Xuân là sứ mạng của Phật hóa
Xuân là vẻ dịu dàng êm ấm của trời đất, của lòng người và của muôn loài cây cỏ.
Nói đến Xuân, ta có thể chỉ ngay nơi đám cỏ xanh, nơi những cành hoa tươi nở, những bình minh trong sáng hay nơi những sự sống linh hoạt của muôn loài. Thi có câu: Xuân đáo nhơn gian thảo mộc tri.
... Khí trời êm dịu, cây cỏ tươi và nứt mộng nảy chồi, lòng người ta cảm đến nguồn sống yêu đương và tế nhị, ấy là xuân.
Xuân có riêng chi một lúc nào, một nơi nào hay một loại nào.
Muộn vật trong vũ trụ đều chứa đầy xuân ý.
Trong kinh Phật dạy : “Một sắc một hương đều là xuân ý, một hạt cải hay một vi trần toàn là Pháp thân”.
Pháp thân là gì. Là thể tánh linh diệu chơn tâm của chúng ta, cũng là chơn thể của muôn loài trong vũ trụ.
Trời, đất, loài vật, non, sông, cây cỏ, muôn ngàn hiện tượng khác nhau, đều sống trong một bản thể linh diệu của chơn tâm.
Trời đất sở dĩ xoay chuyển, cây cỏ sở dĩ sống, loài vật sở dĩ hiểu biết, cũng đều nương nơi diệu dụng của bản thể chơn tâm.
Bản thể chơn tâm xưa nay vẫn bình đẳng, ở nơi Phật không hơn, ở nơi phàm không kém, nhưng tùy theo tâ niệm riêng khác của chúng sinh mà có ra trăm ngàn sự hiển hiện...
Xuân vẫn không mùa, không năm tháng, nhưng vẫn tùy theo sự tuần hoàn của trời đất mà hiện ra có giữa trần gian.
Cũng như xuân, Phật ở trong vô số kiếp tu hành, chứng đặng thể chơn tâm bình đẳng, giác ngộ chơn lý sáng suốt, không kể kiếp này hay kiếp khác nơi nọ hay nơi kia, chỉ tùy theo cơ cảm của chúng sinh mà hiện thân hóa độ, khi thì hiện thân Tỳ-kheo, khi hiện thân cư sĩ, khi hiện thân Bồ-tát khi hiện thân Thanh văn, khi hiện thân chúng sinh, cho đến khi hiện thân Thích Ca trượng sáu, hay hiện thân ngàn trượng Lô-xá-na.
Trong kinh Pháp Hoa Phật dạy : “Trong ba ngàn Đại thiên thế giới, không chỗ nào không phải là chỗ đức Thích Ca bỏ mạng”. Cho biết trong ba ngàn Đại thiên thế giới, không chỗ nào không phải là trường thuyết pháp của đức Thích Ca, không chỗ nào không phải là chỗ của Ngài phủ cho bằng mây pháp, rưới xuống những hạt mưa cam lồ, bủa khắp khí hóa dịu dàng, và trí chiếu như mặt trời xuân đầm ấm, làm cho cây cỏ đượm nhuần muôn ngàn sanh linh được giác tỉnh, được yên lành sống trong thể vô lượng từ bi.
Từ khi có vũ trụ thế giới đến giờ, không năm nào, không tháng nào, không ngày nào, không giờ nào là không xuân. Và cũng không có thời nào là không phải Phật hoá. Xuân và Phật hóa xưa nay vẫn tự như như, non sông, cây cỏ, muôn ngàn chúng sinh, xuân đến đâu là Phật hóa đến đấy; Phật hóa ở đâu là xuân ở đấy. Trong Tâm kinh nói: “Tướng chơn không (chơn lý) của các pháp, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt”. Nương vào chơn lý này, ngộ được bản thể xưa nay của vũ trụ là tuyệt đối bình đẳng, ở thời nào cũng vậy, và nơi nào cũng vậy, chỉ tùy theo tâm lượng của chúng sinh mà cảm ứng.
Trong kinh Phật dạy : “Nếu chúng sinh giác ngộ đặng tâm, thì mười phương thế giới thảy đều tiêu mất”. Vậy biết : Không núi sông cây cỏ là không muôn loài chúng sinh, không muôn loài chúng sinh thì không có gì đáng gọi là xuân. Đến đó, ai là người biết xuân, ai là người thành Phật (?)
