PHÁP KHÍ và PHÁP PHỤC
Thượng tọa THÍCH TÍN NGHĨA
Đây là một danh từ rất phổ thông trong chốn thiền môn. Pháp khí là những đồ dùng trong chùa nhưng đúng với Phật pháp như chông mõ, khánh, tang đẩu, linh, chung cổ, v.v... . Pháp phục là những y phục dành cho trong nhà chùa, cũng có thể cho hàng phật tử tại gia nhưng có thọ giới pháp của Phật. Có những cái đã có từ khi đức Phật còn tại thế như Y, Bát, ... có những cái sau nầy chư tổ mới tùy duyên mà sáng chế ra tùy theo quốc độ, tùy theo phương tiện như tích trượng, chuông mõ, khánh, bảng, đại hồng chung...
Pháp khí có những cái liên quan đến cổ nhạc Phật giáo, nhưng có những cái dùng trong thường ngày.
Hầu hết những vị xuất gia hay tại gia tùy theo tông phái khi tụng kinh, bái sám, hành lễ đều ít nhiều có dùng đến những pháp khí nói trên. Và, cũng tùy theo buổi lễ để xử dụng cho đúng chỗ và đúng điệu của nó. Một bài tán hương cúng Phật được cử lên, ta đã thấy những cung điệu thật nhịp nhàng với nhau một cách tuyệt diệu. Bài tán là một bài thơ Phật pháp được phổ theo điệu nhạc thiền. Nếu bài thơ được phổ dồn dập lời nhạc thì được gọi là tán xấp, nếu phổ theo điệu nhạc lơi thì được gọi là tán rơi. Và, khi ta đi vào bằng một tâm hồn thiền học thì ta thấy những âm ba ấy làm cho cõi lòng ta an nhiên tự tại và cảm thấy thanh thoát. Vì giá trị văn thơ và triết lý của bài thơ đã là cao sâu, nốt nhạc để diễn tả những vầng thơ ấy lại càng thấm hương vị thiền rất là sâu sắc.