nghiệt ngã ở Thái Bình cũng như ở Quảng Ngãi và nhiều nơi khác.
          Trong tình trạng này, ở hải ngoại, ngoài việc phát triển sinh hoạt tu học, chùa Khánh Anh cũng như Giáo hội tại Âu châu luôn luôn tổ chức những buổi cầu nguyện, những ngày hội thảo, những cuộc mít-tinh tuyệt thực, ký những kiến nghị thư gởi đến các Cơ quan Liên Hiệp Quốc, các quốc hội chánh phủ, phi chánh phủ, báo chí truyền thông khắp nơi để nhờ làm áp lực, lên tiếng cảnh cáo chế độ độc tài Cộng sản tại VN hãy chấm dứt tình trạng đàn áp bất công, thay đổi theo đường hướng dân chủ để sống hòa đồng với thế giới văn minh.
          Có thể kể ra một vài việc làm tiêu biểu tượng trưng cho một thời gian dài trong thập niên 80, 90 và cho đến bây giờ bước vào thế kỷ 21, những công tác vận động kể trên vẫn còn tiếp diễn, vì vẫn chưa thấy có triệu chứng nào thay đổi thực sự tại Việt Nam về mặt nhân quyền và tôn giáo.
          Hội thảo về nhân quyền tại Đại học Paris 10
          Đầu năm 1989, một cuộc hội thảo khá quy mô gây được nhiều ảnh hưởng trong giới Đại học, trí thức và báo chí truyền thông lúc bấy giờ. Đó là cuộc hội thảo về nhân quyền tại Việt Nam "Colloque sur les Droits de l'Homme du Vietnam" do chùa Khánh Anh tổ chức vào ngày 18/2/1989 tại trường Đại học Paris 10 ở Nanterre (ngoại ô, phía Tây Bắc Paris).
          Buổi hội thảo này do một số giáo sư Đại học, các vị dân biểu, luật sư vận động yễm trợ và được các tôn giáo bạn các hội đoàn người Việt tự do cộng tác đồng lên tiếng chung về tình trạng nhân quyền tồi tệ và tôn giáo bị đàn áp khốc liệt tại Việt Nam.
          Khoảng 200 thính giả, gồm truyền thông báo chí ngoại quốc, giáo sư, luật sư, sinh viên và nhiều Phật tử Việt nam khắp Âu châu về tham dự. Có thể nói cực nhọc, mệt mỏi, tốn kém, nhưng hầu như ai ai cũng vui mừng phấn khởi như đã làm xong một trách nhiệm nặng nề là chuyển được đến mọi người một thông điệp mạnh mẽ nhắc nhở rằng: Đừng quên có 1 điều gì bất ổn về mặt tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam.
          Vào cuối năm 1989, để kỷ niệm ngày Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm đó, chùa Khánh Anh tổ chức 1 buổi cầu nguyện và tuyệt thực 12 giờ đồng hồ, từ sáng đến chiều ngày 9/12/89, ngay trên đường lộ dẫn vào Sứ quán Cộng sản Việt Nam tại Paris quận 16 dưới thời tiết lạnh nghiệt ngã của mùa Đông. Nhưng vẫn được bà con người Việt, các tôn giáo, các hội đoàn ở đây yễm trợ mạnh mẽ.
          Ngày 25/4/1992 Đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu (Chánh thư ký xử lý Viện Tăng Thống từ năm 1977) viên tịch tại chùa Linh Mụ (Huế) thọ 88 tuổi.
          Trước khi viên tịch, Ngài viết một tâm thư đề ngày 10/9/91 gởi cho Tăng Ni VN hải ngoại, kêu gọi hàng trưởng tử Như Lai nên sống hòa hợp trong tinh thần tương thuận, tương kính, tương giáo, tương sám để gìn giữ trọn vẹn vai trò Chúng trung tôn.
          Trước khi chuyển đi, Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Quảng Độ mỗi vị viết thêm một lá thư kèm theo với tâm thư Ôn Đôn Hậu gởi ra hải ngoại cho Tăng Ni Việt Nam. Qua 3 bức thư này mà Tăng Ni các nơi ở nước ngoài như tiếp thêm một nguồn điện lực để kết hợp cũng cố sinh hoạt Tăng đoàn như lời tâm huyết của chư Tôn Trưởng Lão nhắn nhủ khuyến tấn.
          Mặc dầu gần 20 năm trôi qua, những lời nhắn nhủ kêu gọi của quý Ôn vẫn còn vang vọng, thúc nhắc. Nhưng vì chướng thâm, huệ thiển, tập thể Tăng Ni ở hải ngoại cho đến ngày hôm nay vẫn chưa thể hiện được nếp sống Tăng đoàn tương kính, tương thuận, tương giáo, tương sám. Thật đáng tàm quý.