Xuân vì có muôn vật mà hiện ra vẻ dịu dàng xinh thắm; Phật hóa vì có chúng sinh mà có sự hóa độ trang nghiêm. Giả tướng: Nếu không có cảnh điêu tàn của muôn vật, thì xuân do đâu mà bày ra vẻ đẹp đẽ xinh tươi; nếu không chúng sinh mê chấp, thì Phật hóa do đâu mà giáo hóa. Thế cho biết: Xuân tươi đẹp là nhơn nơi vạn vật, Phật hóa độ là nhơn có chúng sinh. Vạn vật đã có cảnh tượng điêu tàn, là xuân mỗi năm mỗi đến; chúng sinh còn có mê chấp, là Phật mỗi đời mỗi ra. Khi nào không vạn vật mới là không xuân, không chúng sinh mới là không Phật hóa. Nếu người triệt để giác ngộ được chơn lý này, thì Phật cũng là ta, Tổ cũng là ta; bản thể rực rỡ hoạt động của vũ trụ, cùng với muôn ngàn sanh linh, muôn ngàn cây cỏ, có sai khác chút nào; sự biệu hiện của chúng sinh là sự biểu hiện của chơn lý, bản thể và diệu dụng không hai, như sóng và nước vẫn một. Viết đến đây tâm linh tôi như tuồng sáng tỏ, bên trong ngao ngát những hương thơm...
* * * * *
Đâu là vườn hoa vui đẹp ?
-. Tôi yêu nhất những nơi gió mát và ánh nắng dịu dàng soi.
Đâu là Cực lạc Thiên Quốc ?
-. Tôi yêu nhất những nơi chim kêu cùng hoa nở.
Một nhà thi hào của Phật giáo đã bảo cho ta biết: ỀChim kêu hoa nở đều là chơn lý, rặng tre xanh, đóa hoa hồng toàn lộ thể pháp vương.Ể Và:
Chim kêu oanh gọi xuân còn mãi.
Liểu lục hoa hồng sắc là không.
Chỉ vì chúng sinh từ vô thỉ dẫn lại, vô minh mở cho, sanh ra phân biệt sai lầm, chỗ nhận thức thành có khác, nên xuân cũng tùy theo muôn vật mà hiển hiện, Phật hóa cũng tùy cơ mà chuyển pháp luân.
Nào xuân ở Huế, xuân ở Bắc, hay xuân ở đâu đâu nữa, mặc dầu người ta đắm sắc mê hương, đáo đầu sắc tức là không.
Nào người xuất gia tu đạo, nào kẻ tại gia học Phật, nào kẻ mến đời mà tu, hay kẻ chán đời mà khổ hạnh, mặc dầu người ta tọa thuyền, luận đạo hay tụng chú, niệm kinh, chung qui là một...
Thế giới chúng ta ở đây, xưa kia là cảnh giới yên lành, lúc nào và ở đâu cũng bủa xuống sắc xuân êm dịu, đầy vẻ thanh cao. Chỉ vì chúng ta không nhận đặng bản thể chơn tâm, sanh ra vọng tưởng chấp trước, khởi lên ngọn lửa tham, sân, si đến nỗi đốt hết cung điện toàn thiện toàn mỹ mà xây đắp nên lâu đài nhỏ hẹp giả dối, cho đến nhơn loại ngày nay không còn gì là tự do hạnh phúc nữa.
Đương khi vũ trụ tối tăm, nhơn sanh ảm đạm, ai là bậc đủ có lòng đại từ đại bi, gióng chuông cảnh tỉnh, dựng nổi pháp tràng, đặng phá trừ bao nhiêu lao ngục, tiêu diệt tất cả phiền não tham, sân... trên chiếc thuyền từ Phật hóa, cùng nhau đi đến cảnh thanh xuân, đồng đến thế giới tốt đẹp yên lành, an hưởng cái vui chơn thường cực lạc. Cái trách nhiệm nặng nề và vĩ đại ấy, trong thiên hạ ngày nay, không phải thanh niên chúng ta thì còn ai ? ...
Kia vừng hồng đã chiếu rạng phương đông, toàn cầu đương bí các ma vương làm náo động.
Hỡi sứ giả của thanh xuân !
Hỡi các bạn thanh niên Phật hóa !
Hãy mau mau tỉnh dậy, cùng nắm tay nhau với cả lòng tin tưởng và sức mạnh trong công cuộc kiến thiết. Bình minh mỗi ngày mỗi sáng, nhưng, tuổi xuân của chúng ta theo ngày qua có trở lại đầu ! Chúng ta mau đi, vội vàng hăng hái mà làm việc, đem cả bầu nhiệt huyết nóng sôi, quyết phá tan thế lực của ma quân, lấy lại sự hạnh phúc hòa bình cho nhơn loại.
Sứ giả của thanh xuân! Hãy bước tới, bước tới, mạnh mẽ đi ! Tiền đồ rực rỡ đương đợi chúng ta.
Các bạn thanh niên Phật hóa ! Hãy cương quyết và can đảm lên ! Bao nhiêu thành tích vĩ đại chỉ còn thiếu sự tận tâm của chúng ta làm việc. Mau đi, ta làm việc, đem chủ nghĩa cũa chúng ta, thực hiện ra giữa nhân loại, sứ mạng của chúng ta là phải tuyên truyền cùng khắp thế giới. Ta cùng nhau cất tiếng gọi.
Hỡi muôn loại đồng bào yêu mến ! Lễ vật chúng tôi đã dự bị sẵn sàng, ai vui vẻ muốn đi cùng chúng tôi, chúng tôi đều xin đem tặng hết, tặng hết không xan lẫn chút nào.
Các người chớ buồn đau hay chán nản, đến đây với chúng tôi, chúng tôi sẽ giải thoát nỗi thống khổ buộc rang cho.
Các người xem: Trên thế giới ngày nay đầy dẫy những ưu sầu khổ muộn, nào lạnh, nóng, già, đau, nào chiến tranh khốc hại, nào ân ái biệt ly, nào oán thù tật đố... bể khổ sông mê, lưới khổ buộc ràng... biết bao là thống khổ hầu khắp quả địa cầu tuồng như không còn đâu là cảnh yên lành nữa !
Xin người hãy tỉnh ngộ, mau mau để thoát ly, đặng đến cảnh vui của Thiên quốc, vui Cực lạc, vui Thiền định, vui Giải thoát, vui Bồ-đề, vui Niết-bàn, cùng nhau vĩnh viễn sống trong một trời xuân... dưới gốc cây nghe tiếng âm nhạc dịu dàng... cùng lời thuyết pháp thâm huyền của Phật tổ...
Lúc bấy giờ đức Di lặc hạ sanh, ông Duy Ma lành bịnh, cõi đời yên lành biết bao! dịu dàng và êm ấm biết bao !
Núi sông như gương, người đều lành tốt, chơn tánh như như trùm khắp cả pháp giới hết thảy chúng sinh thảy đều thành Phật, muôn ngàn thế giới đổi thành vườn xuân tươi đẹp rực rỡ vô biên. Ấy là xuân, xuân là sứ mạng của Phật hóa - Đã hoàn thành trách nhiệm lớn lao với những công cuộc kiến thiết chung cho nhơn loại, cho toàn thể muôn vạn sanh linh.
Hỡi sứ giả của thanh xuân !
Hỡi các bạn thanh niên Phật hóa !
Ta hãy cùng nhau trong trẻo cất giọng ca xuân ! ...
Những Tác Phẩm của Thiền Sư Thích Mật Thể :
Phật Giáo Khái Luận
Phật Giáo Khái Luận (Lời Tựa)
Phật Giáo Khái Luận
Phật Giáo Khái Luận (Tổng Thuyết)
Phật Giáo Khái Luận (Câu Xá Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thành Thật Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Luật Tôn)
Phật Giáo Khái luận (Pháp Tướng Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Tam Luận Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thiên Thai Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (MatTôn)
Phật Giáo Khái Luận (Hoa Nghiêm Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thiền Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Tịnh Độ Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (phần cuối)
Thế Giới Quan Phật Giáo
Lời Nói Đầu
Vài Nét Về Tiểu Sử Tác Giả
Tìm Đường
Hai Nguyên Lý Phật Giáo
Tìm Hiểu
Phật Giáo Với Vấn Đề Nhân Sinh
Phật Thích Ca Là Hiện Thân
Nhận Thức Luận
Phật Thân Luận
Kết Luận
Kinh Vô Lượng Nghĩa và Xuân Đạo Lý
Lời Giới Thiệu
Kinh Vô Lượng Nghĩa
XUÂN ĐẠO LÝ
Xuân Hóa
Xuân
Phật Giáo Với Hiện Đại
Thuần Tuý
Phật Hóa Thanh Niên
Xuân ở Lòng Người
Đã Đến Thời Kỳ Kiến Thiết
Đạo Lý Bình Đẳng của Phật Giáo
Ứng Phú Hoàn Cảnh
Mộng
Những Vần Thơ Xuân