          Tuyệt thực cầu nguyện trước Quốc hội Âu châu:
          Bước vào mùa Thu năm 1992 ngày 13/9 khi bắt đầu khóa họp trở lại của Quốc Hội, Giáo hội PGVNTN Âu châu, qua Khóa học Phật Pháp ở Thụy Sĩ mùa hè năm đó đã quyết định tổ chức một cuộc tuyệt thực cầu nguyện 48 giờ trước trụ sở của Quốc Hội Âu châu tại thành phố Strasbourg, miền Đông nước Pháp. Cuộc tuyệt thực này đã trù liệu trước và loan báo rộng rãi nên được đông đảo Tăng Ni và bà con Phật tử ở nhiều nước Âu châu về tham dự. Có tất cả 21 vị Tăng Ni và 72 cư sĩ Phật tử ghi danh tuyệt thực. Bà con đồng hương tham dự mít-tinh cầu nguyện trong 2 ngày khoảng 400 người.
          Vào ngày hôm sau, trước khi chấm dứt 2 ngày cầu nguyện tuyệt thực, phái đoàn đại diện của Giáo Hội được Ông Chủ tịch Quốc hội Âu châu và nhiều Dân biểu tiếp kiến tại trụ sở. Các ông tỏ vẻ vui mừng loan báo cho biết nghị quyết (résolution) của Quốc Hội Âu châu vừa được thông qua về vấn đề tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đó là nghị quyết số B3-1176 và 1226/92 sẽ phát đi ngày 17/9/1992.
          Mặc dầu cho đến ngày hôm nay, những điều ghi trong nghị quyết này cũng như những điều mà chính phủ Hà Nội cam kết khi đặt bút ký với Liên Hiệp Âu châu vẫn chưa thấy thực hiện đầy đủ. Nhưng trên phương diện vận động là cả 1 quá trình tích cực tranh đấu tập thể, bên trong cũng như bên ngoài, Tăng Ni, cũng như Phật tử và bà con đồng hương khắp nơi góp tâm, góp sức thực hiện...
          Tuyệt thực cầu nguyện tại Vienne (Áo):
          Vào mùa hè năm 1993, một Hội nghị Liên Hiệp Quốc về nhân quyền được tổ chức ở Vienne, thủ đô nước Áo vùng Trung Âu. Thông thường khi có Liên Hiệp Quốc hội họp, một Đại hội khác của các tổ chức phi chánh phủ (NGO) cũng được triệu tập ngay bên cạnh và liền trước đó. Kỳ này Liên Hiệp Quốc họp về nhân quyền, nên các tổ chức phi chánh phủ về nhân quyền cũng năng nổ, triệu tập. Khách mời đặc biệt cho các tổ chức phi chánh phủ lần này là Đức Đạt lai Lạt Ma thứ 14 và cựu Tổng Thống Mỹ Jimmy Carter, 2 gương mặt nổi bật của tiếng nói nhân quyền trên thế giới.
          Tiếp theo sau "Đại hội phi chánh phủ" là Đại Hội Liên Hiệp Quốc về nhân quyền họp vào những ngày 14, 15, 16/6/93. Trong dịp này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhứt Âu Châu đã thực hiện một cuộc tuyệt thực cầu nguyện ngay trước cửa vào phòng Hội nghị Liên Hiệp Quốc tại Vienne để nói lên tình trạng nhân quyền bị chà đạp nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhứt bị đàn áp tại Việt Nam nói riêng. Phái đoàn Chánh phủ Cộng sản Việt Nam ngày đó cũng có mặt tại Vienne vì là thành viên Liên Hiệp Quốc. Nhưng họ đi qua rất nhanh, không dám liếc nhìn hay hỏi thăm như các phái đoàn khác trước khi bước vào phòng họp. Khổ nổi chạy trời cũng không khỏi nắng, bên trong phòng họp, một số anh em người Việt tự do thuộc các hội đoàn khác cũng đã kín đáo viết một băng nhỏ nêu lên vấn đề nhân quyền và tôn giáo bị đàn áp nặng nề ở Việt Nam. Họ ngồi ở hàng ghế quan sát viên bên hông, lâu lâu tìm cách giăng lên cho mọi người chú ý.
          Trong dịp này còn có thêm nhiều quý Thầy từ Hoa Kỳ và Úc châu sang tham dự Hội nghị bên trong. Thỉnh thoảng các Ngài cũng có ra phía trước cổng vào tham gia vào chương trình tuyệt thực cầu nguyện chung với phái đoàn Giáo hội Âu châu. Bước sang ngày thứ hai, cuộc tuyệt thực cầu nguyện này rất được các cơ quan truyền thông quốc tế tại Hội Nghị chú ý. Họ thu hình, lấy tài liệu, nhiều khi còn làm một cuộc phỏng vấn bổ túc trước khi loan tin đi cùng khắp thế giới.
          (còn tiếp)  -  (Tiếp tục phần 10)

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Phỏng Vấn Ba Huynh Trưởng Cấp Dũng . . .
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 12) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 11) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 10) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 8) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 7) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 6) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 5) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt ( Kỳ 4) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 3) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3896628
Có 0 Khách Đang Online